Nửa đời ve sầu

Chân Đẳng Nghiêm (trích từ tác phẩm “Áo vách núi” – NXB Đất lành)

Có người đi qua khu rừng thấy ve sầu đang lăn lộn trên mặt đất khóc than thống thiết. Người qua đường hỏi:

     –Này chú ve sầu, tại sao chú khóc than thảm thiết như vậy?

Ve sầu vừa khóc vừa trả lời:

     –Vợ của tôi vừa mất! Trời ơi! Từ nay tôi phải sống một mình và không biết phải làm gì với nửa đời còn lại của tôi!

Người khách qua đường nghe thế rất thông cảm với nỗi khổ của ve sầu nhưng đồng thời anh ta cũng buồn cười vì anh biết đời sống của một con ve sầu chỉ dài 24 giờ đồng hồ, và nửa đời còn lại là khoảng 12 tiếng thôi.

Trở về với Đất Mẹ

Trước khi ngủ tôi thường theo dõi hơi thở, đặt bàn tay trái lên chỗ trái tim, tay phải lên vùng lá gan và tiếp tục thở để thân tâm được lắng dịu. Tôi nằm thở như thế và quán chiếu mình đang nằm trong vòng tay của Đất Mẹ. Thầy của chúng tôi có dạy rằng trái đất chính là Bồ Tát Thanh Lương Đại Địa chứ không phải chỉ là một vật thể hay một môi trường nơi chúng ta sinh sống, và trái đất là một vị Bồ Tát xinh đẹp nhất trong tất cả các vị Bồ Tát. Mỗi khi nằm xuống, chúng ta có thể quán tưởng là chúng ta đang nằm trong vòng tay chở che của Bồ Tát Thanh lương Đại địa. Chúng ta có thể buông xuống tất cả những đau nhức, mệt mỏi, băn khoăn, trắc trở của thân tâm để Đất Mẹ ôm ấp cho chúng ta, và chúng ta sẽ nhẹ nhàng đi vào giấc ngủ. Trong những giấc ngủ như vậy chúng ta có được sự nghỉ ngơi và trị liệu. Có những khi nằm quán tưởng như vậy thì hình ảnh con ve sầu hiện lên và tôi thấy tôi là con ve sầu màu nâu bé tí chỉ còn 12 tiếng để sống mà cứ sầu khổ lo lắng không biết ngày mai sẽ ra sao, ăn gì, mặc gì, vui hay buồn, sẽ sống với ai, nói chuyện với ai… tôi nhoẻn miệng cười với chính mình trong màn đêm! Khi tôi biết nhìn lại và cảm nhận được thân phận mình nhỏ nhoi như ve sầu nằm trong rừng sâu, tôi thấy mình không có gì quan trọng lắm, rất nhỏ bé so với đất trời cao rộng kia. Nếu con người chúng ta sớm ý thức được rằng mình nhỏ bé và cuộc đời ngắn ngủi, chúng ta sẽ thức tỉnh, bớt khóc than và học sống với cuộc đời còn lại cho có ý nghĩa. Đời sống loài ve sầu vỏn vẹn một ngày, đời người chúng ta được bao nhiêu năm? – nhiều lắm là 100 năm. Nhưng nếu đem so sánh với đời sống của các cây tùng hoặc các cổ thụ sequoia hai hoặc ba ngàn năm, mặt trăng, mặt trời hoặc các vì sao; thì 100 năm chỉ là một chớp mắt, và chúng ta bé nhỏ mong manh hơn cả con ve sầu. Vậy chúng ta thật sự phải làm gì để sống cho có đủ ý nghĩa trong khoảng thời gian ngắn ngủi này?

