Làng Mai năm qua
Đầu năm Kỷ Hợi, với tấm lòng trân quý và biết ơn, bốn chúng Làng Mai xin kính gửi đến quý thân hữu khắp nơi trên thế giới lời chúc Năm Mới thật dồi dào sức khỏe, với nhiều an lạc và thảnh thơi. Kính chúc quý vị luôn có thể làm mới mình trong từng hơi thở chánh niệm, từng bước chân ý thức để có thể hiến tặng sự có mặt đích thực của mình cho những người thương xung quanh, để chúng ta cùng nhau xây đắp tình tăng thân và làm lợi lạc cho đời.
Dưới đây, chúng tôi xin được lược thuật những gì đã diễn ra tại Làng Mai trong năm vừa qua:
Bộ phim “Bước chân an lạc” (Walk With Me) ra mắt khán giả Việt Nam
Sau nhiều tháng ngày chờ đợi, bộ phim Walk With Me – một bộ phim tài liệu về Sư Ông và tăng thân Làng Mai đã được chiếu tại hơn 150 rạp trên khắp nước Mỹ, Úc, Hồng Kông, Thái Lan và một số nước ở Âu châu – đã có cơ hội ra mắt khán giả Việt Nam trong dịp đầu năm mới. Bộ phim được công chiếu đầu tiên tại Tp. Hồ Chí Minh vào ngày 23.2.2018, sau đó tại Đà Nẵng (ngày 3.3) và tại Hà Nội (ngày 10.3). Ông Nguyễn Trung Trực và bà Trịnh Vĩnh Trinh – đại diện gia đình cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn là Trưởng ban tổ chức Lễ ra mắt bộ phim tại Việt Nam.
Sư cô Chân Không cùng quý thầy, quý sư cô Làng Mai đã có mặt tại các buổi công chiếu để giới thiệu về bộ phim cũng như về phương pháp thực tập tại Làng Mai. Sự có mặt của tăng thân làm cho rạp chiếu phim trở thành một thiền đường mà không phải chỉ đơn thuần là một nơi xem phim.
Dưới đây là nhận xét của một số khán giả sau buổi công chiếu tại Hà Nội đã được gửi đến cho Trang nhà Làng Mai:
“Cứ mỗi năm đến mùa này thì khắp nơi nô nức lễ chùa. Báo mạng truyền thông thì trăn trở với những hình ảnh chen lấn xô đẩy nhau để cầu lộc cầu phước và môi trường thì bị ô nhiễm nặng nề… Thế nhưng tối hôm qua có một hình ảnh gần 900 con người quây quần bên nhau để chia sẻ kinh nghiệm của sự thực tập quay về hải đảo tự thân cho một hạnh phúc đích thực mà không cần tìm cầu ở đâu bên ngoài. Hình ảnh từng dòng người đi chậm rãi vào rạp chiếu phim mà không cần phải xô đẩy chen lấn nhau đã cho thấy một dấu hiệu tích cực và ấn tượng đẹp của chiều hướng tâm linh… Rất đông nhưng rất tĩnh” – N.D.
———–
“Bước chân an lạc (Walk With Me) là một bộ phim tài liệu và không đem lại cảm giác bùng nổ kiểu bom tấn nào cả. Nó chỉ đọng lại ở bạn khi bạn thực sự cảm được những tầng lớp chiều sâu của nó.
Tôi là cô học trò bỡ ngỡ, ngơ ngác trên con đường rất mới mẻ này. Tự nhận rằng mọi sự diễn ra là những cơ duyên may mắn của cuộc đời… May mắn hiểu rằng toàn bộ quá trình phát triển cá nhân là một chuỗi những vật vã đấu tranh nội tại, lột xác và trưởng thành. Ý thức, tư tưởng, giá trị, niềm tin,… nó không đơn thuần tự dưng mà có. Mãi cho đến bây giờ, ở một số phương diện nhất định, tôi vẫn còn là một mầm xanh cần thêm rất nhiều nội lực để thực sự vững vàng trước bão. Và ở đây, qua những thước phim, tôi tìm thấy sự uy nghi, trầm mặc và vững chãi vô cùng của thân cây in đậm dáng hình, trơ cành khẳng khiu trong bão tuyết.
Cái triết lý tĩnh lặng là nốt trầm trong một bản nhạc trở nên đậm nét trong suốt chiều dài bộ phim. Đó là lý do hầu hết âm thanh trong phim đều sử dụng âm thanh thực. Âm thanh cuộc sống. Giữa tiếng chim hót ríu rít qua khung cửa sổ, tiếng ầm ào của động cơ xe cộ, trong tiếng huyên náo của phố phường, thậm chí tiếng chửi rủa, lăng mạ của những người không tôn trọng sự khác biệt tôn giáo, họ vẫn ngồi đó, thâm trầm, vững chãi. Tôi bị cuốn hút bởi khuôn mặt của một sư thầy người phương Tây, có khóe mắt và nụ cười vui nhộn, hài hước theo kiểu các anh cao bồi trong phim Mỹ, lại có chút nếp nhăn từng trải nhẹ nhàng sâu sắc. Thầy dẫn đầu đoàn người băng qua ngã tư nhộn nhịp bằng những bước đi chậm, thật chậm, khoan thai với ánh nhìn… vào bên trong. Thần thái đó, con người đó, bối cảnh đó, âm thanh đó thuyết phục tôi hoàn toàn. Bởi nó rất đời và rất thực!…” – Nga Nguyễn
————–
“Không kịch bản. Không nhân vật chính. Thật quá khó để diễn tả bằng ngôn ngữ phim ảnh, chỉ trong gần 90 phút, toàn bộ tinh thần Làng Mai và cốt tủy Pháp môn của Làng Mai. Do đó, những ai mong cầu qua bộ phim này sẽ hiểu về cuộc đời và thành tựu của Thiền sư Thích Nhất Hạnh thì sẽ thất vọng. Mọi thứ đan xen nhau chậm rãi, thong thả, góp nhặt dưới sự liễu ngộ của chính người làm phim.
Phim có nhiều khung hình cận cảnh, thậm chí đại cận, như đặc tả nhà sư nhìn những con kiến chơi đùa trên các xớ chiếu bông, những con bọ cánh cam chạy đâu đó trên sàn gỗ, hai bàn tay của một vị sư đang để trên bụng cảm nhận nhịp thở, rồi chú rùa, cánh bướm nhiều màu sắc đậu trên một đài hoa khô… Xem phim có cảm giác như người làm phim chẳng bận tâm công việc, cứ rong chơi, kiểu như xách cái máy quay đi lang thang, thấy cái gì đẹp thì ghi lại, mà ghi lại thật tỉ mẩn và đầy mỹ cảm…
Tất cả những điều này đòi hỏi một trái tim biết thấy những điều nhỏ nhặt vốn dễ bị lãng quên trong đời sống thường nhật. Tinh thần này chính là điểm cốt lõi trong cuốn Nẻo về của ý, mà ở đó Thiền sư Thích Nhất Hạnh mô tả chi tiết bông hoa, chiếc lá, con châu chấu, cánh bướm,… Tinh thần đó là tinh thần của một đời sống chánh niệm – làm việc gì biết mình đang làm việc đó, biết ta đang rửa chén, biết ta đang nấu ăn; nhìn thật sâu, lắng nghe thật kỹ, thấy mùa đông là sự chuẩn bị cho mùa xuân, thấy sự thay đổi, sự vô thường chính là cuộc sống và vui sống với nó”. (Cảm nhận về bộ phim của tác giả Bùi Lan Xuân Phượng được đăng tại trang Tuổi trẻ online ngày 9.3.2018)
Sau buổi công chiếu tại ba thành phố lớn, bộ phim đã được chiếu rộng rãi tại các rạp chiếu trên khắp cả nước và được đón nhận một cách nồng nhiệt. Tin tức về bộ phim cũng được lan rộng trên báo chí, truyền hình và mạng xã hội của Việt Nam.
