Học làm tri kỷ (phần II)
Chân Đẳng Nghiêm (trích từ tác phẩm “Áo vách núi” – NXB Đất lành)
Chữa lành quá khứ và chăm sóc tương lai
Sự thực tập theo dõi hơi thở và thư giãn toàn thân sẽ giúp chúng ta chăm sóc giây phút hiện tại để không gây thêm căng thẳng hoặc chấn thương nào cho bản thân mình trong giây phút hiện tại. Nếu chúng ta làm được điều này là chúng ta đang thực sự chữa lành quá khứ. Một mặt thì quá khứ đã đi qua nhưng mặt khác, quá khứ vẫn còn trong giây phút hiện tại. Những gì bạn đang trải qua hôm nay phần lớn là thông qua lăng kính của quá khứ. Vì vậy, bạn có thể chữa lành quá khứ bằng cách thực tập trải nghiệm những giây phút hiện tại một cách bình tĩnh và nhẹ nhàng hơn. Một khi tâm của bạn có khả năng sống trong hiện tại nhiều hơn, bạn có thể tiếp xúc với những gì xảy ra như nó đang là thay vì nhìn nó qua lăng kính mặc cảm, kỳ thị, tủi hờn. Ngày xưa, có những câu nói, hành động hoặc những giấc mơ có thể làm cho tôi tức giận, sợ hãi hoặc tuyệt vọng. Bây giờ chúng không còn có những tác động mạnh như vậy đối với tôi. Tôi mỉm cười và quay về với hơi thở một cách an nhiên hơn. Thỉnh thoảng tôi chỉ nhận ra lời nói và cử chỉ của người nào đó không dễ thương đối với tôi sau khi sự việc đã xảy ra, và tôi có thể nghĩ rằng: “Sao mình khờ quá vậy? Mình đã có thể đối đáp lại như thế này như thế kia, v.v…” Nhưng rồi tôi liền mỉm cười và cảm thấy hạnh phúc với cái khờ của mình.
Khi chữa lành quá khứ là bạn cũng đang chăm sóc tương lai. Khi một người nhìn về tương lai của mình và thấy nó có vẻ buồn thảm đó là bởi vì hiện tại của người đó buồn thảm, và quá khứ của người đó cũng buồn thảm thê lương. Bạn chỉ có thể hình dung những gì sẽ xảy ra trong tương lai qua lăng kính của những kinh nghiệm trong hiện tại và quá khứ. Vì vậy, nếu bạn có thể trải nghiệm thời điểm này hoàn toàn mới với sự điềm tĩnh và ổn định – ý thức được rằng đây là thời điểm hiện tại, không phải sự lạm dụng, không phải sự tổn thương, không phải những lời nói nào đó trong quá khứ – thì bạn cũng đang chăm sóc tương lai, bạn có sự lạc quan, niềm tin và hy vọng vào tương lai.
Những sự thực tập chánh niệm cơ bản có khả năng chữa lành quá khứ, hiện tại và tương lai. Những kiến thức tôi thu nhặt được trong 24 năm từ các trường học đã không hàn gắn những vết thương của tôi thời thơ ấu và cũng không ngăn cản được nỗi khổ đau trong bản thân khi tôi thành người lớn. Nhưng với chánh niệm, kiến thức có thể được suy xét, ứng dụng và thí nghiệm trong chính cuộc sống của mình, để trở thành tuệ giác, một sự hiểu biết sâu sắc và nó có thể giải thoát chúng ta.
