Dặn dò

Xin hứa với tôi hôm nay
Trên đầu chúng ta có mặt trời
Và buổi trưa đứng bóng
Rằng không bao giờ em thù hận con người
Dù con người
Có đổ chụp trên đầu em
Cả ngọn núi hận thù
Tàn bạo,
Dù con người
Giết em,
Dù con người
Dẫm lên mạng sống em
Như là dẫm lên giun dế,
Dù con người móc mật moi gan em
Đầy ải em vào hang sâu tủi nhục,
Em vẫn phải nhớ lời tôi căn dặn :
Kẻ thù chúng ta không phải con người.
Xứng đáng chỉ có tình xót thương
Vì tôi xin em đừng đòi điều kiện
Bởi không bao giờ
Oán hờn lên tiếng
Đối đáp được
Sự tàn bạo con người.
Có thể ngày mai
Trước khuôn mặt bạo tàn
Một mình em đối diện.
Hãy rót cái nhìn dịu hiền
Từ đôi mắt
Hãy can đảm
Dù không ai hay biết
Và nụ cười em
Hãy để nở
Trong cô đơn
Trong đau thương thống thiết
Những người yêu em
Dù lênh đênh
Qua ngàn trùng sinh diệt
Vẫn sẽ nhìn thấy em.
Tôi sẽ đi một mình
Đầu tôi cúi xuống
Tình yêu thương
Bỗng trở nên bất diệt
Đường xa
Và gập ghềnh muôn dặm
Nhưng hai vầng nhật nguyệt
Sẽ vẫn còn
Để soi bước cho tôi.

 

Bài này quả thật là những lời dặn dò thầy để lại cho thế hệ trẻ đang phụng sự bằng con đường bất bạo động. Chị Nhất Chi Mai trước khi tự thiêu cho hòa bình đã đọc bài này vào trong một cuộn băng nhựa để lại cho ba má chị cùng những bức thư tuyệt mạng của chị. Có thể nói bài này nói lên được lập trường tuyệt đối bất bạo động của tác giả. Nó cho ta thấy rằng bất bạo động là phương châm hoạt động duy nhất cho những người đã nhất quyết học theo đại bi tâm của các bậc bồ tát. Để hiểu rõ thêm tâm tư của tác giả về vấn đề này, tôi xin đề nghị các bạn đọc đoạn sau này mà thầy viêt trong Nẻo về của ý: “Dưới con mắt của đại bi, không có tả, không có hữu, không có thủ, không có bạn, không có thân, không có sơ. Mà đại bi không phải là vật vô tri. Đại bi là tinh lực mầu nhiệm và sáng chói. Vì dưới con mắt của đại bi không có cá thể riêng biệt của nhân của ngã cho nên không một hiện tượng nhân ngã nào động tới được đại bi.

Em ơi, nếu con người có độc ác đến nước móc mắt em hay mổ ruột em thì em cũng nên mỉm cười và nhìn con người bằng con mắt tràn ngập xót thương: hoàn cảnh, tập quán và sự vô minh đã khiến con người hành động dại dột như thế.

Hãy nhìn con người đã đành tâm tiêu diệt em và đang tạo nên cho em những khổ đau oan ức, khổ nhục lớn lao như trăm ngàn quả núi, hãy nhìn con người ấy với niềm xót thương: hãy rót tất cả niềm xót thương từ suối mắt em vào người đó mà đừng để một gợn oán trách giận hờn xuất hiện trên tâm hồn. Vì không thấy đường đi nước bước cho nên cái người làm khổ em mới vụng dại lỗi lầm như vậy.

Giả sử một buổi sáng nào đó em nghe rằng tôi đã chết tăm tối và tàn bạo vì sự độc ác của con người, em cũng nên nghĩ rằng tôi đã nhắm mắt với một tâm niệm an lành không oán hận, không tủi nhục. Em nên nghĩ rằng giờ phút cuối, tôi vẫn không quay lại thù ghét con người. Nghĩ như thế chắc chắn em sẽ mỉm cười được, rồi nhớ tôi, đường em, em cứ đi. Em có một nơi nương tựa mà không ai có thể phá đổ hoặc cướp giật đi được. Và không ai có thể làm lung lay niềm tin của em, bởi vì niềm tin ấy không nương tựa nổi bất cứ một giả lập nào của thế giới hiện tượng. Niềm tin ấy và tình yêu là một, thứ tình yêu chỉ có thể phát hiện khi em bắt đầu nhìn thấu qua thế giới hiện tượng giả lập để có thể thấy được em trong tất cả và tất cả trong em.

Ngày xưa, đọc những câu chuyện như câu chuyện đạo sĩ nhẫn nhục để cho tên vua cường bạo xẻo tai, cắt thịt mà không sinh lòng oán giận, tôi nghĩ đạo sĩ không phải là con người. Chỉ có thánh mới làm được như vậy. Nhưng Nguyên Hưng ơi, tại lúc đó tôi chưa biết đại bi là gì. Đại bi là sự mở mắt trông thấy. Và chỉ có sự mở mắt trong thấy tận cùng mới khiến cho tình thương trở thành vô điều kiện, nghĩa là biến thành bản chất đại bi. Đạo sĩ nhẫn nhục kia đâu có sự giận hờn nào mà cần nén xuống? Không, chỉ có lòng xót thương. Giữa chúng ta và đạo sĩ kia, và vị bồ tát kia, không có gì ngăn cách đâu, Nguyên Hưng. Có phải tình yêu đã dạy em rằng em có thể làm được như Người?”

Sau đây là bản dịch Pháp văn bài thơ Dặn dò của Michèle Chamant. Bản này Pierre Marcgand cũng đã phổ nhạc và hát tại nhiều đại hội trên đất Pháp khi đi trình diễn với Graeme Allwright:

 

Promets moi aujourd’hui

promets-moi maintenat

pendant que le soleil est haut

au zénith exactement

promets-moi.

Même s’ils te terassent

sous une montagne de haine et de violence,

même s’ls marchent sur ta vie et t’écrasent

comme un ver,

même e s’ils t’écartèlent, t’e1ventrent,

rappelle-toi, frère,

rappelle-toi

l’homme n’est pas notre ennemi.

 

seulement ta compassion,

seulement ta bonté,

sont invincibles, sans limite, absolues.

Parce que la haine,

jamais jamais ne répondra

à la bête dans l’homme.

 

Et un jour

où, seul, tu affronteras cette bête,

ton courage intact, tes yeux calmes,

pleins d’amour

(même si personne ne les voit),

de ton sourire

s’ épanouira une fleur

et ceux qui t’aiment

te verront

à travers des milliers de mondes de naissance et de mort.

 

Seul, de nouveau,

j’avancerai la tête baissée,

en sachant que l’amour est immortel.

Et sur la longue et difficile route,

le soleil et la lune brilleront ensemble

pour éclairer mes pas.

Bền bỉ lửa trái tim

Chị thương kính của em,

Như vậy là chị đã xa chúng em thấm thoát 47 năm rồi. Ngày chị ra đi, em không thế nào quên được, em đã ngồi khóc như mưa bên nhục thân của chị. Thời gian tuy đã xa lắm, nhưng bây giờ hồi tưởng lại, em vẫn còn khóc và thấy mọi chuyện như mới xảy ra.

Ngày mùng 8 tháng 4 âm lịch năm Đinh Mùi (1967), lúc 7 giờ 20 sáng tại chùa Từ Nghiêm, đường Bà Hạt, quận 10 mọi người đang tất bật chuẩn bị cho một ngày lễ lớn, ngày vía đức Phật đản sanh. Trên chánh điện tầng một của chùa, các sư cô đang lau chùi bàn thờ, trang hoàng cờ xí, sắp xếp hương hoa, trà quả để dâng cúng chư Bụt và Bồ tát. Mọi người chú tâm lo phần việc của mình nên không để ý đến những gì sắp xảy ra chung quanh.

Đến khi thấy ngọn lửa bùng lên thật mãnh liệt ở ngay trước chánh điện và sức nóng lan tỏa khắp nơi, các sư cô mới hốt hoảng tri hô lên. Mọi người sững sờ nhìn thân chị ngã gục phía trước trong tư thế ngồi chắp hai tay.

Khi ấy em đang ở nhà ôn bài thi tốt nghiệp sư phạm. Mẹ em từ ngoài chợ về cho hay chị Mai đã tự thiêu ở chùa Từ Nghiêm hồi sáng sớm. Nhà em ở gần chùa, nên mỗi lần chị chở hai bác đến chùa lễ Phật, tụng kinh, chị hay ghé qua nhà em để nhắn nhủ những việc cần thiết hoặc rủ em đi tụng kinh, chị Mai nhớ không?

Em vội lấy xe đạp chạy như bay đến chùa. Khi bước vào trong giảng đường thì thấy nhục thân chị đã được đặt ở đấy và được che phủ bằng lá cờ Phật giáo. Em buông mình quì phục xuống bên cạnh chị và khóc nức nở trong thương tiếc. Chị Tuyết Hoa cũng đang cúi đầu khóc thút thít.

Thôi rồi! Chị đã thật sự xa chúng em rồi! Em thẫn thờ như người mất hồn ngồi ôm đầu khóc như một đứa trẻ. Em không thể nào tin được, chị Mai ơi.

Quê hương mình thì chiến tranh, bom đạn. Thầy mình thì làm Phật sự nơi xa. Chị giờ đã ra đi thật rồi! Mỗi khi có nỗi niềm sâu kín, em biết lấy ai tâm sự bầu bạn, vì chị là người hiểu rõ em nhiều.

Chị hiền lắm, giọng chị nhỏ nhẹ từ tốn và luôn lắng nghe những khổ đau, u uất của mọi người. Em vẫn như còn nghe văng vẳng bên tai giọng khuyên nhủ của chị: “Hổng được làm vậy nghe Hiệp, nghe lời chị khuyên đi! Hiệp biết không, em có nhiều điều kiện hạnh phúc lắm mà em không biết đó. Em có một cơ thể khỏe mạnh, lành lặn, đẹp đẽ nè, có điều kiện học hành, có văn hóa tri thức nè. Em không phải đi buôn gánh bán bưng cực khổ để kiếm sống. Ba má có bất hòa, gia đình có xào xáo nhưng rồi cũng qua đi, vì đời là vô thường mà em, vài năm nữa ba má hòa thuận lại cho coi.”

Và chị hướng dẫn em đi vào những xóm nghèo để phát gạo hoặc quần áo cũ. Lần đầu theo chị vào Xóm nghĩa địa ở sau rạp Quốc Thanh, em sửng sốt nói nhẹ bên tai chị: “Trời Phật ơi! Sao người ta sống khổ quá vậy chị?” Con đường lầy lội nước bùn loi ngoi, lóp ngóp, nhà ở của những gia đình này là những ngôi mộ, được che bởi những tấm carton dày hoặc những manh chiếu rách. Rồi những đêm mưa to, gió lớn, họ phải sống ra sao?

Tất cả vợ chồng con cái đều trú ẩn trong những túp lều rách nát, mong manh như thế! Em đứng mím môi thật chặt để khỏi bật ra tiếng khóc mà nước mắt cứ thi nhau chảy quanh. Chị nắm nhẹ tay em dẫn đi sâu vào trong xóm tiếp tục phát quà và thăm hỏi.

Nhất Chi Mai (tóc dài, bên phải)

Tối hôm ấy về nhà em buồn không ngủ được. Hình ảnh những mảnh đời cơ cực, bất hạnh nơi xóm  nghèo nghĩa địa Quốc Thanh luôn ám ảnh em trong giấc ngủ. Và từ đây con tim phụng sự đã theo em trọn đời không quên lãng.

Chị lại dẫn chúng em đi giúp dân làng làm trường học ở Cầu Kinh hoặc Thảo Điền, bên kia cầu Xa lộ. Các anh chị tác viên Trường Thanh Niên Phụng sự Xã hội dễ thương và nhiệt tình quá. Chú Tâm Thể, anh Dương, anh Lưu, anh Thơ, chị Lành, chị Đồng, cô Mai và nhiều nhiều những anh chị khác đều hiền lành dễ mến nên làm việc tuy vất vả nhưng vui quá. Em bỗng nhớ nụ cười thật hiền của chị!

Các anh chị dạy người dân biết cách ăn ở vệ sinh hơn, biết làm hố tiêu để tiêu tiểu đúng chỗ, biết uống nước đun sôi để nguội để tránh bị tiêu chảy. Chị Chín dạy các cháu nhỏ đừng bắt chước người lớn hút thuốc, uống rượu. Làng Thảo Điền ở cạnh sông, ban đêm dân làng thường đi giăng câu, bắt cá. Trời lạnh nên người ta hay uống rượu và hút thuốc cho ấm. Con nít độ 9 hoặc 10 tuổi đi theo chú, bác thả câu cũng tập tành uống rượu như người lớn.

Những ngày cuối tuần đi giúp dân làng của chị em mình đẹp và vui quá phải không chị? Thỉnh thoảng em được chị Chín đọc thư Thầy cho em nghe ké để chia sẻ hạnh phúc. Em thích nhất câu: “Các em hãy rửa mắt trên những cánh đồng lúa xanh.” Thơ mộng và lãng mạn quá! Hình bóng Thầy vẫn lung linh sáng ngời trong lòng chị em mình tuy Thầy đang ở xa.

Rồi tai họa liên tiếp đổ ập lên trường chúng ta: sáu tác viên của Trường trong lúc đi thực tập đã bị bắt cóc cho đến bây giờ cũng không biết dấu tích.

Sau đó ít lâu, vào một đêm thứ bảy, bỗng có một toán người lạ mặt xông vào trường, dùng súng đạn bắn giết các anh chị đang nằm nghỉ trong phòng. Hai chị Liên và Vui bị thiệt mạng. Chị Hương bị cưa một bàn chân. Anh Vinh bị lưu đạn trúng đầu, lòi não ra ngoài nên bị liệt cả tay chân phải nằm điều trị ở bệnh viện Chợ Rẫy suốt cả năm.

Các anh chị tác viên và những vị thân hữu của Trường thay phiên nhau vào nuôi anh Vinh. Mỗi ngày phải hai người túc trực bên giường bệnh để chăm sóc cho anh. Các vị thân hữu thì tình nguyện nấu cơm và ngày hai buổi đem vào phục vụ cho người nuôi bệnh. Gia đình em tình nguyện nấu cơm mỗi ngày thư tư và đích thân em đem cơm vào nhà thương cho các anh chị.

Chị sợ em làm lâu ngày rồi nản lòng bỏ cuộc, nên đã nhắc nhở em trước khi chị tự thiêu một ngày, mà em đâu có biết: “Hiệp ơi, ráng đi thăm anh Vinh và lo cơm nước đàng hoàng nghe em. Đừng bỏ rơi các anh chị lúc này tội nghiệp lắm!” Chị nhìn em với đôi mắt thành khẩn, thương yêu nhắn nhủ trước khi ra đi. Em vẫn vô tình nên chỉ trả lời nhẹ: “Dạ!”

Chị đã chuẩn bị cho việc ra đi nên mấy tháng trước, chị đã nhắn nhủ, khuyên bảo mà em không biết. Có lần hai chị em ngồi chơi ở phía sau chùa lá, nhìn ra cách đồng lúa bát ngát mênh mông, chị đã nói với em:

“Dù sau này không còn Trường Thanh Niên Phụng Sự Xã Hội nữa, em nhớ luôn giữ tấm lòng phụng sự trong tim nghe Hiệp.”

Em lật đật cãi lại chị: “Trường mình sẽ tồn tại mãi chị Mai ơi! Các anh chị tác viên của Trường hiền lành, dễ thương, chỉ đi giúp đồng bào xây nhà, làm trường, giúp nông dân trồng tỉa, chăn nuôi gia súc, giúp đủ thứ hết. Mình đâu có làm chính trị hoặc làm điều gì xấu ác mà chính quyền không cho Trường mình hoạt động hả chị?”

Chị buồn buồn, hướng mắt nhìn ra xa trả lời: “Đời vô thường lắm em ơi! Không có gì chắc chắn cả. Hiệp phải hứa với chị, lúc nào trái tim thương yêu và phụng sự cũng phải luôn cháy trong em bền bỉ đó nha. Quê mình còn chiến tranh, dân còn khổ nạn nhiều. Chị em mình phải làm gì để xoa dịu những đau thương, tang tóc do chinh chiến gây ra. Như vậy cuộc sống mình mới có ý nghĩa!”

Rồi chị quay đi làm mặt giận :”Hổng thôi, chị giận, nghỉ chơi luôn cho coi!”

Em ôm chị nũng nịu và hứa chắc với chị: “Em sẽ mang lý tưởng thương yêu, phụng sự đi suốt cuộc đời, chị Mai chịu chưa?”

Chị cười rạng rỡ trên đôi mắt hiền từ. Em đâu ngờ đó là những điều chị trối trăn cùng em trước lúc ra đi!

Em cũng không thể ngờ một người nhỏ nhắn, nhu mì, dịu dàng, hiền hòa như chị lại có thể can đảm hiên ngang làm công việc của một đại trượng phu như thế: chị đã đem thân mình làm đuốc hồng để cảnh tỉnh lương tri loài người!

Hôm tiễn đưa chị về An Dưỡng Địa làm lễ hỏa thiêu, đồng bào mình đi dài hàng mấy cây số. Đọc mười bức thư của chị để lại, gửi cho cha mẹ, chính quyền hai miền Nam Bắc và cho quý Tôn đức trong Giáo Hội Phật giáo, mọi người đã thấy hạnh nguyện của một vị Bồ Tát.

Em vẫn khóc sướt mướt đi theo dòng người để tiễn đưa chị. Em không ngờ chị Mai của em cũng văn thơ bay bướm lắm. Đọc thư chị, em thật kính ngưỡng và trân trọng đại nguyện của chị:

Chắp tay tôi quỳ xuống

Chắp tay tôi quỳ xuống

Chịu đau đớn thân này

Mong thoát lời thống thiết !

Dừng tay lại người ơi !

Dừng tay lại người ơi !

Hơn hai mươi năm rồi

Nhiều máu xương đã đổ

Đừng diệt chủng dân tôi !

Đừng diệt chủng dân tôi !

Chắp tay tôi quỳ xuống …

Bây giờ em không còn khóc nữa. Em sẽ hát chị nghe bài hát Một Cành Mai tức Đạo Ca 5 của Nhạc sĩ Phạm Duy :

“… Nước mắt bỗng ngừng trôi, khi người đã nguyện dâng

Thân mình làm đuốc hồng, cho đồng lúa trổ bông ….

Cành mai đã rụng rơi, rơi rụng xuống cuộc đời

Một cành mai rụng rời, làn hương vẫn chẳng phai

Người không riêng của ai, nhân loại vẫn của người

Đặt mình trong dòng đời, tử sinh cũng là vui…”

Và đây chính là ca khúc nhạc sĩ Phạm Duy viết về chị Nhất Chi Mai đó, chị thương kính của em.

Gần 50 năm trôi qua, đất nước mình cũng đã “thưở trời đất nổi cơn gió bụi ” bao phen. Đã hết chiến tranh nhưng vẫn còn rất nhiều niềm đau nỗi khổ, vì vậy hạnh nguyện của Thầy và của anh chị em mình vẫn phải tiếp tục.

Thầy mình bây giờ đã gần 90 tuổi nhưng vẫn bôn ba đó đây để dạy cho mọi người biết cách sống hạnh phúc, bớt thù hận, khổ đau. Thầy và chị Chín (nay là sư cô Chân Không) và một số thân hữu đã lập ra làng Mai ở miền Nam nước Pháp. Làng càng ngày càng lớn rộng, nay đã có tất cả 4 Xóm lớn là: Xóm Thượng, Xóm Hạ , Xóm Mới và Chùa Sơn Hạ, lại thêm những Xóm nhỏ như Xóm Trung, Xóm Đoài, Xóm Lưng Đồi…

Pháp môn tu tập của Thầy đã đem đến hạnh phúc cho không biết bao nhiêu người trên thế giới. Bây giờ đã có hàng ngàn các thầy và sư cô trẻ ở khắp nơi tu học và thực tập theo pháp môn Chánh Niệm của Thầy.

Dòng tu Tiếp Hiện, khởi đầu với 6 người mà chị Mai là chị Cả, nay đã lên đến hàng chục ngàn anh chị hay nhiều hơn nữa, đang tiếp nối cánh tay Thầy đem pháp môn Chánh niệm đến khắp các quốc gia.

Sáu thành viên đầu tiên của dòng tu Tiếp Hiện (Nhất Chi Mai đứng thứ ba từ bên trái)

Mỗi lần nhớ chị, em ngậm ngùi rưng rưng nước mắt. Song Thầy đã dạy chị Mai không bao giờ mất. Chị vẫn ẩn tàng đâu đó và biểu hiện trong mỗi thành viên Tiếp Hiện chúng em. Nụ cười, hình ảnh và đại nguyện của chị vẫn luôn ấp ủ trong lòng chúng em, lời hứa năm xưa em vẫn thủy chung giữ tròn cùng chị.

Em vừa gầy dựng một blog để trình bày những sinh hoạt tu học mà chúng em đã thực hành trong cuộc sống. Qua những bài viết của các cô, chú bác, hy vọng rằng sau này giới trẻ sẽ hiểu được những nguyện ước, những hoài bão cùng những hy sinh âm thầm mang nhiều đại nguyện của những người đi trước.

Em sẽ trân trọng dành ưu ái cho chị khai trương trang blog này, vì chị là người đã trao cho em ngọn lửa cháy bỏng yêu thương, phụng sự của Thầy. Và trang blog này sẽ được vinh dự mang tên Nhất Chi Mai, người chị thương kính muôn đời của chúng em.

Chị kính yêu ơi! Chị hãy vào đọc cùng chúng em nha!

Đứa em hay nũng nịu và “mít ướt” của chị

Chân Bảo Nguyện.

Để tìm hiểu thêm về Nhất Chi Mai, xin đọc hồi ký của sư cô Chân Không: Dòng tiếp hiện và những hoạt động dấn thân

Cành mai năm ấy

Buổi sáng có mặt trời, ơi vũ trụ, ta muốn ôm người vào hai tay. Buổi sáng có chim hót và chị bán xôi đi ngang ngõ trúc, ơi quê hương, ta muốn ôm ngươi vào hai tay. Buổi sáng có chợ họp, ôi thế gian, ta muốn ôm ngươi vào hai tay. Chỉ còn hai mươi giờ nữa thôi, tôi đã không còn có mặt ở đây. Tôi sẽ giao tôi cho lửa.

Quê hương đẹp biết bao nhiêu. Ôi, còn nào chùa, nào lũy tre, nào vườn cau, nào giàn trầu, nào bến sông quen thuộc. Tôi muốn quay trở lui. Nhưng quay trở lui cũng không tìm thấy quê hương.

Đất quê hương, tôi đang đếm bằng những bước chân. Đất quê hương, bom đạn cày nát. Lời cầu nguyện cho những khu vườn xanh, có trúc đào, có xương rồng trước ngõ. Chắp tay tôi nhận chịu lửa đỏ như một lời cầu nguyện. Cho tôi thấy phố thấy nhà lần chót. Cho tôi thấy trời thấy nước thấy cây thấy cỏ lần chót. Cho tôi thấy trăng thấy sao. Cho tôi thấy người, thấy cô thấy bác thấy anh thấy chị thấy già thấy trẻ, thấy đồng bào cười nói. Cho tôi ôm tất cả vào hai vòng tay nhỏ. Tôi đã tìm thấy. Anh chị em ơi, tôi đi nhưng tôi còn ở lại. Sáng mai mặt trời mọc, thơ tôi sẽ tới với người.”

(trích tác phẩm Chân dung – Thiền sư Nhất Hạnh)

Năm 1096, trước khi an nhiên cõi trời phương ngoại, Thiền sư Mãn Giác đã để lại tặng đời một cành mai vô ngại, cành mai vượt thời gian, nở lên từ một tâm hồn thanh thoát. Đến hôm nay, cành mai đó vẫn sống rất thật, trong mỗi độ xuân về, trong mỗi lần xem mai nở, trong mỗi dịp được ngồi yên bên chén trà ấm bốn mùa mà nghe phảng phất đâu đây hòa vào hương trà lời Thiền sư nhắc nhở: “Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận. Đình tiền tạc dạ nhất chi mai”. Cành mai đã đi vào cõi vô khứ lai, để rồi sẽ biểu hiện tiếp tục một cách mầu nhiệm dưới những hình thái khác, góc độ khác, ngay trên cõi đời này, khi nhân duyên vào độ chín. Và vì thế, mãi mãi, lời vị Thiền sư năm nao vẫn còn vang vọng, chớ có cho rằng khi xuân hết thì hoa tàn cả, nhìn cho kỹ đi, một cành mai đêm qua nơi sân trước vẫn tròn đầy.

“Xin tình thương tỉnh thức

Xin Việt Nam hòa bình”

871 năm sau, 1967, cành mai ngày ấy lại biểu hiện. Nhất Chi Mai – một trong sáu thành viên đầu tiên của dòng tu Tiếp Hiện do Thiền sư Nhất Hạnh sáng lập, ngày 16 tháng 05 đã khiến cho cả thế giới chiêm ngưỡng khí phách bi hùng của hương thơm nguyện phụng hiến mình vì nghĩa lớn, vì một Việt Nam hòa bình, vì một dân tộc biết thương yêu nhau, vì một thế giới biết nhìn về lẽ phải.

Được sinh ra trong gia đình khá giả, dù trong thời chiến tranh tàn khốc, chị Mai vẫn được đi về trên một chiếc xe hơi sang trọng. Tương lai chị thật tươi sáng. Tốt nghiệp đại học, chị theo con đường phụng sự xã hội, nguyện sống đời an vui cho đất Việt. Thế nhưng, Việt Nam vẫn cứ chiến tranh, máu xương vẫn mỗi ngày đổ xuống, điêu tàn tiếp nối điêu tàn, đâu đâu cũng nghe tiếng khóc than của đứa con thơ, của người vợ trẻ, tiếng khấn nguyện của những người già không biết con mình sống chết ra sao. Chị Nhất Chi Mai phải chứng kiến điều đó hằng ngày khi vẫn được nghe nói về từ bi, rao giảng về lòng bác ái, tuyên truyền về đoàn kết… có cái gì nghe thật xót xa. Chị không thù hận con người, đích thị trong chị chỉ có tình xót thương. Chị muốn ôm trọn tất cả, vì con người đáng thương, vì con người đang nô lệ cho hận thù, bạo động, nghi ngờ và lòng tham mà giày xéo lên nhau từng ngày. Mỗi ngày, chị tự dặn dò mình bằng cách đọc đi đọc lại không biết bao nhiêu lần lời thơ của thầy mình trao gởi. Bài thơ trở thành một đề tài quán chiếu thật sâu sắc của chị:

“Xin hứa với tôi hôm nay
Trên đầu chúng ta có mặt trời
Và buổi trưa đứng bóng
Rằng không bao giờ em thù hận con người
Em vẫn phải nhớ lời tôi căn dặn :
Kẻ thù chúng ta không phải con người.
Xứng đáng chỉ có tình xót thương
Vì tôi xin em đừng đòi điều kiện
Có thể ngày mai
Trước khuôn mặt bạo tàn
Một mình em đối diện.
Hãy rót cái nhìn dịu hiền
Từ đôi mắt
Hãy can đảm

Dù không ai hay biết…”

(Trích Dặn dò –  thơ Sư Ông Làng Mai)

Những người xung quanh nghĩ rằng, chắc chị Mai thích bài thơ ấy quá, nên cứ suốt ngày ngâm nga cho qua thời giờ, cho khỏi nghĩ đến những công tác từ thiện, khỏi nghĩ đến chiến tranh, khỏi nghĩ đến những em bé nghèo ngửa bàn tay bé xíu xin chút tình thương với tấm thân đen đủi trần truồng và đôi mắt đã bớt long lanh. Vậy mà, chị lẩm nhẩm bài thơ ấy không phải để trốn chạy thực tại, mà để nghĩ về thực tại, nghĩ về cách để có thể hiến dâng cuộc đời mình cho một cuộc tỉnh thức lương tâm nhân loại, cho ước mơ một đất nước hòa bình.

“Và nụ cười em
Hãy để nở
Trong cô đơn
Trong đau thương thống thiết
Những người yêu em
Dù lênh đênh
Qua ngàn trùng sinh diệt
Vẫn sẽ nhìn thấy em.
Tôi sẽ đi một mình
Đầu tôi cúi xuống
Tình yêu thương
Bỗng trở nên bất diệt
Đường xa
Và gập ghềnh muôn dặm
Nhưng hai vầng nhật nguyệt
Sẽ vẫn còn

Để soi bước cho tôi”.

(Trích Dặn dò –  thơ Sư Ông Làng Mai)

Phật đản sanh lần thứ 2511, đúng ngày 8 tháng 4 âm lịch, cành mai kia đã nở. Nhất Chi Mai đã nở giữa biển lửa. Nhưng không phải biển lửa của hận thù. Mai đã tỏa hương giữa biển lửa, để hóa thân thành tình thương và tỉnh thức, cho con người thấy đường đi lên. Chị Mai đã tự thiêu.

Một buổi sáng chùa Từ Nghiêm lửa tỏa, lửa cháy lan thế kỷ, lửa xuyên thấu các hành tinh xa để vượt thời gian và mãi mãi không bao giờ tắt. Thế gian chấn động bởi ánh lửa như tiếng chuông đại hùng lực, đại từ bi. Lửa đốt rụi vô minh, tỵ hiềm, lòng tham cơ hội. Lửa kêu gọi nghĩa đệ huynh. Tự tay mình châm lửa đốt thân sau khi để lại 10 bức thư cho Ba Má, Thầy bạn và chính quyền, cái chết chừng đó thôi cũng đã là vô úy.

Sẽ có những người thóa mạ cái chết ấy, chị Mai tự biết điều ấy, nhưng điềm nhiên mặc kệ, có sao đâu. Chị không điên, không hành động dại dột, không phải vì cảm hứng. Chị đã suy nghĩ nhiều, đã chuẩn bị tất cả. Vì tình thương nhân loại, chị phải hành động. Vì thức tỉnh tình thương trong trái tim nhân loại, chị càng phải hành động. Vì Việt Nam hòa bình, chị lại càng phải hành động. Thế giới đã cúi đầu trước người Mẹ Việt Nam vừa tròn 33 tuổi. Cao Ngọc Phượng, một người em đồng giới Tiếp Hiện với chị, sau này trở thành sư cô Chân Không – một đệ tử lớn của Thiền sư Nhất Hạnh, đã trả lời người phương Tây khi họ thắc mắc về cái chết ấy thật cảm động: “Khi bạn muốn mua một món gì bạn phải trả tiền. Khi bạn muốn mua một món gì quý nhất mà tiền bạc không thể mua được như sự hiểu biết, sự thương yêu, sự nhân nhường nhau để đưa đến chấm dứt chiến tranh khổ đau thì bạn chỉ có thể trả cho người bạn đang đối thoại bằng cái gì quý giá nhất mà bạn có trên đời. Chị tôi không tự tử như nhiều người Tây phương đã tưởng. Không, chị tôi có học thức, có đầy đủ điều kiện để sống tiện nghi như các bạn (Tây phương) dù rằng nước Việt Nam đang chiến tranh. Nhưng chị muốn dâng cái quý nhất của con người trên đời để xin cái quý nhất của con người trên đời. Cái đó là sự sống”. Chị đã dâng sự sống quý nhất trên đời của chị để giữ lại sự sống quý nhất của một dân tộc.

Người bạn trẻ của nước Việt ơi, các bạn đang tiếp nối hồn thiêng sông núi mà bao thế hệ trước đã thao thức, đã hy sinh xương máu để giữ gìn, các bạn cũng là một cành mai. Chúng ta hãy làm sao để cành mai vươn lên giữa biển lửa. Cành mai ấy không được chết giữa biển lửa, càng không được chết vô nghĩa giữa bầu trời bình yên. Bao nhiêu người đã chết oan uổng như vậy rồi, mình đừng tiếp nối hạt giống ấy nữa. Mình mãi phải xứng đáng, đừng bao giờ cô phụ hồn thiêng sông núi.

Chị Nhất Chi Mai, kỷ niệm ngày chị có mặt vì hòa bình, cũng là ngày kỷ niệm một cành mai tỏa thơm trang sử Việt, em viết lại đây vài dòng như lời tri ân sâu sắc đến chị. Từ ngày biết chị, em chưa bao giờ thấy chị vắng mặt trong em, em chưa bao giờ thấy chị vắng mặt trong cành hoa của Thiền sư Mãn Giác. Rồi những cành hoa như chị sẽ được tiếp nối và biểu hiện, hôm nay và mai sau, như chị chưa bao giờ từng sinh mà cũng chưa bao giờ từng diệt. Những thế hệ sau chị sẽ tiếp nối và mời cành mai thơm trong chị biểu hiện như điều chị từng nhắc nhở: “Con đường dài mà chông gai quá, mỗi người nhân bản phải đi một đoạn đường gai chông, tiếp nối, bằng cách này hay bằng cách khác, mới mong hết được đường dài…”

Nguyên Tịnh.

