Bụt và Tổ trong ta

Năm nay Sư Ông đã 87 tuổi. Nếu tính từ ngày xuất gia hồi 16 tuổi tới nay thì người đã 71 năm tuổi tu. Vậy mà Sư Ông vẫn chưa nghỉ một ngày, cứ mải miết làm việc với một hạnh nguyện duy nhất là “Chuyển hóa khổ đau thành hạnh phúc”. Nếu không viết sách thì Sư Ông cũng dịch kinh, làm thơ, làm kệ, nói pháp thoại giúp người đời chuyển hóa thân tâm từ tuyệt vọng khổ đau thành hạnh phúc yêu đời. Đã vậy, dù bất cứ nơi nào trên đường hành hóa, dù mệt cách mấy, bận cách mấy đi nữa Sư Ông cũng dành thì giờ viết thư pháp, biến những lời Bụt dạy thành những câu thiền ngữ cho mọi người thỉnh về nhà, treo lên và tự nhắc mình tu tập như có Thầy luôn ở phòng khách nhà mình, nhắc mình nhớ làm chủ thân tâm, nắm giữ chánh niệm, ý thức sự có mặt của người mình thương.

Tăng thân Làng Mai từ Sư Ông cho đến quý thầy quý sư cô, không ai giữ tiền riêng. Từ quý thầy Giám Đốc Viện Phật Học Ứng Dụng Châu Âu, Châu Á, quý thầy, quý sư cô Trụ Trì các Xóm, các tu viện lớn như: Làng Mai, Mộc Lan, Lộc Uyển không ai có tiền riêng, không ai có trương mục ngân hàng nào nhưng mỗi tu viện thì có một trương mục của tu viện đó để Ban Chăm Sóc do tăng thân đề cử đứng ra lo chi phí điện nước, rau đậu, chuyên chở và những chi dụng thiết thực như: mua sắm y áo, trả tiền bảo hiểm y tế (bắt buộc theo luật pháp sở tại),  v.v…

Quý thầy quý sư cô cũng hỗ trợ các vị Phật tử tại gia người Việt và người Tây phương lo quyên giúp các Chương Trình Hiểu và Thương ở Việt Nam và Ấn Độ (những vị tác viên xã hội do Sư Ông đào tạo từ năm 1965 – 1975 lo chương trình này trong nước). Nhưng những năm gần đây do không nên cắt bớt chương trình nào, để Sư Ông ráng viết thư pháp nuôi tụi nhỏ, nhờ đó mà không em nào thiếu ăn, và năm nào chương trình Hiểu & Thương cũng lo đủ 4 000 bộ áo quần Tết cho các cháu.

Riêng năm 2013 này, dù quỹ Hiểu & Thương với sự góp sức của cư sĩ khắp nơi vẫn chưa đủ nhưng khi tới Trung tâm Làng Mai Quốc tế tại Thái Lan thấy 340 vị xuất sĩ – con xuất gia của Sư Ông còn thiếu thốn quá nhiều về vật chất cũng như ăn và mặc nói chung nên tất cả tiền cúng dường, thỉnh thư pháp của Sư Ông trong chuyến đi Thái vừa qua đã chuyển hết vào việc chăm sóc sức khoẻ và mua rau đậu, y, áo tràng, áo nhật bình cho các con xuất gia ngày càng đông của Sư Ông. Chỉ khi sang tới Hàn Quốc, Hồng Kông và Đức thì mới để dành cho các cháu thiếu nhi thiếu ăn ở Việt Nam và Ấn Độ.

Nhìn vào lịch hoằng pháp của Sư Ông trong năm không ai có thể tưởng tượng đó là thời biểu làm việc của một ông thầy tu già 87 tuổi. Năm nào Sư Ông cũng giữ đúng ba tháng (90 ngày) An cư kiết đông. Dù là những thỉnh cầu quan trọng mấy đi nữa Sư Ông và Tăng thân Làng Mai cũng phải từ chối vì Sư Ông dạy nhất định phải giữ truyền thống nghiêm mật, tu tập như Bụt dạy từ thời xưa. Người xuất gia phải có ba tháng nghiêm tu đào sâu giáo nghĩa kinh điển. Người xuất sĩ ở tu viện nào sống yên nơi tu viện ấy. Thầy trò, anh chị em xuất gia sống trọn 90 ngày tĩnh tu, chỉ đi ra khỏi Đại giới trường trong những trường hợp cần thiết.

Ở Làng Mai có bốn tu viện: Pháp Vân, Sơn Hạ, Cam Lộ và Từ Nghiêm. Mỗi tu viện có giới trường riêng. Tăng chúng của bốn tu viện được 176 người, chỉ họp nhau nghe pháp thoại của Sư Ông và tu tập chung 9 giờ ngày thứ Năm và ngày Chủ nhật. Trong hai ngày này Sư Ông cũng từ bi cho quý vị cư sĩ nào muốn về Làng ở hai hay ba tuần được tham dự cùng nghe pháp thoại chung và được hưởng năng lượng tu tập của mùa An Cư. Còn ngày thứ Ba trong tuần thì Sư Ông dành riêng cho người xuất gia để dạy những điều mà người xuất gia phải tu tập giữ gìn.

Hết An Cư Kiết Đông, sang đầu Xuân – giữa tháng 03.2013 – Làng mở cửa đạo tràng, tổ chức khóa tu 7 ngày cho thiền sinh nói tiếng Pháp. Khóa tu vừa xong lại phải chuẩn bị hành lý lên đường du hóa một vòng Đông Nam Á đến trọn cả một mùa Xuân và chấm dứt ở Viện Phật Học Ứng Dụng Châu Âu tại Đức quốc ngày 16.06 cũng là lúc Sư Ông và Tăng đoàn trở về trú xứ (Làng Mai tại Pháp) để chuẩn bị khóa tu một tháng mùa Hè cho thiền sinh đến từ khắp nơi trên thế giới.

Khi bạn đọc được bài này cũng là lúc Làng Mai tại Pháp đang chuẩn bị mở cửa đón thiền sinh cho khóa tu Mùa Hè 2013 bắt đầu từ: thứ Bảy 6 tháng Bảy đến hết ngày thứ Bảy 3 tháng Tám. Thiền sinh người Việt có thể biên thư về Văn phòng ghi danh Xóm Hạ tại địa chỉ: lh-office@plumvillage.org để xin ghi danh tham dự khóa tu.

Chỉ một tuần sau khóa tu mùa Hè là Sư Ông và Tăng đoàn của người lại tiếp tục lên đường cho một vòng Bắc Mỹ. Khởi đầu là một khóa tu và một buổi thuyết pháp công cng tại Toronto cho người Canada và một ngày nói tiếng Việt cho người Việt vùng này. Rồi Tăng đoàn sẽ bay về tiểu bang New York, Pine Bush nơi có tu viện Bích Nham (một trong 3 tu viện lớn của Đạo tràng Mai Thôn ở Hoa Kỳ). Từ đây Sư Ông cùng Tăng thân sẽ đi thuyết pháp tại thành phố New York cách tu viện Bích Nham hai giờ rưi lái xe. Tiếp đó Sư Ông sẽ đi Hoa Thịnh Đốn dạy tiếp cho hơn một nghìn nhân viên của Ngân hàng thế giới (World Bank) tại Washington DC. Được biết những bài giảng cho World Bank sẽ phát hình đồng thời cho 168 nước chi nhánh trên thế giới mà World Bank có mặt. Tuần tự sau đó Sư Ông và 70 quý thầy, quý sư cô sẽ đến chia sẻ sự tu tập tại Đại học Havard, hướng dẫn thiền hành, thuyết pháp tại đây và tiếp tục đi thuyết pháp ở các thành phố lớn như: Boston, Los Angeles (Pasadena), San Francisco (Berkeley và Oakland) Mississipi. Kế đến là hai khóa tu : một khóa nói tiếng Việt cho người Việt và một khóa nói tiếng Anh cho người Hoa Kỳ tại Tu viện Lộc Uyển ở Escondido California. Cũng như năm 2011, năm nay Sư Ông cũng sẽ có một ngày Chánh Niệm tại trụ sở của Google, Youtube và phát hình cho tất cả các chi nhánh của Google trên thế giới. Trạm cuối cùng ngày 27.10 là Watsonville nơi tọa lạc của tu viện Kim Sơn ở Hoa Kỳ. Sau gần 3 tháng trọn dành cho thiền sinh Bắc Mỹ cũng là hạt chuỗi cuối cùng trong xâu chuỗi hoằng Pháp 12 tháng của Sư Ông trong năm. Và một năm mới lại bắt đầu với 3 tháng An cư kiết Đông vào ngày 15.11.2013.

Nếu nhìn k vào bản lịch trình và thời biểu đó ta sẽ thấy không có khoảng nghỉ nào của Sư Ông dài quá hai tuần. Ấy vậy mà Sư Ông cũng chưa đáp ứng hết được nhu cầu tu học của thiền sinh trên thế giới. Thiền sinh nơi nào, nước nào mong được đón Sư Ông và Tăng đoàn của người thì phải ghi danh trước và chờ đợi nhiều năm mới có thể được. Lý do đơn giản là Sư Ông cũng chỉ có 365 ngày/năm như mọi người. Chẳng hạn như cho vùng Đông Nam Á của năm nay đã có ít nht tới 6 quốc gia cung thỉnh Sư Ông dạy đạo, dạy thiền cho dân nước họ, nhưng Sư Ông chỉ đủ sức đáp ứng có phân nửa là 3 nước: Thái Lan, Hàn quốc và Hương Cảng (Hongkong) trong đó Thái Lan và Hương Cảng là hai nơi không thể không có mặt của Sư Ông vì ở đó có: một là Trung tâm Làng Mai Quốc tế tại Thái và hai là Viện Phật Học Ứng Dụng Châu Á đặt tại Hương Cảng. Riêng Hàn quốc thì đã có thỉnh cầu suốt 10 năm liên tục nên lần này không thể không có mặt. Còn các nước khác như Singapour, Malaisia, Indonésia… thì Sư Ông đã đến cách đây 2 năm nên đành phải từ chối, cho dù đã có sự thỉnh cầu của các giới chức cao cấp trong chính phủ của các nước ấy. Indonesia đã mua đất làm Làng Mai Indonesia rồi nhưng Sư Ông chưa tính được khi nào sẽ trở sang bên ấy dù hiện tại Sư Ông đã đào tạo được ba thầy, hai sư cô người Indo tại Làng Mai.

Không biết bao nhiêu lần và bao nhiêu thị giả của Sư Ông đã từng quay mặt giấu Sư Ông gạt nhanh dòng nước mắt mỗi khi chứng kiến Sư Ông nằm im, mệt lả trên những bước đường hoằng pháp. Nhưng lần nào Sư Ông cũng vượt qua, đứng dậy, điềm tĩnh thở nhẹ và tươi cười bước lên Pháp tòa, hay mở cửa tiếp đón từng vị Đạo sư, Tôn túc, từng vị Nhân sĩ, Trí thức từ xa tới thăm.

Thái Lan

Năm nay Tăng đoàn Làng Mai và Sư Ông đã ưu ái dành cho Thái Lan tới 5 tuần lễ với một chương trình dày đặc và phong phú chưa từng có: – Ngày 25.03.2013 vừa đặt chân tới Bangkok là lên xe về núi Klong Yai, tỉnh Nakhonratchasima cách Bangkok 3 giờ xe hơi ở Trung Tâm Làng Mai Quốc Tế tại Thái. Nói là để dưỡng sức trước khi ra dạy chính thức nhưng Sư Ông vẫn để tâm chăm sóc hơn 2 trăm các con xuất sĩ của Sư Ông tại đây.

