Cho tuổi thơ ươm nắng
Cuối cùng tôi đã đặt chân lên mảnh đất, nơi mà đa số người Mỹ xem là thù địch, nơi chứa chấp những kẻ khủng bố của thế giới. Những bức họa trên báo chí và các thông tin trên mạng vẽ ra ý tưởng những người Hồi giáo là những người rất bảo thủ, không thân thiện, nhất là với những tôn giáo khác.
Hai em thanh niên tươi cười chạy đến đón: “Chào thầy đã đến. Mong chuyến bay của thầy không quá mệt nhọc. Mời thầy vào trong uống nước. Thầy cứ để vali đó, chúng con sẽ lấy và đưa đến phòng”. Nụ cười của hai em rất chân thật và thân thiện. Ánh mắt xoe tròn nhìn tôi đầy hiếu kỳ. Có thể đây là lần đầu tiên hai em gặp tu sĩ Phật giáo. Tôi trò chuyện với hai em, biết được hai em rất mê bóng đá và gần như đã nhớ hết tên của những cầu thủ trên thế giới. Tuy mới quen nhưng hai em không ngần ngại kể về bản thân, về gia đình và về ước mơ của mình. Một em chia sẻ: “Con không biết gì về thiền, nhưng con rất thích đi một mình ra sa mạc, cách đây khoảng 50km. Ngồi yên giữa biển cát mịn màng và lắng nghe gió thì thào, lắng nghe con”. Em ấy vừa kể vừa nhắm mắt như đang tả giấc mơ thiên đàng của mình. Rồi bất chợt em mở mắt: “Nhưng thầy đừng thử nha. Lỡ như thầy đi lạc hướng, dù chỉ một chút thôi thì có thể sẽ lạc luôn trong sa mạc, rất nguy hiểm. Nếu thầy muốn đi thì để con dẫn thầy đi. Đừng bao giờ đi một mình”. Em ấy thật hồn nhiên, thật ngây thơ, dễ thương. Tôi thấy mến ngay sự thân thiện, cởi mở trong câu chuyện từ trái tim đến trái tim như vậy.
Ngày hôm sau là ngày đầu tiên của hội nghị. Sáng sớm ai cũng đứng xếp hàng hướng về quầy nước. Tuy thân của tôi cũng đứng đó nhưng tâm thì đang an vị ngay tại bình cà phê. Vì tôi mới bay tối qua, chưa đuổi kịp múi giờ nên không ngủ được và … ngáp một ngáp, nhích lên được một bước. Ai cũng thong thả chọn nước uống mình thích nhất cho buổi sáng. Có người đứng đó đọc từng túi trà, xem trà từ đâu đến, có chất caffeine hay không, hương vị gì, muốn thử cái gì mới hay chọn loại mình biết, v.v. Bình cà phê thì đã pha sẵn, nhưng nếu tôi chen vô thì e rằng hơi bất lịch sự, trong khi ai ai cũng đứng xếp hàng. Bỗng nhiên mọi người dãn ra nhường cho tôi. Tôi thật ngại. Tôi chỉ là một thầy tu còn rất nhỏ. Nhưng đã nhường rồi thì tôi chỉ biết chắp tay, nhìn xuống, và bước từng bước nhẹ nhàng đến bình cà phê với nụ cười chào ngày mới và với lòng tràn đầy niềm biết ơn.
Cà phê thật đậm đà, như cà phê đen của Việt Nam. Tôi nhắm mắt, định tâm lại để tiếp xúc với độ nóng và “vị đắng ngọt ngào” của cà phê. Thưởng thức cà phê quen rồi, tôi dễ dàng nhận ra vị đắng ngọt ngào này. Cà phê này thật đặc biệt vì thấp thoáng trong đó bóng dáng và hương vị thanh thoát của một loài hoa. Mỗi ngụm cà phê như tiếng chuông đại hồng vang lên, đánh thức từng tế bào trong cơ thể tôi. Đứng đó dùng ly cà phê thơm ngon, tôi cảm thấy như trên thế gian này chỉ còn tôi với ly cà phê thôi. Thật là hạnh phúc. Tôi từ từ mở mắt ra thì thật sự chỉ còn tôi với ly cà phê đứng đó thôi. Thì ra không phải tôi được nhường chỗ mà vì mọi người đã chạy về hướng cửa để đón chào Thái tử Mohamed bin Zayed bin Sultan Al-Nahyan, em trai của Tổng thống, Phó Tư lệnh tối cao Các lực lượng vũ trang của Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE)!
