Thông tin cập nhật ngày 8-1-2016

Thông tin cập nhật về tình trạng sức khỏe
và sự thực tập cầu nguyện cho Sư Ông Làng Mai

Làng Mai, ngày 08 tháng 01 năm 2016

 

Kính gửi:

– Các trung tâm tu học thuộc Đạo Tràng Mai Thôn
– Các tăng thân cư sĩ tu học theo pháp môn Làng Mai  và quý thân hữu trên thế giới

Kính thưa quý vị,

Trong những ngày đầu năm mới 2016, Sư Ông chúng con thể hiện rất rõ mong muốn được về lại Làng Mai, nước Pháp. Người tương đối hài lòng với những tiến triển trong quá trình trị liệu tại Mỹ cho đến thời điểm hiện tại, nhờ vào sự chăm sóc và chữa trị tận tình của các bác sĩ tại Trung tâm UCSF cũng như các nhà vật lý trị liệu trong suốt sáu tháng qua.

Giờ đây, Sư Ông chúng con mong muốn về lại Làng để được sum vầy dưới mái nhà tâm linh Làng Mai và để tận hưởng nguồn năng lượng tập thể hùng hậu có tính trị liệu của tăng thân. Các thị giả sẽ tiếp tục chăm sóc và luôn có mặt bên Sư Ông, cũng như tiếp tục tìm kiếm những phương pháp trị liệu thích hợp nhất với Người. Các bác sĩ cũng đồng ý với quyết định trở về Làng của Sư Ông và hoàn toàn tin tưởng Người có thể về Pháp một cách an toàn.

Chúng con vui mừng thông báo với quý vị thân hữu rằng chuyên cơ đưa Sư Ông chúng con về Pháp đã hạ cánh an toàn tại sân bay Bergerac chiều hôm nay (mùng 8.1) và Sư Ông đã về lại Sơn Cốc trong niềm hạnh phúc của đại chúng Làng Mai.

Chúng con vô cùng tri ân sự yểm trợ vật chất cũng như tinh thần mà quý vị thân hữu gần xa đã gửi đến Sư Ông chúng con trong thời gian Người dưỡng bệnh tại San Francisco.  Chính năng lượng thương yêu và yểm trợ của tăng thân khắp chốn đã giúp Sư Ông chúng con rất nhiều trong quá trình trị liệu và về lại Làng Mai với nhiều niềm vui.

Vừa qua, trong đêm giao thừa Tết Tây, Sư Ông hào hứng tham gia vào không khí đón Năm Mới cùng các thị giả. Sư Ông mỉm cười và ngân nga theo mỗi khi các thị giả hát những bài yêu thích của Người. Những ngày gần đây, khi nghe lại đĩa thu âm giọng Người đọc những bài thơ do chính mình sáng tác, Sư Ông đã lắng nghe một cách hứng thú và còn dùng động tác để diễn đạt những hình ảnh đẹp trong bài thơ.

Chúng con có niềm tin vào quyết định trở về Làng của Sư Ông. Chúng con cũng rất hạnh phúc khi biết rằng Sư Ông sẽ cùng đại chúng ở Làng đón Tết Nguyên Đán, tham dự lễ hội hoa thủy tiên và đặc biệt là có mặt cho Đại Giới Đàn dự kiến sẽ diễn ra vào tháng 3 tới. Chúng con đang tiếp tục thực tập cùng nhau chăm sóc cho Sư Ông, chăm sóc cho chính mình và cũng đồng thời chăm sóc cho phút giây hiện tại. Chỉ với sự thực tập đó, chúng con  mới có thể có được một tương lai tươi sáng – một tương lai được làm bằng chất liệu của tình tăng thân, tình huynh đệ.

Một lần nữa, chúng con xin bày tỏ lòng tri ân đối với quý vị thân hữu và kính mong quý vị tiếp tục yểm trợ Sư Ông chúng con khi Người bước sang một trang mới của quá trình trị liệu.

Chúng con sẽ tiếp tục cập nhật về tình trạng sức khỏe của Sư Ông đến quý vị trên trang nhà Làng Mai tiếng Việt (langmai.org), trang nhà Làng Mai tiếng Anh (plumvillage.org) và trang nhà Làng Mai tiếng Pháp (villagedespruniers.net).

Đạo Tràng Mai Thôn


Thông tin sức khỏe Sư Ông Làng Mai

Sư Ông Làng Mai đã về đến đất Thái an toàn

Sáng ngày 10.12.2016, chiếc chuyên cơ đưa Sư Ông Làng Mai cùng một nhóm quý thầy, quý sư cô thị giả đã đến Thái Lan an toàn. Sư Ông hiện đang nghỉ ngơi và thưởng thức khung cảnh yên bình của rặng núi Khao Yai từ thất Nhìn Xa, tại trung tâm Làng Mai Thái Lan.

 

Cách đây một tuần, Sư Ông đã thể hiện rõ ước muốn về thăm trung tâm Làng Mai Thái Lan. Việc sắp xếp cho Sư Ông đi Thái không hề dễ dàng, nhưng cuối cùng nhờ sự gia hộ của chư Bụt, chư Tổ, và sự yểm trợ của rất nhiều thân hữu khắp nơi trên thế giới mà ước muốn của Sư Ông đã thành hiện thực.

Làng Mai Thái Lan ra đời năm 2009, sau sự kiện Bát Nhã. Đây là trung tâm lớn nhất của Làng Mai tại châu Á, với hơn 150 xuất sĩ – phần lớn là những người xuất gia trẻ – đang tu tập tại đây. Sự có mặt của Sư Ông tại Làng Mai Thái Lan như một phép mầu, khiến cho đại chúng nơi đây vô cùng hạnh phúc. Có lẽ hạnh phúc nhất là những em chuẩn bị được xuất gia vào ngày 14.12 sắp tới với sự chứng minh của Sư Ông.

Đại chúng Làng Mai Thái Lan trước thất Nhìn Xa của Sư Ông

 

Chúng con vô cùng tri ân sự yểm trợ hết lòng, cả về vật chất lẫn tinh thần, của quý vị thân hữu khắp nơi trên thế giới dành cho Sư Ông chúng con và giúp cho ước muốn của Sư Ông trở thành hiện thực.

Chúng con xin thành kính tri ân và kính chúc quý vị thân hữu cùng gia đình thật nhiều an vui.

Tăng thân Làng Mai.