Trưa 28.03 Sư Ông và 30 Giáo thọ xuất sĩ chọn lọc lại trở lên Bangkok để ngày 29.03.2013 tham dự buổi Sư Ông nói chuyện (phải có thư mời mới được tham dự) dành riêng cho giới chính trị gia Thái. Buổi thuyết pháp này có đủ đại diện của Thủ Tướng, đại diện Chủ Tịch Quốc Hội, Đại diện cả 2 Đảng cầm quyền và đối lập và 23 vị Thượng nghị sĩ. Bài giảng này đã được thu hình và đã phát lại trên đài truyền hình Thái vào cuối tháng Tư 2013. – Ngày 3.04 kéo dài đến 19.04 là hai tuần Triển Lãm Thư Pháp của Thiền Sư tại Trung Tâm Văn Hóa và Nghệ Thuật Bangkok. Lễ Khai mạc phòng triển lãm Thư pháp rất huy hoàng. Sau đó là Khóa tu một tuần với chủ đề Đạo đức học ứng dụng tại Viện đại học Hoàng gia (MCU). Tiếp đến là Pháp thoại công cộng tại Đại snh đường Hoàng gia Paragon Siam ở Bangkok với 6000 người tham dự bên trong snh đường và 2000 người bên hành lang có màn hình truyền chân rất lớn.


Sư Ông viết thư pháp trong giờ khai mạc triển lãm tại Trung Tâm Văn Hóa và Nghệ Thuật Bangkok.

Sau đó từ 13.04 đến 17.04 là Khóa tu một tuần dành cho thanh thiếu niên và gia đình ở Nakhonratchasima. Đây là một khóa tu cho 1030 người tĩnh tu trong hai khu nghỉ mát (resort) gần nhau. Buổi Pháp thoại sáng thì do Sư Ông giảng chung cho thiền sinh của cả hai khu. Sau khóa giảng thì ai ở khu nào về khu đó sinh hoạt riêng cho hai thời còn lại là trưa và tối. Một bên có được 20 Giáo thọ trung niên dạy cho 580 bậc mẹ cha ở resort Wang Ree. Một bên là khóa tu cho người trẻ trong phong trào Wake Up do 18 vị Giáo thọ trẻ dạy 450 sinh viên học sinh từ nhiều nước tới tu chung ở một resort kề bên. Trong số 450 người trẻ này gồm có 300 người Thái cùng với 150 sinh viên từ Indo và 7 nước láng giềng, trong đó có 15 em sinh viên đến từ Việt Nam. Xong khóa tu ai cũng bịn rịn không muốn về. Bậc làm cha mẹ bỗng nhận ra con mình quá dễ thương, biết lắng nghe hơn trước, phận làm con thì thấy cha mẹ sao quá ngọt ngào. Thị giả Sư Ông báo cáo là lần nầy Sư Ông ngồi trên lầu bên trên nhìn xuống và bảo là Người rất hạnh phúc thấy các con xuất sĩ của Thầy tổ chức rất khéo, dạy cũng giỏi, làm việc tinh chuyên và nhất là có tinh thần huynh đệ thương kính nhau, chăm sóc cho nhau, có tình anh em, có tình chị em rất vui, trẻ, tíu tít bên nhau! Ngày 18.04 đến 22.04 là Khóa tu cho hơn 500 xuất sĩ Việt Nam – chỉ nói tiếng Việt – trong đó có hơn 300 vị xuất sĩ từ Việt Nam sang, chỉ cần xin con dấu thị thực tại biên giới là đủ. Quý Hòa Thượng, Thượng Tọa, quý Sư Bà không cần giấy mời của Làng mà vẫn tự tổ chức đi Thái thăm Sư Ông một cách dễ dàng nên ai cũng hạnh phúc!

Thiền hành trên đất mới của Trung tâm Làng Mai quốc tế tại Thái Lan

Rồi từ 23 đến 29.04.2013 là Khóa tu Sư Ông giảng tiếng Việt cho hơn 1000 cư sĩ Viêt Nam. Đồng bào đi bằng phi cơ từ Hà Nội, đi xe buýt từ các tỉnh miền Trung và miền Nam, một số lớn đi từ TPHCM và các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long. Dù xuất hành từ đâu, đến đất Thái bằng bất cứ phương tiện gì thì tất cả đều đến cùng một điểm hẹn tại Pak Chong để cùng nhau tu tập.

Ngoài ra còn có cha, mẹ của các thầy và sư cô sang Thái thăm con và tu học, nên nếu kể luôn xuất sĩ và cư sĩ là 1450 người. Năm resorts gần nhau chứa hơn 1000 thiền sinh. Số khác ngủ lại trong thiền đường nhỏ giữa các cư xá của quý sư cô và quý thầy tại Trung tâm Làng Mai Quốc Tế ở Thái. Trong tuần này ban tổ chức lại xin làm lễ Khai Pháp chính thức cho Trung Tâm vào ngày 28.04.2013. Sớm hôm đó vào lúc 5 giờ 30 sáng, Sư Ông đã làm Lễ Xuất Gia cho 26 đứa con tập sự của Sư Ông để trở thành 12 sư chú và 14 sư cô thật xinh xắn trong gia đình 26 Cây Hoa Gạo (Kapotiers). Tiếp theo là Lễ Truyền Đăng cho 15 vị Giáo thọ mới trong đó có các thầy, các sư cô thuộc gia đình Cây Hướng Dương, xuất gia đợt đầu tại Tu Viện Bát Nhã – Lâm Đồng.

 

Sư Ông và 26 xuất sĩ mới trong gia đình cây Hoa Gạo.

1450 người Việt Nam được nói tiếng mẹ đẻ, được nghe Sư Ông thuyết pháp bằng tiếng Việt, được đi thiền hành, thiền tọa với Sư Ông, được thực tập thiền buông thư, thiền lạy mà không cần phải xin phép Ủy Ban Tôn Giáo Chánh Phủ, không cần xin phép Bộ Công An hay Công An địa phương, không phải xin phép Giáo Hội… Ôi là sung sướng – Đất Làng Mai Quc Tế Thái Lan!

Hàn Quốc

Tối 30.04, Sư Ông và 40 quý thầy, quý sư cô lên máy bay đi Hàn quốc. Vì bay suốt đêm nên tới đây Sư Ông khá mệt. Ngày hôm sau đi thăm Hòa Thượng Trưởng Phái Tào Khê và họp báo. Có hơn 30 ký giả. Nhiều bài báo đã được đăng khắp nơi bằng tiếng Hàn nhất là bài viết rất dài trong nhật báo lớn nhất Choong An. Đài truyền hình BTN thu và phát hình cuộc đối thoại của Sư Ông Làng Mai và Thiền sư Mishan. Thiền sư Mishan rất kính quý Sư Ông – nhân cơ hội phỏng vấn khá dài trên truyền hình này, Thiền Sư đã khéo léo hỏi những câu giúp Thiền sư Nhất Hạnh giải thích cho thính chúng và Phật tử Đại Hàn hiểu rõ về Thiền Chánh Niệm Việt Nam có phải thuộc Đại Thừa không, sao không tu theo Công Án v.v… Buổi đối thoại thật súc tích và khai thông. Chiều ngày 03.05.2013, hai chiếc xe buýt chở Tăng thân và Sư Ông đi ngay lên núi có khóa tu cho 500 thiền sinh tại tu viên Nguyệt Tinh Cổ Tự (Woljeongsa-월정사-月精寺) Ngũ Đài Sơn. Sáng ngày 04.05 Sư Ông đã hướng dẫn cho 500 thiền sinh tại chùa và 500 người đi thiền hành. Sau đó đoàn thiền hành đã tiếp tục đi bộ trong rừng. Khóa tu đã kết thúc vào ngày 07.05. Ngày 07.05.2013 khóa tu tại trường Đại học Phật giáo Choong Ang Sangha, Soul. Khóa tu kéo dài hai ngày cho 300 học tăng nội trú và 200 xuất sĩ thuộc các chùa lân cận.

Sự trẻ trung của Tăng thân Làng Mai khiến cho Hòa Thượng Mishan cũng vui lây và cũng đứng ra cùng hát chung với đàn hậu thế. Sau khóa tu xuất sĩ ấy, Tăng thân chỉ ăn chiều bằng cơm hộp trên xe buýt để kịp giờ xuôi về miền Nam tỉnh Busan.

Ngày 10.05.2013, tuy Tăng thân xuất sĩ ở Chùa Hoằng Pháp, ngoại ô Thành phố Phủ Sơn (Busan-부산-釜山), nhưng buổi thuyết giảng mà 10 000 người Hàn Quốc chờ đợi thiền sư giảng dạy là ở ngôi chùa cổ tên chùa Phạm Ngư vào lúc 3 giờ chiều. Vậy mà đã 1 giờ trưa rồi Sư Ông vẫn nằm bất động trên giường, không thể gượng dậy được. Cơn đau bụng và sốt đã làm người cứ thiêm thiếp bất động. Sư Ông nằm đó và nghe ban tổ chức báo cáo là không phải 10 000 người như họ dự đoán, mà là 12 000 người đã có mặt rồi. Và người ta vẫn còn tiếp tục lũ lượt kéo tới hăm h chờ đợi nghe Sư Ông thuyết giảng. Với đà này thì trong 2 tiếng đồng hồ nữa số người tham dự chắc chắn sẽ tăng đến 13 000 hoặc hơn vào đúng giờ khai mạc. Làm sao Sư Ông có thể để cho 13 000 con người dễ thương ấy sẽ phải thất vọng ra về dù cơn sốt đang hoành hành làm cho cơ thể rã rời…Thời khắc thì cứ vô tình trôi qua, 13 giờ 30, …rồi 13 giờ 55… nhưng cơn đau vẫn bám lấy người. Cuối cùng Sư Ông tự nhủ: “Thôi thì để cho chư Tổ thuyết pháp thay mình vậy. Nhưng trước hết mình phải ngồi dậy, đi mặc áo tràng giùm T thì Tổ mới lo được cho mình phần tiếp theo!” Sau cái cố gắng ấy, Sư Ông gượng ngồi dậy được, người theo dõi hơi thở và từ từ khỏe ra rồi thong thả lên xe đi đến nơi thuyết pháp. Vừa tới nơi quý Hòa thượng của Giáo hội Hàn Quốc vây kín Sư Ông và báo tin là: “Chúng con không ngờ thiên hạ quy ngưỡng Sư Ông và đến đông như thế. Chúng con xin Sư Ông vui lòng báo tin giùm là ngày 27.09 sắp tới Giáo Hội chúng con sẽ tổ chức Lễ Cầu Nguyện Hòa Bình cho toàn quốc Nam – Bắc Hàn, xin Sư Ông mời giùm mọi người nhớ đến đông đủ như hôm nay hoặc nhiều hơn”. Sư Ông bỗng lên tiếng sửa lại: “Cầu Nguyện thôi thì không đủ. Quý vị phải tu trước một tháng… phải mời những nhân sĩ, những người có lòng với quốc gia dân tộc đến tu tập thiền quán để đạt tới tuệ giác phải làm sao chấm dứt tranh chấp giữa anh em riêng Nam Hàn trước. Công giáo, Phật giáo đều thực tập hiểu và thấy giá trị của nhau. Đảng cầm quyền và đảng đối lập cũng phải tập chấp nhận giá trị của nhau. Miền Nam ổn định và sẽ liên hệ với Miền Bắc từng bước một…” Dứt câu Sư Ông lại mệt nhoài phải nhờ thgiả đưa vào phòng xoa dầu đánh gió 15 phút sau mới đỡ được phần nào. Khi ấy Sư Ông mới quyết định đứng dậy đi ra. Căn lều vĩ đại nhưng chỉ có mái che, bốn bề gió lộng khiến ban Thị giả sốt ruột nhưng không biết làm sao che chắn được. Sư cô Mai Nghiêm cùng nhiều thầy, nhiều sư cô khác biết rõ tình trạng sức khỏe của Sư Ông hôm ấy nên cứ ngồi vừa nim Bồ Tát vừa khóc. Sau thời Nim Bồ Tát Quán Thế Âm, Sư Ông cầm máy phát âm. Và kỳ diệu thay! Gương mặt Người bỗng sáng lên!

Sư Ông chú nguyện, Tăng đoàn niệm bồ tát Quan Thế Âm trước giờ pháp thoại tại Busan

Đại chúng người Hàn như đang tận hưởng từng giọt nước cam lồ sau cơn hạn hán. Bài giảng vẫn bắt đầu bằng những chỉ dẫn đơn giản như: Chúng ta nên nhớ chúng ta là sự tiếp nối của cha mẹ ông bà tổ tiên, chúng ta và con cháu ta là sự tiếp nối của ta và những vị tổ tiên ấy. Làm bậc cha mẹ, chúng ta phải tập lắng nghe những khó khăn của con trai con gái mình. Các con tập lắng nghe học hỏi những tuệ giác kinh nghim của mẹ, của cha. Dù có giận con hay giận cha cách mấy thì cha con cũng tập nói những lời có nghĩa có tình, có biết điều, v. v… Sau đó Sư Ông dạy đến sự tập hiểu, tập thương những người trong đại gia đình, trong đoàn thể, trong những nhóm khác nhau về ý thức hệ. Tập lắng nghe nhau, thấy được cái khổ của nhau mà chấp nhận. Sư Ông thuật đã giúp hòa giải được các nhóm Palestinians và Do Thái sau ba tuần tu tập chung, v. v… Sư Ông cũng nhắc lại là: sau ngày 11.09.2000, khi hai tòa nhà thương mại tại New York bị đánh sập Sư Ông đã cho hai bài thuyết pháp vừa cầu nguyện tại sảnh đường Berkeley cho 4000 người thiền sinh Mỹ đến nghe. Sư Ông nhấn mạnh là Bắc Hàn dọa gửi vũ khí nguyên tử cốt để che cái sợ, cái giận và mặc cảm. Ta phải thương và phải tìm cách lấy ra những chướng ngại ấy của đồng bào miền Bắc của mình ra, để cho họ không cần phải chạy đua theo cơn giận và che dấu sự sợ hãi bằng sự dọa nạt dùng vũ khí hạt nhân… Sư Ông nói tiếp: “Tôi biết ngày 27.09 năm nay quý vị sẽ tổ chức cầu nguyện Hòa bình. Nhưng cầu nguyện thôi thì không đủ. Quý vị phải tu trước một tháng… phải mời những nhân sĩ, những kẻ có lòng với quốc gia dân tộc đến tu tập thiền quán để phát khởi tuệ giác, phải làm sao chấm dứt đao binh…” Lời nói chân thành đầy lòng từ bi của vi Thiền sư già khiến rất đông người như bừng tỉnh. Các đệ tử xuất sĩ cũng như cư sĩ của Sư Ông đều vui mừng. Không ai có thể ngờ một phép lạ mầu nhiệm như vậy đã đến với Sư Ông. Chỉ cách đây hơn một giờ thôi Sư Ông nằm bất động, không thể nhấc mình lên được mà giờ này có thể thấy gương măt hớn hở chờ đợi của hàng vạn con người tâm huyết của xứ Hàn mà Sư Ông khoẻ ra từ từ. Ngày hôm sau Sư Ông lại phải có mặt cho ngày Quán Niệm ở Seoul. Để dưỡng sức cho buổi giảng lớn ngày 13.05 tại Vận Động Trường với hơn 10 000 người đã giữ chỗ trước ở thủ đô Séoul, Sư Ông chỉ ra chào đại chúng rồi giới thiệu hai vị Giáo thọ lớn thay Sư Ông hướng dẫn cho 700 thiền sinh.

Hôm sau nữa lại đến phiên giảng cho 10 000 người Hàn quốc ở miền Seoul thủ đô phía Bắc của Nam Hàn. Bài giảng này cũng sâu sắc và bổ túc cho bài giảng ở Busan nên dân Hàn mừng như được châu báu. Họ xin phép đánh máy bài giảng ra, nhập chung với bài ở Busan để làm thành một tập gọi là Kim Chỉ Nam cho dân Nam Hàn cũng như Bắc Hàn (nếu tìm cách gửi được ra Bắc). Và sẽ in thành sách là cách dễ phổ biến ra toàn quốc.

Nghỉ ngơi vài ngày, Sư Ông và Tăng đoàn của người lại tiếp tục thong dong qua Hongkong, và khắp nơi trên thế giới chỉ với một hạnh nguyện duy nhất là “Chuyển hóa khổ đau thành hạnh phúc, biến vô minh thành tuệ giác”. Một hạnh nguyện cao đẹp của một Thiền Sư.

Thị giả

Nguồn: Phusaonline

DVD “Bước tới thảnh thơi, Đi trong chánh niệm”

BBT xin giới thiệu đến bạn đọc một món quà cuối năm do nhóm Marche Inspirant kính báo

“Sau buổi thiền hành lịch sử Marche Inspirante với thiền sư Nhất Hạnh vào ngày 15 và 16 tháng 9 năm 2012, cùng với sự tham gia của hơn 3000 người, chúng tôi rất hân hạnh thông báo đến quý vị sự ra mắt DVD: “Bước tới thảnh thơi, Đi trong chánh niệm” (đây là một DVD bằng tiếng Pháp với tựa đề là: “Entrer dans la liberté, Cheminer dans la pleine conscience”)

Đây là một món quà đẹp và rất có ý nghĩa cho mùa Giáng Sinh và Năm mới sắp đến.
Đặt mua trực tiếp qua mạng:
http://lamarcheinspirante.fr

Ngoài ra, chúng tôi sẽ có một buổi gặp gỡ, trao đổi và thiền hành tại rạp chiếu bóng Entrepôt (7 Rue Francis de Pressensé, 75014 Paris) từ 19 giờ 30, ngày 20 tháng 12 năm 2012.
Những thông tin xin xem tại: 
http://www.weezevent.com/toujours-en-marche-inspirante

Tay trong tay ta đi tới

Đông Nguyên

Hơn một tuần của khóa tu xuất sĩ (từ ngày 17 đến ngày 24 tháng 02) cũng qua rồi đó bạn hiền. Ngày đi hay ngày đến với tôi vẫn an nhiên. Tôi không biết khóa tu xuất sĩ năm nay là lần thứ mấy trong truyền thống Làng Mai của chúng tôi nhưng tôi nhớ mình đã dự hai khóa tu xuất sĩ, lần thứ nhất là năm 2011 tại EIAB và lần này tại xóm Thượng.

Arrive, bước chân mùa xuân

Cứ ngỡ rằng bốn ngày Tết đã qua nhưng dư vị ngày xuân như còn lưu dấu nơi nụ cười tươi mới của những xuất sĩ trẻ đang có mặt nơi này. Đâu chỉ ngày xuân, ngày nào với chúng tôi ở đây cũng là ngày xuân. Hơi thở ý thức, nụ cười chánh niệm làm tươi mới mỗi giây mỗi phút của hiện hữu.

Nhìn kìa, quý thầy quý sư cô trong ban tổ chức khóa tu chu đáo sắp đặt một bàn thông tin tại đầu nhà ăn để hướng dẫn thông tin về phòng ở cho các sư cô từ xóm Hạ và xóm Mới lên.

Quý thầy đã dọn dẹp phòng ốc từ hai ngày trước để đón các sư cô lên. Tất cả các phòng từ dãy nhà Linh Qui, Thanh Phong, nhà Bamboo kể cả bookshop (quán sách), phòng CD đều được trưng dụng, dọn dẹp chu đáo. Mỗi phòng đều có thiệp chào mừng quý sư cô. Có thầy bộc bạch „“quý thầy quý sư chú rất vui đón các sư cô lên xóm Thượng dự khóa tu xuất sĩ lần này. Tụi con dọn phòng mà vui lắm! Nhờ có khóa tu này mà chúng con có cơ hội dọn dẹp những chỗ ít dọn như phòng CD, bookshop“ . Một sư chị nói nhỏ với tôi „“xóm Thượng nhìn vậy mà nhiều phòng quá ha! Khóa tu xuất sĩ tổ chức ở đây là đúng rồi“. Sau bốn ngày thăm Tết ở bốn chùa, các thầy các sư cô trong ban tổ chức khóa tu đã có buổi họp bàn sắp xếp thời khóa, phòng ốc, tri đội, nói chúng là tất cả các sinh hoạt trong khóa tu từ tu, học, làm việc đến chơi. Thời khóa trong khóa tu thư giãn như chuyến đi nghỉ mát vì đây là cơ hội để chúng xuất sĩ có mặt trọn vẹn cho nhau, xây đắp tình đệ huynh, tiếp nối cho những ngày tháng tới. Theo đó mỗi buổi sáng và tối đều có ngồi thiền bốn mươi phút, sau đó tập tụng kinh. Chín giờ ba mươi có pháp thoại hoặc vấn đáp. Buổi trưa ăn cơm với Sư Ông nhưng hầu như ngày nào cũng nắng đẹp nên đại chúng được ăn picnic tận hưởng nắng ấm đầu xuân. Thời khóa, buổi chiều có pháp đàm theo chủ đề, theo giới phẩm hoặc bói Kiều, hoặc be-in (ngồi chơi). Sau giờ pháp đàm là giờ thể thao: bóng bàn, đá bóng, đá cầu, cầu lông, nhảy dây, chạy bộ…

Ăn cơm picnic

Ý thức đây là cơ hội hiếm có nên đa số các cây (gia đình) xuất gia đều xin ở chung một phòng. Tôi ở cùng phòng với cây xuất gia của mình, các sư cô trong gia đình cây Sen Trắng. Có thể sư em út đã chủ động liên lạc với BTC để xin. Em rất thích chơi với các anh chị trong cây. Vì qua nhiều chuyện xảy ra, em “sợ mất các anh chị“- em nói vậy.

Chúng tôi ở phòng Concentration của dãy Bamboo, mặt sau của quán sách, đối diện với nhà trà. Phòng trên lầu, có hai giường và bốn cái nệm trải dưới sàn, có cửa sổ trần nhà nên đủ thoáng. Sáu chị em có đủ nệm cho mỗi người nhưng em út thích xuống ngủ với các chị nên chỉ có chị cả ngủ trên giường, vậy là dư một cái giường để đồ đạc. Bốn chị em xóm Hạ lên trước, tha hồ ngồi chơi với nhau.

Quá trưa rồi mà chưa thấy hai chị em kia lên. Đi xuống nhà thì thấy bao mền của út, mấy chị em cầm lên. Tôi dạo quanh một vòng thăm các dãy phòng. Xóm Hạ chúng tôi lên sớm hơn xóm Mới nên các chị em đã ổn định chỗ của mình rồi và đợi các chị em còn lại. Mỗi người tự chọn chỗ cho mình. Chị em tôi, ai cũng tràn đầy niềm biết ơn và vui với những gì mình đang có được.

Những điều thích nhất

Sau buổi pháp thoại thứ hai, Sư Ông nói đại chúng mỗi người nhận một mảnh giấy nhỏ từ ban tổ chức ghi lại những điều mình thích nhất trong khóa tu. Ghi một câu cũng được. Sau đó để vào chuông gia trì trong thiền đường Nước Tĩnh, ban tổ chức sẽ tập hợp lại dán vào làm một quyển sổ lưu niệm cho khóa tu.

Trưa nay đi ăn trưa về, sư chị hỏi tôi : “Em ghi chưa?”

Tôi bảo: “Em chưa ghi, vì em thích đủ thứ nên em chưa biết ghi cái nào là nhất”.

“Còn chị thì chị thích nhất là ăn trưa picnic ngoài nắng“- sư chị tôi cười tủm tỉm.

Tôi tự nghĩ chắc tôi thích nhất cái ý tưởng điều thích nhất trong khóa tu. Như một kỉ niệm nhỏ nuôi dưỡng, học hỏi được từ khóa tu này làm tôi liên tưởng tới những năm học cuối cấp hoặc cuối khóa bạn bè cũng hay ghi cho nhau vài dòng gọi là lưu bút. Trước ngày Tết Sư Ông cũng gởi một quyển sổ cho xóm Mới rồi sau đó chuyền cho các xóm khác, trong đó thầy ghi tờ đầu tiên và các sư con ghi vào những tờ tiếp theo. Đó là sự tiếp nối của thầy và trò.

Là con của dòng họ “Thích” nên tôi thích những buổi ngồi chơi, be-in trong khóa tu này. Mở màn khóa tu có thiền trà, kết thúc có buổi be-in. Có những giọng nói thân thương mà lâu lắm mới được nghe lại. Những chia sẻ tràn đầy niềm vui, niềm biết ơn: “Đã ba mùa đông rồi, con không có ở Làng. Con nhớ Làng lắm! Con rất biết ơn quý thầy quý sư cô đã tổ chức khóa tu xuất sĩ lần này. Xem như đây là thỉnh nguyện của con: nếu được, mỗi năm mình có thể tổ chức khóa tu xuất sĩ một lần. Con biết là hơi cực cho quý thầy cô nhưng đây là cơ hội quý cho những đứa con xa Làng như chúng con có cơ hội sạc pin để đi tiếp“.

Thầy trò cùng đi thiền hành

Cảm hứng của thầy, niềm vui của trò

Trưa nay, sau giờ thiền hành về, một sư cô đi tới nói với tôi: “Nhìn nhà mình mà chị vui quá! Đi đâu cũng thấy đầu trọc, áo nâu, giống trường đại học Phật Giáo quá!“. Chỉ có xuất sĩ, không khí thân tình như người nhà với người nhà. Những buổi pháp thoại, vấn đáp ấm áp tình thầy trò với những nhắn nhủ, chia sẻ của thầy gởi gắm đến các con. Những ủy lạo, vỗ về tràn đầy lòng bi mẫn: “Mỗi người trong chúng ta ai cũng có tài năng hết. Người đóng góp mặt này người đóng góp mặt khác. Có người nói pháp thoại, có người làm máy vi tính, có người nấu ăn. Không có công việc nào quan trọng hơn việc nào cả. Đời sống tăng thân mình cũng giống như đời sống của bầy ong vậy. Mỗi người một trách nhiệm. Ai cũng có tài năng đóng góp nhưng theo thầy tài năng lớn nhất là tài năng sống có hạnh phúc“.

Trong khóa tu này còn có triển lãm thư pháp. Sư Ông đã viết hơn bốn trăm bức thư pháp làm quà cho các con. Buổi triển lãm thư pháp sẽ có người đứng ở cửa ra vào phát cho mỗi người một tấm card ghi tên và số thư pháp mà mình chọn, có ba lựa chọn cho mỗi card. Đây là sáng kiến của BTC khóa tu cùng sự đóng góp ý kiến của Sư ông và đại chúng sau giờ vấn đáp. Có người hỏi: “Nếu bức thư pháp mình thích đã hết thì phải làm sao“, một ý hỏm hỉnh được nói lên: “Thầy sẽ viết tiếp“. Nghe thế Thầy lên tiếng: “Nhưng phải có hứng mới viết được“. Nhưng tôi biết Thầy sẽ viết tiếp cho coi vì Thầy thương các con lắm! Có thể năm nay thầy sẽ viết nhiều thư pháp vì cụ Tiên Điền đã cho Thầy câu Kiều: “Dưới đèn sẵn bức tiên hoa- một màu quan tái, mấy mùa gió trăng“.

 

Chuẩn bị triển lãm thư pháp

Sư Ông dẫn đại chúng thiền hành vào ngắm từng khung trang trí. Hơn hai trăm bức thư pháp tiếng Anh, tiếng Việt, tiếng Hoa, được treo nghệ thuật vào những khung tre hình vuông hoặc làm hình kim tự tháp hoặc những bậc tam cấp nhân tạo. Có hoa và nến lung linh. Sau khi dẫn đại chúng đi một vòng, Sư Ông ngồi vào bàn viết thư pháp theo yêu cầu cho các con. Ngoài ra, khách còn được thưởng lãm thư pháp trong tiếng hòa nhạc của thầy Pháp Linh và sư cô Trai Nghiêm. Bà con đi ngắm có vẻ có nhiều hạnh phúc. Ai cũng rạng rỡ.

Sư ông viết thư pháp tặng các sư con

Tu hết lòng, chơi hết mình

Giữa khóa tu có một ngày làm biếng, buổi chiều có sân chơi olympic, tùy hỷ đại chúng tham gia. Sau phần chơi chung, vòng tròn được chia ra làm bốn đội mỗi đội mười người cùng chơi phần chơi liên hoàn gồm có chuyền bóng, chuyền nước, nhảy bao bố và chạy xe đạp. Tất cả cùng chơi. Thượng tọa Khai-li, thầy khất sĩ người Đức và các thầy các sư cô Tây phương cũng tham dự hết lòng. Phần chơi riêng mỗi đội có tính điểm nhưng tất cả các đội đều đoạt giải và đều có phần thưởng như nhau. Có người chơi thì có người cổ động. Tất cả hòa cùng niềm vui. Vui là chính, không tranh hơn thua.

Các đội thi đấu olympic

Ban tổ chức khóa tu xuất sĩ làm việc rất hết lòng để mang tới niềm vui và hạnh phúc cho mọi người, nên thời khóa cũng rất linh động. Đúng theo chương trình khóa tu có bảy ngày nhưng những ngày cuối dường như không khí tu học được hâm nóng hơn sau thời khóa vấn đáp với Thầy nên một số vị đề nghị xin thêm buổi vấn đáp với quý thầy quý sư cô giáo thọ  và pháp đàm cho nên khóa tu được thêm một ngày nữa.

**************

Làng quê nước Pháp cách đây nửa tháng có hơn năm mươi người áo nâu đến và hôm nay họ đi. Đến đi là chuyện thường tình của thế gian mà bạn hiền ha, có gì đâu ngoài cái khoảng giữa đến và đi ấy, chúng ta có niềm vui, có sự bình an hay không. Nói đến đây chiếc xe chồng chềnh quá, làm tôi chếnh choáng một chút. Tôi không bị say xe nên có thể tự tại ngồi bất cứ đâu mà mình muốn, tất nhiên là vị trí cho người ngồi chứ không phải người lái☺☺ có lẽ vì vậy mà tôi hay tìm góc bình yên cho mình ở cuối xe.

Mời bạn xem thêm: Hình ảnh khóa tu xuất sĩ

Tuần lễ hạnh phúc.

Khi những hoa đồng tiền vàng bắt đầu soi mình dưới ánh nắng mùa xuân thì lúc ấy những người dân nước Pháp dường như cũng bắt đầu thức dậy sau một mùa Đông dài lạnh ngắt. Tuy nói là mùa Xuân đã về nhưng nàng Xuân vẫn còn e ấp, rón rén hoặc có lúc kéo lê từng bước chân chậm chạp trong những ngày mưa. Một số người dân Pháp đã quyết tâm rủ cho được nàng Xuân đi chơi trên những chiếc mô tô động cơ lớn, tiếng rú inh ỏi của từng nhóm chạy qua trên con đường làng quê lượn sóng, làm cho hoa đồng tiền cũng muốn bay theo trong nắng ấm. Thế nhưng không phải người Pháp nào cũng thích mùa Xuân thức dậy một cách náo nhiệt như thế. Có người lại thích tận hưởng mùa Xuân với một không gian yên lắng. Và năm nay, những người này đã ghi danh đến Làng Mai tham dự khóa tu đầu xuân dành cho người nói tiếng Pháp để thực tập cùng quý thầy, quý sư cô một tuần lễ vào giữa tháng Ba.

Mỗi năm, ngoài những người quen cũ còn có thêm những gương mặt thiền sinh mới. Đối với những người mới thì mọi thứ đều bỡ ngỡ. Họ tập trung để ý từng chút để làm theo cho giống những người chung quanh. Thực tập chánh niệm đối với những ai mới làm quen lần đầu không phải dễ. Bước chân còn ngại ngùng mỗi khi đi thiền với đại chúng, hơi thở còn dồn dập mỗi khi nghe chuông… Nhưng tập hoài rồi cũng quen, các bạn thiền sinh mới tới lần đầu đã chia sẻ những bông hoa mùa xuân của mình trong những buổi pháp đàm. Họ cảm thấy được nuôi dưỡng bởi không gian bình an, bao la giữa núi đồi xóm Thượng, bởi không khí ấm áp ở xóm Hạ và bởi sự hòa điệu ở xóm Mới. Ban đầu thật sự ai cũng ngỡ ngàng nhưng cứ đi theo mọi người và làm theo… và chỉ tận hưởng những gì đang xảy ra chung quanh…

Một tuần lễ không phải là nhiều nhưng thật bổ ích cho cả đời người bởi vì hạt giống của hiểu biết thương yêu, tha thứ và lắng nghe với tâm từ bi đã được sống dậy trong mỗi con người. Mai này cho dù có lúc họ vẫn sẽ hành xử theo thói quen cũ, nhưng với năng lượng chánh niệm của vợ hoặc của chồng, họ có thể giúp nhau dừng lại trước khi xảy ra điều đáng tiếc. Đó là hạnh phúc của những ông bà đi chung tới Làng, còn những người đi một mình thì hơi khó hơn một chút. Vì vậy sau bao năm tới Làng, họ vẫn tiếp tục để dành ngày nghỉ để đến với khóa tu hay còn gọi tuần lễ hạnh phúc. Thật sự một khi Bụt tự tánh đã có mặt trong chúng ta thì Bụt sẽ không bao giờ biến mất, tùy theo chúng ta có muốn Bụt ở lâu với mình không thôi. Bạn chỉ cần kịp dừng lại những cảm xúc, trở về với hơi thở có ý thức thì Bụt đã xuất hiện rồi, và chánh niệm sẽ chỉ bảo cho bạn cách hành xử hay nhất.

Gia đình pháp đàm, khóa tu tiếng Pháp

Năm nay Sư Ông chỉ nói hai buổi pháp thoại và một buổi vấn đáp (thay vì bốn buổi pháp thoại và một buổi vấn đáp như các năm trước), các buổi khác quý thầy, quý sư cô giáo thọ ở các xóm tự hướng dẫn. Thiền sinh vẫn vui, vì tuy ít được nghe Sư Ông giảng hơn nhưng họ thấy và nghe được nhiều điều mới lạ từ những vị xuất sĩ trẻ chỉ đáng tuổi con trai hay con gái của mình. Ngoài chuyện tu học, họ có thời giờ nghỉ ngơi, đi dạo cảnh đồi núi thiên nhiên, ngoài ra còn được ăn những món ăn Việt nam chất lượng Làng Mai.

Chúng tôi thiết nghĩ, là xuất sĩ, được sống và tu học trên nước Pháp mà một năm chỉ hiến tặng cho người bản xứ một tuần tu học thì quá ít. Vì vậy trong tương lai gần, nếu có thêm vài tuần nữa cho người Pháp thì ngoài việc cùng nhau thực tập, cơ hội trao đổi văn hóa Đông, Tây sẽ dễ dàng hơn. Và đó cũng là động cơ cho những ai muốn giao lưu cần nỗ lực học thêm tiếng Pháp.

Hoa vàng đầy trên sân

Còn ngại bước chân trần

Ấm êm nền đất Thánh

Thả mình theo Tăng thân.

 

Thầy Chân Pháp Thạnh

Daisy – Gia Đình Của Tôi

Chùa Cam Lộ xóm Hạ – Khóa tu nói tiếng Pháp 2013

Sáng nay, ngay từ lúc còn rất sớm tôi đã nghe thấy tiếng  va li kéo, tiếng dép khua của mọi người qua lại. Những âm thanh ấy báo hiệu cho tôi biết hôm nay xóm mình đã bắt đầu cho khóa tu tiếng Pháp. Mọi người, đã về và đang về trong niềm hân hoan của một ngày mới. Không gian yên tĩnh của ngày nào, giờ có thêm tiếng nói, nụ cười của mọi người chào hỏi nhau. Bầu không khí của tu viện dường như có một nguồn năng lượng mới, vừa vui vẻ vừa xôn xao. Mọi người như đang chờ đợi một phép mầu nào đó biểu hiện.

Ngày vui mở cửa

Xóm tôi năm nay có 170 thiền sinh về tham dự. Tôi cũng có cơ hội gặp lại những gương mặt thân thương từ những khóa tu năm trước. Khi gặp lại, chỉ cần mình còn nhớ họ là họ vui lắm rồi. Hiểu điều này nên mỗi năm chăm sóc gia đình thì tôi cố gắng nhớ mặt, nhớ tên các thành viên trong gia đình mình. Như bạn biết đó, số lượng người về dự khóa tu ở Làng thì rất nhiều, khó mà nhớ hết tên được nhưng tôi cũng tập nhớ. Có lẽ vì vậy mà các bạn thiền sinh mỗi khi về Làng là có cảm giác như được về nhà mình, về quê hương của mình.

Tàu vừa dừng lại ga này thì mọi người đã ngầm biết là mình về đâu. Ngay khi bước xuống nhà ga được các thầy cô đi đón thì mọi người đã hàn huyên với nhau nhiều chuyện thú vị. Họ đã tự động tới với nhau và coi nhau như người thân. Điều này cũng làm tôi vui nhiều, tôi được chứng kiến những chuyện như thế khi có dịp ra ga đón khách. Hôm vừa rồi tôi được nghe một câu chuyện khác từ các sư cô kể lại. Mỗi năm Làng luôn mở cửa đón thêm nhiều bạn thiền sinh mới, trong những bạn đến tham dự khóa tu có những bạn đã thực tập lâu hơn. Những bạn ấy có sự thực tập vững chãi nên đã biết cách giúp và chia sẻ với các bạn mới tới lần đầu tiên vì các bạn mới ấy có nhiều sự bỡ ngỡ, lạ lẫm với môi trường và hoàn cảnh mới. Ngồi trên xe từ nhà ga về lại xóm thì những bạn thiền sinh cũ đã giúp các sư cô chơi với các bạn mới. Có một bạn thiền sinh đã chia sẻ:” này bạn, trời ngoài kia đẹp ghê, nắng vàng và các rừng cây đang từ từ mặc áo mới, cánh rừng nho vẫn còn trụi lá, trơ ra như những gốc bonsai, trời xanh quá…” Vậy là mọi người cùng nhau về với giây phút mầu nhiệm ngay khi chưa về tới Làng.

Khóa tu này, tôi có cơ hội chơi và sinh hoạt với các bạn trẻ trong gia đình làm việc Thiền Đường với tên gọi thật khiêm nhượng nhưng lại vô cùng dễ thương – hoa Cúc Dại (Daisy). Nếu có một lần bạn đến Làng vào mùa xuân thì bạn tha hồ ngắm các loài hoa. Đặc biệt, loài hoa này không mọc riêng rẻ mà luôn đi với nhau, cùng nhau biểu hiện thành từng bụi, rồi nhiều bụi đứng gần nhau tạo thành từng thảm.Tôi thường gọi là Tăng thân hoa. Tôi vẫn còn nhớ khóa tu tiếng Pháp năm ngoái, gia đình tôi làm công việc chăm sóc vườn hoa của tu viện và cũng dùng tên này. Tên Daisy được mọi người rất thích.

Chiều nay, khi có cơ hội tiếp chuyện với các bác của gia đình sinh hoạt năm ngoái. Các bác đã chia sẻ lại một vài kỷ niệm thật vui và họ đi thăm lại những vườn hoa mà mình đã trồng và những con đường đến những cốc quanh xóm. Tu viện chúng tôi nằm tại một vùng quê phía nam nước Pháp, nói tới Làng là nói đến cơ sở vật chất đơn sơ, đường đi thì là đường đất và nhiều sình mỗi khi có mưa gió. Vậy mà vui lắm bạn ạ, khi trở về đây, mọi người đều cảm thấy vui vì xem đây là nhà của mình. Tôi tiếc là mình đã không chụp lại những hình ảnh rất thân thương đó. Các bạn thiền sinh về Làng đều hết lòng giúp các Thầy cô trong mọi công việc. Từ việc ăn uống rửa dọn hay chùi nhà vệ sinh đến sắp xếp thiền đường nhờ như vậy mà chúng tôi mới có thể đón nhiều bạn về tu tập trong một lúc.

Gia đình thiền đường của tôi toàn là người trẻ và tôi có may mắn hưởng được năng lượng trẻ trung, tươi vui, nhanh nhẹn, tháo vát của các bạn. Tôi chỉ cần hướng dẫn tổng quát về cách làm việc một chút thôi thì sau đó các bạn tự biết mình cần làm gì rồi. Nhờ đó công việc chạy rất suôn sẻ dù chúng tôi cần làm nhiều lần trong ngày: Xếp thiền đường cho buổi ngồi thiền sáng, sau đó xếp thiền đường cho buổi pháp thoại, thiền buông thư, các buổi thuyết trình về năm giới…. Chúng tôi lại có thêm nhiều thời gian để có mặt cho nhau, chia sẻ cho nhau nghe về những niềm vui và hạnh phúc của mình. Tôi ngồi đó lắng nghe, các bạn có nhiều chuyện để kể lắm, nào là học đường, xã hội hay đời sống gia đình. Hay các bạn ấy đã chia sẻ rất hết lòng về những hoàn cảnh khổ đau, khó khăn mình đang gặp phải. Khi trở về đây, các bạn ấy tới và chơi với nhau như anh chị em một nhà. Ai cũng mở lòng để chia sẻ và hiến tặng cho nhau những kinh nghiệm mà mình đã học được trong cuộc sống.

Thiền ôm cây với Lulu

Hôm nay là ngày thứ ba của khóa tu, LuLu chia sẻ về thiền ôm cây, lời nói và hình ảnh ấy làm tôi nhớ hoài.  LuLu thường làm thiền ôm với những gốc cây trong trường. Một hôm LuLu đang thiền ôm với một cây và trở về với hơi thở thật sâu của mình thì có một làng gió thật mạnh thổi qua làm cho toàn thân cây và cành lá đều rung chuyển, lần đó cứ mãi khắc sâu vào tâm trí LuLu. LuLu kể rằng trò chơi thiền ôm với cây đã nuôi dưỡng và trị liệu cho em nhiều lắm và em cảm được mỗi cây có một nguồn năng lượng khác nhau nữa. Mỗi khi có cảm xúc hay buồn giận gì thì em ra ôm gốc cây trong giây lát, trở về với hơi thở thật sâu của mình. Vậy là mọi tâm hành đều được lắng dịu lại. Chiều nay trong giờ pháp đàm LuLu còn mời mọi người thực tập thiền ôm cây xung quanh xóm với LuLu nữa. Em nói với vẻ mặt thật dễ thương làm tôi vô cùng xúc động.

 

Thiền ôm cây trong rừng bạch dương

LuLu ơi! Sao em dễ thương quá! Em mới có 23 tuổi thôi mà đã biết tự chăm sóc mình và quản lí được cảm xúc của mình rồi. Sự trầm lặng và trong sáng của tâm hồn LuLu đã nuôi dưỡng mọi người thật nhiều. Trong vòng tròn của gia đình pháp đàm ai cũng ngầm khen Lulu giỏi quá. Còn một số bạn trẻ khác lại chia sẻ rằng họ đang tràn ngập khổ đau và mất phương hướng cho cuộc đời mình. Họ luôn thấy khổ đau của mình là đến từ những người nào đó muốn làm cho mình khổ hơn là mình trở lại nhìn vào đời sống của mình. Cái gì làm cho mình khổ? Phải chăng do cách mình tiếp nhận và tiếp xúc với cuộc sống thiếu ý thức của mình hay không? Do vậy, trong thời khóa sinh hoạt tại tu viện luôn mở ra buổi thuyết trình về năm giới và làm lễ nhận năm giới. Năm giới là con đường hướng bạn đến một đời sống cao đẹp và hạnh phúc. Ngoài ra các sư cô còn hướng dẫn các bạn cách làm mới lại thân tâm hay nối lại tình thâm, làm lành lại những đổ vỡ khi bạn có khó khăn với bạn bè và người thân. Do vậy, để các bạn trẻ có cảm hứng với sự thực tập. Nên các Thầy cô luôn nghĩ ra những chương trình thực tập phong phú hơn. Vì là các bạn trẻ nên thiền ca là pháp môn không thể thiếu không thể thiếu. Vậy là trước mỗi buổi chấp tác hay pháp đàm, các bạn lại xoay thành vòng tròn vừa hát vừa phụ hoạ theo những điệu trong bài hát. Sau những bài hát vui vẻ và nuôi dưỡng ấy, tôi thấy các bạn vui hơn và làm việc hiệu quả hơn.

Ngày đi qua, niềm vui ở lại

Ngày thứ  tư của khóa tu là ngày làm biếng. Nên chị em chúng tôi có cơ hội ngồi chơi uống trà, ăn sáng chung, tận hưởng sự có mặt của nhau. Dù trong khóa tu có nhiều việc nhưng chúng tôi vẫn luôn ý thức rằng mình cũng phải tận hưởng khóa tu. Chúng tôi có cơ hội ngắm hoa mai đầu mùa dù chỉ là những cây mai dại đang nở, hay ngắm những đàn Nai đang tìm kiếm thức ăn nơi khu vực gần đấy. Như cảm được tình thương và sự an toàn của tu viện nên các chú nai, thỏ, sóc hay heo rừng đến chơi và tìm thức ăn rất thường. Hôm đầu tiên của khóa tu, khi sư cô trú trì cho pháp thoại thì chúng cũng lân la tới gần thiền đường, ở trong nhìn ra ai cũng cảm thấy vui và thích thú. Các chị em tôi bảo nhau chúng cũng đang đến và nghe pháp thoại, nghe hướng dẫn tổng quát đấy. Ngày mai là ngày xóm tôi đón tiếp các bạn thiền sinh từ các xóm khác đến. Hôm nay, gia đình tôi làm việc nhiều hơn một chút vì số lượng lại tăng lên đến 700 người nhưng các bạn ấy vẫn không thấy mệt mỏi và thích tối nay mình phải ngủ lại thiền đường để được ngồi gần Thầy, để được lắng nghe những lời Thầy dạy. Chắc Thầy tôi mà nghe các bạn trẻ tâm sự như vậy thì sẽ thương lắm đấy.

Ngày 19 tháng 03

Mặt trời đã đã thức dậy gọi mời mọi người  tận hưởng thiên nhiên và không khí của buổi sáng.Từ đàng xa tôi đã nghe các chị em gọi nhau, ra xem các bạn đang xuống rừng Bạch Dương để thiền ôm với cây. Lulu  hướng dẫn cả gia đình về cách  thiền ôm với cây như thế nào. Vậy là mọi người đã cùng nhau thực tập thiền ôm cây một cách hạnh phúc.

Cả ngày nay hình ảnh các bạn trẻ thực tập thiền ôm cây như còn đọng lại trong lòng mọi người. Các nhóm pháp đàm rất hứng khởi chia sẻ về vấn đề này. Nhiều vị đã chia sẻ rất sâu sắc về sự thực tập và nơi đây cho các bạn một không gian bình an và sống được với chính con người của các bạn, tìm lại được tình người mà lâu nay các bạn đã đánh mất. Có một bạn chia sẻ “ở  nơi đây con đã tìm lại được con người biết thương con người,vì trước đây con đã không tin có điều ấy. Con chỉ thấy mọi người ghét nhau và giận nhau thôi”.

Trưa nay, đại chúng có cơ hội dùng cơm với Tổ tại thiền đường Hội Ngàn Sao Xóm Hạ. Năng lượng thật hùng tráng và ấm cúng. Trước buổi cơm Thầy đã giới thiệu với mọi người về Tổ Thanh Quý. Thầy cũng nói hôm nay chúng ta  dùng cơm với Thầy của Thầy. Trong hội chúng ai cũng cười thật tươi và vui vẻ. Vậy là hôm nay Tổ đã có mặt trong Thầy trong các con của Thầy, có mặt trong đại chúng. Tổ đã dùng cơm với con cháu trong niềm an vui đầm ấm của đại gia đình tâm linh.

Mâm cơm dâng Tổ Thanh Quý

Sau buổi cơm quá đường, sư cô Chân Không làm thiền buông thư thiền lạy cho thiền sinh. Đây là một trong những thời khóa yêu thích của các bạn thiền sinh. Chính những lời hướng dẫn của sư cô đã khơi mở được nhiều bế tắt và đưa các bạn trở về với gốc rễ của gia đình huyết thống. Các bạn đã chia sẻ “từ lâu bạn đã không cảm được cái tình mà cha mẹ cho con. Vì ngay từ thời còn rất bé ba mẹ bạn ấy đã ly dị, một tuần bạn ấy sống với ba tuần sau sống với mẹ và cứ như vậy …” Tôi không thể nào tin và hiểu được mình phải cảm như thế nào cho đúng. Tôi chỉ biết thấy thương các bạn  sống trong hoàn cảnh như thế. Tôi càng thấm thía hơn câu thư pháp mà thầy tôi viết :“hạnh phúc của ba mẹ là gia tài quý nhất mà ba mẹ để lại cho chúng con”

Cùng pháp đàm

Ngày 20 tháng 03

Từ thiền đường trở về phòng, vầng trăng đang có mặt cho tôi. Ngày lại ngày anh chị em trong gia đình Daisy cảm thấy gần nhau và cởi mở hơn. Mọi người chia sẻ những điều rất sâu về hướng đi trong tương lai của mình. Các bạn đã pháp đàm về năm giới. Trong số đó có nhiều bạn đã học và tiếp nhận năm giới trong tuần này. Vậy là mỗi người trong chúng tôi thấy được sự lớn lên trong sự thực tập của mình. Ngồi trong vòng trong pháp đàm mặt ai cũng sáng ngời vui vẻ. Đó là phần thưởng mà tôi nghĩ mọi người dành cho tôi. Điều tôi quan tâm nhất là niềm vui và hạnh phúc của các bạn. Trong lòng tôi thầm biết ơn các bạn nhiều lắm, nhờ sự thực tập hết lòng của các bạn mà chúng ta mới có kết quả như hôm nay. Kết quả tu học này tôi cũng muốn dâng lên người Thầy kính yêu của chúng tôi. Niềm biết ơn và niềm vui đã ngập tràn trong lòng tôi.

Vậy là niềm vui cũng qua mau, mới đó mà khóa tu đã kết thúc. Các bạn trở về lại trú xứ của mình với  niềm vui và bình an mà mình đã gặt hái trong thời gian qua. Cuốn sổ nhỏ chuyền tay nhau để ghi lại địa chỉ và hẹn nhau mùa sang năm.

Ánh nắng đã trải vàng trên những thảm cỏ, những bông hoa cũng từ từ hé mở. Mùa xuân lại về trong tiếng hót lảnh lót của những chú chim, của những thảm hoa đủ màu. Của rừng mai nở rộ. Chỉ còn vài ngày nữa là chúng tôi lại tiễn Thầy và một số quý thầy cô đi khóa tu ở châu Á. Ở Nhà chúng tôi sẽ ngắm hoa và thưởng thức mùa xuân cho Thầy và đại chúng  bên nớ.

 

Tâm Quảng Lạc

Ngày đầu của khóa tu tiếng Pháp

 

Hôm nay là ngày đầu tiên của khóa tu tiếng Pháp, được tổ chức từ ngày 15-22 tháng 3. Đây là tin mừng cho những bạn thiền sinh, người Pháp cũng như những người nói tiếng Pháp. Trước đó Thầy đã thông báo năm nay không có khóa tu tiếng Pháp do lịch du hóa của Thầy quá dày. Tuy nhiên nhận thấy các bạn thiền sinh có nhiều niềm vui và sự chuyển hóa trong các khóa tu tiếng Pháp hàng năm nên hội đồng giáo thọ đã xin phép tổ chức khóa tu mà không có sự hướng dẫn của Thầy. Cuối cùng trước tấm lòng và sự nhiệt thành của các học trò, Thầy đã đồng ý tặng cho khóa tu hai buổi pháp thoại và một buổi vấn đáp.

Mùa này vẫn còn lạnh không thể cắm lều ngoài trời, nên số lượng được giới hạn khoảng sáu trăm người. Bắt đầu hai giờ chiều hôm nay, các bạn đã đến trong niềm vui khôn tả. Mọi người đến từ mọi miền nước Pháp, và những nước ở Châu Âu. Đường xá xa xôi, nhưng đặt chân tới Làng là đã thấy khỏe thấy nhẹ. Trong đó có những bạn thiền sinh đã từng tham dự lúc trước, gặp lại nhau tay bắt mặt mừng. Các cặp vợ chồng trẻ, mang theo những đứa bé khoảng vài tháng cho đến 3 tuổi thật là đầm ấm. Những đứa bé bình an ngủ trên tay mẹ, hay những em nhỏ tung tăng bên cha là những đứa trẻ may mắn nhất ở Tây Phương. Làng như là một ngôi nhà đích thực cho các bạn thiền sinh khắp nơi trên thế giới. Ai đã một lần tới Làng cũng đều công nhận như thế. Cuộc sống có nhiều khó khăn, khổ đau nhưng có một nơi để trở về là một điều may mắn. Mỗi lần trở về là được ôm ấp được trị liệu. Chúng ta không thể tưởng tượng nổi một xã hội hiện đại phương Tây như thế nào đâu. Bận rộn không thể tả, bận từ trong nhà, ra tới đường phố, tới sở làm, trường học, cho đến những khu vui chơi giải trí cũng bận rộn. Nhịp sống của con người như đã được lập trình sẵn với một tốc độ chóng mặt. Chính vì bị quay cuồng trong vòng xoáy của sự sống, con người đã đánh mất mình không hay. Càng ngày càng trở nên khô cằn, máy móc và tha hóa. Tới Làng, ai cũng tỏa rạng niềm vui, ai cũng hành xử hòa ái, cởi mở. Bên ngoài xã hội Tây Phương không được như thế, luôn có sự vội vã, cạnh tranh, và lạnh lùng với nhau. Những người lần đầu tiên đến Làng luôn bất bất ngờ trước không khí bình an và thân thiện nơi đây. Có lẽ trong cuộc đời họ chưa bao giờ thấy và cũng chưa bao giờ có thể nghĩ ra rằng có một nơi diệu kỳ như thế. Nếu nghe ai nói, hay đọc báo thì họ chỉ nghĩ, đó là sáng tạo phẩm của trí óc. Trông giống những câu truyện thần thoại hiện đại hay những thước phim cartoon 3D. Vì thế vài ngày đầu vẫn còn hơi dè dặt, căng thẳng, nhưng sau đó từ từ có sự tươi mát, buông thư. Năng lượng bình an và hòa ái của tăng thân đã giúp họ trị liệu mà không cần bất cứ một liều thuốc hay một lời tư vấn tâm lý gì cả.

 

bienvenu à hameau du bas.jpg

Còn một tuần nữa là vào xuân. Lòng đất đã đơm hoa; thủy tiên, và nhiều loại cỏ hoa với nhiều màu sắc hương thơm khác nhau đang hiến tặng cho đời sự mầu nhiệm của chúng. Mùa xuân ở Làng, chúng ta sẽ thấy từ lòng đất, bãi cỏ, đến những cây cao đều trổ hoa. Ngay cả trên những tảng đá chúng ta cũng thấy hoa. Trong khóa tu này các bạn thiền sinh sẽ có cơ hội sống trong “thế giới hoa tạng”. Văn minh của nhân loại, không phải là sự chạy đua về khoa học kỹ thuật, hay tri thức mà là sự trở về tiếp xúc sâu sắc với thiên nhiên với đất mẹ. Nước Nhật là đất nước của hoa Anh Đào, không biết bao nhiêu tác phẩm văn chương, nghệ thuật nói về văn hóa ngắm hoa, chơi hoa của người Nhật. Họ đã phát triển đến đỉnh cao, vượt khỏi nhận thức tầm thường, vượt khỏi biên giới của hiện tượng để đi vào bản thể và trở thành “đạo”. Vậy mà cái “đạo” ấy giờ đây gần như biến mất, đã nhường chỗ cho những bận rộn, những tiện nghi hiện đại. Con người không còn thời gian và cũng không còn niềm vui ngắm hoa và chơi hoa Anh Đào như trước nữa. Về đây trong khóa tu mùa xuân là cơ hội cho mọi người trở về với nền văn minh đích thực. Để được trị liệu, để được bồi đấp, để trở thành những bông hoa tươi mát dâng hiến cho đời.

Chiều nay, khi vừa về tới Làng các bạn thiền sinh đã bước đi những bước thảnh thơi. Chúng ta sẽ không bao giờ thấy có cảnh chen lấn, vội vã trong phòng ghi danh hay nơi nhà ăn hay bắt cứ một nơi công cộng nào đó trong tu viện. Không có sự hối hả mà chỉ có sự trở về. Đã có những bạn tới sớm, đi thiền hành quanh tu viện rất thong dong. Đâu đó dáng ai buông thư trầm tĩnh thiền tọa trên bãi cỏ hay trên đồi Bụt. Được trở về, được đi, được ngồi nơi mà ngày ấy thầy trò bên nhau; nơi mà tâm tìm lại được niềm tin và ánh sáng sau bao ngày khổ đau tuyệt vọng là sự an vui lớn nhất của các bạn. Nhìn thấy họ đi, họ ngồi thảnh thơi mà lòng tôi tràn đầy hạnh phúc. Trong tâm vang vọng lời ai trầm hùng, “đây là con đường đất bùn, nhưng con cứ đi đi, con đi cho thảnh thơi, con sẽ khỏe con sẽ nhẹ. Con có thấy nắng vàng, bãi cỏ xanh, rừng sồi quanh con không? Ngồi xuống đi! Con sẽ bình an.”

Làm thế nào để sống sâu sắc hơn

 

Tuyết rơi ở vườn Bụt Xóm Thượng

Đó là một trong sáu chủ đề Sư Ông Làng Mai sẽ giảng cho cộng đồng nói tiếng Pháp thực tập trong khóa tu sắp tới (diễn ra từ ngày 15 tới ngày 24 tháng 3 năm 2013). Các chủ đề còn lại là: Hạnh phúc là có thật, Trị liệu là có thật, Trở về nhà, Không đi vòng quanh Đi như một dòng sông. Đến hôm nay, quý thầy, quý sư cô làm việc trong văn phòng các xóm đang làm việc nhiều giờ để trả lời email cho các thiền sinh. Có hơn 600 thiền sinh đăng ký về tham dự rồi, nhưng email vẫn gửi về nhiều. Hôm qua, tuyết lại rơi thêm nên có thể có nhiều thiền sinh lo lắng về giao thông cản trở mà không về Làng được. Đây là một cơ hội rất quý được nghe Sư Ông giảng trực tiếp toàn bằng tiếng Pháp. Khóa tu tiếng Pháp hàng năm đã mang tới niềm vui cho rất nhiều thiền sinh trong nước Pháp cũng như các nước khác.

Năm nay, Sư Ông sẽ giảng hai bài pháp thoại vào ngày Chủ Nhật (17.3.2013) tại Xóm Thượng và ngày thứ 5 (21.3.2013) tại Xóm Mới. Với những ai chưa về được làng có thể nghe Sư Ông giảng trực tiếp trên Pháp Đường Trực tuyến của chùa Làng Mai Online vào lúc 9 giờ 45 phút.Các Pháp Thoại đều bằng tiếng Pháp nhưng được thông dịch trực tiếp ra Tiếng Anh. Nếu muốn nghe tiếng Việt thì bạn chờ một thời gian, quý thầy sẽ đưa phần thông dịch dạng mp3 để bạn có thể tải về nghe.

Một tuần sinh hoạt trong khóa tu, các thiền sinh không chỉ nghe pháp thoại, thực tập ngồi thiền, thiền hành, thiền buông thư hay làm mới để tái lập truyền thông mà còn được nghe thuyết trình về Năm phép thực tập chánh niệm (Năm giới tân tu), do chính các bạn thiền sinh đã từng thực tập lâu năm chia sẻ. Buổi thuyết trình từ kinh nghiệm chuyển hóa, cũng như niềm vui ứng dụng những lời Bụt dạy vào đời sống hàng ngày này luôn tạo cảm hứng cho rất nhiều thiền sinh mới. Năm nào, sau khóa tu tiếng Pháp cũng có nhiều thiền sinh phát nguyện thọ trì năm giới. Lễ truyền năm giới sẽ được tổ chức tại mỗi xóm. Các thiền sinh còn được chia thành các gia đình chấp tác để học thực tập làm việc sao cho có niềm vui và hạnh phúc.

Ngày thứ 4 (20.3.2013) tại Xóm Hạ Sư Ông sẽ cho Thiền sinh trong khóa tu lên đặt câu hỏi trực tiếp với Thầy. Sau giờ đi thiền hành, tứ chúng Làng Mai sẽ được ăn cơm theo nghi thức quá đường tại thiền đường Hội Ngàn Sao chùa Cam Lộ. Hình ảnh Sư Ông cùng Tăng đoàn xuất sĩ ôm bình bát đi từng bước thảnh thơi vào thiền đường luôn gợi nhớ tới hình ảnh của Bụt và Tăng đoàn khất sĩ ôm bình bát đi khất thực tại các thôn làng.

Đọc thêm:

Khóa tu tiếng pháp 2013

Nắng Pháp – Khóa tu tiếng Pháp 2012

Về với khóa tu tiếng Pháp năm 2011

Chuẩn bị cho khóa tu dành cho người nói tiếng Pháp

Sau Lễ hội Hoa Thủy Tiên tại Xóm Thượng, các xóm Làng Mai có 4 ngày để chuẩn bị cho khóa tu tiếng Pháp. Cùng thời gian này, quý thầy quý sư cô chuẩn bị tháp tùng Sư Ông đi hoằng pháp Châu Á vào đầu tháng 4 tới cũng bắt đầu chuẩn bị để lên đường. Chúng thường trú tại Làng cũng chia tay các thầy các sư cô từ Việt Nam, Indonesia,… qua tu học trong ba tháng mùa đông trở về lại trú xứ mình. Năm nay, xóm Mới chia tay Sư cô Trang Nghiêm, sư cô Tạng Nghiêm về nhập chúng Thái Lan. Xóm Hạ cũng chia tay các sư chị sư em chuyển đi trung tâm khác. Mỗi một lần chia tay là bịn rịn vì cùng sống và tu học với nhau vài năm. Dù trong đại chúng ai cũng ý thức rằng đi đâu cũng là nhà và huynh đệ Làng Mai khắp nơi…

Người đi, người ở, việc chuẩn bị cho khóa tu vẫn được diễn ra nhịp nhàng. Trước khóa tu, ban tổ chức khóa tu và ban chăm sóc mỗi xóm đã ngồi lại một vài buổi để chuẩn bị và sắp xếp để cho khóa tu có thể diễn ra trôi chảy nhất. Tuy việc tổ chức khóa tu đã thành quen thuộc ở làng, nhưng mỗi năm làng lại có người mới và như Sư Ông thường dạy: Mình luôn có thể làm tốt hơn. Làm sao để cho sau mỗi khóa tu, chúng xuất sĩ và thiền sinh đều thừa hưởng được năng lượng bình an, nhờ năng lượng chánh niệm hùng hậu của tập thể mà tự mỗi cá nhân khó có thể tạo ra được.

Làng Mai đón khách như thế nào?

Tri xa: Mỗi xóm có một thầy hoặc một sư cô lo về chuyện đi lại. Sau khi khách đăng ký (qua email) với văn phòng và báo giờ tàu đến ga Saint Foy La Grand. Tri xa sẽ sắp xếp để có thể lái xe ra ga đón khách. Ngày khách đến thường rất vui vì cả 3 xóm đều ra cùng một ga đón khách, đôi khi cũng có những nhầm lẫn vì khách xóm này đi về xóm khác. Nên tri xa những ngày đón và đưa khách thường làm việc từ sớm tới khuya. Đôi khi tàu về trễ hay khách ngủ quên không ra tàu được nhưng thương thiền sinh không dễ gì để về làng được nên quý thầy quý sư cô vẫn kiên nhẫn chờ đến khi đón được vị khách cuối cùng.

Tri khách: Phòng ở đơn sơ chỉ có một tấm ra trải giường, một các chăn mỏng và một cái gối đã được ban tri khách chuẩn bị từ trước. Khách về tới xóm thì được quý sư cô trong “Ban đón khách” – Do quý Thầy quý sư cô làm tri khách đưa tới Văn Phòng ghi danh để đăng ký. Sau đó khách được đưa về phòng ở của mình. Hầu hết thiền sinh tới làng đều đăng ký trực tuyến để được sắp xếp chỗ ở, nhưng vẫn có những vị thiền sinh vì không biết nên cứ tới và ban văn phòng không biết phải làm sao vì hết chỗ rồi. Đành để khách ở lều vậy. Ở Làng cơ sở vật chất rất đơn giản và thiền sinh phải ở chung phòng từ 4 tới 8 giường mới đủ chỗ ở. Vậy mà năm nay, có nhiều vị vẫn không có đủ chỗ ở nên phải cắm lều. Ngoài trời còn lạnh lắm, nên thường quý thầy, quý sư cô vẫn dành một phòng sinh hoạt chung cho thiền sinh cắm lều có thể vào ngủ buổi tối nếu trời lạnh quá hoặc mưa.

Tri khố: các xóm đã lên xe đi chợ nhiều lần Chưng hoa cho Bụt.jpgđể mua rau, củ, quả, gạo, muối, dầu ăn… tất cả những gì cần thiết cho sinh hoạt của xóm mình trong vòng một tuần. Mỗi lần đi về là một xe đầy. Các sư cô nho nhỏ, mỗi lần đi chợ về là chỉ thấy hàng không thấy người đâu. Ban văn phòng làm việc ngày đêm vì các yêu cầu của thiền sinh rất nhiều. Mặc dù trong khóa tu này chủ yếu thiền sinh từ trong nước Pháp tới nhưng quý thầy quý sư cô luôn mong muốn làm sao cho khách cảm thấy dễ chịu và an ổn để tham dự khóa tu có lợi lạc nhất. Làm sao trong một tuần thiền sinh có thể thích nghi với môi trường ở làng và học được các phương pháp thực tập để có thể đem về nhà áp dụng?

Ban chăm sóc thiền đường (tri đường) đã cắm những bình hoa thật đẹp bằng những bông hoa cây nhà lá vườn.  Hôm nay trời nắng đẹp lắm. Ngày mai, sẽ có sinh hoạt tại mỗi xóm. Thiền sinh Xóm Mới sẽ được nghe pháp thoại của Sư cô Chân Không, Thiền sinh Xóm Hạ  và Xóm Thượng sẽ được quý thầy, quý sư cô giáo thọ hướng dẫn tổng quát về các phương pháp thực tập ở làng như: nghe chuông chánh niệm, ngồi thiền, thiền thở, thiền hành, ăn cơm im lặng, im lặng hùng tráng

Tuy là trung tâm thiền tập nhưng ở Làng Mai mỗi ngày chỉ có hai thời ngồi thiền, mỗi thời 30 phút. Có nhiều thiền sinh thắc mắc tại sao ngồi thiền ít như vậy. Ở đây chúng tôi thực tập thiền trong tất cả các sinh hoạt hàng ngày. Nhiều thiền sinh về làng rất thích thiền chấp tác (rửa nồi, dọn dẹp, làm vườn, sắp xếp thiền đường, cắt gọt…). Đây là điều mà khi tới các khóa tu không phải ở làng không có được. Vì tới các nơi khác thì thường địa điểm phải mượn nên mình cũng cần nhờ luôn phần nấu nướng, dọn dẹp… Khi có cơ hội làm việc chung trong chánh niệm, các bạn thiền sinh có cơ hội tiếp xúc với nhau và với quý thầy quý sư cô, cùng chia sẻ niềm vui và năng lượng tu học. Nhiều bạn thiền sinh về làng thường thấy ở đâu cũng có bảng Noble Silence (Im lặng hùng tráng). Khi xếp hàng khất thực cũng không được nói, khi ăn cũng không được nói, đi không được nói,im lặng từ 10 giờ 30 tối tới 8 giờ sáng hôm sau… Sự thực tập này ban đầu không dễ chịu chút nào, nhưng đó là một sự thực tập rất trị liệu. Mà chỉ trong khung cảnh bình an của chùa và sự thực tập của những người bạn đồng tu mới giúp ta tạm ngưng được cái đài NST(Non-stop Thinking, đài phát thanh không ngừng nghỉ) trong đầu của ta. Suy nghĩ nhiều khiến ta mệt mỏi nhưng không biết làm thế nào để ngưng lại được. Vì vậy mà ai tới làng một lần là biết thực tập dừng lại khi nghe chuông. “Lắng lòng nghe, lắng lòng nghe, tiếng chuông huyền diệu đưa về nhất tâm“.

Những buổi thiền hành trong các khóa tu lớn là một bức tranh rất đẹp. Đi từng bước thảnh thơi, cảm nhận sâu sắc từng bước chân của mình đang bước trên đất mẹ. Mỗi bước chân đưa bạn về với giờ phút hiện tại, để thấy những mầu nhiệm còn đó cho ta. Còn đi được là một hạnh phúc rất lớn. Còn thở được là một hạnh phúc rất lớn. Mùa xuân đang về, những con đường thiền hành ở Làng nở đầy những bông hòa vàng, tím, trắng… Xung quanh chim hót vang trời. Gió đưa những cánh hoa mai, hoa đào rơi nhè nhẹ. Mời bạn có dịp về làng để tận hưởng những giây phút bình an, để cùng tăng thân chế tác năng lượng chánh niệm chữa lành những đau nhức trong lòng. Làng Mai là quê hương của bạn, bất cứ khi nào bạn muốn trở về.

Mời bạn xem thời khóa của khóa tu để có thể đồng hành với những sinh hoạt của Tăng thân.

 

 

Mời bạn xem một số hình ảnh chuẩn bị cho khóa tu tiếng pháp:

Tri khố đi chợ về.jpg

Chuẩn bị đón thiền sinh về tham dự khóa tu

 

Ban văn phòng đón khách.jpgthiền đường nến hồng ngày đón khách.jpgbienvenu à hameau du bas.jpg

Ban văn phòng và tri khách đón khách trong ngày khách đến

 

Xem thêm: Những sinh hoạt của Tăng thân Làng Mai năm 2013

Bạn trẻ, tôi trẻ và khóa tu Người trẻ

Tiết trời đã bắt đầu chuyển sang thu, cành lá cũng bắt đầu theo gió, theo nắng chuyển màu rồi đó bạn ạ. Tôi vừa trở về sau khóa tu dành cho người trẻ ở Xóm Thượng, Làng Mai. Khóa tu người trẻ nên chỉ toàn chất trẻ thôi, vui chi mà vui và trẻ ơi là trẻ. Người trẻ nhất trong đại chúng xuất sĩ chính là sư chị Trăng Đầu Hạ của tôi, sư chị là người dễ thương nhất, lúc nào trên môi cũng nở nụ cười tươi thắm đầy trẻ trung.

Tất cả thiền sinh tham dự đều cắm lều. Các bạn thiền sinh nữ được cắm lều ở xóm Hạ. Mỗi buổi sáng, các bạn ấy được quý sư cô thức dậy bằng mười tiếng chuông chánh niệm, được quý sư cô hướng dẫn ngồi thiền tại xóm. Sau đó toàn chúng xuất sĩ nữ cùng các bạn cư sĩ nữ thiền hành hơn ba mươi phút lên xóm Thượng. Ở đó, quý thầy và các bạn thiền sinh nam đã chuẩn bị xong bàn thức ăn sáng, sau khi họ cũng đã ngồi thiền và thể dục với đa dạng thể loại hơn, như là: mười động tác chánh niệm, tập gậy, yoga, chạy bộ…Thời khóa chung của hai xóm mỗi ngày bắt đầu bằng bữa ăn sáng trong im lặng quanh bãi cỏ với bốn cây Tùng.

Con đường từ xóm Hạ lên xóm Thượng rất đẹp. Trong cái se lạnh của chớm thu, không gian bên ngoài còn giăng một màn sương mỏng nên đi bộ rất mát. Khí trời ban sớm tinh khôi. Hai bên là những cánh đồng nho đang chín và những cánh đồng Hướng Dương trĩu hạt thơm lừng. Mùi đất, mùi gió, mùi cỏ cây hiến tặng biết bao nhiêu là cái đẹp cho lòng người, cho sức trẻ, để khởi động một ngày mới sống trong chánh niệm. Thỉnh thoảng, vài chú nai ngơ ngác núp sau những khóm trúc từ xóm Trung, ngắm nhìn những con người đang sống thảnh thơi nhất trên hành tinh xinh đẹp này.

Đến… để mà thấy…, đi … để mà cảm…

Gia đình pháp đàm của tôi tên là Cái Nồi Hạnh Phúc, nghĩa là nhiệm vụ chính của chúng tôi trong khóa tu này là rửa nồi. Đó là một gia đình nói tiếng Pháp. Ban tổ chức đã chia 300 người tham dự khóa tu ra nhiều gia đình theo ngôn ngữ, có gia đình tiếng Đức, gia đình tiếng Anh, tiếng Hòa Lan, tiếng Việt và tiếng Pháp. Mỗi gia đình đều có một nhiệm vụ khác nhau, như: gia đình khử trùng chén dĩa, gia đình làm nhà vệ sinh, gia đình cắt gọt rau củ, gia đình thiền đường… Đến ngày về, có một bạn thiền sinh nói rằng sau khi bạn ấy trở lại nhà, nếu nhớ gia đình rửa nồi bạn sẽ đi vào bếp rửa nồi cho bớt nhớ. Một bạn khác gợi ý thay vì rửa nồi thì hãy đem tâm mình ra rửa.

Gia đình pháp đàm của tôi có hơn 20 bạn, cả nam lẫn nữ. Có bạn làm nghề DJ (những người này được thuê chơi nhạc/hát trong những tiệc cưới hay những buổi tiếp tân), có bạn làm diễn viên hài, có bạn đang phụ trách nông trại trồng nấm, có bạn vừa làm xong luận văn tiến sĩ… Phần đông các bạn mới đến Làng lần đầu, tuy nhiên có bạn đã đến Làng Mai tới 11 lần rồi. Lần này là lần thứ 12. Địa điểm pháp đàm của chúng tôi ngay dưới cây Đề (Cây Linden). Giờ pháp đàm thường vào độ bốn giờ chiều, nếu có một cơn gió thu nhẹ đưa qua thì bao nhiêu là lá vàng rơi như hoa chong chóng, từ trên cây theo gió xoay xuống lòng bàn tay chúng tôi, ngự trị ở đó cho chúng tôi mỉm cười. Đó là món quà kỳ diệu của mùa thu. Bằng chánh niệm, chúng ta nhận diện sự có mặt của thiên nhiên quanh mình, đón nhận và tận hưởng.

“Tôi đến đây không có một mong đợi nào kết, nhưng bây giờ ra về với quá nhiều điều mãn ý. Tôi đã bỏ rất nhiều thời gian và đi tìm khắp nơi để tìm ra cho mình một truyền thống thiền tập phù hợp và bây giờ tôi đã tìm ra được nó rồi, nó ở Làng Mai. Trước khi đến khóa tu, tôi cứ để cuộc đời tôi trôi như vậy thôi, nhưng bây giờ tôi đã biết mình nên bắt đầu làm gì cho chính mình từ hôm nay.” “Tôi đang ở trong giai đoạn chia tay với người thương, đến khóa tu với chủ đề “Tình Thương Đích Thực- True Love” tôi mới thấy tôi chưa từng biết thương yêu, bây giờ thì tôi biết tôi nên bắt đầu như thế nào cho tình thương đích thực của mình.” “Tôi là diễn viên chuyên nghiệp, tôi đem đến cho mọi người rất nhiều tràng cười nhưng trong tận sâu đáy lòng tôi, tôi đang dần dần đánh mất chính mình vì công việc ấy, khóa tu này đã giúp tôi thấy được chính mình.” …Đó là những dòng chia sẻ rất thành thật từ tận đáy lòng của các bạn trẻ dưới 35 tuổi. Họ là những người đang đi tìm con đường để đặt dấu chân mình trong cuộc sống này, bao gồm các lĩnh vực: tình yêu, hôn nhân, nghề nghiệp, phụng sự xã hội.

Lửa trại tại Xóm Thượng trong ngày Home Hamlet

Giữa khóa tu có một ngày gọi là Ngày Tại Xóm – Home Hamlet. Đó là một ngày đầy ấn tượng. Ở xóm Hạ chỉ có quý sư cô và các bạn thiền sinh nữ. Bài pháp thoại sáng hôm ấy được chia sẻ bởi hai sư cô đã qua cái tuổi trẻ của thân nhưng tâm hồn thì vẫn còn trẻ măng, cùng với một vị giáo thọ cư sĩ đồng thời là bác sĩ tâm lý. Buổi chiều, bên khóm trúc xanh, chủ gia đình của tôi là một sư chị người Pháp hướng dẫn các bạn nữ pháp đàm về chủ đề tình thương đích thực. Ai cũng mở lòng chia sẻ tâm tư, tình trạng hiện tại và ước vọng của mình. Có nước mắt, nụ cười, những cái siết tay, những con sóng cảm xúc mạnh dâng trào trong niềm vui nỗi khổ, cuối cùng lắng đọng bằng tiếng chuông ngân. Tiếng chuông đưa thân tâm về hợp nhất cùng hơi thở, trả lại cho chính mình tự do mà ai cũng được mẹ cha truyền trao từ lúc chào đời. Trên ngọn trúc, con chim cúc cu cũng hát vang bài ca Thở Vào Thở Ra.

Tương tự như vậy, ở xóm Thượng, buổi pháp thoại và pháp đàm cũng là buổi chia sẻ rất riêng chỉ dành cho các đấng mày râu với nhau. Ngày đặc biệt ấy chỉ dành riêng cho mỗi xóm, xóm kia sẽ chẳng thể nào biết được xóm này đã làm gì. Chỉ thấy kết quả ngày hôm sau, mọi người đến từ hai xóm nhìn nhau bằng con mắt hiểu biết và thương yêu, tôn kính và nâng đỡ nhau nhiều hơn trước.

Thời khóa cuối của mỗi ngày là chơi trò chơi tập thể khoảng ba mươi phút trước khi đi thiền hành. Nhiều trò chơi thú vị được Thầy Pháp Toàn, sư chú Trời Bảo Tạng, sư cô Trăng Mới Lên hiến tặng… Những bài hát thiền ca từ các sư cô Trăng Hải Ấn, Trăng Tam Muội… đã góp năng lượng đưa không khí khóa tu quy tụ lại, dâng trào trong sự nhịp nhàng của tình huynh đệ, tình bạn bè từ bốn phương trời. Sức trẻ được chơi, được vui, được cười dòn tan. Những bí quyết tháo gỡ các nút thắt do quản trò cài đặt trong trò chơi chỉ có thể thực hiện được bằng sự đồng lòng, bằng việc chung tay góp sức, không thể nào thành công từ một cá nhân. Từ trong sự náo nhiệt ấy vang ra tiếng chuông của sư cha Khai Ly.

Ai cũng biết tiếng chuông báo hiệu giờ thiền hành. Sư cha dẫn đại chúng đi theo con đường đá, vòng xuống con đường đất rồi theo lối đó ra khỏi cổng xóm Thượng. Đại chúng dừng lại, trong năng lượng chánh niệm hùng hậu, sư cha mời tất cả quý vị phái nam chuyển sang bên trái, phái nữ chuyển sang bên phải. Tiếng khánh thứ nhất cho hai bên xá nhau, tiếng khánh thứ hai cho tất cả xá xuống với cha mặt trời đang còn tỏa chiếu những tia nắng cuối ngày, tiếng khánh thứ ba là để đưa tiễn quý sư cô và các bạn thiền sinh nữ về lại xóm mình. Thời khóa thực tập im lặng hùng tráng bắt đầu ngay sau tiếng khánh thứ ba, các bạn nam im lặng quay trở về căn lều của mình.

Chia tay,… về lại xóm vui nhe…

Khóa tu người trẻ được tổ chức hai năm một lần tại Làng Mai, sang năm sẽ không thể tổ chức được vì lịch chương trình đã kín. Biết được như vậy, ngày ra về, các bạn trẻ rủ nhau viết thư tâm nguyện đưa lên quý thầy, quý sư cô xin được tổ chức khóa tu người trẻ hằng năm. Họ nói: “Chúng tôi thật sự cần khóa tu người trẻ.” Vậy là cuộc họp giữa Ban Giáo thọ và Hội đồng Tỳ kheo/Tỳ kheo ni năm tới lại có thêm một điểm nữa để xem xét trong chương trình nghị sự.

Kiến con