Gọi về tiếng chân xưa
Tháng cuối năm, Huế mưa dai dẳng và lạnh. Cây mai ngay trước cửa phòng tôi nở duy nhất một bông hoa năm cánh tươi nhuận. Mỗi ngày, ngồi uống trà, tôi đều hướng mắt về phía bông hoa. Còn hai tuần nữa là Tết. Thầy về đây vậy mà cũng gần ba tháng rồi. Nhìn cánh hoa vàng, tôi nhớ đến câu thơ của thầy Hoàng Bá:
Bất thị nhất phiên hàn triệt cốt
Tranh đắc mai hoa phốc tị hương.
Không phải một phen lạnh đến tận cùng xương thịt, thì dễ gì hoa mai thoát ra được thứ hương thơm như vậy. Cội mai già cũng như một đấng trượng phu, âm thầm, kiên định, vững chãi, chờ đợi, kiên nhẫn và dâng hiến hương thơm cho đời.
Rau rịa
Hơn hai năm nay Thầy về thăm Vườn Ươm, và mỗi tháng Tư, Thầy đều đi cùng những học trò của mình đến Wangree, một resort, nơi tổ chức khóa tu gia đình trong mỗi dịp Tết của người Thái Lan. Resort rất đẹp, gần núi, có rất nhiều hoa, nhiều tán cây cổ thụ, có suối, nhiều hồ nước và những con đường quanh co để thiền hành.
Một buổi sáng, tôi nhìn thấy trên mâm cơm của Thầy có món rau. Hỏi ra mới biết đó là rau rịa, được hái từ khu vườn ngay trong khuôn viên của resort. Rau rịa. Thứ rau mà chưa bao giờ tôi nhìn thấy trực tiếp nhưng đã rất ấn tượng khi đọc Nẻo về của ý – quyển sách Thầy viết hơn năm mươi năm trước. Nói đến tên, tôi đã cảm thấy rất hạnh phúc.
Thế là tôi, thầy Đồng Trí và sư chú Trời Trong Sáng quyết định đi tìm rừng rau rịa. Bất ngờ quá, rừng rau chỉ cách chỗ chúng tôi ở vài trăm mét. Từ đó, những món ăn như rau rịa nấu canh, rau rịa xào được anh em chúng tôi thưởng thức thường xuyên. Tôi có thưa cho Thầy nghe về rừng rau rịa, nhắc lại Nẻo về của ý và thỉnh Thầy đi thăm rừng rau. “Thứ cây này có rất nhiều ở Phương Bối, nhất là trong khu rừng ở phía Tây Nam. Ta chỉ có thể hái được những đọt lá non màu hồng tím. Lá rịa mọc song đôi trên đọt cho nên Lý đặt tên thứ rau này là song diệp thái. Người Thượng có thể bán cho người Kinh bất cứ thứ gì họ kiếm được ở rừng: tre, mây, phong lan, thịt nai, măng, v.v. nhưng không bao giờ bán lại rau rịa”. (trích Nẻo về của ý)
Vào một buổi sáng, trời nắng đẹp, Thầy cùng anh chị em thị giả chúng tôi ra thăm rừng rau. Con đường rợp bóng cổ thụ. Đến nơi, Thầy chăm chú quan sát các con của Thầy ngắt từng đọt non, hình ảnh mà hơn 50 trước Thầy đã từng thưởng thức. Thầy nhìn rừng rau, nhìn cụm lá non trong tay sư cô Linh Nghiêm và sư cô Định Nghiêm, ánh mắt rất hạnh phúc. Tôi nhìn thấy cả ánh sáng ban mai trong ánh mắt Thầy. Quý sư cô mang những đọt non tới dâng lên Thầy. Thầy chắp tay, sau đó đưa nắm rau rịa lên mũi thưởng thức. Nắm rau hôm nay cũng là nắm rau tại núi rừng Phương Bối Đại Lão của ngày xưa. Tôi rất xúc động với cách tiếp xúc của Thầy, chú tâm, trang trọng, chánh niệm, như gặp lại một người bạn cố tri.