Hơi thở là cảm xúc của tâm

Kinh Tứ Niệm Xứ dạy về bốn lãnh vực quán niệm là thân, thọ, tâm và đối tượng của tâm. Tôi xin nói về lãnh vực đầu tiên là lãnh vực của thân mà Bụt dạy rất cặn kẽ trong kinh Thân Hành Niệm. Chữ Niệm 念 (Hán-Việt) gồm hai bộ. Ở trên là bộ Kim 今 (nghĩa là bây giờ); dưới là bộ Tâm 心 (nghĩa là trái tim hay cái tâm của mình). Chánh niệm có nghĩa là cái tâm đang ở ngay bây giờ, ngay trong giây phút hiện tại: Now Mind. Chữ niệm còn có nghĩa là nhớ đến, nghĩ đến, và chánh niệm còn có nghĩa là cái tâm đang nhớ đến, nghĩ đến giây phút hiện tại, đến cái gì đang xảy ra trong hiện tại. Thân Hành Niệm có nghĩa là tâm mình đang nhớ nghĩ về cái thân hành này trong giây phút hiện tại. Danh từ “thân hành” (body formation) được sử dụng vì thân được cấu tạo bởi rất nhiều yếu tố. Tôi chỉ xin nói về một vài yếu tố để chúng ta cùng thực tập với nhau. Khi một người không còn thở, nói năng, tương tác (interact) với thế giới bên ngoài thì khi đó chúng ta không gọi là thân nữa, mà gọi là một cái xác (corpse), một tử thi (cadaver). Thân khi còn sống phải có sự trao đổi với môi trường bên trong và bên ngoài. Hơi thở là một phần của thân. Chúng ta ai cũng thở nhưng ít khi chúng ta ý thức rằng mình đang thở và nhiều người chưa từng để ý đến hơi thở. Chúng ta có thể thực tập để nâng cao ý thức về hơi thở mà chúng ta đang còn có:

Thở vào, tôi ý thức rằng tôi đang thở vào.

Thở ra, tôi ý thức rằng tôi đang thở ra.

Đây là hơi thở vào, đây là hơi thở ra.

Vào… Ra…

Khi dạy về thân, Bụt nói về hơi thở trong rất nhiều kinh. Khi chúng ta giận, chúng ta thở khác, khi chúng ta buồn, chúng ta thở khác. Tôi nhớ hồi còn sống, mẹ tôi hay nổi giận khi nghe tôi thở dài: “Con sẽ làm cái nhà này mạt, nếu con cứ thở dài hoài!” Khi chúng ta lo âu, chúng ta cũng thở khác hẳn. Như vậy hơi thở là tiếng nói của tâm, là cảm xúc của tâm. Chúng ta không thể trực tiếp thấy được tâm bằng mắt, không nghe được bằng tai, không ngửi được bằng mũi, không nếm được bằng miệng, không xúc chạm được bằng cái thân của mình. Nhưng tâm có thể thấy được qua những sự biểu lộ của nó trên thân; ví dụ ta biết một người đang giận khi ta thấy bộ mặt của họ đỏ lên và tay họ nắm cứng lại. Nếu có chánh niệm chúng ta cũng có thể thấy được mình đang giận. Cơn giận của mình cũng có thể nghe được qua cơ thể khi hơi thở bỗng trở nên hổn hển, nặng nề và dồn dập, và khi giọng nói bình thường của mình bỗng nhiên trở nên lớn tiếng và có những lời gay gắt thô bạo; đó là tâm của mình được biểu hiện qua thân. Hơi thở là một biểu hiện rất vi tế, chúng ta chỉ cần nghe một vật gì bất thình lình rơi xuống là chúng ta nín thở ngay trong giây phút đó; tim đập nhanh hơn và hơi thở cũng nhanh hơn, ngắn và dồn dập hơn. Như vậy hơi thở là một phản ứng về sinh lý, một biểu hiện sinh lý của tâm. Nếu chúng ta để ý tìm hiểu và làm bạn với hơi thở của mình, chúng ta có thể thấy được tâm của mình.

Trước tiên là chúng ta học nhận diện đơn thuần (simple recognition). Ví dụ bạn đang ngồi bình yên, có ai đó nói một điều gì, bỗng bạn thấy hơi thở của bạn ngưng nín lại, rồi trở nên dồn dập hơn. Tại sao vậy? Tại vì có một cảm thọ, một tư duy đang đi lên mà bạn chưa biết tại sao và nó là cái gì, nhưng bạn có ý thức là đang có một sự thay đổi trong cách bạn thở (breathing pattern). Thấy được như vậy là vì trong cuộc sống hàng ngày, chúng ta có sự tập luyện để ý thức rõ hơn những cách thở khác nhau của chính mình và sự liên hệ của hơi thở với những tâm hành đang đi lên cùng lúc. Bất cứ lúc nào và ở đâu, chúng ta đều có thể thực tập lắng nghe hơi thở vào và hơi thở ra của mình và cảm nhận sự phình lên xẹp xuống của ngực và bụng. Chúng ta phải làm quen với nó, để biết khi bình thường thì mình thở như thế nào, và khi mình không thở như vậy nữa thì biết là có một cái gì đó không bình thường đang xảy ra, và trong cảm thọ, trong tư duy hoặc nhận thức của mình đang có sự thay đổi. Hơi thở là cảm xúc của tâm và nếu chúng ta thực tập hơi thở chánh niệm thì chúng ta sẽ thấy được tâm một cách rõ ràng hơn.

