Con trai chỉ khóc khi thái hành

 

Từ hồi còn nhỏ, tôi vẫn thường có tư tưởng làm con trai thì phải cứng rắn, không thể để cảm xúc chi phối mình. Mỗi khi có chuyện buồn, xem đoạn phim hoặc đọc một mẩu chuyện cảm động, tôi cố gắng không để cảm xúc biểu hiện ra bên ngoài. Tôi chẳng bao giờ khóc trước mặt người khác. Tôi thường nói vui: “Con trai chỉ khóc khi thái hành!”.

Tôi tới Làng Mai lần đầu tiên trong một khóa tu mùa Hè. Ngay từ khi mới bước chân tới Làng, khung cảnh yên bình cùng hình ảnh quý thầy, quý sư cô rất nhẹ nhàng tươi vui đã để lại một ấn tượng sâu đậm trong lòng tôi. Bỏ lại thành phố nhộn nhịp và hối hả sau lưng, gác lại công việc và những lo toan thường ngày, tôi về Làng để thực tập làm cho thân tâm mình lắng dịu xuống. Cũng như bao thiền sinh khác, tôi được hướng dẫn thực tập thiền ngồi, thiền đi, thực tập trở về lắng nghe và chăm sóc thân thể mình; nhận diện, ôm ấp những cảm thọ và cảm xúc trong tâm.

Trên giá sách nơi phòng đọc có cuốn hồi ký của Sư cô Chân Không kể về những năm tháng theo Thầy, tôi mượn đọc với một niềm hứng thú. Khi đọc đến đoạn kể về sự hy sinh của cô Nhất Chi Mai, dù trước đó nhiều lần tôi đã đọc được chuyện này trong sách của Thầy, nhưng lần này thật lạ, lòng tôi dâng lên một niềm xúc động khó tả. Tự dưng tôi trào nước mắt, rồi khóc ngon lành như một đứa trẻ. Cũng “may” lúc đó tôi đang ở ngoài vườn một mình và là giờ nghỉ trưa nên xung quanh không có ai. Tôi đặt cuốn sách xuống, bước chầm chậm vào phòng, vừa đi vừa lắng nghe cảm xúc của mình.

Tôi lấy khăn lau nước mắt, uống một ly nước rồi ra vườn đọc sách tiếp. Mới đọc thêm được vài dòng, nước mắt tôi lại trào ra. Tôi buông sách xuống. Cảm nhận những làn gió nhẹ đến xoa dịu mình. Một lúc sau tôi cầm sách lên, đọc được một đoạn nước mắt lại tiếp tục tuôn trào, và lần này thì tôi dừng không đọc thêm nữa.

Suốt buổi chiều hôm đó, tôi đã rất ngạc nhiên về bản thân mình. Tôi nhận thấy sau những ngày ở Làng, trái tim tôi đã mở ra rất nhiều. Chính khi sống cùng những người xuất gia và các bạn thiền sinh, tôi đã tiếp nhận được năng lượng an lành từ sự thực tập chung của mọi người. Năng lượng đó đã giúp tôi chuyển hóa. Tôi có cơ hội được tiếp xúc với những mầu nhiệm của cuộc sống, những điều tưởng chừng đơn giản mà bấy lâu vì những bận rộn hối hả, tôi đã quên đi. Buổi sáng sớm, tôi được thong thả hít thở bầu không khí trong lành, ngắm nhìn những tia nắng đầu ngày chiếu xuyên qua tán cây làm lung linh những giọt sương đêm còn vương trên lá. Tôi được tha hồ dạo bước trên cỏ non, thưởng thức những bông hoa nhỏ xíu mà nhìn kỹ mới thấy bao nét khéo léo của tạo hóa.

Bên cạnh đó, những người xung quanh lại đều là những người tuy đến từ nhiều vùng đất khác nhau, nhưng cùng về đây để sống, thực tập những điều thiện và lành. Tất cả những thứ đó đã nuôi dưỡng tâm hồn tôi, làm lớn thêm những niềm vui và hạnh phúc, đồng thời cũng chạm tới những điều rất sâu kín trong lòng tôi. Rồi đến lúc đó, một câu chuyện cảm động, dù là chuyện tôi đã đọc nhiều lần từ trước, cũng có khả năng làm rung động trái tim tôi. Và tôi bật khóc, khóc với những giọt nước mắt của một trái tim đã biết cảm và biết hiểu nhiều hơn.

Sau đó tôi quyết định đi xuất gia, hòa chung nhịp sống của gia đình áo nâu. Ở Làng Mai, mỗi dịp Tết đến, có một truyền thống là quý thầy và quý sư cô thực tập lạy nhau ngày đầu năm. Hai năm đầu tiên của đời xuất sĩ, tôi đều “bận” nấu ăn cho đại chúng đúng ngày đầu năm mới, nên chỉ biết đến sự thực tập ấy qua sách vở mà chưa được tham dự trực tiếp. Đến năm thứ ba, khi được theo Thầy về Thái Lan, tôi mới có cơ hội thực tập. Trong không khí trang nghiêm của buổi sáng ngày mồng một Tết, khi các vị cư sĩ đã được mời ra khỏi thiền đường, quý thầy đứng chắp tay, cùng nhau quán tưởng quý sư cô đang ngồi trước mặt mình, có vị như mẹ của mình, có vị như chị của mình, có vị như em gái của mình, cũng có vị như con gái của mình. Tôi bỗng xúc động và nước mắt tuôn trào. Lần này tôi ý thức rõ ràng đây là những giọt nước mắt hạnh phúc nên tôi cứ cho mình khóc thật thoải mái mà không cần phải ngăn lại.

