Đường mòn Appalachian, những bước chân trị liệu
Thầy Trời Đạo Hành người Hà Lan, xuất gia năm 2015 trong gia đình cây Đan Mộc. Thầy tham gia khóa tu đi bộ trên đường mòn Appalachian, lần đầu tiên được quý thầy Làng Mai tổ chức. Dưới đây là chia sẻ của thầy về trải nghiệm thú vị và đặc biệt này. Bài viết được Ban biên tập chuyển ngữ từ tiếng Anh.
Thật ra cuộc hành trình của chúng tôi đã bắt đầu từ nhiều tháng trước khi chúng tôi đặt những bước chân đầu tiên trên đường mòn Appalachian huyền thoại của nước Mỹ. Công việc chuẩn bị gồm có: vẽ tuyến đường, gây quỹ, liên lạc với các tăng thân địa phương, trang bị dụng cụ, tham dự khóa học sơ cứu khi sống ngoài thiên nhiên, rèn thể lực,… và uống trà. Trước khi lên đường, tuần nào chúng tôi cũng liên lạc qua skype để trò chuyện với nhau. Thầy Pháp Xả gọi từ EIAB, Đức; thầy Pháp Mãn và thầy Pháp Lý từ tu viện Bích Nham, Mỹ; thầy Pháp Lưu, thầy Pháp Khởi và tôi từ Làng Mai, Pháp. Ngoài ra còn có năm bạn tình nguyện viên tuyệt vời cùng đi chung, vừa là bạn đường vừa yểm trợ chúng tôi. Đến lúc gặp mặt nhau lần đầu tiên, ai cũng có cảm tưởng là đã quen biết nhau từ lâu lắm rồi.
Chúng tôi dự định sẽ đi bộ xuyên sáu tiểu bang, vượt qua khoảng 750 cây số trong bảy tuần lễ, từ tu viện Bích Nham ở New York tới thủ đô Washington D.C. Mong muốn của chúng tôi là tạo ra một tu viện, một trung tâm tu học di động trong khi tiếp xúc sâu sắc với năng lượng trị liệu của thiên nhiên qua những bước chân chánh niệm. Mỗi tuần, trước khi bắt đầu một chặng đường mới, chúng tôi dự định sẽ tổ chức một ngày chánh niệm để kết nối và yểm trợ tăng thân địa phương. Chúng tôi sẽ hiến tặng sự thực tập của mình, chế tác năng lượng chánh niệm, bình an và hạnh phúc. Cuộc hành trình sẽ kết thúc bằng một buổi đi bộ cho hòa bình (peace walk) tại thủ đô Washington D.C.
Tháng Tư năm 2018, sau bao ngày chờ đợi, cuối cùng thời điểm chúng tôi họp mặt tại tu viện Bích Nham cũng đã đến. Với một ba lô nặng 15 ký trên lưng bao gồm các vật dụng cần thiết và thực phẩm, chúng tôi bắt đầu lên đường. Tất cả những gì chúng tôi cần làm là thưởng thức từng bước chân và đi theo dấu chỉ đường. Trong những tuần sau đó, chúng tôi trải qua đủ loại thời tiết: tuyết, mưa, mưa đá, nắng và sấm sét. Chúng tôi hòa mình vào thiên nhiên và gặp những sinh vật thật đẹp như bướm, rắn, cóc, chuột chũi, rùa, sóc, hươu, kỳ nhông, nhiều loại chim và nhiều loài khác nữa.