Thông điệp của Thiền sư Thích Nhất Hạnh gửi đến Liên Hiệp Quốc về vấn đề biến đổi khí hậu

Năm 2014, tổ chức Công ước khung của Liên Hiệp Quốc về biến đổi khí hậu (UNFCCC) đã mời Thiền sư Thích Nhất Hạnh, với tư cách một nhà lãnh đạo tâm linh quốc tế, viết một thông điệp ngắn về vấn đề biến đổi khí hậu và về mối liên hệ giữa con người với con người, cũng như giữa con người với trái đất. Thông điệp này đã được đăng trên trang mạng của UNFCCC, trước thềm Hội nghị thượng đỉnh về Biến đổi khí hậu diễn ra tại Paris vào tháng 9 năm 2015. Dưới đây là bản dịch từ nguyên bản tiếng Anh.

 

Hành tinh xinh đẹp, rộng lớn và đầy sức sống  mà chúng ta gọi là trái đất, đã sinh ra mỗi người chúng ta và mỗi chúng ta đều mang trái đất trong từng tế bào cơ thể mình.

Ta với trái đất là một

Trái đất là Mẹ của chúng ta. Trái đất nuôi dưỡng và bảo vệ ta từng giây từng phút. Trái đất cho chúng ta không khí để thở, nước trong để uống, thực phẩm để ăn và những cây thuốc hiền lành để ta trị bệnh. Mỗi hơi thở vào của chúng ta đều có chứa khí ni-tơ, khí oxy, hơi nước và những nguyên tố vi lượng của trái đất. Nếu thở có chánh niệm thì ta có thể chứng nghiệm được sự tương tức giữa ta với bầu khí quyển mỏng manh của trái đất, với cây cỏ, và với cả mặt trời, vì nếu không có mặt trời thì sự quang hợp sẽ không thể xảy ra. Với mỗi hơi thở, ta có thể chứng nghiệm được sự dung thông (communion), với mỗi hơi thở ta có thể nếm được những mầu nhiệm của sự sống.

Chúng ta cần thay đổi cách ta suy nghĩ và cách ta nhìn sự vật. Ta cần biết rằng trái đất không chỉ là môi trường sống của ta mà thôi. Trái đất không phải là một thực thể ở ngoài ta. Nếu thở có chánh niệm và quán chiếu hình hài của mình, ta sẽ nhận ra rằng ta là trái đất, ý thức của ta cũng là ý  thức của trái đất. Nhìn chung quanh ta, tất cả những gì ta thấy đều không phải là môi trường của ta mà chính là ta.

Trái đất – Mẹ của muôn loài

Dù thuộc quốc tịch nào, nền văn hóa nào, dù theo tôn giáo nào – Phật tử, tín đồ Thiên Chúa giáo, Hồi giáo, Do Thái giáo hay người theo chủ nghĩa vô thần – thì ta cũng có thể thấy trái đất không phải là một vật vô tri. Trái đất đã cho ra đời nhiều vị Bụt, Bồ tát, những nhà tiên tri, những vị thánh, những người con trai, con gái của Thượng Đế và loài người. Trái đất là một bà mẹ đã nuôi dưỡng, bảo vệ mọi người và mọi loài với một tình thương không phân biệt, không kỳ thị.

Khi nhận ra rằng trái đất không chỉ là môi trường, chúng ta sẽ thấy cần phải bảo vệ trái đất như là bảo vệ chính mình. Đó là một sự tỉnh thức, một sự giác ngộ mà ta cần phải có. Tương lai của hành tinh này tùy thuộc vào khả năng chúng ta có thể nuôi lớn tuệ giác đó hay không. Trái đất và các chủng loại sống trên đó đang ở trong tình trạng nguy hiểm thật sự. Nếu xây dựng được mối liên hệ sâu sắc với trái đất thì ta sẽ có tình thương, có sức mạnh và tuệ giác để thay đổi lối sống của mình.

Tình yêu dành cho trái đất

Ai trong chúng ta cũng đều có thể kinh nghiệm được cái cảm giác đầy kính ngưỡng và thương yêu khi ta thấy được vẻ đẹp, sự hài hòa và thanh tú của trái đất. Chỉ cần nhìn vào một cánh hoa anh đào, một chiếc vỏ ốc hay một con dơi là có thể thấy được tính sáng tạo tuyệt vời của đất Mẹ. Những tiến bộ về khoa học kỹ thuật giúp chúng ta thấy được thêm những mầu nhiệm của trái đất, vì vậy mà càng thêm khâm phục và thương yêu hành tinh kỳ diệu này. Khi chúng ta đã thật sự thấy và hiểu được trái đất thì tình thương sẽ ứa ra trong trái tim ta. Ta cảm thấy kết nối, gắn bó mật thiết với đất Mẹ. Đó là ý nghĩa của tình yêu: ta trở thành một với đối tượng thương yêu.

Chỉ khi nào ta yêu đất Mẹ thật sự thì hành động của ta mới phát xuất từ sự tôn kính và từ tuệ giác tương tức. Hiện nay rất nhiều người đang đánh mất liên hệ với đất Mẹ. Chúng ta bị lạc lối, xa cách và cô đơn. Chúng ta làm việc quá nhiều. Đời sống của ta quá bận rộn. Tâm ta trở nên bất an, tán loạn và ta đánh mất mình trong sự tiêu thụ. Nhưng đất Mẹ luôn có mặt đó cho ta, hiến tặng cho ta những thứ cần thiết cho sự nuôi dưỡng và trị liệu: những hạt ngũ cốc mầu nhiệm, những dòng nước mát trong, những cánh rừng thơm ngát, những đỉnh núi tuyết hùng vĩ và tiếng chim hót tươi vui của buổi bình minh.

Hạnh phúc chân thật được làm bởi tình thương

Nhiều người trong chúng ta nghĩ rằng cần phải có nhiều tiền hơn, nhiều quyền lực hơn, nhiều địa vị hơn thì mới có thể hạnh phúc. Chúng ta quá bận rộn chạy theo tiền bạc, uy quyền và địa vị nên thờ ơ trước những điều kiện hạnh phúc đang có mặt đó cho ta. Đồng thời chúng ta tự đánh mất mình trong sự mua sắm và tiêu thụ những thứ không cần thiết, tạo thêm áp lực đè nặng lên thân thể của chúng ta và trái đất. Trong khi đó, phần lớn những gì ta ăn, ta uống, ta xem hay ta nghe là những thứ độc hại. Nó làm cho thân tâm ta bị ô nhiễm bởi bạo động, giận dữ, sợ hãi và tuyệt vọng. 