Khoảng hai tháng sau đó, vào ngày 3.5, bộ phim cũng lần đầu tiên ra mắt khán giả Pháp tại rạp chiếu phim Grand Rex, Paris với sự có mặt của Sư cô Chân Không và quý thầy, quý sư cô Làng Mai.
Khóa tu Xuất sĩ: Còn nhau ta còn tương lai (26.2– 8.3.2018)
Sau khi đón tết Mậu Tuất, đại chúng ở Làng lại háo hức bước vào khóa tu mười ngày dành cho xuất sĩ. Cây Mimosa gần tháp chuông xóm Thượng nở hoa vàng rực chào đón quý sư cô từ xóm Hạ, xóm Mới, Thiền đường Hơi Thở Nhẹ – Paris, cùng với quý thầy, quý sư cô từ EIAB – Đức về xóm Thượng trong không khí sum họp đầm ấm của gia đình Áo nâu.
Ai trong đại chúng cũng được nuôi dưỡng thật nhiều từ những buổi thiền tọa, thiền hành, pháp đàm, những buổi chia sẻ chân tình của quý thầy, quý sư cô giáo thọ, cũng như những sinh hoạt ngoại khóa như đi bộ đường dài theo nhóm trong ngày làm biếng, học làm bánh mỳ, bánh bao, học vẽ, v.v. Năm nay, Ban tổ chức có sáng kiến làm một buổi chuyện trò “talk show” với sư cô Chân Đức và thầy Giới Đạt, thật vui và thân tình. Sự dí dỏm, hài hước của những người dẫn chương trình – sư cô Vịnh Nghiêm và thầy Trời Phạm Hạnh – đã làm cho buổi “talk show” trở nên vô cùng sinh động, hấp dẫn và đầy ắp tiếng cười.
Buổi lễ Truyền đăng cho 27 vị tân giáo thọ đã diễn ra trong hai ngày của Khóa tu xuất sĩ năm nay. Thầy Pháp Ứng, sư cô Chân Đức, sư cô Diệu Nghiêm và sư cô Tuệ Nghiêm đã thay mặt Sư Ông làm lễ Truyền đăng. Dưới đây là những bài kệ truyền đăng được trao cho các vị tân giáo thọ.
Thầy Thích Chân Nguyên Tịnh
Thế danh: Trần Hiếu Quang
Pháp danh: Quảng Huy
Căn nguyên lục giác thể đồng quang
Ngũ uẩn hành thâm tịnh thế gian
Chân vọng tùy tâm y tha khởi
Viên thành thật tánh tự an ban.
Thầy Thích Chân Pháp Diên
Thế danh: Thái Anh Tuấn
Pháp danh: Tâm Đăng Tú
Cổ pháp vang rền hội diên khai
Bến xưa, quê cũ dựng lâu đài
Quân vương hạ chiếu thi lục độ
Cứu hết trần gian, cứu muôn loài.
Thầy Thích Chân Pháp Chất
Thế danh: Lê Văn Khanh
Pháp danh: Tâm Nhuận Dụng
Pháp trong cõi Bụt hằng sa
Siêng năng chất phác cũng là thệ xưa
Sớm hôm tinh tấn hương đưa
Quán sâu một pháp cũng vừa độ sanh.
Thầy Thích Chân Pháp Kính
Thế danh: Bùi Đức Tân
Pháp danh: Tâm Giác Minh
Vạn pháp quay về nương một pháp
Chiếu soi rạng rỡ kính chân như
Trăng khuya vằng vặc trời phương ngoại
Rộng nẻo đi về nguyện hà sa.
Thầy Thích Chân Pháp Ẩn
Thế danh: Phan Viết Khoa
Pháp danh: Tâm Liên Khiêm
Pháp Bụt ẩn sâu lý nhiệm mầu
Văn tư cần sách thật bền lâu
Mỗi đường kim chỉ đều nuôi dưỡng
Ơn thầy nghĩa bạn quả thánh cầu.
Thầy Thích Chân Pháp Đại
Thế danh: Nguyễn Quang Nhật
Pháp danh: Tâm Liên Nhẫn
Pháp hoa phương tiện đại thừa
Rồng dâng châu ngọc trời mưa Mạn thù
Bao năm xuân hạ công phu
Sen vàng đỡ gót vân du độ đời.
Thầy Thích Chân Pháp Côn
Thế danh: Phan Đặng Duy Thuật
Pháp danh: Tâm Liên Thành
Pháp lành soi sáng ngọc côn sơn
Sạch hết bao nhiêu kiếp tủi hờn
Chuyên tâm học hỏi tỳ ni pháp
Chánh kiến nhìn sâu rõ giả chơn.
Thầy Thích Chân Pháp Biểu
Thế danh: Matino Toneri
Pháp danh: Peaceful Artist of the Heart
Pháp là biểu hiện từ tâm
Cảnh kia đẹp đẽ do chăm đúng thời
Uy nghi đĩnh đạc gọi mời
Độ người khắp chốn thảnh thơi độ mình.
Thầy Thích Chân Pháp Lịch
Thế danh: Cao Văn Bình
Pháp danh: Tâm Liên Trung
Rỗng rang giới định nghiêm thân
Pháp sâu hiển lộ trong ngần nước trăng
Công phu trác lịch thâm ân
Bi hoa viên mãn thuyền giăng biển ngoài.
Sư cô Thích Nữ Chân Lưu Nghiêm
Thế danh: Nguyễn Thị Bích Chi
Pháp danh: Tâm Phước Ngàn
Pháp giới thanh tịnh ngọc lưu ly
Nghiêm hành chân niệm thấy chân tâm
Bài hát bản môn tuôn bất tuyệt
Vườn xưa đào lý gảy cung cầm.
Sư cô Thích Nữ Chân Lữ Nghiêm
Thế danh: Nguyễn Thị Duyên
Pháp danh: Tâm Thanh Đạo
Chân thật vun bồi một đức tin
Bạn lữ xây nên đại địa nghiêm
Không gian mở rộng khung trời mới
Lối về soi chiếu mảnh đất thiêng.
Sư cô Thích Nữ Chân Phượng Nghiêm
Thế danh: Nguyễn Thị Thu Hiền
Pháp danh: Tâm Nhật Tưởng
Phượng hoàng tái sinh từ lửa đỏ
Không đến không đi chẳng bận lòng
Nghiêm trang chào đón vầng nhật nguyệt
Từ bi tiếp độ khắp non sông.
Sư cô Thích Nữ Chân Giản Nghiêm
Thế danh: Trần Thị Mỹ Hòa
Pháp danh: Tâm Duyên Lai
Giản tuyển muôn hạnh thể dung thông
Nhật dụng công phu nghiêm tự lòng
Vườn thiền tuệ giác vừa khởi sắc
Quê cũ sen hồng đã đơm bông.
Sư cô Thích Nữ Chân Chỉnh Nghiêm
Thế danh: Lê Thị Thắm
Pháp danh: Tâm Nhuận Hồng
Chỉnh trang dạo bước trời phương ngoại
Nghiêm trì lĩnh hội ý tăng thân
Nụ cười tỏa chiếu hồn thơ trẻ
Mỗi bước đi về Bụt hiện thân.
Sư cô Thích Nữ Chân Kiên Nghiêm
Thế danh: Nguyễn Thị Diệu Trang
Pháp danh: Tâm Quảng Nghiêm
Kiên tâm tiến bước đường muôn lối
Tình thương soi rõ hướng đi về
Trang nghiêm cười nói trong hòa ái
Đuốc tuệ rạng ngời thoát bến mê.
