Cháu đuổi bắt mưa
Ngoại thương,
Có những ngày đông mang nắng về, nhuộm đất trời và vũ trụ một màu áo vàng tươi, con thích lắm.Thường thì đông mặc áo bạc, chỉ thỉnh thoảng mới thay áo vàng cho thêm phần mới mẻ, tươi trong và ấm áp. Thế nên con đã nhận món quà ấy của thiên nhiên mà tận hưởng, bước ra ngoài với một lòng hân hoan, như là để tiếp thêm năng lượng cho một ngày mới. Mỗi mùa đông tới, con lại có cơ hội được làm “người nước ngoài” đó ngoại. Con mặc thật nhiều lớp áo, choàng khăn thật dày, mang vớ thật ấm, đội mũ, đeo bao tay vào và đi giày chống nước, như những người tóc vàng trên tivi mà hồi nhỏ con thường thấy và thường nói với ngoại là ước chi con được đi nước ngoài, chắc con sung sướng lắm! Nào ngờ đâu ước mơ đó đã trở thành sự thật.
Con đã ngắm nhìn năm mùa đông đi qua ở nơi đây với một niềm thích thú. Và mùa đông đã hóa thành niềm thương của con từ lúc nào không hay. Tuy nhiều khi phải co rúm người lại vì cái lạnh thấu xương, phải bắt buộc dùng kem dưỡng ẩm để da khỏi nứt nẻ, nhưng không khi nào là con không hạnh phúc với màn sương bạc của những buổi sớm, với những hàng mận trơ xương, với “thánh đường” Bạch Dương ẩn hiện hiên ngang giữa khung trời lam xám, hay với những thửa ruộng mới cày tươi màu đất nâu, và cảm nghe những giọt sương khuya rơi rụng thành tiếng trên lá khô… Con biết vì sao mình cứ thích mùa đông rồi ngoại ạ. Có nhiều khi như là “thú đau thương” vậy, lạnh rứa mà có lúc con còn ăn cả hộp kem giữa khung trời băng giá ấy một cách ngon lành nữa. Cũng bởi quê mình nhiều nắng quá, thời tiết có lúc khô đến nỗi nghẹt thở, mở bao nhiêu máy quạt cũng không mát. Có khi càng mở nhiều quạt bao nhiêu thì lại càng nóng bức bấy nhiêu! Nhưng không vì thế mà con muốn ở châu Âu hoài đâu ngoại nhé, con cũng nhớ mưa nắng quê mình lắm!
Con nhớ hồi nhỏ, con rất thích ở với ngoại, xa ba mẹ cả ngày từ sáng đến tối, vậy mà con không thấy một nỗi nhớ nhung nào xuất hiện cả. Con không nhớ những lúc ấy ngoại chơi trò gì với con để làm con vui và không thấy nhàm chán. Càng lớn con lại càng thắc mắc khi thấy hình ảnh của những đứa con nít dễ bị chán nản. Con vẫn chưa hỏi ngoại về điều này nhưng lý do sâu sắc nhất in vào tâm con khiến con cứ muốn “nhập hộ khẩu” ở nhà ngoại là được ngoại dắt đi chùa. Nhưng cả ngày lận mà, đâu phải đi chùa từ sáng đến tối, đi nhiều nhất là có một lần thôi, vậy mà cứ mỗi tối nghe tiếng xe máy của ba mẹ từ xa qua đón là con cứ tìm một góc nào đó để trốn hay chạy vòng vòng trong nhà ngoại vì không muốn phải về nhà. Con đã biết làm ba mẹ con buồn từ hồi con mới lên ba!