Có thể bao nhiêu năm nay bạn đã nghĩ đến một người hoặc một tình huống nào đó theo một mô hình đã cũ. Nhưng nếu bạn biết cách tiếp xúc thời điểm hiện tại một cách mới mẻ hơn, bạn sẽ thấy hơi thở vào này không giống như hơi thở vào trước đó, bước đi này không tương tự như bước đi trước, tất cả mọi thứ trở nên linh hoạt và sống động. Và như thế, bạn cũng tiếp xúc được với cuộc sống mới mẻ và tươi sáng của bạn. Khi bạn có một cái nhìn sâu sắc hơn về tình trạng hoặc về một người từ một góc độ mới, bỗng nhiên bạn sẽ thấy nó khác trước và điều này sẽ giải thoát bạn khỏi mô hình nhận thức cũ. Mẹ của bạn vẫn nói những điều tương tự như bà đã nói trong bao nhiêu năm qua, nhưng đây là lần đầu tiên bạn thực sự lắng nghe và thấu hiểu những thông điệp của bà. Đây cũng là lần đầu tiên bạn nhìn thấy tình cảnh của mình rõ ràng và sâu sắc hơn và bạn không còn buồn phiền, tức giận hoặc khổ đau vì những điều bất hạnh của mình trong quá khứ.
Cái thấy (insight) là cái nhìn rõ ràng (sight) về một cái gì đó nằm trong bóng tối bấy lâu nay. Cũng tương tự như vậy giác ngộ (enlightenment) là mang ánh sáng và sự nhẹ nhàng (light) vào một cái gì đó có tính cách tối tăm hoặc nặng nề u uất bấy lâu nay. Khi có ánh sáng chiếu rọi vào sự vật, nó trông rõ ràng hơn mới mẻ hơn và đó là một bước đột phá (breakthrough). Vì vậy, giác ngộ cũng có thể xảy ra dần dần trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta. Không phải chỉ chư Bụt và các vị Thánh mới có được giác ngộ hoàn toàn. Chính Bụt vẫn thực hành thiền tọa nhiều lần trong ngày để tiếp tục nuôi dưỡng chánh niệm và tuệ giác của mình. Bụt vẫn thiền hành và ăn trong chánh niệm, dù một mình hoặc với các thầy. Bụt tiếp tục rọi ánh sáng lên mỗi cử động của thân và tâm.
Bạn cũng có khả năng mang ánh sáng ý thức vào mọi tình huống trong cuộc sống của mình để soi sáng các tri giác và cảm xúc của bạn, để dần dần chuyển hóa và giảm thiểu gánh nặng quá khứ. Thời điểm duy nhất để thực hiện điều đó cho có hiệu quả là giây phút hiện tại. Mặc dù thời điểm hiện tại có thể bị lu mờ vì nhiều nỗi buồn và khổ đau nhưng nếu bạn an trú được trong thời điểm này, bạn sẽ thấy có một số điều kiện tích cực khác. Bầu trời ở New Delhi đôi lúc trong xanh nhưng không phải nó luôn luôn trong và xanh như vậy. Khí hậu tuy rất nóng, nhưng thỉnh thoảng cũng có những làn gió mát thổi qua. Các bạn cũng thế, các bạn có thể đang có sự hiểu lầm nhau, nhưng trong sâu thẳm của lòng mình vẫn còn nhiều ân tình với nhau.
Giây phút hiện tại luôn luôn có những điều kiện tốt đẹp có thể làm bạn vui và thanh thản. Khi bạn gặp một cái gì đó rất tiêu cực, bạn thường có xu hướng chỉ nhìn vào những khía cạnh tiêu cực đó. Nhưng nếu bạn đánh mất mình trong một khía cạnh nào đó của quá khứ hay của thời điểm hiện tại, bạn sẽ không thể nhìn thấy toàn diện hình ảnh của sự kiện. Bạn sẽ ném vào sọt rác tất cả các năm tháng bạn đã cùng người đó đi qua cuộc đời và bạn muốn nói hoặc làm một điều gì thật tàn nhẫn với chính mình và người kia. Tuy nhiên, nếu bạn biết thực tập để mang ánh sáng chánh niệm vào cuộc sống hàng ngày những lúc bạn không quá tức giận hay tuyệt vọng, bạn có thể sử dụng ánh sáng đó để chiếu rọi vào một tình huống khó khăn và bạn sẽ có một cái nhìn toàn diện hơn về sự vật. Điều này sẽ giúp bạn dừng lại, không còn muốn phát biểu những lời nói cay đắng cộc cằn hoặc làm những quyết định khắc nghiệt mà bạn sẽ hối tiếc sau này.