Cũng như môi trường vật lý bị ô nhiễm không khí, môi trường nhân loại cũng đang bị ô nhiễm tâm linh với bầu không khí độc hại do cách tiêu thụ của chúng ta tạo ra. Chúng ta cần tiêu  thụ như thế nào để có thể duy trì được bình an và hạnh phúc trong tự thân. Chỉ khi nào loài người chúng ta có một nếp sống bền vững thì nền văn minh của nhân loại mới có thể bền vững được.

Hạnh phúc có thể có được bây giờ và ở đây. Chúng ta không cần phải tiêu thụ thật nhiều mới có thể hạnh phúc. Thật ra ta có thể sống rất giản dị. Nếu có chánh niệm thì mỗi giây phút đều có thể trở thành một giây phút hạnh phúc. Thưởng thức một hơi thở, cho phép mình dừng lại để ngắm bầu trời xanh, thưởng thức trọn vẹn sự có mặt của một người thương, chỉ như vậy thôi cũng đã quá đủ để cho ta hạnh phúc. Mỗi người trong chúng ta cần phải trở về để kết nối lại với chính mình, với những người thương của mình và với trái đất. Tiền bạc, uy quyền và sự tiêu thụ không cho ta hạnh phúc, mà ta chỉ có hạnh phúc thực sự khi trong trái tim ta tràn đầy tình thương và sự hiểu biết.

Chiếc bánh mì trong tay ta chứa đựng cả vũ trụ

Chúng ta phải tiêu thụ như thế nào để nuôi dưỡng lòng từ bi trong ta. Hiện nay nhiều người trong chúng ta đang tiêu thụ một cách rất bạo động. Những khu rừng đang bị tàn phá để làm đồng cỏ nuôi gia súc lấy thịt hay để trồng ngũ cốc làm rượu, trong khi hàng triệu người trên thế giới đang chết đói. Nếu ta giảm ăn thịt và uống rượu xuống 50% thì đó là một hành động thương  yêu, thương yêu chính mình, thương yêu trái đất và những loài khác. Ăn với lòng từ bi có thể giúp làm thay đổi tình trạng mà hành tinh của ta đang lâm vào và thiết lập lại sự cân bằng cho chúng ta và cho trái đất.

Không có gì quan trọng hơn tình huynh đệ

Cần phải có một cuộc cách mạng và cuộc cách mạng đó cần bắt đầu từ chính trong mỗi người chúng ta. Chúng ta phải thức tỉnh và thương yêu trái đất. Chúng ta đã là homo sapiens (con người có trí tuệ) trong một thời gian dài, bây giờ đã tới lúc chúng ta phải trở thành homo conscious (con người có ý thức, có chánh niệm). Tình thương và sự kính phục đối với trái đất có sức mạnh gắn  kết chúng ta lại với nhau, lấy đi những biên giới, những chia cách và kỳ thị. Những thế kỷ của chủ nghĩa cá nhân và cạnh tranh đã gây ra sự tàn phá và chia cách rất lớn. Chúng ta cần tái lập sự truyền thông thật sự với chính mình, với đất Mẹ và với những chủng loại khác trên hành tinh này với tư cách là những đứa con cùng chung một mẹ. Chúng ta cần phát minh ra nhiều kỹ thuật tân tiến hơn để bảo vệ hành tinh này. Chúng ta cần những cộng đồng thật sự và cần sự hợp tác với nhau.

Tất cả các nền văn minh đều vô thường và phải tàn hoại một ngày nào đó. Nhưng nếu chúng ta vẫn tiếp tục đi theo lối sống như hiện nay thì văn minh nhân loại sẽ bị hủy diệt sớm hơn là ta nghĩ. Trái  đất có thể sẽ cần vài triệu năm để trị liệu,  để lấy lại sự cân bằng và phục hồi lại vẻ đẹp của mình. Trái đất có khả năng phục hồi, nhưng loài người chúng ta và những chủng loại khác sẽ biến mất cho tới khi trái đất tạo ra đủ những điều kiện để đưa chúng ta trở lại dưới những hình thức mới. Khi ta chấp nhận được sự vô thường của nền văn minh nhân loại một cách bình an thì ta sẽ thoát khỏi sự sợ hãi. Lúc đó ta mới có sức mạnh, tuệ giác và tình thương để đoàn kết lại với nhau. Trân quí và thương yêu trái đất, đó không phải là bổn phận, mà là vấn đề hạnh phúc cũng như sự sống còn của cá nhân và của mọi người trên hành tinh này.

(Nguồn: http://plumvillage.org/letters-from-thay/ thich-nhat-hanhs-statement-on-climate-change- for-unfccc/)

Thông điệp Phật đản

Hoàng hậu Mahamaya sinh Siddhartha một cách rất dễ dàng. Trên con đường về quê ngoại để sinh nở, bà và đoàn tùy tùng dừng chân nghỉ ngơi ở vườn Lumbini. Đang đi dạo thì bà cảm thấy giây phút sinh nở đang tới. Bà vịn vào một cành cây asoka, và sinh ra thái tử Siddhartha trong thế đứng. Các thị nữ đã kịp thời đỡ lấy em bé với những trang bị cần thiết đã đem theo sẵn. Sau khi sinh Siddhartha, bà Mahamaya trở về lại Kapilavastu. Có những người hầu cận được gửi về trước để thông báo tin mừng này cho cả hai bên nội ngoại.

Công nương Yasodhara khi sinh bé Rahula, con của Siddhartha, lại gặp rất nhiều khó khăn. Thời gian sinh nở kéo dài, có lúc người ta tưởng hai mẹ con đã không qua khỏi những giây phút khó khăn cực độ đó. Cả hoàng gia trong đó có Siddhartha, đều nhấp nhổm lo âu, năng lượng sợ hãi tập thể rất lớn, bao trùm cả cung điện. May thay, cuối cùng rồi Yasodhara cũng sinh được Rahula. Ta có thể thấy được rằng trong thời gian thai nghén Rahula, Siddhartha đang lâm vào một tình trạng thao thức, bất an, không có được hạnh phúc trong giây phút hiện tại. Chứng kiến những khổ đau trong bản thân, trong gia đình và cả trong vương quốc, Siddhartha không lòng nào ngồi đó mà hưởng thụ những điều kiện của một cuộc sống phù phiếm xa hoa. Yasodhara thấy được tất cả những bất an ấy nơi Siddhartha nhưng không biết cách nào để giúp Siddhartha. Những thao thức khổ đau dằn vặt của Siddhartha đã đi vào trong Yasodhara và trong cả bé Rahula. Sinh nở khó khăn ít nhất một phần cũng do nguyên do này.