Cả hai lần ghé resort, Thầy đều đến thăm rừng rau rịa. Những lần đi hái rau sau này, đoàn chúng tôi còn có thêm thầy Pháp Chất và thầy Mãn Chí, hay sư chú Trời Kỳ Diệu. Khi nào thấy tôi không có trong phòng, thầy Pháp Chất thường nói với anh em: “Thầy Nguyên Tịnh lại đi thăm rừng rau rịa rồi”. Đúng rồi. Những ngày sống ở đây thật ngắn ngủi, chúng tôi phải tận dụng thời gian để thưởng thức. Thưởng thức rau rịa, tôi thưởng thức được cả rừng núi Đại Lão và tình anh em mà ngày xưa Thầy đã vun bồi trên đồi Phương Bối. Tôi nhớ đến lời thầy Lợi, một người cư sĩ lớn tuổi từng nói với tôi: “Đọc Bây giờ mới thấy, Tình người hay Nẻo về của ý, thầy sẽ thấy tại sao Thầy Nhất Hạnh lại có những hoa trái đẹp tươi như vậy. Thầy Nhất Hạnh đã biết cách nuôi dưỡng được tình huynh đệ đồng môn và chưa bao giờ đánh mất sự thương yêu yểm trợ đối với những người em trẻ tuổi. Đây là một bài học rất lớn mà Thầy để lại cho cuộc đời.”
Giữ lửa
Có một buổi chiều, trời mưa, gió và lạnh. Lúc đó thầy trò chúng tôi đang ở Sơn Cốc. Ngồi nhìn ra cửa kính, Thầy đưa bàn tay trái, bàn tay duy nhất Thầy còn cử động được sau lần bệnh nặng, áp lên khuôn mặt mình và nhìn từng người học trò đang ngồi xung quanh. Đôi mắt Thầy muốn nói một điều gì đó. Không khí im lặng bao trùm. Đôi mắt Thầy vẫn hướng đến từng người. Tôi nhìn Thầy, rồi như một tiếng nói trực tiếp đi ra từ sự vận hành của cả năm uẩn, tôi đọc lớn đủ để Thầy nghe bài thơ Ấm áp, bài thơ Thầy đã viết trong thời gian Thầy đi kêu gọi chấm dứt chiến tranh ở Việt Nam:
Tôi bưng mặt trong lòng hai bàn tay
Có phải để khóc đâu anh
Tôi bưng mặt để giữ cho ấm áp sự cô đơn
Hai bàn tay chở che
Hai bàn tay nuôi dưỡng
Hai bàn tay ngăn cản
Sự ra đi hờn dỗi của linh hồn.
Thầy nhìn tôi chăm chú, đôi mắt sáng lên, gật đầu và đặt bàn tay lên đầu tôi. Tôi lấy giọng, đọc thêm lần nữa và lần nữa, lòng rạt rào xúc động. Tôi thưa: “Thầy ơi, con biết Thầy nhớ rõ bài thơ này lắm. Trái tim của một người trẻ đầy nhiệt huyết, đầy hy vọng, đầy tin tưởng và bàn tay của người trẻ là để thương yêu, để xây dựng, để làm đẹp cuộc đời. Nhưng mà trái tim ấy, bàn tay ấy của người trẻ đã lắm lúc mang thương tích, lắm lúc rơi vào sự cô đơn, lắm lúc đối diện với những bế tắc và thất vọng. Người trẻ ấy đã áp bàn tay lên khuôn mặt những lúc buồn tủi cô đơn nhất, để sự ấm áp mãi còn, để nhắc nhở cho chính mình bầu nhiệt huyết vẫn còn tuôn dậy, để cho sự cô đơn không lấn áp được niềm tin yêu. Đôi bàn tay của người trẻ kia đã làm nhiệm vụ che chở, nuôi dưỡng bếp lửa tâm thức và ngăn cản một tâm hồn đang hờn dỗi, cô đơn và thất vọng muốn từ bỏ. Con biết, Thầy không bao giờ bỏ cuộc, và Thầy luôn trao truyền cho chúng con tinh thần đó”.
Tôi cũng chẳng biết tại sao tôi lại “liều lĩnh” nói lên được những điều như vậy. Bàn tay Thầy đặt trên trán tôi. Mắt tôi nhòe đi trong niềm xúc động và biết ơn. Thầy gật đầu, đôi mắt vẫn sáng một tia sáng kỳ diệu. Mưa gió vẫn kéo về khắp Sơn Cốc. Thầy trò tôi ngồi với nhau rất ấm áp.
