Mối tình tri kỷ
Năm mươi năm đã trôi qua kể từ khi Mục sư King bị ám sát1, nhưng những nỗ lực vận động cho hòa bình cũng như tình tri kỷ thâm sâu giữa Sư Ông Làng Mai và Mục sư King đáng để cho chúng ta ôn lại, học hỏi và tiếp nối hạnh nguyện của chư vị.
Kẻ thù chúng ta không phải con người
Sư Ông và Mục sư King gặp nhau vào lúc các Ngài đang ở vào một thời điểm then chốt trong cuộc đời của mỗi người. Hai Ngài đều là những nhà trí thức ưu tú, những nhà lãnh đạo tâm linh và cũng là những nhà hoạt động xã hội đi đầu trong các phong trào bất bạo động, tranh đấu cho một sự thay đổi toàn diện giữa bối cảnh bạo động đang leo thang tại đất nước của các Ngài. Các Ngài đều phải đối diện với những nguy cơ đe dọa, đàn áp và những hoàn cảnh hiểm nguy. Với lòng nhân bản, tâm từ bi, khả năng lãnh đạo và sự tương kính lẫn nhau, các Ngài đã dung nhiếp được cả hai phong trào hòa bình cho dân tộc Việt Nam và nhân quyền cho đất nước Mỹ thành một. Cuộc tao ngộ của hai tâm hồn siêu việt này đã góp phần chuyển hướng dòng chảy của lịch sử.
Tất cả bắt đầu vào ngày 1 tháng 6 năm 1965, khi Sư Ông đặt vấn đề trực tiếp với Mục sư King trong một lá thư ngỏ (open letter) với nhan đề “Đi tìm kẻ thù của con người”2. Lá thư được gửi đi chỉ vài tuần trước khi Tổng thống Mỹ Lyndon B. Johnson quyết định bước sâu hơn vào chiến trường Việt Nam và khẳng định sự tham gia toàn diện của Mỹ vào cuộc chiến bằng cách tuyên bố rằng “sức mạnh chiến đấu củ Mỹ” sẽ được tăng cường ngay lập tức từ 75,000 đến 125,000 nhân lực, và sẽ tiếp tục được gia tăng nhiều hơn nữa trong tương lai.3
Trong hoàn cảnh gay go đó, mặc dù đã có sự giằng co trong lương tri của Ngài, nhưng trong lời tự thuật sau này, Mục sư King – người được nhận giải Nobel Hòa bình năm 1964 – nói rằng Ngài đã “không xuống đường, không giăng biểu ngữ, không vận động những cuộc biểu tình”4. Vì Ngài tin rằng, cuộc chiến đẫm máu sẽ mau chóng chấm dứt nếu người Mỹ thay vì tham gia vào cuộc chiến và kéo dài các sự tranh cãi, chuyển sang tham dự các cuộc đàm phán về ngưng chiến và hòa bình. Chiến lược của nhà lãnh đạo nhân quyền lão thành trong giai đoạn đó là “đóng vai im lặng” và âm thầm thúc đẩy, vận động cho hòa bình qua các cuộc đàm phán.
Trong bức thư ngỏ gởi Mục sư King, Sư Ông muốn giải thích cho các bạn Ki-tô giáo Tây phương “hiểu được tường tận ý nghĩa” về sự tự thiêu của bốn thầy và một sư cô vào mùa hè năm 1963, bắt đầu bằng sự hy sinh của Hòa thượng Thích Quảng Đức. Sư Ông khẳng định những hành động đó không phải là tự tử, cũng không phải là một sự tuyệt vọng hay phản kháng, mà là những hành động dũng cảm cao tột, đầy chất liệu thương yêu của Đại Từ, Đại Bi mang niềm tin và hy vọng cho những gì tốt đẹp sẽ đạt được trong tương lai. Những vị ấy đã sẵn sàng hy sinh sự sống của mình vì lợi ích của cả dân tộc trong lúc toàn bộ Phật giáo bị kỳ thị và đàn áp dã man do chế độ Ngô Đình Diệm áp đặt tại miền Nam Việt Nam.5
“Thưa Mục sư”, Sư Ông viết cho Mục sư King, “tôi tin với tất cả tâm hồn tôi rằng trong lúc tự thiêu, các vị tăng sĩ Việt Nam không nhắm đến cái chết của những kẻ đàn áp tàn bạo mà chỉ nhắm đến sự thay đổi của chính sách họ. Kẻ thù của các vị tăng sĩ kia không phải là con người. Kẻ thù của họ là cuồng tín, là độc tài, là tham lam, là giận dữ, là kỳ thị – những thứ này nằm sâu trong lòng người.