Bất chợt ánh đèn của máy chụp hình chớp lên lia lịa. Thái tử giang tay ra ôm vào lòng một phụ nữ như con ôm mẹ, và người phụ nữ ấy ôm lại thái tử như người mẹ ôm con với tất cả tình thương yêu âu yếm. Người phụ nữ ấy có danh hiệu là Amma, nghĩa là Mẹ. Amma lớn lên trong vùng nghèo nhất của Ấn Độ, lượm từng miếng cơm và trải nghiệm những khổ đau do nghèo đói gây ra. Hạnh nguyện của Amma là muốn gánh bớt sự khổ đau của nhân loại. Qua mỗi cái ôm, Amma giúp người đang khổ cảm nhận được năng lượng từ bi vẫn còn đó trên thế gian. Qua lời nói và hành động, Amma giúp gây quỹ từ thiện để cung cấp thực phẩm, nhà ở, giáo dục và thuốc men cho những nơi nghèo nàn và cơ cực ở khắp nơi trên thế giới.
Vị Thái tử này là người cầm quyền lãnh đạo và cũng là người đứng ra tổ chức hội nghị này, kêu gọi tất cả những tôn giáo cùng nhau bàn luận và tìm cách bảo vệ trẻ em khỏi những kẻ lạm dụng tình dục trẻ em qua mạng lưới toàn cầu, và ngăn chặn thế giới buôn bán dữ liệu ảnh khiêu dâm trẻ em trên mạng.
Đây là diễn đàn Liên Tôn Vì một môi trường an toàn hơn cho trẻ em trước nạn lạm dụng tình dục qua Internet, diễn ra tại Abu Dhabi, thủ đô của UAE.
Nạn lạm dụng tình dục trẻ em qua Internet đã trở thành một vấn nạn toàn cầu hiện nay và cần sự quan tâm khẩn cấp của cộng đồng thế giới.
Từ nghèo khổ sinh tuyệt vọng (hay sinh tệ nạn thì đúng hơn). Hơn 80% các em bị chụp hình hay quay phim trực tuyến trên mạng trong những lúc bị lạm dụng tình dục là từ người thân trong gia đình, theo yêu cầu của những người xem trực tuyến. Thậm chí có khi là từ ba mẹ, để bán kiếm tiền nuôi gia đình. Số tiền ước tính cho công nghệ mại dâm trên mạng riêng về trẻ em là hơn 3 tỷ đô la vào năm 2003, và bây giờ (2018) đã tăng hơn 20 tỷ đô la. Khi có người mua thì sẽ có người bán, và tuổi thơ của các em sẽ tiếp tục bị chà đạp bởi dục tâm và lòng tham không đáy của nhân loại. Vấn đề này không có vẻ gì dính líu đến tôn giáo hay dân tộc. Nhưng vấn đề này lại rất cần các tôn giáo nắm tay nhau, cùng nhau bảo vệ các em, bất kể các em thuộc dân tộc nào trên thế giới.