Dù ở các lứa tuổi khác nhau, đến từ các nước khác nhau nhưng chúng tôi cùng trải nghiệm những điều kiện thời tiết, cùng sẻ chia những tiện nghi, những bất tiện nghi cũng như tất cả những gì xảy đến trên đường. Chính những trải nghiệm tập thể đó gắn kết chúng tôi thành một tăng thân thực sự. Nếu một người không đủ sức để vác ba lô leo lên núi thì chúng tôi chia một phần dụng cụ của người đó cho những thành viên trong nhóm và chúng tôi cùng vác chung với nhau. Nếu chúng tôi đi quá nhanh và có người không theo kịp thì chúng tôi điều chỉnh tốc độ để ai cũng tận hưởng được bước chân của mình. Nếu có ai đó cảm thấy khó có thể đi tiếp và cần dừng lại hẳn để nghỉ ngơi (điều này xảy ra mỗi tuần), thì mẹ Sue (là mẹ của thầy Pháp Lưu, nhưng thực ra cũng là mẹ của tất cả chúng tôi) sẽ có mặt ngay với chiếc xe “cứu hộ” của bà, và như thế họ vẫn có thể tiếp tục khóa tu theo một cách khác. Bị rộp da, lội nước trong những ngày mưa, đồ dùng bị ướt sũng, phải băng qua những đoạn đường núi hiểm trở, ngoằn ngoèo, uốn khúc như những con rắn đuôi chuông, hoặc mắt cá bị bong gân,… chúng tôi vẫn tiếp tục cuộc hành trình. Dường như không có bất cứ điều gì có thể ngăn cản chúng tôi tiến về phía trước và tận hưởng những giờ phút ở bên nhau.
“Chúng ta cần một sự thức tỉnh và giác ngộ thực sự để thay đổi cách suy nghĩ và nhìn nhận sự việc của mình. Thở vào, ý thức về cơ thể của chúng ta và nhìn sâu vào cơ thể, để thấy rằng ta là Trái đất, và tâm thức ta cũng là tâm thức của Trái đất” – trích lời Thầy Làng Mai.
Hòa mình vào thiên nhiên hoang dã vài tuần như vậy làm cho tôi cảm thấy mình thực sự trở thành một phần của thiên nhiên. Lúc đầu thì tôi là người đi vào thiên nhiên, nhưng sau vài tuần thì sự phân biệt đó bắt đầu tan biến. Một mặt tôi thực sự tận hưởng những tiện nghi thường có trong đời sống hàng ngày như rau và thực phẩm tươi, một căn phòng ấm áp và một chiếc giường vào cuối tuần, vòi nước hoa sen, quần áo sạch và khô. Sau một ngày đi bộ thì mọi thứ bình thường ấy có vẻ như quý giá gấp đôi. Mặt khác, tôi cũng thấy những cái đó có vẻ như xa lạ với mình hơn. Khi tới gần một thành phố sau nhiều ngày đi trong các vùng hoang dã thật đẹp, tôi có thể ngửi được mùi xe cộ hàng dặm trước khi đến đó.
Trở về lại thành phố sau nhiều ngày sống giữa thiên nhiên, tôi tự hỏi làm thế nào mà con người lại xa rời cái đẹp thực sự của thiên nhiên đến vậy? Con người chúng ta đang làm gì? Rõ ràng một đời sống giản dị, tự nhiên mang lại cho tôi nhiều hạnh phúc và tự do hơn.
Một trong những khía cạnh hay nhất của việc đi bộ trong thiên nhiên là chúng tôi sống rất đơn giản. Chúng tôi thức dậy, ăn sáng, tháo võng xuống và bắt đầu lên đường. Chiều tối, chúng tôi dừng lại, ăn chiều, mắc võng lên và nghỉ qua đêm trong rừng. Ngày hôm sau thì sao? Cũng giống y như vậy. Tất cả những gì chúng tôi cần là một ba lô trên vai và một nụ cười trên môi. Không có gì để làm, không có nơi nào để đến, chúng tôi chỉ tận hưởng những bước chân trong chánh niệm. Nếu điều kiện thời tiết cho phép, chúng tôi ngồi thiền buổi sáng, ngồi thiền buổi tối và thỉnh thoảng có pháp đàm. Sao tôi thích sống hòa nhịp với thiên nhiên đến thế! Chúng tôi thức giấc cùng với bình minh, tiếng chim hót líu lo là tiếng đồng hồ báo thức, và đi ngủ khi hoàng hôn buông xuống.
Tôi bắt đầu thấy và cảm được sự thay đổi, sự vô thường của thiên nhiên. Chúng tôi khởi hành vào đầu tháng Tư trong lạnh lẽo và tuyết giá khi cây cối vẫn còn khoác áo mùa đông. Trên đường đi từ Bắc xuống Nam, những nụ mầm mới dần xuất hiện trên cành. Lá bung ra và hoa bắt đầu nhô lên khỏi mặt đất. Mỗi ngày một chút. Hàng ngày, chúng tôi trải qua phần lớn thời gian trong sự im lặng bình an và dễ chịu. Một trong những giây phút ấn tượng nhất đối với tôi trong suốt chuyến đi là lúc tôi thấy một cái cây ngã xuống.