Tiêu thụ của các giác quan
Một khía cạnh khác của cơ thể cần được ý thức là các cơ quan trong thân. Thông thường thì chúng ta dễ có ý thức về các cơ quan bên ngoài như mắt, tai, mũi, lưỡi, da; nhưng điều quan trọng là chúng ta phải biết chăm sóc các giác quan vì chất lượng của cuộc sống chúng ta phụ thuộc vào cách thức chúng ta tiêu thụ. Nếu bạn tiêu thụ các hình ảnh mang nhiều khát vọng và bạo lực, bạn sẽ có những ý nghĩ tràn đầy tham ái và bạo động.
Ví dụ, bạn đang cảm thấy đầy đủ và vui vẻ trong một khoảnh khắc nào đó, nhưng khi nhìn thấy một chiếc xe mới, một ngôi nhà mới hoặc thậm chí một Ipad mới là đột nhiên bạn cảm thấy bồn chồn, bất mãn vì cuộc sống không còn hoàn mỹ nữa. Bạn cảm thấy bạn cần phải có những thứ kia mới được hạnh phúc. Những hình ảnh bạn tiêu thụ từ máy truyền hình, trên internet, trên các bảng quảng cáo sẽ rất nhanh chóng ảnh hưởng đến tư duy, nhận thức, cảm thọ của bạn và do đó có tác động mạnh vào cuộc sống của bạn. Những âm thanh như âm nhạc và các cuộc đàm luận cũng có thể ảnh hưởng đến bạn. Khi buồn, bạn muốn nghe nhạc buồn và điều này làm bạn cảm thấy buồn hơn. Khi tức giận, bạn muốn nghe nhạc kích động và bạn bị kích thích và giận dữ hơn. Bạn tiếp tục tiêu thụ những thực phẩm độc hại và cảm thấy hình hài mình ngày càng nặng nề và tâm hồn mình ngày càng tối tăm. Cách bạn va chạm, tiếp xúc với cơ thể của bạn hoặc của người khác cũng là một loại tiêu thụ. Nó có thể mang lại an lạc, sự tôn trọng, sự an toàn, tình thương và hiểu biết cho bản thân và cho người khác; hoặc nó có thể tưới tẩm hạt giống của sự thiếu tôn trọng, sự lo sợ, sự đòi hỏi và thèm khát. Cách bạn tiêu thụ với tâm trí của bạn thông qua những suy nghĩ, cảm xúc và nhận thức của bạn sẽ được lặp lại nhiều lần cho đến khi chúng trở thành hiện thực qua lời nói và hành động.
Thông điệp của nước
Chánh niệm về cơ thể (awareness of the body in the body) cũng bao gồm chánh niệm về các yếu tố tạo nên cơ thể như đất, nước, gió và lửa. Tại Vasant Valley School ở New Delhi, tôi có hỏi các em về tỷ lệ nước trong cơ thể chúng ta. Các em lập tức trả lời là 70%; có một số cho rằng ít hơn 70% hoặc là 71,5%. Tôi nói: “Hay lắm, tỷ lệ nước trong cơ thể là từ 65% đến 70%.”
Masaru Emoto, một nhà khoa học Nhật đã thực hiện một cuộc thí nghiệm mang tên là Thông điệp của nước (Message of the Water). Ông cho nước vào trong nhiều đĩa Petri (đĩa dùng trong phòng thí nghiệm) và ông chia các đĩa đựng nước này thành hai nhóm. Ông nói với các đĩa nước trong nhóm thứ nhất những lời dễ thương như: “Cám ơn bạn”, “Tôi yêu bạn,” hoặc “Bạn đẹp lắm.” Đối với các đĩa nước trong nhóm thứ hai, ông nói những lời tiêu cực như: “Mày thật ngu ngốc,” hoặc “Mày xấu xí quá.” Một số người trong chúng ta vẫn thường nói với mình những lời tiêu cực như vậy. Khi bạn đánh rơi một cái gì đó hoặc làm điều gì đó không vừa ý, bạn sẽ thốt lên: “Tôi thật quá vụng về!” “Tôi ngu quá!” Thậm chí có người còn nói với chính mình: “Tôi ghét cái thân xác này. Thà chết đi còn hơn!”