Những hôm trời mưa ở nhà ngoại, con sợ hãi thiệt nhiều. Cứ đi theo hỏi ngoại: “Mưa này có đi chùa không ngoại?”. Rồi lại hồi hộp với chính câu hỏi ấy của mình. Ngoại thường im lặng một lúc, chắc là để nghe mưa. Không biết cách phân định âm lượng của ngoại thế nào để mưa được xếp vào cấp độ nhỏ, cấp độ vừa hoặc cấp độ lớn. Ngoại thường nói với giọng thật hiền: “Mưa to, thôi ở nhà”. Con lại bảo: “Mưa to thì che dù, mặc áo mưa đi”. Ngoại lại nói: “Mưa to vậy chắc quý thầy và các bác không công phu đâu con”. Con thường túm áo ngoại khi nghe những thông báo ấy với sự cầu khẩn thiết tha và với đôi mắt đầy ánh sao hy vọng, lòng con luôn mong ngoại sẽ đổi ý. Con không bao giờ chấp nhận việc chùa có nghỉ công phu, thay vào đó, con chỉ ngậm ngùi ở nhà, ngó ra hiên mưa và trách mưa quá chừng. Hồi đó, mưa giống như một người bạn của con vậy. Khi thì thương mưa lắm, khi thì giận và trách mưa không ít!
Nhà ngoại có một cái gác nhỏ, trên gác có một cái sân thượng không lớn lắm, chỉ cỡ chừng mười mấy tấm gạch nền vuông nhỏ thôi. Cứ mỗi lần trời cho mưa, dù to hay nhỏ, chỉ cần nước dâng lên ngập đủ một bàn chân ở mặt nền sân thượng là con cùng mấy đứa em xúm lại í ới, xin ngoại cho trèo lên đó, để tập bơi! Ui cha, hồ bơi của ngoại không bao giờ sợ chìm cả, cũng không sợ nước vào mũi. Cả lũ cứ dang tay xòe chân vẫy vùng tập bơi trên ấy. Một bể bơi với năm đứa con nít dưới một vòm trời rộng đầy những hạt mưa… Không bao giờ biết chán! Cứ mỗi khi mưa, con chỉ thích được như thế. Tắm gội, bơi lội, nô đùa, chạy giỡn với những hạt ngọc trong suốt trời ban. Ấy vậy mà có nhiều lần con không thấy thương mưa nữa. Khi mưa, con không được ngoại cho đi chùa. Con đuổi mưa đi, không làm bạn với mưa nữa. Con bắt mưa ngưng để ngoại còn dắt con đi chùa. Hồi đó, con cứ đuổi bắt mưa như là trò chơi quen thuộc của mình vậy.
Ngoại ơi, nhiều lần con tự hỏi vì sao con đi tu? Lý tưởng của con là gì? Câu trả lời của con thường thay đổi. Vô thường lắm! Từng chặng đường mà con đi qua, mỗi cách con đón nhận và tiếp xử, những gì xảy đến với con, tất cả đều khác nhau. Khác nhau, hay phải chăng vì chính tâm con khác nên con nhìn sự việc khác, chứ có thể nội dung đều mang những phẩm chất tương tự? Nhưng có hay không thì lý tưởng của con, dù mạnh mẽ hay ốm yếu, dù cao siêu hay giản đơn, hoặc chỉ lặng yên như mặt hồ đứng gió… cũng đều quay về sự tu tập để chuyển hóa tự thân. Hình như chỉ khi con thực sự biết mình, hiểu mình và tin mình thì con mới có thể gọi đó là tu, phải không ngoại? Quý sư cô hay bảo con là người có phước đức từ ông bà tổ tiên. Con thường thắc mắc với câu nói đó lắm. Có một lần con còn ngây ngô chắp tay xin quý sư cô hoan hỷ chỉ dạy cho con biết vì sao gọi con là người có phước đức như rứa nữa. Con thấy con đâu có gì đâu, tu tập còn nhiều vụng về, thói quen tốt còn ít và thất niệm thì liên tục. Những tập khí, tính tình của con còn khô cứng, không mấy dễ thương ngoại à. Thế nhưng con cũng để câu nói ấy của quý sư cô ngự trị trong tàng thức của con. Cho tới một hôm, nhìn thấy gương mặt phúc hậu cùng nụ cười hiền từ của ngoại hiện về trong tâm tưởng, con mới hay mình khờ dại, đã ngủ quên bên núi châu vàng.