Đồi Trị Liệu, 15.05.2012


LỜI TỰ THUẬT
SAU CÙNG CỦA NHẤT CHI MAI

Tôi viết tất cả 10 bức thư để lại.

Ngày mai tôi sẽ lo lắng một mình tôi buổi lễ tự thiêu.

Tôi cho các nhà báo, nhiếp ảnh hay và một ít bạn thân đến nơi tôi dự định mà không cho họ biết trước chuyện gì sẽ xẩy ra.

Tôi mua 10 lít xăng. Địa điểm tôi chọn là Chùa Từ Nghiêm, tôi có ý đến Nhà Thờ Đức Bà hay một nơi công cộng có tính cách lịch sử một chút, mà thôi.

Phía trước mặt tôi đặt hai bức tượng: Đức Mẹ Maria với hai bàn tay đưa ra. Đức Quán Thế Âm với đôi mắt dịu hiền. Cả hai nhìn tôi và ban ơn cho tôi tròn ước nguyện. Trước mặt và sau lưng tôi có hai biểu ngữ tôi viết:

“Con chắp tay quỳ xuống

Xin Đức Mẹ Maria

Đức Quan Âm, Phổ Hiền

Cho con và ước nguyện.”

Và:

“Xin đem thân làm đuốc

Xin soi sáng U Minh

Xin Tình người thức tỉnh

Xin Việt Nam Hòa Bình”.

Cầu xin cho tôi can đảm, bình tĩnh mà ngồi yên trong lửa đỏ.

Tôi sẽ quỳ xuống chấp tay niệm Phật và thầm gọi “Việt Nam”.

Người tự thiêu cầu Hòa Bình
Thích Nữ Nhất Chi Mai
Tự: Nhất Chi
Pháp danh: Diệu Huỳnh.

THƯ GỬI THẦY
(Chị Nhất Chi Mai là một trong sáu người đầu tiên được thọ 14 Giới Tiếp Hiện với Thầy Làng Mai)

Việt Nam, 15 – 5 – 67.
Kính bạch Thầy,

Ngày mai con sẽ thiêu thân để cầu Hòa Bình cho Việt Nam. Con xin đóng góp với Thầy, với tất cả những nhà nhân bản Việt Nam và thế giới trong phong trào Mong Hòa Bình cho Việt Nam bằng tất cả những gì con hiện có.

Con mong tất cả an lòng, tiếng nói nhân bản, chính nghĩa sẽ được tiếp nối và kết quả không lâu.

Thư Nhất Chi Mai gởi Thầy

Kính thư,
Thích Nữ Nhất Chi Mai
Tự: Nhất Chi
Pháp danh: Diệu Huỳnh
Tự thiêu để cầu Hòa Bình Việt Nam
Mùa Phật Đản 2511 (5-1967)

 

____________________________________

Những bài có liên quan:

Thông điệp lửa – Tưởng niệm Nhất Chi Mai

Khi Nhất Chi Mai tự thiêu, Vũ Hoàng Chương vô cùng xúc động và đã làm bài thơ “Lửa…Lửa…và Lửa” để ca ngợi chị. Lửa Nhất Chi Mai giống như hỏa lệnh, một hiệu lệnh bằng lửa để cho cánh chim Hòa Bình trở về. Đó là thông điệp của Vũ Hoàng Chương.

Bồ câu truyền hỏa lệnh
Sáng trưng Hỏa Lệnh bồ câu trắng – Tranh vẽ: sư cô Trăng Tuyết Hoa

LỬA…LỬA…VÀ LỬA

Vừa mới hôm nào Lửa YẾN PHI

Bay lên…nối cánh LỬA TỪ BI;

Giờ đây, lại nỗi lòng dân Việt

Đau xé trời Nam: Lửa NHẤT CHI…!

Ba đợt cháy lên Thông Điệp Lửa,

Đêm sao có thể đặc như chì?

Đốt cho bom đạn tan thành lệ,

Hai ngả sông sầu hãy nguyện đi!

Hãy nguyện cho màu tang nổi gió

Trên đầu quả phụ với cô nhi!

Mẹ ơi, tóc hãy làm giông tố!

Màu tóc màu tang có khác gì…

Trắng một vòng bay quanh Trái Đất,

Nối dài Thông Điệp Lửa uy nghi.

Sáng trưng Hỏa Lệnh, bồ câu trắng

Sẽ đốt Thời Gian mở lối về.

(Đêm Phật Đản 2511)

Trích trong tập thơ Bút Nở Hoa Đàm của Vũ Hoàng Chương


sáng trưng hỏa lệnh bồ câu
Bút pháp thiền sư Thích Nhất Hạnh

LỜI TỰ THUẬT
SAU CÙNG CỦA NHẤT CHI MAI

Tôi viết tất cả 10 bức thư để lại.

Ngày mai tôi sẽ lo lắng một mình tôi buổi lễ tự thiêu.

Tôi cho các nhà báo, nhiếp ảnh hay và một ít bạn thân đến nơi tôi dự định mà không cho họ biết trước chuyện gì sẽ xẩy ra.

Tôi mua 10 lít xăng. Địa điểm tôi chọn là Chùa Từ Nghiêm, tôi có ý đến Nhà Thờ Đức Bà hay một nơi công cộng có tính cách lịch sử một chút, mà thôi.

Phía trước mặt tôi đặt hai bức tượng: Đức Mẹ Maria với hai bàn tay đưa ra. Đức Quán Thế Âm với đôi mắt dịu hiền. Cả hai nhìn tôi và ban ơn cho tôi tròn ước nguyện. Trước mặt và sau lưng tôi có hai biểu ngữ tôi viết:

“Con chắp tay quỳ xuống

Xin Đức Mẹ Maria

Đức Quan Âm, Phổ Hiền

Cho con và ước nguyện.”

Và:

“ Xin đem thân làm đuốc

Xin soi sáng U Minh

Xin Tình người thức tỉnh

Xin Việt Nam Hòa Bình”.

Cầu xin cho tôi can đảm, bình tĩnh mà ngồi yên trong lửa đỏ.

Tôi sẽ quỳ xuống chấp tay niệm Phật và thầm gọi “Việt Nam”.

Người tự thiêu cầu Hòa Bình
Thích Nữ Nhất Chi Mai
Tự: Nhất Chi
Pháp danh: Diệu Huỳnh.

 

THƯ GỬI THẦY
(Chị Nhất Chi Mai là một trong sáu người đầu tiên được thọ 14 Giới Tiếp Hiện với Thầy Làng Mai)

Việt Nam, 15 – 5 – 67.
Kính bạch Thầy,

Ngày mai con sẽ thiêu thân để cầu Hòa Bình cho Việt Nam. Con xin đóng góp với Thầy, với tất cả những nhà nhân bản Việt Nam và thế giới trong phong trào Mong Hòa Bình cho Việt Nam bằng tất cả những gì con hiện có.

Con mong tất cả an lòng, tiếng nói nhân bản, chính nghĩa sẽ được tiếp nối và kết quả không lâu.

ThuguiThayNhatChiMai.jpg
thư Nhất Chi Mai gởi Thầy

Kính thư,
Thích Nữ Nhất Chi Mai
Tự: Nhất Chi
Pháp danh: Diệu Huỳnh
Tự thiêu để cầu Hòa Bình Việt Nam
Mùa Phật Đản 2511 (5-1967)


____________________________________

Những bài có liên quan:

– Dòng tiếp hiện và những hoạt động dấn thân
– Bền bỉ lửa trái tim
– Giọt nước cánh chim

Để lại cho em

(Hành trình 50 năm và Hạnh phúc chính là con đường)

Chị Chân Xuân Tản Viên (Mỹ Hằng) thuộc thế hệ Tiếp Hiện trẻ. Chị là một tác viên xã hội năng động, nhiệt huyết của chương trình Hiểu và Thương, đã thọ giới Tiếp Hiện năm 2013. Dưới đây là những chia sẻ về tâm nguyện của chị trong quá trình tu học và phụng sự.

 

Hôm qua là ngày tu học đầu năm của anh chị em chúng tôi. Một ngày hạnh phúc khi gia đình tâm linh được ngồi lại bên nhau, lắng nghe tâm sự của bốn chị em vừa được thọ giới Tiếp Hiện trong khóa tu Core Sangha được tổ chức tại Làng Mai Thái Lan hồi cuối tháng 12. Chúng tôi nói đùa là bây giờ mình có sáu anh chị em rồi, sao mà trùng hợp với “sáu người sung sướng nhất đời” ở chùa Lá Pháp Vân cách đây 50 năm quá đi. Bất chợt tôi nhớ đến bài Tâm ca số 5 của nhạc sĩ Phạm Duy mà Sư Ông nhắc đến trong cuốn sách Nói với tuổi hai mươi. Tôi cũng nhớ đến vở nhạc kịch Để lại cho em mà mấy anh chị em chúng tôi đã biên đạo và biểu diễn trong khóa tu ở chùa Pháp Vân gần ba năm về trước. Người đóng vai chị Phượng, chị Uyên và anh Khôn bây giờ đã trở thành con trai, con gái của Bụt rồi. Những người còn lại vẫn đang gắn bó với tăng thân trong chí nguyện mang đạo Bụt đi vào cuộc đời. Tôi chợt nhận ra rằng bốn chữ để lại cho em chưa bao giờ ngưng nghỉ cả mà đã được tiếp nối và biểu hiện liên tục theo dòng thời gian…

Trong những tháng ngày sinh hoạt cùng đồng sự, tôi thường hay động viên các em để dành thì giờ mà đọc tập 1 cuốn Hồi ký 52 năm theo Thầy học đạo của Sư cô Chân Không. Hồi đó tôi cũng đã từng đọc đi đọc lại nhiều lần, có những lúc không kiềm chế được xúc động, đã phát thệ nguyện xin được đi tiếp trên con đường cao đẹp này. “Chúng ta chỉ cần làm những việc gì ta ưa thích nhất, ta có thể dần dần đi đến giác ngộ trên con đường hành động đó nếu ta luôn luôn nuôi dưỡng định trong từng hành động. Khi làm việc mình nên nhìn sâu để tự hỏi, hành động này có đủ từ bi không? Có đủ hỷ và xả không? Hành động và việc làm đó là vì lý tưởng làm lợi lạc cho người khác hay vì danh và vì lợi cho chính mình? Quán chiếu như vậy suốt ngày trong mọi công tác, mọi lời nói và mọi tư duy thì chúng ta vừa tu phước mà cũng vừa tu huệ” (Sư cô Chân Không). Nhờ vậy mà sau này khi trở thành tác viên xã hội cho chương trình Hiểu và Thương, tôi luôn cảm thấy mình là người hạnh phúc và may mắn. Có những chuyến đi dài ngày và liên tục, tôi tập cho tâm mình tĩnh lặng và an trú trong giây phút hiện tại. Đi thăm người nghèo hay nhà trẻ Hiểu và Thương, gặp những hoàn cảnh khốn cùng hay những điều bất như ý, tôi thực tập định tâm trở lại, nhìn thật sâu và khi có những cảm xúc mạnh đi lên thì tôi dừng lại, quay về với hơi thở để có thể mang lại sự bình an cho chính tự thân và cũng là cho những người mà tôi muốn giúp đỡ.

Tôi được nghe giảng nhiều lần về ý nghĩa của dòng tu Tiếp Hiện và những hoạt động dấn thân trong các bài pháp thoại của Thầy cũng như trong các khóa tu Tiếp Hiện. Tôi cũng thật may mắn khi có nhiều cơ hội để tiếp xúc và học hỏi với các thế hệ đi trước trong những ngày tu chánh niệm hoặc khi làm việc với các cô chú trong chương trình Hiểu và Thương. Khoảng cách 40 hay 50 năm giữa hai thế hệ là khá xa trên bề mặt lý thuyết. Tuy nhiên, nếu được tưới tẩm và vun trồng ý thức về sự tương tức, về hạt giống hiểu và thương thì thời gian và không gian chỉ còn là một ý niệm. Tôi còn nhớ lời dạy của ôn Thủ tọa trong ngày làm biếng sau khóa tu: “Tiếp Hiện nói ngắn gọn là sự tiếp xúc và làm cho nó biểu hiện”. Quán chiếu sâu sắc lời dạy của Ôn thì mọi ý niệm về thời gian hay không gian chợt tan biến trong tôi. Thế là buổi sáng hôm sau như bao buổi sáng khác ở Pakchong nhưng tôi lại thấy trong mình có rất nhiều sự khác lạ. Anh chị em chúng tôi ngồi cùng với sư cô và các bạn thiền sinh đến từ Singapore, Trung Quốc, Indonesia bên tách trà nóng và ngọn nến hồng trên bãi cỏ xanh phía trước cốc Sư Ông. Tôi thấy mình thật tự do. Xung quanh tôi mọi thứ đều rất đẹp. Chẳng phải là anh chị em chúng tôi đang tiếp xúc với sự mầu nhiệm của cuộc sống, tiếp xúc với sự cao quý của tình huynh đệ và làm cho nó biểu hiện ra hay sao? Cũng như thế, buổi tối hôm qua thật dễ thương và ấm áp tình người biết bao nhiêu!

Mỹ Lệ, người em gái Huế nhân hậu dịu dàng vừa thọ giới với pháp tự Chân Dung Lâm đã có những cảm nhận thật sâu sắc: “Con kính tri ơn Sư Ông cùng đại chúng đã giúp chúng con có mặt và biểu hiện trong khóa tu Core Sangha, đã biểu hiện như những người con Tiếp Hiện mới sinh của Thầy. Một con đường đã mở ra cho chúng con tiếp bước. Con nguyện đem tình thương và sự hiểu biết chân thật của mình lan tỏa khắp muôn nơi. Khóa tu này đã cho con thấy rõ ràng hơn về bốn dấu ấn của pháp môn mà chúng con đang thực tập. Con nguyện sống sâu sắc với những phút giây hiện hữu nhiệm mầu mà mình đang có. Con luôn có niềm tin vào Thầy và tăng đoàn, nơi đã nuôi dưỡng và giúp con chuyển hóa rất nhiều niềm đau nỗi khổ. Từ đó con cảm nhận được hạnh phúc chân thật từ chính tự tâm và chia sẻ đến những người thân thương của con cùng những người con chưa có cơ hội để thương. Những ngày ở khóa tu, con hạnh phúc được nhìn những tà áo nâu và quán chiếu tính tương tức là Thầy đang có mặt trong tăng đoàn. Vì vậy, mỗi giây phút của khóa tu là những giây phút hạnh phúc của con. Con đã nhìn thấy những người con thương kính của Thầy biểu hiện dưới nhiều quốc gia khác nhau, cùng trao nhau những nụ cười chân thật và đi với nhau như một dòng sông. Với hạnh nguyện hiểu biết và thương yêu trên con đường mà Thầy và tăng đoàn đã trao truyền cho chúng con, con xin nguyện sống thật sâu sắc để có hiểu biết và thương yêu chính mình. Hiểu và thương được mình thì mới có thể trao tình thương đến cho những người khác”.

Thế An, cô tình nguyện viên bé nhỏ nhưng “gan lì” của chương trình Hiểu và Thương cũng được thọ trì 14 giới với pháp tự Chân Khai Lâm. Em chia sẻ sau khóa tu: “Con đang thở nhẹ nhàng và cảm nhận năng lượng còn đọng lại sau khi trở về từ khóa tu Core Sangha. Con đã nhận được tấm Điệp hộ giới Tiếp Hiện và con ý thức rõ ràng rằng con đang là sự tiếp nối của con đường Hiểu và Thương mà Sư Ông, Sư cô và tăng thân đã xây dựng. Con cũng ý thức rằng con đang bước vào và hòa mình cùng tăng thân để đi như một dòng sông mà không còn là một cá nhân tách biệt. Con dần nhận thấy rõ con đường mà con sẽ đi. Ôn thủ tọa Giác Viên có chia sẻ với anh chị em Tiếp Hiện mới của chúng con rằng: “Tiếp hiện là tiếp xúc và để chuyển hóa”. Do đó, con sẽ ý thức hơn vào sự thực tập của mình nhằm chuyển hóa những khó khăn, yếu kém, bạo động, giận hờn trong con, nguyện thực tập làm phát triển nguồn năng lượng chánh niệm để con có thể chia sẻ với mọi người và cùng góp bàn tay yêu thương cùng tăng thân trên con đường Hiểu Thương”.

Anh chàng Trọng Nhân hiền lành, dễ mến, rất nhiệt tình thì lòng vui như hội khi được nhận Mười bốn giới với pháp tự Chân Dũng Lâm. Em đã gửi thư cho tôi với vài dòng ngắn nhưng gói trọn cả tấm chân tình: “Con đường tu tập của con được mở rộng ra nhiều, con cảm nhận được một động lực rất lớn để nỗ lực công phu nhiều hơn, để tạo hạnh phúc cho mình và người. Con rất vui và cảm ơn tăng thân cho con sự nâng đỡ, tình huynh đệ ấm áp, môi trường sinh hoạt nuôi dưỡng”.

Vâng, tiếp xúc và biểu hiện để chuyển hóa là con đường mở rộng mà anh chị em chúng tôi đang đi bằng những bước chân bình an và hơi thở trị liệu. Nếu như ngày xưa dòng Tiếp Hiện cùng với những hoạt động dấn thân vì hòa bình thì ngày nay, chúng tôi nguyện tiếp nối bằng con đường hiểu thương. Sư Ông từng dạy rằng xã hội càng hiện đại thì con người càng đói hiểu, đói thương. Chúng tôi chập chững tiếp nối thế hệ đi trước bằng việc tập hiểu tập thương chính mình. Chúng tôi đã biết quay về với hải đảo tự thân và bảo hộ sáu căn khi lựa chọn bốn loại thức ăn cho mình. Cùng tăng thân tham gia vào những ngày tu chánh niệm, cùng đi thiền hành, nghe pháp thoại, dự pháp đàm hay những giây phút thoải mái của buông thư, uống trà bên nhau là những nguồn dinh dưỡng lành mạnh và lợi lạc nhất mà chúng tôi nếm được.

Mắt thương nhìn từng huynh đệ
Mỗi người là một bài thơ
Say sưa đọc hoài đọc mãi
Vẫn không hết những bất ngờ

(Sư cô Uyển Nghiêm)

Từ đó chúng tôi nhận ra mình đã có trong nhau tự bao giờ. Ban đầu là hiểu và thương chính mình, và thật bất ngờ, sau đó thấy xung quanh mình là cả một sự sống mầu nhiệm mà mỗi một sự việc, mỗi một con người chính là điệu nhạc, vần thơ điểm tô cuộc đời. Anh chị em chúng tôi có thể ngồi hàng giờ bên nhau để ngắm bình minh trên tháp Borobudur bên tách trà nóng, ấm áp tình huynh đệ mà không cần phải nói gì cả. Rồi cùng đi thiền hành trên biển Thuận An, hay dạo quanh chùa Tổ và ý thức rõ những điều kiện hạnh phúc mà từ đó vun trồng tưới tẩm lòng biết ơn.

Có những ngày làm tình nguyện viên rong ruổi trên chiếc xe gắn máy mang chút tấm lòng của chương trình Hiểu và Thương đến với các cụ già neo đơn ở những vùng xa xôi hẻo lánh. Có khi đi hoài mà chẳng thấy tiệm cơm chay nào nên chỉ dừng lại để uống ly nước mía, ấy vậy mà anh chị em cứ nhìn nhau cười tủm tỉm và thấy yêu đời chi lạ. Rồi những lần đi theo các cô chú phát học bổng “Giúp em đến trường”, chúng tôi có cơ hội được tiếp xúc sâu sắc với trẻ em nghèo khi ngồi vòng tròn bên nhau theo từng nhóm nhỏ, tập cho các em nghe chuông và ăn cơm chánh niệm. Nhớ lại những ngày đầu, tôi còn lúng túng khi không biết phải chuyển tải nội dung của Năm quán như thế nào để các em hiểu được. Cho đến một ngày chú Nghiệm đưa cho tôi tờ giấy đi photo ra thành nhiều bản để đưa cho các em nhỏ có tựa đề Năm điều em ghi nhớ, tôi chợt nhận ra các cô chú đã chuyển tải nội dung của năm phép thực tập chánh niệm trở thành những câu văn vô cùng dễ hiểu và gần gũi với các em nhỏ. Thế là tôi cũng học theo và áp dụng vào Năm quán để đọc cho các em nghe trước bữa ăn. Có lần một bạn nhỏ nhanh nhẩu đáp lại: “Con rất biết ơn người đã mang cơm vào đây cho con ăn” khiến cho cả vòng tròn ai cũng vừa mắc cười vừa xúc động.

Tôi rất thích được ngồi hàng giờ để lắng nghe những câu chuyện của chú Nghiệm hồi mới chập chững làm tình nguyện viên của chương trình Hiểu và Thương, tôi hay thắc mắc tại sao các cô chú luôn chú trọng đến chương trình chăm sóc trẻ em. Có một hôm chú kể cho tôi nghe chuyện của những em bé xóm chài, những đứa trẻ hoặc mồ côi, hoặc cha mẹ ly dị. Có những đứa, cha đi biển rồi mất tích, thế là mẹ khổ quá bỏ đi, các em phải sống với ông bà. Các em có thể sẽ có cơm ăn áo mặc qua ngày, nhưng nếu nhìn kỹ và tiếp xúc sâu sắc thì những đứa trẻ đó đang lâm vào tình cảnh đói khát hiểu biết và đói khát thương yêu. Chú nói rằng, mình giúp các em đến trường cũng giống như đang ươm mầm và gieo hạt. Mình phải biết tưới nước và vun bón mỗi ngày thì cây mới xanh tươi, ra hoa và kết trái. Có những lần đọc thư cảm ơn của các em học sinh nghèo đã từng nhận học bổng của chương trình liên tục mười mấy năm liền, tôi và những em tình nguyện rơm rớm nước mắt…

Nếu như bài Tâm ca số 5 trong Nói với tuổi hai mươi là những lời tự thú của một người anh bốn mươi tuổi nói với người em hai mươi tuổi “khiến cho giận hờn trách móc tan biến và khiến cho nguồn thông cảm được khơi mở” thì 50 năm sau, Để lại cho em như những lời tri ân và thệ nguyện của những đứa em tuổi hai mươi hay ba mươi nói với thế hệ đi trước. Câu chuyện phụng sự bằng con đường bất bạo động luôn được trao truyền và tiếp nhận qua bao thế hệ. Đó là sự vững chãi bên nhau trong thời chiến, khả năng sống an lạc và hạnh phúc cùng với niềm tin kiên định vào giáo pháp và sự tu tập mang lại hoa trái của chuyển hóa, chữa trị, an vui cho mọi người trong hiện tại. Những người tác viên của khóa một đến khóa năm giờ đây đang là những cây đại thọ cho anh chị em chúng tôi nương tựa và tiếp nối.

Tôi thấy mình thật may mắn được tiếp nhận gia tài là sự bình an và tình thương đích thực, là sự buông bỏ những ý niệm đúng sai phân biệt, là sự trở về để an trú nơi hiện tại. Trên tất cả là một gia đình tâm linh có anh có chị có em, là nơi chốn để quay về trong tĩnh lặng và tự tại. Tôi là một con sóng nhỏ, anh chị em mình là những con sóng nhỏ hòa với những đợt sóng lớn cùng chảy ra đại dương mênh mông.

Để lại cho em cuộc sống hòa bình
Để lại cho em vạn nẻo tự do
Nguyện cầu bao dung được tiếp nối
Nguyện cầu yêu thương làm lẽ sống
Để lại cho em ngọc quý từ bi.
Để lại cho em tình nghĩa thầy trò
Để lại cho em tình nghĩa đệ huynh
Một lòng thương yêu và gắn kết
Một dòng sông đi về biển lớn
Để lại cho em một biển gia tài.
 

Tôi xin được cảm ơn Sư Ông, cảm ơn sư cô Chân Không, Ban biên tập Làng Mai, các cô chú chương trình Hiểu và Thương, anh chị em tăng thân Trăng Rằm đã tạo cảm hứng cho tôi được chia sẻ những cảm nhận của mình nhân dịp kỷ niệm 50 năm ra đời của dòng tu Tiếp Hiện. Nguyện giữ vững ngọn đèn chánh niệm, trái tim vẫn cháy một tình thương bao la và nụ cười an nhiên trên con đường tiếp nối. Nguyện an trú trong hiện tại, đem mắt thương nhìn cuộc đời để có thể tiếp xúc được với sự sống nhiệm mầu, tiếp xúc được với chư Bụt, Tổ và tiếp xúc được với Thầy cùng tăng thân ở khắp mọi nơi.

Khóa tu dành cho các thành viên nòng cốt của tăng thân tại Làng Mai Thái Lan

 

Trăng sao vẫn đẹp đêm rằm

Cô Chân Bảo Nguyện, thọ giới Tiếp Hiện năm 1994, đã theo Thầy Làng Mai phụng sự gần như từ những năm đầu của Trường Thanh Niên Phụng Sự Xã Hội. Hiện giờ cô là một trong những thành viên nòng cốt của tăng thân Tiếp Hiện ở Thiền đường Hơi Thở Nhẹ, và cũng là “cánh tay nối dài của Thầy”, là “trạm dừng chân của Làng” ở Paris. Cô nhận truyền đăng từ Thầy năm 2011, tiếp tục con đường tu học và phụng sự với tấm lòng đầy yêu thương và nhiệt huyết.

 

Thầy thương kính của con,

Thấm thoắt đã 50 năm trôi qua! Một nửa đời người với biết bao tang thương, biến đổi, song hành trang và lý tưởng Thầy truyền trao vẫn không hề đổi thay, vẫn luôn cháy bỏng trong tim con. Đó là tình thương và lòng phụng sự tha nhân. Ánh mắt Thầy luôn rực sáng niềm tin và bao dung độ lượng, tấm lòng Thầy luôn chất ngất tình thương. Thầy mãi mãi là ánh đuốc soi đường cho chúng con noi theo tiến bước.

Con vẫn còn giật mình khi nhớ lại tâm trạng bơ vơ, lạc lõng trong một đất nước đang khổ đau cùng cực vì chiến tranh bom đạn. Tuổi trẻ chúng con khi ấy mất cả niềm tin và phương hướng. May thay chúng con tìm đọc được Nói với tuổi hai mươi của Thầy và từ đấy chúng con đã chọn con đường đi cho đến hôm nay. Đó là con đường của tình thương và sự hiểu biết, con đường phụng sự để đem lại bình an hạnh phúc cho tự thân và cho mọi người.

Trường TNPSXHNgày ấy, lần đầu tiên được tiếp xúc với các anh chị tác viên thuộc trường Thanh Niên Phụng Sự Xã Hội (TNPSXH), con thật vô cùng hạnh phúc. Cả một thế hệ thanh niên thật trong sáng với bao nhiệt huyết đóng góp cho quê hương. Tiêu chí của Trường gồm 3 chữ T thật đẹp: Tình thương, Trách nhiệm và Tự nguyện. Đây chính là hạnh nguyện của những vị Bồ tát suốt đời dấn thân giúp đời vì tình thương lớn. Con đã bị thuyết phục vô điều kiện và đã tâm nguyện rằng, con sẽ đi theo con đường phụng sự của Thầy cho đến trọn đời và mãi mãi về sau.

Bằng thơ ca, Thầy đã thay mọi người nói lên ước vọng của dân tộc, ước vọng hòa bình mà trong hoàn cảnh bi đát của chiến tranh, bao nhiêu người bất lực không thể nói được:

Sáng nay vừa thức dậy
Nghe tin em gục ngã nơi chiến trường
Nhưng trong vườn tôi, vô tình,
Khóm tường vi vẫn nở thêm một đóa
Tôi vẫn sống, vẫn ăn và vẫn thở
Nhưng đến bao giờ mới được nói thẳng điều tôi ước mơ?

(Hòa bình, tập thơ Cho bồ câu trắng hiện)

Chính niềm ước mơ ấy mà Thầy lên đường bôn ba nơi xứ người để kêu gọi chấm dứt chiến tranh và xây dựng hòa bình cho quê hương. Vì lẽ đó, Thầy bị lưu vong nơi xứ người ngót 40 năm. Thầy đã sống như một tế bào phải tách rời khỏi cơ thể, lẻ loi, cô đơn vì bao nỗi nhớ nhà, nhớ người, nhớ quê nhà tuổi nhỏ thân thương.

Chúng con nơi quê nhà, thỉnh thoảng được truyền cho nhau đọc thư Thầy gửi về gói ghém biết bao nhớ nhung, thương yêu cho quê hương, cho hàng cau, vườn chuối… Thầy nhắc chúng con phải nhớ “rửa mắt” trên những cánh đồng lúa xanh. Lãng mạn và thơ mộng quá! Bài thơ Chỗ đứng của Thầy đã nằm lòng trong ký ức của con:

Quê hương tôi là đây
Chỉ có dòng sông, hàng cau, bụi tre, vườn chuối
Mặt trái đất dù mang đầy cát bụi
Nhưng trăng sao vẫn đẹp những đêm rằm.
 

Các anh chị tác viên đã thay mặt Thầy đi vào những xóm nghèo để chia sớt nỗi cơ cực, lầm than của đồng bào. Chúng con mỗi cuối tuần đều đến thăm Làng Tình Thương ở bên kia cầu Thị Nghè và Làng Thảo Điền qua khỏi cầu Xa Lộ. Chỉ cách thành phố không xa mà cuộc sống người dân nơi đây thật lạc hậu không tưởng: ăn ở mất vệ sinh, đi tiêu tiểu khắp nơi, không có trường học cho con nít học chữ, trẻ em nhỏ đã tập tành người lớn uống rượu, hút thuốc mỗi khi đi giăng câu…

Con vẫn đi dạy học ở Tân Uyên, một vùng quê giáp ranh chiến khu D, vẫn đi thu học bổng cho trường TNPSXH và cuối tuần vẫn về Làng tham gia công tác cùng các anh chị. Chiến tranh bom đạn cứ lan dần tàn phá quê hương mình. Người dân phải đứt ruột rời bỏ xóm làng để tập trung vào những trại tị nạn hoặc những vùng tương đối an ninh hơn. Các tác viên xã hội lại ngày đêm cùng đồng bào xây dựng lại xóm làng, dựng trường, mở lớp, trồng lúa, chăn nuôi…

Rồi tai ương cứ tiếp tục dồn dập xảy đến: Sáu tác viên trong lúc đi thực tập đã bị mất tích, trường TNPSXH bị kẻ lạ vào tấn công lúc ban đêm khiến hai chị Liên, Vui bị tử nạn, chị Hương bị cưa mất một chân và anh Vinh bị bắn vào đầu nên phải nằm liệt một thời gian dài, sau đó được sang Đức điều trị.

Mọi người vẫn không nao núng, vẫn tiếp tục dấn thân, các tác viên vẫn đi vào làng để giúp đồng bào và rồi lại thêm một mất mát lớn: Năm tác viên trong khi đi công tác ở Thủ Đức đã bị bắn chết lúc trời chạng vạng tối, chỉ có một người bị thương nặng song thoát chết trở về mà thôi.

Trước những thảm trạng ngày càng bi đát cho quê hương, người chị cả của dòng tu Tiếp Hiện Nhất Chi Mai đã nguyện đem thân làm đuốc để thắp sáng lương tri mọi người trên thế giới và để kêu gọi hòa bình cho dân tộc.    

Tết Mậu Thân với cảnh nhà cháy, chết chóc bất ngờ xảy ra cùng khắp trong thành phố và ngoại ô. Đồng bào quanh vùng Phú Thọ Hòa đều tập trung về khuôn viên chùa Lá và trường TNPSXH để tạm trú. Thầy Thanh Văn khi ấy đang là giám đốc trường và các anh chị tác viên phải đối phó với biết bao bất trắc không lường được khi bỗng nhiên có hàng vài ngàn gia đình đến ở bên cạnh chùa. Giữa bao khó khăn chồng chất thì có tin một sản phụ đang chuyển bụng, các anh chị tác viên phải bất đắc dĩ làm “bà mụ” đỡ đẻ giúp cho người thiếu phụ trẻ được mẹ tròn con vuông ngay trong khuôn viên Trường.

Các vấn nạn như lương thực, thuốc men, nước uống, vệ sinh hàng ngày luôn là gánh nặng mà mọi người phải trăn trở giải quyết. Các cơ quan xã hội của chính quyền vì ngại xa xôi nguy hiểm nên không ai đến cứu trợ. Chỉ có các thân hữu của Trường đi quyên góp và xông pha vượt qua hiểm nguy bom đạn để đem quần áo, thực phẩm, thuốc men đến chùa Lá tiếp tế. Trong công tác này, con đã được anh Hảo, giám đốc trường Anh văn quốc tế đặt cho biệt danh là “nữ hoàng ăn xin” vì tài đi xin hàng cứu trợ ở chợ cho đồng bào.