“Tôi cũng tin chắc rằng cuộc đấu tranh vận động cho bình đẳng và tự do mà Mục sư lãnh đạo ở Birmingham, Alabama,… không nhắm đến sự chống báng người da trắng mà chỉ nhắm đến sự chống báng kỳ thị, giận dữ, độc ác. Những cái này vốn là những kẻ thù đích thực của con người, chứ không phải là con người.
“Nơi tổ quốc Việt Nam thân yêu của chúng tôi, mỗi ngày chúng tôi đều gào thét một cách tuyệt vọng: Xin đừng giết con người, dù là nhân danh con người. Hãy giết kẻ thù đích thực của con người – những kẻ thù này hiện hữu khắp nơi, trong trái tim và khối óc mỗi người”.6
Quý vị không thể giữ im lặng
Sư Ông chia sẻ tiếp cho Mục sư King biết rằng vô số những người nông dân và trẻ em Việt Nam đã bị tàn sát bi thảm trong cuộc chiến tàn khốc kéo dài trên 20 năm. “Tôi biết chắc rằng bởi vì Mục sư đã từng dấn thân vào một cuộc tranh đấu cam go nhất cho bình đẳng và nhân quyền, Ngài là một trong những người có thể hiểu thấu và chia sẻ được những đau khổ không bờ bến của dân tộc Việt”.
Sư Ông đặt vấn đề cho Mục sư King, đó là “các nhà nhân bản lớn trên thế giới” không thể nào còn giữ được thái độ im lặng trước cuộc chiến Việt Nam. Sư Ông tiếp tục: “Chính Ngài không thể nào còn giữ được thái độ im lặng như thế. Mỹ quốc thường được nhắc nhở tới như một quốc gia có căn bản vững chãi về tôn giáo, vậy thì các nhà lãnh đạo tinh thần của dân tộc Mỹ sẽ không thể nào để cho đường lối chính trị và kinh tế Hoa kỳ thiếu mất chất liệu tâm linh được. Ngài không thể im lặng được, bởi vì Ngài đã từng hành động và Ngài hành động vì Thượng đế đang hành động trong Ngài…”.
Tôi đã có mặt trong hào quang của một vị thánh
Để vận động cho hòa bình và kêu gọi sự chấm dứt những khổ đau tại Việt Nam, Sư Ông rời Việt Nam vào tháng 5 năm 1966 để thực hiện những cuộc du thuyết khắp nơi trên đất Mỹ hầu loan tải những thông tin xác thực nhất cho quần chúng của đất nước này về “tình trạng hiện thực của Việt Nam”7, những tin tức mà những người đó không thể nào tiếp cận được từ các nguồn thông tin bản địa. Sư Ông và Mục sư King gặp nhau lần đầu vào ngày 1 tháng 6 năm 1966. Trong những ký sự về sau, Sư Ông đã viết về cuộc gặp gỡ ấy như sau: “Ngay từ giây phút đầu tiên, tôi biết tôi đang có mặt trong hào quang của một vị thánh. Không chỉ những hoạt động cao cả Ngài đang thực hiện mà chính sự sống, sự hiện hữu của tự thân Ngài là một nguồn cảm hứng lớn cho tôi”.8
Sư Ông và Mục sư King đã mở một cuộc họp báo chung tại Chicago vào ngày 1 tháng 6 năm 1966.
Trong một cuộc họp báo chung, Sư Ông yêu cầu sử dụng những phương thức bất bạo động để xóa bỏ “kẻ thù đích thực của con người”: Đó là sự giận dữ, hận thù và kỳ thị. Sư Ông khẳng định những hoạt động về nhân quyền và cá cuộc đấu tranh cho bình đẳng chủng tộc của Mục sư King là hoàn toàn đi đôi với những cố gắng chấm dứt mâu thuẫn và xung đột tại Việt Nam.