Bao đức hạnh, bao cách sống hài hòa, bao công việc mang tính Bụt của ngoại và nhiều điều tốt đẹp khác nữa đã đi vào nuôi dưỡng tâm hồn bé thơ của con. Ngoại đã truyền trao tất cả những điều đó cho con từ ngày con mới lọt lòng, thậm chí từ khi con còn trong bụng mẹ. Vậy mà có lúc con chẳng hay là mình đã được mang những “châu báu” ấy từ hồi còn nhỏ. Để khi con khôn lớn, được ngoại dạy dỗ, được đến chùa và bây giờ con được khoác lên mình chiếc áo nâu bình dị. Và con cũng đã thấy ngoại nơi Sư Ông, thầy của con, người tiếp tục trao truyền cho con những đức tính đẹp lành. Con được sinh ra thêm một lần nữa, nghĩa là thêm một lần con được khoác những “châu báu” mới trên mình. Một thứ trang sức khó tìm và thật là vô giá.
Mỗi ngày, con đều có cơ hội thức dậy với một hình hài đầy đủ, sáu giác quan còn khỏe mạnh và những người con thương yêu còn có đó cho con, con thấy mình may mắn quá chừng! Mùa này vì lạnh nên con hay thích ngồi yên ở một góc nhỏ, cảm nhận hơi ấm từ ánh nến tỏa ra, giữ ly trà thơm ngát, tỏa khói mây giữa hai lòng bàn tay còn đương lạnh và nghe … sáng nay sau giấc ngủ của trăng sao. Vũ trụ làm rơi những giọt nước mắt trong như pha lê, êm dịu sương khuya… (Thơ từng ôm và mặt trời từng hạt – thơ Sư Ông). Con chất thêm không gian vào “túi trăng sao” của mình. Có khi con chỉ để lòng lặng yên, nghe tiếng thiên nhiên ngoài kia cùng thở với hơi thở của mình. Không gian và thời gian như chỉ dành riêng cho con thôi vậy. Những lúc ấy, con thấy mình lớn hẳn ra, như một người đứng tuổi! Nhờ đi tu mà con học cách làm bạn với thiên nhiên, biết tận hưởng thiên nhiên và đôi khi thấy thiên nhiên là tâm hồn của mình, thật gần gũi thân thương sao đó. Không thể diễn tả được. Mọi ngôn từ ý niệm tự dung thông. (Nơi bình yên – Chân Thuần Khánh). Mỗi ngày con lại được ngồi thiền, đi thiền, ăn cơm, chấp tác, học tập, vui chơi và tham gia thời khóa của đại chúng cùng với quý sư cô, sư chị, sư em của con. Ngoại biết không, những ngày thân tâm con khỏe khoắn an ổn, con như một đứa bé lên ba, hạnh phúc vì mình ngồi thiền đàng hoàng, có bình an, đi được những bước chân nhẹ nhàng, nhai một muỗng cơm chậm rãi tận tám mươi lần, hay truyền thông vui vẻ với sư cô này, sư chị kia. Hạnh phúc của con có thể tăng lên thêm một cấp bậc nữa, tiếng cười tiếng nói của con ngập tràn đến độ không dừng lại được. Bên cạnh đó cũng có những ngày thân tâm con không ổn định, mệt mỏi hay có điều gì không vui xảy đến, con chỉ muốn thu tôi bé lại… làm mưa tan giữa trời… (Biết đâu nguồn cội – Trịnh Công Sơn). Con trầm ngâm không muốn cười nói chi cả, bao nhiêu tâm hành không dễ thương như lạc lõng, bơ vơ, bâng khuâng, lo lắng,… cứ đi lên. Con chỉ muốn lặng tìm một góc nào đó để trốn vì không muốn ai thấy khuôn mặt rầu rầu của mình. Sư Ông dạy phải học cách cân bằng và điều độ trong tất cả mọi sinh hoạt, đặc biệt là “tu, học, chơi và làm việc”. Phải tìm cho mình con đường trung đạo để đi mà đừng nghiêng về một thái cực nào cả. Con cũng thực tập theo, nhận diện và mỉm cười được với những tâm hành của mình, tuy nhiên con cũng cần tưới thêm hạt giống kiên trì và bền bỉ trong con nữa phải không ngoại?