Nhà con buôn bán sơn dầu ở trước chợ Nguyễn Tri Phương, quận 10 nên quen biết hầu hết các cô bác buôn bán trong chợ. Do vậy con chỉ vừa khóc vừa kể tình trạng thảm khốc của đồng bào tị nạn là xin được vô số thức ăn như gạo, mì, tương, chao, khoai, đậu… Anh Hảo có xe hơi và tình nguyện cùng con khuân vác lương thực lên xe, chuyên chở, mạo hiểm chạy qua vùng vừa ngưng tiếng súng để đem đến chùa Lá cùng các tác viên TNPSXH phân phát cho đồng bào.

Ngoài ra chúng con còn tham gia vào việc giúp nhân viên Sở Vệ sinh đi chôn xác chết. Trong cơn lửa đạn ngất trời, mạng sống con người như chỉ mành treo chuông nên cái chết đến bất ngờ cho tất cả mọi người. Xác chết vô thừa nhận cứ lăn lóc ngoài đường qua bao ngày không ai chôn cất. Thầy Thanh Văn và chị Chín (sư cô Chân Không) đã mạnh dạn đề xướng việc kêu gọi mọi người giúp Sở Vệ sinh đi thu dọn các xác chết để phòng ngừa bệnh dịch lây lan trong thành phố.

Những đau thương tang tóc rồi cũng qua đi, cuộc sống bình yên dần dần trở lại. Mọi người như tạm quên đi quá khứ buồn đau để hướng về tương lai tươi sáng hơn.

Trong một dịp coi thi Tú tài, con và anh Đức quen nhau, tình yêu chúng con chớm nở từ đây. Con có giới thiệu anh về trường TNPSXH và dẫn anh về thăm Làng (khi ấy con gọi trường TNPSXH là Làng). Anh Đức được ăn cơm chung với thầy Thanh Văn hai lần và có trao đổi khá thân mật với thầy. Có lẽ nhờ nhân duyên này mà khi định cư tại Pháp, anh đã đóng góp thật đắc lực cho Làng Mai mỗi khi có việc cần. Hai chúng con luôn vui sướng kề vai giúp Làng một tay.

Vài năm sau đó, trong một chuyến đi cứu trợ đồng bào tại các trại định cư Biên Hòa, thầy Thanh Văn đã qua đời vì tai nạn xe. Con được một chị bạn làm y tá ở phòng cấp cứu bệnh viện Biên Hòa thuật lại, có một vị sư trẻ bị tai nạn trầm trọng được đưa vào cấp cứu trong tình trạng hôn mê. Ít lâu sau đó, thầy có tỉnh lại và hỏi thăm các đệ tử đã có ai thay thầy lo việc cứu trợ đồng bào ở trại định cư chưa? Mọi người đều cảm động ứa nước mắt vì tấm lòng của thầy, cho đến khi sắp lìa đời vẫn còn mang những nỗi lo cho tha nhân.

Bên này chúng con buồn lắm và khóc thật nhiều. Chúng con được tin Thầy bên phương trời xa cũng nhập thất cả tháng khi hay tin một biến cố lớn đã xảy ra nơi quê nhà! Quả thật con đường cho lý tưởng từ bi thật đẹp nhưng cũng đầy gian nan, khốc liệt, mất mát!

Thầy Châu Toàn lên thay thầy Thanh Văn tiếp tục công việc. Thầy năng nổ làm việc hết mình cho đồng bào được no cơm ấm áo. Trong dịp mừng lễ Tết cuối năm, thầy Châu Toàn phát biểu mơ ước của thầy khiến con ngồi rưng rưng nước mắt: “Chúng ta sẽ cố gắng làm thế nào để đến cuối năm, đằng trước sân mỗi gia đình là một đống lúa vàng cao ngất ngưởng”. Trong hoàn cảnh dầu sôi lửa bỏng của quê hương mà thầy vẫn cháy bỏng những ước mơ cao đẹp cho đồng bào như thuở thanh bình thì bảo sao con không khóc cho được! Ngồi phía đằng sau ngôi chùa Lá, nhìn qua những hàng cau xanh là cánh đồng bát ngát một màu vàng của bông lúa chín, con chợt nhớ đến hai câu thơ tuyệt đẹp của Thầy trong bài Đường quê:

Cô gái đồng quê về lối xóm
Tươi cười gánh cả một hoàng hôn
 

Có lẽ vì làm việc quá sức nên trong buổi lễ tổng kết sinh hoạt cuối năm, khi đang trình bày những việc làm của trường cho cử tọa, thầy kiệt sức và xin ra ngoài hội trường nghỉ đôi phút. Sau đó thầy vào đọc hết bản tường trình để rồi gục xuống bàn và vĩnh viễn ra đi.

Chúng con thật ngỡ ngàng đau xót. Thư Thầy gửi về an ủi nhưng chúng con biết Thầy cũng đứt từng khúc ruột: “Nhận được tin dữ, tôi đóng cửa phòng một ngày. Tôi như một gốc cây bị đốn ngã. Tôi đánh điện về an ủi các em nhưng tôi thì không an ủi được. Sao trên đời có những chuyện “lỡ hẹn” đớn đau đến thế, hả em?”.

Trải qua bao cuộc thăng trầm bể dâu, chúng con may mắn được gặp lại Thầy vừa lúc thiền đường Hoa Xương Rồng mới hình thành ngày 03.09.1985, sau này đổi thành thiền đường Hoa Quỳnh và hiện tại là thiền đường Hơi Thở Nhẹ. Gia đình con và các cháu nhờ vậy có nơi nương tựa như quê hương tâm linh tại Paris, sau quê hương lớn hơn là Làng Mai. Quả thật chúng con có phước báu quá lớn!

Tăng thân Thiền đường Hơi thở nhẹ, Paris

Ròng rã suốt 30 năm qua, chúng con luôn được Thầy thương yêu, nhắc nhở và chỉ dẫn tường tận hành trang sẵn có để thực tập, đó là hơi thở ý thức, bước chân chánh niệm và nụ cười bình an. Pháp môn chánh niệm trong từng giây phút của cuộc sống giúp chúng con nhận biết những điều kiện hạnh phúc đang có để nâng niu trân quý, đã cho chúng con biết bao niềm an lạc, tự do.

Việc xây dựng tăng thân cũng gian nan, lên xuống bao phen nay mới được hình thành tương đối tạm ổn, mặc dù đôi lúc cũng trải qua sóng gió. Chúng con nghĩ đây là những thử thách đo lường nghị lực và kiên nhẫn của chúng con mà thôi, vì Thầy đã trao cho chúng con chiếc đũa thần “Hiểu và Thương” rồi.

Khi Làng Mai kỷ niệm 20 năm, tăng thân Hơi Thở Nhẹ chỉ mới có 3 thành viên Tiếp Hiện. Hiện nay tăng thân chúng con đã có gần 30 thành viên, năng nổ trong tu tập và đóng góp công sức xây dựng tăng thân, nuôi dưỡng tình huynh đệ.

Con thật sự ngỡ ngàng và hạnh phúc đến lặng người khi nhận được bài kệ truyền trao của Thầy trong buổi lễ trao đèn, vì bài kệ Thầy trao cho con và bài kệ con kính dâng lên Thầy và chư Bụt đã ăn khớp một cách tuyệt vời, mặc dù cho đến khi được quỳ trước mặt Thầy con mới đọc lên:

Bài kệ Thầy truyền trao:

Nâng niu pháp bảo nguyện hành trì
Hoa lá bên đường mở lối đi
An trú thân tâm vào giới định
Quê hương trong mỗi bước chân về

Bài kệ của con kính dâng lên Thầy:

Từng bước chân chánh niệm
Từng hơi thở ý thức
Từng nụ cười bình an
Đây gia tài thiêng liêng
Thầy ân cần trao gửi
Đây hành trang mầu nhiệm
Cùng tăng thân vun bồi”.
 

Con xúc động mãnh liệt khi Thầy hướng đôi mắt đầy thương yêu trìu mến và ân cần nhắn nhủ: “Chiếc đèn này là để trao cho cả gia đình chứ không phải cho một mình Chân Bảo Nguyện đâu. Trong kinh có nói đức Bồ tát có rất nhiều cánh tay vươn ra rất dài, và con là cánh tay của Thầy ở Paris. Cánh tay Thầy rất dài, do đó khi nào có việc cần là có con ở đó, không kể đêm ngày, không kể có thì giờ hay không có thì giờ, luôn luôn có mặt cho tăng thân, phụng sự tăng thân. Một cánh tay không đủ, phải có nhiều cánh tay. Thầy trò mình biết thực tập theo bài kệ trên sẽ mang lại nhiều hạnh phúc. Thầy trò ta làm việc rất nhiều và đều không có lương gì cả, nhưng có rất nhiều niềm vui trong khi phụng sự. Đó là pháp lạc có công năng nuôi dưỡng và trị liệu. Con hãy cùng tăng thân thực tập và nuôi dưỡng tình huynh đệ…”

Qua 50 năm âm thầm theo con đường Thầy chỉ dạy, con vẫn luôn tự hỏi: Con có phải là tri kỷ của Thầy chưa? Con đã quá hạnh phúc và may mắn khi được bơi lội trong dòng suối thơm tho, mát trong chứa đầy tuệ giác và từ bi mà Thầy kính thương đã dày công tạo dựng bằng cả một đời dấn thân đầy truân chuyên và bi hùng.

Việc thị hiện bệnh của Thầy cũng đã cho chúng con biết bao bài học để thực tập, để cố gắng. Chúng con chỉ biết cúi đầu đảnh lễ Thầy với tất cả tình thương và kính ngưỡng.

Thầy kính yêu ơi, chúng con thương Thầy nhiều lắm, Thầy có biết không!

 

 

 

 

 

 

 

 

 

       

 

Ngày 14.01.2016

Trả về cho non sông

Ngày 18 tháng 07 năm 1974,
Các em tác viên Thanh niên Phụng sự xã hội,

 

Hồi sáng tôi có đọc một lá thư từ nhà gửi qua, tỏ vẻ lo lắng về “cuộc đất” của trường. Mỗi lần có tai nạn xảy ra cho trường là những lo lắng về địa lý lại có dịp sống lại. Không phải là tôi không tin nơi địa lý, nhưng tôi thấy “tâm lý” quan trọng hơn “địa lý” nhiều. Chùa Pháp Vân ngảnh mặt về hướng nào mới đúng? Cố nhiên là ngảnh mặt về phía quần chúng. Ngảnh lưng về phía quần chúng thì buồn cười quá đi, phải không các em?

Đất nước mình bị tai họa liên miên trong mấy chục năm nay có phải vì địa lý xấu không? Điện Thái Hòa, phủ Chủ Tịch và phủ Tổng Thống đã đặt hướng sai phải không? Theo mấy ông thầy địa lý, có lẽ ta phải thay hướng tất cả mọi tòa nhà hành chánh từ cấp trung ương đến cấp xã ấp. Nhưng chúng ta biết rằng tâm lý quan trọng hơn địa lý: chiến tranh và tai nạn phát xuất từ lòng người. Tâm bình thì thế giới bình, ai cũng biết điều đó, nhưng không mấy ai chịu bình tâm trước khi bình thiên hạ. Câu “nồi da xáo thịt” và câu “gà một nhà bôi mặt đá nhau” đứa bé nào cũng học thuộc nhưng không mấy ai khôn lớn mà lại biết thực hành nguyên tắc khôn ngoan kia để tránh cái cảnh tương tàn tương sát. Trường TNPSXH từ ngày thành lập, đã gánh chịu nhiều tổn thất. Bao nhiêu người chết, bao nhiêu người bị thương tích. Mỗi lần có tai nạn xảy đến như thế, mỗi người trong chúng ta đều thấy chết trong lòng một phần, và bị thương tích trong trái tim một ít. Hiện Hương và Vinh đang ở bên cạnh tôi; cả hai người đều mang thương tích nhưng thương tích mà tôi mang trong lòng không phải là không đớn đau bằng. Liên, Vui, Hy, Tuấn, Thơ, Lành, chú Trí và bảy người đồng tán toán công tác, chị Nhất Chi Mai, thầy Thanh Văn, thầy Châu Toàn… và Diệu, Xuân, Kê, Út, Lành, ngọc, Nguyện, Triều, Kỷ. Chúng ta là ai mà có thể tránh được thiệt hại, trong lúc toàn dân đang gánh chịu khổ đau? Chúng ta chia xẻ đau xót với dân tộc, chúng ta hiến phần đau thương của chúng ta. Bao nhiêu người đã chết vì bom đạn và hận thù. Những người đang mang thương tích và những người ra đã ra đi, trong chúng ta, là những người chưa hề đem hận thù gieo rắc. Hồi tháng bảy năm 1967 khi nghe tin Hy, Tuấn, Thơ và Lành bị giết, tôi viết:

Có mặt đồng bào
Có mặt các chị các anh
Máu của các em, tôi xin trả về cho non sông
Xương của các em, tôi xin trả về cho non sông
Máu xương đó trinh nguyên
Chưa bao giờ làm hoen ố giống Lạc Hồng
Còn những bàn tay các em
Tôi xin trả về cho nhân loại
Những bàn tay kia
Chưa bao giờ gây tàn hại
Những trái tim kia
Từ thời thơ ấu
Chưa bao giờ nhận gửi máu hờn căm

Và con da các em đây, xin gửi trả về cho đồng bào
Các em chưa bao giờ chấp nhận cảnh nồi da xáo thịt
Xin hãy dùng những mảnh da các em đây
Mà vá lại
Những đường rạch
Những vết cắt rướm máu
Trên thân hình dân tộc thương đau”

 

Tất cả chúng ta, những người đã bị thương tích hay đã ra đi đều đã chấp nhận sự hy sinh và những đớn đau với tâm niệm không oán thù. Tay chúng ta, may mắn thay, chưa từng dính máu đồng bào. Công lao chúng ta không có bao lắm, không đáng kể gì, nhưng chúng ta đã biết từ chối bạo lực. Tôi biết thế nên khuyên các em đừng nên đau xót lắm. Tôi khuyên các em, nhưng cũng là để khuyên tôi. Thương những người đã ra đi, ta biết thương những người còn ở lại. Ta phải sống với nhau cho xứng đáng. Đừng để khi mất đi người đồng sự ta mới biết tiếc nuối. Sống thì bắt nhịn đói nhịn khát. Chết đi mới làm cỗ bàn linh đình để hiến cho những con ruồi. Chúng ta hay lãng quên. Vì những tị hiềm phân bì nho nhỏ, chúng ta không cho nhau những ngọt ngào thương mến. Ta làm việc để thỏa mãn ước vọng thương yêu, đâu phải để kể công hay tích tụ phước đức. Người đồng sự của ta không làm được như ta, điều đó đâu có thể là nguyên nhân khiến ta ngưng bớt công việc của ta. Tôi nghe người ta nói các em làm việc giỏi. Điều đó chưa đủ cho chúng ta mừng. Điều quan trọng nhất chưa phải là làm việc giỏi. Điều quan trọng nhất là thương yêu nhau, và biết sống hạnh phúc bên nhau. Chúng ta làm việc cho hòa bình, thì chúng ta xây dựng hòa bình trong lòng ta và trong gia đình ta, có phải không?

Tại vì tôi nghĩ TNPSXH là một gia đình, nên tôi mới gọi các em là em. Nếu không tôi đã viết: các anh các chị tác viên. Không phải tôi thân cận với các em khóa một hơn với các em khóa hai và khóa ba. Có em tôi chưa được gặp, nhưng không phải vì thế mà tôi có cảm tưởng xa lạ khi nghĩ đến các em. Tôi nghĩ có thể rằng các em khóa ba mà ít chấp chặt và ít thành kiến hơn một vài em khóa một. Khóa nào thì cũng là TNPSXH. Khóa nào cũng chấp nhận đường lối xây dựng bất bạo động, từ bỏ bạo lực, phá trừ hận thù, xây dựng hòa giải. TNPSXH là một cái bè đưa ta tới bờ phụng sự, không phải là một gia tài để nâng niu, không phải một tượng thần để thờ cúng, không phải một cái Ngã để tô điểm. Các em đừng sợ mất TNPSXH, mà chỉ nên sợ mất tình thương và ý chí phụng sự. Khi nào thấy không khí TNPSXH khó thở quá thì bỏ mà đi quách; ra ngoài mà thực hiện lý tưởng thương yêu. Có biết bao người không còn trong TNPSXH nhưng đời sống của họ vẫn là một sự tiếp nối của lý tưởng phụng sự bất bạo động.

Em, tôi buồn lắm. Thầy Châu Toàn có hứa với tôi là sẽ tìm đất làm một làng TNPSXH, trong đó mỗi chúng ta có một lô đất để làm nhà và làm vườn. Đi đâu thì chúng ta cũng có một cái nhà và một cái vườn để tìm về, để nhớ, để thương. Tôi định gặp thầy Châu Toàn để nói: cho tôi một lô đất không xa lô đất của em để làm nhà và làm vườn (hồi sinh tiền thầy, tôi luôn gọi thầy là em). Và tôi xin thầy duy trì tất cả những cây lớn nhỏ mà có giá trị nghệ thuật trong khu đất làng. Tôi còn mơ ước có nhiều tảng đá lớn, và một con suối chảy qua làng. Em cũng có một lô đất, tôi cũng có một lô đất, Vinh cũng có một lô đất, Hương cũng có một lô đất, thầy Châu Toàn cũng có một lô đất… Chúng ta sẽ làm nhiều công viên nho nhỏ. Làng chúng ta sẽ mát dịu sáng trong như tình thương. Tôi tin thầy Châu Toàn có thể cộng tác với các em để tạo ra một khu làng đẹp đẽ như thể, bởi tôi biết thầy Châu Toàn là một chân nghệ sĩ. Thầy là vị tăng sĩ cắm hoa đẹp nhất mà tôi quen biết. Tôi biết nếu giao thầy việc làm làng cho chúng ta thì ta sẽ có làng rất đẹp, bởi vì tôi tin ở khả năng thẩm mỹ của thầy.

Ngày xưa chúng ta có Phương Bối, cũng là một nơi nương tựa của trường. Khi Phương Bối mất an ninh, ta có Trúc Lâm. Chắc chắn các em đã được hưởng những giờ phút an lạc ở trong lòng chiếc nôi tâm linh đó. Nhưng nay thầy Châu Toàn không còn nữa, một cây cổ thụ đã bị đổ ngã rồi. Làng TNPSXH, mà tôi muốn đặt tên là làng Hồng nếu ở đó ta trồng nhiều cây hồng ăn trái hoặc là làng Mai nếu ở đó ta trồng nhiều hoa mai, chưa thành hình thì thầy đã ra đi. Tôi mắc kẹt bên này chưa về được, vừa xót xa vừa trống lạnh. Tôi chẳng giúp gì cho các em được cả, nội một chuyện viết thư cho các em mà cũng chẳng viết được thường xuyên.

Thế nào các em cũng làm cho được làng Hồng, các em nhé. Tôi sẽ viết thư cho anh Thiều, cho thầy giám đốc mới. Chúng ta sẽ để dành nơi làm một công viên kỷ niệm chị Nhất Chi Mai, thầy Thanh Văn, thầy Châu Toàn và những anh em khác. Các em tìm cho ra một nơi có đất tốt, cây xanh, có đá, có nước. Tôi mê những thứ đó. Cây đá và nước là những thứ đẹp nhất: những thứ đó chữa lành thương tích của chúng ta. Và các em hãy cho tôi một lô đất trong làng ấy nhé. Tôi sẽ làm nhà, và xung quanh tôi sẽ trồng rau và rất nhiều rau thơm” ngò, tía tô, kinh giới, bạc hà, tần ô, lá lốt, thì là, vân vân. Khi em đến chơi thế nào tôi cũng đãi em một bát canh có rau thơm rắc lên trên mặt bát.

Mỗi năm, ta có ít nhất một tháng tĩnh tu tại làng, không hoạt động gì hết. Cả ngày ta đối diện với đá, với nước, với cây; cả ngày ta đối diện với chính ta. Trồng rau, tỉa đậu, chơi với các cháu nhà bên, ta tìm lại ta, chữa lành thương tích, trang bị thương yêu để sẵn sàng trở lại môi trường phụng sự. Tôi về thì tôi sẽ ở giữ làng cho các em. Tôi sẽ ra cổng làng đón từng em, tôi sẽ ngồi lắng nghe các em than thở, phân trần. Rồi tôi sẽ đưa các em về nhà em. Và chiều hôm đó tôi sẽ mở hội mừng em, mời trẻ em trong xóm đến ca hát. Tôi sẽ đọc cho em những bài thơ mà tôi viết để ca tụng tình thương và những bàn tay cần mẫn của các em, cùng những hoa lá các em làm xanh tốt trên mọi nẻo đường. Tôi thấy một làng và đem về làng cho các em những người anh những người chị những người mẹ để săn sóc cho em khi em cần đến sự săn sóc.

Thầy Châu Toàn tôi quen từ hồi thầy còn tám tuổi. Thầy đến tu viện của tôi trên núi Dương Xuân để hái hoa về trang trí cho ngày giỗ tổ tại chùa Trà Am. Thầy lúc ấy là chú điệu Hòa. Hòa leo lên cây hoa đại (tức là hoa sứ) hái từng giỏ hoa trắng muốt. Nhưng một cành hoa đại gảy, Hòa té xuống đất, gảy xương ống chân. Thầy Mật Thể (tác giả sách Việt Nam Phật Giáo Sử Lược) bổn sư của Hòa phải đưa Hòa vào bệnh viện, thầy ngồi hàng giờ trong bệnh viện với Hòa.

Rồi Hòa được gửi vào học Phật học đường Báo Quốc Huế, sau này mới có tên Hoàng Minh và pháp danh Châu Toàn. Năm 1952, tôi mời thầy Châu Toàn vào Nam, vừa để học thêm sinh ngữ, vừa để sống chung với nhau. Thầy Châu Toàn có viết vài truyện ngắn. Có một lần tôi nghe thầy kể về cốt chuyện của truyện “lỡ hẹn” mà thầy định viết (hoặc đã viết mà bản thảo không còn). Cốt chuyện ấy như sau. Một em bé nhà nghèo phải xa mẹ đi làm ăn chốn xa. Một hôm được biết trong tháng tới em sẽ phải đi tới một làng xa để nhận việc, và sẽ đi xe lửa ngang qua làng mình, em mới viết thư cho mẹ: “Mẹ ơi, ngày thứ hai tuần tới con sẽ đi xe lửa ghé qua làng mình năm phút. Xin mẹ ra ga cho con thăm, kẻo con nhớ mẹ quá. Và mẹ đem cho con vài cái bánh ít của mẹ làm, kẻo lâu nay con không được ăn bánh ít ngon của mẹ. Xe lửa sẽ đổ lại chừng năm phút”. Cậu bé trong mãi đến ngày khởi hành. Còn mười lăm phút nữa xe lửa sẽ ghé làng. Cậu nóng ruột. Cậu nhìn ra ngoài. Rồi cậu ra đứng sát cửa toa xe. Xe lửa hét lên một tiếng. Rồi từ từ ngừng lại. Cậu bé nhìn xớn xác. Không thấy hình bóng mẹ. Một phút, hai phút. Rồi ba phút, bốn phút. Cậu nhìn ra con đường đất từ xóm ra ga: không có một bóng người. Năm phút. Xe lửa lại mở còi, bánh xe từ từ lăn trên đường sắt. Mắt cậu bé vẫn dán vào con đường làng. Không có bóng người. Xe bắt đầu lăn tốc độ rằm rập. Cậu bé khóc nước mặt nhòe cả lũy tre và con đường làng. Bỗng cậu gạt nước mắt, trố mắt nhìn. Trên con đường làng đất đỏ, bóng một thiếu phụ, đầu đội một chiếc rổ con. Đúng là bà mẹ của cậu bé. Thấy xe đã chạy rồi, bà đứng dừng lại. Bà nhìn theo con tàu. Cậu bé đưa tay vẫy mẹ, nhưng tàu đã chạy khuất. Cậu trong thấy mẹ, nhưng mẹ không thấy cậu, cậu đứng trên xe, khóc như mưa. Một người hành khách nắm cánh tay cậu đưa vào trong toa.

Trong một khóa tu cách đây chừng hai tháng, thầy Châu Toàn viết cho tôi: “em mong có hòa hình để ra Quảng Bình tìm lại mẹ, mong rằng bà còn sống.” Không biết mẹ thầy còn sống hay không nhưng thầy không còn có dịp gặp mẹ nữa. Lời ước hẹn đã không được thành tựu. Ngày thầy mất 24.6.74, là ngày tôi ước hẹn gặp thầy ở Vạn Tường để bàn chuyện làm làng Hồng. Nhưng tôi đã không được gặp thầy. Nhận được tin dữ, tôi đóng cửa phòng một ngày. Tôi như một gốc cây bị đốn ngã. Tôi đánh điện về an ủi các em  nhưng tôi thì không an ủi được, sao trên đời có những chuyện “lỡ hẹn” đớn đau đến thế, hả em?

Tôi đọc kinh cầu nguyện cho thầy, cho tôi, và cho các em. Tôi viết những dòng này cho các em trong khi bên ngoài gió thổi rất mạnh. Tôi xin các em tạm nghỉ công việc một vài ngày. Chúng ta hãy nhìn lại nhau, để biết thương nhau hơn. Tôi gửi em tất cả niềm tin cậy của tôi.

Văn bản 14 giới Tiếp Hiện tân tu

Kính thưa các bạn đồng tu, hôm nay chúng ta có cơ hội quý báu được ngồi lại với nhau để ôn tụng mười bốn giới Tiếp Hiện. Mười bốn giới Tiếp Hiện là nền tảng của dòng tu Tiếp Hiện. Đó là bó đuốc soi đường, là con thuyền chuyên chở, là bậc thầy chỉ lối của chúng ta. Những giới này giúp ta tiếp xúc được với tự tánh tương tức của vạn vật và thấy được rằng hạnh phúc của chúng ta liên hệ một cách mật thiết với hạnh phúc của mọi người, mọi loài. Tương tức không phải là một lý thuyết, đó là một sự thật mà mỗi người trong chúng ta đều có thể kinh nghiệm trực tiếp bất cứ lúc nào trong đời sống hàng ngày. Mười bốn giới Tiếp Hiện có công năng chế tác và nuôi lớn Định và Tuệ trong ta và do đó giúp ta vượt thắng sự sợ hãi và ảo tưởng về một cái ta riêng biệt.

Giới thứ nhất: Thái độ cởi mở

Ý thức được những khổ đau do thái độ cuồng tín và thiếu bao dung gây ra, con xin nguyện thực tập để không bị vướng mắc vào bất cứ một chủ nghĩa nào, một lý thuyết nào, một ý thức hệ nào, kể cả những chủ thuyết Phật giáo. Con nguyện nhìn nhận những giáo nghĩa Bụt dạy như những pháp môn hướng dẫn thực tập để làm phát khởi tuệ giác và từ bi mà không phải là những chân lý để thờ phụng và bảo vệ, nhất là bảo vệ bằng những phương tiện bạo động. Thấy được rằng niềm cuồng tín dù dưới bất kỳ hình thức nào cũng đều bắt nguồn từ cách tư duy lưỡng nguyên và kỳ thị, con xin nguyện tập nhìn với thái độ cởi mở và với tuệ giác tương tức để có thể chuyển hóa tập khí vướng mắc vào giáo điều và năng lượng bạo động trong con và trên thế giới.

Giới thứ hai: Phá bỏ kiến chấp

Ý thức được những khổ đau do kiến chấp và vọng tưởng gây ra, con xin nguyện thực tập để phá bỏ thái độ hẹp hòi và cố chấp, để có thể mở lòng ra mà đón nhận kinh nghiệm và tuệ giác của kẻ khác, và nhờ đó thừa hưởng được nhiều lợi lạc từ trí tuệ tập thể. Con biết rằng những kiến thức hiện giờ con đang có không phải là những chân lý bất di bất dịch. Tuệ giác chân thật chỉ có thể đạt được do sự thực tập quán chiếu và lắng nghe, bằng sự buông bỏ tất cả mọi ý niệm mà không phải bằng sự chứa chấp kiến thức khái niệm. Con nguyện suốt đời là một người đi tìm học và thường trực sử dụng chánh niệm để quán chiếu sự sống trong con và xung quanh con trong từng giây phút.

Giới thứ ba: Tự do nhận thức

Ý thức được những khổ đau do sự cưỡng bức người khác vâng theo cái thấy của mình, con nguyện không ép buộc bất cứ một ai, kể cả trẻ em, đi theo quan điểm của mình, bằng bất cứ cách nào: uy quyền, sự mua chuộc, sự dọa nạt, sự tuyên truyền và giáo dục nhồi sọ. Con nguyện tôn trọng sự khác biệt của kẻ khác và quyền tự do nhận thức của họ. Tuy nhiên con biết con phải sử dụng những phương tiện đối thoại từ bi và ái ngữ để giúp người khác cởi bỏ cuồng tín và cố chấp.

Giới thứ tư: Ý thức về khổ đau

Ý thức rằng tiếp xúc và quán chiếu về bản chất của khổ đau có thể giúp con có thêm hiểu biết và phát khởi tâm từ bi, con nguyện thực tập quay về với tự thân và sử dụng năng lượng chánh niệm để nhận diện, chấp nhận, ôm ấp và lắng nghe những nổi khổ niềm đau trong con. Thay vì trốn tránh thực tại khổ đau và tìm cách khỏa lấp niềm đau trong con bằng sự tiêu thụ, con sẽ hết lòng thực tập hơi thở ý thức và bước chân chánh niệm để nhìn sâu vào những gốc rễ của khổ đau. Con ý thức rằng con chỉ có thể tìm thấy con đường thoát khổ khi nào con thấu hiểu được nguồn gốc của khổ đau. Và một khi thấu hiểu được khổ đau của tự thân thì con mới có khả năng hiểu được những khổ đau của người khác. Bằng những phương tiện tiếp xúc, tường thuật, hình ảnh, âm thanh, con nguyện thường xuyên tự đánh thức mình và đánh thức những người xung quanh về sự có mặt của những đau khổ hiện thực khắp nơi trên thế giới. Con nguyện tìm tới với những kẻ khổ đau để hiểu biết được tình trạng của họ và để giúp đỡ họ.

Giới thứ năm: Nếp sống lành mạnh và từ bi

Ý thức rằng hạnh phúc chân thật chỉ thật sự có mặt khi nào các yếu tố an ổn, vững chãi, thảnh thơi và từ bi có mặt, con nguyện không tích lũy tiền bạc và của cải trong khi nhiều người đang đói khổ thiếu thốn, không đặt danh vọng, quyền hành, giàu sang và sự hưởng thụ dục lạc làm mục tiêu của đời mình vì con biết những thứ ấy sẽ đem lại cho con nhiều khổ đau và tuyệt vọng. Con nguyện thực tập nhìn sâu vào cách con nuôi dưỡng thân tâm bằng bốn loại thực phẩm: đoàn thực, xúc thực, tư niệm thực và thức thực. Con nguyện không chơi bài bạc, không uống rượu, không sử dụng các chất ma túy và bất cứ một sản phẩm nào có độc tố, trong đó có mạng lưới toàn cầu, trò chơi điện tử, phim ảnh, các chương trình truyền thanh, truyền hình, sách báo và cả chuyện trò, vì con biết rằng những thứ ấy có thể gây tàn hại trên thân tâm con cũng như trên thân tâm của cộng đồng. Con nguyện thực tập tiêu thụ như thế nào để nuôi dưỡng được lòng từ bi, sự lành mạnh và niềm vui sống cho thân tâm con cũng như cho gia đình, xã hội và cả cho trái đất.

Giới thứ sáu: Chăm sóc cơn giận

Ý thức được rằng sân hận và oán thù có tác dụng cắt đứt truyền thông giữa người với người và tạo ra nhiều khổ đau cho cả hai phía, con nguyện học hỏi phương pháp chăm sóc năng lượng sân hận và oán thù khi chúng phát khởi trên ý thức con; cũng như phương pháp nhận diện và chuyển hóa hạt giống của sân hận và oán thù trong chiều sâu tâm thức con. Con nguyện tập luyện để mỗi khi cơn giận hoặc sự bực tức phát khởi, con sẽ không nói gì và làm gì cả mà chỉ thực tập hơi thở chánh niệm hoặc đi thiền hành để nhận diện và nhìn sâu vào bản chất của các tâm niệm sân hận và oán thù ấy. Con ý thức rằng gốc rễ của các cơn giận đó không phải ở bên ngoài con mà nằm ngay trong nhận thức sai lầm của con và nơi sự thiếu hiểu biết về khổ đau của chính con và của người kia. Bằng phương pháp quán chiếu về vô thường, con sẽ có thể nhìn lại chính con và nhìn lại người mà con nghĩ đã gây nên tâm niệm sân hận và oán thù trong con bằng con mắt từ bi và nhận ra rằng mối liên hệ giữa con và người đó quý giá biết nhường nào. Con cũng nguyện thực tập Chánh Tinh Tấn để nuôi dưỡng khả năng hiểu biết và thương yêu, khả năng chế tác niềm vui và lòng bao dung, không kỳ thị trong con. Nhờ đó, con sẽ dần dần chuyển hóa những bạo động, hận thù, sợ hãi trong con và giúp cho những người khác cũng làm được như vậy.