Sư cô Thích Nữ Chân Cao Nghiêm
Thế danh: Trần Thị Thanh
Pháp danh: Tâm Hạnh Ân
Tâm cao tầng thượng giới
Thân nghiêm đại địa an
Một sáng về vô tận
Nguyện tung cánh đại bàng.
Sư cô Thích Nữ Chân Ưu Nghiêm
Thế danh: Trần Thị Quốc Thái
Pháp danh: Tâm Phước Đạt
Cùng chị em sum họp vui vầy
Mở rộng tấm lòng quyết dựng xây
Tối thắng hạnh chính là ưu hạnh
Chốn tùng lâm một cõi tịnh nghiêm.
Sư cô Thích Nữ Chân Xương Nghiêm
Thế danh: Nguyễn Thị Thương
Pháp danh: Tâm Thanh Đức
Tông môn pháp bảo mãi xương long
Gia nghiệp giữ nghiêm tại cõi lòng
Hải triều vang vọng từng giây phút
Nguyện ước lên đường bước thong dong.
Sư cô Thích Nữ Chân Kiệt Nghiêm
Thế danh: Nguyễn Thị Mỹ Hạnh
Pháp danh: Thánh Hiếu Ngộ
Một bước kiệt xuất sen hồng nở
Một lời nghiêm nhẹ thấu sơ tâm
Muôn phương quy tụ bên rừng tía
Tấu khúc vô sinh sáng đạo thiền.
Sư cô Thích Nữ Chân Vượng Nghiêm
Thế danh: Trần Thị Hiếu
Pháp danh: Tâm Ngọc Hạnh
Trên đỉnh linh sơn còn thịnh vượng
Bước chân chánh niệm vẫn nghiêm soi
Ngày đêm an trú trong địa xúc
Hạt giống trồng gieo hé miệng cười.
Sư cô Thích Nữ Chân Chiêu Nghiêm
Thế danh: Đặng Thị Yến
Pháp danh: Tâm Liên Thanh
Một lòng khiêm hạ thỏa chiêu minh
Nghiêm xây cõi Bụt khắp mọi miền
Một sớm vang ca lời diệu pháp
Tuổi trăng tuổi núi nhập chân nguyên.
Sư cô Thích Nữ Chân Sứ Nghiêm
Thế danh: Cudorge Dupuis Chloé
Pháp danh: L’Amour Vivant du Coeur
Offrir le Dharma véritable est notre mission
Qui embellit les montagnes et les rivières
En foulant l’herbe ornée de rosée, à l’aube
Notre coeur s’épanouit et embrasse le monde entier.
Sư cô Thích Nữ Chân Phú Nghiêm
Thế danh: Trần Thị Thu Hằng
Pháp danh: Tâm Nghiêm Vĩnh
Đại ý thiền môn thiên phú quý
Rạng rỡ trang nghiêm hợp quần uy
Cất bước dạo chơi hoa đàm nở
Bảo bối cầm tay vượt thịnh suy.
Sư cô Thích Nữ Chân Chuẩn Nghiêm
Thế danh: Phạm Thị Lập
Pháp danh: Tâm Liên Hòa
Nhẹ nhàng và chuẩn mực
Ân cần từng nụ hoa
Nghiêm trang bồi giới đức
Tịnh độ có đâu xa.
Sư cô Thích Nữ Chân Chuyên Nghiêm
Thế danh: Lê Hồng Nguyễn
Pháp danh: Tâm Phước Hải
Chuyên tâm vun xới đức từ hòa
Nếp học nghiêm thông dưỡng khiêm cung
Một sáng trần gian lên tiếng gọi
Lối cũ quay về rạng tổ tông.
Sư cô Thích Nữ Chân Trì Nghiêm
Thế danh: Gabrielle Dyce
Pháp danh: Tâm Vững Tỉnh – Steady Awareness of the Heart
Holding the heritage of both ancestral lines
Our Pure Land is already adorned
Firmly rooted, fearlessly embracing our true nature
Freely offering joy and healing without discrimination.
Sư cô Thích Nữ Chân Sinh Nghiêm
Thế danh: Phan Tố Loan
Pháp danh: Tâm Từ Hòa
Tâm bồ đề dũng liệt
Nguồn sinh khí vô biên
Nghiêm thân thủ hộ ý
Tịnh độ chính là đây.
Khóa tu tiếng Pháp (14 – 21.4.2018)
Mỗi năm vào độ xuân về, đại gia đình Francophone (cộng đồng Pháp ngữ) lại đoàn tụ trong khóa tu dành cho người nói tiếng Pháp. Năm nay có hơn 600 thiền sinh về tham dự khóa tu. Sư cô Chân Không từ Thái Lan cũng thu xếp về có mặt cho khóa tu. Khí trời ấm áp cùng hoa cỏ mùa xuân bừng dậy sau những ngày đông khiến cho các bạn thiền sinh dễ dàng mở lòng ra để tận hưởng niềm vui và những mầu nhiệm của sự sống trong phút giây hiện tại.
Thầy Pháp Liệu cho bài pháp thoại đầu tiên mở đầu khóa tu, với chủ đề huân tập thói quen hạnh phúc. Sống hạnh phúc cũng là một thói quen mà ta cần phải huân tập mới có thể có được. Thầy đem lại rất nhiều niềm vui cho thiền sinh Pháp khi kết thúc bài pháp thoại bằng những chia sẻ về bài viết “Le bonheur d’être français” (Hạnh phúc được là một người Pháp) của nhà văn Jean d’Ormesson – ông được người Pháp gọi một cách trìu mến là “nhà văn của hạnh phúc”. Những bài pháp thoại, những lời chia sẻ từ trái tim của quý thầy, quý sư cô giáo thọ: thầy Pháp Liệu, thầy Pháp Khí, sư cô Chân Không, sư cô Diệu Nghiêm, sư cô Giác Nghiêm, sư cô Đào Nghiêm,… đã giúp cho thiền sinh học cách chế tác niềm vui trong đời sống hàng ngày, cách chọn lựa thức ăn cho thân tâm, đồng thời học cách thiết lập lại truyền thông với chính mình cũng như với những người thương.
Cũng trong khóa tu này, các tăng thân Francophone lại có thêm 9 vị được thọ giới Tiếp hiện. Sư cô Chân Không đã thay mặt Sư Ông và tăng thân làm lễ Truyền giới.
Khóa tu tiếng Ý (29.4 – 5.5.2018)
Một tuần sau khi chia tay với các thiền sinh trong cộng đồng Pháp ngữ, đại chúng ở Làng lại đón khoảng 400 thiền sinh từ khắp nước Ý về Làng tu tập. Nhiều người trong số đó phải đi xe bus 20 giờ đồng hồ mới đến được Làng. Nhưng may mắn là các bạn đi chung với nhau như một tăng thân. Trong đoàn còn có các vị Tiếp hiện và giáo thọ cư sĩ nên trên đường về Làng, các bạn được thực tập thiền ngồi (có hướng dẫn) và thiền buông thư ngay trên xe bus.
Năng lượng cởi mở, vui tươi và sự ham tu của thiền sinh Ý làm cho quý thầy, quý sư cô được nuôi dưỡng rất nhiều. Ba bài pháp thoại của thầy Pháp Khí, sư cô Chân Không và sư cô Chân Đức là những cơn mưa pháp tưới tẩm đất tâm của các thiền sinh, trong đó có rất nhiều người lần đầu tiên đến Làng.