Nhìn một cái cây lớn ngã xuống trong khu rừng tĩnh lặng thật là một giây phút đặc biệt. Tôi cảm thấy mình thật nhỏ bé và không có ý nghĩa gì cả, nhưng đồng thời lại thấy mình thật sống động trong không gian mênh mông, hoang dã. Có phải cái cây đó đã chết? Nó đã có bao giờ được sinh ra? Khi nào thì tâm thức biểu hiện ra lần đầu tiên trong sự sống? Cái cây đó có tâm thức hay không? Tôi cảm thấy một nụ cười ấm áp, che chở của thiên nhiên đang nở ra chung quanh tôi và ở trong tôi. Những câu hỏi của tôi tự dưng biến mất. Tự ngã, con người, sinh mạng, tuổi thọ,… Buông xuống!… Đi tiếp thôi, Đạo Hành!
Tất cả những tiếp xúc trong chuyến đi làm tôi cảm động. Tôi tiếp xúc với chính mình sâu sắc hơn, tiếp xúc với đất Mẹ và nhất là với những con người tuyệt vời đang đồng hành cùng tôi. Trải qua một thời gian khá dài cùng các bạn tham dự khóa tu đi bộ là một điều thật đặc biệt. Chúng tôi đã thực sự sống với nhau 24/24 giờ trong suốt năm ngày. Ở Làng, thường thường tôi dậy trước giờ thức chúng một tiếng đồng hồ, uống trà trong phòng cho tỉnh táo trước khi mọi người nhìn thấy mặt tôi. Nhưng trong chuyến đi, khi tôi bước xuống võng thì người khác nhìn thấy ngay gương mặt còn ngái ngủ của tôi. Thông thường khi có khổ đau, ta có khuynh hướng tránh mặt người khác, thí dụ như trốn trong phòng. Nhưng khi đi bộ với nhau ngày này qua ngày khác thì không có chỗ nào để ta trốn cả. Nơi trú ẩn duy nhất của ta chỉ có thể là những bước chân và tăng thân bao quanh mà thôi.
Đây là lần đầu tiên tôi đến nước Mỹ và cũng là một trải nghiệm khá độc đáo. Thay vì tham quan các thị trấn và thành phố lớn, tôi được sống với nông thôn và thiên nhiên hoang dã. Thỉnh thoảng, con đường mòn dẫn qua một thị trấn nhỏ và chúng tôi được gặp người dân địa phương. Họ nhìn chúng tôi bằng một cái nhìn ngạc nhiên và chào mừng khi thấy một nhóm các nhà sư Phật giáo đi bộ trên đường mòn Appalachian. Dường như chúng tôi đang đóng góp thêm một chiều hướng tâm linh cho con đường nổi tiếng này. Chúng tôi gặp các tăng thân địa phương ở những thị trấn nhỏ và những thành phố vào những ngày chánh niệm cuối tuần. Họ rất vui và tiếp đón tất cả chúng tôi rất nhiệt tình.
Trải nghiệm này đã cho tôi tiếp xúc với một lối sống khác của người xuất sĩ. Chúng tôi có tăng sĩ trong thiền viện, tăng sĩ ẩn dật, nhưng cũng có du tăng. Vì luôn phải di chuyển nên tôi nhận ra rằng quê hương đích thực của mình là bây giờ và ở đây. Nó nằm trong từng bước chân của tôi trên suốt con đường. Vì không biết trước đoạn đường còn lại sẽ như thế nào, hoặc thậm chí không biết trước đêm nay mình sẽ ngủ ở đâu nên chúng tôi dễ dàng an trú trong giây phút hiện tại. Tất cả chúng tôi đã có một thời gian tuyệt vời cùng nhau và tu viện di động của chúng tôi là một thành công lớn. Tôi rất vui khi đặt ba lô lên lưng một lần nữa vào ngày mai để chỉ đơn giản là: bắt đầu đi bộ.
Chân Trời Đạo Hành