Ngôi nhà đích thực

Tôi có những giấc mơ mà chúng thường hay lặp lại (recurrent dreams). Những giấc mơ này có nhiều hình thái khác nhau nhưng cùng có một điểm chung. Tôi mơ thấy mình đang ở đâu đó mà không biết ở đâu, nhưng bất chợt nhớ ra là mình phải đi về nhà. Tôi thường mơ thấy tôi đang ở Việt Nam, đến giờ phải lên máy bay đi về Mỹ, nhưng biết sắp trễ máy bay nên tôi quýnh lên, vơ lấy đồ đạc, và sợ rằng mình sẽ kẹt lại ở Việt Nam. Khi tôi nhìn sâu vào các giấc mơ như vậy thì tôi thấy rằng tuổi thơ bất ổn của tôi đã khiến cho tôi luôn cảm thấy lạc loài và có khuynh hướng muốn tìm về một nơi mình có thể gọi là “nhà” của mình. Đôi khi chúng ta đã tu tập rất lâu, và trong cuộc sống hàng ngày chúng ta biết ngôi nhà của mình là bây giờ và ở đây, nhưng tàng thức của chúng ta phải cần một thời gian rất lâu, rất nhiều năm để biết cái ngôi nhà đích thực ở đâu. Người Mỹ có câu ngạn ngữ: “Home is where the heart is” (Tim ở đâu thì nhà ở đó). Nhưng nếu rủi chúng ta thương một người và tim mình ở ngoài kia thì không lẽ “nhà” của mình cũng ở ngoài kia hay sao? Hoặc khi chúng ta muốn đạt cho được một bằng cấp hay cái gì đó, trái tim mình chỉ nhắm vào đối tượng đó thì có phải cái nhà mình ở ngoài đó hay không? Hàng ngày trong khi thức, tôi tập quay về với hơi thở và thân thể, và tôi khám phá ra được một điều là ngôi nhà đích thực có thể tìm thấy ngay trong hơi thở và hình hài của chính mình. Điều này Bụt và Thầy đã giảng dạy nhiều lần, nhưng sự thực tập chuyên cần của chính tôi mới có thể giúp tôi chứng nghiệm được nó từ trong chiều sâu của tâm thức. Khi thở vào, chúng ta đem tâm của mình theo sát hơi thở vào và tâm hoàn toàn an trú trong hơi thở vào đó. Khi thở ra, chúng ta đem tâm của mình theo sát hơi thở ra và tâm của mình hoàn toàn an trú trong hơi thở ra đó. Như thế, chúng ta có thể tiếp xúc với ngôi nhà đích thực của mình, dù chỉ với một hơi thở vào hay một hơi thở ra. Chỉ trong một hơi thở thôi, nhưng tâm chúng ta có thể ngưng lại hoàn toàn mọi suy nghĩ và cảm thọ và do đó, toàn thân có thể trở nên thư giãn, nhẹ nhàng và tĩnh lặng. Hơi thở chỉ kéo dài một vài giây nhưng ảnh hưởng sâu rộng. Cũng chỉ trong một hơi thở, chúng ta có thể thoát ra khỏi khái niệm về cái “tôi” và cái “hình hài của tôi” cao gần 1 mét 7 và nặng mấy chục ki-lô này.