Được cơ may thân cận Thầy trong thời gian làm thị giả, tôi đã học được những bài học Thầy trao truyền. Mỗi bữa cơm, bằng bàn tay trái, Thầy đưa từng muỗng thức ăn lên miệng bằng tất cả sự chú tâm, thận trọng và thưởng thức. Chánh niệm đã trở thành sự sống của Thầy. Thầy thưởng thức từng ngụm trà một cách trầm lặng, ngắm nhìn thiên nhiên, Thầy trở thành người vô sự. Bàn tay trái của Thầy vỗ về, chấp nhận và làm thay những công việc cho bàn tay phải. Tôi thương lắm mỗi khi nhìn thấy bàn tay trái của Thầy chăm sóc và đánh thức bàn tay phải. Thầy ngồi vào bàn, giấy đã được thị giả chuẩn bị sẵn, với bàn tay trái, Thầy cầm bút và vẽ từng vòng tròn thư pháp. Thầy nhìn một bông hoa hồng vươn cao và uốn mình bên cửa kính, rồi vẽ theo. Những vòng tròn cứ thế hình thành nơi nét bút, tạo nên một bông hoa hồng. Bông hoa nở trên giấy. Bông hoa nở trong lòng Thầy. Bông hoa nở trong lòng mỗi anh chị em thị giả chúng tôi. Và bông hoa ấy cũng nở trong lòng mỗi đứa con của Thầy ở khắp mọi nơi. Thầy đọc sách. Thầy tập chân. Thầy tập trở người. Thầy tập nói, tập đi,… Bếp lửa cứ thế, ngày đêm Thầy âm thầm giữ gìn và trao truyền cho mỗi chúng tôi.
Tôi không lớn lên trong chiến tranh. Nhưng tôi lớn lên trong thời kỳ mà tuổi trẻ cũng mang nhiều buồn tủi, cô đơn, nghi kỵ và thương tích. Nói với tuổi hai mươi là tập sách đã giúp tôi định hình đời sống của mình rất nhiều. Thầy viết tác phẩm đó trong lúc chiến tranh và chết chóc có mặt khắp quê hương. Một cuốn sách chứa đầy tình thương, bao dung, chấp nhận, tha thứ, biết ơn và tin tưởng. Những hạt giống của nghi kỵ, thủ tiêu, chống báng, tuyệt vọng trong người đọc dần lắng dịu để cho tình thương và sự cảm thông có mặt. Tôi hiểu, từ lúc còn rất trẻ, Thầy đã là một người giữ lửa và mãi đến bây giờ, bếp lửa ấm áp ấy vẫn còn cho ta than hồng lửa đỏ.
Tìm tôi trong tận đáy hồn anh
20 tháng 11, ngày Nhà giáo Việt Nam. Sáng hôm đó, thầy Chơn Trí, một người bạn đồng học với Thầy tại Phật học đường Báo Quốc lúc Thầy còn là một sư chú, bất ngờ lên thăm Thầy. Thầy vừa dùng sáng xong. Thấy bóng dáng thầy Chơn Trí ngoài cửa sổ, Thầy đã đưa tay lên chào, kiểu chào của hai người bạn thân thiết lâu năm. Hai anh em nắm tay nhau. Thầy Chơn Trí, bằng cái cách hài hước vui vẻ rất trẻ trung, đưa tặng Thầy một chai xì dầu Maggi. Thầy gật đầu, đôi mắt rất sáng, nhận chai xì dầu và đưa lên cao một lúc lâu. Hai anh em cười rất tươi. Thầy đưa tay nắm tay thầy Chơn Trí sau khi gởi chai xì dầu cho thị giả. Chai xì dầu nhắc nhở lại kỷ niệm của thời học tăng. Đó là một báu vật mà chỉ có thầy Chơn Trí lúc đó, vốn được mệnh danh “giàu có” mới sở hữu được. Trong bữa ăn thanh bần của học tăng, lâu lâu sư chú Chơn Trí lấy chai xì dầu trong túi áo ra, xịt vài giọt vào chén cơm của mình một cách thận trọng, rồi chuyền chai xì dầu cho vài anh em trẻ cùng tận hưởng hương vị “giàu có” đó trước khi thu lại và cho vào túi áo. Hôm sau, thầy Pháp Huy kể cho anh em chúng tôi nghe, Thầy đã bảo mở chai xì dầu và Thầy đã thử ba giọt. Chai xì dầu sau đó được mang xuống bếp thị giả. Nghe xong câu chuyện, tôi liền đi cất chai xì dầu để làm kỷ niệm.