Trong bài pháp thoại cuối, Sư cô Chân Đức thông báo tin vui với đại chúng là tăng thân Ý bày tỏ mong muốn xây dựng một tu viện của Làng Mai tại Ý. Các bạn tin rằng chỉ trong một vài năm tới tăng thân có thể cúng dường cho Làng Mai một trung tâm thực tập ngay giữa lòng nước Ý. Sư cô cũng đồng thời nhắn gửi một thông điệp quan trọng đến tăng thân Ý: “Muốn cho việc thành lập tu viện được thành tựu thì cần phải có một sự hòa hợp tương đối trong tăng thân, đặc biệt là giữa các vị giáo thọ cư sĩ. Các thành viên trong tăng thân cần thực tập lắng nghe ý kiến của nhau đồng thời tập buông bỏ ý kiến riêng của mình”.
Trong khóa tu, tăng thân Ý cũng đã tổ chức quyên góp để tặng học bổng cho một số người trẻ muốn đến Làng thực tập trong vòng một năm. Nhờ vào tiền đóng góp này mà trong năm 2019, sẽ có ba bạn trẻ có cơ hội tham dự Chương trình 1 năm tại xóm Thượng.
Khóa tu khép lại với một hình ảnh thật đẹp: 190 thiền sinh cùng quỳ xuống tiếp nhận Năm giới quý báu. Phần lớn số thiền sinh còn lại đều đã nhận Năm giới rồi. Vì vậy sau khóa tu, gần như tất cả thành viên trong tăng thân Ý đều đã thọ Năm giới, cùng cam kết đi với nhau trên con đường Hiểu và Thương. Điều này tạo nên một năng lượng thật hùng hậu và nuôi dưỡng! Nhiều thành viên trong tăng thân Ý chia sẻ rằng họ chưa bao giờ được trải nghiệm điều này trước đây. Cũng trong khóa tu, tăng thân Ý còn có thêm ba thành viên Tiếp hiện mới. Ngày cuối khóa tu, một số thành viên Tiếp hiện đã đại diện tăng thân Ý cúng dường rất nhiều quà cho quý thầy, quý sư cô các xóm để thể hiện lòng biết ơn đối với tăng thân Làng Mai.
Khóa tu 21 ngày với chủ đề “Tri kỷ của Bụt” (1 – 21.6.2018)
Đêm 30.5 – một ngày trước khi bước vào khóa tu 21 ngày, một cơn bão lớn gây mưa to và làm ngập lụt cả vùng Gironde. Xóm Mới bị ảnh hưởng nặng nề. Phật đường và nhiều khu vực nhà ở của quý sư cô bị ngập nước cả nửa mét. Nhà Lưng Đồi dành cho cư sĩ bị thiệt hại nặng nhất. Trong cái rủi cũng có cái may là không có thiệt hại gì về người, nhưng quý sư cô trong văn phòng thì hết sức vất vả để xoay xở thuê chỗ ở cho thiền sinh – những người đã đăng ký ở nhà Lưng Đồi trong khóa tu. Sức mạnh của tăng thân thật là mầu nhiệm! Chỉ trong vòng một ngày, quý sư cô xóm Mới, cùng với sự giúp sức của quý thầy và các bạn tình nguyện viên – đã dọn dẹp, sắp xếp lại xóm để đón các bạn thiền sinh đến với khóa tu 21 ngày. Ngày đón khách, dường như không ai có thể nhận ra nơi đây vừa trải qua một cơn ngập lụt. Đối với một số vị tình nguyện viên, đây là lần đầu tiên họ được chứng kiến sức mạnh của tăng thân và thái độ tích cực, lạc quan của các vị xuất sĩ khi đối diện với sự cố bất ngờ xảy ra.
Khóa tu 21 ngày, diễn ra mỗi hai năm một lần, là một pháp hội mà cả tăng thân xuất sĩ lẫn cư sĩ đều mong chờ với rất nhiều niềm vui. Năm nay, có khoảng hơn 500 thiền sinh, trong đó 24 vị giáo thọ cư sĩ, 133 vị Tiếp hiện, gần 100 thành viên của các nhóm Wake Up đã về tham dự trọn vẹn khóa tu 21 ngày. Một số thành viên từ các tăng thân ở ba miền của Việt Nam cũng qua Làng tu tập trong dịp này.
Chủ đề của khóa tu 21 ngày năm nay là “Tri kỷ của Bụt”, dựa trên những bài giảng của Sư Ông trong khóa An cư kiết đông 2012 – 2013. Trong dịp này, đại chúng có cơ hội cùng quán chiếu xem mình có thực sự là tri kỷ của Bụt hay không, cái hiểu và sự hành trì của mình có đúng với những giáo lý cốt tủy mà Bụt trao truyền hay không, có giúp mình tiếp xúc với chân đế, với tự do chân thật hay không.
Sư cô Chân Đức đã mở đầu pháp hội bằng bài pháp thoại về phương pháp học hỏi và tu tập để trở thành tri kỷ của Bụt, đó là Bốn tiêu chuẩn về sự thật (Tứ tất đàn) và Bốn sự y cứ (Tứ y). Sau đó là những bài pháp thoại của thầy Pháp Ứng, thầy Pháp Khâm, thầy Pháp Dung, thầy Pháp Lai, sư cô Diệu Nghiêm và sư cô Tuệ Nghiêm. Ngoài ra trong khóa tu 21 ngày còn có những buổi chia sẻ rất nuôi dưỡng từ các vị giáo thọ cư sĩ giàu kinh nghiệm, đến từ các tăng thân trên khắp thế giới như: Chân Hòa (Eveline Beumkes – Hà Lan), Chân Tuệ Tu (Adriana Rocco – Ý), Chân Đại Tập (Murray Corke – Anh), Chân Bảo Tâm (Baruch Shalev – Jerusalem),…
Cũng trong khóa tu 21 ngày đã diễn ra lễ Truyền đăng cho 26 vị Tiếp hiện trở thành tân giáo thọ.
Chân Niệm Đức (Denise Ségor)
The source of mindfulness is a seed
Nurtured in mind’s earth by virtue’s rain
Harmonizing different voices
The future Buddha is the sangha.
Chân Phúc Hải (True Ocean of Merit – Bruce Nichols)
Navigating the deep Dharma ocean
The boat of merit, lighthouse of wisdom
Teach the practice with the Dharma-body,
Accept, embrace, listen to suffering.
Chân Giác Dụng (True Function of Awakening – Margret de Backere)
How wonderful that the tree is there:
The tree itself is the tree’s function.
We awaken to life’s miracle
Our true home is the present moment.
Chân Bích Trì (True Emerald Lake – Caitlin Bush)
The emerald stream wends its way through life
Reaching the lake of true understanding.
Look at its water! All is reflected.
Inclusiveness dissolves all complexes.
Chân Thường Đức (True Ever-Present Virtue – Theresa Payne)
Ever-present the miracle of life.
Indestructible the virtue of love.
Being there with the breath for another
Will reveal the truth of interbeing.
Chân Nhã Hương (True Graceful Fragrance – Tineke Spruytenburg)
Graceful is the practice of the Dharma
The incense of the heart is lit for all
Being able to adapt as needed
Brings all beings to the shore of freedom.
Chân Tăng Lực (True Sangha Power – Valerie Brown)
In the true Sangha is the true Buddha.
The power of cutting through afflictions
comes from the power of understanding.
All bow down in the spirit of oneness.
Chân An Sơn (True Mountain of Peace – Vivien Ephraimson Abt)
The clouds that gather around the mountain
Are the peace that the Dharma doors offer.
The gentle flow of the breath is music
That ennobles the sangha far and wide.
Chân Trú An (True Abiding Peace – Greg Gallo)
Right mindfulness is the safest abode.
Right view is the source for peace in the world.
Coming back to our true home, mother earth
We care for the future generations.
Chân Linh Giải (True Spiritual Understanding – Sheila Canal)
The spiritual path is limitless love;
Understanding that removes division.
Together we advance a global ethics
To lessen the suffering of the world.