Giới thứ bảy: Hiện pháp lạc trú

Ý thức được rằng sự sống chỉ có thể thật sự có mặt trong giây phút hiện tại, con nguyện tập luyện để có thể sống sâu sắc từng giây phút trong cuộc sống hàng ngày của con. Con nguyện không để cho những hối tiếc về quá khứ, những lo lắng về tương lai và những tham dục, giận hờn và ganh tỵ đối với những gì đang xảy ra trong hiện tại lôi kéo con và làm cho con đánh mất sự sống mầu nhiệm. Con xin nguyện thực tập giáo lý hiện pháp lạc trú, sử dụng hơi thở và nụ cười chánh niệm để tiếp xúc với những gì đang diễn ra trong giây phút hiện tại và tiếp xúc với những gì mầu nhiệm, tươi mát và lành mạnh trong con và chung quanh con dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào. Nhờ đó, con sẽ có thể nuôi lớn những hạt giống an lành, hiểu biết và thương yêu trong con để làm động lực chuyển hóa và trị liệu trong chiều sâu tâm thức. Con ý thức rằng hạnh phúc chân thật được phát sinh từ chính tự tâm và cách nhìn của con chứ không phải từ những điều kiện bên ngoài, và con có thể sống hạnh phúc trong giây phút hiện tại bằng cách nhận ra rằng con đã có quá đủ những điều kiện hạnh phúc.

Giới thứ tám: Xây dựng đoàn thể tu học chân chính và duy trì sự truyền thông

Ý thức được rằng những khó khăn trong việc truyền thông giữa người với người luôn luôn đưa tới ngăn cách và khổ đau, con nguyện thực tập lắng nghe bằng tâm từ bi và nói năng bằng lời ái ngữ. Ý thức rằng một đoàn thể chân thật được xây dựng trên nền tảng không kỳ thị và hài hòa trong quan điểm, tư duy cũng như lời nói, con nguyện thực tập chia sẻ những hiểu biết và kinh nghiệm của con với những thành viên khác trong đoàn thể để cùng nhau đi đến một cái thấy chung.

Con nguyện học hạnh lắng nghe chăm chú mà không phán xét, phản ứng, không nói ra bất cứ một lời nào có thể tạo nên sự bất hòa và có thể làm tan vỡ đoàn thể. Mỗi khi có khó khăn xảy ra, con nguyện ở lại cùng tăng thân và thực tập nhìn lại chính mình cũng như nhìn lại những người khác để tìm ra tất cả những nguyên nhân và điều kiện đã tạo nên tình trạng khó khăn, trong đó có cả những tập khí của chính con. Con sẽ nhận trách nhiệm về những gì con đã nói và đã làm, những gì có thể đã góp phần tạo nên sự bất hòa và tìm cách duy trì được sự truyền thông. Con sẽ không hành xử như một nạn nhân mà sẽ cố gắng hết sức để giải quyết mọi vụ bất hòa, dù lớn dù nhỏ.

Giới thứ chín: Ngôn ngữ chân thật và từ ái

Ý thức được rằng lời nói có thể tạo ra khổ đau hay hạnh phúc, con xin nguyện thực tập sử dụng lời nói chân thật, từ ái và có tính xây dựng. Con chỉ sử dụng những lời nói nào có thể mang lại niềm tự tin, an vui và hy vọng, những lời chân thật có tác dụng hòa giải và mang lại an lạc cho tự thân con cũng như giữa mọi người với nhau. Con nguyện thực tập ái ngữ và lắng nghe để giúp con và những người khác chuyển hóa khổ đau và tìm ra con đường vượt thoát tình trạng khó khăn đó. Con nguyện không nói dối để mưu cầu tài lợi và sự kính phục, không nói những lời gây chia rẽ và căm thù. Con xin nguyện bảo vệ hạnh phúc và sự hòa hợp của tăng thân bằng cách tránh nói lỗi của người khác khi họ vắng mặt và luôn đặt câu hỏi về tính chính xác của những tri giác mà con đang có. Con nguyện chỉ nói với mục đích muốn hiểu rõ và giúp chuyển hóa tình trạng. Con nguyện không loan truyền những tin mà con không biết chắc là có thật, không phê bình và lên án những gì con không biết rõ. Con nguyện can đảm nói ra sự thật về những tình trạng bất công, dù hành động này có thể gây khó khăn cho con hay mang lại những đe dọa cho sự an thân của mình.

Giới thứ mười: Bảo vệ và nuôi dưỡng tăng thân

Ý thức rằng mục đích và bản chất của một đoàn thể tu học là sự thực hiện tuệ giác và từ bi, con nguyện sẽ không bao giờ lợi dụng đạo Bụt và các đoàn thể giáo hội vào mục tiêu lợi dưỡng hoặc quyền bính, không biến các giáo đoàn thành những tổ chức hoạt động chính trị. Tuy nhiên, con nhận thức rằng một đoàn thể tu học phải có ý thức và thái độ rõ rệt về tình trạng áp bức, bất công xã hội, và tìm cách chuyển đổi các tình trạng ấy mà không cần và không nên dấn thân vào những cuộc tranh chấp phe phái. Con nguyện học nhìn với con mắt tương tức để thấy con và những người khác đều là những tế bào của cùng một tăng thân. Một khi đã là một tế bào thật sự của tăng thân, có khả năng chế tác ra Niệm, Định và Tuệ để nuôi dưỡng chính mình và nuôi dưỡng toàn thể tăng thân thì mỗi người trong chúng con cũng đồng thời là một tế bào của Phật thân. Chúng con nguyện tích cực xây dựng tình huynh đệ, đi với nhau như một dòng sông và thực tập để làm lớn thêm ba đức là trí đức, ân đức và đoạn đức, để thực hiện được sự nghiệp giác ngộ tập thể.

Giới thứ mười một: Chánh mạng

Ý thức rằng thiên nhiên và xã hội con người đã bị tàn phá trầm trọng vì bất công và bạo động, con nguyện không sinh sống bằng những nghề nghiệp có thể gây tàn hại cho con người và thiên nhiên. Con sẽ làm mọi cách có thể để chọn những phương tiện sống nào có khả năng góp phần vào sự an lành của mọi loài trên trái đất và có khả năng cho phép con thực hiện được lý tưởng từ bi và cứu khổ của đạo Bụt. Ý thức được về hiện thực của thế giới trên các mặt kinh tế, chính trị và xã hội, cũng như mối tương quan giữa con người với môi trường sinh thái, con nguyện hành xử một cách có trách nhiệm với tư cách một người tiêu thụ và một công dân. Con nguyện không đầu tư vào hay mua sắm những sản phẩm của những doanh nghiệp chuyên làm lợi cho một nhóm người trong khi tước đoạt môi trường và cơ hội sinh sống của những nhóm người khác.

Giới thứ mười hai: Tôn trọng sự sống

Ý thức được những khổ đau do chiến tranh và các cuộc xung đột tạo ra, con nguyện thực tập sống đời sống hàng ngày của con theo tinh thần bất hại, thương yêu và theo tuệ giác tương tức. Con nguyện thực tập chánh niệm để góp phần vào công việc giáo dục hòa bình, làm trung gian hòa giải trong phạm vi gia đình, cộng đồng, giữa những nhóm dân tộc và tôn giáo, quốc gia và quốc tế. Con nguyện không giết hại sinh mạng, không tán thành sự chém giết. Con nguyện sẽ không yểm trợ bất cứ một hành vi giết chóc nào trên thế giới, trong tư tưởng hoặc trong cách sống hàng ngày của con. Con cũng sẽ thường xuyên quán chiếu với tăng thân con để tìm ra những biện pháp hữu hiệu nhằm bảo vệ sinh mạng, ngăn chặn chiến tranh và xây dựng hòa bình.

Giới thứ mười ba: Tôn trọng quyền tư hữu

Ý thức được những khổ đau do lường gạt, trộm cướp và bất công xã hội gây ra, con xin nguyện nuôi dưỡng lòng từ bi trong cách suy nghĩ, nói năng và hành động của con. Con xin học theo hạnh đại từ để đem niềm vui sống và an lạc cho mọi người và mọi loài, để chia sẻ thì giờ, năng lực và tài vật của con với những kẻ đang thật sự thiếu thốn. Con nguyện không lấy làm tư hữu bất cứ một của cải nào không phải do mình tạo ra. Con nguyện tôn trọng quyền tư hữu của kẻ khác, nhưng cũng nguyện ngăn ngừa kẻ khác không cho họ tích trữ và làm giàu một cách bất lương trên sự đau khổ của con người và của muôn loại.

Giới thứ mười bốn: Tình thương đích thực

(Dành cho Tiếp Hiện Tại Gia)

Ý thức được rằng tình dục và tình yêu là hai cái khác nhau, rằng sự phối hợp giữa hai cơ thể do thúc đẩy của tình dục không những đã không thể giải tỏa được nỗi cô đơn mà còn tạo thêm nhiều khổ đau, chua cay và xa cách, con nguyện không ăn nằm với bất cứ ai không phải là vợ hay chồng của con. Ý thức được rằng thân và tâm là một, con nguyện học hỏi những phương pháp thích ứng để chăm sóc năng lượng tình dục trong con và nuôi lớn các tâm Từ, Bi, Hỷ và Xả giúp làm tăng trưởng hạnh phúc của con và của người khác. Con ý thức được rằng hành động tà dâm sẽ gây ra khổ đau cho kẻ khác và cho chính con trong hiện tại và trong tương lai. Con biết muốn bảo vệ hạnh phúc của mình và của kẻ khác thì phải biết tôn trọng những điều mà mình và kẻ khác đã cam kết. Con nguyện sẽ làm mọi cách có thể để bảo vệ trẻ em, không cho nạn tà dâm tiếp tục gây nên sự đổ vỡ của các gia đình và của đời sống đôi lứa. Con sẽ đối xử với thân thể con một cách kính trọng và từ bi. Con nguyện thực tập nhìn sâu vào bốn loại thực phẩm và thường xuyên học hỏi bảo tồn tinh, khí và thần để thực hiện lý tưởng độ đời. Con cũng ý thức trọn vẹn trách nhiệm của con về sự cho ra đời những sinh mạng mới và thường xuyên quán chiếu về môi trường sinh hoạt trong tương lai của những sinh mạng này.

(Dành cho Tiếp Hiện Xuất Gia)

Ý thức được rằng lý tưởng xuất gia chỉ có thể thực hiện được với sự cắt bỏ hoàn toàn những ràng buộc đối với ái dục, con nguyện giữ mình thật tinh khiết, tự bảo vệ nếp sống phạm hạnh của con và hết lòng bảo vệ tiết hạnh của kẻ khác. Con biết cô đơn và khổ đau không thể nào được giải tỏa bằng dục tình mà chỉ có thể được chuyển hóa bằng sự thực tập Từ, Bi, Hỷ và Xả. Con biết hành động dâm dục sẽ làm tan vỡ cuộc đời xuất gia của con, làm hại đến cuộc đời của kẻ khác và không cho con thực hiện được lý tưởng cứu độ chúng sanh của mình. Con nguyện học hỏi những phương pháp thích ứng để chăm sóc năng lượng tình dục trong con. Con nguyện không ép uổng thân thể con, không đối xử với thân thể con một cách bạo động và khinh xuất, không xem thân thể chỉ như là một dụng cụ. Con nguyện bảo trọng thân thể con, nguyện thực tập nhìn sâu vào bốn loại thực phẩm và thường xuyên học hỏi bảo tồn tinh, khí và thần để đi tới trên đường thành tựu đạo nghiệp.

___________________________________
Tu chỉnh năm 2012

Dòng Tiếp Hiện và những hoạt động dấn thân

52 năm theo thầy học đạo và phụng sự – Hồi kí của Sư cô Chân Không



Sáu người đầu tiên thọ mười bốn giới Tiếp Hiện

6 người đầu tiên thọ giới Tiếp Hiện

Từ trái sang phải: Phạm Thúy Uyên, Cao Ngọc Phượng, Nhất Chi Mai, Nguyễn Văn Phúc, Bùi Văn Thanh, Đỗ Văn Khôn

 

Khi Chùa Lá Pháp Vân vừa xây xong thầy quyết định cho sáu anh chị em chúng tôi làm lễ thọ 14 Giới Tiếp Hiện để chúng tôi, khi chưa xuất gia được thì vì giữ giới Tiếp Hiện tại gia nên vẫn phải giữ ít nhất là một ngày tu học chánh niệm 24 giờ hằng tuần. Người Tiếp Hiện phải tập bỏ hết mọi hoạt động sang bên, sống như người xuất gia vô sự ít nhất là một ngày mỗi tuần và 60 ngày tất cả trong một năm 365 ngày. Sáu người sung sướng nhất đời ngày hôm đó

Cao Ngọc Phượng - Áo Tiếp Hiệnlà: Diệu Huỳnh Phan Thị Mai, Diệu Không Cao Ngọc Phượng, Diệu Thiện Phạm Thúy Uyên, anh Tuệ Linh Đỗ Văn Khôn, anh Minh Tịnh Bùi Văn Thanh và anh Tâm Thông Nguyễn Văn Phúc. Sáu người chính thức thuộc chúng chủ trì dòng tu Tiếp Hiện. Hôm đó có cả trăm người rất mong được thầy chấp nhận cho thọ giới chính thức như chúng tôi nhưng thầy khuyên nên làm chúng đồng sự trước. Khi sự tu học vững chãi, thầy sẽ làm lễ đưa vào chúng chủ trì như sáu anh chị hôm nay. Các bạn như chị Đỗ Thị Nga, Nghiêm Kim Chi, Nghiêm Thị Bạch Tuyết, Vũ Thị Tố Nga, Trịnh Ngọc Sương… và tất cả các anh em trong Thanh Niên Phụng Sự Xã Hội đều là chúng đồng sự của dòng Tiếp Hiện từ ngày hôm đó. Nhiều người tu học và dấn thân còn giỏi hơn các vị trong chúng chủ trì nữa. Chúng tôi rất có phước được thầy truyền giới vào một ngày trăng tròn tháng 01 năm Bính Ngọ (nhằm ngày 05 tháng 02 năm 1966).

Ai cũng nghĩ rằng lần lượt rồi ai cũng vào chúng chủ trì như thầy hứa. Không ngờ hai tháng sau, thầy được trường Đại Học Cornell ở Ithaca, New York mời đi trình bày về nguyện vọng người Phật Tử Việt Nam trong chiến tranh hiện tại. Thầy rời nước ngày 02 tháng 05 năm 1966. Ngày 01 tháng 06 năm 1966 thầy gửi đến thế giới Lời kêu gọi Hòa Bình với năm điểm đề nghị (nguyên văn trong cuốn sách Hoa Sen Trong Biển Lửa). Chính quyền Sài Gòn vô hiệu hóa ngay hộ chiếu của thầy và thầy bị lưu đày từ hôm ấy. Thầy ngỡ là đi vài tuần nhưng bốn chục năm sau mới được trở về. Trong thời gian đó dòng Tiếp Hiện của thầy có cả ngàn nhánh thuộc chúng chủ trì thuộc 42 quốc tịch khác nhau. Nhánh Việt Nam có những người là học trò cũ, trung kiên với lý tưởng dấn thân của thầy, nhưng phải chờ hơn 30 năm sau thầy mới gửi các đệ tử xuất gia của thầy về truyền 14 giới cho tất cả những anh em TNPSXH cư sĩ mà vẫn còn trung kiên với lý tưởng. Khá muộn màng nhưng có còn hơn không.

 

Ngày Chánh Niệm trong tuần

Trưa thứ bảy, sau khi dùng cơm với gia đình, chúng tôi đem theo đồ dùng cá nhân để đến chùa Pháp Vân tu tập Ngày Chánh Niệm. Ở đấy và tập định tâm an trú trong phút giây hiện tại suốt 24 giờ cho đến trưa chủ nhật mới về lại nhà. Bên nam thì ba anh Tiếp Hiện có được hành lang bên trái chánh điện chùa Lá, chia ra làm ba bởi hai tấm màn vải. Ba chị Tiếp Hiện thì chia nhau cái phòng dài, nóc là fibro xi măng và vách gạch kế bên Chùa. Chúng tôi cũng may màn để chia ra làm ba phòng. Mỗi chị một “phòng” rất là khiêm tốn nhưng chúng tôi quá hạnh phúc vì như thế mới thật là tu. Vào chùa, tôi xếp xắp áo quần và vật dùng cá nhân vào một góc, rồi lên chùa lạy Phật và về phòng chuẩn bị nấu nước, tắm, dọn phòng… tất cả từng hành động tôi đều gắng quay về an trú, không để tâm chạy lông bông nữa. Bỏ hết những lo lắng, muộn phiền, bỏ cái lăng xăng phải lo gấp việc này, làm cho kịp việc nọ. Tôi tập nghĩ: “Nếu mình chết chiều nay thì ai lo? Thôi, nhẹ buông cho khỏe, cho bình tĩnh lại, rồi tỉnh ra, sáng suốt hơn thì từ từ mà giải quyết. Từng gáo nước ấm dội lên mình, tôi gột hết những lăng xăng ưu phiền trong thân và trong tâm. Mặc áo mới vào, tôi đi từng bước thảnh thơi ra bìa rừng gần đó, tìm cắt một cành tre hay một cành cây khô. Rồi với vài chiếc lá xanh, vài bông hoa nhỏ bên đường tôi cắm một bình hoa lớn để lên bàn thờ Bụt và một bình hoa nhỏ cho góc phòng của tôi. Khi ba anh và hai chị khác về đầy đủ, lúc ấy cũng hai giờ rưỡi trưa, chúng tôi tập họp trên chính điện, ngồi thiền 15 phút rồi đứng dậy lạy Phật, tụng kinh và thuyết giới. Thuyết 14 giới xong, chúng tôi lạy Phật rồi ngồi thành vòng tròn để pháp đàm về một vài giới trong 14 giới.

Lòng nhẹ tênh sau mấy tiếng đồng hồ làm lắng lòng, định tâm, tụng kinh và tụng giới rồi, chúng tôi trở về lại “phòng riêng của từng người” và tùy ý ngồi thiền thêm hay đọc kinh sách hay vào bếp làm thức ăn trong chánh niệm. Vì có nhiều trách nhiệm, nhiều công việc gấp nên sau năm sáu giờ tĩnh tâm như trên, tôi bắt đầu đem các việc cấp bách ra mà thư thả giải quyết trong chánh niệm và nhẹ nhàng. Có thể nhờ thế mà dù hoàn cảnh cấp bách bức xúc mấy, chúng tôi nhờ chạm được với lòng bình an của mình mỗi tuần trong ngày tĩnh tu này mà hành xử khả dĩ đẹp hơn, từ bi hơn.

Thầy đã ra đi và chờ mãi vẫn không thấy thầy về. Chiến tranh thì càng ngày càng lan rộng. Các báo cho biết sẽ có thêm 50.000 quân Mỹ nữa tới Việt Nam để phụ với quân đội Việt Nam Cộng Hòa và 100.000 binh sĩ Hoa Kỳ đã có mặt ở nơi đây. Báo chí nói rằng hy vọng như thế mới đẩy lui được quân đội cộng sản ngày càng đông. Quân đội chính quy miền Bắc cũng đã tiến vào. Chúng tôi muốn điên đầu vì thấy xuất hiện nhiều lính Hoa Kỳ trên đường phố quá. Nhà cửa trở nên khan hiếm cho người Việt vì các vị cố vấn Hoa Kỳ dân sự mướn nhà giá quá cao, người công nhân viên trung bình không thể nào tranh kịp những căn nhà thanh lịch. Sư chú Nhất Trí bị một binh sĩ Hoa Kỳ nhổ nước bọt xuống đầu từ trên xe nhà binh vận tải chở lính Mỹ. Chú giận quá, về thuật cho tôi nghe mà khóc và muốn đi theo Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam. Tôi an ủi sư chú nói rằng có thể anh lính ấy mới mất một người bạn trong trận chiến nào đó nên nghĩ rằng mình là cộng sản nên “trả thù” cho bạn một cách vô lý như vậy. Tôi thấy rõ là người Mỹ vào Việt Nam không phải để cướp nước đô hộ ta như người Pháp, nhưng truyền thống của Việt Nam là không bao giờ cho quân đội ngoại quốc vào đất nước mình. Như thế là hỏng mất rồi, Việt Nam Cộng Hòa đã mất chính nghĩa từ ngày cho phép đưa 50 rồi 100 rồi 150 ngàn quân Hoa Kỳ vào Việt Nam đánh Cộng Sản Việt Nam. Làm sao? Làm sao đây?

Tôi có nhiều việc phải lo quá, nào là vẫn phải tiếp tục dạy Sinh Vật Học ở Sài Gòn và Huế, nào là phải tiếp tục lo lạc quyên gạo, thực phẩm và thuốc men để gửi ra Đà Nẵng, Quảng Nam hầu tiếp tục đi cứu trợ sau mỗi chuyến đi dạy ở Huế, nào phải điều động Tổng Hội Sinh Viên Vạn Hạnh mà tôi đã bị bầu làm chủ tịch. Phải ra nội san, phải có chương trình xã hội, hội thảo để kêu gọi hòa bình và cũng làm việc gần như 2/3 thời gian cho Trường TNPSXH, phải đi thu tiền giúp TNPSXH ở các chợ. Nhưng có được 24 giờ, từ trưa thứ bảy đến trưa chủ nhật, là chiếc phao cứu sống tôi, không lạc đường, không bị bức xúc, nhờ tập bỏ hết công việc từ thân đến tâm, bỏ hết những tính toán lo âu, ưu tư trong tâm, ít nhất là trong năm sáu giờ đầu.

 

Lá Bối chui

Song song với việc làm ở Làng Tình Thương, tôi cũng phải làm đúng vai trò Chủ Tịch Tổng Hội Sinh Viên Vạn Hạnh nên phải đi họp liên miên với các hội Sinh Viên Luật Khoa, Y Khoa, Khoa Học, Văn Khoa của Viện Đại Học Sài Gòn để cùng với các ban ngành tổ chức hội thảo trong giới sinh viên. Các đề tài hội thảo xoay quanh sự chia sẻ ưu tư làm thế nào để chấm dứt việc cốt nhục tương tàn bởi vũ khí ngoại bang, làm thế nào để mình chống cộng sản mà không cần mời quân đội nước ngoài vào giúp. Quyển sách chui đầu tiên là Chắp Tay Nguyện Cầu Cho Bồ Câu Trắng Hiện của thầy Nhất Hạnh. Đó là một tập thơ viết tay rất đẹp của thầy, nhà xuất bản Lá Bối xin phép in. Vừa in ra thì thiên hạ thích quá mua hết ngay, phải tái bản. Mấy anh chị em thân bên Mặt Trận Giải Phóng cũng mua rất nhiều. Công an quốc gia cũng mua nhưng căn dặn các cô bán sách dấu bên dưới, có ai hỏi thì hãy bán. Ai ngờ một hôm chúng tôi được nghe báo cáo là Đài Phát Thanh Hà Nội và Đài Phát Thanh ở Bắc Kinh “tiếng nói Việt Nam” cùng lên án dữ dội những bài thơ “phản động” này.

Sau khi thầy đã đi kêu gọi hòa bình ở hải ngoại thì chúng tôi tiếp tục in Đối Thoại: Cánh Cửa Hòa Bình, rồi cuốn Hoa Sen Trong Biển lửa, cuốn Đừng Quên, Xin Đừng Vội Quên, (bài mới, không phải là bài đăng ở Tuần san Hải Triều Âm về nạn lụt trên sông Thu Bồn) nói về chiến tranh đang xảy ra và anh em giết nhau từng ngày, từng giờ và Nhìn Kỹ Quê Hương. Tập thơ thứ hai in chui của thầy là Tiếng Đập Cánh Loài Chim Lớn. Tất cả sách in chui đều là của thầy. Chúng tôi rất ý thức là hôm nào mà công an cảnh sát bắt được ai lưu hành tài tiệu phản chiến này thì người đó phải tù ngay.

Hôm đó tôi chở trên xe gắn máy mobylette của tôi 300 cuốn sách mỏng “Đừng quên, xin đừng vội quên” của thầy Nhất Hạnh. Đến giữa cầu Trương Minh Giảng tôi bị chặn lại. Tôi thật hối hận, xưa nay đem phân phát những tài liệu phản chiến tôi đều lái chiếc xe hơi Morris nhỏ xíu của tôi, để sau thùng rất gọn và cảnh sát không bao giờ chặn chiếc ô tô bóng nhoáng lái bởi một cô gái yểu điệu tóc dài. Hôm nay tôi hấp tấp đi lấy tài liệu này vì ngày mai sẽ có buổi họp với sinh viên Luật Khoa. Bức thư thầy viết nhắc những ai đang sống yên lành ở thành phố nên đừng quên, xin đừng vội quên bao nhiêu đồng bào đang chạy dưới đạn bom, chết và đói ở những vùng xa xôi của đất nước. Tôi đã tự nhủ, thôi chuyến này vậy là bị bắt rồi, không cách gì thoát khỏi. Tôi niệm Bồ Tát Quán Thế Âm và “phân bua” với Ngài: Con làm việc này là vì lòng thương thôi, đâu vì danh vì lợi. Thôi nếu bồ tát nghĩ là con cũng nên bị bắt một phen thì con cũng đành thôi. Đi vô tù một lần cho biết. Nghĩ thế tôi bỗng nở một nụ cười thật hiền. Anh cảnh sát hỏi: “Sách gì vậy?” Mở một cuốn sách mỏng ấy ra, tôi đọc lớn: Em, Bây giờ là mấy giờ rồi. Thầy lúc nào cũng bắt đầu dạy hay viết những vấn đề rắc rối khó khăn bằng lối trình bày thật đơn giản nhưng từ từ đưa người nghe hay người đọc vào những tình huống rất sâu. Anh Cảnh Sát nói: “Thư tình hả?” Tôi lại mỉm cười thật tươi và tự nhủ thầm: Thì thư tình chứ gì nữa, tình thương những người chạy dưới đạn bom. Anh ta xếp sách lại và khoát tay bảo đi. Tôi thoát nạn!

Nhưng cuốn sách in chui mà bán chạy nhất là Hoa Sen Trong Biển Lửa thầy viết ở Paris và gửi về cho tôi in. Lần đầu tôi in hai nghìn quyển và chiếc xe hơi của tôi cứ chở tới anh HT Chánh một thùng, rồi thầy Thông Bửu hai thùng, rồi em Dương Văn Đầy một thùng, rồi cha Nguyễn Ngọc Lan một thùng, rồi cho chị Nga, rồi chị Uyên, chị Mai, v.v.. Tháng Chín 1966 tôi đi dạy ở Huế mang nguyên hai thùng sách 200 quyển Hoa Sen Trong Biển Lửa, nhờ xe viện đại học chở dùm tới nhà của các em người Huế mà cộng tác với tôi. Tôi không đem quyển sách nào về chùa Từ Hiếu cả dù đêm nào tôi cũng về chùa ngủ vì không thích ở khách sạn Morin mà viện đại học dành cho tôi một phòng khá khang trang.

Nhưng sau đó có lẽ công an thấy Huế tràn ngập sách phản chiến của thầy Nhất Hạnh nên vào tháng 11 năm 1966, khi vào Huế dạy chuyến thứ hai của năm học, tôi bị chặn soát ngay từ phi trường. Tôi có mang theo bản thảo Lời Kêu gọi các giáo sư ký tên đề nghị kéo dài Đình Chiến Tết để đưa tới thương thuyết hòa bình giữa hai miền Việt Nam. Tôi cẩn thận không mang quyển sách in chui nào hết vì biết nơi nào xa xôi thì thiên hạ có thể tự in lại mà phát hành, tôi không cần phải đem nhiều lần. Nhưng rủi cho tôi là hôm đó chị Lê Khắc Phương Thảo là con của ông Lê Khắc Duyệt, cựu trưởng ty Cảnh Sát Công An Thừa Thiên có gửi cho mẹ một gói quà trong đó có nhiều tiền và hai cuốn sách Hoa Sen Trong Biển Lửa. Tôi bị bắt quả tang có mang theo tài liệu phản chiến Hoa Sen Trong Biển Lửa nằm trong gói quà của Phương Thảo gửi cho mẹ, dù có ký tên là Lê Phương Thảo. Cảnh sát đem tới cho bà Duyệt tiền con gái gửi nhưng vẫn giữ hai cuốn Hoa Sen Trong Biển Lửa, xem như tài liệu phản chiến do tôi mang đi! Tôi hoàn toàn không biết sự có mặt của hai cuốn sách ấy nhưng tình ngay lý gian thì cũng chịu thôi. Khi năm anh cảnh sát chia nhau đọc từng trang sách tài liệu tôi mang ra dạy, tôi biết rất rõ xấp giấy nào tôi nhét tài liệu kêu gọi chấm dứt chiến tranh. Tôi im lặng niệm Quan Thế Âm Bồ Tát và nói thầm với Ngài: Nếu Bồ Tát muốn con làm việc này thay cho Ngài thì xin Ngài lo cho con. Anh cảnh sát khoảng 23 tuổi cầm lên đọc tờ Kêu Gọi Hòa Bình của tôi. Tôi thấy tay anh hơi run. Anh liếc nhìn tôi rất nhanh và xếp tờ giấy xuống bên kia, phía tài liệu đã soát xong, và anh chồng tiếp lên đó những tài liệu khác. Có lẽ ánh mắt tôi lúc đó là ánh mắt mà bồ tát Quan Âm mượn đỡ để rót cái nhìn dịu hiền vào tấm lòng trung hậu của người cảnh sát cũng yêu nước thương đồng bào như tôi.

Vì không có chi ngoài hai cuốn Hoa Sen Trong Biển Lửa của con gái gửi bà Lê Khắc Duyệt, người cảnh sát trưởng cho phép tôi lên xe của trường Đại Học Khoa Học Huế trên đường từ phi trường về Tổng nha, ông ấy ngồi kế bên bác tài còn tôi ngồi một mình phía sau. Trên xe, tôi khe khẽ rút nhẹ tờ tài liệu phản chiến và xếp lại làm ba bốn năm sáu lần. Tuy nó đã nhỏ lắm nhưng bỏ nó đâu bây giờ? Thôi thì… tôi bỏ vào miệng nhai cho nát và… nuốt luôn. Họ đưa tôi về Văn Phòng Cảnh Sát và soát lại lần thứ hai. Tài liệu cũng chỉ là môn Tảo Học mà tôi đang dạy. Tuy thế họ vẫn giữ tôi tại văn phòng Nha Cảnh Sát Thừa Thiên hai ngày và hai đêm, cho người đi mua thức ăn cho tôi, và cuối cùng cho người dẫn độ tôi về Sài Gòn. Tại đây tôi thật sự bị bỏ vào nhà tù bảy ngày. Họ đưa tôi vào thay áo tù (không được mặc áo quần của tôi như tôi tưởng, cũng không được giữ đồng hồ, tiền bạc giấy tờ chi cả). Nhưng tôi lén dấu được vào áo tù một tấm post card của thầy Nhất Hạnh gửi cho tôi trong đó thầy có ghi bài thơ:

Rùng mình,
sóng gợn mặt hồ
sương sớm lạnh.
dấu chân em
buổi sáng
trinh tuyền lối cỏ,
không lá ngô đồng xa,
nhưng hồn mùa ấm áp,
hoang sơ đi rồi
thuyền chở mái trăng về bến cũ.

Tôi chẳng hiểu hết bài thơ nhưng hình ảnh mặt hồ buổi sáng trong hình rất đẹp, và vào tù thỉnh thoảng tôi mở ra để nhìn hình ảnh đó, đọc dòng chữ thân thương của thầy để nghe hồn mùa ấm áp. Chúng tôi chín nữ tù mà chỉ có một phòng 2mét x 1,80mét. Bảy người ngồi sát nhau thì hai người có thể nằm. Ở một góc phía trong có một thùng để ai cần “vệ sinh” thì tiêu tiểu. Tôi ngồi lắng nghe nhiều người, nghe kể đều là oan ức, chờ ngày thẩm vấn, nhưng nhờ có chú của chị Uyên là bạn đánh cờ của ông Nguyễn Ngọc Loan tổng giám đốc Tổng Nha Cảnh Sát nơi tôi bị giam nên chú liên lạc xin thả. Chú nói với ông Loan là “cô ấy em cháu trong nhà mình, nếu cần thì để theo dõi” nên tôi được thả nhanh sau một tuần mà khỏi bị điều tra phỏng vấn tra khảo chi cả.