Kinh nghiệm sinh nở khó khăn ấy đã góp một phần trong quyết định của Siddhartha bỏ nhà ra đi tìm đạo. Yasodhara đã hiểu và đã chấp nhận.

May mắn cho chúng ta là Siddhartha đã thành công. Sự thành công của Siddhartha là một sự thành công lớn của cả nhân loại, cũng như khi Neil Armstrong  đặt bước chân đầu tiên lên mặt trăng đã nói rằng đây là một bước tiến lớn của nhân loại về phương diện khoa học kỹ thuật. Siddhartha thành công cho tất cả chúng ta. Siddhartha tìm ra được con đường giúp ta xử lý được khổ đau, chế tác được hỷ lạc trong đời sống hàng ngày, vượt thoát được những hệ lụy của danh vọng, tiền tài, quyền hành và sắc dục, đồng thời tiếp xúc được tới tự tính vô sinh bất diệt của hiện hữu.

Ngày hôm nay ta ăn mừng sự xuất hiện của Siddhartha trên hành tinh này. Nhưng hầu hết chúng ta đều chỉ biết tôn sùng Siddhartha như một quyền lực thiêng liêng có khả năng ban phúc trừ họa. Không mấy ai trong chúng ta đang đi được trên đường Siddhartha đã đi, biết cách xử lý khổ đau, chế tác hạnh phúc, tái lập được truyền thông, tiếp xúc với Niết bàn trong hiện tại. Đạo Bụt của chúng ta phần lớn chỉ là đạo Bụt của tín mộ. Những gì mà Bụt khuyên chúng ta nên buông bỏ như danh lợi, tài sắc v.v… bây giờ chúng ta lại cầu Bụt ban cho chúng ta những cái đó.

Thực tập niệm, định, tuệ để đi trên con đường bát chánh như con đường hạnh phúc trong giây phút hiện tại chỉ còn là một phần nhỏ. Chúng ta đã không biết thừa hưởng những phần quý giá nhất của gia tài tâm linh mà Siddhartha để lại. Đạo Bụt của chúng ta đã hủ hóa, không còn đóng được vai trò như ngày xưa. Chúng ta phải nỗ lực làm mới đạo Bụt để đạo Bụt có thể tiếp tục đóng được vai trò của nó trong việc đem lại an bình cho bản thân, gia đình, đất nước và xã hội. Chỉ thực tập đạo Bụt tín mộ, cả ngày chỉ cúi rạp mình dưới mấy cây hương, chúng ta sẽ không làm được việc đó, chúng ta sẽ không xứng đáng là con cháu của bậc Đại Hùng.

Sư Ông Làng Mai đã về đến Việt Nam an toàn

Làng Mai, ngày 29 tháng 8 năm 2017

Kính gửi:

 Các trung tâm tu học thuộc Đạo tràng Mai Thôn

–  Các tăng thân cư sĩ tu học theo pháp môn Làng Mai và quý thân hữu trên thế giới

 

Chúng con rất hạnh phúc được thông báo rằng Sư Ông chúng con đã về đến Việt Nam an toàn. Chuyến bay đưa Sư Ông từ Thái  Lan đã hạ cánh tại sân bay quốc tế Đà Nẵng vào 12 giờ 35 (giờ Việt Nam) ngày 29 tháng 8 năm 2017. Kể từ năm 2008, đây là lần đầu tiên Sư Ông về thăm lại Việt Nam.   

Trong một vài tuần gần đây, Sư Ông chúng con thể hiện rõ ước muốn được trở về thăm quê hương. Với sự yểm trợ hết lòng của tăng thân tứ chúng, ước nguyện đó nay đã thành hiện thực. Trong chuyến về Việt Nam lần này, Sư Ông sẽ về thăm Tổ đình Từ Hiếu, Huế – nơi Sư Ông bắt đầu con đường xuất gia tu học vào năm 1942. Để giúp bảo tồn năng lượng cho Sư Ông trong quá trình trị liệu, chúng con xin thông báo là sẽ không có các khóa tu hoặc các sự kiện công cộng do tăng thân Làng Mai tổ chức tại Việt Nam trong thời gian Sư Ông thăm quê hương.

Chúng con vô cùng tri ân sự yểm trợ hết lòng, cả về vật chất lẫn tinh thần, của quý vị thân hữu khắp nơi trên thế giới dành cho Sư Ông chúng con. Sự yểm trợ của quý vị đã giúp cho ước muốn của Sư Ông trở thành hiện thực và tiếp thêm sức mạnh cho Sư Ông chúng con trong quá trình trị liệu.

Thật may mắn và quý giá biết nhường nào khi Sư Ông vẫn còn đó cho chúng ta và luôn hiến tặng sự có mặt vững chãi cùng đức vô úy của Người. Chúng con ý thức rằng năng lượng tu học mỗi ngày của các đệ tử – xuất gia và tại gia – trên khắp thế giới đang nuôi dưỡng Sư Ông rất nhiều. Sư Ông luôn có mặt với chúng ta mỗi khi chúng ta thở một hơi thở có ý thức hoặc bước một bước chân trong chánh niệm, cũng như khi chúng ta mang lại niềm an vui cho bản thân và cho thế giới.

Sư Ông đã từng chia sẻ trong chuyến về Việt Nam năm 2007: “Trong 65 năm tu tập, điều mà tôi tìm ra là không có tôn giáo nào, học thuyết nào, chủ nghĩa nào cao hơn tình huynh đệ”. Sư Ông muốn nhắc nhở chúng ta rằng với sự đoàn kết và tình huynh đệ chân chính, không có gì mà chúng ta không thể thực hiện được.

Chúng con xin thành kính tri ân.

Tăng thân Làng Mai.

(Nguồn hình ảnh: Quảng Điền)

Sư Ông Làng Mai đã trở về Tổ đình Từ Hiếu

 

Chiều nay, Chủ Nhật, 03.09.2017, chúng con đã rất xúc động khi chứng kiến khoảnh khắc Sư Ông Làng Mai về đến Tổ đình Từ Hiếu, Huế vào lúc 18h40.