Ngoại ơi, nơi làng quê nước Pháp yên bình này, nhiều lúc con có cảm tưởng như con đang sống trên quê hương mình vậy. Lâu lâu gió trời thoáng qua làm lúa cỏ có dịp nhả hương đồng nội, con lại thấy thân quen hơn. Mỗi dịp làm biếng, con tạm thời rời xa nó vài hôm, để được đi chơi “nước ngoài”, lên núi tuyết Thụy Sĩ, hay ghé đồng hoa tulip Hà Lan, hay đi ăn kem ở Đức,… Những lúc đó, lòng biết ơn trong con dâng trào đối với Sư Ông, với quý sư cô và cả với ngoại nữa. Con được nạp thêm nhiều thức ăn nuôi dưỡng tâm con, được nghỉ ngơi sau một khóa tu dài, được chơi đùa cùng thiên nhiên, được tạm không theo thời khóa của đại chúng và được thắt chặt thêm tình huynh đệ. Để rồi sau những chuyến đi đầy hạnh phúc mầu nhiệm ấy, con lại trở về chào đón những con đường nhỏ uốn lượn quanh xóm, những cánh đồng nhấp nhô chạy dài hai bên đường. Con trân quý đời sống giản đơn mà mình đang có, để thực sự thêm một lần chăm lại khu vườn tâm của mình cho đàng hoàng kỹ lưỡng, cho mát mẻ tốt tươi. Thỉnh thoảng, con mở tung cánh cửa lòng mình ra, khám phá mọi người. Mỗi người là một bài thơ – (Vui giấc đại đồng – Chân Uyển Nghiêm). Con thấy được nuôi dưỡng và học hỏi rất nhiều trên con đường con đang đi, từ mảnh đất tâm của những sư cô, sư chị xung quanh con, mà có khi những bài học ấy con không cần phải kiếm tìm từ sách vở, từ internet hay từ một phương tiện nào khác. Chỉ cần con chịu mở lòng ra để quán sát, để ý thức, để nhìn sâu, để nghe rõ là con có thể nhặt được vô vàn kim cương mà không ai biết ai hay.
Con vẫn còn nhớ lời nhắn nhủ của ngoại giữa bao lời chúc của mọi người trong gia đình khi tiễn con ra sân bay qua Làng tu học. Ngoại bảo: “Đi tu nhớ sống sao cho sâu sắc nghe con”. Con luôn mang theo câu nói ấy làm hành trang và cũng là công án mà con thường tự hỏi mình: “Mình đã sống sâu sắc chưa?”, hay: “Hôm nay mình có thực sự sống sâu sắc không?”. Con không biết phải dùng ngôn từ nào để nói hộ lòng con niềm biết ơn sâu dày mỗi khi nghĩ về Sư Ông, về tăng thân, về ngoại, về ba mẹ và về những người con thương. Con có phước đức lắm mới có được cả một kho báu như thế! Con nguyện sẽ đi vui và hạnh phúc trên con đường sáng đẹp mà Sư Ông và ngoại đã truyền trao cho con. Con nguyện trân quý tất cả những gì mình đang có để làm chất liệu nuôi dưỡng tâm bồ đề của con, dù đường đi có gập ghềnh muôn dặm. Con biết ơn ngoại thật nhiều về những gì ngoại đã và đang dành cho con với một tình thương và niềm tin không bờ bến.
Ngoài kia, những cơn mưa đã nhẹ nhàng đi qua, để lại những hạt sương trời lác đác, rơi rụng giữa không trung và quy tụ về hồn đất. Con biết ơn cơn mưa tuổi thơ của ngoại cho con, để hôm nay con đã đến đây – “ngồi yên dưới mái chùa”!
Chân Trăng Vô Ưu