Chân Hạnh Bi (True Compassion in Action – Ava Avalos)
Right action goes hand in hand with right view.
The rain of compassion waters good seeds.
Looking into the eyes of suffering,
Self and other dissolve into oneness.
Chân Nguyên An (Vraie Paix Originelle – Josselyne Letort-Vanel)
Stopping to look deeply you see the source,
From which comes peace now and for the future.
Spring flowers of the heart can bloom afresh.
The gifts of the Dharma are falling rain.
(French translation)
T’arrêtant pour regarder profondément tu vois la source
D’où vient la paix de maintenant et pour le futur.
Les fleurs printanières peuvent à nouveau éclore
Les cadeaux du Dharma sont la pluie qui tombe
Chân Hương Ðạo (Vrai Chemin Parfumé – Christiane Terrier)
Fragrant is the incense of the heart.
It turns the endless path to joy.
Faith always gives rise to inner strength.
Birth and death are no obstacle.
(French translation)
Parfumé est l’encens du coeur
Le chemin éternel se transforme en joie
De la foi s’élève la force intérieure
Naissance et mort ne font plus obstacle
Chân Nguyên Ngôn (Vraie Parole Originelle – Serge Letort
Nguyên thể vốn tĩnh mặc
Nhất ngôn lạc chúng sanh
Thường nhật ái ngữ tập
Từ bi tuệ giác hành.
(French translation)
La nature en soi est silencieuse
Une parole apporte le bonheur à tous les êtres
Pratiquer la parole aimante au quotidien
C’est comprendre et aimer en action.
Chân Trí Viên (Vraie Perfection de Sagesse – Dominique Le Moine)
Trí tuệ như gương trong
Viên mãn tựa trăng rằm
Tâm từ bi trải rộng
Hỷ lạc luôn hanh thông.
(French translation)
La sagesse est comme un pur miroir
Reflétant la perfection telle la pleine lune
La compassion est partout présente
Joie et bonheur se manifestent à chaque moment
Chân Nguyên Lạc (Vraie Joie Originelle – Jack Bertho)
Sur le Chemin où me ramènent mes pas la lune brille
Tout le paysage intérieur et alentour scintille d’une joie originelle
La présence de nos frères et de nos sœurs tel un sourire
Fait s’épanouir la fleur de cet instant précieux
Chân Ân Đạo (True Path of Gratitude – Juan Gregorio Hidalgo Ruiz)
The path is in the depths of consciousness
Nourishing gratitude since childhood years.
Once the transmission has been received
There is no more need to search for it.
(Spanish translation)
El camino está en las profundidades de la conciencia
Nutriendo la gratitud desde la infancia.
Una vez que la transmisión ha sido recibida
No hay más necesidad de buscarla.
Chân Bảo Giang (True Precious River – Rosa María Serrano Salcedo)
Precious is this lifetime on Mother Earth
When the river of the sangha holds us.
Joyfully accepting the gifts of Dharma
Our heart brims to the full with gratitude.
(Spanish translation)
Preciosa es esta vida sobre la Madre Tierra
Cuando el río de la sangha nos sostiene.
Aceptando alegremente los dones del Dharma
Nuestro corazón rebosa de gratitud.
Chân Bảo Sơn (True Precious Mountain – Luis Del Val Martinez)
Each moment a precious eternity
The jewelled mountain is always there.
Why wait another day to touch the truth,
Whose message is found in clouds and rain?
(Spanish translation)
Cada momento una preciosa eternidad
La montaña enjoyada siempre está ahí.
¿Por qué esperar otro día para tocar la verdad,
cuyo mensaje se encuentra en las nubes y la lluvia?
Chân Minh Bồ Đề Tâm (True Shining Bodhicitta – Scott Schang)
The sun of insight shines in every realm
Indestructible is the seed of bodhicitta
The sound of the rising tide heals all wounds
Every step restores the life of mother earth.
True Holy Heart (Bill Woodall)
Nature itself is silent and holy
Always clear of ideas of right and wrong.
Living in the world heart undisturbed
A pillar to hold the sangha-body.
True Wondrous Joy (Diane Little Eagle)
Land ancestors are here wonderfully
In the joy of the grass, width of the sky.
Suffering, the mud, awaits compassion.
Strong and solid we grow lotus flowers.
True Spiritual Peace (Michele Tae)
Sacred eyes see that emptiness is form
Drops of peace fall gently on all around
Complexes dissolve where there is true love
The Dharma continues for times to come.
True Precious Eyes (Phil Stein)
Precious is the time spent with young people
Eyes able to look at all with love.
The muni does not need to shun the world
And enters the door of mindful action.
True Silent Faith (Rick Sonnenberg)
Silent the sunrise over the mountain
Giving faith in the miracle of life.
Looking deeply we are able to heal
Conflicts that have arisen, large or small.
True Solid Practice (Angie Searle)
Solid are the footsteps that cares the earth.
Cultivating our mind is the practice.
Taking care of this ancestral body
We honour four objects of gratitude.
Khóa tu mùa Hè (6.7 – 3.8.2018)
Mùa hè đến trong hương sen thơm ngát và tiếng ếch kêu râm ran ở hồ sen các xóm. Quanh Làng, các cánh đồng hoa hướng dương cũng bắt đầu nở rộ khoe một màu vàng óng. Đó cũng là lúc Làng mở cửa để đón thiền sinh từ khắp nơi về tham dự khóa tu mùa Hè, khóa tu gia đình lớn nhất trong năm, kéo dài trong bốn tuần. Mỗi tuần có khoảng 800 – 1000 thiền sinh về Làng, trong đó có gần 250 trẻ em và 50 thiếu niên. Cả những em bé còn ẵm ngửa cũng được cha mẹ bồng tới.
Năm nay, xóm Thượng đón trẻ em nói tiếng Pháp, tiếng Tây Ban Nha và tiếng Ý, nam độc thân và các cặp vợ chồng. Khi đăng ký ghi danh khóa tu vừa được mở thì trong vòng 24 tiếng đồng hồ, xóm Thượng đã không còn chỗ nữa. Trong khi đó, xóm Mới đón trẻ em nói tiếng Anh; xóm Hạ đón trẻ em nói tiếng Đức và Hà Lan. Ghi danh xóm Mới cũng phải đóng lại trong vòng 2 – 3 tuần. Xóm Mới hơi nhỏ, trong khi các gia đình thiền sinh nói tiếng Anh đến từ khắp nơi nên nhu cầu rất lớn. Ghi danh xóm Thượng đóng cửa quá sớm nên các gia đình nói tiếng Pháp và Tây Ban Nha đăng ký ở xóm Mới và “ép” con cái của họ nói tiếng Anh, trong khi thực tế là các cháu không hề nói được. Các sư cô phải thực tập ái ngữ để “phỏng vấn” và thuyết phục cho đến khi họ thú thiệt là con họ không nói được tiếng Anh và đồng ý chờ đến sang năm.
Các email đại loại như: “Thưa quý sư cô, gia đình chúng tôi nhất định phải đến Làng năm nay bởi vì các cháu đã chờ một năm rồi, năm ngoái các cháu đã không được tới vì hết chỗ. Điều này rất quan trọng đối với gia đình chúng tôi, vậy mà bây giờ không còn một chỗ nào để đăng ký hết. Chúng tôi phải làm gì đây? Xin quý sư cô giúp dùm”. Hay là: “Chúng tôi nhất định cần đưa cháu về Làng năm nay để tham gia khóa tu dành cho trẻ em bởi vì cháu đang gặp khó khăn, đây là cơ hội rất quan trọng, cháu không thể không tham gia được. Chúng tôi không thể tin được là mới vài tuần mà đăng ký ghi danh đã đầy, bây giờ chúng tôi phải làm sao đây?”.