Thầy Chơn Trí là một người đã gắn bó với Thầy trong thời kỳ học tăng tại Báo Quốc như một đồng sự. Tờ báo Tiếng Sóng do Thầy phát động đã được thầy Chơn Trí giúp đỡ giấy mực rất nhiều. Tờ báo đó, tuy đơn sơ, nhưng là tiếng nói của những tăng sinh trẻ và là tờ báo mở đầu cho những tờ báo Thầy tham gia, cũng như hướng viết sách của Thầy sau này. Trong buổi gặp mặt hôm đó, thầy Chơn Trí đã nhắc lại một kỷ niệm rất đẹp cho Thầy và anh chị em thị giả chúng tôi được nghe.
Đó là lúc Thầy không đồng ý với chương trình giảng dạy ở Báo Quốc. Sau một vài lần thưa lên Ban giám đốc nhà trường mà không có kết quả, Thầy quyết định bỏ học đi vào Nam. Chuyến đi đó của Thầy và một vài anh em khác được bí mật tổ chức. Xe sắp chạy, thầy Chơn Trí thấy có gánh đậu hũ gần đó, liền mua cho Thầy một chén, lúc đó Thầy đã ở trên xe. Chén đậu hũ vừa đưa lên, bất ngờ xe chuyển bánh. Vậy là chén đậu hũ tuột khỏi tay Thầy, đổ đầy áo thầy Chơn Trí. Trên xe, Thầy đưa tay vẫy chào bạn và khóc rất nhiều. Cho đến lúc chiếc xe khuất hẳn, thầy Chơn Trí mới ra về. Một chuyến đi của khát khao tìm một con đường mới, nhưng vẫn còn rất mơ hồ, chưa biết được gì không nhưng đã phải xa thầy tổ, xa bạn bè thân thiết, xa người giáo thọ trẻ Trọng Ân hiền lành và hiểu được những đứa em tăng sinh. Tôi quỳ một bên và nghe giọng kể của thầy Chơn Trí, trong chất giọng ấy còn đủ đầy hình bóng của người bạn nức nở khóc khi xe lăn bánh và chén đậu hũ ướt đẫm cả vạt áo mình… Ngày hôm sau, anh chị em chúng tôi về chùa Phước Điền thăm thầy Chơn Trí, lại được nghe nhiều câu chuyện vui và hay do thầy Chơn Trí kể, đi kèm theo từ “bí mật”. Chúng tôi cảm thấy rất biết ơn khi được nghe những câu chuyện dễ thương về tình huynh đệ của mấy mươi năm về trước.
Sum họp
26 tháng 10 năm 2018, Thầy về đến Việt Nam. 28 tháng 10, Thầy về đến Tổ đình Từ Hiếu. Chúng tôi thỉnh Thầy xuống xe. Thầy chào đại chúng và ra dấu cho thị giả đẩy xe đi tiếp đến cổng tam quan chùa Tổ. Thầy chắp tay chào chùa Tổ. Tăng ni và Phật tử cư sĩ đứng hai hàng dài. Thầy ra hiệu dừng lại, ra hiệu cho mọi người dạt ra hai bên để Thầy có thể nhìn thấy toàn bộ cổng tam quan. Chúng tôi đứng đó, bên cạnh Thầy, và nhận ra hình bóng sư chú Phùng Xuân mỗi lần từ Phật học đường Báo Quốc hay đi đâu xa được về thăm chùa, thăm Sư Cố Thanh Quý, thăm huynh đệ, thường dừng lại một lúc trước cổng tam quan, trước hồ bán nguyệt để ngắm nhìn khung cảnh thanh bình ở đây, để thấm sâu hơn cảm giác về nhà của một người xuất sĩ trẻ. Lúc đó, tôi cảm nghe trong khung cảnh đông đảo ấy chỉ còn lại bóng dáng một sư chú trẻ với ngôi cổ tự rêu phong mà không thêm bất kỳ một âm thanh rộn ràng hay một hình ảnh náo nhiệt nào khác nữa. Dừng lại một lúc lâu, Thầy ra dấu đi tiếp. Đoàn thị giả đưa Thầy vào cửa giữa cổng tam quan. Thầy chạm bàn tay một cách cẩn trọng vào bức tường sạm màu theo thời gian. Chúng tôi nhìn bàn tay Thầy. Chúng tôi nhìn thấy dấu ấn linh thiêng của sự trở về.