Sư Ông trông rất hạnh phúc khi trở về thăm lại quê hương và thăm lại Tổ đình Từ Hiếu – nơi Sư Ông bắt đầu con đường xuất gia tu học vào năm 1942. Từ cổng Tam quan, Sư Ông thăm qua hồ bán nguyệt, lên chánh điện, niêm nhang cúng dường ở hậu Tổ, thăm thiền đường Trăng Rằm, thăm thất Lắng Nghe rồi mới về phòng nghỉ. Những cái nắm tay của Sư Ông với Hòa thượng Giác Quang, Thượng tọa Từ Đạo đã khiến nhiều người không kìm được nước mắt. Mặc dù phải di chuyển trên xe một đoạn đường dài từ Đà Nẵng ra Huế nhưng sức khoẻ của Sư Ông vẫn rất tốt sau chuyến đi. Về phòng, chỉ mới nghỉ được một lúc, Sư Ông đã dạy thị giả đưa ra ngoài  và dạo quanh chốn Tổ một vòng trước khi dùng cơm tối và nghỉ ngơi. Đây là lần trở lại Tổ đình Từ Hiếu đầu tiên của Sư Ông kể từ năm 2008.

Chuyến về thăm của Sư Ông lần này rất bất ngờ, mặc dù vậy, chư Tôn đức Tăng Ni cùng Phật tử cư sĩ đã có mặt sau khi biết tin và đón Sư Ông rất ấm cúng và đầy đạo tình. Quý thầy ở Từ Hiếu với y hậu trang nghiêm đã đón tiếp Sư Ông trong tiếp chuông trống bát nhã trầm hùng.

 

Sư Ông niêm hương trước bàn thờ Tổ

 

Sư Ông thăm thiền đường Trăng Rằm

 

Là những thị giả của Sư Ông trong chuyến đi, chúng con xin được chia sẻ niềm hạnh phúc lớn lao này đến đại chúng và mong đại chúng tiếp tục chế tác năng lượng bình an, yêu thương và tình huynh đệ để yểm trợ cho chuyến đi cũng như quá trình trị liệu của Sư Ông.

 

BAN THỊ GIẢ KÍNH GHI.

 

Cáo bạch về việc thực tập tưởng niệm cố Hòa thượng Thích Chí Mãn

CÁO BẠCH


về việc thực tập tưởng niệm cố Hòa Thượng Thích Chí Mãn


 
 
Kính gửi: Bốn chúng Đạo Tràng Mai Thôn và các Tăng thân trên thế giới

 
 
Kính thưa liệt quý vị,
 
Hội đồng Giáo Thọ quốc tế Đạo tràng Mai Thôn xin báo tin đến quý vị:
 
 
Bậc Tôn Đức đệ tử của sư tổ Thanh Quý – Chân Thật (trú trì Tổ đình Từ Hiếu – Huế), pháp đệ của Sư Ông Làng Mai, Hòa thượng pháp danh TRỪNG VIÊN, pháp tự CHÍ MÃN, sau một thời gian ngắn bệnh yếu, Hòa Thượng đã an nhiên thị tịch lúc 21:30 ngày 8/9/2017, tại chùa Pháp Vân thành phố Đà Nẵng, Việt Nam (trụ thế: 76 năm, hạ lạp: 52 năm).
 

Hòa thượng là bậc Tôn đức lớn của tông môn Từ Hiếu
. Hòa thượng là Giám Học của Tổ Đình Từ Hiếu – Huế và là bậc ân sư của bốn chúng Đạo tràng Mai Thôn. Hòa thượng đã nhiều lần viếng thăm và giáo huấn đại chúng Đạo tràng Mai Thôn tại Pháp và các nơi khác. 
Gần đây nhất, tháng 3 năm 2017, Hòa Thượng đã từ bi hoan hỷ làm THẦY TRUYỀN GIỚI (Hòa thượng đường đầu) trong Đại giới đàn Tánh Thiên tại Làng Mai Thái Lan. 
Hòa thượng đã tiếp nhận kệ phó pháp truyền đăng của Sư Ông Làng Mai vào tháng 10 năm 2010 tại Làng Mai Thái Lan. Bài kệ như sau:
 
Tâm mang ý chí xuất trần
Đến khi nguyện mãn pháp thân rạng ngời
Về nơi xuất phát tinh khôi
Thoát vòng sinh diệt khắp trời bình an.
 

Vậy,
 đề nghị tất cả các trung tâm thuộc Đạo Tràng Mai Thôn trên thế giới:

– Thiết lập bàn thờ có di ảnh Hoà thượng để tưởng niệm Hoà thượng trong thời gian 02 năm;

– Thực tập ngồi thiền và tụng kinh để gởi năng lượng an lành cúng dường lên giác linh Hoà Thượng;

– Thực tập dâng hương, cúng trà vọng bái suốt thời gian tang lễ diễn ra tại Việt Nam.

 
Kính mong đại chúng xuất sĩ và cư sĩ thuộc Đạo tràng Mai Thôn khắp nơi lưu ý gia tâm sự thực tập, nuôi dưỡng thêm ý thức về Tình Nghĩa mà thực tập quy kính Bậc ân đức đã ẩn tàng về nơi thế giới bản môn vô sinh – bất diệt. 
Kính chúc quý liệt vị luôn an trú được trong hiện pháp.
 Nay kính cáo bạch
.
 
Thay mặt Hội đồng Giáo thọ quốc tế Đạo tràng Mai thôn
Tỳ kheo Thích Chân Pháp Đăng
 
Hình ảnh Sư Thúc trong lễ rước giới bản Đại giới đàn Tánh Thiên tại Thái Lan
Phụ chú: 


– Xướng lễ:
  • 
Nhất tâm đảnh lễ: Tự Lâm Tế chánh tông tứ thập nhị thế, Từ Hiếu tổ đình giám học, Pháp Vân tự trú trì, huý thượng TRỪNG hạ VIÊN, hiệu CHÍ MÃN, ĐƯỜNG ĐẦU HOÀ THƯỢNG giác linh. (Hán Việt)
  • 


Nhất tâm kính lễ: Đời thứ bốn mươi hai nối dòng thiền Lâm Tế, Giám học tổ đình Từ Hiếu, trú trì chùa Pháp Vân Đà nẵng, Hoà Thượng Đường Đầu truyền giới huý trước Trừng sau Viên, hiệu Chí Mãn giác linh (Việt)
⁃
 Chữ viết dưới di ảnh: Hòa Thượng Đường đầu truyền giới THÍCH CHÍ MÃN

Tạ từ thoắt đã dời chân cõi ngoài

Hơn tám giờ sáng, thứ Hai, ngày 04.09.2017, ánh mặt trời thắp trong vắt trên các ngọn cây và thả từng vạt mỏng trên nền vườn chùa Tổ, Sư Ông đã có gần hai giờ đồng hồ rong chơi quanh khuôn viên Tổ đình Từ Hiếu, nơi đã gắn bó sâu sắc với những năm đầu tiên Sư Ông xuất gia học đạo.