Sự thực tập chánh niệm trong khi thức đã thấm nhuần và ảnh hưởng vào giấc mơ và từ từ thay đổi cách hành xử của tôi. Trong một giấc mơ, tôi thấy mình đang lái xe rất nhanh trên một con đường đông đảo xe cộ, tôi không biết mình đang đi đâu, nhưng bỗng nhiên tôi có niềm tin vững chắc rằng nếu tôi cứ đi thẳng thì tôi sẽ về đến nhà. Trong một giấc mơ khác, tôi đang cố gắng bắt kịp với một nhóm sư anh, sư chị, sư em của tôi giữa đám đông xa lạ, thì đột nhiên tôi hỏi mình: “Tôi có thật sự cần đến đó hay không?” Tất cả sự lo âu bồn chồn trong tôi tức thì tan biến. Ngay cả khung cảnh náo nhiệt xô bồ quanh tôi cũng tức thì tan biến. Vận tốc của mọi hoạt động bên trong cũng như bên ngoài đều chậm lại, và tôi cảm thấy dễ chịu, thư giãn, không còn nhu yếu đi tìm gì nữa. Trong giấc mơ gần đây nhất, tôi thấy mình đến một làng mạc vắng vẻ, ít cây cỏ và đất có màu hồng cam, hơi nhấp nhô. Tôi nhảy phóc lên một chiếc xe đạp và chạy nhanh về phía trước. Bất thình lình tôi thắng xe lại, một nửa bánh xe trước của tôi đang chìa ra trong khoảng không và trước mặt tôi là một vực thẳm khổng lồ và tối ngòm. Tôi tiếp tục bóp thắng xe, bình tĩnh lùi xe cho đến khi cả tôi và xe đã rời xa miệng hố. Bà ngoại của tôi liền hiện ra cạnh bên tôi, mỉm cười, và tôi khoe với Ngoại rằng cái thắng rất tốt đã đưa con ra khỏi hiểm nguy. Khi thức dậy, tôi để cho hình ảnh của giấc mơ hiện lên trên màn tâm của tôi thật rõ rệt để khắc ghi nó vào tâm thức của tôi. Tôi thấy rằng trên đường tu của tôi, tôi không cần phải chứng đạt bất cứ điều gì. Tuy khuynh hướng tìm kiếm, nắm bắt và mong cầu vẫn còn trong tôi, tôi hiểu rằng chỉ trong sự dừng lại tôi mới thật sự về với ngôi nhà đích thực của mình. Năng lượng chánh niệm có công năng giúp tôi dừng lại trong lúc thức cũng như trong lúc ngủ.

Trong sự thực tập hàng ngày, lúc ban đầu chúng ta chỉ cần nhận diện đơn thuần các hơi thở; ý thức đây là hơi thở đang vào, đây là hơi thở đang ra. Trong giai đoạn tiếp theo chúng ta đi sâu hơn, là theo dõi hơi thở từ đầu cho đến cuối mỗi hơi thở. Ở cuối hơi thở vào chúng ta nhận thấy nó ngưng lại một lúc (a pause), và mình an trú trong khoảng không (space) đó. Khi thở ra, chúng ta cũng đem tâm theo sát hơi thở ra, là một với nó, ở cuối hơi thở ra, ở khoảng không ngưng lại, mình hoàn toàn thư giãn và buông thư trong đó. Khoảng không này tuy ngắn ngủi nhưng mênh mông và chúng ta có thể an trú trong đó, không tiếc nuối quá khứ, không sợ sệt tương lai, không nắm bắt hiện tại. Khoảng không bao la này là sự sống đang thực sự xảy ra, chứ không phải những tư duy về quá khứ hay lo lắng về tương lai; đó chính là ngôi nhà đích thực của chúng ta. Trong cái hình hài năm uẩn này còn có cái đến, cái đi, cái sinh, cái tử; nhưng khi chúng ta an trú trong một hơi thở, chúng ta tiếp xúc được với cái không đến, không đi.

Quán thân trong thân

Khoảng tháng 6 năm 2011, tôi bị một loài bọ chét cắn. Con bọ chét này sống trên loài nai (deer tick), gây một bệnh rất nguy hiểm và khó chữa gọi là neurological lyme disease. Tôi chỉ nghĩ một cách đơn giản rằng tôi bị mất sức sau chuyến đi hoằng pháp tại Đông Nam Á và tôi bị cảm cúm nặng. Tôi bị những cơn đau đầu như búa bổ, tôi cảm thấy mệt lả và ngủ rất nhiều.