Chùa Tổ đẹp quá. Thầy dành nhiều thời gian để thăm từng ngõ ngách.
Có cây khế hơn trăm tuổi cho trái vàng cam, yên lắng giữa sân chùa. Cây khế gắn bó với Thầy từ lúc Thầy mới vào chùa và trong lúc thị giả cho Sư Cố Thanh Quý. Cây khế ấy đã đi vào trong văn thơ của Thầy. “Ở chùa Từ Quang có một thầy tên là Trọng Ân, một ông thầy tu thật hiền, thật đẹp. Thầy này là thi sĩ, thơ của thầy được nhiều cô nhiều chú học thuộc lòng. Bút hiệu của thầy là Trúc Diệp, nghĩa là lá tre. Tết nào thầy cũng lên chùa tổ thăm Sư Ông và thăm chú Phùng Xuân. Tết nào thầy cũng được Sư Ông ban cho một trái khế. Khế được đặt trên một cái đĩa trắng. Có cả một con dao con. Dao chỉ để gọt khía và cắt hai đầu. Rồi ta xẻ khế ra thành từng múi, cầm tay mà ăn. Không bao giờ cầm dao cắt khế thành từng lát hình ngôi sao. Khi thầy Trúc Diệp ra về, chú Phùng Xuân thường hái thêm một trái khế thứ hai để thầy ấy mang về Từ Quang, chưng trong phòng “cho đẹp”. Trái khế này thường được hái kèm theo vài chiếc lá khế”. (Con nghé nhỏ đuổi chạy mặt trời – Thầy Làng Mai). Thầy rất thích ngồi yên ngắm nhìn cây khế nơi chiếc bể cạn có hòn non bộ xưa rêu phủ ấy. Những chiếc lá khế thỉnh thoảng chao nghiêng rơi xuống. Trái khế vàng cam lủng lẳng trên cây. Thầy đưa tay chạm vào một vài trái khế thấp và áp vào má. Có những hôm trời mưa lất phất, Thầy vẫn muốn dạo quanh dưới cội khế già. Thầy đang dạo chơi cùng Sư Cố, cũng như chúng tôi đang dạo chơi cùng Thầy.
Và rồi thế nào Thầy cũng ra dấu để chúng tôi mở cửa đưa Thầy vào thăm liêu Sư Cố. Chiếc giường Sư Cố thường nằm nghỉ vẫn còn đó. Thầy rất thích thị giả đưa Thầy đến sát chiếc giường mộc mạc ấy để Thầy được nhìn thật lâu và thật kỹ. Thầy chắp tay chào như Sư Cố vẫn ngồi đó mỗi lần Thầy có dịp về thăm. Bức chân dung Sư Cố mà Thầy cúng dường mấy mươi năm trước được thờ ngay giữa liêu. Thầy dừng lại lâu hơn, ngắm nhìn bức chân dung và đưa tay ra hiệu cho các học trò của mình cùng chiêm ngưỡng. Có những lúc Thầy kính cẩn chắp tay thật lâu trước bức chân dung ấy.