Thương một em bé gái chín tuổi bị hàm oan (em nói thế), tôi xin ông ưu ái cho một em bé được tha vì – tôi nói – nhà tù không phải chỗ của một bé chín tuổi cứ nghe toàn chuyện không vui. Tôi không rõ họ có tha cho em bé không, nhưng chuyện oan trước nhất của tôi là ông Tổng Nha có la mấy người cai tù sao để cho tù nhân nói chuyện. Cai tù nổi cáu la lại tù nhân. Tôi thật buồn vì muốn giúp mà thành làm cho người ta oán mình. Mấy người trong tù nhắn ra nói tôi phản động, báo cáo làm sao mà cả cai tù cũng như người tù bị cảnh cáo phạt nặng!

 

NHẤT CHI MAI
Lời kêu gọi hòa bình của thầy

Diệu Huỳnh Phan Thị Mai là tên thật của chị đầu trong sáu người thọ giới Tiếp Hiện với tôi tại Chùa Lá Pháp Vân ở Phú Thọ Hòa. Mai là cô giáo tiểu học ở trường Tân Định, chị hay lái chiếc xe hơi Wolkswagen trắng. Hôm đó tôi ghé lại nhà chị trên con đường đi chợ Tân Định số 60/50 đường Huỳnh Tịnh Của. Thấy chiếc xe hơi trắng, tôi biết có chị ở nhà nên mừng rỡ tin rằng thế nào cũng được uống một chầu nước mát lạnh trong nhà chị. Tôi chưa kịp dựng chiếc xe mobylette bên lề thì đã nghe tiếng các cháu của chị gọi chị vang lên: Út ơi, Út có khách!

– Khách nào đó cưng? Ô Phượng! Đi đâu mà mồ  hôi mồ kê nhễ nhại vậy cưng?

Lông mày chị nhíu lại, môi chu chu như người lớn nói nựng với trẻ con khiến tôi bật cười:

– Cực gì đâu chị ! Em mới ghé qua chợ Tân Định thu tiền học bổng cho TNPSXH mà. Chị Mai làm như em giãi nắng dầm mưa lắm vậy đó!

Nhất Chi Mai (tóc dài bên phải)

Nhất Chi Mai (tóc dài bên phải)


Chị Mai cũng cười kéo tôi vào ngồi ghế sa lông và cho tôi nguyên một chai nước để trong tủ lạnh, đúng như điều tôi mong ước! Sau khi nói đủ thứ chuyện, tôi hỏi chị nghĩ gì về lời tuyên bố của thầy chúng tôi, thầy Nhất Hạnh tại Hoa Thịnh Đốn đòi Hoa Kỳ phải ngưng oanh tạc Bắc và Nam Việt Nam và yêu cầu Hoa Kỳ cho một lịch trình Mỹ rút quân khỏi Việt Nam. Chị Mai nhìn tôi do dự một chút rồi vuốt tóc tôi và nói:

– Phượng nè, chị Mai thương và phục thầy lắm. Thương lý tưởng Phụng Sự Xã Hội của thầy và vì vậy mà quyết định theo thầy giúp phụng sự xã hội. Tuy nhiên, chị Mai rất ngại về thái độ chính trị của thầy.

Tôi rất hiểu vì sao chị lo lắng thế! Lời kêu gọi hòa bình của thầy lúc đó “quá sớm” với những người đang sống bình an trong thành phố. Một người “quốc gia” chưa ai dám đòi Mỹ rút quân và không những chính phủ Sài Gòn và các báo chí Sài Gòn đã tấn công thầy như mưa bão mà các giới công chức suy nghĩ cạn cũng hoảng hốt cho thầy là cộng sản. Chị Mai là con gái út một gia đình giàu có, chị được cha mẹ nuông chiều, chưa bao giờ đi đến những làng mạc xa xôi như thầy và chúng tôi đã từng đi thăm ở hai bên bờ thượng nguồn sông Thu Bồn, làng mạc và đồng bào đang bị cày xới bởi đạn bom. Chị không nao núng sao được khi thấy hết Đài Phát Thanh Sài Gòn đả kích đến các nhật báo như Chính Luận, Tự Do, v.v.. Tôi rưng rưng nước mắt nói:

– Chứ chị Mai nghĩ coi, Phật dạy mình nhìn sâu để thấy nỗi đau khổ và sợ hãi của con muỗi, con ruồi, con gà, con heo, con bò khi bị giết và vì thương mà mình không nỡ giết. Vậy thì khi thấy con người giết nhau, anh em cùng con Mẹ Việt Nam mà cầm vũ khí ngoại bang để giết nhau thì chẳng lẽ mình khoanh tay ngồi nhìn sao? Còn chuyện Mỹ rút quân, lịch sử Việt Nam xưa nay có nhờ người Mỹ qua Việt Nam đánh Tàu cho mình đâu nhưng mình vẫn đuổi được Tàu về nước. Chị Mai biết không? Khi bài Lời Khấn Nguyện Đau Thương Của Dân Tộc được đăng trên tuần báo Hải Triều Âm, có tám Phật Tử Việt Nam đến thỉnh cầu được nhịn ăn đến chết để cầu nguyện hòa bình nếu Viện Hóa Đạo chịu đứng ra bảo trợ. Em cũng có xin tình nguyện theo trong số tám người tình nguyện nữa đó chị Mai, nhưng thầy Tâm Châu la quá, và nếu Viện Hóa Đạo không chịu làm thì làm sao thành. Làm lẻ loi không ai biết mà ủng hộ thì sẽ không đi đến đâu.

Chị Mai bèn nói:

– Đâu được! Dù thầy viện trưởng có đồng ý Phượng cũng không được làm vì Phượng còn mẹ phải trông nom.”

Tôi lý luận:

– Em biết, em sẽ mang tội bất hiếu với mẹ nếu em chết, nhưng nếu cái chết của mình làm ngắn được chiến tranh một vài năm, cứu không biết bao nhiêu là mạng sống thì tội bất hiếu em sẽ đền sau.

Tôi “nói” thì bao giờ cũng cảm động và chân thành, chỉ khổ là tôi chưa làm được như tôi nói. Nhưng điều đó đã khiến chị Mai ngồi im lặng rất lâu, cúi mặt xuống một chút. Một lát sau chị Mai ngửng lên và nắm chặt hai tay tôi, giọng cương quyết:

– Phượng nói phải lắm. Rất phải!

Chị Mai lại nhìn tôi và hơi do dự. Cuối cùng chị Mai nói:

– Vậy thì chị Mai cũng muốn tình nguyện như Phượng nữa. Rủi là Viện Hóa Đạo đã bác bỏ ý nguyện đó. Vậy sau có làm gì Phượng nhớ rủ chị Mai với nghe?

Chị Mai đã khiến tôi muốn khóc vì cảm động. Chị Mai không phải thuộc về loại Phật tử “đợt sóng mới” như chúng tôi, tâm trí không rắc rối như bọn trẻ chúng tôi, nhưng ưu điểm của chị là dám thẳng thắn chê chúng tôi, rồi khi chúng tôi lý luận bẻ lại thì chị lắng nghe và nếu nghe mà “lọt” được vào tai thì chị Mai thực hiện cho bằng được chứ không cò kè bớt một thêm hai như chúng tôi, rồi cuối cùng chẳng làm gì hết!

Mấy tháng sau đó chị Mai trở nên vô cùng tích cực trong việc tranh đấu cho hòa bình của Tổng Hội Sinh Viên Vạn Hạnh mà trước đó chị chỉ chịu làm một thủ quỹ thuần túy. Cuốn Hoa Sen Trong Biển Lửa ra đời khiến chị Mai thêm hăng hái. Với chiếc xe hơi Volkswagen trắng chị Mai chở 10 cuốn Hoa Sen Trong Biển Lửa tới trường học này, 20 cuốn đến công sở kia. Sách được đưa vào tay từng giáo chức, công chức, sinh viên, sĩ quan quanh chị Mai. Tôi rất thương chị Mai trong công tác ấy, vì sinh trong gia đình nhà giáo, chị không bao giờ làm chuyện lén lút như khi đi phổ biến tài liệu hòa bình như vầy. Cuối năm 1966, sau giờ tụng giới chị Mai rủ tôi vào phòng của chị tại chùa. Chị nắm tay tôi và nói:

– Chị Mai có sáng kiến này, Phượng nghe xem có được không nhé? Tám người bạn mà Phượng nói chịu tình nguyện tuyệt thực đến chết cho hòa bình hồi năm 1964 đó, cộng với chị Mai là chín và chị sẽ tìm thêm một người nữa là mười. Mười người đi mười thành phố khác nhau và cùng mổ bụng một ngày, cùng viết thư kêu gọi hòa bình, làm rúng động mười điểm quan trọng của đất nước và do đó sẽ làm rúng động lòng người khắp mọi nơi, Tuyệt thực và tự thiêu, giờ thiên hạ đã lờn rồi, không còn gây xúc động nữa và vì thế không tác động tình thế như xưa.

Tôi hứa với chị Mai là em sẽ đi tìm lại các bạn cũ và thưa về chuyện này nhưng tôi cũng biết trước là khó thực hiện. Hồi đó 1964, các bạn chưa có gia đình. Bây giờ trong số ấy có người đã có vợ có chồng, người thì đi làm việc ở vùng xa. Nếu được hay không là chỉ có một mình tôi và chị Mai mà thôi.

Bốn ngày tôi đóng cửa phòng suy tư. Cuối cùng tôi đã bác bỏ ý định của chị Mai một cách “hữu lý” như vầy:

– Chị Mai nghĩ coi, mình mà cùng làm với Giáo Hội thì mình như nhịp cầu nằm xuống cho mọi người, cho cả khối đông đảo quần chúng Phật tử tiến tới. Chớ nếu mình làm riêng rẽ như vầy thì rất khó. Ý thức tranh đấu cho hòa bình trong nhóm sinh viên còn rất yếu. Ngoài Viện Đại Học Sài Gòn chỉ có vài ba anh em tha thiết với hòa bình được đắc cử vào vài phân khoa. Viện Đại Học Vạn Hạnh tuy cả ê kíp mình được đắc cử nhưng Ban Giám Đốc và Ban Quản Trị viện còn đang gây khó dễ muôn bề. Giới Phật tử hiểu đạo theo lối mình cũng còn ít (em bi thảm hóa sự kiện chứ có thể số Phật tử trẻ dấn thân khá đông. Chỉ tại Giáo Hội chưa chính thức đứng ra nên ai cũng thấy lẻ loi). Mình mà xúm nhau chết hết thì hòa bình có đến hay không chưa lường được, chỉ có một điều rất rõ là anh em tranh đấu cho hòa bình thiếu chị và thiếu em, hai hoạt đông viên đắc lực. Ngoài chuyện hòa bình ra, còn công tác xã hội mình cũng đắc tội với thầy Thanh Văn. Thầy Nhất Hạnh đã giao chức giám đốc điều hành cho thầy Thanh Văn, mình có hứa sẽ giúp thầy Thanh Văn trong thời gian đầu, ít nhất là phải xong khóa 1. Hiện trường TNPSXH rất nghèo vì ảnh hưởng kêu gọi hòa bình của thầy Nhất Hạnh đã gây cho trường đủ thứ khó khăn, 300 anh em chỉ ăn cơm với xì dầu và rau luộc mà bữa đủ bữa thiếu. Em với chị Mai và chị Nga là ba người lạc quyên cho Trường nhiều nhất, nếu mình chết hết thì đúng là mình giết thầy Thanh Văn và các bạn v.v…

Tôi lý luận về sự ”chết” của tôi hôm trước rất say sưa và chân thành. Hôm nay tôi lại lý luận về cái phải “sống”của chị Mai và của tôi cũng rất chân thành khiến chị Mai bỏ ngay ý định hy sinh thân mạng cho hòa bình một cách vui vẻ với điều kiện là chờ ý kiến cuối cùng của thầy Nhất Hạnh (chị nói đã gửi thư xin phép thầy nhưng chưa có hồi âm).

– Thôi thì mình ráng làm việc nhiều nhiều hơn nữa há Phượng, mà Phượng phải bắt chị Mai làm việc nhiều hơn nghen? Sao Phượng hay quá hà, giỏi quá hà, việc gì cũng làm được, cũng quá hay. Chị Mai rất mắc cỡ sao mình không làm được như Phượng.

Tôi lại nhăn nhăn cái mặt dễ ghét của tôi:

– Lại “như” Phượng nữa. Em rầu chị Mai quá. Em đâu có làm được “như” chị Mai thì chị cũng đâu có làm được như em. Mỗi đứa làm một cách, bổ túc cho nhau. Như ngón cái bổ túc cho ngón trỏ. Nếu bàn tay chỉ có năm ngón cái giống y nhau thì đâu làm gì được. Nếu chị Mai cứ tiếp tục so sánh em với chị thì em nghỉ chơi chị à?

Chị Mai cười túm miệng lại, rất hiền vừa vuốt tay tôi nói:

– Phượng thiệt à!

Giọng chị thật nhõng nhẽo. Sau đó một tuần chị cũng vui vẻ cho hay là thầy Nhất Hạnh không đồng ý và tuyệt đối cấm ý định đó.

 

Khó khăn của Trường Thanh Niên Phụng Sự Xã Hội

Tháng Mười 1966 là giai đoạn Trường TNPSXH gặp khó khăn nhiều nhất. Đáng lý cuối tháng 08 năm 1966 là tháng nhập học nhưng chúng tôi chưa đủ tiền xây cho xong cư xá 20 phòng ngủ và giảng đường cho TNPSXH, xây bên kia chùa Lá Pháp Vân. Thế nên chúng tôi thông báo cho sinh viên là phải dời sang tháng Mười với hy vọng là Trường sẽ xây xong. Trước khi ra đi, thầy đã viết trước một bức thư tâm huyết về sự cần thiết của phong trào TNPSXH và trường đào tạo tác viên TNPSXH và dặn chúng tôi đi gõ cửa từng nhà xin lạc quyên sự đóng góp của họ. Chúng tôi chưa kịp đi gõ cửa từng nhà thì có lời kêu gọi chấm dứt chiến tranh với năm điểm của thầy, trong đó quan trọng nhất là ngưng oanh tạc tức khắc toàn lãnh thổ Việt Nam, Hoa Kỳ thông báo một lịch trình rút quân ra khỏi Việt Nam trong thời gian rõ rệt và Hoa Kỳ phải thực sự giúp miền Nam đủ mạnh để thương thuyết với miền Bắc chấm dứt chiến tranh Việt Nam. Đài Phát Thanh và báo chí Sài Gòn chửi thầy ra rả thì chúng tôi đâu dám đi gõ cửa từng nhà mà xin ủng hộ tài chính cho trường.

Đầu tháng Mười, 300 sinh viên Thanh Niên Phụng Sự Xã Hội sắp nhập học, thầy Thanh Văn nhắc ba chị em Tiếp Hiện là chị Uyên, chị Mai và chị Phượng làm ơn lên Chùa Lá thầy nhờ ít việc. Có một cơ quan văn hóa tư nhân Hoa Kỳ tên là Asia Foundation sẽ ghé trường thăm và đã bắn tiếng có thể hỗ trợ một số tiền lớn (80.000 dollars) để hoàn tất việc xây cất cư xá cho TNPSXH. Hồi đó tôi ở trong phong trào kêu gọi hòa bình nên rất “dị ứng” với các cơ quan Hoa Kỳ. Tôi hỏi bác Sâm:

– Có thiệt họ là cơ quan tư nhân không bác?

– Sao lại không thật! Cái cô này!

Thế là ba chị em ôm nhau mừng quá đi. Nhớ mới tuần rồi, cuối tháng Chín, thầy Thanh Văn nói: “Chắc phải nhập học thôi, không chần chừ được nữa, nhưng tiền đâu mà nuôi ba trăm người trẻ đây? Tất cả học bổng người ta đóng góp cho các sinh viên này đã bị ban xây cất xin để trả nợ gấp công thợ hồ, tiền xi măng v.v… Lấy tiền đâu mua gạo và thức ăn?” Tôi đề nghị mỗi chị em chúng tôi, từng người, gắng đi xin các ân nhân khá giả của trường, cố thuyết phục họ cho mỗi tháng một bao gạo 100 kí, và chỉ cho như thế trong ba tháng thôi. Ba tháng sau chắc tình trạng sẽ khá hơn. Tôi xin được 17 bao, chị Đỗ Thị Nga tám bao, chị Mai được năm bao và chị Uyên ba bao mà thôi. Nhưng chị Uyên không có mặc cảm gì hết còn chị Mai thì quá rầu:

– Sao mà Phượng hay quá hà, chị Mai không bằng Phượng.

Tôi ôm vai chị và nói:

– Chị là số một rồi, tụi em không ai bằng chị đâu, chị biết lân mẫn với quý ni sư chùa Từ Nghiêm nè, biết chăm sóc quý ni sư nè, chị lên chùa Huệ Lâm giúp ni sư Giác Nhẫn nè… để ai cũng thương “Tiếp Hiện” hết, có đứa nào trong tụi em mà làm được như chị Mai đâu?

Chị nhoẻn miệng cười thật hiền. Trường chỉ có gạo và rau cải héo của cô Ba Tý chợ Cầu Ông Lãnh lạc quyên về cho chúng tôi, mỗi tuần ba xe cam nhông đầy rau cải bắp su hơi héo héo. Chúng tôi chọn ra, nếu bắp su nào còn tươi thì luộc, nếu cũ quá thì làm dưa ăn. Sáng thì cơm với xì dầu, trưa cơm với dưa cải chua kho, chiều ăn rau muống luộc chấm xì dầu. Các em tuổi trẻ mà ăn uống thiếu chất đạm thương quá đi thôi, chúng tôi hỏi thầy Thanh Văn: Mấy người Asia Foundation đã sắp cho tiền xây cất Trường TNPSXH chưa vậy thưa thầy? Thầy Thanh Văn cứ lắc đầu và nói lảng sang chuyện khác. Nhưng vì bị chúng tôi hỏi thăm hoài nên một hôm nọ thầy nói: Thôi, đừng trông cậy họ làm chi, các chị ạ.

Mãi tới một bữa chiều thứ bảy chị Mai đem về bản tin ngắn của Đại Học Vạn Hạnh bằng tiếng Anh có cái gì là Asia Foundation mà lại có tên thầy Nhất Hạnh, tôi đọc xong và bực tức dịch cho thầy Thanh Văn nghe một cột báo nhỏ ghi như vầy: “Trong cuốn Hoa Sen Trong Biển Lửa nhà xuất bản có giới thiệu tác giả Thích Nhất Hạnh như là sáng lập viên của Đại Học Vạn Hạnh, chúng tôi xin minh xác là thầy Nhất Hạnh tuyệt đối không còn dính dáng gì với chúng tôi hết! Ký tên Thích Minh Châu”. A thì ra vì thầy Nhất Hạnh đi kêu gọi hòa bình, kêu gọi hai bên ngưng chém giết nhau, nhân danh những người dân chạy dưới đạn bom và nhân danh đa số đồng bào, tiếng nói của thầy đang có ảnh hưởng lớn ở Hoa Kỳ nên cái cơ quan “văn hóa tư nhân” phải làm mọi cách để phá hoại uy tín đó. Chừng đó thầy Thanh Văn cũng giận và mới bật mí là chính họ cũng ra điều kiện một cách rất nhã nhặn rằng nếu thầy Thanh Văn chịu ký tên trên một tờ giấy nhỏ xác nhận thầy Nhất Hạnh không còn dính dáng gì với TNPSXH nữa thì họ sẽ cho TNPSXH ngay tám mươi ngàn đô la ấy. Chúng tôi thật cảm phục thầy Thanh Văn, còn trẻ mà thấy được mưu đồ của phe chủ chiến, lại còn muốn che chở cho tôi. Biết tính tôi hay nói ngay nói thẳng nên thầy không dám cho tôi biết. Nếu biết họ đòi hỏi như thế, thầy Thanh Văn e rằng tôi có thể tới mắng cho họ một phen thì chuyện gì có thể xảy ra? Thầy bảo chính thầy cũng không dám từ chối ngay, cũng sợ họ ám hại. Thầy chỉ nói: “Chúng tôi sẽ ký và đưa các ông sau.” Nhưng một tuần sau họ tới hỏi thầy cũng khất và khất cả chục lần thì họ hiểu và không hỏi nữa.

Ý nghĩ trường Thanh Niên Phụng Sự Xã Hội phải có nguồn kinh tế tự túc đã nung nấu trong chị Mai và cứ mỗi tuần chị Mai lại có một số ý kiến xây dựng kinh tế tự túc. Tuần này chị đề nghị mấy chị em mình đi mua xà bông bột giặt, mua sỉ và chia ra từng bao nhỏ và khi đi thu tiền học bổng thì bán cho cô bác (bề gì họ cũng phải mua xà bông xài) để lấy lời cho trường. Tuần sau chị bảo mình mua gạo giá sỉ, từng bao 100 kí về chia ra bán lẻ cho các ân nhân cho tiền trường để lấy lời… Chị Uyên và chúng tôi không thích lắm nhưng vẫn chiều chị mà không vui. Rồi một hôm chị đề nghị:

– Chúng mình sẽ đi xin tiền thầy Quảng Liên, thầy giàu lắm, Phượng biết không?

Tôi dẫy nẩy nói:

– Không! Không! thưa chị của em. Em biết thầy giàu rồi, nhưng em đố chị xin được thầy.

Ai dè mấy tuần sau chị hớn hở báo tin thầy cho 20.000 đồng, hơn tiền 30 học bổng toàn phần (600đ/tháng). Chừng đó chúng tôi mới phục chị thật lòng và rất áy náy sám hối trong lòng về ý nghĩ sai và nông cạn của mình về thầy Quảng Liên chứ không phải vì được 20.000 đồng. Xưa nay thầy Quảng Liên không thích thầy của chúng tôi lắm. Như hồi ở chùa Ấn Quang năm 1961, chúng tôi chạy sát theo thầy Nhất Hạnh học hết lớp này tới lớp khác, mà không đứa nào chịu đi học với thầy thì thỉnh thoảng thầy có trách! Giờ đi xin tiền, chắc thầy không cho đâu. Thầy Quảng Liên quả thật là người ân lớn của chúng tôi lúc ấy, và với số tiền đó, các em TNPSXH làm rất nhiều chương trình kinh tế tự túc như trồng nấm rơm, trồng cải dưa bán Tết – mỗi lần hái mấy chục ký luôn. Đó là nhờ “Tổ” kinh tế tự túc là chị Mai!

Ngày nhập học, các em nam TNPSXH chiếm hết chánh điện Chùa Lá, nằm đầy cả hành lang vì trong cư xá mới chỉ xây xong có năm phòng của 40 phòng cần hoàn tất. Bên nữ thì chiếm hết dãy nhà lợp tôle của ba chị em nữ Tiếp Hiện chúng tôi. Chiều thứ bảy, như thường lệ, tôi ôm túi vải đựng các thứ cá nhân về Chùa Lá tu tập 24 giờ chánh niệm như mọi hôm thì không còn chỗ để ngả lưng. Nghe tiếng các em tíu tít, nằm đầy cả phòng nghỉ và ngủ của ba chị em, chúng tôi chỉ tập họp lại tụng kinh và thuyết 14 giới. Xong, anh chị em ăn chiều rồi ngồi pháp đàm với thầy Thanh Văn và chờ đến tối, đến giờ mọi người lên ngồi thiền tụng kinh chung với các em rồi các anh chị Tiếp Hiện ai về nhà nấy.

Chúng tôi quyết định mỗi người về xin tiền gia đình để chung lại, cất một chỗ tĩnh tu cho riêng chúng Tiếp Hiện chủ trì để có đủ năng lượng lo cho TNPSXH. Chị Mai ngồi im không đồng ý, chị nói nếu xin được tiền chị sẽ cho Trường TNPSXH chứ không xây chỗ tĩnh tu cho mình. Đạo Phật đi vào cuộc đời thì hành động nào cũng là vừa làm vừa tu. Chị Mai thì chắc lúc nào cũng có đủ nội lực, đủ bình an bên trong nên chị chỉ lo bên ngoài. Riêng tôi và chị Uyên thì rất đồng ý là mình phải có chỗ tĩnh tu. Mỗi tuần phải luyện NGƯNG hết những hoạt động bên ngoài để có dịp tiếp xúc với chút bình an, chút vững chãi, chút sáng suốt của mình mà tiếp tục bao nhiêu hoạt động bức xúc khác. Giải thích mấy chị cũng khó chấp nhận. Nhưng cuối cùng chúng tôi cũng có được dãy nhà lá, vách cây, chia ra làm 7 phòng 2,2mét x 3mét và 1 mét hành lang phía trước. Sáu phòng cho 6 người Tiếp Hiện đầu tiên và 1 phòng dành cho khách. Mỗi phòng có cửa sổ rộng mở ra bìa rừng tre làng Phú Lộc. Pphòng của chị Uyên và tôi thì lúc nào cũng có những bó hoa dại nhỏ xíu hái ngoài đồng với vài lá tre. Phòng chị Mai thì lúc nào cũng rất cổ điển: bàn thờ có hình Phật bằng giấy kim tuyến vàng bạc lấp lánh, có hào quang màu vàng màu cam màu đỏ thật vui mắt. Trên tường là hình hòa thượng Quảng Đức, trọn bộ tám hình. Trên bàn Phật là bình hoa đỏ chói bằng nhựa có lá xanh cũng làm bằng nhựa nylon. Trên tường treo nhiều bức tranh và trên giường mền gối nào cũng có áo gối bọc bằng satin hồng và được phủ lên bằng chiếc khăn lông vàng theo lối các ni sư. Chị Mai rất hài lòng phòng của chị, còn chị Uyên và tôi cũng rất hài lòng phòng của chúng tôi. Trong phòng tôi ngoài cái bàn viết và một vài cuốn kinh, tôi chỉ có một chiếc giường tre đơn giản, trên trải một manh chiếu trắng mỏng; không có gối, không nệm chỉ có chiếc mền thật nhẹ màu rừng tre.

Bữa nọ vào phòng tôi chơi chị Mai trách phòng gì mà buồn quá, không có tranh ảnh gì hết. Nhưng nhìn kỹ, chị Mai mới thấy được một chiếc ảnh nhỏ xíu, phong cảnh một cái hồ bên rừng cây đính trên vách ván. Hình cách mặt đất chỉ có ba tấc. Và trên góc sát tường gần kề bên giường vừa tầm mắt tôi là ba cái bưu họa đều là hình trẻ thơ đang rưng rưng khóc. Chị ngạc nhiên: Phượng trưng bày gì mà kỳ vậy? Hình trưng bày lại dán tuốt dưới đất hoặc ở sát góc giường, không cho ai được thấy chi cả. Tôi chỉ mỉm cười im lặng. Tôi muốn được hoàn toàn trở về với thế giới bình an nhất của tôi, chỗ này đâu phải chỗ tôi tiếp khách. Nhưng biết nói chị cũng không hiểu nên tôi im lặng và chỉ cười.

 

TNPSXH bị mưu sát hay thầy Nhất Hạnh bị mưu sát

Thầy Nhất Hạnh được trường Đại Học Cornell ở Ithaca, New York, Hoa Kỳ mời đi hội thảo và xin thầy góp ý về chính sách của Hoa Kỳ tại Việt Nam. Thầy đi ngày 11 tháng 05 năm 1966 thì đêm 16 tháng 05 năm 1966 có ba người lạ mặt vào chính điện Chùa Lá, thảy ba trái lựu đạn và bắn một tràng tiểu liên. Em Lê Văn Vinh bị vỡ sọ, óc rớt ra ngoài. Nhờ đem vào bệnh viện cứu sống kịp thời, em không chết nhưng vẫn phải bị liệt hai chân. Một trái lựu đạn khác bị người lạ mặt chọi vào phòng mà trước đó thầy Nhất Hạnh vẫn nghỉ và ngủ nơi đó. Nhờ phòng có màn nên trái lựu đạn bị bật ngược ra ngoài làm em Nguyễn Tôn bị thương ở mông nhưng không sao. Nhìn em Vinh thoi thóp trong bệnh viện không biết sống chết ra sao, tôi không khóc nổi! Đau đớn như bị ai xé từng tế bào cơ thể tôi. Tại sao con người lại có thể nhẫn tâm với nhau vậy? Nhất là các em tôi chỉ tình nguyện đi phụng sự đất nước bằng tình thương, trách nhiệm, và tự nguyện? Tôi thầm lạy Phật cho những người chủ tâm cầm lựu đạn ném vào người tay không vì thấy được thái độ không thù hận, không họp báo chửi mắng của chúng tôi mà tỉnh ngộ, không còn quấy nhiễu chúng tôi nữa. Hai tháng trôi qua, rồi năm tháng, bảy tháng và gần một năm trôi qua, chúng tôi sống bình yên. Tai nạn của Lê Văn Vinh khiến rất đông đồng bào thương mến. Họ tới cho gạo, cho dầu, cho tương chao rau cải và đóng góp tài chánh, tuy ít ỏi nhưng khá nhiều người đóng góp nên chúng tôi trả tạm bớt nợ xây cất cũ và hoàn tất được 15 phòng còn lại ở cư xá sinh viên. Giảng đường, thư viện của các em, giếng nước đóng cung cấp nước cho toàn trường hơn 300 người cũng được thực hiện hoàn mãn.

Gần một năm sau, khi phòng ốc Trường TNPSXH đã xây cất xong, anh chị em sinh viên vừa làm kinh tế tự túc trồng nấm rơm, trồng rau, dưa…, vừa vào thời khóa học tập rất hứng khởi, tuy sáng vẫn ăn cơm trắng với xì dầu, trưa vẫn chỉ ăn cơm với dưa cải kho và chiều cơm rau luộc cũng chấm xì dầu. Không khí học tập hào hứng, đầy tình đệ huynh. Chiều nào cũng có chương trình nhạc thơ phụng sự xã hội. Sáng từ sáu đến bảy giờ rưỡi là công tác kinh tế tự túc, trồng rau cải, ủ rơm và phân bò để lấy phân trồng đậu, trồng dưa để ăn và để bán. Các em biết ủ meo nấm rơm để nuôi nấm rơm rất nhiều hầu bán gây quỹ mua những thứ cần dùng khác. Từ tám giờ rưỡi đến mười một giờ rưỡi là học lý thuyết, chiều từ 14 giờ đến 16 giờ thì đem những bài học ra ứng dụng trong đời sống hằng ngày và tối là văn nghệ tu học trước khi tham thiền tối và đi ngủ. Bác Nam Đình, chủ bút nhật báo Thần Chung đã được chị Mai mời tới thăm trường. Bác quá cảm động và đã viết một bài báo ca ngợi cho rằng “chỉ có Trường Thanh Niên Phụng Sự Xã Hội mới là một phong trào thật sự vì dân mà đứng lên, được hơn 3.000 gia đình Việt Nam đóng góp tài chính để nuôi dưỡng họ và đang đi về những thôn làng nghèo khổ mà giúp dân. Không cần phải có những khoản tài trợ khổng lồ của người nước ngoài”.

Bài của nhật báo Thần Chung được đăng chưa đầy một tuần thì ngày 24 tháng 4 năm 1967 vào lúc trời vừa tối, có những người lạ mặt đến thảy hơn mười trái lựu đạn vào cư xá nữ và phòng học sát Chùa Lá Pháp Vân khiến cho nữ tác viên Trần Thị Vui và giáo sư Trương Thị Phương Liên từ Quảng Ngãi vào thăm bị tử nạn, 16 nữ sinh viên bị thương và cô Bùi Thị Hương nát hết bàn chân, phải cưa mất chân trái gần đến gối. Các nữ sinh Diệu, Út, Mai, Minh Nguyện, Lành, Kỷ và Kê đều bị thương nặng nhưng may quá, trị thương một thời gian thì qua khỏi.

