Giữ gìn đất Mẹ
(Trong khóa tu 21 ngày năm 2018 tại Làng Mai, một số thành viên của tăng thân Trì Địa (Earth Holder) đã xin Sư cô Chân Đức chia sẻ về cách thực tập với những khó khăn do hậu quả của thay đổi khí hậu trên trái đất, để ta có thể trở nên vững chãi và làm chỗ nương tựa cho chính bản thân, gia đình và cho xã hội. Dưới đây là những chia sẻ của Sư cô được Ban biên tập chuyển ngữ từ tiếng Anh.)
Sự thực tập của Chân Đức (CĐ) là gìn giữ, chăm sóc trái đất mỗi ngày: cách mình đi trên mặt đất chính là cách tốt nhất để giữ gìn trái đất, bởi vì cách đi ấy sẽ thiết lập mối quan hệ giữa mình với trái đất. Khi đi, CĐ không thấy trái đất là một cái gì nằm bên ngoài mình. Trái đất không chỉ là vật chất mà còn là tinh thần. Trái đất chính là một phần của CĐ và CĐ chính là một phần của trái đất.
CĐ thấy việc thiết lập mối quan hệ này rất quan trọng đối với bất kỳ ai thực sự quan tâm tới trái đất. Không có mối quan hệ này thì chúng ta không thể bắt đầu việc chữa lành thương tích cho trái đất và cho chính chúng ta. Trái đất đang cố gắng hết sức mình. Sự sống trên trái đất rất mãnh liệt và cái mà chúng ta gọi là trái đất chính là sự sống trên trái đất, bởi nếu không có sự sống trên trái đất thì trái đất không còn là trái đất nữa. Chúng ta nói về dải lụa màu xanh, nhưng đó thực sự chính là trái đất. Và dĩ nhiên, không khí cũng là trái đất. Loài người chúng ta là những đứa con của đất Mẹ, vì vậy tình huynh đệ của chúng ta cũng là một yếu tố rất quan trọng trong việc bảo hộ trái đất. Chúng ta cùng nhau gìn giữ bảo hộ trái đất này như một tăng thân, một cộng đồng gồm các anh chị em thương mến nhau.
Sư Ông Làng Mai là vị thầy đầu tiên trong Phật giáo khởi xướng việc lạy danh hiệu đất Mẹ (Gaia) như một vị Bồ tát – Bồ tát Thanh Lương Đại Địa – trong các buổi lễ, giống như cách chúng ta lạy trước Bồ tát Đại Trí Văn Thù Sư Lợi hay Bồ tát Đại Bi Quán Thế Âm, v.v. Kể từ đó, chúng ta bắt đầu có một mối liên hệ tâm linh với đất Mẹ. Chúng ta không còn liên hệ với đất Mẹ giống như trước đây nữa. Giờ đây, trong lòng chúng ta đất Mẹ là một vị Bồ tát, và chúng ta cũng có một mối quan hệ tình cảm thân thuộc với Mẹ. Ta thấy trái đất là Mẹ của ta, người mà ta cần chăm sóc và bảo hộ.
Cách nhìn mới mẻ và vô cùng căn bản này trong mối quan hệ với trái đất là cách có thể giúp loài người chăm sóc trái đất hữu hiệu nhất. Chúng ta có thể lên nhiều kế hoạch, đề ra các kỹ thuật và có nhiều tranh luận về việc làm sao có thể giữ gìn trái đất, nhưng nếu ta không thay đổi mối quan hệ căn bản với đất Mẹ, CĐ không cho rằng những kế hoạch, kỹ thuật hay những tranh luận kia cuối cùng sẽ đem lại kết quả khả quan.
Loài người xưa nay vẫn quen cho rằng mình và trái đất là hai thực thể tách rời – trái đất có đó cho chúng ta khai thác và sử dụng mà không phải để cho chúng ta yêu thương, kính trọng như đối với một người mẹ, hay như một vị Bồ tát. Đó là lý do tại sao mỗi ngày khi CĐ nhìn đất Mẹ, CĐ luôn nói với chính mình và nói với đất Mẹ rằng: “Mẹ ơi, Mẹ đang cố gắng hết sức mình và con vô cùng mang ơn Mẹ”. Khi những thiên tai xảy đến, CĐ cảm thấy đất Mẹ đang khổ đau, và CĐ cũng thấy được những nhân duyên đưa đến những thiên tai ấy. Sự khổ đau của đất Mẹ tương tức với sự khổ đau của những đứa con của Mẹ. Khi chúng ta khổ đau thì đất Mẹ cũng khổ đau.