Đây, ngôi tháp cổ phủ rêu phong theo năm tháng, nơi bóng hình của Tổ khai sơn Tánh Thiên Nhất Định vẫn còn đó bài học hiếu đạo và công trình dựng tăng đã lưu xuất nhiều thế hệ xuất sĩ, nhiều bậc cao tăng tài đức.

Đây, con đường đất sỏi đi ngang Tàng Tháp, nơi những bức tường sạm màu ấy, sư chú Phùng Xuân ngày xưa đã cùng với các huynh đệ khác gom lá thông nướng nấm, nướng măng.

Đây, trên con đường từ Tổ đình qua Ni xá Diệu Trạm, hồ Sao Hôm cuối hạ vẫn còn cho những đóa sen hồng tươi thắm. Nơi thư quán, Sư Ông đã dừng lại ngắm nhìn từng tác phẩm của mình trên kệ sách, thăm coi phòng ở của các sư cô và nơi sinh hoạt có được thoải mái không.

Đây, khu Lăng Viện nơi sư chú Phùng Xuân đã từng ra nằm đọc sách trên nền mát rượi. Hôm nay, Sư Ông đến thăm và dừng lại đọc rất nhiều tấm bia bằng chữ Hán trong Lăng Viện.

Đây, cổng tam quan cổ kính, gần hồ bán nguyệt, nơi đã không biết bao nhiêu buổi chiều sư chú Phùng Xuân ngồi nhổ cỏ và nghe tiếng tụng kinh công phu của chú Tâm Mãn từ Đại Hùng Bảo Điện vọng xuống. Trong khung cảnh mầu nhiệm ấy, sư chú Phùng Xuân lắng tai nghe cho đến khi bóng tối phủ đầy mà vẫn chưa chịu bước xuống hồ rửa tay.

Đây, hồ bán nguyệt, nơi sư chú Phùng Xuân đã từng mang những trái mít non tươi xuống gọt vỏ để cho dì Tư hay chính sư chú sẽ nấu một nồi canh mít thơm ngon với lá lốt. Hôm nay, Sư Ông đã ngồi chơi rất lâu nơi những bậc cấp dẫn xuống hồ. Sư Ông thưởng thức trà, ngắm nhìn hồ nước, ngắm nhìn cổng tam quan, nghe quý thầy quý sư cô và những Phật tử cư sĩ hát thiền ca. Có lúc, Sư Ông dạy tất cả mọi người ngưng hát, cùng im lặng để có mặt nơi thực tại mầu nhiệm trong phút giây huyền thoại này, phút giây thầy trò hiện hữu nơi chốn Tổ linh thiêng.

 

 

 

Quý thầy trong phiên thị giả cho biết rằng, lúc mười giờ tối và hai giờ khuya, Sư Ông cũng đã đi dạo những nơi gần thất Lắng Nghe, ra thăm thiền đường Trăng Rằm, nơi có chân dung của thiền sư Tánh Thiên Nhất Định, bậc cao tăng khai sơn Tổ đình. Sư Ông muốn đi xuống Tổ đường nhưng đường dẫn xuống đã bị phá bỏ. Sư Ông dạo quanh khuôn viên thiền đường Trăng Rằm và ngắm nhìn rất kỹ những cây cối trong vườn, ngắm nhìn cây vả đang cho rất nhiều trái bên hông thất Sư Ông trong ánh trăng tháng Bảy.

Buổi chiều, Sư Ông cũng ra ngoài dạo chơi, thăm giếng nước xưa, thăm đồi thông cổ, thăm lại những cây bùi già đã cho rất nhiều trái ngon. Từ nơi khoảng sân đất quen thuộc bên hông chánh điện, Sư Ông ra thăm tháp Bổn sư là Sư cố Thanh Quý Chân Thật. Sư Ông đã đi thiền quanh tháp một vòng, dừng lại đọc bài kệ bằng chữ Hán in nơi bức tường thành, thật chậm rãi và kính cẩn, trước khi qua thăm tháp của Sư thúc Chí Mậu và về lại thất nghỉ ngơi. Nơi bốn trụ lớn trước tháp Sư thúc, lúc Sư Ông dừng lại thăm, có những con chim bồ câu bay đến đậu rất yên bình.

Mỗi nơi Sư Ông đi qua, chúng con cảm thấy Sư Ông đã tiếp xúc rất sâu sắc với năng lượng thương yêu, bình an và có mặt. Chúng con cảm thấy chư vị Tổ sư qua các thời đại và hồn thiêng sông núi cùng có mặt trong khung cảnh mầu nhiệm này. Nghĩa tình, hiếu đạo, tha thứ và bao dung trọn vẹn nơi sự có mặt của Sư Ông. Nhưng dường như trên khuôn mặt của Sư Ông lộ rõ một ưu tư gì đó gợn nét buồn khó tả. Chẳng biết có phải vì Sư Ông thấy không khí Tổ đình không còn sinh khí như xưa, nơi đã từng có trên một trăm người xuất gia tu học miên mật bên nhau. Chúng con, ban thị giả không thể thấu hiểu được hết cảm nhận, tâm sự, trăn trở của Sư Ông và chỉ biết làm một việc thôi – việc thị giả.