Thi hài của Trần Thị Vui và Trương Thị Phương Liên quàn ở Trường nên chúng tôi quyết định làm tang lễ truy điệu năm ngày sau. Chúng tôi định mời thật đông quan khách để có dịp trình bày lập trường của Trường Thanh Niên Phụng Sự Xã Hội. Thầy Thanh Văn bắt tôi viết dùm cho tăng thân bài diễn văn để đến ngày truy điệu thầy thay tăng thân đọc trong tang lễ. Tôi đã viết dùm cho tăng thân như sau: Chúng tôi không xem các anh, những người ném lựu đạn để giết các bạn chúng tôi, là kẻ thù. Bởi vì chúng tôi thấy rõ rằng kẻ thù chúng tôi không phải là con người, không phải là các anh, những vị đã sát hại anh chị em chúng tôi. Kẻ thù chúng tôi là cái thấy sai lệch của các anh về chúng tôi và các anh đã quyết tâm giết những cái hình ảnh ghê tởm trong đầu các anh về chúng tôi. Thật ra chúng tôi không ghê gớm như vậy, chúng tôi chỉ có một ước vọng rất bé nhỏ là giúp các cháu ở nhà quê có trường học, các bệnh truyền nhiễm được chặn đứng nhờ các bác nông dân biết phép vệ sinh. Với những hiểu biết về canh nông chăn nuôi chúng tôi chỉ mong giúp gà vịt ít chết toi, canh nông y tế được phát triển để người dân quê nghèo khó được nhờ. Nếu biết rõ chúng tôi chỉ có chừng ấy tham vọng chắc các anh cũng thương mà giúp đỡ chứ nỡ nào ném lựu đạn vào những thanh niên thiếu nữ không có một chút vũ khí trong tay? Chúng tôi lạy Phật cho tất cả mọi người thấy rõ rằng dù phải mất mát nhiều quá trước cái chết và thương tích của các bạn thân thương, chúng tôi xin tuyên bố không hờn trách các anh mà chỉ mong các anh hiểu được chúng tôi và giúp chúng tôi hoàn thành ước mơ khiêm tốn này. Bài diễn văn khiến quý thầy trong Hội Đồng Lưỡng Viện Hóa Đạo và Tăng Thống quá cảm động và hết lòng giúp đỡ. Hòa Thượng Thiện Hòa thương và khen: “Các con có thiệt tu, thầy quý lắm. Các con cần gì cứ đến nhờ thầy.”

Sau đó hai tháng, vào ngày 14 tháng 6 cũng năm 1967, tám người TNPSXH bị bắt đi mất tích ở Bình Quới Đông. Chiều hôm đó tôi có mặt tại đây. Thấy cảnh ngôi đình mát mẻ, cây cối quá xanh tươi, sư chú Nhất Trí, đệ tử xuất gia của thầy kèo nài tôi ở lại ủng hộ tinh thần phụng sự của anh em, tôi đã hơi xiêu lòng định ở ngủ lại đêm. Khi tôi đang chuẩn bị tìm chỗ nghỉ đêm thì linh tính báo tôi biết là má tôi sẽ rất lo, má sẽ không ngủ được nếu tối nay tôi không về. Nghĩ như thế nên tôi đã khất với chú Nhất Trí là sẽ tới ngủ lại đây đêm hôm sau vì tối nay phải về nhà xin phép má. Không ngờ tám anh chị em TNPSXH ngủ đêm trong đình Bình Quới Đông đã bị bắt đi mất tích ngay đêm ấy. Chúng tôi đi từng đồn lính quốc gia để hỏi thăm, từng nhà nông dân các khu lân cận để cố tìm nhưng không cách gì tìm ra tông tích.

Chưa đầy ba tuần sau, ngày 5 tháng 7 cũng năm 1967, tại xã Bình Phước, lại năm anh em TNPSXH bị một toán người lạ mặt đến uy hiếp, bắt trói tay và dẫn ra bờ sông. Họ bắn cả năm anh em ngã gục bên bờ sông, bốn người chết, còn một người sống sót là sư chú Hà Văn Đính. Sư chú bị bắn trước, máu ra nhiều quá nên họ tưởng đã chết, không bắn tiếp lần thứ hai như đã bắn bốn vị kia, nhờ thế mà chúng tôi được nghe rõ tỉ mỉ câu chuyện. Thái độ người bắt anh em TNPSXH rất hiền nên các anh em không nghĩ là sẽ bị giết. Thấy họ dẫn ra bờ sông anh em nghĩ là sẽ chờ thuyền đến chở đi. Ai ngờ bỗng nhiên anh trưởng đoàn đến sờ đầu em Võ Văn Thơ 18 tuổi và hỏi: Có phải các anh là Thanh Niên Phụng Sự Xã Hội không? Khi nghe anh em xác nhận là phải, thì họ lại sờ đầu thêm lần nữa và nói: Chúng tôi rất tiếc nhưng chúng tôi buộc lòng phải giết các anh. Và họ bắn tức khắc, bắn lần thứ hai rồi bỏ đi.

Sáng hôm đó tôi đi thăm anh em, chưa đến nơi đã thấy Diệp Lân Hải đi xe máy ngược lại và chặn đường báo tin bốn bạn đã chết, Hà Văn Đính đang nằm bệnh viện và xác Hy, Tuấn, Thơ và Lành đang nằm bên bờ sông Bình Phước. Chiếc xe mobylette đưa tôi đến tận bờ sông để nhìn xác bốn em nằm sõng soài, mắt vẫn còn trợn trừng, máu như còn trào ra ở khóe miệng, có vẻ thật đau đớn. Các em đau đớn là phải, vì không hiểu tại sao mình bị giết trong khi trái tim mình đầy ắp lòng yêu thương, tay không có một tấc sắt. Đầu tôi quay cuồng tự hỏi: Bất bạo động là gì? Thầy nói: “Là khi tâm mình tràn ngập yêu thương, muốn cho tất cả mọi người bớt khổ, không bao giờ muốn làm cho ai đau đớn dù người đó đang hãm hại mình. Trong ước mong lớn lao muốn chấm dứt khổ đau mà không hại người khác, người bất bạo động tự nhiên có sáng kiến nên làm như vầy, nên nhịn ăn tới chết, hay nên không hợp tác, hay nên tự thiêu cúng dường”. Các em TNPSXH của tôi đang “thiêu đốt” tuổi trẻ các em để cúng dường cho đồng bào bất hạnh, nhưng chưa làm được gì đã bị bắn chết oan ức như thế. Tuyệt vọng tràn ngập tận xương tủy tôi. Thà tôi nằm chết như các bạn, chắc có lẽ sẽ đỡ khổ hơn!

Cách đây hơn 2 tháng, khi Liên và Vui nằm xuống, chúng tôi đã tuyên bố rồi, trong bài diễn văn trước gần 10 ngàn người trong tang lễ của hai em, rằng kẻ thù chúng tôi chỉ là cái thấy sai lầm của các anh về chúng tôi, chúng tôi hy vọng trái tim thương yêu của chúng tôi bộc lộ trong lần chết của Liên – Vui đủ để những người sát hại thấy rõ mà hiểu và thương chúng tôi hơn. Nhưng họ vẫn bắt cóc tám người bạn thân yêu, vẫn sát hại bốn người con trai vô tội như vầy thì tôi chịu hết nổi! Chúng ta “nói” đến Từ Bi Hỷ Xả rất dễ, nhưng khi bạn có dịp đứng trước những xác chết của những người con trai con gái trong tuổi thanh xuân, không chạy theo những thú vui trần thế, trái tim thơm mùi yêu thương, tận tụy vào những thôn làng xa, giúp người dân quê nghèo đói nâng cao đời sống của họ mà vẫn bị thảm sát một cách tàn nhẫn như thế thì chúng tôi mới thấm thía: Tu thật là khó, thương được những người như vầy, thương được người chủ tâm sát hại mình, thật là khó. Tôi chỉ biết trở về hơi thở và cố gắng không bi lụy để gánh gồng phụ với thầy Thanh Văn. Thầy lại nhờ tôi: Chị viết dùm diễn văn trong tang lễ truy điệu nhé. Trong tôi như có sự phản kháng lớn, tôi chỉ muốn thét lên: Không, không, không! Tôi không viết được đâu. Chúng ta đã nói rồi, chúng ta tập không thù hận những người sát hại Liên, Vui; chúng ta đã chỉ mong họ thấy rõ chúng ta không tệ như họ tưởng bằng thái độ hiểu biết của chúng ta. Càng suy nghĩ tôi lại càng rối rắm thêm. Chỉ còn một cách làm như chúng tôi vẫn làm trong ngày chánh niệm là bỏ hết những suy tư khổ đau rối rắm đó sang một bên và theo lời Phật dạy chỉ trở về với hơi thở, bám lấy hơi thở, sống trọn vẹn với những việc làm trong phút giây hiện tại. Đi thì chỉ để tâm tới bước chân, ăn thì chỉ nhìn sâu và thấy kỹ những gì tích cực trong chén cơm ấy, bỏ hết những tâm nghĩ suy đi ra xa hơn cái không gian và thời gian của phút giây hiện tại và để tâm được bình an hơn. Khi tâm bình an hơn thì hy vọng mình sáng suốt hơn và biết phải làm gì, sẽ làm gì. Bốn ngày liên tiếp, tôi chỉ trở về sống với những công việc hiện tại mà tăng thân nhờ tôi làm. Chạy đi mua bì thư, đi quay ronéo thư mời, bỏ bì thư thơ mời quan khách, tâm chỉ bám vào chuyện bỏ thư vào bì thư mời dự tang lễ. Biên thư, mời bao nhiêu quan khách quen biết, chạy lên cầu cứu với thầy Thiện Hòa, Thiện Hoa, chạy lên các chợ Cầu Muối, chợ Tân Định nhờ cô bác lo giúp chuyện này và chuyện kia. Đêm về, khi mọi người tạm yên giấc ngủ, tôi vào chánh điện ngồi thiền một thời gian rồi đứng dậy đi chậm rãi quanh chùa. Tôi không biết vậy là đi thiền hành nhưng tâm tôi chỉ tùy tức nghĩa là bám lấy hơi thở ra, thở vào như là đang ngồi thiền định. Không dám suy nghĩ gì hết và cũng không biết sẽ viết gì cho thầy Thanh Văn đọc trong tang lễ sắp tới. Bốn đêm liên tiếp, đêm nào tôi cũng nghĩ là đêm nay, có thể tôi sẽ có sáng kiến, nhưng cũng không có. Rồi đêm mai, rồi đêm mai nữa cũng không có ý gì cả, tôi cũng vẫn đi im lặng quanh chùa cho đến mệt nhoài thì mới ngả ra chợp mắt được chút ít.

Đêm thứ tư, trong khi ngồi thiền chợt trong tôi loé lên câu nói của chú Hà Văn Đính. Chú thuật rằng, họ sờ đầu anh em hai lần và lần thứ hai thì nói rất nhanh: “Tôi rất tiếc, nhưng tôi buộc lòng phải giết các anh!” Tại sao giết người ta mà nói rất tiếc? Thế có nghĩa là họ không muốn giết, không nỡ giết? Thế có nghĩa là lời tuyên bố hai tháng trước đã chạm vào mối từ tâm trong lòng họ rồi. Nhưng thời buổi chiến tranh, nếu cấp chỉ huy ra lệnh mình phải đi thủ tiêu ai đó mà mình từ chối thì âm mưu cấp chỉ huy bại lộ. Chỉ huy phải thanh toán mình thôi. Nếu được lệnh giết người mà vì lòng từ bi, mình không nỡ giết những người con trai vô tội này thì mình sẽ bị thủ tiêu. Nếu không tuân lệnh, mình bị giết thì ai lo cho vợ con mình đây? Khi thấy được thế khó xử của những người sát hại bốn anh em bên bờ sông, tôi hiểu hơn và thương họ được. Tôi cầm bút lên viết bài diễn văn Truy Điệu trong tang lễ: Cám ơn các anh đã nói lời dễ thương là Chúng tôi rất tiếc, nhưng chúng tôi buộc lòng phải giết các anh. Những lời ấy chứng tỏ các anh BỊ BẮT BUỘC phải giết các bạn chúng tôi. Nếu không vâng lời cấp chỉ huy, các anh có thể bị giết. Rồi ai lo cho vợ con các anh? Chúng tôi hiểu và nhờ thế vẫn không thể thù hận các anh. Kẻ thù chúng tôi vẫn là cái thấy sai lạc của cấp chỉ huy của các anh về chúng tôi. Chúng tôi lạy Phật cho lần này cấp chỉ huy của các anh sẽ hiểu hoặc ít nhất các anh sẽ hiểu và chúng tôi tin là bằng mọi cách, các anh sẽ giúp chúng tôi vượt ra khỏi những khó khăn này. Quan khách ai cũng chảy nước mắt khi nghe bài diễn văn của thầy Thanh Văn đọc. Các vị linh mục, mục sư, các thầy trong Giáo Hội, quan khách thân hữu thân tả đều thương mến và quyết lòng che chở. Và kể từ ngày đó TNPSXH không còn bị sát hại nữa.

Xong tang lễ Hy – Tuấn – Thơ – Lành, thấy bà con thương Trường quá, đã về dự tang lễ quá đông và ủng hộ hết lòng nên lòng chúng tôi đã giảm bớt đau thương.

 

Lặng lẽ chuẩn bị cho sự hy sinh

Trưa đó là trưa thứ bảy, chúng tôi về Chùa Lá Pháp Vân tu tập chánh niệm như thường lệ. Trong buổi ăn trưa, thầy Thanh Văn nói: Được thương cũng khổ và bị ghét cũng khổ. Chắc tại lúc sau này báo chí khen mình quá, người ta ganh tị, người ta giết mình chứ gì. Chợt một em TNPSXH nói đùa chọc chị Mai: Thôi chắc tại chị Mai viết mấy bài báo trên nhật báo Thần Chung, ký tên là Nhất Chi hay quá, khen TNPSXH quá, mà họ ghét chứ gì. Ai nấy đều cười, chỉ có chị Mai là buồn. Chiều đó có Mai Sa và Tài tụng giới chung với mình. Tuần này đến phiên chị Mai thuyết giới. Khi đọc đến giới thứ 12: “Ý thức rằng giết chóc đem đến khổ đau, con quyết tâm không giết hại, con không tán thành sự chém giết, con sẽ làm mọi cách có thể để bảo vệ nhân mạng”. Giọng chị Mai lạc hẳn đi. Và từ đó đến giới thứ mười bốn chị Mai không đọc được đĩnh đạc như trước đó nữa. Giọng chị khúc mắc khó nghe. Sau này Mai Sa nhắc lại và tôi cũng nhớ những sự kiện đó và mới nghĩ rằng: Có thể chị Mai quyết định hy sinh cho hòa bình từ lúc ấy. Tôi cũng còn nhớ thuyết giới xong, chị xếp kinh lại thì chị Uyên nói:

– Chị Mai bữa nay làm “xao“ ấy!

Tôi cũng hỏi:

– Hình như bữa nay chị Mai không bình tĩnh lắm, chị Mai có sao không?

Chị chỉ cười và xin về phòng sớm. Suốt hai tuần lễ kế tiếp, chị Mai không về chùa tu. Mẹ chị Uyên và má của tôi cũng không muốn chúng tôi về chùa vì sợ “ăn lựu đạn”. Nhưng các anh chị Tiếp Hiện đều nhỏ nhẹ nhưng cương quyết giải thích cho gia đình nên năm anh chị em Tiếp Hiện vẫn về chùa đầy đủ để tĩnh tu, trừ chị Mai. Tôi vẫn nghĩ: Chắc là hai bác ba má chị Mai cũng sợ như má tôi, mẹ chị Uyên hay một số cha mẹ các em TNPSXH khác nên có một số nhỏ, không dám cho con đi con đường này nữa. Ít có ai mà như ba của em Hy. Khi thấy quan tài bốn em nằm bốn cái song song, tôi rất khổ tâm, tự hỏi nếu mà gia đình các em Hy, Tuấn, Thơ, Lành vào thăm và bắt đền mình vì sao mà để cho con họ bị ám sát như vầy thì tôi biết ăn nói làm sao. Khi ba của em Hy từ Quảng Nam vào Sài Gòn thăm xác con, bác ôm quan tài mà khóc: “Ôi con ơi, con chết đi thì lấy ai đi phụng sự xã hội? Ba rất tiếc, ba không còn một đứa con trai nào hết để tiếp tục đi phụng sự xã hội thay cho con!” Tôi sững sờ chảy nước mắt muốn sụp lạy bác, ôi lý tưởng của chúng tôi nếu có một người như bác thôi cũng đủ đem nắng ấm và mây hồng cho mùa đông lạnh lẽo tình người này, tất cả chúng tôi thật ấm lòng và thêm lớn niềm tin. Còn má tôi hay mẹ chị Uyên thì chưa được như thế. Thấy chị Mai bỏ ngày tu hằng tuần, tuy không nói ra, nhưng trong lòng tôi không vui. Tôi nghĩ ba má chị Mai không cho chị về tu thì ít nhất chị cũng cho chúng tôi biết chứ. Ngày 13 tháng 05 năm 1967 là thứ bảy. Khi tôi đang ngồi yên trước cửa sổ phòng tĩnh tu, nhìn ra rừng – tôi đang thở thì chị Uyên gõ nhẹ vào cửa, báo tin chị Mai mới tới, chị Uyên reo to:

– Ui chao, chị Mai mặc áo tím có kim tuyến trông rất đẹp, tóc bới cao cài trâm như sắp đi dự lễ hội. Chị lại đem theo một mâm bánh chuối rất lớn để đãi mọi người.

Tôi bước ra khỏi phòng, cười liến thoắng:

– Lý do gì mà chị Mai bỏ đi tu ngày chánh niệm hai tuần liên tiếp, ý gì mà mặc áo đẹp, mà vấn tóc cao, mà đem bánh vào đãi mọi người? Chị Mai sắp báo tin có ai “chạm ngõ” phải không?

Các em TNPSXH ồ lên:

– Có thể lắm, có thể lắm.

Chị Mai chỉ im lặng và cười. Chị mời mọi người ăn bánh rồi hối hả đi thăm Lê Văn Vinh, xuống bếp thăm dì Tư, thăm từng em sinh viên. Xong, trước khi lên xe chị đến nắm tay tôi và nói:

– Thứ ba, Phật Đản, Phượng đến chùa Từ Nghiêm lúc bảy giờ nhé để dự lễ với chị Mai.

Tôi lại nhăn mặt hỏi:

– Lễ chi mà sớm vậy chị Mai? Với lại mình tu mỗi tuần một ngày tại Chùa Lá của mình là đủ rồi, em đâu có thì giờ để đi những lễ lượt Phật Đản đông đúc người ở chùa Từ Nghiêm.

Chị vẫn năn nỉ:

– Thôi mà, đi một chút với chị Mai mà, vui lắm, Phượng nhớ đi nghen!

Tôi lại bực, nghĩ tánh cũ của chị Mai vẫn thế, chị ưa làm gì, dù chúng tôi chẳng thích, cũng cứ kèo nài bắt làm theo cho bằng được, giống như việc bán gạo và bán xà bông. Tôi càu nhàu ra mặt:

– Thôi mà! Chị Mai đi chùa Từ Nghiêm dùm em, đừng bắt em đi, em đâu có thì giờ dự các lễ lượt đông đảo đó.

Chị nhìn em thật buồn và nói:

– Phượng không đi thì thôi, đừng quạu thế.

Và chị ra về. Tôi hơi mắc cỡ, định bụng thứ ba thế nào cũng gắng ghé qua chùa Từ Nghiêm cho chị vui, nhưng chiếc áo kim tuyến, chiếc bánh tặng mọi người khiến tôi hơi hờn nên sáng đó thứ ba ngày 16 tháng 5 năm 1967 là ngày Phật Đản tôi vẫn chưa muốn đi. Cho đến khi Ngọc, TNPSXH đến nhà tôi, báo tin chị Mai đã tự thiêu ở phía trước chánh điện chùa Từ Nghiêm, ở ngoài hành lang. Tôi sững sờ ngồi yên thật lâu, không nói được một lời. Bỗng tôi đứng dậy nói rất bình tĩnh: Chị Mai tự thiêu cho hòa bình rồi. Má tôi ngồi nghe im lặng rồi bỗng bật khóc thành tiếng: “Trời ơi sao nó bất hiếu vậy. Cha mẹ già còn đó mà nó làm như thế là nó giết mẹ giết cha“, má tôi vừa khóc vừa nhìn tôi. Tôi biết má tôi khóc và nói thế nhưng trong lòng không thật trách móc gì chị Mai đâu. Má tôi muốn nhắc khéo cô con gái nam nhi, chỉ biết ăn lý tưởng mà sống của má, có thể sẽ theo gót chị Mai. Tôi im lặng, mặc áo dài ra xe đi vì còn nhiều việc cần làm gấp. Nhưng tối hôm đó về nhà, tôi thuật cho má nghe chuyện chị Mai đề nghị mười đứa đi mười thành phố để mổ bụng và tôi đã bác bỏ như thế nào. Khi đó má tôi mới yên lòng.

Nhất Chi Mai tự thiêuThì ra sau cái chết của Thơ, Tuấn, Hy, Lành, khi tụng giới, chị đã quyết định thiêu thân cúng dường cho hòa bình và hai tuần liên tiếp là hai tuần chị muốn ở nhà chơi với ba má, dành cho cha mẹ những giờ phút êm đẹp nhất của người con hiếu thảo và cũng trong hai tuần chị lặng lẽ chuẩn bị cho sự hy sinh. Những bức thư để lại chị chép thành mười bộ, nhưng cảnh sát công an đã tịch thu hết. Bản duy nhất còn lại là bản của em Ngọc đem tới nhà cho tôi. Sau khi đọc xong tất cả những bức thư của chị, việc tôi làm đầu tiên là lấy xe hơi, lái đến nhà thăm hai bác ba má chị. Con đường vào nhà chị Mai thiên hạ đã nhốn nháo cả lên, nghe nói ai đó báo tin nên từ sáng đến giờ bác gái xỉu hai lần rồi. Khi tôi vừa bước vào nhà, hai bác đã ôm tôi và òa lên khóc to, tôi mời hai bác ra xe để chở đến chùa Từ Nghiêm. Đến nơi, hai bác vừa xuống xe, tôi nhờ các bạn đi tìm Mai Sa ra cho tôi gặp riêng, căn dặn bảo mật mấy bức thư của chị (hồi này ở Việt Nam chưa có máy photocopy) và nhờ em Mai Sa và Tài dịch ra Anh Văn. Xong tôi thấy cần phải đi ngay để báo tin sự hy sinh của chị cho hàng trăm hàng ngàn người được biết. Tôi đi thông tin cho các nhật báo lớn nhưng biết chắc là tất cả đều sẽ bị kiểm duyệt, tôi xin gặp cho được bác Nam Đình là chủ bút nhật báo Thần Chung để xin bác tìm mọi cách phổ biến.

Tôi không dám vào chùa. Tôi không dám đến gần để nhìn chị. Tôi tự nhủ là đáng lý xác tôi phải nằm kề bên chị mới phải. Tại sao tôi còn đây? Tôi đi tiếp xuống chợ Cầu Muối, tới tận sạp bán cau của cô Ba Tý, tới nắm tay cô Ba và nói: “Chị Mai của con tự thiêu cho hòa bình rồi cô Ba ơi, chị con chết rồi, ở chùa Từ Nghiêm”. Nói xong tôi mới oà ra khóc thành tiếng. Từ hồi sáng sớm đến bây giờ mắt tôi ráo hoảnh, như đông đá, khi bác gái má của chị xỉu, ba chị ôm tôi khóc, tôi cũng không có được một giọt nước mắt. Trong góc chợ tối tăm của sạp bán cau tôi oà ra khóc, ôm cô Ba Tý mà khóc như một đứa trẻ con. Cô Ba la hoảng lên: Trời ơi, thiệt không cháu? Cô Diệu Huỳnh đó hả cháu? Trời ơi (cô Ba khóc lớn). Thế là cả chợ xôn xao. Cô Ba Tý chỉ là một bạn tiểu thương bán cau nhưng cả chợ không ai là không kính nể cô Ba vì đức độ. Đêm hôm khuya khoắt, ai sốt, ai bị kinh phong, ai trúng gió, thiên hạ đều cầu cứu cô Ba. Cô có cái muỗng và chai dầu cạo gió để sẵn trong túi, cô không bao giờ từ chối giúp bất cứ ai. Ở chợ ai bị hoạn nạn, cô cũng kêu gọi chị em bạn hàng chung sức giúp. Vì thế khi cần gì chúng tôi chỉ cần đến thưa với cô Ba. Cô chỉ “hô “lên một tiếng là mọi người nghe theo. Trường TNPSXH cả năm nay sống sót là nhờ mỗi tuần nhận được hai xe cam nhông rau cải, su bắp, su hào, cải củ, khoai lang, dưa leo xà lách (loại bắt đầu héo, bán sỉ e khó ai chịu mua). Ba trăm anh em TNPSXH là khách hàng sử dụng đúng mức các thực phẩm không tốn tiền ấy. Cô Ba lau nước mắt và tiễn tôi ra đầu chợ, căn dặn: Con đi trước, cô Ba sẽ tới chùa liền. Cô đưa tay vẫy vài anh xe lam, xe ba bánh gắn máy đậu gần đó, nói nho nhỏ với họ vài tiếng là đã thấy họ nổ máy chở một số các vị anh chị của chợ Cầu Muối cùng với cô Ba lên đường đến chùa Từ Nghiêm thăm chị Mai. Mới đợt đầu mà đã có ít nhất năm chiếc xe lam, bảy chiếc xích lô máy sẵn sàng chở không công cho các vị có ảnh hưởng trong chợ. Mấy vị này vừa đi vừa khóc:

– Trời ơi ! Cô Út Diệu Huỳnh dễ thương lắm, tốt lắm! Tức quá!

– Trời ơi, sao đánh giặc làm chi mà đánh hoài cho cô Út cô phải tự thiêu để đòi hỏi hòa bình vậy nè!

Hàng nào trong chợ cũng đầy người quá cảm động khi nghe tin, họ thốt lên những câu tương tự như nhau :

– Trời ơi, con nhà giàu học giỏi như vậy mà người ta còn hy sinh cho hòa bình, mình là cá chốt lòng tong mà cũng sợ chết, sợ bị bắt không dám hy sinh sao?

Bác Thiếu Sơn, bác Nam Đình và vài người bạn lão thành đến thăm chị Mai lần chót trong chùa. Vừa thấy tôi, bác đến gần và chỉ kịp kêu: Cháu! Rồi hai giọt nước mắt lăn dài trên má. Bác lấy khăn lau rồi chẳng nói chi cả. Nhưng nhìn bác, nhìn những bậc đàn anh kỳ cựu yêu nước, cảm động trước cái chết của chị Mai tôi không lấy gì làm ngạc nhiên. Chuyện khiến tôi lạ lùng là cái bà chủ nhà in đã từ chối giúp tôi in những tài liệu chống chiến tranh cũng có tới lạy chị và khóc rồi đến nói nhỏ với tôi là từ đây khi cần in gì, cứ cho bà biết, bà sẽ lo! Có nhiều vị chức sắc trong chính quyền miền Nam cứ từ từ tìm cách liên lạc và muốn làm việc với mình, muốn giúp mình triệt để để chấm dứt chiến tranh huynh đệ tương tàn này. Chính các bạn đã ra đi biền biệt vào chiến khu cũng nhắn tin về, hỏi phải làm sao để họ tham gia việc thực hiện chấm dứt chiến tranh theo những điểm thầy mình kêu gọi và đề nghị ngưng chiến và Hoa Kỳ tuyên bố rút quân theo lịch trình có quốc tế chứng giám. Chừng đó tôi mới thấy rõ cái ”biện luận” của tôi “nếu chị Mai và tôi chết hết thì lấy ai mà lo cho cuộc vận động chấm dứt chiến tranh này” là sai. Thật ra nhờ sự hy sinh của chị Mai mà phong trào hòa bình lớn mạnh, không những trong nước mà ở cùng khắp thế giới. Tôi vẫn còn nhớ bài thơ mà chị Mai cứ đọc đi đọc lại mãi trong thời gian trước đó và chị cũng có thu thanh để lại giọng đọc bài thơ đó, bài thơ Dặn Dò của thầy chúng tôi, thầy Nhất Hạnh:

 

Dặn dò

Xin hứa với tôi hôm nay
Trên đầu chúng tôi có mặt trời

Và buổi trưa đứng bóng
Rằng không bao giờ em thù hận con người
Dù con người
Có đổ chụp lên đầu em
Cả ngọn núi hận thù
Tàn bạo
Dù con người
Giết em,
Dù con người
Dẫm lên mạng sống em
Như là dẫm lên giun dế
Dù con người móc mật moi gan em
Đày ải em vào hang sâu tủi nhục
Em cũng phải nhớ lời tôi căn dặn:
Kẻ thù chúng ta không phải con người.
Xứng đáng chỉ có tình xót thương
Vì tôi xin em đừng đòi điều kiện
Bởi không bao giờ
Oán hờn lên tiếng
Đối đáp được
Sự tàn bạo con người.
Có thể ngày mai
Trước khuôn mặt bạo tàn
Một mình em đối diện.
Hãy rót cái nhìn dịu hiền
Từ đôi mắt
Hãy can đảm
Dù không ai hay biết
Và nụ cười em
Hãy để nở
Trong cô đơn
Trong đau thương thống thiết
Những người yêu em
Dù lênh đênh
Qua ngàn trùng sinh diệt
Vẫn sẽ nhìn thấy em.
Tôi sẽ đi một mình
Đầu tôi cúi xuống
Tình yêu thương
Bỗng trở nên bất diệt
Đường xa
Và gập ghềnh muôn dặm
Nhưng hai vầng nhật nguyệt
Sẽ vẫn còn
Để soi bước cho tôi.

Trong cuộn băng nhựa thu âm để lại cho gia đình, chị Mai có đọc cho hai bác nghe bài thơ này và giải thích rất rõ. Tiếc là trong tập “Chết mới được ra lời”, hai bác không đưa cho cha Nguyễn Ngọc Lan ghi chép ra trọn và in chung với loạt thư để lại của chị. Thiên hạ lúc sau này có khuynh hướng cho bất bạo động là thụ động. Thật ra nếu chị đứng lên cầm súng, dù ở bên này hay bên kia, thì kết quả sẽ rất thấp so với lời kêu gọi từ con tim thương yêu của chị. Nhất Chi Mai đã làm cho phong trào hòa bình lớn nhanh như vũ bão. Ủy Ban ICCV (International Committee of Conscience on Vietnam hay Ủy Ban Lương Tâm Quốc Tế cho Việt Nam do thầy Nhất Hạnh và Alfred Hassler của Fellowship of Reconciliation thành lập hơn năm nay) đứng ra kêu gọi Campaign “Stop The Killing Now” và với những bức thư gửi gắm của chị, Ủy Ban đã gom được chín nghìn nhà lãnh đạo tôn giáo trên thế giới đồng ký tên, yêu cầu các bên ngưng chiến tức thì. Những lời kêu gọi này được đăng nguyên một trang lớn trong nhiều ngày trên các nhật báo New York Times, Los Angeles Times, International Herald Tribune, The Guardian và Le Monde v.v.., những nhật báo mà các nhà lãnh đạo chính trị trên thế giới đều phải đọc. Trong suốt ba ngày thi thể chị Mai nằm ở chùa Từ Nghiêm, tôi cứ tìm cách đi hoài, tôi không dám ngồi bên chị. Thấy chị T.H., em H. T. Hiệp và bao nhiêu bạn bè ngồi ôm chị bằng cách xoa xoa miếng vải vàng trùm thi thể chị tôi không dám tới gần. Đáng lẽ ra thi thể của tôi cũng nằm như thế trong một ngôi chùa ở Bến Tre, Mỹ Tho, Cần Thơ, Nha Trang, Huế, Hội An hay Quảng Trị… như chị Mai đề nghị. Nhưng tôi vẫn còn đây, vẫn còn sống, còn ăn, còn ngủ được sao? Các anh em TNPSXH tề tựu về rất đông và thay phiên nhau trực vì sợ chính quyền cho cướp xác chị. Ngay hồi chị mới tự thiêu, xe công an đã đến định chở thi hài chị đi nhưng các anh em TNPSXH cản ngăn, và công an vẫn cứ tiến tới. May thay lúc ấy ba má chị Mai vừa tới và ông cụ đã lớn tiếng đuổi họ để cho chị yên.

Nhất Chi Mai - New York TimeĐêm nào tôi cũng thức suốt, khi thì dịch bài với Mai Sa, khi thì biên thư cho từng đoàn thể Hòa Bình trên thế giới do Mai Sa giới thiệu, khi thì viết thư cho những báo chí có uy tín (Mai Sa tên thật la Masako Yamanouchi, người Nhật, tốt nghiệp đại học ở Hoa Kỳ làm việc công tác thiện nguyện cho nhóm American Friends Service Committee tại Việt Nam, nhưng sang đây học tiếng Việt và muốn sống chết với trường TNPSXH). Tôi có nói chuyện với ký giả nhật báo New York Times (NYT) ngay chiều hôm ấy thì ngày 17 tháng 05 năm 1967 hình tôi hiện lên trên năm cột báo NYT và không cần chúng tôi điện thoại cho biết, thầy chúng tôi cũng biết ngay là Nhất Chi Mai đã tự thiêu.