Những hành động chữa lành thương tích cho đất Mẹ – nền tảng cho những điều tốt đẹp
Khi bạn có một mối quan hệ thương yêu như thế với đất Mẹ, bất cứ một hoạt động, một sự kiện nào được bạn tổ chức trong chánh niệm, với lòng từ bi và thương yêu cũng đều có ích lợi. Cho dù bạn không thấy việc mình làm có chút kết quả nào nhưng một khi bạn thực tập thiền hành với tâm từ bi và với một cái thấy đúng đắn (chánh kiến) thì ngay lúc đó bạn đã gửi đi một năng lượng thiện lành. Cái thấy đúng đắn tức là thấy rằng loài người và trái đất có trong nhau, chúng ta chính là con của đất Mẹ. Cũng như nhiệt lượng, năng lượng thiện lành ấy sẽ không bao giờ mất đi. Không có một loại năng lượng nào mất đi cả, đó là nguyên lý bảo tồn năng lượng. Đó cũng chính là nguyên lý của sự tương tức và tự tính không sinh không diệt của vạn vật.
Bất cứ một hoạt động nào của chúng ta, trên bình diện tương đối, dù cho hoạt động đó có vẻ như không thành công – thí dụ như ta bị vào tù vì hành động đó – miễn là khi hành động, ta có tình thương, có sự hòa hợp và có từ bi thì ta đã thành công rồi. Và điều ta làm sẽ chế tác ra một năng lượng làm nền tảng cho những điều tốt đẹp xảy ra.
Duy trì sự tươi mát và vững chãi
Chúng ta có thể đến một trung tâm thiền tập để phục hồi sự tươi mát, để thấy xung quanh ta vẫn có những người quan tâm tới đất Mẹ và thấy họ là một với đất Mẹ. Những người này đang làm việc trong chánh niệm vì đất Mẹ. Khi đến thực tập trong tu viện hay tham gia một khóa tu như thế, chúng ta sẽ không rơi vào tình trạng kiệt sức hay tuyệt vọng.
Chúng ta có thể thực tập địa xúc, một thực tập rất tuyệt vời. Ta lạy xuống trong tư thế phủ phục, năm vóc sát đất. Ta có thể đứng trước một cái cây hay trước một ngọn núi và thực tập địa xúc để cảm được sức mạnh và hùng lực của thiên nhiên đang đi vào trong ta. Chúng ta có thể thực tập theo sách Tâm tình với đất Mẹ mà Sư Ông Làng Mai đã biên soạn.
Vô thường
CĐ muốn nhấn mạnh một điểm về vô thường. Đôi khi có những người không vui lắm khi CĐ nói đến điều này, nhưng đây là sự thật: Trái đất vô thường. Đến một lúc nào đó, trên trái đất sẽ không còn sự sống. Đây là một sự thật mà ta phải chấp nhận. Nói như thế không có nghĩa là điều đó xảy ra ngay lập tức. Chúng ta vẫn còn cơ hội, nhưng trong ánh sáng của vô thường, chúng ta sẽ dễ chấp nhận hơn.
Cũng giống như khi ta thiền quán về sự vô thường của chính ta:
Thở vào, tôi ý thức về đôi mắt của tôi
Thở ra, tôi biết rằng đôi mắt của tôi vô thường.
Ta cũng có thể thiền quán như thế về đất nước của chúng ta và về trái đất.
Thở vào, tôi ý thức đến quốc gia tôi đang sống
Thở ra, tôi ý thức quốc gia của tôi vô thường.
Thở vào, tôi ý thức đến trái đất
Thở ra, tôi ý thức trái đất vô thường.
Trái đất rất kiên cường, như nhà sinh học vĩ đại Lynn Margulis đã nói. Tuy thế trái đất cũng vô thường. Và chúng ta phải thấy được điều đó, chúng ta cần quán chiếu:
Thở vào, tôi ý thức đến đất Mẹ
Thở ra, tôi ý thức rằng đất Mẹ vô thường.
Rõ ràng năng lượng do đất Mẹ chế tác ra sẽ không bao giờ mất đi. Một mặt thì đất Mẹ vô thường và khi chúng ta thấy được điều đó, tâm nguyện bảo hộ đất Mẹ của chúng ta lại càng sâu sắc hơn. Mặt khác, ý thức đó giúp ta tiếp xúc được với thực tại, nghĩa là ta có khả năng chấp nhận bất cứ điều gì có thể xảy ra. Nhờ thế ta sẽ không bị tuyệt vọng, bởi vì vạn vật đều vô thường.
Đó là lý do vì sao chúng ta cần cố gắng hết sức mình. Và khi bạn giận ai đó, bạn nên nhìn người ấy để thấy rằng người ấy cũng vô thường. Khi đó, cơn giận của bạn sẽ tan đi. Bạn đâu muốn phí thời gian cho cơn giận khi bạn biết quá rõ rằng bạn và người ấy đâu còn có mặt cho nhau trong 200 năm tới. Vì vậy, thiền quán về vô thường rất quan trọng, nó giúp cho ta đối trị với tuyệt vọng và làm tất cả những gì ta có thể làm trong khi còn có thể.