Về phía Mục sư King, ngày hôm đó, Ngài đã lên tiếng mạnh mẽ chống lại cuộc chiến tại Việt Nam. “Đó là ngày chúng tôi cùng hợp sức để vận động cho hòa bình tại Việt Nam cũng như tranh đấu cho dân quyền, cho sự bình đẳng chủng tộc tại Hoa Kỳ”9, Sư Ông đã viết như vậy trong những năm tháng về sau. Cũng vào khoảng thời gian này, Sư Ông bị cấm trở về lại Việt Nam và từ đó trở thành một người lưu vong trong vòng bốn mươi năm tại hải ngoại.
Cuộc tao ngộ với Sư Ông đã để lại một ấn tượng sâu đậm trong lòng Mục sư King và giúp cho Ngài ý thức một cách sâu sắc hơn những thách thức về đạo đức và nhân bản mà cuộc chiến tại Việt Nam đặt ra cho toàn thể nhân loại. Vào ngày 25 tháng 1 năm 1967, Mục sư King đã gửi bức thư sau đây đến Viện Nobel Na Uy ở Oslo:
“Kính thưa Quý Ngài,
Với tư cách là người được nhận Giải Nobel Hòa bình năm 1964, tôi nay rất vinh hạnh để đề cử Thầy Nhất Hạnh cho giải thưởng này trong năm 1967.
Cá nhân tôi không biết một ai có thể xứng đáng để tiếp nhận giải Nobel Hòa bình hơn là vị tu sĩ Phật giáo Việt Nam đức độ và hòa nhã này.
Năm nay sẽ là một năm đặc biệt đầy những triển vọng tốt lành nếu quý Ngài trao tặng giải thưởng đến Thầy Nhất Hạnh. Đây là một người tiên phong trong phong trào hòa bình và bất bạo động, một con người đã bị tách ra khỏi đồng bào ruột thịt của mình trong khi họ đang bị đàn áp bởi một cuộc chiến khốc liệt, tàn bạo, có nguy cơ đe dọa lương tri của cả nhân loại và sự thanh bình, yên ổn trên toàn thế giới.
Vì không có vinh dự nào đáng tôn kính hơn là giải Nobel Hòa bình, tôi tin rằng ban tặng giải thưởng đó cho Thầy Nhất Hạnh tự nó sẽ là một hành động cao cả nhất để tôn vinh hòa bình. Điều đó sẽ nhắc nhở các quốc gia rằng luôn có những con người đầy thiện chí và giàu lòng nhân ái sẵn sàng dẫn lối cho những phần tử hiếu chiến ra khỏi vực thẳm của hận thù, hủy diệt và tàn phá. Nó sẽ một lần nữa thức tỉnh con người, giúp họ học được bài học về cái đẹp và tình thương được nuôi dưỡng trong hòa bình. Nó sẽ làm sống dậy niềm hy vọng cho một thế giới mới đầy công bằng và hòa hợp.
Tôi biết Thầy Nhất Hạnh, và rất vinh dự được xem Thầy là bạn. Cho phép tôi chia sẻ với quý Ngài những gì tôi biết về Thầy. Quý Ngài sẽ thấy đây là một con người đặc biệt với nhiều chí nguyện và tài năng đáng kinh ngạc.
Thầy Nhất Hạnh là một người thánh thiện vì Ngài khiêm cung và chân thành. Ngài là một học giả có trí năng quảng bác. Là tác giả của 10 đầu sách, Ngài cũng là một nhà thơ đầy lòng nhân ái với trí tuệ minh triết siêu việt. Ngài là một học giả chuyên nghiên cứu về Triết học Tôn giáo và là Giáo sư của Viện Đại học Phật giáo Vạn Hạnh, Viện Đại học mà Ngài đã góp phần sáng lập. Ngài điều hành Viện Xã hội học tại đại học này. Con người siêu việt này cũng là chủ bút của Thiện Mỹ, một tuần báo Phật giáo có tầm ảnh hưởng lớn. Ngài là Hiệu trưởng trường Thanh Niên Phụng Sự Xã Hội, một tổ chức huấn luyện những người trẻ để tái thiết lập và xây dựng những làng quê bị tàn phá bởi chiến tranh.