Khi đọc những email tha thiết như thế, các sư cô cảm thấy lòng rất áy náy khi không tìm ra được chỗ cho các gia đình. Ước gì có một phép mầu để cho Làng Mai lớn rộng ra hơn trong mùa hè như Bụt đã biến ra các tòa sư tử để đón các vị Bồ tát từ các cõi khác đến thăm khi Bụt nói kinh Pháp Hoa. Bởi vì niềm hạnh phúc của quý thầy, quý sư cô trong mùa hè là được thấy trẻ em về Làng.
Chương trình trẻ em bằng tiếng Anh, dành cho các em cả nam lẫn nữ từ 6 đến 12 tuổi, thường được tổ chức ở xóm Mới hay xóm Hạ – là xóm của quý sư cô. Khi các em trai lên 13 tuổi, các em sẽ được mời tham gia chương trình thiếu niên dành riêng cho các em trai tại xóm Thượng. Có năm, ban văn phòng ở xóm các sư cô hơi ngờ ngợ nhận ra rằng có vài em trai đăng ký 12 tuổi hai năm liền. Thì ra các em về Làng từ lúc còn nhỏ cho đến khi lên 12 tuổi nên vẫn còn lưu luyến chương trình trẻ em, không muốn rời đi.
Đối với các em thiếu niên (tuổi teen) cũng vậy. Có những em đã hết tuổi teen rồi nhưng vẫn muốn gắn bó với chương trình teen, nên xin làm tình nguyện viên chăm sóc cho chương trình này. Những hạt giống của thương yêu, hiểu biết mà các em được tưới tẩm ở Làng đã bắt đầu đơm hoa, kết trái…
Nhiều thiền sinh chia sẻ không hiểu vì sao năm nào gia đình họ cũng về Làng vào mùa hè. Lúc xếp hành lý, họ tự hỏi sao mình không đi nghỉ hè ở biển mà lại cứ về Làng mới được. Nhưng rồi có một cái gì trong lòng cứ thôi thúc họ phải về Làng. Họ nhận ra rằng thay vì tắm mát ở biển, họ chọn về Làng để tắm mình trong năng lượng bình an và thương yêu của tăng thân.
Cũng một ngày trước khóa tu mùa Hè, quý sư cô xóm Mới lại gặp thử thách một lần nữa khi một cơn mưa lớn kèm theo gió lốc đã đi qua vùng này và cuốn theo nó những chiếc lều lớn đã được dựng sẵn sàng cho khóa tu. Một số cây lớn trong khuôn viên của xóm Mới cũng bị bật gốc. Nhưng nhờ sự gia hộ của Bụt tổ và năng lượng hùng hậu của tăng thân mà mọi chuyện rồi cũng ổn và xóm Mới đã đi qua một mùa hè trong an vui.
Khóa tu dành cho người nói tiếng Đức và tiếng Hà Lan tại EIAB (6 – 19.8.2018)
Khóa tu mùa Hè ở Làng vừa khép lại vào ngày 3.8 thì ngay hôm sau, một xe bus chở 60 xuất sĩ từ Làng qua Viện Phật học Ứng dụng châu Âu (EIAB) – Đức để yểm trợ cho hai khóa tu, dành cho người nói tiếng Đức (6 – 11.8) và dành cho người nói tiếng Hà Lan (13 – 18.8). Trước đó vài ngày đã có ba xe van chở 15 xuất sĩ qua Đức để phụ giúp các công việc chuẩn bị cho khóa tu. Đây là hai khóa tu lớn nhất trong năm của EIAB, đặc biệt năm nay là năm EIAB tròn 10 tuổi. Vì vậy đại chúng ở Làng rất hoan hỷ qua Đức để yểm trợ, dù thời điểm của khóa tu bên đó hơi sát với khóa tu mùa Hè ở Làng. Trong số quý thầy, quý sư cô lớn từ Làng có sư cô Chân Không, sư cô Diệu Nghiêm và thầy Pháp Ứng.
Mọi năm vào tháng 8, thời tiết ở Đức vẫn còn mưa và lạnh, nhưng năm nay trời bỗng khô nóng bất thường. Quý thầy, quý sư cô ở Làng hy vọng qua Đức sẽ tránh được cái nóng mùa hè ở Làng, nhưng không ngờ nhiệt độ ở đây có ngày lên đến 34oC. May mắn là EIAB nằm gần một cánh rừng, nên những ngày nóng, quý thầy, quý sư cô và thiền sinh có thể đi dạo trong rừng để tận hưởng sự mát mẻ và không khí trong lành của thiên nhiên nơi đây.
Năm nay có khoảng hơn 300 thiền sinh về dự khóa tu nói tiếng Đức và hơn 200 thiền sinh dự khóa tu nói tiếng Hà Lan. Trong khóa tu, các bạn thiền sinh có cơ hội được nghe những câu chuyện cảm động về những tấm lòng, những bàn tay đã chung sức để xây dựng nên một EIAB như ngày hôm nay, như: ông chủ lò bánh mì phát tâm cúng dường bánh mì mỗi ngày; những người bạn trong tăng thân địa phương tình nguyện thường xuyên chăm sóc các khu vườn trong khuôn viên Học viện, hỗ trợ các vị xuất sĩ về các thủ tục hành chính hoặc trong các khóa tu; ông Thị trưởng thành phố với tấm lòng cởi mở đã chào đón một cộng đồng Phật giáo tại thành phố mình; vị luật sư tìm thấy được niềm cảm hứng nơi pháp môn thực tập của Làng Mai nên đã dành nhiều thời gian và tâm lực để giúp EIAB về mặt pháp lý; nhóm xuất sĩ đầu tiên đã góp phần chuyển hóa năng lượng nặng nề của tòa nhà này bằng sự thực tập và tấm lòng phụng sự của mình,…
Trong buổi lễ kỷ niệm 10 năm thành lập EIAB, Sư cô Chân Không chia sẻ với đại chúng những câu chuyện cảm động về hạnh nguyện dấn thân vì hòa bình của Sư Ông, cũng như những năm tháng thành lập Trường Thanh Niên Phụng Sự Xã Hội. Năm 2018 cũng đánh dấu 50 năm kể từ khi Mục sư Martin Luther King bị ám sát tại Mỹ. Vì vậy, lá thư Mục sư King đề cử Sư Ông cho giải Nobel Hòa bình năm 1967 cũng được đọc lên trong dịp này.
Trong mỗi khóa tu đều có lễ Hòa bình kỷ niệm 10 năm thành lập EIAB. Đặc biệt trong khóa tu cho người nói tiếng Đức, lễ Hòa bình được tổ chức với sự tham dự của ông Peter Koester – Thị trưởng thành phố Waldbröl, ông Alexander Puplick – luật sư và cũng đồng thời là cố vấn pháp lý cho EIAB, cùng nhiều vị thân hữu đã từng gắn bó với sự hình thành và phát triển của EIAB. Một đêm hòa nhạc đầy thiền vị đã được quý thầy, quý sư cô cùng các cư sĩ chuẩn bị thật công phu để mừng sự kiện này. Những bản hòa tấu của các nhà soạn nhạc cổ điển vĩ đại như Bach, Mozart, Fauré,… đã được trình diễn kết hợp với những trích đoạn đọc từ tác phẩm Bây giờ mới thấy mang đầy tuệ giác của Sư Ông Làng Mai. Sau buổi hòa nhạc, thầy Pháp Ấn hướng dẫn đại chúng làm lễ rước hoa đăng từ tòa nhà Asoka ra tháp chuông Bao Dung. Dưới bầu trời đầy sao, đại chúng cùng lắng nghe tiếng chuông đại hồng và thầm gửi lời ước nguyện cho thế giới thêm bình an và thương yêu.