Đạo đức là chìa khoá để giúp bảo vệ các em. Người có đạo đức sẽ không lên những trang mạng khiêu dâm vì biết làm như thế là đang trực tiếp tàn hại các em và ủng hộ các trang mạng kiếm tiền qua quảng cáo. Người có đạo đức sẽ không hành hạ các em để thoát nghèo, hay làm giàu trên khổ đau của các em. Nhiệm vụ của những vị lãnh đạo tâm linh là nuôi lớn mầm đạo đức trong xã hội và nói lên tiếng nói về nhân quyền thay cho các em đang sống trong tình trạng áp bức và bất công, nhằm mang vấn đề ra ánh sáng. Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng cần sự yểm trợ của luật lệ quốc gia và công nghệ thông tin để phát hiện và vô hiệu hoá những máy chủ dùng trong việc lan truyền dữ liệu phim ảnh khiêu dâm. Thầy cô giáo cũng đóng vai trò rất lớn vì thầy cô giáo như là ba và mẹ của các em, dạy các em cách làm người, gieo hạt đạo đức trong các em ngay từ thuở ban đầu.
Hội nghị có đề cập đến vấn đề tăng độ trừng phạt đối với những tội phạm, nhưng đề nghị này bị loại rất nhanh bởi các vị lãnh đạo tôn giáo đang có mặt. Hội chúng thấy rất rõ rằng vấn đề trừng phạt dù có mạnh bao nhiêu cũng không đủ, và cũng không bảo vệ được các em, vì hình phạt chỉ sử dụng để xử lý sau khi chuyện thương tâm đã xảy ra. Thêm nữa, cho dù những kẻ ấu dâm có bị bỏ tù 10 năm hay 20 năm, khi mãn hạn tù, những kẻ đó vẫn có khuynh hướng lặp lại sai phạm bởi vì họ không biết làm gì khác. Các bác sĩ tâm lý trị liệu chia sẻ kinh nghiệm rất rõ trong buổi hội nghị rằng nếu không có một chí nguyện mạnh, một đường hướng và nề nếp tâm linh vững vàng, thì những tội phạm sẽ rơi vào lối cũ, vì đó là tập khí.
Tập khí rất dễ để nhận ra khi mình có chánh niệm. Những pháp môn căn bản của Làng Mai là để giúp nâng cao chánh niệm, để ý thức những gì đang xảy ra trong mình, để ý thức được những gì mình đang tạo ra qua biểu hiện của thân, miệng và ý. Khi có chánh niệm, mình sẽ ý thức được và không tiêu thụ những sản phẩm có độc tố, trong đó có mạng lưới toàn cầu, phim ảnh, truyền thanh, truyền hình, sách báo, bài bạc và cả chuyện trò. Một khi tâm tư ta đã tiếp thu những độc tố như hình ảnh khiêu dâm thì những hình ảnh đó sẽ mãi mãi nằm trong tàng thức, và rồi, chúng sẽ tìm cách bén rễ vào bản năng sinh tồn nguyên thuỷ và thúc đẩy tâm thức đi tìm kiếm thêm. Mỗi lần xem sẽ tạo đường mòn trong tâm thức, trở thành tập khí, và đó là căn bệnh hệ trọng mà thời đại thông tin đang mắc phải.
Tôi rất may mắn được sống ở Làng Mai vì đa số những sản phẩm độc hại này đã được máy chủ sàng lọc. Đây không phải là sự ngăn chặn thông tin mà là sự bảo vệ cho tôi. Không ai có thể cho rằng mình đã thanh tịnh viên mãn. Khi còn thân này thì vẫn còn bản năng sinh tồn nguyên thuỷ của những loài dã thú. Vì vậy, chánh niệm rất cần thiết trong đời sống hằng ngày để giúp mình có ý thức và lựa chọn những gì tốt cho mình, có cơ hội tránh được những gì độc hại và mang đến khổ đau. Cũng như vậy, không một ai hoàn toàn là ác quỷ. Vì môi trường, vì hoàn cảnh mà người đó đã lớn lên như vậy. Mình phải tập thương như Mẹ Amma, ôm từng người như con, để ác quỷ có thể cảm nhận trên thế gian này vẫn còn tình thương chân thật, vẫn còn sự tha thứ bao dung. Mình phải thấy được ác quỷ trong mình, và cũng phải thấy được thiên thần trong mình, thì mình mới có khả năng thấy được thiên thần trong ác quỷ, có thể chấp nhận, ôm ấp và chuyển hóa được ác quỷ. Đây là một quá trình tu tập suốt đời, và ai cũng có khả năng làm được.