Chúng con vẫn nghe lời Sư Ông trong nắng gió, như là một lời hứa mà Sư Ông vừa thực hiện:

"Chừng nào các con về chùa Tổ, thầy sẽ đưa các con đi khắp các nẻo đồi núi, vườn tược, ngõ ngách, bụi tre, bờ giếng của chùa. Các con sẽ tập nhìn bằng mắt của Sư Ông, bằng mắt của thầy, nghĩa là bằng mắt của chính các con. Góc nào cũng đầy những kỷ niệm. Ví dụ cái thành vôi ở ngôi mộ bên đồi Tàng Tháp. Ngày xưa chú Tâm Mãn và chú Phùng Xuân thường nướng những gốc măng cán giáo và những gói nấm tươi ở đấy. Trước hết là những gốc măng cán giáo. Hai chú đi quơ lá thông dồn vào góc tường và đốt cho đến khi các gốc măng chín mềm. Thịt măng vàng tươi và thơm ngon lạ thường. Hai chú ăn măng nướng với tiêu muối đựng trong một chiếc lá vả. Còn nấm nữa. Đủ các loại nấm. Nấm thông, nấm mỡ, nấm mồng gà, nấm tràm, nấm mối… Hai chú xuống suối rửa nấm thật sạch trong lòng suối, xát nấm bằng muối, rửa sạch lại lần nữa, rồi mới bọc nấm, tiêu, muối vào nhiều lớp lá vả tươi, gói lại, dùng lá thông khô mà đốt. Khi nấm chín, các chú ăn với những lá rau thơm, rau húng, rau quế, rau tía tô… hái ở các vườn chùa. Tuổi thiếu niên rất thèm khát, thèm chơi, thèm nghịch ngợm, thèm riêng tư, thèm những gì không chính thức, thèm những gì hoang dại. Tình bạn thời niên thiếu, nhắc lại, vẫn còn thấy thèm mãi mãi.

… Trăng núi đồi Dương Xuân sáng quá.

Chú Phùng Xuân không thể không trở thành thi sĩ.

Nhưng thơ không phải chỉ là ánh trăng. Con cũng đã biết như thầy là chất liệu làm nên thi ca cũng là cảnh bùn lầy nước đọng, cũng là bão lửa giữa hư không, cũng là mái tranh nghèo chờ đợi ven sông, cũng là mái chèo của đoàn người cứu trợ, cũng là hiểm nguy xông pha, cũng là hoa vàng trúc tím và chân như bản thể". 

(Trích từ tác phẩm "Con nghé nhỏ đuổi chạy mặt trời" – Sư Ông Làng Mai)

Cũng ngay trong buổi chiều cùng ngày, sau khi đi dạo quanh chốn Tổ, Sư Ông đã ra dấu đưa Sư Ông rời Tổ đình. Sư Ông đã dạo quanh hồ bán nguyệt một vòng và đúng vào lúc 15 giờ 40 phút, khi ánh mặt trời vẫn còn thắp sáng chốn Cố Đô, trải từng vạt mỏng nơi cổng tam quan Từ Hiếu, Sư Ông quay lại đưa tay xá chào chốn Tổ. Hình ảnh Sư Ông ra hiệu thị giả dừng lại, rồi hướng về cổng tam quan, xa xa là những nơi chốn ghi dấu bao kỷ niệm êm đềm trong cuộc đời sư chú Phùng Xuân, Sư Ông chắp tay, cúi đầu xá chào trước khi lên xe, đã in đậm trong lòng mỗi chúng con. Bản thân chúng con – thị giả bên cạnh Sư Ông – cảm thấy rất bất ngờ trước quyết định đột ngột và dứt khoát của Sư Ông. Chúng con đều ngơ ngác không hiểu lý do vì sao!

Ngày 05.09 là một ngày dường như im lặng tuyệt đối và trong lúc hầu Sư Ông, chúng con chỉ thấy nơi ánh mắt của Sư Ông vẫn chưa vơi được nét trầm tư kỳ lạ ấy và thường hay lắc đầu. Ngay vào buổi sáng này, Sư Ông đã ra dấu đưa Sư Ông về Thái Lan. Sư Ông đã chỉ vào sư cô Linh Nghiêm, một sư cô lớn người Thái Lan xuất gia tu học với Sư Ông, rồi chỉ lên trời và chúng con biết là Sư Ông muốn đi xa. Chúng con không chắc lắm nên sư cô Linh Nghiêm xác nhận lại với Sư Ông: "Bạch Thầy, có phải Thầy muốn về Thái Lan không?" Sư Ông gật đầu và ra dấu phải tiến hành liền. Chúng con báo cho ban tiền trạm. Các sư anh, sư chị trong ban tiền trạm đã nhanh chóng sắp xếp công việc. Lại một lần nữa chúng con vô cùng bất ngờ và không hiểu được lý do vì sao!

Chiều tối, có Hòa thượng Giác Quang vào thăm, nắm tay Sư Ông, chúng con đứng quanh, cảm nhận được tình thầy trò thâm sâu, hiểu nhau trong sự im lặng. Đây là những tri kỷ của Bụt, của Tổ. Hòa thượng Giác Quang đã có mặt rất sớm tại Diệu Trạm để chờ đón Sư Ông trong ngày Sư Ông trở về Từ Hiếu, chúng con thấy nơi bóng hình ấy chỉ có tình thầy trò, tình huynh đệ, không sợ hãi, không nghi kỵ, không đua tranh, không nhân danh bất kỳ một hệ phái tư tưởng nào.

Thầy Từ Hải và quý sư cô ở Diệu Trạm cũng có mặt hầu thăm Sư Ông, dùng cơm tối chung với Sư Ông và hát thiền ca. Thầy Từ Minh, thầy Từ Tế, thầy Minh Hy, thầy Pháp Nhiệm và các sư cô Diệu Trạm sáng hôm sau cũng có mặt thăm Sư Ông.

Chiều 06.09, hai giờ, Sư Ông chào tạm biệt đại chúng, chào tạm biệt gia đình chủ nhà và các thân hữu, lên xe ra sân bay. Sau khi làm các thủ tục, máy bay đã cất bánh khỏi đường băng sân bay quốc tế Đà Nẵng đúng 15 giờ 13 phút. 16 giờ 31 phút, máy bay đáp xuống sân bay quốc tế Don Mueang, Bangkok. Sư Ông về đến Tu viện Làng Mai Thái Lan vào lúc 19 giờ 50 phút với đông đảo hàng đệ tử xuất sĩ và cư sĩ cung đón. Sáng hôm sau, Sư Ông ngồi thưởng thức trà nơi hành lang thất Nhìn Xa và nhìn bốn chúng dùng cơm sáng quanh hồ trước thất với ánh nhìn tràn đầy yêu thương nhưng cũng không giấu được nét ưu tư còn đọng lại trong ánh mắt, có lẽ đó là ưu tư về vận mệnh của chùa tổ Từ Hiếu! Sức khỏe của Sư Ông vẫn rất tốt sau chuyến đi dài.

