Con sóc và hạt đậu
Vào một mùa thu tại tu viện Bích Nham, sư cô Trúc Nghiêm và tôi đã mua một vài loại hạt dành cho loài chim nhỏ. Chúng tôi hy vọng những hạt chứa trong chiếc túi vải thưa đó có thể quyến rũ những con chim nhỏ có bộ lông màu vàng mượt mà, xinh xắn. Sư cô cột một cây gậy dài lên ban công trước sân ni xá và treo cái túi hạt lên đó. Phải mất một vài tuần mới thấy các loài chim tìm đến. Chúng vừa gọi nhau vừa ăn hạt, trông thật vui nhộn. Nhưng ngay sau đó, loài sóc cũng đã kéo nhau đến tìm ăn những hạt do chim vung vãi xuống đất. Có vài chú sóc rất tinh ranh và can đảm, trèo lên cây gậy hoặc nhảy lên để bám vào cái túi đựng hạt. Sau nhiều lần như vậy, chúng đã làm rách cái túi và hạt rơi tung tóe ra mặt đất!
Sư cô Trúc Nghiêm kiên trì không kém, khâu lại cái túi và tìm một ống nhựa dài thay thế cây gậy gỗ để treo túi hạt lên đó. Thậm chí sư cô còn mua vaseline để bôi lên ống nhựa cho trơn, cho chắc ăn. Cái thú ngắm chim xem ra cũng khá tốn kém. Nhưng đối với chị em chúng tôi, đó là một niềm vui lớn trong những giờ rảnh rỗi ở tu viện. Những con sóc tí hon cố gắng hết sức bám vào ống nhựa, nhưng vì trơn quá lại bị tụt xuống, hoặc có những chú sóc lấy đà nhảy lên thật cao để chụp túi hạt, nhưng rồi cũng ngã lăn xuống… Ngồi nhìn cái màn trình diễn nhào lộn này chúng tôi cười khan cả cổ. Nhưng cuối cùng một chú sóc đã nhanh nhẹn nhảy lên thật cao, bám chặt vào túi hạt làm nó vỡ tung, và một lần nữa tất cả các hạt đều rơi xuống đất!
Chúng tôi vẫn không bỏ cuộc. Sư cô Trúc Nghiêm lại đi tìm một cây gậy gỗ ốm và dài để cắm vào trong ống nhựa, rồi dùng một hòn đá nhỏ để chẹn cho thật chặt, và như thế là túi hạt đã được treo ngất ngưởng trên cao. Nếu đi bộ ngang qua ni xá, bạn có thể trông thấy nó liền. Lần này, một vài chú sóc tham ăn đã cố gắng vượt qua được đoạn đường khó khăn là cái ống nhựa trơn, nhưng khi leo lên đến cây gỗ nhỏ thì cây gỗ oằn xuống, đong đưa qua lại làm các chú sóc sợ hãi, mất đà và rơi xuống như sung rụng.
Một hôm, sư cô Thăng Nghiêm và tôi ra ngồi trước hiên ni xá để nhìn chim và sóc đến ăn hạt. Một chú sóc đang bình thản ăn những hạt nằm vung vãi dưới đất, còn một chú khác thì vừa ăn vừa nhìn lên cái túi hạt có vẻ thèm thuồng lắm. Thấy vậy, sư cô Thăng Nghiêm nói với con sóc: “Những hạt trên đó và những hạt dưới này đều giống nhau thôi mà!”. Tôi cười giòn và nói: “Ồ không, nếu những hạt dưới này ngon một, thì những hạt trên đó phải ngon gấp mười lần!”. Và như đồng ý với tôi, con sóc cứ ngẩng đầu nhìn cái túi đựng hạt một cách say mê, quên cả cổ và lưng nó đang uốn cong về phía sau và có thể làm nó ngã ngửa ra bất cứ lúc nào. Tôi nổi hứng lên câu vọng cổ giùm cho chú sóc si tình này: “Hạt ơi, tôi yêu hạt vô cùng! Cổ tôi có thể gãy chỉ vì em, lưng tôi cũng có thể gãy chỉ vì em!”. Chúng tôi lại cười ầm. Cuối cùng sư cô Thăng Nghiêm thốt lên: “Có lẽ những con sóc này đang nghĩ rằng the nuns are evil! Các sư cô thật độc ác, cười trên khổ đau của tụi tui!”.
Chúng ta hãy quán chiếu về hoạt cảnh này. Hãy hình dung mình là những con sóc quyết tâm, bền chí và nhiều tham vọng đó. Và cái gì là cái túi treo lơ lửng, chênh vênh trên cao kia đối với bạn? Cái mà bạn ao ước lấy cho bằng được dù phải làm bất cứ điều gì và phải hy sinh bất cứ cái gì để có thể đạt được nó. Có phải vì bạn nghĩ rằng nó sẽ mang lại cho bạn nhiều hạnh phúc? Cái túi tuyệt vời đó của bạn là gì? Một ông lão ráo riết tìm kiếm bạn đời. Một phụ nữ hăm hở du lịch khắp năm châu. Một thanh niên đeo đuổi tham vọng trở thành một bác sĩ nổi tiếng, v.v..
Giáo lý của đạo Bụt thường nói về Niết bàn – một trạng thái tĩnh lặng, không còn mong cầu, không còn nắm bắt. Niết bàn là một từ đã xuất hiện trước thời của Bụt. Khi đốt lửa, củi sẽ cháy thành than rất nóng. Nhưng nếu để qua đêm, đống than sẽ nguội dần và sáng hôm sau người chạm tay vào đống tro tàn sẽ thấy nó mát dịu. Đó là Niết bàn, trạng thái của sự rỗng lặng, mát mẻ và êm dịu. Niết bàn cũng đã được dịch là đại lạc như trong kinh Tám điều giác ngộ của các bậc đại nhân. Từ “đại” có nghĩa là lớn. Khi nói về một cái gì đó vĩ đại như thành công lớn, niềm vui lớn, hoặc hạnh phúc lớn, chúng ta nghĩ điều đó là một đối tượng bên ngoài chúng ta và chúng ta là chủ thể. Trong ngôn ngữ Trung Quốc, chữ 大 (đại, lớn) gồm có hai phần. Phần chính là 人 (nhân, người) và phần kia là 一 (nhất, một). Như thế, đại cũng có thể được hiểu là người có sự nhất như. Vậy thì cái vĩ đại, to lớn đó không phải là một đối tượng bên ngoài, mà nó là một với chủ thể. Từ đại 大 này cũng trông giống một người đang bước một bước dài và hai tay dang ra để giữ cân bằng. Hình ảnh này cho thấy sự quan trọng của khả năng giữ thăng bằng. Vậy thì thân tâm được thăng bằng và nhất như là những điều kiện cần thiết để làm việc lớn, để có niềm hạnh phúc lớn, để thành một đại nhân.
Trong đạo Bụt, chúng ta thấy có sự khác biệt giữa niềm vui và hạnh phúc. Trong niềm vui vẫn còn hàm chứa hương vị của sự phấn khích, vẫn còn những cơn sóng trồi sụt. Ví dụ như khi bạn vui mừng được gặp lại người yêu sau một thời gian dài cách biệt, bạn có sự kích thích nội tâm làm tim bạn đập nhanh hơn. Khi bạn vui vẻ chuẩn bị mọi thứ để đón tiếp bạn bè hoặc cha mẹ thì đó là sự phấn khích, đó là niềm vui. Nhưng hạnh phúc là trạng thái sâu lắng hơn. Hạnh phúc là khi chúng ta im lặng và thoải mái ngồi với chính mình hoặc bên cạnh một ai đó, không cần nói gì, không cần làm gì, chỉ đơn giản có mặt thực sự cho nhau, ý thức tràn đầy. Đó là niềm hạnh phúc sâu xa và chân thật.
Trước đây có một nhóm sinh viên đại học hỏi chúng tôi: “Quý thầy, quý sư cô có hạnh phúc không?”. Tôi đã trả lời họ: “Hạnh phúc của chúng tôi không phải là trạng thái như khi bạn ăn sô cô la, lượng đường cao vào máu làm bạn phấn khích nhất thời, nhưng sau đó lại cảm thấy uể oải và mệt mỏi. Hạnh phúc của chúng tôi giống như khi ăn cà rốt hoặc ăn bông cải xanh. Hương vị của loại thức ăn này nhẹ nhàng không làm chúng tôi thèm khát. Thức ăn này tốt cho chúng tôi. Trong khi ăn chúng tôi có bình an và nó sẽ tiếp tục nuôi dưỡng cơ thể chúng tôi trong thời gian tới. Hạnh phúc của những người tu cũng vậy, nó là một trạng thái tĩnh lặng bình an luôn hiện diện và nuôi dưỡng chúng tôi bây giờ và cả sau này”.