Tuổi thơ là lúc đẹp nhất để tiếp xúc với những hạt giống thiên thần trong mình. Tuổi thiếu nhi là lúc mình tìm hiểu và khám phá thế giới xung quanh. Cơ hội học hỏi đó sẽ làm nền tảng cho các em khi lớn lên. Trong môi trường tốt lành đầy đủ sự thương yêu và đạo đức thì khó để em đó trở thành ác quỷ. Môi trường tốt không cần giàu sang đầy vật chất. Môi trường tốt chỉ cần tình thương chân thật và sự có mặt thật sự cho các em. Có mặt thực sự cho nhau, đây cũng là một đặc điểm của Làng Mai. Nếu mình không sống trong giây phút hiện tại cùng với người mình thương, thì thực sự mình không có mặt trong cuộc đời của người ấy. Cho nên dù thương bao nhiêu, làm bao nhiêu, hy sinh bao nhiêu, cũng là ảo thôi vì mình không hiện hữu trong thế giới của người ấy.
Đôi khi chúng ta cảm thấy các em còn nhỏ, nói gì cũng được, hay những gì các em nói chỉ là chuyện con nít, không cần để tâm đến. Chúng ta nghe bằng tai nhưng đầu thì suy tư chuyện khác. Đó là sai lầm rất lớn. Tâm của các em rất thuần khiết. Các em luôn sống trong giây phút hiện tại và không bị chi phối nhiều bởi các yếu tố khác, nên các em rất dễ cảm được người đang đối thoại có quan tâm các em thực sự hay không. Đôi lúc các em muốn nói những gì xảy ra, nhưng vì chúng ta không quan tâm nên các em không nói nữa, và có thể sẽ mãi mãi không muốn nói. Đây cũng là một điều được nêu lên trong buổi hội nghị. Một vị giám mục trong hội nghị chia sẻ: “Là một người lãnh đạo tâm linh, không có nghĩa là đứng đó và rao giảng truyền đạo thao thao bất tuyệt. Việc làm đầu tiên của một người lãnh đạo tâm linh là phải lắng nghe hội chúng. Lắng nghe mà không phán xét. Lắng nghe với hết tình thương của người cha cho con”. Là người lớn, chúng ta phải tập dừng lại để lắng nghe các em, cho các em niềm tin để mở lòng nói lên mà không sợ xấu hổ, nghi ngại hay cảm giác mình bị tổn thương vì không được quan tâm hay tôn trọng đủ. Đôi khi chúng ta có thể bắt gặp được những tín hiệu kêu cứu, khi ấy ta có thể tìm cách giúp các em nói lên những gì các em không dám nói.
Tôi rất xúc động khi hội trưởng của hội đồng trưởng lão Hồi giáo, người lớn nhất trong đạo, chia sẻ phần kết thúc: “Tôi được mẹ của tôi sinh ra. Tôi nghĩ ai ai trong hội chúng này cũng vậy. Các vị cũng từ mẹ sinh ra. Chúng tôi rất trân trọng tình mẹ dành cho con, nuôi nấng và hy sinh hết tất cả cho con, hy sinh cả tính mạng của mình để bảo vệ con”. Và ngài trích một câu chuyện trong kinh Cô-ran (Qur’an) của người Hồi giáo. Câu chuyện kể về một chú chim con. Chú chim đã được bảo vệ, mang về lại tổ ấm, về với mẹ, lớn lên trong tự do thay vì bị nuôi trong một chiếc lồng vàng. Tâm điểm mà ngài muốn nêu lên là phải bảo vệ tuổi thơ của các em, đừng để các em lớn lên trong ngục tù của thế giới khiêu dâm trên mạng lưới đen tối.
“Tôi cũng là mẹ của các em. Quý vị cũng là mẹ của các em”, Ngài đã kết thúc phần chia sẻ của mình như vậy.
Chân Pháp Khởi