Chuyến đi Việt Nam bắt đầu từ ngày 29.08 và kết thúc vào ngày 06.09, chín ngày được đi bên cạnh Sư Ông, chúng con luôn cảm thấy nguồn năng lượng tuệ giác tổ tiên dân tộc và tổ tiên tâm linh có mặt bên cạnh Sư Ông trong những quyết định và những lời dạy vô ngôn của Người. Sư Ông đã trở về lặng lẽ, đã ở lại Tổ đình Từ Hiếu không quá 24 giờ đồng hồ, và đã rời Việt Nam trong sự bất ngờ của nhiều người, khiến cho chúng con nhớ một câu thơ trong truyện Kiều: "Tạ từ thoắt đã dời chân cõi ngoài". Chúng con xin trích bốn câu thơ của Sư Ông Làng Mai:

"Ta vẫn còn đến đi thong dong

Có không còn mất chẳng băn khoăn

Bước chân con hãy về thanh thản  

Không tròn không khuyết một vầng trăng."                   

BAN THỊ GIẢ KÍNH GHI.

 

Giọt nước từ bi: Thư của Sư Cô Chân Không gửi Chính phủ Myanmar

Trước thảm cảnh của người Rohingya theo đạo Hồi bị đàn áp bởi quân đội Myanmar, Sư Cô Chân Không – người chị cả của Dòng tu Tiếp Hiện – đã viết lá thư dưới đây gửi những người đứng đầu Nhà nước Myanmar, kêu gọi chấm dứt bạo lực đối với người Rohingya theo đạo Hồi tại đất nước này.

Đạo tràng Mai thôn, ngày 16 tháng 2 năm 2017

 

Kính gửi: Ngài Tổng thống U Htin Kyaw

Nước Cộng hòa Liên bang Myanmar

Văn phòng phủ Tổng thống

Văn phòng số 18, Nay Pyi Taw

Myanmar

 

Đồng kính gửi: Bà DawAung San Suu Kyi

Cố vấn Nhà nước của Cộng hòa Liên bang Myanmar

Văn phòng Cố vấn Nhà nước

Văn phòng số 20, Nay Pyi Taw

Myanmar

 

Kính thưa Ngài Tổng thống U Htin Kyaw,

Kính thưa Bà Cố vấn Nhà nước Daw Aung San Suu Kyi,

Chúng tôi xin gửi đến Ngài Tổng thống và Bà Cố vấn lời chào trân kính nhất.

Trong nhiều năm qua chúng tôi luôn khâm phục những cố gắng hết lòng của quý vị trong việc sử dụng những biện pháp hòa bình để đem lại dân chủ, nhân quyền và tái hòa giải cho đất nước Myanmar. Con đường tranh đấu bất bạo động của quý vị đã truyền cảm hứng cho rất nhiều người ở mọi lứa tuổi, quốc tịch, tôn giáo và sắc tộc trên toàn thế giới.

Trong giờ phút này đây, người dân Rohingya tại đất nước quý vị đang phải chịu những đau khổ lớn lao và sự áp bức nặng nề. Chúng tôi biết quý vị chắc hẳn cũng đang bức xúc trước cách cư xử  tàn nhẫn đang giáng xuống những người dân vô tội này, bởi quý vị cũng như là cha mẹ, như là người anh, người chị của họ.

Chúng tôi hiểu rằng mong ước sâu sắc nhất của quý vị là xây dựng nên một đất nước Myanmar hòa hợp, vững chãi và thịnh vượng. Nhờ phước đức của ông bà cha mẹ, của tổ tiên và nhờ sự thực hành tâm linh của quý vị mà năng lượng từ bi và trí tuệ nơi quý vị thật là mạnh mẽ. Chúng tôi biết rằng quý vị có khả năng ôm ấp được những niềm đau nỗi khổ của người dân Rohingya trong trái tim mình, và quý vị đã không thờ ơ trước nỗi đau của họ. Chúng tôi biết rằng quý vị có thể đang khóc thầm cùng họ, khóc vì họ, và có thể đang tìm cách hành động để bảo vệ họ.

Ai trong chúng ta cũng có Phật tánh, dù chúng ta là một người lính trong quân đội, một người Rohingya theo đạo Hồi, hay một công dân Phật tử tại đất nước Myanmar. Chúng tôi biết rằng trong trái tim quý vị luôn có chỗ cho tất cả mọi người. Với lời nói từ ái, khéo léo và tuệ giác rộng sâu, chúng tôi tin rằng quý vị có thể tạo cảm hứng và giúp cho những người lính trong quân đội Myanmar cũng thể hiện được lòng từ bi, và chấm dứt được tình trạng bạo hành đang diễn ra. Phép lạ của sự tha thứ và hòa giải luôn có thể xảy ra.

Chúng tôi hiểu rằng có rất nhiều những chướng ngại và thách thức đã và đang cản trở quý vị trong việc kêu gọi chấm dứt bạo động. Nhưng mỗi ngày qua đi thì những khổ đau lại càng tăng thêm và nhu yếu có được một ban  lãnh đạo đầy từ bi và bất bạo động lại càng trở nên khẩn thiết. Xin hãy cho chúng tôi biết chúng tôi có thể giúp được gì. Xin hãy cho phép chúng tôi được thể hiện tấm lòng của mình. Với tư cách những thành viên của cộng đồng Phật tử quốc tế, chúng tôi đang có mặt đây cho quý vị.

(Hình ảnh người Rohingya tại Myanmar – nguồn AFP)

Hiện nay tôi đang ở Thái Lan với tăng thân của Thiền sư Thích Nhất Hạnh tại Trung tâm thiền tập quốc tế Làng Mai Thái Lan, tỉnh Nakornratchasima. Tôi sẽ rất vui lòng tới Myanmar để có thể trao đổi thêm với quý vị.

Với tấm lòng trân kính và biết ơn, chúng tôi chắp tay trước Phật tánh trong quý vị.

Tỳ kheo ni Thích Nữ Chân Không Nghiêm
Đại diện cho tăng thân quốc tế Làng Mai
Tăng thân tứ chúng của Thiền sư Thích Nhất Hạnh

TB: Chúng ta có thể bắt đầu đối thoại bằng cách cử các vị đại diện để trao đổi qua e-mail  sccklm@plumvillage.org, hy vọng từ đó có thể giúp thu xếp một cuộc tiếp xúc trực tiếp giữa chúng ta hoặc ở châu Á, ở Mỹ, hoặc ở một nơi nào thuận tiện? Chúng tôi hy vọng nhận được ý kiến đóng góp của quý vị về vấn đề này.

Nguyên bản tiếng Anh: