Chết đẹp, sống đẹp
Chân Đẳng Nghiêm
Sư cô Đẳng Nghiêm hiện đang tu tập tại Tu viện Mộc Lan, Mỹ. Trước khi xuất gia, sư cô đã tốt nghiệp Y khoa tại UC San Francisco, Mỹ. Dưới đây là bài chia sẻ của sư cô, được trích từ Lá thư Làng Mai năm 2005.
Hình ảnh con bồ nông đang hấp hối vẫn còn in đậm trong tâm thức tôi. Nó nằm thật yên, mắt nhắm lại, đôi cánh rũ xuống. Hơi thở vào dần dần trở nên cạn hơn và lồng ngực không còn căng lên nhiều như trước nữa. Hơi thở ra có vẻ dồn dập và ít hòa điệu hơn. Con bồ nông không hề để ý đến các thầy và các sư cô đang bao quanh nó. Thỉnh thoảng khi ai đó vuốt đầu hoặc vuốt lưng nó mới chậm rãi mở mắt ra, xòe đôi cánh hoặc đứng lên xê dịch vài bước rồi lại nằm xuống thật yên. Thầy thường dạy chúng tôi: “Khi một con vật bị thương tích, nó không màng đến chuyện ăn uống hay săn đuổi nữa. Nó tìm nơi thật kín đáo và nằm yên để được nghỉ ngơi và có cơ hội trị liệu vết thương. Con người không biết làm ăn sao mà đánh mất đi cái khả năng tự trị liệu này! Hễ cảm thấy đau nhức hoặc khó chịu thì lập tức tìm thuốc để chận cái cảm giác đó ngay”.
Những năm tháng học ngành y, tôi đã chứng kiến rất nhiều cảnh tượng những người bệnh và những người đang hấp hối. Có người thì gào thét, chửi rủa cho đến khi kiệt sức hoặc chìm vào cơn mê vì y tá phải chích thêm morphine cho họ. Có người thì luôn thấp thỏm, mắt hướng ra dãy hành lang xem có ai đến thăm họ không. Có người thì buông xuôi trong tuyệt vọng và trầm cảm (depression). Chỉ thỉnh thoảng tôi mới gặp một người vẫn có thể nở được nụ cười dù thân thể vô cùng đau nhức. Tôi còn nhớ một bà cụ người Mỹ chín mươi mấy tuổi mà tôi đã gặp ở San Francisco General Hospital. Bà vừa đi qua một ca mổ tim, tiên lượng (prgnosis) về sức khỏe của bà cũng không khả quan gì lắm. Vậy mà bà vẫn vui cười kể cho tôi nghe bao nhiêu điều mà bà yêu thích và biết ơn. Đêm đó tôi ngồi bên giường và hát cho bà nghe. Bà nói: “Thật tuyệt vời! Bà sẽ nhớ mãi trong suốt cuộc đời còn lại của bà!” (It’s wonderful! I’ll remember it for the rest of my life!”). Tôi cười với bà và với ý nghĩ tôi đang có, rằng chắc cuộc đời còn lại của bà sẽ không dài lắm.
Khi tôi chưa đi tu, những cảnh tượng đau khổ của người bệnh làm tôi đau lòng, nhưng tôi không nghĩ rằng họ có sự chọn lựa nào khác. Nó là như vậy đó! Tôi được huấn luyện làm giảm cơn đau của người bệnh bằng rất nhiều loại thuốc analgesics khác nhau. Từ lúc đi tu, tôi để ý thấy Thầy của chúng tôi và có những chị em chịu đựng cái đau của họ một cách lặng lẽ và dũng mãnh. Những vị đó vẫn đi ngồi thiền và tham dự mọi sinh hoạt của tăng thân, để đóng góp cho tăng thân sự có mặt và sự thực tập của họ. Họ để dành năng lượng của họ bằng cách làm giảm lại và yên lại mọi hành động của thân, khẩu và ý. Chỉ có khi nào họ không thể ra ngoài với chúng thì họ mới ở trong phòng, nằm thật yên, theo dõi hơi thở, buông thư để toàn thân để được nghỉ ngơi và trị liệu. Nhớ lại hình ảnh của những người quằn quại, mất tự chủ trong cơn đau và sự hoảng sợ của những người chung quanh, tôi chợt nhận ra rằng tâm thức của người bệnh và người chăm sóc ảnh hưởng rất nhiều qua sự biểu hiện và cách quản lý của căn bệnh. Thân của người tu cũng đi qua sinh, lão, bệnh, tử như tất cả mọi sinh linh khác. Nếu những người xuất gia hay tại gia, chúng ta có thể áp dụng sự tu tập của mình như thế nào để có được sự vô úy (sự không sợ hãi, non-fear) trong khi đi qua những cơn đau và những giây phút cuối cùng của đời mình?
Thầy dạy chúng ta phối hợp hơi thở chánh niệm với phương pháp nhận diện đơn thuần để chăm sóc mọi trạng thái của thân và tâm. Thở vào mà biết rằng mình đang thở vào thì đó là chánh niệm về hơi thở vào. Thở ra mà biết rằng mình đang thở ra thì đó là chánh niệm về hơi thở ra. Khi chào đời, mỗi chúng ta đều cất lên tiếng khóc và đó cũng là hơi thở vào đầu tiên của hình hài này. Khi ra đi, chúng ta thở hơi thở ra cuối cùng của hình hài này. Nếu chúng ta chết ở nhà thương Mỹ, bác sĩ sẽ viết xuống bản báo cáo tên của chúng ta, giờ và ngày mà chúng ta đã “Expired” (Thở ra). Chính giữa “hơi thở Vào của Sinh và hơi thở Ra của Tử” này là vô vàn hơi thở vào ra khác. Mấy ai trong chúng ta nhìn nhận và trân quý những hơi thở này? Chánh niệm về hơi thở giúp chúng ta tiếp xúc được với sự sống đang diễn biến trong chúng ta. Rồi một lúc nào đó, chúng ta bỗng nhận ra rằng sinh diệt đang xảy ra trong mỗi hơi thở vào, ra.
Nếu không có hơi thở vào thì hơi thở ra không thể xảy ra. Nếu không có hơi thở ra thì hơi thở vào cũng không thể nào có được. Cứ như thế, chúng ta chứng kiến hơi thở và hình hài này đi qua sinh tử trùng trùng điệp điệp. Hơi thở chánh niệm có công năng làm an tịnh tâm của chúng ta. Tâm như chiếc thuyền trôi bập bềnh trên vô vàn ngọn sóng của tư duy, tưởng tượng, tính toán, lo âu, sợ hãi. Thân như đất liền trơ trọi không thuyền cập bến. Hơi thở chánh niệm là dây neo, đem tâm về với thân. Dù tâm vẫn tiếp tục tạo nên từng đợt sóng nhưng hễ có dây neo thì tâm không bị mất hút trong biển khơi. Thở vào và có ý thức rằng cơ thể của mình đang có sự nhẹ nhàng, vững chãi thì đó là dùng hơi thở chánh niệm để nhận diện đơn thuần trạng thái của thân. Thở ra và phát giác rằng có một cái cảm thọ nằng nặng đang hiện diện trong lồng ngực của mình thì đó là dùng hơi thở chánh niệm để nhận diện đơn thuần trạng thái của tâm. Mình chỉ nhận diện nó là nó, vậy thôi, không cần phải khen hay chê nó; không cần phải bám theo hay xua đuổi nó. Đó gọi là nhận diện đơn thuần. Đây là sự thực tập có mặt thật sự cho chính mình, như người mẹ trong đêm thâu lặng yên nghe con thở đều đều, nếu con cựa quậy hay khóc lên, mẹ tức thì nhận biết.