Sau khi gửi nhiều thông điệp khác nhau vào nước, nhà khoa học Masaru Emoto đặt tất các đĩa Petri vào máy đông lạnh và sau đó ông đã dùng kính hiển vi để quan sát các tinh thể của nước (crystals). Kết quả là nước trong các đĩa nhận được lời nói yêu thương đã hình thành các tinh thể tuyệt đẹp. Các bạn có thể xem hình các tinh thể này trong cuốn Thông điệp của nước của tác giả (hoặc vào Google: masaru emoto water). Ngược lại, các đĩa nước đã nhận thông điệp tiêu cực không hình thành được tinh thể hoặc chỉ có những tinh thể vỡ vụn. Tôi đã nói về cuộc thí nghiệm này cho các em nghe và sau đó tôi hỏi: “Trong cơ thể các em có đến 70 % nước, vậy hàng ngày các em nên gửi loại thông điệp nào đến cho lượng nước trong cơ thể các em?” Tất cả các em đều đưa tay đồng ý sẽ nhắn gửi các thông điệp tích cực đến cho nước trong cơ thể. Một em nói: “Em sẽ nói với cơ thể em: Tôi rất yêu bạn! Nếu không có bạn, tôi sẽ không có sự sống này. Bạn vô cùng quan trọng đối với tôi.” Một em 8 tuổi nói: “You are stupendous!” (Bạn thật tuyệt diệu!).
Là người lớn, chúng ta có thể thực tập phát biểu những lời dịu dàng thân ái với chính mình hàng ngày; và như thế chúng ta có thể dạy dỗ và khuyến khích con em và học sinh của mình đối xử như vậy với bản thân của họ, để họ sống hạnh phúc hơn và tránh gây những thương tích bệnh tật cho thân tâm về sau.
Cười đi em!
Mỉm cười cũng là một sự thực tập tuyệt diệu. Chú Shantum, một giáo thọ cư sĩ trong truyền thống Làng Mai, đã có lần nhận xét: “Người Ấn độ rất dễ cười.” Xứ Ấn độ có nhiều vấn đề khó khăn nhưng người Ấn độ thì luôn luôn nói: “Không có vấn đề! Không có vấn đề!” (No problem!). Thái độ này thật tuyệt vời. Không phải là bạn phủ nhận vấn đề, nhưng bạn cho phép tâm trí mình có cái nhìn bao quát hơn, thấy nhiều điều kiện tích cực khác và không bị kẹt vào một điều duy nhất nào. Nụ cười là một loại thuốc giải độc (antidote) tuyệt vời khi chúng ta có nhiều vấn đề cần giải quyết.
Nhiều người hỏi tôi: “Sao sư cô cười hoài vậy? Có phải sư cô lúc nào cũng hạnh phúc không?” Tôi trả lời: “Tôi mỉm cười đôi khi vì tôi hạnh phúc, nhưng phần lớn là tôi mỉm cười với những ý nghĩ của tôi vì chúng thường hay quanh co, sai lệch, méo mó, lạ lẫm và kỳ cục, v.v… Thay vì cảm thấy xấu hổ hoặc bị đắm chìm và đồng hóa với những tư duy ấy, tôi chỉ đơn giản mỉm cười với chúng.” Thông thường thì khi có cơn giận phát sinh, bạn nhanh chóng trở nên giận dữ. Khi một cảm xúc mạnh mẽ phát sinh gồm cả hạnh phúc, bạn trở thành cảm xúc đó và bạn đánh mất chính mình. Nhưng nếu bạn biết thực tập để mỉm cười và đem tâm neo vào cơ thể và hơi thở, bạn có thể trải nghiệm một cách trọn vẹn cảm xúc đó với ý thức, sự vững chãi và bình an. Đây là một nụ cười thanh thản, không sợ hãi, một món quà tuyệt vời cho chính mình và cho cuộc đời.
Bài có liên quan: Học làm tri kỷ (phần I)