Ngược lại tại Việt Nam ngày hôm sau tất cả các nhật báo có đăng tin tự thiêu của chị thì bị chính quyền cho bôi trắng nên ở Sài Gòn không phải ai cũng biết tin chị tự thiêu cho hòa bình. Tin chị hy sinh cho hòa bình chỉ được truyền miệng qua các nhóm tiểu thương chợ và các đoàn thể sinh viên học sinh Phật tử thôi, trong vòng hai hôm, vậy mà bữa đưa chị ra lò thiêu cũng có quá đông người tham dự. Xe tang đã ra đến tận cầu Phú Lâm mà đoàn người tiễn đưa vẫn còn rất đông trong chùa Từ Nghiêm. Tất cả các đoàn thể Sinh Viên Học Sinh, Hướng Đạo ở các phân khoa Đại Học đều có mặt, các đoàn thể tiểu thương tất cả các chợ trong vùng Sài Gòn, Chợ Lớn, Tân Định, Gia Định và Gò Vấp đều có mặt, các văn nghệ sĩ, những ký giả lão thành, các chính trị gia lão thành bên tả (thân chính quyền Hà Nội và khối cộng) hay bên hữu (thân Quốc Gia chống cộng và thân Hoa Kỳ) đều có mặt. Tôi hết sức ngạc nhiên là ngay cả những ông triệu phú xưa nay vẫn xầm xì chê thầy Nhất Hạnh là cộng sản hay “bị cộng sản giật dây”, những người giàu có đã quyết định ngưng không giúp học bổng cho TNPSXH từ khi thầy kêu gọi hòa bình, nay cũng có mặt.

Sau sự hy sinh này, số người thương TNPSXH lớn vô kể, khi trường TNPSXH gửi sáu em về Quảng Trị thì có đến 50 đến 100 các em Gia Đình Phật Tử tới công tác tự nguyện chung, tới Huế thì tiểu thương Phật tử, Phật tử các khuôn hội tới phụ làm công tác nơi nào mà TNPSXH có chương trình giúp đỡ đồng bào. Con số tác viên 300 người đợt đầu, 400 người đợt hai và những người thiện nguyện làm việc không nhận tiền túi, tới rất đông. Trong số tình nguyện viên ấy, ban điều hành TNPSXH đã chọn một số người có lý tưởng cao, đưa về trường đào tạo cấp tốc thành trợ tác viên. Con số tác viên và trợ tác viên cứ tăng mỗi ngày nhưng số tình nguyện viên không nhận tiền thù lao thì có khi lên đến hơn 9 nghìn người trên toàn quốc. Vào năm 1975 khi Chánh Phủ Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam vào Sài Gòn, họ ra lệnh TNPSXH phải đóng cửa, không cho sinh hoạt nữa.

 

Chết mới được ra lời

Tôi có một kỷ niệm dễ thương về thầy Trí Quang. Từ tháng 10 năm 1962, ngày tôi được thầy cho rất nhiều sách quý như Tự Điển Pali – Anh, Sanskrit – Anh, những cuốn của Louis La Vallée Poussin bằng tiếng Pháp, thầy kể cho tôi biết sự tàn tệ của các cán bộ Thiên chúa giáo đối với Phật tử ở miền Trung,... Nhưng chưa bao giờ tôi thấy được niềm xúc động của thầy như khi hay tin chị Mai tự thiêu cho hòa bình. Một giờ khuya hôm đầu, thầy đi bộ từ Ấn Quang sang Từ Nghiêm tụng kinh cho chị. Tối thứ hai, sau khi đọc những thư chị để lại, thầy cho xe hơi qua chùa Từ Nghiêm, xin quý ni sư cho phép chở tôi sang chùa Ấn Quang để thầy nhờ vài việc. Xe không tài xế nên Tài phải đưa tôi đi bộ sang. Đến phòng thầy, chúng tôi thấy thầy lay hoay với cái máy thu thanh dềnh dàng của thầy. Thầy nói: Cái băng của Nhất Chi Mai thu không được rõ. Thầy muốn thu một băng có người đọc trọn tất cả thư trối trăn của Nhất Chi Mai để thầy sẽ chêm vào đó những nhận xét về sự hy sinh này. Con giúp thầy, vì thầy cần một giọng đọc gần giống như giọng của Mai, giọng con gái, người miền Nam. Sáng sớm hôm sau thầy lại đi bộ sang chùa Từ Nghiêm tụng kinh cho chị trước linh cữu và lại gọi tôi đến: Con phải làm mọi cách để in những tài liệu trối trăn này thật nhiều và phổ biến thật sâu rộng. Thầy sẽ trả lại tiền giấy mực và công nhà in cho con. Hiện tại tuy thầy không có tiền, nhưng thầy có người em gái đi dạy học. Mỗi tháng nó có thể cho thầy 5.000 đồng và trong vòng bốn tháng chắc sẽ trả hết tiền công thợ in và giấy mực cho con! Hôm sau nữa thầy lại cho gọi tôi vào và nói: Cái nguyện của Mai là các tôn giáo làm việc chung cho hòa bình, thầy nghe nói ông linh mục Nguyễn Ngọc Lan là người công giáo tiến bộ và gần mình. Con thử đề nghị ông ấy viết bài tựa cho những bức thư của Mai đi. Không ngờ ngoài sức tưởng tượng của thầy, cha Lan trước đó đã tìm tới chúng tôi và tự đề nghị sẽ lãnh trách nhiệm đề tựa cho các bức thư của chị Mai. Linh mục lấy tựa cho cuốn sách từ một câu thơ của chị “Chết mới được ra lời” và linh mục hứa sẽ công khai nhận trách nhiệm trước pháp luật về chuyện in ấn này.

Đúng như nguyện ước của chị, các vị lãnh đạo trong Phật giáo và Công giáo đã từ từ đến gần với nhau hơn. Ký giả Nam Đình cứ tìm cách cho ra từng bài thơ của chị Mai, không nề hà hiểm nguy, coi nhẹ những can ngăn của ban biên tập là nhật báo Thần Chung có thể bị đóng cửa và sự nghiệp của bác sẽ suy sụp. Chính phủ cũng có thể viện cớ bác là cộng sản để tịch thu hết gia sản của bác.

Chị Mai ơi, em lội mòn cả giày trên các thành phố Rome, Venizia, Milan, Torino, Zürich, Bern, Lausanne, Genève, Paris, Bruxelles, Amsterdam, Utrecht, Groningen, Hagen, Bremen, Berlin, Bonn, Hamburg, London, Edingburg, Copenhague, Stockhom, Helsinki và gần 50 tiểu bang của Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ New York, Washington DC, Chicago,… để nói rằng: Khi bạn muốn mua một món gì, bạn phải trả tiền, nhưng khi mà bạn muốn mua món quý giá nhất, quý cho đến nỗi bao nhiêu tiền cũng không mua được thì bạn chỉ còn có một thứ quý giá để trả cho món hàng đó, đó là sự sống của bạn. Bạn muốn mua sự hiểu biết của gia đình nhân loại để chấm dứt cuộc chiến tranh cho Việt Nam thì chỉ có cách đem thân làm đuốc mà thôi.

Em “nói” thì khi nào cũng chân thành và các bạn nghe, cảm động và thương lý tưởng chấm dứt chiến tranh của chúng ta ngày càng đông. Họ bỏ thì giờ, tình thương để tổ chức cho em đi gặp hết các giới trong quen biết của họ. Có người cho nguyên một tháng lương để mướn phòng cho em thuyết giảng. Mỗi ngày em phải bay đi một thành phố. Xuống phi cơ là họp báo, sau đó lên đài truyền hình và truyền thanh. Có những buổi truyền hình sống và em được nói trực tiếp qua điện thoại với khán giả. Trưa về ăn “working lunch” là vừa ăn trưa mà vừa làm việc thuyết pháp hay nghe người thuyết. Em không quen vừa ăn vừa nói nên chỉ chờ họ ăn xong mới nói, mà khi ăn xong thì họ có thể đi mất nên mình đành nhịn ăn để có dịp chia sẻ cái thấy của mình. Họ ăn xong thì cũng tới giờ em đi chia sẻ thuyết giảng tại trường Đại Học gần đó, năm giờ chiều lại gặp một nhóm đạo Kitô hay nhóm activists nào đó. Ăn chiều cho nhanh để tối lúc tám giờ sẽ được thuyết giảng nơi công cộng. Phần nhiều buổi chiều thì luôn luôn rất đông người tại vì họ đã thấy em nói trên truyền hình và radio ban sáng. Như vậy là mỗi ngày em làm việc sáu thời không bao giờ biết mệt. Em chỉ cảm thấy bất an là khi tối về, các bạn dành cho em một phòng ở khách sạn. Em thấy sao mà mình ở chỗ sang quá trong khi đồng bào chạy dưới đạn bom.

Trong chuyến hành hương cho hòa bình này, tôi chỉ có hành trang là hình ảnh chú Bảy, bị cháy nhà lần thứ tư, vợ và bảy con bị bom đạn chết hết. Chú ngồi nhìn vào khoảng không, không nói một lời; hình ảnh bà Ba mới 63 tuổi, nhưng da mặt nhăn nheo như người tám mươi, nước mắt ràn rụa trước sáu đứa cháu nội đang bịt khăn tang vì ba mẹ chúng đã chết tất cả. Và hình ảnh cháu bé bê bết máu ở Khương Bình bên bờ sông Thu Bồn mà tôi không cứu sống được.

Tôi phải sống và phải chết với những hình ảnh này của đất nước cho đến ngày nào môi của bé thơ lại được hát ca cho quê hương hòa bình.

Ý nghĩa của dòng tu Tiếp Hiện

pháp thoại được Thầy Làng Mai  giảng vào ngày 11.6.2010, tại Học Viện Ứng Dụng Châu Âu, Đức quốc, trong khóa tu dành cho giới Tiếp Hiện.

Chiều qua, tôi vừa dịch xong câu cuối của kinh Pháp Cú bằng chữ Hán. Ở đây nhiều vị đã từng đọc kinh Pháp Cú dịch từ tiếng Pali nhưng ít người được đọc kinh Pháp Cú dịch từ chữ Hán. Kinh Pháp Cú bằng chữ Hán trong Hán tạng phong phú hơn kinh Pháp Cú bằng tiếng Pali và nhiều hơn tới mười ba chương. Chương một nói về Vô Thường. Câu cuối cùng của kinh Pháp Cú trong Hán tạng viết như sau: “Hình như trên đầu tôi đã bắt đầu có tóc bạc. Hình như tuổi trẻ của tôi đã bị người ta ăn cắp. Hình như thiên sứ đã tới báo cho tôi biết điều đó và có thể tôi phải xuất gia sớm.” Đó là câu cuối của kinh Pháp Cú trong Hán tạng. Hay không? Ai bắt đầu có tóc bạc rồi giơ tay lên. Nếu chưa xuất gia thì nghĩ đến chuyện xuất gia đi. Nếu xuất gia rồi thì tự hỏi mình đã xuất gia thật hay chưa.

Chúng ta được sinh ra làm người trên trái đất này là một may mắn lớn. Chúng ta có dịp rong chơi trong cõi địa đàng và nếu chúng ta không biết rong chơi thì đó là một điều rất uổng phí. Chúng ta có một câu thư pháp bắt nguồn từ một câu thơ chữ Hán: “Kim sanh bất bả Di Đà niệm. Uổng tại nhân gian tẩu nhất tao.” Tôi đã dịch sang tiếng Việt như thế này: “Chẳng biết rong chơi miền Tịnh Độ. Làm người một kiếp cũng như không.” Mục đích của mình sinh ra trên cõi đời này là để rong chơi. Rong chơi là quan trọng nhất. Và hình như nhạc sĩ Trịnh Công Sơn cũng thấy được điều đó, ông viết: “Một chiều đầu thu nghe chân ngựa về chốn xa.” Phải đi chơi mới được. Chúng ta chỉ cần mở mắt và lắng tai là có thể tiếp xúc được với những gì mầu nhiệm của sự sống. Chim hót, thông reo, hoa nở… Thiên đàng của chúng ta đang có đó, nhưng chúng ta đã để cho ai đó đánh cắp mất tuổi trẻ của chúng ta, để cho tóc ta bây giờ đã bạc. Chúng ta đã tiêu phí thời giờ của chúng ta một cách rất oan uổng. Vì vậy chúng ta phải thức dậy, phải tập sống những ngày còn lại của đời mình một cách sâu sắc. Nếu không thì rất là uổng. “Chẳng biết rong chơi miền Tịnh Độ. Làm người một kiếp cũng như không”.

Trong Kinh Pháp Cú chữ Hán cũng bắt đầu bằng một câu rất hay: “Thức dậy, hãy mở lòng hoan hỷ và mỉm miệng cười.” Và mình đã có bài kệ:

Thức dậy miệng mỉm cười
Hăm bốn giờ tinh khôi
Xin nguyện sống trọn vẹn
Mắt thương nhìn cuộc đời.

Năm đức Bổn Sư tám mươi tuổi, Ngài để hết thời gian để đi chơi. Ngài đi xuống miền Nam, đi lên miền Bắc, đi khắp nơi. Và đi tới đâu thì Ngài cũng tận hưởng phong cảnh, địa lý vùng đó. Ngài đi chơi nhưng cũng đi hoằng hóa. Đi hoằng hóa nhưng cũng là đi chơi. Ngài không bỏ phí thì giờ của Ngài. Ngài biết rằng thì giờ của Ngài còn ít cho nên Ngài trân quí những giây phút còn lại của đời mình. Và có thể nói, trong những năm cuối của Đức Thế Tôn, Ngài rong chơi rất nhiều.

Vua Ba Tư Nặc cũng sinh cùng năm với Đức Thế Tôn, năm đó vua cũng 80 tuổi. Vua thấy Bụt đi chơi nhiều quá nên Vua cũng nổi hứng đi chơi. Thấy Bụt đi chơi với các thầy, các sư cô, vua cũng đem theo một số tùy tùng đi chơi trong vương quốc của mình. Họ là hai người bạn thân thiết. Một người là pháp vương, một người là quốc vương. Hai người trong khi đi chơi đã có cơ hội gặp nhau và đó là buổi gặp gỡ cuối cùng giữa hai người bạn thân. Kinh điển đã ghi lại buổi gặp gỡ đó trong một kinh rất hay gọi là “Pháp Trang Nghiêm Kinh.” Nếu quý vị chưa đọc kinh đó thì nên đọc. Trong đó vua Ba Tư Nặc ca ngợi Đức Thế Tôn trước mặt thầy A Nan.

Thiền hành là một pháp môn rất quan trọng của Làng Mai. Thiền hành là đi từng bước chân cho có an lạc, cho có thảnh thơi. Thiền hành là một sự thực tập rong chơi. Chúng ta thường đi như bị ma đuổi. Chúng ta vừa đi vừa nói, nên không thưởng thức được những bước chân của mình. Cho nên, thực tập thiền hành là để học cách làm thế nào thưởng thức được từng bước chân.

Khi quý vị uống một ly trà thì quý vị có thể trân quý, nâng niu chén trà và hớp từng ngụm trà với tất cả hạnh phúc của mình. Những người không biết uống trà thì uống ừng ực, uống như uống coca cola. Uống như vậy gọi là “ngưu ẩm”, tức là bò uống. Còn người biết uống trà thì uống từng ngụm nhỏ, ngậm mà nghe chất trà nuốt xuống rất là ngọt. Và cố nhiên là có những chén trá nhỏ, nhưng khi nâng chén trà nhỏ đó uống thì trong đó có tình huynh đệ, có sự tỉnh thức, có sự tự do, có an lạc. Một chén trà như vậy làm tỉnh người, đem lại rất nhiều hạnh phúc. Cho nên, trong truyền thống của Làng Mai mới có thiền trà. Thiền trà tức là tập uống trà trong chánh niệm. Chỉ cần một chén trà thôi là có thể đem lại hạnh phúc và tình huynh đệ rất nhiều rồi. Có khi cả giờ đồng hồ chỉ cần uống một chén trà thôi.

Khi chúng ta uống trà như vậy, mà khi chúng ta ăn cơm cũng như vậy, chúng ta thưởng thức từng miếng cơm. Chúng ta ăn nhẹ nhàng, thong thả, thưởng thức hương vị từng lá rau thơm, từng miếng đậu hũ. Ăn như thế nào để có hạnh phúc, có tự do. Cách chúng ta ăn rất khác với những con lợn ăn trong chuồng của chúng. Chúng ta ý thức từng cọng rau, từng miếng đậu hũ… Ăn như thế nào để có an lạc, thoải mái, thảnh thơi, có tình huynh đệ. Mỗi ngày hai ba lần chúng ta có cơ hội thực tập như vậy. Ngồi và ăn cơm với nhau là một sự thực tập. Chúng ta không ăn hối hả cho mau xong. Chúng ta ăn như một sự thực tập và ăn cơm như thế nào cho có hạnh phúc, đó cũng là rong chơi. Cũng như khi mình có một ly kem thì mình phải ăn như thế nào để từng thìa kem đem lại sự thích thú và an lạc.

Bên Pháp có khi họ quảng cáo yaourt như thế này: “Yaourt này ngon lắm. Hãy ăn chầm chậm thôi để được lâu.” Kiếp người cũng vậy, phải sống cho từ tốn, phải ngậm mà nghe, phải thưởng thức từng giây phút một. Những giây phút mà cuộc đời cho chúng ta để sống, chúng ta phải trân quý, chúng ta phải sống cho sâu sắc, sống cho thảnh thơi. Mà muốn như vậy thì phải học, phải nương vào tăng thân, phải học từ từ mới làm được. Nếu không thì uổng phí một đời. Có ai ăn cắp tuổi trẻ của mình đâu. Tại vì mình không biết sống, không biết trân quý. Chính mình bỏ phí tuổi trẻ của mình đấy chứ. Bây giờ tóc mình đã bạc, sứ giả của thiên đình đã tới báo. Màu trắng trên đầu mình là một tiếng chuông chánh niệm. Nếu mình vẫn tiếp tục sống như vậy thì hình hài này sẽ tan rã rất mau. Cho nên phải tỉnh dậy, phải học sống như thế nào để sau này không tiếc nuối, sống như thế nào để mỗi giây phút của đời sống hàng ngày trở thành một huyền thoại cho con cháu. Tổ tiên mình ngày xưa đã sống được như vậy và bây giờ mình cũng phải sống được như vậy.

Trong khóa tu dành cho những người nói tiếng Đức vừa rồi, thiền sinh rất hạnh phúc. Họ rất trân quý thiền hành. Khi thấy tôi hai tay dắt tay hai em bé mà đi trên cỏ xanh với những bông hoa vàng tím, họ thấy rõ được đây là vườn địa đàng, không cần phải đi đâu nữa và mỗi bước chân là một lạc thú. Mình thưởng thức từng bước chân một, giống như mình đang thưởng thức từng ngụm trà hay thưởng thức từng thìa kem. “Đi đâu mà vội mà vàng. Mà vấp phải đá mà quàng phải dây.” Đi như thế nào để mỗi bước chân là một niềm an lạc, là một hạnh phúc. Vì vậy cho nên, pháp môn Làng Mai là đi không nói chuyện. Đi mà nói chuyện thì đâu còn thưởng thức được những bước chân nữa, cũng như vừa ăn vừa nói chuyện thì đâu thưởng thức được thức ăn.

Trong đại chúng có những người đi được như vậy, những người ấy thưởng thức được từng bước chân của mình. Những người đó không đánh mất tuổi trẻ, không đánh mất thiên đường của mình. Khi tôi thấy những người học trò của mình đi như vậy tôi rất hạnh phúc. Tôi nói: “Những người này có thể tiếp nối được mình, có thể tiếp nối được Bụt.” Bằng cách đi những bước chân như vậy, mình tiếp nối được sự nghiệp của Bụt, tiếp nối được sự nghiệp của chư Tổ, tiếp nối được sự nghiệp của Thầy. Chúng ta có thói quen đánh mất mình. Chúng ta vừa mới nghe hướng dẫn về thiền đi, hướng dẫn về im lặng. Nhưng vừa nghe xong, đi ra ngoài là chúng ta nói chuyện oang oang lên và đánh mất bước chân liền lập tức.

Trong khóa tu tiếng Đức diễn ra tại Viện Phật Học Ứng Dụng Châu Âu tại Đức vào tháng 6.2010, số lượng thiền sinh lên tới hơn sáu trăm người. Các thầy các sư cô đã đem hết tấm lòng của mình ra để tổ chức khóa tu. Các thầy, các sư cô và các vị cư sĩ ở đây làm việc rất cần mẫn để phục vụ cho khóa tu, và đã được đền bù lại xứng đáng. Quý vị đã làm đủ thứ: nấu ăn, dọn dẹp, quét tước, đổ rác … bằng tình thương của mình. Chỉ cần niềm vui, hạnh phúc, nụ cười, sự chuyển hóa của thiền sinh là mình được đền bù rất xứng đáng. Khi thấy những người Đức tu tập có hạnh phúc, có chuyển hóa, các thầy các sư cô hạnh phúc lắm. Mình mong muốn người khác được hạnh phúc, nay ước muốn đó đã thành sự thật. Mình rất mong hạnh phúc cho mình, nhưng khi thấy người khác hạnh phúc thì mình còn hạnh phúc gấp bội. Cái mình nhận được lớn hơn cái mình cho đi rất nhiều.

Một khóa tu mà có nhiều người thực tập giỏi cùng tham dự thì khóa tu đó dễ thành công lắm. Bởi vì đó là cái vốn. Người thiền sinh mới tới nhìn sang bên trái thấy một người đi rất chánh niệm; nhìn sang bên phải thấy một người khác đi cũng rất chánh niệm, thảnh thơi, an lạc, nhìn phía trước thấy một người khác đi rất chánh niệm, thảnh thơi, an lạc, nhìn ra phía sau cũng có người đi từng bước thảnh thơi, an lạc. Trong hoàn cảnh đó thì người thiền sinh mới chỉ có thể đi tới thôi, không thể nào đi lui được, làm sao có thể đi đứng hấp tấp vội vàng trong khi những người khác đang đi rất chánh niệm? Do đó, khi mình tham dự vào một khóa tu thì mình phải đóng góp phần của mình vào cho khóa tu. Ngoài sự thực tập của mình, mình phải thưởng thức từng giây phút của khóa tu, phải thưởng thức từng hơi thở, thưởng thức từng bước chân, thưởng thức từng nụ cười và đó là sự cống hiến của mình cho bản thân và cho tất cả mọi người khác trong khóa tu.

Thầy Pháp Ấn có kể lại chuyện vị linh mục đã tới tham dự khóa tu. Vị đó hết sức ấn tượng tại vì thấy thiền sinh của mình đông như vậy mà rất im lặng, rất chăm chú, khi nghe giảng thì nghe hết lòng, khi pháp đàm thì pháp đàm hết lòng, khi ăn cơm thì ăn trong im lặng. Vị đó cũng ao ước con chiên trong giáo xứ của mình cũng làm được như vậy. Nói thế không có nghĩa là chúng ta đã giỏi. Chúng ta có thể làm hay hơn như thế. Chúng ta có thể đi thiền hành hay hơn. Chúng ta có thể hành trì phương pháp theo dõi hơi thở hay hơn. Chúng ta có thể sử dụng ái ngữ hay hơn. Chúng ta có thể thực tập im lặng hùng tráng hay hơn. Và mình phải công nhận những người Đức trong khóa tu vừa rồi đã thực tập hết lòng. Một phần họ được các thầy, các sư cô, các vị cư sĩ ở đây yểm trợ; một phần vì họ trân quý thì giờ mà họ có được để tu tập với mình trong năm ngày.

Mỗi người Tiếp Hiện, mỗi thành viên của dòng tu Tiếp Hiện phải là một cột trụ, phải là một nguồn cảm hứng. Mầu áo nâu tượng trưng cho sự khiêm cung. Khi chúng ta khoác lên mình chiếc áo màu nâu, chúng ta phải chứng minh được mình là một người khiêm cung. Màu áo nâu ở Việt Nam là màu của nông dân, là màu của khiêm nhường. Màu nâu cũng là màu của sức mạnh đại hùng, đại lực. Sức mạnh thầm lặng. Im lặng nhưng rất hùng tráng. Khi mình mặc lên chiếc áo nâu của người xuất gia, mình phải biểu trưng cho được tinh thần đó – một đức khiêm cung. Mình không cho mình hơn người, không cho mình là có quyền hơn những người khác. Mình có sức mạnh tâm linh và sức mạnh đó không ồn ào mà rất im lặng. Đó là ý nghĩa của màu nâu. Người cư sĩ Tiếp Hiện cũng vậy, khi mặc lên chiếc áo Tiếp Hiện cư sĩ màu nâu là cũng mang theo tinh thần đó. Mang theo tinh thần khiêm cung, mang theo sức mạnh của sự im lặng.

Ý nghĩa của chữ Tiếp Hiện:

Chữ Tiếp Hiện có nhiều nghĩa. Trước hết là chữ Tiếp, chữ tiếp có ba nghĩa:

– Nghĩa đầu tiên của chữ Tiếp là tiếp nhận. Mình tiếp nhận từ ai và tiếp nhận cái gì? Mình tiếp nhận từ tổ tiên những cái hay, cái đẹp, những tuệ giác và đức độ. Mình tiếp nhận từ tổ tiên tâm linh giáo pháp nhiệm mầu, hạt giống tuệ giác đó là vốn liếng. Vì vậy cho nên việc làm đầu tiên của người Tiếp Hiện là phải tiếp nhận cho được những cái hay, cái đẹp của tổ tiên trao lại. Ví dụ khi thầy ngồi thỉnh chuông mình có thể học cách thỉnh chuông của thầy. Ấy vậy mà xuất gia được hai, ba năm rồi mà mình thỉnh chuông vẫn chưa được. Tiếng chuông của mình còn chát hoặc bế tắc. Đó là do mình không chịu quan sát để tiếp nhận.

Người cư sĩ hay xuất sĩ cũng vậy, khi mình thực sự có mặt đó, khi mình được thân cận Thầy hoặc người anh, người chị trong đạo, thì mình có thể học hỏi rất nhiều, có thể tiếp nhận được rất mau chóng. Cách của Thầy đi, đứng, tiếp xử, đó là Thầy đang trao truyền cho mình, mình chỉ cần quán sát là tiếp nhận được. Mình tiếp nhận được từ Bụt, từ Tổ, từ Thầy, từ những người đi trước. Có khi những người tới sau mình nhưng họ đã tiếp nhận được trước mình và mình phải bắt chước những người đó, phải tiếp nhận, học hỏi từ cả những người nhỏ hơn mình.

Tiếp nhận ở đây là tiếp nhận một gia tài, gia tài này không phải là tiền bạc, châu báu, mà là gia tài chánh pháp. Mình hãy thử đặt câu hỏi là mình đã tiếp nhận được bao nhiêu? Thật sự là chư Tổ rất muốn cho, rất muốn trao truyền nhưng tại mình không chịu tiếp nhận hoặc không có khả năng tiếp nhận mà thôi. Cũng như nhà thơ Xuân Diệu đã nói rằng: “Cho rất nhiều mà nhận chẳng bao nhiêu”, làm phụ lòng người cho. Thành ra sự học hỏi, sự hành trì là một quá trình tiếp nhận. Mình phải có mặt để tiếp nhận và khi đã tiếp nhận rồi thì mình mới tiếp nối được. Vì vậy cho nên nghĩa đầu tiên của Tiếp là tiếp nhận. Mình tiếp nhận rồi thì mình hành trì, sử dụng, nuôi dưỡng.

– Nghĩa thứ hai của chữ Tiếp là Tiếp Nối. Tiếp nối ai? Tiếp nối Bụt, tiếp nối Tổ, tiếp nối Thầy, tiếp nối Tổ Tiên. Một người con có hiếu thảo là một người con tiếp nối được chí hướng của cha ông. Một người học trò có hiếu là một người học trò có thể tiếp nối được sự nghiệp của Thầy. Và nếu mình muốn tiếp nối được thì mình phải tiếp nhận cho được. Tiếp nhận chí nguyện và sự hành trì từ chư Bụt, chư Tổ và từ Thầy.

– Nghĩa thứ ba của chữ Tiếp là tiếp xúc. Tiếp xúc với cái gì? Trước hết là tiếp xúc với hiện tại mầu nhiệm, sự sống mầu nhiệm đang có mặt trong mình và chung quanh mình. Nếu không thì uổng cả một đời người. Nhưng muốn tiếp xúc với sự sống thì mình phải có mặt đó mới tiếp xúc được. Tiếp xúc như vậy để được nuôi dưỡng, để được chuyển hóa, để được lớn dậy. Tiếp xúc đây cũng là tiếp xúc với những nỗi khổ niềm đau trong tự thân và nỗi khổ niềm đau có trong hoàn cảnh, gia đình và xã hội của mình. Một khi đã hiểu được những nỗi khổ, niềm đau của bản thân, của gia đình và xã hội rồi thì mình mới biết mình cần phải làm cái gì và không nên làm cái gì để có thể chuyển hóa được những nỗi khổ niềm đau đó. Một mặt là tiếp xúc với những mầu nhiệm để được nuôi dưỡng, thứ hai là tiếp xúc với những khổ đau để hiểu, để thương và để chuyển hóa. Chữ Tiếp có nghĩa như vậy.

Chữ Hiện có bốn nghĩa:

– Chữ hiện, trước hết có nghĩa là hiện tại. Cái gì đang có mặt là sự sống, cái gì đang có mặt là tịnh độ. Chữ hiện có khi còn dịch là kiến, nghĩa là thấy những gì đang xảy ra xung quanh.

– Nghĩa thứ hai của chữ hiện là hiện pháp, là những gì đang xảy ra trong giây phút hiện tại. Hiện còn có thể dịch là kiến pháp, là những gì mình đang trông thấy trong giây phút hiện tại. Cái mình đang trông thấy là tăng thân, là cây thông, là những cơn mưa, là mặt trời v.v… Tất cả những cái đó mình phải tiếp xúc được. Những khổ đau hiện thực trong cuộc sống là những cái mình đang thấy và mình phải tiếp xúc. Mình không ở trong tháp ngà của sự tưởng tượng, của sự lý luận, của chủ thuyết. Mình phải thực sự tiếp xúc với sự thật, với những mầu nhiệm của sự thật. Và nhờ mình có khả năng tiếp xúc với những gì đang thực sự xảy ra cho nên mình mới thực tập được cái gọi là Hiện Pháp Lạc Trú. Hiện Pháp Lạc Trú là pháp môn sống an lạc từng phút giây trong hiện tại.

– Nghĩa thứ ba của chữ hiện là thực hiện, là làm cho mong muốn trở thành ra cụ thể. Sự tu chứng của mình cũng là thực hiện. Ước mơ, chí nguyện của mình là đạt tới tự do. Mình không muốn sống một cuộc đời hệ lụy, nô lệ. Mình muốn có tự do, tại vì chỉ có tự do mới đem lại hạnh phúc thực sự. Cho nên mình muốn xé toang những tấm lưới của sự đam mê, thù hận, ghanh tị đang giam hãm mình. Những chiếc lưới ấy nó đang cuốn lấy mình và mình không muốn kẹt vào những chiếc lưới đó, mình muốn thoát ra. Những vị xuất gia thực tập như những con nai vượt thoát những bẫy sập, tung tăng chạy nhảy khắp bốn phương. Đó là lời khen ngợi của một vị thiên giả khi thấy các thầy, các sư cô rong chơi không bị vướng vào lưới này hay lưới khác. “Như nai thoát bẫy sập. Chạy nhảy chơi bốn phương.” Trong kinh Bụt nói như vậy.

  Đây là một kinh rất ngắn trong A Hàm. Một mùa hè nọ, có một số các vị xuất sĩ an cư trong một khu rừng. Các vị ngồi thiền, pháp đàm, ăn cơm im lặng… rất hạnh phúc suốt ba tháng trời. Trong khu rừng đó có một số vị thiên giả cảm thấy rất hạnh phúc vì thừa hưởng được sự có mặt của các vị xuất sĩ. Nhưng sau ba tháng an cư, các vị xuất sĩ bỏ đi đâu hết, khu rừng trở nên vắng tanh, rất buồn. Có một vị thiên giả thấy vậy lấy làm buồn và ngồi khóc.

Một vị thiên giả khác hỏi: “Tại sao anh ngồi buồn khóc vậy?”

Vị thiên giả kia trả lời: “Tại vì ba tháng vừa qua có một số các vị xuất sĩ an cư ở đây, các vị ngồi thiền, pháp đàm, ăn cơm im lặng… rất bình an và vui quá. Vậy mà bây giờ các vị ấy bỏ đi đâu hết rồi. Họ đi đâu vậy?”

Vị thiên giả kia trả lời: “Họ đi Kosala, đi Vaisali, v.v… Họ là những con người tự do, như là những con nai thoát khỏi bẫy sập. Họ chạy nhảy tung tăng khắp bốn phương.Đệ tử của Bụt tự do, hạnh phúc như vậy đó.”

Kinh đó là một kinh rất ngắn, trong đó có các câu là:

“Như nai thoát bẫy sập
Chạy chơi khắp bốn phương
Tỳ kheo đệ tử Bụt
Thảnh thơi là như thế.”