Giáo lý Tứ diệu đế nói về liên hệ giữa khổ đau và hạnh phúc. Để khổ đau hiện hữu, phải có một con đường dẫn đến khổ đau. Thông thường chúng ta nghĩ rằng khổ đau là một cái gì đó được áp đặt lên chúng ta và chúng ta luôn thấy mình là nạn nhân. Ít khi được nghe ai đó nói: “Tôi là thủ phạm đã gây nhiều khổ đau, tôi đã bắt nạt, gạt gẫm và làm tổn thương nhiều người”. Chúng ta ít khi hoặc không bao giờ công nhận phần trách nhiệm của mình mà thường than vãn: “Tôi đang bị bắt ép, người ta nói xấu tôi, tôi bị tổn thương, tôi bị xúc phạm, tôi bị thế này và tôi bị thế kia, v.v.”. Nhưng khi tu học Pháp của Bụt, chúng ta nhận ra rằng chúng ta không những là nạn nhân mà còn là thủ phạm, là kẻ gây ra khổ đau và kéo dài sự khổ đau triền miên. Có thể khổ đau đã diễn ra nhiều lần trong thời thơ ấu, khi chúng ta phải chịu đựng sự đói nghèo, bị phân biệt, bị chửi mắng, hoặc bị lạm dụng tình dục. Đáng tiếc thay, hiện giờ chúng ta đã thành người lớn nhưng vẫn suy nghĩ theo chiều hướng tiêu cực như xưa, vẫn nghĩ rằng mình là nạn nhân, vẫn nói những điều tổn thương, vẫn tiếp tục gây thêm nhiều khổ đau cho bản thân và cho người khác. Có lần một cô gái trẻ đẹp đến xin tham vấn với tôi. Cô đã nói rất nhiều về những khổ đau của cô, và sau khi nghe tận nguồn cơn nỗi lòng của cô ấy, tôi đã thốt lên: “Em biết không? Em đang nghiện nỗi khổ đau của em!”. Cô rất ngạc nhiên và bị khựng lại trong vài giây. Sau khi nghe tôi giải thích thì cô rất xúc động và như bừng tỉnh sau một giấc mộng dài.
Tại sao ta lại có thể nghiện khổ đau? Hãy thành thật với chính mình, bỏ một chút thì giờ để nhìn sâu vào những ý nghĩ, lời nói và hành động của mình, thì ta sẽ thấy mình đã nuôi dưỡng khổ đau như thế nào. Chánh niệm giúp ta khám phá ra rằng ta đã và đang tưới tẩm thân tâm với những độc tố qua ý nghĩ, lời nói và hành động trong cuộc sống hàng ngày. Những loại thực phẩm tiêu cực mà chúng ta tiếp nhận qua mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý cũng có công năng làm tăng trưởng khổ đau. Cho nên khổ đau của quá khứ không hề thuyên giảm với thời gian, mà ngược lại chúng ngày càng sâu đậm.
Ta thường mơ mộng, thổn thức, hoặc đau buồn, thương tiếc về những gì thuộc về quá khứ. Có lẽ ta không cố ý chọn khổ đau nhưng nó hiện hữu một cách vô thức bởi vì trên phương diện tâm lý, khổ đau là tất cả những gì ta cảm thấy thân thuộc, thường sống lại và diễn tập. Trên phương diện sinh lý, cơ thể chúng ta đã nghiện những kích thích tố của sự buồn phiền, thất vọng, tức giận. Và tâm chúng ta cũng đã nghiện những cảm thọ và cách suy nghĩ tiêu cực.
Vì vậy trong bốn sự thật cao quý Tứ diệu đế, chúng ta có thể nói rằng sự thật thứ nhất khổ đế không những công nhận sự hiện diện của khổ đau, mà cũng công nhận sự nghiện ngập đối với khổ đau. Sự nghiện ngập đối với khổ đau chính là mũi tên thứ hai làm cho khổ đau được duy trì hết thế hệ này đến thế hệ khác.
Sự thật thứ hai khổ tập đế chỉ ra là có một con đường, cũng như có những loại thức ăn dẫn đến khổ đau và duy trì sự nghiện ngập đó. Nếu Bụt dừng lại tại đây thì bạn sẽ nói rằng khổ đau có gì là cao quý đâu? Nhưng Bụt đã không dừng lại ở đó. Bụt đã khẳng định trong sự thật thứ ba khổ tập diệt đế rằng khổ đau và sự nghiện ngập khổ đau có thể chấm dứt để hạnh phúc chân thật có thể tỏa sáng ngay trong cuộc đời này của chúng ta. Sự thật cao quý thứ tư khổ tập diệt đạo đế là những sự thực tập cụ thể của Bát chánh đạo có công năng chấm dứt các nguyên nhân trưởng dưỡng khổ đau.
Khổ đau chỉ trở thành cao quý khi chúng ta dấn thân trên con đường tâm linh để chuyển hóa và trị liệu. Chúng ta sẽ có ý thức không nuôi sống khổ đau của quá khứ, không gây thêm khổ đau trong cuộc sống hàng ngày, mà ngược lại chúng ta chọn cách tư duy, nói năng và hành xử như những loại thực phẩm lành mạnh dẫn đến bình an và hạnh phúc. Như khi lấy bóng tối đi thì ánh sáng xuất hiện. Hoặc khi ánh sáng xuất hiện thì xua tan bóng tối. Bát chánh đạo, trong đó có Chánh niệm, là những sự thực tập rất cụ thể để giúp chúng ta có ý thức và có khả năng chọn lựa sáng suốt trong từng giây từng phút. Chúng ta có thể sống cuộc đời của mình trong tĩnh lặng, an hòa mà sẽ không phải như chú sóc kia cứ miệt mài ngửa cổ lên để mơ tưởng vài hạt đậu trên cao!
Chân Đẳng Nghiêm