Lúc đó đầu óc của tôi không tỉnh táo lắm. Tôi có nghĩ đến bệnh Lyme vài lần, nhưng bệnh này rất hiếm, tôi cũng không đủ năng lượng và sự sáng suốt để tìm hiểu thêm. Vì thế tôi đã đợi cả hai tháng trước khi được chẩn bệnh, vi khuẩn đã xâm nhập vào máu, vào các khớp và lên não. Loại vi khuẩn này (bacteria borrelia burgdorferi) tiết ra độc tố làm cái màng bên ngoài (myelin sheath) của các dây thần kinh bị sưng lên và rách đi, gây nên cảm giác tê tê, đau đớn thường xuyên, nó cũng làm cho sự hoạt động dẫn truyền tin tức của các dây thần kinh bị ngưng trệ và bất bình thường. Một khi vào não, loại vi khuẩn này ảnh hưởng đến ký ức ngắn hạn và dài hạn của người bệnh; ví dụ tôi muốn làm chuyện gì đó nhưng chỉ vài phút sau là tôi đã quên mất. Khi nói chuyện và cần nhớ lại một dữ kiện nào đó thì tôi không thể nào nhớ lại được vì trong đầu lúc đó trống trơn. Các chức năng não bộ khác cũng bị xáo trộn, ví dụ như khi nói chuyện, tôi dùng chữ sai, phát âm không chuẩn, nói ấp úng, nói cà lăm hoặc nói lịu. Tôi đánh vần sai cả những chữ rất thông thường, và tôi cảm thấy mình phải cố gắng lắm để có thể viết được một câu văn lưu loát. May mắn thay tôi đã phát hiện những dấu hiệu khác lạ này kịp thời, tự chỉnh lại mỗi từ, mỗi câu, mỗi tư duy với tất cả sự kiên nhẫn và cảm thương cho chính tôi. Nếu 12 năm nay tôi không thực tập theo dõi hơi thở và ý thức về thân tâm tôi thì tình trạng của tôi bây giờ chắc chắn đã khác hẳn, tôi không thể nào chia sẻ những kinh nghiệm này với quý vị ngày hôm nay.

Một cô thiền sinh và cũng là một bác sĩ tâm lý trị liệu kể cho tôi nghe rằng cô cũng bị bệnh Lyme, nhưng vì lúc đó bệnh này chưa được hiểu rõ, nên cô đã không được chẩn đúng bệnh gần cả tám năm sau. Đến khi biết bị bệnh Lyme thì não bộ của cô ta đã bị ảnh hưởng trầm trọng đến nỗi cô không thể hành nghề bác sĩ hay chăm sóc gia đình của cô đúng mức. Cô nói: “Tâm tôi luôn ở trong trạng thái hoang mang và tán loạn… Tôi muốn làm một cái gì đó nhưng tôi đã quên ngay sau đó, không biết phải làm cái gì. Đầu tôi như một cái hộp trống không; tôi cố nhớ nhưng không có một dấu tích nào để tôi bám víu vào và đi ngược lại để nhớ được.” Có nhiều người bị bệnh này có khi lái xe về đến nhà nhưng cứ ngồi hàng giờ trên xe vì không biết chắc đó có phải là nhà của họ hay không.

Tôi thấy vấn đề mất trí nhớ này không phải chỉ riêng cho những người mắc bệnh Lyme mà chúng ta phần đông không sớm thì muộn, ai cũng sẽ đến thời kỳ mất dần trí nhớ. Chúng ta đến độ tuổi 30 hoặc 40 là đã bắt đầu thấy dấu hiệu đó rồi; khi lên đến trên 50, 60, 70, chúng ta sẽ thấy rất nhiều triệu chứng quên lãng này. Nhìn vào căn bệnh của chính mình, tôi nghiệm ra một điều là nếu trong giây phút hiện tại, khi một sự kiện xảy ra và nếu tâm chúng ta không có mặt ở đó thì não bộ chúng ta không ghi nhận dữ kiện đó vào ký ức ngắn hạn. Như vậy, khi chúng ta muốn nhớ lại một dữ kiện, vào ký ức ngắn hạn đễ tìm nhưng trong ký ức này không có dữ kiện nào được lưu trữ thì làm sao chúng ta nhớ? Trái lại, nếu trong giây phút đó mà tâm trí chúng ta có mặt thật sự thì não bộ sẽ ghi nhận những dữ kiện đang xảy ra trong và ngoài thân vào ký ức ngắn hạn. Khi có chánh niệm, chúng ta biết chúng ta đang làm gì, đang có động tác nào; ví dụ tôi đặt cuốn sách lên mặt bàn này, tôi biết tôi đang nâng tay lên và đặt sách xuống, cuốn sách có màu đỏ, mặt bàn rất bóng, có ly nước trong cạnh bên, v.v… não bộ tôi đồng thời ghi nhận những dữ kiện này và đưa vào ký ức. Sau này nếu tôi muốn tìm lại cuốn sách, tuy tôi có thể không nhớ đó là cuốn sách nào và tôi đã đặt nó ở đâu, nhưng những dữ kiện được ghi nhận vào ký ức ngắn hạn sẽ dần dần hiện lên như những dấu tích giúp tôi đi ngược lại thời gian và không gian để truy tầm chính những hành động và tư duy của thân tâm tôi.