Tôi đi học ở trường đời hai mươi mấy năm, và tôi có bằng cử nhân (Bachelor of Science) về tâm lý học, nhưng tôi đã không thật sự biết cách chăm sóc thân và tâm tôi. Tôi cứ nghĩ nếu tôi thành công trên con đường học vấn và nếu tôi tìm được một người yêu lý tưởng thì cuộc đời tôi sẽ hạnh phúc, những gì thiếu thốn, mất mát trong quá khứ sẽ được đền bồi. Bây giờ tôi nhận ra rằng người yêu thủy chung của tôi chính là hình hài này. Hình hài này có mặt cho tôi trước khi tôi có ý thức về nó. Hình hài này vui với cái vui của tâm tôi, và khổ với cái đảo lộn của tâm tôi. Nhiều đêm tôi đã thức trắng để học bài. Bao nhiêu lần tôi sầu khổ, ăn uống không điều độ, mang độc tố vào tự thân. Mắt tôi có khi trở nên đờ đẫn, bụng tôi phình chướng, tay chân tôi bủn rủn nhưng thân tôi vẫn kiên nhẫn chịu đựng, âm thầm trị liệu những thương tích từ sự bạc đãi vô ý thức của tôi. Tôi cứ nghĩ mặc quần áo đẹp, đi ăn nhà hàng, thoa son, giữ eo là chăm sóc cái thân này. Từ khi đi tu, tôi tập đi, tập đứng, tập nằm, tập ngồi với sự nhẹ nhàng, thong dong. Tôi tập lắng nghe thân tôi. Khi tôi ăn thức ăn tươi, ít dầu mỡ và gia vị thì bộ phận tiêu hóa làm việc một cách dễ dàng và yên lặng. Thức ăn như cá giả, thịt giả, bánh hộp thật ngon thì bộ phận tiêu hóa phải làm việc cực nhọc để tống độc tố ra ngoài.
Khi mới vào tu tôi có nhiều cảm xúc rất mạnh, và theo thói quen ngoài đời, tôi thường dùng thức ăn để khỏa lấp những khổ đau trong lòng. Có một lần, vì ăn nhiều bánh kẹo nên tôi bụng tôi phình lên thật to, tôi nhìn xuống nó và thấy vô cùng ngao ngán. Tôi dơ nắm tay lên, định thụi cho nó một cái, nhưng bỗng dưng nắm tay tôi buông ra, hai cánh tay tôi chéo ngang trước ngực, tôi ôm tôi vào lòng, nước mắt đầm đìa. Thân tôi có tội tình gì? Có những đêm tôi giật mình thức dậy, cảm nhận cái đau buốt thoáng qua trong khớp xương của bàn tay hoặc ở một nơi khác trong thân thể. Tôi thở vào với sự nhận diện này, tôi thở ra để ôm ấp cái đau của thân. Thân này đã phải chịu đựng biết bao nhiêu điều, nghĩ như vậy tôi càng trân quý hơn về sức khỏe và cái khả năng tự trị liệu của thân tâm. Tôi tập nhìn những gì thân tôi thải ra, mỗi lần tôi chải răng, rửa mặt, đi tắm, đi cầu, đi tiểu. Thân tôi mong manh và đầy sự bất tịnh, có gì để phô trương và nắm bắt? Một tình thương chân thật đối với hình hài này chớm nở trong tôi:
Thân này của Như Lai
Là chiếc thuyền vượt biển
Xin giữ gìn cho đời
Và nuôi lớn chánh trí.
Mỗi đêm, trước khi nằm xuống, tôi xoa cái đầu người tu của tôi và dâng lời cảm tạ Bụt, Thầy và bao loài đã ban cho tôi một ngày với mọi điều kiện để tu tập. Tôi có ý thức rằng những tập khí tiêu cực của tôi, của mẹ cha và tổ tiên trong tôi vẫn còn rất mạnh, tuy tôi cố gắng tu tập hết lòng, nhưng tôi vẫn còn gây nên những lỗi lầm và vụng về trong cuộc sống hàng ngày. Tôi thành tâm sám hối với Tam Bảo và mỉm cười chấp nhận những yếu kém của mình. Tôi nằm xuống, theo dõi hơi thở vào, ra và nguyện cầu rằng: xin giúp cho con thực tập để con có ý thức về hơi thở cuối cùng trước khi con đi vào giấc ngủ và ý thức được hơi thở cuối cùng trước khi con lìa cõi đời này. Tôi mỉm cười và cảm thấy thật bình an: Tôi đang tập chết cho thật đẹp mỗi ngày. Cái chết đẹp giúp cho tôi sống đẹp.