Cơ hội của một nụ hoa
Chân Đẳng Nghiêm
Sư cô có nhớ trước khi sư cô đi Trung Quốc với Sư Ông và tăng đoàn, sư cô đã dặn con rằng: “Con ở nhà ráng giúp cô bé này giùm sư cô. Đây là social work (công tác xã hội) đó con”. Thú thật thì con cũng ngán lắm. Nhìn em, đôi chân mày mỏng như hai chiếc lá, mắt liếc sắc như gai của Nettles, miệng chu lên khi nói, đôi giày cao mấy tấc, áo quần bó sát người, con thầm nghĩ: “Ái dà, cô bé này không dễ đâu! Em có nhiều vấn đề lắm!”.
Nhưng chính em đã đến với con và hỏi: “Can I talk to you?” (Em có thể nói chuyện với sư cô được không?). Trong buổi nói chuyện đầu tiên, em kể cho con nghe về những xung đột giữa em và bố của em, về những người trong băng đảng mà em đã bắt đầu quan hệ từ lúc em 9 tuổi, về nếp sống tự do, không kỷ luật mà em đeo đuổi. Trong cái sành đời của em, con thấy sự ngây thơ, khờ dại. Trong cái thù hận của em đối với bố, con cảm được cái đau của một đứa trẻ từng bị thất vọng và bị phản bội. Trong cái bất cần của em, con hiểu rằng em cần tình thương, sự vỗ về hơn ai hết. Trong em lại cũng có một cái gì đó rất thu hút, khiến tất cả mọi người từ già đến trẻ, từ quý sư cô đến quý thầy, đến các vị thiền sinh, ngay cả những vị thường ngày rất lặng lẽ, ai cũng đến với em, chơi với em, dạy em học tiếng Việt, tiếng Pháp, khuyên răn em. Con cũng ngạc nhiên khi nghe chính mình xung phong đến ngủ chung phòng với em mỗi tối, thay vì rút lui để được yên thân.
Từ giờ phút đó, cuộc phiêu lưu thám hiểm của chị em con bắt đầu. Đêm đầu tiên con vào phòng ở với em, em nói thao thao bất tuyệt như những chú chim trong bụi tre ở Xóm Mới lúc về chiều. Con chỉ biết ngẩn người ra nghe. Khi chuông vang báo hiệu giờ Im lặng hùng tráng, con chỉ tay ra hiệu, và em ngừng lại đủ để nín thở để khi hồi chuông vừa dứt thì em tiếp tục nói. Thường thì con thực tập giờ Im lặng hùng tráng rất nghiêm chỉnh, nhưng em thèm được có người lắng nghe em nói nên con không nỡ bắt em im lặng. Đến 11 giờ khuya rồi mà em vẫn nói một cách hăng say. Con năn nỉ em mấy lần: “Thôi mình đi ngủ nha em. Sư cô cần thức dậy sớm”. Cuối cùng thì em chịu nằm xuống, nhưng cứ trăn qua trở lại. Con nảy ra ý kiến làm thiền buông thư để giúp em đi vào giấc ngủ dễ dàng hơn. Thở vào em biết em thở vào. Thở ra em biết em thở ra. Em buông thư những cơ bắp trên trán, trên mặt của em. Em mỉm cười… Em đã có một ngày thật vui, gặp nhiều người tốt, ai cũng lắng nghe em, vui cười với em… Em nuôi dưỡng tình thương trong em, để hiểu và tha thứ cho bố, cho mẹ… Sau hai ba câu nói thì em đã thở đều và đi vào giấc ngủ, nhưng con tiếp tục ru em bằng những ý nghĩ tốt đẹp. Suốt đêm đèn để sáng vì em sợ bóng tối. Mỗi khi có tiếng động, em ngồi chồm dậy: “What’s that? Who’s that?” (Cái gì đó? Ai đó?). Con lại trấn an em: “It’s OK, sister, đó chỉ là con mèo, con chuột đi ăn đêm, không sao đâu em”. Trong lúc ngủ em đập đầu vào tường thình thịch, hoặc đá con ngang hông. Con dùng 4, 5 cái gối chèn sát tường để bảo vệ cái đầu của em, nhưng vẫn không hiệu nghiệm, nên sau vài đêm thì con lấy luôn một tấm nệm chặn giữa em và bức tường. Con thường thức dậy mỗi khi em nói lớn, có vẻ sợ hãi hoặc giận dữ trong giấc ngủ. Cũng có những khi con thức dậy, thấy em đang nhìn con chằm chằm. Em hỏi: “Do you always smile in your sleep?” (sư cô lúc nào cũng mỉm cười trong khi ngủ hay sao?). Một đêm con nằm mơ thấy mình khóc, thì nghe tiếng em vỗ về: “It’s OK, sister”. Sáng dậy, em hãnh diện lắm, vì chính em là người đã an ủi con. Có một đêm con rất mệt, sư cô Đoan Nghiêm biết được, bảo em: “Con làm thiền buông thư cho sư cô Đẳng Nghiêm đi. Tối nào sư cô cũng làm cho con, thì bây giờ con cũng làm để chăm sóc cho sư cô”. Em rất do dự, ngượng nghịu, nhưng rồi cuối cùng em cũng bắt đầu:
Thở dzô, tui biết tui thở dzô. Thở dza, tui biết tui thở dza.