Khi hiểu được vô thường, ta sẽ có động lực làm những gì tốt nhất có thể để gìn giữ, chăm sóc. Thí dụ nếu bạn có một đóa hoa, bạn biết đóa hoa là vô thường. Nếu bạn bỏ mặc đóa hoa đó mà không tưới nước, sự vô thường của đóa hoa sẽ đến vô cùng nhanh chóng. Nếu bạn chăm sóc đóa hoa thật hết lòng thì đóa hoa sẽ không vô thường quá nhanh. Điều này cũng đúng đối với trái đất.
Thiền quán về vô thường sẽ giúp chúng ta chăm sóc tốt cho trái đất, có động lực và yêu thương trái đất nhiều hơn trong giây phút hiện tại. Chúng ta có thể thiền hành và tiếp xúc với đất Mẹ thường xuyên hơn. Những điều kiện cho phép sự sống của loài người xuất hiện trên trái đất hiện đang bị đe dọa. Đó là một phần quan trọng trong sự thực tập quán vô thường của chúng ta:
Thở vào, tôi thấy loài người vô thường
Thở ra, tôi mỉm cười với sự vô thường của loài người.
Đó là sự thật. Chúng ta vô thường và nếu chúng ta không chăm sóc chính chúng ta và không có một hướng đi đúng đắn trong quá trình phát triển thì sự vô thường của chúng ta sẽ đến rất nhanh.
Thực tập với giận dữ và tuyệt vọng
Chúng ta nên ra khỏi cái đầu đầy suy tư của mình và trở về với trái tim. Điều này rất quan trọng. Những thực tập như sám pháp địa xúc, thiền hành mỗi ngày và xem đất Mẹ là tinh thần mà không chỉ là vật chất sẽ giúp ta làm được điều đó.
Nếu nghiên cứu vật lý hạt cơ bản (particle physics), bạn sẽ thấy tất cả đều là tương đối. Không nhất thiết chỉ có một đường thẳng đi trực tiếp từ điểm A đến điểm B. Cũng tương tự như vậy khi nói về sự khỏe mạnh hay ốm yếu của đất Mẹ, chúng ta không thể dự đoán được tương lai. Dù khoa học có cung cấp cho ta nhiều thông tin đến đâu, khoa học cũng không thực sự dự đoán được tương lai. Vì vậy, việc tiếp xúc với đất Mẹ mỗi ngày – với tình trạng hiện tại của đất Mẹ – là điều rất quan trọng. Những gì chúng ta làm ngay thời điểm này chính là chất liệu làm nên tương lai. Ngay bây giờ, nếu chúng ta có những hành động tích cực thì tương lai sẽ khác; còn nếu chúng ta có những hành động gây tàn hại thì tương lai cũng sẽ khác.
Sự thực tập trở về với trái tim – nơi đem lại sự chuyển hóa
Ta có thể thực tập để làm lớn thêm niềm tin trong ta. Năng lượng của sự thực tập tâm linh sẽ giữ gìn và bảo hộ cho chúng ta và cả cho trái đất. Nếu mỗi ngày chúng ta làm phát khởi năng lượng của tuyệt vọng, bế tắc, giận dữ,… thì đâu có ích gì cho chính tự thân và cho trái đất.
Có những người hoạt động lâu năm trong lĩnh vực bảo vệ môi trường và bị kẹt vào “trạng thái tranh đấu” (‘activist mode’) – rất nguy hiểm. Những người này đã tranh đấu suốt cuộc đời, từ lúc còn trẻ tuổi. Giờ đây họ đang ở vào tuổi 60 hay 70 và vẫn tiếp tục tranh đấu. Một người hoạt động vì môi trường mà phải liên tục vật lộn, đấu tranh như thế thật không hay. Một mặt, chúng ta rất tri ân những người này vì họ đã cắm lều bên ngoài các công trình gây hại cho môi trường để phản đối từ năm này qua năm khác. Thế nhưng khi làm những việc đó, họ không được nuôi dưỡng bởi niềm vui và sự bình an. Họ có thói quen lúc nào cũng đấu tranh, chống đối, rồi có cảm giác bị chống trả lại và thấy không ai quan tâm đến những nỗ lực của họ. Là một nhà hoạt động vì môi trường, ta phải thật cẩn thận trong việc chăm sóc chính mình. Ta cần một sự thực tập tâm linh để nuôi dưỡng tự thân.
Biết cách đối trị với những cảm xúc tuyệt vọng và giận dữ là điều rất quan trọng. Bởi vì khi tâm ta bị tuyệt vọng và giận dữ trấn ngự, ta không còn sáng suốt nữa. Và khi đó ta không thể nào hành động một cách đúng đắn, ta không thể thấy cái gì nên làm hoặc không nên làm. Tâm ta cũng là một môi trường – môi trường bên trong, mà môi trường bên trong và bên ngoài đều tương tức với nhau.
Sư cô Chân Đức