Để tìm hiểu thêm về hành trình 10 năm của EIAB, xin đọc bài viết của thầy Pháp Ấn – Viện trưởng EIAB tại trang 38.
Khóa tu Wake Up Earth (10 – 17.8.2018)
Khóa tu Wake Up ở Làng đã trở thành điểm hẹn của các bạn trẻ khắp nơi trên thế giới, đặc biệt là các bạn trẻ trong các tăng thân Wake Up. Năm nay, khoảng 500 bạn trẻ đã về tham dự khóa tu, trong đó nhiều thành viên nòng cốt của các tăng thân Wake Up đã về làm tình nguyện viên giúp quý thầy, quý sư cô tổ chức khóa tu này.
Về Làng, các bạn trẻ được trở về với khung cảnh thiên nhiên, học cách dừng lại những lo lắng, suy tư để tiếp xúc với những mầu nhiệm của sự sống. “Đất Mẹ đang có mặt đó cho chúng ta, còn chúng ta có đang có mặt cho đất Mẹ hay không?”, đó là câu hỏi mà thầy Pháp Lưu đã gieo vào lòng các bạn trẻ trong bài pháp thoại đầu tiên. Thầy cũng mời các bạn cùng quán chiếu các loại thức ăn, đặc biệt là xúc thực – những thức ăn được tiêu thụ qua các giác quan, như những hình ảnh, âm thanh qua Internet v.v., xem chúng tác động như thế nào đến cảm xúc và suy tư của các bạn.
Mở đầu bằng lời chia sẻ về nhóm nhạc K-pop BTS nổi tiếng của Hàn Quốc với album Love Yourself (Thương yêu chính mình), sư cô Lăng Nghiêm đã chỉ cho các bạn cách quan sát sự vận hành của tâm thức, để từ đó có thể hiểu và thương mình nhiều hơn. Chủ đề này được tiếp tục trong bài pháp thoại của thầy Pháp Hữu về bốn yếu tố của tình thương chân thật: Từ, Bi, Hỷ và Xả. Những băn khoăn, thao thức của các bạn trẻ trong buổi vấn đáp đều được thầy Pháp Dung trả lời thông qua bài pháp thoại cuối. Thầy mời các bạn cùng nhìn sâu vào ước muốn sâu sắc nhất của cuộc đời mình. Phải chăng nó chỉ là tiền tài, danh vọng và sắc dục? Và thầy cũng nhắc các bạn cần chăm sóc nuôi dưỡng tư niệm thực của mình mỗi ngày, vì nó cũng như một cái cây cần được chăm bón.
Một điểm đặc biệt của khóa tu Wake Up năm nay là các bạn có cơ hội nếm được hương vị của pháp môn Im lặng hùng tráng trong nửa ngày. Một số bạn ban đầu cảm thấy không thoải mái, nhưng sau khi thực tập, các bạn chia sẻ rằng đây là một trải nghiệm khá thú vị. Chính trong sự tĩnh lặng, các bạn lại cảm thấy kết nối sâu sắc hơn với chính mình và với những người xung quanh. Sự im lặng không làm bế tắc truyền thông mà ngược lại làm sự truyền thông mở ra.
Nhìn hơn 100 bạn trẻ quỳ xuống tiếp nhận Năm giới quý báu, trong đó có những bạn trẻ đến từ Bờ Tây sông Jordan – nơi tranh chấp giữa Palestine và Israel – quý thầy, quý sư cô thực sự xúc động, có thêm năng lượng để tiếp tục đi tới trên con đường tu tập và giúp đời.
Khóa tu khép lại với buổi Be-In thật đẹp ở đồi Bụt, xóm Thượng với nhiều tiết mục văn nghệ thật sáng tạo.
An cư kiết thu (14.9 – 12.12.2018)
Năm nay, đại chúng ở Làng quyết định an cư vào mùa thu mà không phải là mùa đông, để có được ba tháng an cư trọn vẹn, không bị ảnh hưởng bởi những dịp lễ mừng Giáng sinh và Năm mới như những năm trước. Khí trời nắng ấm cùng với sắc màu của mùa thu chín làm cho ai trong đại chúng cũng cảm thấy có thật nhiều không gian bên trong lẫn bên ngoài.
Trong ba tháng an cư, bốn chúng Làng Mai tại xóm Thượng, xóm Hạ và xóm Mới – gồm 198 xuất sĩ và 106 cư sĩ ở trọn ba tháng – có cơ hội nhìn sâu vào Mười bốn giới Tiếp hiện, cùng quán chiếu xem tăng thân đã áp dụng những giới này như thế nào vào sự chuyển hóa và trị liệu của cá nhân, vào việc xây dựng tăng thân và quá trình đem đạo Bụt ứng dụng vào các lĩnh vực của đời sống xã hội.
Đại chúng rất hạnh phúc khi có Sư cô Chân Đức về Làng an cư năm nay. Mỗi thứ Ba hàng tuần, quý sư cô xóm Hạ lại lên xóm Mới để tham dự lớp Giới Tỳ kheo ni do Sư cô Chân Đức giảng dạy. Các vị sa di nữ thì được học giới với Sư cô Diệu Nghiêm. Năm nay, Sư cô Diệu Nghiêm về an cư ở xóm Mới. Không khí cùng học, cùng chơi với nhau giữa xóm Hạ và xóm Mới thật vui và nuôi dưỡng, khiến cho mọi người nhớ lại những ngày xuất sĩ ở Sơn Cốc vào thứ Ba hàng tuần trong những mùa An cư kiết đông trước đây. Tại xóm Mới, Sư cô Chân Đức còn dạy thêm một lớp kinh, giúp các sư em có cảm hứng đào sâu vào kinh điển thông qua những bài kinh rất thiết thực, liên hệ cụ thể tới đời sống tăng thân. Sư cô cũng tạo hứng thú cho đại chúng so sánh giữa các bản kinh thuộc văn hệ Nikaya (tạng Pali) và văn hệ A hàm (tạng Hán), điều mà Sư Ông thường làm trong những mùa an cư trước đây. Trong khi đó, tại xóm Hạ, toàn chúng đã rất hạnh phúc vì có cơ hội cùng học Bốn mươi định đề Làng Mai qua DVD của Sư Ông. Bên cạnh đó là những buổi thuyết trình với nhiều chủ đề đa dạng và thú vị, được quý sư cô trình bày theo từng nhóm nhỏ. Những buổi thuyết trình đầy ắp tiếng cười, sự hứng thú và ấm áp tình chị em giúp quý sư cô rèn luyện kỹ năng thuyết trình trước đại chúng; đồng thời học hỏi thật nhiều kinh nghiệm và kiến thức cần thiết về môi trường, sức khỏe, cơ thể học cũng như về các pháp môn. Từ đó, quý sư cô có thêm nhiều cảm hứng trên con đường thực tập, phụng sự và bảo vệ hành tinh xanh.
Tại xóm Thượng, mỗi thứ Năm và thứ Bảy, cùng lúc diễn ra chín lớp học cho quý thầy, quý sư chú và các vị thiền sinh. Mùa thu này, quý thầy ở Sơn Thượng và Sơn Hạ rất hạnh phúc với những buổi chia sẻ toàn chúng để xây dựng tình huynh đệ, xây dựng tăng thân, được gọi là “Sangha life”. Qua những buổi chia sẻ này, quý thầy hiểu hơn về hoàn cảnh gia đình, về những khó khăn cũng như những ước mong của các huynh đệ mình. Đây là điều rất quan trọng để tạo nên hạnh phúc trong tăng thân, vì vậy thay vì gọi là “Buổi họp hạnh phúc” (Happiness meeting), quý thầy đã đổi tên thành “Đời sống tăng thân” (Sangha life). Năng lượng tu học của đại chúng tại Làng rất hùng hậu và vui tươi.