Ngày hôm nay, Thầy Nhất Hạnh có thể được coi như là không còn có quê hương và đất nước để trở về. Nếu Ngài trở về Việt Nam, dĩ nhiên đó là ao ước thâm sâu của Ngài, tánh mạng của Ngài sẽ như chỉ mành treo chuông. Ngài là nạn nhân của một sự đày ải đặc biệt là tàn bạo vì Ngài đã dám lên tiếng đề nghị ủng hộ mang lại hòa bình cho tất cả đồng bào ruột thịt của mình. Đây quả thật là một bi kịch đau thương đang xảy ra hiện nay tại Việt Nam và thật là bi đát cho những ai vẫn muốn kéo dài tình trạng khổ đau này.
Lịch sử dân tộc Việt Nam có không biết bao nhiêu thời kỳ bị bóc lột và khai thác bởi ngoại xâm và hạng người bất lương giàu có, ngay cả cho đến bây giờ, người dân Việt Nam vẫn đang bị cai trị khắc nghiệt, đói khát, nghèo khó và phải gánh chịu những gay go gian khổ cũng như sự khốc liệt của cuộc chiến hiện đại.
Thầy Nhất Hạnh đem đến cho chúng ta một lối thoát khỏi cơn ác mộng này, một giải pháp có thể chấp nhận được bởi những nhà lãnh đạo sáng suốt. Ngài đã đi du thuyết khắp thế giới để cầu xin sự yểm trợ, nâng đỡ của những chính khách lỗi lạc, những nhà lãnh đạo tôn giáo, học giả và văn sĩ trí thức. Những tuệ giác của Ngài về hòa bình, nếu được thực hiện, sẽ là chứng tích cho một thế giới đại đồng, đầy tình huynh đệ và tình nhân loại.
Tôi xin trân trọng đề nghị với quý Ngài, hãy thúc đẩy và trao thêm sức mạnh cho nỗ lực xây dựng hòa bình của Thầy Nhất Hạnh thông qua việc trao tặng Giải thưởng Nobel Hòa bình năm 1967. Thầy Nhất Hạnh chắc hẳn sẽ nhận vinh dự cao quý này với tất cả sự khiêm nhường và lòng biết ơn.
Trân trọng, Mục sư Martin Luther King, Jr.”10
Tiếp nối giấc mơ của Mục sư King
Vào tháng 5 năm 1967, ngay sau bài diễn văn kêu gọi hòa bình cho Việt Nam tại Riverside Church của Mục sư King, Sư Ông gặp lại Mục sư tại Hội nghị “Hòa bình trên Trái đất” do Hội đồng Thế giới của các Giáo hội (World Council of Churches) tổ chức tại Geneva, Thụy Sĩ. Chính tại hội nghị này, trong một buổi ăn sáng chung tại phòng riêng của Mục sư King ở khách sạn, Sư Ông và Mục sư đã tiếp tục đàm đạo về hòa bình, tự do, về xây dựng tăng thân hay cộng đồng yêu quý, cũng như những bước đi mà chính quyền Mỹ nên tiến hành để chấm dứt cuộc chiến tranh tại Việt Nam.
Sư Ông đã nói với Mục sư King: “Này Mục sư King! Ông có biết rằng ở Việt Nam người ta xem ông như là một vị Bồ tát hay không? Một người mang hết tất cả sức mình để làm vơi bớt những khổ đau của chúng sanh”.11
Sư Ông đã viết rằng Sư Ông rất hạnh phúc vì đã có cơ hội nói được điều đó với Mục sư King, bởi vì chỉ gần một năm sau đó,Mục sư bị ám sát (đúng vào ngày mà một năm trước đó Người đã nói bài diễn văn tại Riverside Church).