Ngày xưa, lúc Thầy ra nước ngoài vận động hoà bình cho quê hương, Thầy hứa với Sư Cố rằng Thầy đi rồi Thầy sẽ trở về. Sư Cố, sau đó, vẫn thường hay chống chiếc gậy nhìn xa xa và hỏi thị giả đứng hầu bên cạnh: “Thầy (Nhất Hạnh) về chưa?”. Một câu hỏi của tình thương và tin cậy mà Sư Cố dành cho người học trò của mình. Năm Sư Cố tịch, Thầy vẫn còn ở nước ngoài, không về được. Thầy buồn lắm. Thầy không được gặp Sư Cố bằng xương bằng thịt thêm một lần nào nữa cả. Câu hỏi: “Thầy (Nhất Hạnh) về chưa?” vẫn còn đó. Và hôm nay, mỗi lần nhìn thấy hình bóng Thầy ngồi yên hay chắp tay trước chiếc đơn trong liêu hay trước chân dung Sư Cố, tôi đã nghe trong gió chiều tiếng Thầy thưa với Sư Cố: “Bạch Thầy, con đã về rồi, con đã thực sự trở về rồi”. Thầy trở về như một người đệ tử xứng đáng với chư Tổ, với Sư Cố. Thầy về chùa Tổ là Thầy về nhà, về với nghĩa tình, Thầy về với từng bàn tay chạm nhẹ vào cổng tam quan, chạm nhẹ vào chiếc giường đơn sơ Sư Cố nghỉ, chạm nhẹ vào những chiếc đơn xưa từng là chỗ ngồi chơi hay chỗ nằm ngủ của sư chú Phùng Xuân và huynh đệ một thời, chạm vào từng chiếc lá khế ký ức… Cổng tam quan ấy, chiếc giường ấy, chiếc đơn ấy, chiếc lá khế ấy, từ xa xưa cho đến hôm nay, đã có mặt và chứng kiến cho một tấm lòng thủy chung, ân nghĩa. Bài học của sự trở về ấy, Thầy đang dạy cho chúng tôi từ những biểu hiện giản đơn nhất.
Tôi nhớ, lúc tôi xin phép Thầy tôi để rời Kim Sơn qua Làng Mai thực tập, tôi đã viết cho Thầy tôi những bức thư, tôi cũng đã nói: “Con đi rồi con sẽ trở về”. Lúc viết câu đó, tôi chưa được nghe câu chuyện cảm động tình nghĩa thầy trò giữa Sư Cố Thanh Quý và Thầy.
Ngày về
Về Huế lần này, tôi dành thời gian để về Kim Sơn thăm Thầy tôi, người đã cho tôi xuất gia và tác thành đời sống xuất sĩ. Đây là lần đầu tiên sau khi đi tu, có mặt tại Huế Huế mà tôi lại không ở Kim Sơn. Mỗi lần nghĩ đến điều này, tôi biết ơn Thầy tôi lắm. Thầy đã chấp nhận, đã âm thầm yểm trợ cho lý tưởng và con đường của tôi với tư cách một vị thầy dành cho một đệ tử. Núi đồi Kim Sơn bao giờ cũng đẹp, cũng an tịnh. Mùa này, hoa nứt nẻ tím nở thành từng cụm quanh vườn. Mấy chậu mai trong sân chùa đã bắt đầu nở. Tôi thích đứng ở một góc nào đó tại Kim Sơn ngắm mưa. Tôi thích đi dạo ra trước tháp thầy Trí Thuyên. Đọc Việt Nam Phật giáo sử luận hay Bây giờ mới thấy, hoặc trong những bài pháp thoại, tôi biết Thầy và thầy Trí Thuyên là bạn thân của nhau. Năm 2016, tôi may mắn được làm thị giả cho Thầy. Khi nhận tin, tôi khá bất ngờ, lúc đó đang trong thời điểm làm biếng mười ngày sau khóa tu xuất sĩ. Và còn bất ngờ hơn khi tôi khám phá ra, ngày tôi bắt đầu làm thị giả cho Thầy, thì ở Kim Sơn, đại chúng cũng đang tưởng niệm 69 năm ngày thầy Trí Thuyên viên tịch. Tôi có viết trong sổ công phu rằng: “Kính bạch thầy Trí Thuyên, trong thâm sâu tâm linh con biết rằng, thầy đã gọi con lên làm thị giả cho Sư Ông. Con tin rằng Thầy của con hiện tại ở Kim Sơn cũng sẽ cảm thấy rất vui lòng vì điều này”.
Những chậu mai vàng ở Kim Sơn cũng bắt đầu nở. Nhìn lại những tháng năm đi qua cuộc đời, tôi lại nhớ đến câu thơ của thầy Hoàng Bá: “Bất thị nhất phiên hàn triệt cốt. Tranh đắc mai hoa phốc tị hương”.
Thầy Nguyên Tịnh