Cho nên, điều quan trọng trong sự thực tập hàng ngày là làm thế nào để đem tâm trở về với giây phút hiện tại. Vì khi tâm đã ở trong giây phút hiện tại thì chúng ta làm cái gì là chúng ta biết cái đó. Mỗi mỗi cử động của chúng ta như đi, đứng, nằm, ngồi, ăn, uống, làm cái này, làm cái kia đều được ý thức, ghi nhận và đưa vào ký ức. Nếu được như vậy, chúng ta sẽ không bị mất trí nhớ quá dễ dàng như người mắc bệnh Lyme, hoặc với thời gian những tế bào não chết dần hoặc sinh bệnh. Không phải đợi đến già trên 60, 70 hoặc 80 chúng ta mới mắc bệnh lãng (dementia) mà bệnh này đã bắt đầu trong chúng ta hồi còn ở tuổi mười mấy, 20 hay 30. Chúng ta thường không có ý thức về những gì mình đang làm, nhưng lúc chúng ta còn trẻ, não bộ còn mạnh, trí thông minh còn sáng nên chúng ta có thể bù đắp và che đậy sự quên lãng rất dễ dàng. Nhưng càng lớn tuổi, não bộ cũng như chiếc xe dùng lâu ngày đã cũ và các tế bào mất dần nên sự bù đắp đó không còn hiệu nghiệm, sự quên lãng biểu hiện rõ ràng hơn, khiến ta không thể biết hoặc nhớ mình vừa nói điều gì, vừa làm cái gì. Ví dụ như nếu ta không thường xuyên vặn chặt con vít lại (a screw), thì nó lỏng dần, và một lúc nào đó nó rớt ra mà ta không hề hay biết. Vì vậy sự theo dõi hơi thở đem tâm về với giây phút hiện tại, biết được mình đang làm gì và ghi nhận nó là những sự thực tập giúp ích rất nhiều cho trí nhớ chúng ta.

Tôi vừa mới chia sẻ về hơi thở và cử động của thân mà chúng ta có thể tập luyện để neo tâm vào thân của mình và để chúng ta có thể tiếp xúc với ngôi nhà đích thực đang có trong mỗi người chúng ta. Bụt còn dạy một phần khác về thân mà chúng ta có thể quán niệm, nhớ nghĩ và an trú, đó là các cơ quan của thân. Khi thực tập chúng ta khám phá được những bộ phận của thân trong đó các tâm hành thường biểu hiện. Chúng ta có thể tự hỏi mình: “Tôi mang nỗi buồn của tôi trong phần nào của cơ thể?” Câu trả lời là cái đó còn tùy ở mỗi cá nhân. Có người mang nỗi buồn trong tim; khi buồn họ thấy ngực rất nặng. Có người mang cảm xúc trong phổi và khi buồn giận họ cảm thấy khó thở, tức ngực. Nhiều người trong chúng ta mang những lo âu sợ hãi trong đầu và những lúc lo âu như vậy đầu sẽ đau nhức, mệt mỏi và kém sáng suốt. Có người mang những tổn thương về tinh thần hay vật chất đã xảy ra trước đây trong những bộ phận trong phần bụng (abdominal organs) như đường ruột và sẽ sinh ra bệnh khó tiêu, loét bao tử hay ung thư. Có người mang đau buồn trong bàng quang của mình hoặc trong tử cung, nhất là khi họ đã từng bị lạm dụng tình dục, bị đánh đập, hoặc đã sử dụng thân thể của chính mình một cách thô bạo. Hoặc có người mang sự căng thẳng trong da và có những triệu chứng dị ứng ngoài da, v.v…