“Tôi đang ở New York khi nghe tin Mục sư King bị ám sát. Lúc đó tôi cảm thấy suy sụp, tôi không thể ăn, không thể ngủ được”, Sư Ông nhớ lại. “Tôi phát nguyện là sẽ tiếp tục sự nghiệp xây dựng tăng thân, hay Cộng đồng yêu quý như cách nói của Mục sư King, không chỉ cho tôi mà còn cho Mục sư. Đến bây giờ tôi đã làm được điều mà tôi đã hứa với Mục sư King, và tôi luôn cảm thấy Ngài đang yểm trợ cho tôi trong sự nghiệp này”.12
Giấc mơ của Mục sư King giờ đây đang trở thành hiện thực bởi sự biểu hiện của tăng thân khắp chốn. Lời nhắn nhủ của Sư Ông năm nào luôn khắc ghi trong trái tim các học trò của Người: “Thầy muốn tất cả các vị phải biến giấc mơ của Martin Luther King thành giấc mơ của mình. Mỗi chúng ta phải là một người dựng Tăng, như vậy mới xứng đáng với sự trông chờ của Bụt. Bụt cũng đã xây dựng một tăng thân rất đẹp, Ngài có những người phụ tá giữ vai trò là người dựng tăng rất xuất sắc như ngài Xá Lợi Phất, ngài Ca Diếp, ngài Mục Kiền Liên v.v. Dù là người xuất gia hay tại gia mình cũng phải mang hoài bão đó, phải là sự tiếp nối của Đức Thế Tôn, phải xây dựng tăng thân cho có sự thương yêu, hiểu biết, tha thứ, bao dung để làm đẹp cho xã hội. Và chính tăng thân đó thúc đẩy xã hội đi lên, giúp lấy đi những bất công và tệ nạn trong xã hội và trong cuộc sống hằng ngày. Thầy đã đem hết thì giờ, tâm huyết và năng lực ra để xây dựng tăng thân, và thầy muốn trao truyền lại cho quý vị ước mơ đó, ước mơ mà Mục sư Martin Luther King cũng đã muốn trao truyền”.13
Chú thích:
- Mục sư bị ám sát vào ngày 4.4.1968 tại Memphis, bang Tennessee, Mỹ
- Tác phẩm “Hoa sen trong biển lửa”- Thích Nhất Hạnh (Lá thư nằm ở phần Phụ lục)
- Bản đánh máy từ cuộc họp báo của Tổng thống Johnson vào ngày 28.7.1965, được lưu trữ tại The American Presidency Project: https://www.presidency.ucsb.edu/documents/the-presidents-news- conference-1038
- Tự truyện về Mục sư Martin Luther King, Jr. (The Autobiography of Martin Luther King, Jr.), do Clayborne Carson biên tập, NXB Grand Central Publishing, Park Avenue, New York, ấn bản e-book phát hành tháng 1.2001, Loc 5578
- Trong một thập kỷ sau đó, còn có thêm nhiều tu sĩ Phật giáo cũng như Phật tử đã tự thiêu để thu hút sự chú ý của dư luận về tình trạng đàn áp đang diễn ra lúc bấy giờ và về những khổ đau cùng cực do chiến tranh gây ra, trong đó có sự tham dự ngày càng sâu của quân đội Mỹ.
- Sư Ông cũng nói lên thông điệp này trong bài thơ “Dặn dò” – Tuyển tập thơ Nhất Hạnh. Xúc động sâu sắc trước thông điệp này, thầy Pháp Ấn đã phổ nhạc bài thơ và đã hát nhiều lần trước đại chúng khi được Sư Ông đề nghị.
- Tác phẩm “At home in the world: Stories and Essential Teachings from a Monk’s Life” – Thích Nhất Hạnh, trang 12
- Tác phẩm “At home in the world”, trang 72
- Tác phẩm “At home in the world”, ngoài ra có thể tham khảo thêm nội dung cuộc phỏng vấn của Oprah Winfrey với Sư Ông: https://plumvillage.org/thich-nhat-hanh-interviews/oprah-talks-to-thich-nhat-hanh/
- Có thể đọc bản fax lá thư của Mục sư King tại website “The King Center”, thành lập năm 1968 bởi bà Coretta Scott King: http://www.thekingcenter.org/archive/document/letter-mlk-nobel-institute
- Chương “Ai là người tri kỷ”, tác phẩm “Truyền thống sinh động của thiền tập” – Sư Ông Làng Mai: https://langmai.org/tang-kinh-cac/vien-sach/giang-kinh/truyen-thong-sinh-dong-cua-thien-tap/phuong- phap-tu-tap-lang-mai/ai-la-nguoi-tri-ky/
- Tác phẩm “At Home In The World”, trang 73 13. Pháp thoại ngày 02.12.2008, tại nội viện Phương Khê