Thở dzô, tui biết tui đang đội cái nón màu xanh.
Thở dza, tui biết tui đang mặc áo tràng màu xanh.
Thở dzô, I’m gonna be Miss America (tui sẽ trở thành hoa hậu của nước Mỹ).
Thở dza, I’m gonna win (tui sẽ đoạt giải hoa hậu).
Em nói với giọng Bắc pha với giọng Nam và tiếng trẻ con, nghe thật dễ thương. Con cũng ráng “thở dzô, thở dza,” không dám cười lên vì sợ em phật lòng. Có lẽ đây là bài tập “thiền hướng dẫn” độc đáo nhất con từng nghe. Em khoe rằng em đang tập đọc tiếng Việt với sư cô Hỷ Nghiêm nên thấy bức thư pháp nào của Sư Ông em cũng đọc. Nhân tiện hai chị em đang chải răng, con chỉ vào cái bảng gỗ nhỏ với dòng chữ: “Bây giờ và ở đây,” bảo em đọc. Em đọc một cách trịnh trọng: “Bể dzồi, ở đây.” Con bật cười. Em kiên nhẫn giải thích: “There was a mirror here, but it’s broken, so they put up this sign” (Chỗ này trước kia có cái gương, nhưng nó bể rồi, nên họ để cái bảng này để mình biết). Sư cô có thấy lý luận của con nít dễ thương chưa?
Nhìn bề ngoài chắc ai cũng nghĩ rằng em cứng đầu, nhưng thật ra em nghe lời và chịu khó lắm. Em đi ngồi thiền hầu như mỗi sáng và mỗi chiều. Con thức dậy sớm, chuẩn bị phần con xong rồi, thì đánh thức em dậy. Những ngày đầu, con rắc nước, xoa đầu, xoa mặt, dựng em ngồi dậy, xoa lưng, xoa chân để giúp em tỉnh dậy. Em năn nỉ để em ngủ thêm nhưng con không cho nên cuối cùng em cũng lồm cồm đứng dậy. Nhưng khi em nghe quý sư cô nói về hungry ghosts (cô hồn – ma đói) thì em rất sợ, và sáng đó con vừa đứng dậy để chuẩn bị cho phần con thì em cũng lật đật đi theo. Em hỏi con và những sư cô khác rất nhiều về ma đói. Rồi một đêm tự nhiên em nói với con: “I think I am also a hungry ghost, or I am going to become one” (Em nghĩ rằng em cũng là một con ma đói, hay là em sẽ trở thành một con ma đói). “I don’t want to become a hungry ghost” (em không muốn trở thành một con ma đói). Con nói: “Hầu như tất cả chúng ta ai cũng là những con ma đói, có người đói ít, có người đói nhiều. Bố của em cũng là một con ma đói. Em có thể tu tập để giúp cho bố của em.” Em quát lên:“Never!” (Không bao giờ!). Mặt em đanh lại. Con biết những khổ đau trong em về bố vẫn chưa nguôi. Con tiếp tục: “Nếu em không giúp bố bây giờ, thì khi bố chết, em cũng sẽ phải đối diện với bố trong em.” Em lắc đầu: “I don’t want him to haunt me!” (Em không muốn ông ta ám ảnh em). Con thấy tội nghiệp em quá! Con nói: “Vậy thì em nên giúp bố. Hòa giải với người sống dễ hơn với người chết nhiều”.