Chúng ta phải nhận biết được chúng ta mang những thương tích và những cái đau của mình ở đâu khi thấy trong người đau nhức, mệt mỏi và không còn năng lượng. Nếu chúng ta thực tập ý thức về thân và thấy khi buồn chúng ta đau ở chỗ này, khi giận chúng ta đau ở chỗ kia, hoặc khi lo lắng chúng ta lại thấy khó chịu ở chỗ nọ, v.v… thì chúng ta sẽ tập dừng lại và chăm sóc chúng tốt hơn. Ví dụ chúng ta thường mang đôi dép với chân bị nghiêng một bên thì một thời gian sau đôi dép sẽ mòn hẳn xuống về bên đó; tuy những phần kia của đôi dép còn tốt nhưng vì phía này quá nghiêng nên phải vứt bỏ cả đôi dép. Thân thể chúng ta cũng vậy, nếu chúng ta mang những khổ đau và thương tích ở trong trái tim hay đường ruột, chúng ta phải có ý thức để thở với nó, ôm ấp và chữa lành nó kịp thời.

Hiện giờ tôi đang bị đau gan vì uống nhiều thuốc trụ sinh để trị bệnh Lyme. Ban đêm, khi đang ngủ, thỉnh thoảng tôi bị đánh thức dậy vì cơn đau đi qua như một cơn gió, và đôi khi nó xoáy lên rất mạnh. Ngay trong những giây phút đó, thay vì sợ hãi hay lo lắng, tôi để bàn tay lên chỗ đau, tôi thở và nói: “Tôi có mặt cho em đây, tôi có mặt cho em đây. Cho tôi xin lỗi vì đã không chăm sóc cho em tốt hơn. Tôi đang cố gắng hết lòng để chăm sóc em đây. Xin giúp tôi chăm sóc em tốt hơn.” Hình như lần nào cũng vậy khi cơn đau được nhận diện và ôm ấp, nó từ từ dịu xuống. Trong những giây phút đó tôi chăm sóc lá gan thật sự vì nếu tôi lo sợ nghĩa là cơ thể tôi sẽ tiết thêm chất hormone và những phản ứng căng thẳng sẽ làm cho gan tôi đau hơn. Trường hợp khi đau tim cũng vậy; sự sợ hãi và lo lắng chỉ làm cho tim đau nhói hơn. Vì thế sự bình an và sự có mặt của mình, cùng với hơi thở ý thức và tình thương mà chúng ta gởi đến chỗ đau luôn có khả năng ôm ấp, xoa dịu và cùng lúc chữa lành cho nó. Đây là một liều thuốc còn quan trọng hơn cả những liều thuốc mà bác sĩ có thể cho. Chúng ta uống thuốc chỉ là một phần nhỏ nhưng chính chánh niệm và lòng thương tưởng là linh dược mà chúng ta có thể tự cho mình trong mỗi phút giây.

Những đóa hoa xuân

Bụt cũng có dạy quán thân với phương pháp Cửu tưởng quán, nghĩa là nhìn vào một xác chết đi qua chín giai đoạn. Trong xã hội đương thời chúng ta không thể thấy xác chết ngoài bãi tha ma mà chỉ thấy xác chết đã được trang điểm với son phấn, nằm ngay ngắn trong quan tài ở nhà quàn. Nhưng trong cuộc sống hàng ngày chúng ta có thể thực tập quán tưởng những gì đang xảy ra trên cơ thể chúng ta. Ví dụ khi nhìn vào gương mà thấy những đường nhăn nằm ngang giữa trán thì chắc mình là những người hay lo lắng. Nếu chân mày hay chau và có hai đường dọc xuống thì có thể mình là những người…khó tánh! Chúng ta muốn sự vật xảy ra như thế này như thế kia, nhưng nếu nó không xảy ra như mình mong muốn thì mình chau cặp lông mày lại. Thầy của chúng tôi hay cười, từ lúc tôi bắt đầu trở thành người “mới lớn tuổi,” tôi thường để ý đến những người có đuôi mắt dài. Người Mỹ họ gọi đó là “crow’s feet” (chân quạ) nhưng tôi thích gọi nó là “con mắt cười.” Khi mình hay cười, mình có những vết nhăn ở đuôi mắt trông rất hiền. Trong cuộc sống hàng ngày chúng ta có thể nhìn vào gương để thấy những gì hiển lộ ra trên mặt và chúng ta nên làm quen và mỉm cười với cái đó. Khi còn trẻ chúng ta không bao giờ ý thức rằng những gì ta có đều rất đẹp, rất trẻ; để khi mình bắt đầu có vết nhăn thì mình lại sợ – sợ dữ lắm. Rồi đến khi có bệnh hoặc có những vết đồi mồi hay tàn nhang trên mặt, mình lại càng sợ hơn nữa – và ngay ở tuổi của tôi, tôi cũng đã bắt đầu thấy có nhiều dấu hiệu rồi. Thành thử khi trẻ đẹp chúng ta không biết trân quý gìn giữ để khi tuổi trẻ đi qua chúng ta lại sợ; nhiều khi chưa già đã sợ, một ngày 24 tiếng chỉ có sợ và sợ.