Vào cuối mùa an cư, khi lớp Giới Tỳ kheo ni của Sư cô Chân Đức chấm dứt, quý sư cô xóm Mới và xóm Hạ đã tổ chức một Lễ mãn khóa – Ngày sư chị sư em – thật là hoành tráng. Qua các trò chơi rất sáng tạo, quý sư cô đã có cơ hội tìm hiểu ước nguyện, tâm tư, và thậm chí những băn khoăn của nhau. Nhờ đó mà tinh thần tuy hai mà một giữa xóm Hạ và xóm Mới càng được vun bồi.
Vì là mùa thu nên đại chúng vẫn được đi hái táo, lượm hạt dẻ, hạt phỉ (hazelnut) dù đang an cư. Hầu như ai cũng cảm thấy hạnh phúc tròn đầy với mùa An cư kiết thu này.
Ngày 12.10.2018 đánh dấu một sự kiện rất quan trọng, quý thầy xóm Thượng đã gửi 12 vị xuất sĩ lên Verdelot để tu viện Suối Tuệ bắt đầu được chính thức vận hành. Tu viện Suối Tuệ tọa lạc tại số 2 đường Pascal Jardin, Verdelot, cách Paris từ 80 đến 90 km về hướng đông. Đây từng là một tu viện của các sơ dòng Thánh Augustino (Saint Augustin). Xưa hơn nữa, từ thế kỷ 11 tới thế kỷ 17, nơi này thuộc về các cha dòng Biển Đức (Saint-Benoît). Vậy là ước mơ có được một trung tâm Làng Mai gần Paris đã thành sự thật. Đây là tu viện dành cho quý thầy. Trước đó, chúng ta đã có thiền đường Hơi Thở Nhẹ tại Paris, là trung tâm dành cho các sư cô.
Ngày 18.11.2018 tu viện Suối Tuệ đã làm lễ Đối thú an cư cho khóa An cư kiết đông 3 tháng đầu tiên. Có khoảng 100 thiền sinh tham dự.
Viện Tây Tạng học ở Ấn Độ trao bằng Tiến sĩ danh dự cho Sư Ông (25.10.2018)
Ngày 25.10.2018, Viện Tây Tạng học (Central Institute of Higher Tibetan Studies) ở Sarnath, Ấn Độ – một trong những Viện Phật học hàng đầu ở vùng Nam Á – đã trao bằng Tiến sĩ danh dự cho Sư Ông để ghi nhận những đóng góp lớn lao của Sư Ông đối với nền giáo dục Phật giáo. Ngài Mahesh Sharma, Bộ trưởng Văn hóa của Ấn Độ đã tận tay trao tấm bằng danh dự này tới Sư Ông – được đại diện bởi thầy Pháp Hải cùng quý thầy đến từ tu viện Lộc Uyển. Thầy Pháp Hải được mời mặc lễ phục truyền thống của các học giả Nalanda, nặng hơn 3,5kg trong dịp này.
Được vinh danh trong buổi lễ còn có bà Jetsun Pema – em gái của Đức Đạt Lai Lạt Ma, còn được gọi là “Bà mẹ của Tây Tạng” (Mother of Tibet) vì những công tác nhân đạo của bà đối với các trẻ em mồ côi cũng như nỗ lực của bà trong việc gìn giữ văn hóa Tây Tạng.
Lễ trao bằng Tiến sĩ danh dự cho Sư Ông diễn ra cùng với lễ trao bằng tốt nghiệp cho các sinh viên của Viện. Nhân dịp này, thầy Pháp Hải, thay mặt Sư Ông và tăng thân, được mời chia sẻ và tham gia trao bằng cho các sinh viên tốt nghiệp.
Sư Ông về Việt Nam (26.10.2018):
Xin đọc bài “Thầy đã trở về”, trang 30.
Tham dự Diễn đàn Liên tôn tại Abu Dhabi, UAE
Từ ngày 19 đến 20 tháng 11 năm 2018, tại Abu Dhabi, thủ đô của Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) đã diễn ra Diễn đàn Liên tôn vì một môi trường an toàn hơn cho trẻ em trước nạn lạm dụng tình dục qua Internet (Interfaith Alliance for Safe Communities: Child Dignity Online). Thầy Pháp Lưu và thầy Pháp Khởi đã thay mặt Sư Ông và tăng thân tham dự Diễn đàn theo lời mời của Chính phủ nước này.
Bốn lễ xuất gia trong năm
Đại chúng hân hoan đón mừng sự ra đời của 49 vị xuất sĩ trẻ trong bốn gia đình xuất gia tại Pháp, Mỹ và Thái Lan. Đặc biệt năm nay tại tu viện Lộc Uyển, lần đầu tiên có lễ xuất gia cho người Mỹ trong đó có người Mỹ gốc Việt, gốc Mễ, gốc Phi Châu, gốc Lào, gốc Âu châu.
Lễ xuất gia của gia đình cây Ngọc Lan – ngày 20.5.2018 tại Làng Mai Thái Lan, gồm 2 sư chú và 17 sư cô: Chân Trời Nguồn Sáng, Chân Trăng Rừng Tùng, Chân Trăng Rừng Xanh, Chân Trăng Thanh Thanh, Chân Trăng Mây Lành, Chân Trăng Thanh Nhã, Chân Trăng Hương Lành, Chân Trăng Thanh Minh, Chân Trời Gió Xuân, Chân Trăng Tường Thanh, Chân Trăng Hà Thanh, Chân Trăng Sao Mai, Chân Trăng Ý Trong, Chân Trăng Nam Giao, Chân Trăng Vô Vi, Chân Trăng Biển Mây, Chân Trăng Diệu Trạm, Chân Trăng Ngàn Hoa, Chân Trăng Giếng Ngọc.
Lễ xuất gia của gia đình cây Xô Thơm (Cleveland Sage) – ngày 9.9.2018 tại tu viện Lộc Uyển, gồm 5 sư chú và 4 sư cô: Chân Trăng Thanh Ân, Chân Trời Minh An, Chân Trời Minh Lượng, Chân Trăng Thanh Trí, Chân Trăng Thanh Như, Chân Trời Minh Lưu, Chân Trăng Thanh Hương, Chân Trời Minh Nhân, Chân Trời Minh Thắng.
Lễ xuất gia của gia đình cây Dẻ Gai (Beech Tree) – ngày 25.10.2018 tại Làng Mai, Pháp, gồm 7 sư chú và 3 sư cô: Chân Trời Thiện Phong, Chân Trời Thiện Chí, Chân Trăng Hiền Đức, Chân Trăng Hiền Tâm, Chân Trời Thiện Hòa, Chân Trời Thiện Đức, Chân Trời Thiện Khai, Chân Trời Thiện Ý, Chân Trăng Hiền Nhân, Chân Trời Thiện Trì.
Lễ xuất gia của gia đình cây Sơn Trà – ngày 15.12.2018 tại Làng Mai Thái Lan, gồm 4 sư chú và 7 sư cô: Chân Trăng Trí Niệm, Chân Trăng Tường Niệm, Chân Trăng Ân Niệm, Chân Trăng Hỷ Niệm, Chân Trăng An Niệm, Chân Trời Nắng Mới, Chân Trời Phương Vân, Chân Trời Nhất Vị, Chân Trăng Trú Niệm, Chân Trời Nhập Lưu, và Chân Trăng Khánh Niệm.
Khép lại một năm sinh hoạt tại Làng Mai, kính chúc quý thân hữu đón năm mới với lời chúc Một nhà sum họp, Khắp chốn yên vui; nguyện cùng nhau thực tập để có thể trở về được với ngôi nhà đích thực của mình, về được nơi từng hơi thở, từng bước chân.