Thực hiện không phải là xây cất một cơ sở. Dù là Viện Phật học ứng dụng Châu Âu cũng chưa phải là sự thực hiện quan trọng nhất. Thực hiện, đó là sự tu chứng. Cái chính của người tu là phải thực hiện sự tự do. Đó là chủ đích, là hướng đi của người xuất gia.

Là học trò của Bụt, dù là xuất sĩ hay cư sĩ, mình không muốn sống một cuộc đời hệ lụy, ràng buộc, mình muốn có tự do thì mình phải dụng công thực tập. Chính công phu thực tập hàng ngày đó là giá trị của vị hành giả. Nó giải phóng cho mình thoát khỏi những chiếc lưới của địa vị, danh lợi, tham ái. Cái mình đi tìm là sự giải thoát, tự do.

– Nghĩa thứ tư của chữ hiện là hiện đại hóa, tiếng Anh dịch là actualization. Nghĩa là những pháp môn phải khế cơ, khế lý, phải thích hợp với thời đại.

Chữ Tiếp Hiện có nghĩa là như vậy thì làm sao dịch ra tiếng Anh cho được. Thành ra khi dịch sang tiếng Anh mình tạm dịch là Order of Inter-being. Nếu ai không biết tiếng Việt thì phải tìm hiểu ý nghĩa của hai chữ này. Hai chữ này cũng có gốc Hán – Việt, biết được ý nghĩa hai chữ đó thì biết được bản chất của dòng tu Tiếp Hiện và biết được hướng hành trì của dòng tu Tiếp Hiện.

Với những ý niệm đó, mình có thể bắt đầu hiểu được thế nào là đạo Bụt đi vào cuộc đời, đạo Bụt nhập thế, tiếng Anh gọi là “Engaged Buddhism”, chứ không phải là đạo Phật của tu viện. Tu viện không phải là một thực tại bị cắt đứt khỏi cuộc đời. Tu viện phải được coi như là một vườn ươm để trồng những cây con. Và khi những cây con đó sống, nó lớn đủ mạnh thì mình sẽ đem ra trồng ở ngoài xã hội. Đạo Bụt có mặt là vì cuộc đời chứ không phải đạo Bụt có mặt vì đạo Bụt. Nếu không có cuộc đời thì không cần đạo Bụt. Sở dĩ có đạo Bụt là vì cuộc đời cần tới đạo Bụt. Cho nên tu viện, trung tâm tu học của mình phải được coi như một vườn ươm. Trong tu viện mình được che chở, mình có những điều kiện để lớn lên. Và khi những cây con đã lớn thì thế nào cũng phải đem ra trồng ngoài xã hội để phục vụ cho xã hội. Đó gọi là đạo Bụt đi vào cuộc đời. Vì vậy, ngay khi ở trong tu viện nó đã có ý đi vào cuộc đời rồi. Và việc học và tu trong tu viện chỉ là sự chuẩn bị để đi vào cuộc đời mà thôi.

Tiếp Hiện – cánh tay nối dài

Bên Trung Quốc không có chữ “Đạo Bụt nhập thế” nhưng có danh từ “Nhân gian Phật giáo”, nghĩa là Phật giáo trong nhân gian.  “Nhân gian” là cõi người ta. Trong truyện Kiều có câu : “Trăm năm trong cõi người ta.” Đạo Phật ngay trong xã hội. Danh từ “Nhân gian Phật giáo”  cũng là “Phật giáo nhập thế” mà thôi. Ngay từ năm 1930 trở đi, tức là khoảng 80 năm trước, ở Việt Nam đã bắt đầu có phong trào đạo Phật đi vào cuộc đời. Thời ấy, những tạp chí Phật giáo ở Việt Nam đã bắt đầu nói tới “Nhân gian Phật giáo”, “đạo Bụt đi vào cuộc đời”.

Khi Tôi lớn lên, khoảng 10 tuổi thì đã được ảnh hưởng loại Phật giáo đó. Mình đọc báo, đọc sách, biết rằng trong quá khứ đạo Bụt đã từng đóng một vai trò khá quan trọng trong việc đem lại hòa bình và bền vững cho đất nước. Mình học lịch sử thì thấy đời Lý, đời Trần đạo Bụt rất hưng thịnh. Từ trên xuống dưới, từ vua tới quan, cho đến người dân đều hành trì đạo Bụt. Đó là sức sống tinh thần, pháp thân của cả một dân tộc, sự thực tập của cả một dân tộc. Không những các vua quan đời Lý tu tập rất giỏi mà các vua đời Trần tu tập cũng rất giỏi. Vị vua đầu tiên đời Trần là Trần Thái Tông, tuy là một nhà chính trị, ông phải giải quyết biết bao nhiêu vấn đề trong triều, nhưng vẫn hành trì thiền tập và sám hối mỗi ngày sáu thời.

Năm 20 tuổi, vua Trần Thái Tông đã có chí khí tu tập rất lớn. Vua có niềm đau trong lòng. Vượt thoát niềm đau, vua quyết tâm tu tập và đã thành công. Vua học Phật rất giỏi, thực tập thiền quán và đã sáng tác ra những tác phẩm Phật học còn lưu truyền lại cho tới ngày nay. 43 công án thiền và tác phẩm “Lục thời sám hối khoa nghi” của vua chứng tỏ rằng trong cung tuy  làm chính trị nhưng vua vẫn dành thời gian để học Phật. Vua hành trì dâng hương, sám hối, ngồi thiền mỗi ngày sáu lần. Cứ sau hai giờ làm việc thì vua ngưng lại và thực tập hai mươi phút rồi tiếp tục làm công việc chính trị. Bây giờ tổng thống Obama có làm được như vậy không? Nếp sống tâm linh nó nuôi dưỡng mình, giúp mình vững mạnh để có thể làm một nhà chính trị giỏi. Thành ra bây giờ mình đừng nói: “Ôi, tôi bận công việc quá, làm gì có thì giờ ngồi thiền, làm gì có thì giờ đi thiền hành.” Một ông vua mà còn làm được như vậy, thế mà mình lại lấy cớ là công việc nhiều quá không có thì giờ để tu.

Đạo Bụt đi vào cuộc đời thật ra không phải là có từ năm 1930, mà nó có từ lâu lắm rồi, trong truyền thống của mình. Đó không phải là một tư trào mới và mình chỉ là sự tiếp nối thôi. Mình đã có những tác phẩm như là “Đạo Phật ngày nay”,  “Đạo Phật hiện đại hóa”, “Đạo Phật đi vào cuộc đời”… Và khi mình hiểu được ý nghĩa hai chữ : “Tiếp” và “Hiện” thì câu chuyện của thầy trò mình thành ra rất đơn giản: Từ Phật giáo nhập thế đi tới Phật giáo ứng dụng. Chỉ có chừng đó thôi.

Mình đã có chữ “Đạo Phật đi vào cuộc đời” (Engaged Buddhism) nay mình có thêm chữ “Đạo Phật ứng dụng” (Applied Buddhism). Chữ ‘ứng dụng’ được dùng ngoài đời như là Khoa học ứng dụng (Applied science), hoặc Toán học ứng dụng (Applied Mathematics). Chữ ứng dụng được sử dụng rất nhiều.

Khi nói về Tam Bảo, mình giảng cho mọi người hiểu thế nào là Bụt, thế nào là Pháp, thế nào là Tăng thì mình cũng phải chỉ cho người ta cái cách áp dụng giáo lý Tam Bảo vào đời sống hàng ngày. Trong khóa tu tiếng Đức này, mình có một bài giảng về phương pháp ứng dụng giáo lý Tam Bảo. Làm thế nào để thực tập quy y Tam Bảo? Khi mình tụng: “Con về nương tựa Bụt” hay là “Buddha saranam gachami” thì những cái đó chưa phải là quy y. Những cái đó chỉ là tuyên bố quy y thôi. Mình phải chế tác cho được năng lượng Niệm, Định và Tuệ. Khi năng lượng đó bảo hộ cho mình thì mình mới đang được che chở bởi năng lượng của Tam Bảo, (Bụt, Pháp và Tăng).

Cũng như vậy, khi thực tập bài kệ
“Quay về nương tựa
Hải đảo tự thân
Chánh niệm là Bụt
Soi sáng xa gần.
Hơi thở là Pháp
Bảo hộ thân tâm
Năm uẩn là Tăng
Phối hợp tinh cần.”

Thì mình phải thực tập thở như thế nào để khi thở ra, thở vào mình chế tác được năng lượng Niệm, Định và Tuệ. Trong khi mình thở ra, thở vào như thế thì mình chế tác được năng lượng của Bụt, của Pháp và của Tăng. Trong lúc ấy mình thật sự đang được che chở bởi Tam Bảo. Rất an toàn ! Những lúc mình chới với, hụt hẫng, bức xúc, không biết làm gì thì đó là những lúc mà mình cần phải quy y, quay về nương náu với năng lượng Tam Bảo. Làm được như vậy thì mình mới thực sự là một người Tiếp Hiện. Mình phải làm sao để có một sự thực tập cho vững chãi.

Mỗi khi mình có những khó khăn, mình bị bức xúc hay chới với thì mình biết phải làm gì để lấy lại sự thăng bằng, sự thảnh thơi, sự vững chãi và một trong những phương pháp để thực hiện điều đó là quy y Tam Bảo. Quy y Tam Bảo là một sự thực tập chứ không phải là một lời tuyên bố, một đức tin. Khi mình đang lao đao, nếu nương tựa vào năng lượng của Tam Bảo là Niệm, Định, Tuệ thì mình sẽ vững chãi, sáng suốt trở lại. Trong lúc ấy, mình sẽ biết nên làm gì, không nên làm gì và mình đặt mình trong tình trạng an toàn. Đó là đạo Bụt ứng dụng.

Nếu mình nói về Tam Bảo hay cách mấy mà không ứng dụng được thì chưa phải là Phật học ứng dụng mà chỉ mới là Phật học lý thuyết. Ở tây phương hiện nay có nhiều trường đại học cấp bằng tiến sĩ Phật học, nhưng Phật học đó không phải là Phật học ứng dụng. Mình có thể giỏi tiếng Tây Tạng, tiếng Pali, Sanskrit, lão thông lý thuyết Tam Tạng kinh điển, nhưng đó mới chỉ là Phật học mà chưa phải là Phật học ứng dụng. Nếu những người có bằng cấp tiến sĩ Phật học khi gặp khó khăn, bức xúc mà không biết làm gì để thoát khỏi tình trạng ấy thì Phật học đó nó không giúp được cho mình.

Khi mình giảng dạy Tứ Diệu Đế, Bát Chánh Đạo, Ngũ Căn, Ngũ Lực, Thất Bồ Đề Phần… Tất cả những giảng dạy đó đều phải áp dụng được vào đời sống hàng ngày, chứ không chỉ có lý thuyết. Chúng ta có thể giảng kinh Pháp Hoa, kinh Hoa Nghiêm rất hay, chúng ta có thể phân tích kinh Kim Cương rất giỏi nhưng những cái đó có thể chỉ là những cái nói để thỏa mãn trí năng.

Chúng ta phải đặt câu hỏi:

  • Áp dụng kinh Pháp Hoa như thế nào để giải quyết những vấn đề bức xúc, khổ đau, tuyệt vọng của mình?
  • Áp dụng kinh Kim Cương như thế nào?
  • Áp dụng giáo lý Tứ Diệu Đế, Bát Chánh Đạo như thế nào ?

Cái đó mới gọi là Phật học ứng dụng. Vì vậy cho nên quan niệm Phật Học Ứng Dụng đến để bổ túc cho Phật Học Đi Vào Cuộc Đời. Việc học Phật của chúng ta ở trong nước cũng như ở các trường đại học đều rất từ chương, rất lý thuyết. Đó không phải là cái học mà Đức Thế Tôn gửi gắm. Chúng ta phải học Phật Học Ứng Dụng mới được. Học tới đâu thì phải hành tới đó. Là một vị giáo thọ thì thầy, thì sư cô phải cung cấp được Phật học ứng dụng cho những ai tới với mình. Và trong đời sống của mình thì mình phải làm một gương mẫu cho Phật học ứng dụng đó. Mình chỉ dạy cái mà mình đang làm.

Mình là một vị cư sĩ, mình là một vị giáo thọ tập sự hay đã được truyền đang giáo thọ thì mình cũng làm như vậy. Mình không học để khoa trương kiến thức Phật học của mình trong khi pháp đàm, trong khi nói pháp thoại. Mình chỉ nói và chỉ dạy những gì mà mình đang thực sự thực tập. Nếu mình dạy thiền hành thì mình phải thực tập thiền hành thành công tới một mức nào đó rồi mới nên dạy. Còn không thì đừng nên dạy, khoan dạy đã. Đó gọi là thân giáo. Dạy bằng sự sống của mình. Có những vị không thích nói pháp thoại nhưng những vị đó có thể là những giáo thọ rất giỏi vì các vị ấy trong khi đi, đứng, nằm, ngồi, tiếp xúc, sống với đại chúng rất hài hòa, rất an lạc, rất cởi mở. Đó là những bài pháp thoại linh động. Đó là những viên ngọc quý trong tăng thân. Những người đó không phải chỉ giới hạn trong những vị xuất gia. Trong giới tại gia cũng có nhiều vị tu tập rất giỏi, rất tĩnh lặng, rất bác học. Trong lịch sử Phật giáo Việt Nam có những người như vậy.  Các vị ấy là cư sĩ, nhưng cách các vị sống khiến cho các thầy, các sư cô cũng phải kính nể và xem đó như một vị thầy của mình. Cư sĩ Thiều Chửu, tác giả cuốn Hán – Việt từ điển , cư sĩ Tâm Minh Lê Đình Thám… Họ là những người cư sĩ nhưng hành trì rất vững chãi. Họ lên pháp tòa và dạy kinh cho các thầy, các sư cô. Nhưng họ có đầy đủ sự khiêm cung. Cư sĩ Lê Đình Thám mỗi khi lên dạy các thầy, các sư cô thì luôn mặc áo tràng và đảnh lễ các thầy, các sư cô trước rồi mới lên dạy. Các thầy, các sư cô cũng rất cung kính đối với cư sĩ Lê Đình Thám.

Ở miền Bắc, miền Trung, miền Nam đều có những vị cư sĩ như vậy. Và sự thật là các thầy, các sư cô rất cung kính đối với những vị cư sĩ này. Các vị ấy được cung kính không phải bởi vì các vị giàu, hay các vị có quyền năng gì mà các vị được cung kính bởi vì các vị có sự hành trì rất vững chãi. Các vị nói cái mà các vị làm.

Theo nguyên tắc không có chướng ngại nào, không có rào cản nào ngăn cách giới xuất gia và giới tại gia tu tập và làm việc chung với nhau. Vì chúng ta có sứ mạng đem Đạo Bụt đi vào cuộc đời, làm cho Đạo Bụt trở thành hiện thực, có thể ứng dụng được trong mọi trường hợp, cho nên chúng ta rất cần các vị giáo thọ. Vì vậy cho nên dòng tu Tiếp Hiện là một cánh tay nối dài của tăng thân xuất gia để đi vào cuộc đời. Cố nhiên là các thầy, các sư cô – những người xuất gia cũng đi vào cuộc đời nhưng số lượng các thầy, các sư cô không đủ. Ví dụ như ở Châu Âu, nước nào cũng muốn có khóa tu, ít nhất là mỗi năm phải có một khóa tu và nếu mình thỏa mãn nhu yếu đó của tất cả các nước Châu Âu thì ở làng Mai sẽ không có người tu trì, thực tập.

Vì vậy, mình cần có những tăng thân thường trú vững mạnh để làm  cơ sở. Tại Làng Mai, Tại Viện Phật Học Ứng Dụng Châu Âu, tại Bích  Nham, Lộc Uyển, Thái Lan, … hay các trung tâm khác phải luôn có một tứ chúng vững chãi thực tập quanh năm để làm vốn liếng và nếu gửi đi để tổ chức khóa tu ở các nơi khác thì chỉ một số người nào đó luân phiên đi thôi. Vì vậy, số lượng những người Tiếp Hiện xuất sĩ không đủ mà phải cần thêm rất nhiều những người Tiếp  Hiện cư sĩ. Những người Tiếp Hiện cư sĩ là cánh tay nối dài của tứ chúng để dang ra cho xã hội. Mình có nhu yếu có hàng ngàn vị cư sĩ Tiếp Hiện như vậy, để làm việc, để giáo hóa. Và cố nhiên mình không làm công việc của các vị giáo sư Phật học. Mình làm công việc tổ chức tu học và mình phải là mẫu mực của sự tu học. Mình phải nắm vững các pháp môn, nắm vững Phật học ứng dụng. Mình phải có hạnh phúc khi ngồi thiền, phải có hạnh phúc khi đi từng bước chân, phải có hạnh phúc khi thực tập im lặng hùng tráng. Mình phải có khả năng tổ chức một tăng thân tại địa phương và các thành viên trong tăng thân địa phương đó phải sống với nhau cho có hạnh phúc. Tăng thân phải có tình huynh đệ, gây được niềm tin cho người trong tỉnh, trong nước. Là người Tiếp Hiện mình phải làm cho được chuyện đó. Vấn đề không phải là có quyền hay không có quyền, vấn đề không phải mình là giáo thọ hay không phải là giáo thọ. Vấn đề là làm sao để tại cái vùng mình ở có một tăng thân tu tập có hạnh phúc, có tình huynh đệ, ở đó mọi người sống với nhau như anh chị em một nhà, không ai giành quyền hành để làm lớn, người nào cũng biết sử dụng ái ngữ và biết cách lắng nghe nhau. Tại mỗi quốc gia, mỗi thành phố mình đều phải có những tăng thân như thế. Mình phải làm như vậy ở Amsterdam, ở Paris, ở Frankfurt, ở Bruxelles, ở New York, v.v…  Ai sẽ làm chuyện đó ? Người Tiếp Hiện cư sĩ ! Các thầy và các sư cô sẽ yểm trợ, có khi đi chung, nhưng chính những người Tiếp Hiện cư sĩ phải làm chuyện đó.

Chiếc áo nâu của mình tượng trưng cho sự khiêm cung, tượng trưng cho sức mạnh im lặng. Mình phải xây dựng được một tăng thân tại chỗ, trong đó không có sự tranh giành địa vị, quyền lợi, trong đó có sự nhường nhịn, thương yêu. Chuyện đó là chuyện phải làm. Chuyện này là chuyện của người xuất gia đang làm và có thể làm hay hơn. Và chuyện này cũng phải là chuyện của tăng thân Tiếp Hiện cư sĩ đang làm và phải làm cho hay hơn. Nếu mình đoàn kết với nhau, hòa thuận với nhau, nếu có tình huynh đệ, có hạnh phúc thì tiếng thơm đồn xa và Thầy cũng được thơm lây. Thầy cũng có hạnh phúc thêm. Khi tăng thân Tiếp Hiện cư sĩ đã có hạnh phúc rồi thì làm việc chung với tăng thân xuất sĩ trong sự hòa điệu rất dễ. Người nào có tài năng, có đức độ thì thế nào tăng thân cũng nhận diện ra được và sẽ thỉnh cầu làm những công việc mà tăng thân rất cần người đó làm. Chúng ta có những vị giáo thọ cư sĩ, tập sự giáo thọ cư sĩ và rất nhiều vị cư sĩ rất giỏi khác nữa. Tôi không muốn nói tên của họ, nhưng họ khá im lặng. Họ mở những khóa tu, mở những ngày chánh niệm, giảng dạy rất hay. Họ không tạo ra những xung đột, mâu thuẫn và họ làm hạnh phúc cho rất nhiều người. Hy vọng là trong tương lai chúng ta sẽ có những khóa tu dài ngày cho người Tiếp Hiện để người Tiếp Hiện có thể bồi đắp được sự thực tập của mình, bồi đắp được chí hướng, bồi đắp được hạnh phúc và làm được bổn phận và trách nhiệm mà chư Bụt và chư Tổ giao phó. Chúng ta phải tiếp nhận cho được, phải thực hiện cho được chí nguyện đó. Chúng ta phải biến nó thành sự thật.

Nếu tăng thân ở tại địa phương ta vẫn còn ngổn ngang, chưa ngồi lại được, chưa thương yêu nhau được, chưa làm việc được với nhau thì chúng ta chưa thành công. Ai là người có trách nhiệm để làm cho tăng thân đó trở thành một tăng thân đẹp có tình huynh đệ, một tăng thân xứng đáng với tăng thân? – Chính mình! Chính mình là người Tiếp Hiện để làm chuyện đó, chính mình chịu trách nhiệm. Mình không thể nói tại vì người đó như thế đó, tại vì người kia như thế kia. Phải nói là tại vì mình tu chưa giỏi, tại mình chưa đủ khiêm cung, tại mình chưa đủ sức mạnh im lặng. Bên Bỉ cũng vậy mà ở bên Anh, Ý, Hà Lan, Mỹ, Pháp,… cũng vậy. Sứ mạng của chúng ta là tiếp nhận cho được, tiếp thu cho được, tiếp nối cho được và thực hiện cho được hoài bão của Bụt và Tổ. Dòng Tiếp Hiện có nhiều chuyện cần phải làm lắm. Mười bốn giới Tiếp Hiện cần phải tu chỉnh lại. Tất cả những cái hay, cái đẹp của Mười Bốn Giới Tiếp Hiện đã được tiếp thu vào Năm Giới nhưng những cái hay cái đẹp của Năm Giới chưa được Mười Bốn Giới Tiếp Hiện tiếp thu. Năm giới hiện giờ rất hay. Đó là công phu của tăng thân trong suốt hai năm trời. Và Mười Bốn Giới Tiếp Hiện có thể hay hơn. Nó đã hay rồi nhưng có thể hay hơn nữa. Ví dụ giới thứ tư là “tiếp xúc với khổ đau”.

“Ý thức rằng tiếp xúc và quán chiếu về bản chất của khổ đau có thể giúp con phát khởi tâm từ bi và thấy được con đường thoát khổ, con nguyện không trốn tránh thực tại khổ đau, nhắm mắt trước khổ đau và đánh mất ý thức về khổ đau của cuộc sống. Con nguyện tìm tới với những kẻ khổ đau để hiểu biết được tình trạng của họ và để giúp đỡ họ. Bằng những phương tiện tiếp xúc, tường thuật, hình ảnh, âm thanh, con nguyện thường xuyên tự đánh thức mình và đánh thức những người xung quanh về sự có mặt của những khổ đau hiện thực khắp nơi trên thế giới. Con biết rằng sự thật thứ tư là đạo đế chỉ hiển lộ khi nào con quán chiếu và thấy được tự tánh của sự thật thứ nhất là khổ đế, và con sẽ luôn luôn nhớ rằng mục đích của sự tu tập là chuyển hóa khổ đau trở thành an lạc.”

Đó là “tiếp”, tiếp xúc với khổ đau. Chúng ta có nhiều việc phải làm lắm và những công việc này cũng là tu, cũng như một phần của sự tu học. Chúng ta phải có một ủy ban nghiên cứu và tu chỉnh Mười Bốn Giới Tiếp Hiện. Người ta rất khen Mười Bốn giới Tiếp Hiện. Nhưng giới tướng Mười Bốn giới Tiếp Hiện có thể đầy đủ và hay hơn. Trong giới thứ tư, giáo lý Tứ Diệu Đế đã được đưa vào: nếu mình không hiểu được bản chất của khổ đau thì mình chưa thấy được con đường đi tới sự diệt trừ khổ đau. Nhưng trong giới này vẫn còn khiếm khuyết, trong giới nói:  “tiếp xúc và quán chiếu về bản chất của khổ đau có thể giúp con phát khởi tâm từ bi và thấy được con đường thoát khổ”. Cái thiếu sót ở đây là có nói tới khổ đau nhưng không nói tới khổ đau của mình trước. Sự thật là khi mình hiểu được nỗi khổ niềm đau của mình, thì mình mới có thể thực sự hiểu được nỗi khổ niềm đau của người khác. Thiếu sót là ở chỗ đấy.

Con nguyện tìm tới với những kẻ khổ đau để hiểu biết được tình trạng của họ và để giúp đỡ họ. Bằng những phương tiện tiếp xúc, tường thuật, hình ảnh, âm thanh, con nguyện thường xuyên tự đánh thức mình và đánh thức những người xung quanh về sự có mặt của những khổ đau hiện thực khắp nơi trên thế giới.”

Ở đây chỉ nói tới việc tìm tới với những kẻ khổ đau để giúp đỡ họ, đồng thời tự đánh thức mình và đánh thức những người xung quanh về tình trạng khổ đau trên thế giới bằng những âm thanh, hình ảnh, tường thuật… Những việc này trên thế giới đã làm cả rồi. Nhưng việc nhận diện những khổ đau trong bản thân mình và quán chiếu vì sao mà những khổ đau đó có mặt thì trong giới chưa nói tới. Điểm yếu của con người hiện tại là trốn tránh khổ đau của chính mình. Mình có những nỗi khổ niềm đau nhưng mình không có can đảm để nhận diện, trở về để quán chiếu mà lại đi khỏa lấp niềm đau bằng cách tiêu thụ, bằng cách sử dụng âm nhạc, báo chí, tiểu thuyết và  internet. Mình sử dụng những thứ đó không phải vì mình thực sự cần, mà chỉ vì không muốn tiếp xúc với khổ đau trong tâm mình. Đó là vì mình đã không thực tập chữ “tiếp”. Mình muốn tiếp xúc với những mầu nhiệm của sự sống nhưng mình cũng phải tiếp xúc với những khổ đau của bản thân. Mình phải tìm cho ra được gốc rễ của những nỗi khổ niềm đau trong chính mình. Và khi hiểu được nỗi khổ niềm đau của chính mình rồi thì mình mới thấy được phương pháp diệt trừ. Cũng như hiểu được những khổ đau của mình rồi thì mình sẽ không làm cho người khác khổ đau nữa. Đây là điểm thiếu sót của giới này mà mình phải tu chỉnh lại. Cũng như thương yêu, nếu mình không thương được mình, không chăm sóc được cho mình thì làm sao mình thương yêu, chăm sóc được cho người khác. Phải hiểu mình trước, trước khi mình có thể hiểu được người khác. Phải thương mình trước khi mình có thể thương được người khác. Nếu không, cái thương đó sẽ đưa mình tới hầm hố.

Thầy đã nhờ một số vị nghiên cứu, đề nghị lập ra một đại hội Tiếp Hiện để tu chỉnh lại 14 Giới Tiếp Hiện, trong đó có sư cô Châu Nghiêm, sư cô Tùng Nghiêm, sư cô Định Nghiêm, thầy Pháp Lưu… Có những giới mà ta có thể gộp giới làm một để nhường không gian cho một giới mới. Những giới như là giới thứ : 1,2,3,5,11,14 đều có thể tu chỉnh lại và làm cho hay hơn. Như giới thứ nhất nói về thái độ cuồng tín, cố chấp đưa tới chiến tranh, khổ đau thì mình sẽ bổ xung thêm: vì có cái nhìn lưỡng nguyên, không có cái nhìn bất nhị nên có sự kỳ thị nguyên nhân đưa tới cuồng tín, cố chấp và thiếu bao dung.

Hiện giờ không những trong những lĩnh vực xã hội, trong lĩnh vực luân lý đạo đức mà cả trong lĩnh vực khoa học, thì vấn đề về cái nhìn lưỡng nguyên cũng là một trở ngại lớn. Sự tách biệt giữa Tâm và Vật như hai cái có mặt độc lập với nhau, sự phân biệt chủ thể và đối tượng là hai cái tách rời ra khỏi nhau. Điều đó không những trong chính trị, trong xã hội, trong tâm lý người ta bị kẹt mà ngay trong khoa học cũng bị kẹt. Vì vậy cho nên giới thứ nhất, mình phải đưa vào tuệ giác bất nhị. Tuệ giác bất nhị đánh tan được sự kỳ thị, sự cố chấp, sự phân biệt. Trong Năm Giới mình đã làm được chuyện này. Vì vậy, trong khi tu chỉnh Mười Bốn Giới, mình phải học hỏi thêm từ Năm Giới. Năm Giới hiện giờ rất hay. Thành ra, tất cả những gì có trong Năm Giới mà chưa có trong Mười Bốn Giới thì mình phải đưa vào Mười Bốn Giới. Mình đã đem những tinh hoa của 14 Giới bổ xung vào Năm Giới, thì mình cũng có thể đem những tinh hoa của Năm Giới mà bổ xung vào những chỗ còn thiều của 14 Giới. Năm giới hiện nay giống như Bồ Tát giới. Chỉ cần thực tập Năm giới thôi là đã có hạnh phúc rất nhiều rồi, đã có thể là một vị Bồ Tát rồi. Giới Tiếp Hiện ban đầu được thành lập là một hình thức của giới Bồ Tát. Trong truyền thống Việt Nam, khi các thầy, các sư cô nhận giới Ba La Đề Mộc Xoa là phải nhận thêm giới Bồ Tát. Nhưng nhận giới Tiếp Hiện thì không cần nhận giới Bồ Tát nữa, giới Tiếp Hiện rất hiện đại. Giới Tiếp Hiện được coi như giới Bồ Tát của chúng ta.

Trong 45 năm hành đạo và thuyết pháp, Bụt đã thay đổi rất nhiều phương pháp giảng dạy, và hành trì. Chúng ta cũng phải vậy. Bánh xe pháp mỗi ngày một đi tới. 30 năm lịch sử và hành đạo của làng Mai chứng tỏ rằng chúng ta luôn đi tới, luôn phát kiến những pháp môn mới, những cách giảng dạy mới có ích lợi hơn, có hiệu quả nhiều hơn. Vì vậy chúng ta không nên bằng lòng với giới tướng của Mười Bốn giới bây giờ. Chúng ta phải có một đại hội Tiếp Hiện để tu chỉnh, để phê duyệt sự tu chỉnh đó. Chúng ta có một ban nghiên cứu để tu chỉnh Mười Bốn Giới Tiếp Hiện nhưng tu chỉnh xong chúng ta phải có một đại hội Tiếp Hiện để chấp nhận. Và Mười Bốn giới Tiếp Hiện ít nhất phải hay bằng Năm Giới mới, hoặc hy vọng là hay hơn. Đây là công việc của mình. Đứng về phương diện khoa học kỹ thuật, mỗi năm người ta đều chế tạo ra những máy tính mới, những solfware mới. Đứng về phương diện sách giáo khoa cũng vậy, mỗi năm có những sách giáo khoa mới. Thì trong đạo Bụt mình cũng thế,  phải có những tiến bộ, phải đẩy bánh xe tiến hóa đi về phía trước thì đạo Bụt mới có thể đóng được vai trò lãnh đạo tâm linh. Những cái này dòng tu Tiếp Hiện phải biết. Mình phải biết mình đang đứng ở phía trước, phải đẩy bánh xe đi tới và chư Bụt, chư tổ đang trông chờ mình làm chuyện đó. Sáu người đầu tiên nhận giới Tiếp Hiện vào năm 1966, tới nay đã là bao nhiêu năm rồi? Qua thời gian, Giới Tiếp Hiện được tu chỉnh lại mấy lần và bây giờ nó cần phải được tu chỉnh một lần nữa.

Chúng ta có rất nhiều Phật sự phải làm và chúng ta phải làm những Phật sự đó trong tinh thần tu tập, coi đó như là đối tượng của sự tu học của mình chứ không phải là công việc và chúng ta phải có niềm vui khi làm những chuyện đó. Chúng ta phải có năng lượng, phải có sức sống của chánh pháp. Thầy tới tuổi này mà vẫn còn năng lượng. Thầy vẫn tiếp tục dịch kinh và Thầy nghĩ rằng càng ngày Thầy càng dịch kinh dễ hiểu hơn. Thầy có rất nhiều niềm vui trong khi dịch kinh, trong khi giảng dạy, trong khi thực tập, trong khi đi thiền hành, trong khi hướng dẫn cho những người tu tập. Vấn đề ở đây là vấn đề năng lượng. Nếu mình cảm thấy mình không có năng lượng là vì mình thiếu nguyện lực. Mình phải muốn làm cái gì đó cho quê hương, cho đất nước, ông bà, xã hội… Mình phải có lý tưởng. Phải có một nguyện lực. Phải có một niềm tin. Những người trong chúng ta – xuất gia hay tại gia – mà không thấy hăng hái lắm trong sự tu học, không chịu học, không chịu tu là những người đó thiếu sức sống của chánh pháp, thiếu nguyện lực, thiếu một khối lửa trong trái tim. Mỗi người Tiếp Hiện phải có một khối lửa trong trái tim, nó cung cấp sức sống, nó đẩy mình đi tới. Và khi mình đi tới như vậy thì mình có hạnh phúc. Dù là mình đang quét nhà cho đại chúng, đang nấu ăn cho đại chúng, tưới rau, dọn cầu tiêu… mình vẫn có hạnh phúc vì mình có một nguyện lực, có một chủ đích. Cái đó không phải là danh lợi, địa vị mà là tình thương lớn, để trở thành sự tiếp nối xứng đáng của Bụt, của Tổ, của Thầy.