Một sự thực tập thật đẹp và mầu nhiệm. Tôi để nước mắt mình rơi, dù lúc đó có ai trông thấy tôi đang khóc thì tôi cũng không hề xấu hổ. Ở nhà, tôi có mẹ và em gái, cho đến thời điểm ấy, đó là những người phụ nữ thân thương nhất trong cuộc đời tôi. Tôi thấy rất rõ những sư cô đang ngồi trước mặt mình, cũng thân thương như mẹ và em gái tôi vậy. Tôi lạy xuống, đầu sát đất và nguyện rằng từ giờ phút này trở đi, tôi sẽ luôn luôn coi những sư cô ấy như những người thân ruột thịt của mình, chỉ có sự thương yêu chăm sóc mà không để bất kỳ thứ tình cảm vướng mắc nào xen vào.

Sau khi quý thầy thực tập lạy xong đến lượt quý sư cô. Tôi ngồi xuống chắp tay để nhận cái lạy của quý sư cô. Nước mắt tôi vẫn không ngừng chảy khi nghe đọc lời quán tưởng của quý sư cô, nguyện cũng coi những người xuất gia nam chúng tôi như những người thân yêu ruột thịt. Hơn ba mươi năm trong cuộc đời, chắc hẳn đây là ngày Tết hạnh phúc nhất đối với tôi.

Cuối mùa an cư năm trước, chúng tôi gồm một nhóm quý thầy, quý sư cô người miền Bắc được tăng thân cho phép cùng nhau về thăm nhà. Chúng tôi thuê một chiếc xe lớn chở cả đoàn lần lượt về thăm nhà mỗi người. Dù trước khi xuất gia, chúng tôi hầu như không ai biết ai, đến khi về sống chung dưới mái nhà tăng thân, chúng tôi coi nhau như anh chị em ruột thịt. Nay trở về thăm quê, tới mỗi gia đình, chúng tôi coi đó như gia đình của mình, coi bố mẹ của người đó như bố mẹ của mình. Qua mỗi chặng của hành trình, chúng tôi đã có rất nhiều niềm vui và hạnh phúc.

Những giây phút xúc động nhất trong chuyến đi là những khi chúng tôi được cùng với toàn thể gia đình ngồi quây quần bên nhau, có hoa, có trà, có bánh. Trong không khí đoàn tụ đầm ấm của đại gia đình, những người con xuất gia nay trở về kết nối lại với người thân. Hầu hết anh chị em chúng tôi khi từ giã gia đình đi tu đều để lại sự hụt hẫng rất lớn trong lòng những người thân nên đó là cơ hội để chúng tôi chia sẻ những niềm vui và hạnh phúc của đời sống xuất gia. Những người con bày tỏ tình thương và lòng biết ơn đối với bậc sinh thành, những lời từ sâu thẳm trong tim:

– Thưa bố mẹ, con rất biết ơn công lao bố mẹ đã sinh ra và nuôi dưỡng con nên người. Con biết những ngày trước, khi con còn ở nhà với bố mẹ, vì mải mê chuyện nọ chuyện kia mà nhiều lúc con đã quên đi sự có mặt của bố mẹ. Nhưng con luôn luôn thương yêu và kính trọng bố mẹ. Con rất hạnh phúc vì bố mẹ vẫn còn khỏe mạnh bên con. Dù con đã gây ra rất nhiều điều khiến bố mẹ phiền lòng nhưng con biết bố mẹ vẫn luôn luôn thương yêu con. Con rất tự hào khi được làm con của bố mẹ.

Sau đó bố và con, mẹ và con, cùng chắp tay xá nhau, nhìn nhau thật kỹ rồi ôm nhau vào lòng.

Những người xung quanh đều xúc động. Tất cả đều lắng xuống trong bầu không khí đầy sự cảm thông và thương yêu. Nhiều người mắt đỏ hoe, đưa tay áo lên thấm giọt lệ. Tôi cũng ngồi đó, nước mắt rưng rưng. Trong giây phút ấy, những giọt nước mắt thật đã nuôi dưỡng tâm hồn tôi rất nhiều.

Trong đời sống xuất gia, tôi đã nhiều lần xúc động đến… trào nước mắt như vậy. Tôi đã tìm được một con đường thật đẹp cho cuộc đời mình, lại càng thấy may mắn hơn vì được đi chung với một tăng thân thật lành và thật đẹp. Cùng với mỗi người trong tăng thân, bằng sự thương yêu và nâng đỡ lẫn nhau, tôi có cơ hội được thực tập những pháp môn thật mầu nhiệm, giúp chuyển hóa những điều sâu kín trong tâm và đem lại hạnh phúc cho bản thân, mà nhiều khi hạnh phúc lại được biểu hiện bằng… những giọt nước mắt!

Tôi nhận ra một điều, mình vẫn là một người con trai “mạnh mẽ” và “cứng rắn”, nhưng không phải qua cái sự “không thèm khóc”. Ngược lại, chính những giọt nước mắt của niềm vui, của hạnh phúc lại là chất liệu nuôi dưỡng tâm hồn tôi. Nhờ sự nuôi dưỡng đó mà trái tim tôi được mở ra, để tôi có thêm sức mạnh tinh thần mà vượt qua những khó khăn trong cuộc sống; cũng để tôi có thể cảm thông, thương yêu nhiều hơn mà dâng tặng niềm vui và hạnh phúc cho cuộc đời.

Chân Trời Đại Đồng