Nhưng nếu chúng ta có mặt với những gì xảy ra, chúng ta có thể nhìn nó và tự nhủ: “Ồ, những vết nhăn, đồi mồi và tàn nhang này là dấu ấn của thời gian; chúng khắc ghi những kỷ niệm của cuộc đời mình.” Và chúng ta tập sống đời mình cho đẹp, với đức tính chân thật, lương thiện và bao dung để khi những dấu ấn thời gian biểu hiện, chúng ta có thể mỉm cười chấp nhận chúng. Tôi thấy Thầy của tôi và nhiều Ôn, nhiều cô chú tuy đã lớn tuổi nhưng rất đẹp. Tôi rất ngưỡng mộ vì Thầy tôi và những vị này đã có sự tu học, có sự quay về, làm lành với chính mình; vậy nên những dấu ấn thời gian không phải là sự khắc nghiệt, sự sợ hãi hằn sâu lên khuôn mặt và thân thể mà là ấn tượng của biết bao nụ cười, sự tha thứ cảm thông. Nếu chúng ta sống được như vậy thì dù tuổi lớn bao nhiêu đi nữa chúng ta vẫn cũng rất đẹp và rất trẻ.

Trong thời của Bụt có một vị thần to lớn, cao cả năm trượng. Vị thần này đã giác ngộ được khổ đau và vì muốn vượt ra khỏi cõi khổ đau, Ngài đã đi suốt ngày đêm với tốc độ ánh sáng mặt trời và đi như vậy suốt một trăm năm. Nhưng cuối cùng vị thần đã ngã gục chết giữa đường trong cõi khổ đau. Một hôm, vị thần đến gặp Bụt và hỏi: “Bạch đức Thế Tôn, con đã từng đi với vận tốc ánh sáng, đi cả ngày lẫn đêm, không ăn, không uống nhưng con vẫn không ra khỏi cõi khổ đau! Có cách nào thoát ra được?” Bụt đáp: “Ông sẽ không thoát ra được dù ông có đi nhanh bao nhiêu đi nữa. Nhưng nếu ông quay về với hình hài năm trượng của ông, ông sẽ vượt thoát sinh tử, ra khỏi khổ đau.

Những giờ phút của ngày hôm nay sẽ trở thành quá khứ. Với hình hài này, nếu chúng ta thực tập có mặt, chăm sóc và thương yêu thì chúng ta có thể tạo nên một quá khứ đẹp trong mỗi phút giây. Dù sống 20 năm, 40 năm hay 70, 80 năm, cuộc đời của chúng ta luôn toả sáng trọn vẹn. Chỉ cần một hơi thở ý thức là có thể dừng lại sự đến đi.

“Thịt da rữa mòn xác thân tàn úa

Lòng vẫn vui như những đóa hoa xuân

Sông núi rộng ngại gì thân nhỏ bé

Xin trở về với trời đất bao la.”*

(*Nguyên văn của câu thơ cuối là “xin trả về cho trời đất bao la.” Thầy Giác Thanh, vị trụ trì đầu tiên của Tu viện Lộc Uyển, đã dùng bài thơ này trong một bài Pháp thoại vài tháng trước khi Thầy viên tịch).

*  *  *