Trong tháng đầu tiên ở Làng Mai, sắc mặt và thái độ của em hoàn toàn thay đổi mỗi khi tiếng “Bố” được nhắc đến. Khi nghe tin bố muốn qua Làng, em phản đối mạnh mẽ: “I’ll leave if he gets here. I’ll kill myself. You’ll see the ugliest side of me” (Em sẽ rời Làng nếu ông ta đến đây. Em sẽ tự tử. Sư cô sẽ thấy cái bộ mặt xấu xa nhất của em). Con nói: “Cái xấu xa nhất của em, sư cô cũng thương, và tất cả quý sư cô cũng sẽ thương. Mọi người sẽ bảo vệ cho em.” “No! No!” Em hét lên. Rồi một tối em nói chuyện với mẹ trên điện thoại, và mẹ nói rằng bố mẹ sẽ gởi em vào một trường kỷ luật bên nước Mexico. Khi em mới đến Làng, em khăng khăng nói rằng thà đi qua trường đó, hoặc ở với người bảo trợ, hoặc vào tù dành cho những người trẻ phạm pháp, chứ nhất định không chịu về ở với bố nữa. Nhưng những ngày ở Làng đã làm em thay đổi cái nhìn của em. Đêm đó khi con vào phòng, em ngồi trên giường, đầu gối co lên. Em cúi đầu lặng thinh, chỉ có nước mắt là không ngừng rơi. Nước mắt lăn xuống má em từng hạt lớn. Con chưa từng thấy em khóc như vậy. Con nhẹ nhàng leo lên giường ngồi sát bên em, thấm những giọt nước mắt với cuộn giấy toilet, hết xấp này đến xấp khác. Thỉnh thoảng con lại ấn giấy ngang mũi em để em hỉ mũi cho đỡ nghẹt. Con ôm em, chải tóc, em cũng không động đậy. Khi con mỏi chân, mỏi tay, chuyền em qua phía bên tay kia, em cũng không tự mình nhúc nhích. Con đặt em nằm xuống, em cũng vẫn lặng thinh. Chỉ có những giọt nước mắt cứ không ngừng rơi, em ngủ thiếp đi và sáng dậy, một giọt nước mắt vẫn còn đọng trên hàng mi của em.
Ở Làng em cũng đã học quay về với tổ tiên huyết thống của mình. Em nói em thấy ma trong phòng hai lần sau khi em thực tập thiền lạy. Em sợ lắm nhưng rồi em nghĩ có thể đó là bà nội của em. Con nói: “Nếu đó là bà nội của em thì không có gì phải sợ vì bà nội đã có sẵn trong mỗi tế bào của em. Sợ bà nội nghĩa là sợ chính mình sao? Chắc tổ tiên muốn em biết nhiều hơn về họ, có thể họ đang rất khổ, họ muốn em giúp họ được giải thoát qua sự tu tập và chuyển hoá của chính em.” Nghe vậy tuy vẫn còn sợ nhưng em không mất một buổi thiền lạy nào. Em cầu nguyện rằng nếu tổ tiên muốn dạy em điều gì thì đến với em qua những tuệ giác chứ xin đừng hiện ra làm em sợ lắm. Trong một buổi thiền lạy em đã nói: I’m sorry, ancestors, that I cannot help you liberate right now (con xin lỗi là con không giúp tổ tiên giải thoát được ngay bây giờ).
Ở Làng, em học nói lời ái ngữ. Thay vì nói: “I hate…” (em ghét), thì em nói: “It does not please me that…” (điều đó làm em không vui). Thay vì nói: “He pisses me off” (bố làm em nổi khùng) thì em nói: “He waters the seed of anger in me,” hoặc “He makes my seed of anger sprout into a tree” (bố làm cái hạt giống giận dữ của em nẩy mầm thành một cái cây). Con hỏi: “Còn cái hạt giống tỉnh thức của em có lớn hơn chưa?” Em cười tươi: “You make it sprout into a tree” (Quý sư cô đã làm hạt giống đó nẩy mầm thành cây rồi).
Em tập đi lên xuống cầu thang chậm và nhẹ hơn được phần nào. Thay vì vứt dép mỗi chiếc mỗi nơi, em xếp chúng lên kệ. Em tự động quét phòng và lau phòng. Quần áo thì em vẫn còn quăng bừa bãi trên giường, nhưng mỗi khi con xếp lại thì em ý thức được, và cảm ơn. Một hôm sư cô Đoan Nghiêm nói sẽ lên phòng thăm, em hốt hoảng nói: “Oh, no! Give us at least 10’ to clean up” (Ô, không, cho chúng con ít nhất 10 phút để dọn dẹp). Em chạy lên phòng, hai chị em xếp quần áo, bỏ vào bao ni lông những đồ không dùng, quăng rác, v.v… Em thì thật sự lo, con thì giả bộ lo. Hai chị em vừa làm vừa cười rất vui.
Khi con nghe tin bố em sẽ đến trong vòng hai ngày, con nói với em: “Sáng nay sư cô ngồi thiền, tự nhiên sư cô thấy bố em ở Xóm Mới, đang đứng ở chỗ rửa ly thì em từ từ đi đến. Em biết em đã làm gì không?” ‘‘What?’’ (làm gì?) Em hỏi với mắt mở tròn. Con cười: “Em đến ôm bố, trong vòng tay bố em trở thành một đứa trẻ khoảng chừng 4, 5 tuổi.” “Never!” (không bao giờ!) Em nói, nhưng giọng em không lớn và nặng như những tuần em vừa về Làng. “Oh, no, he’s coming for real? I have to leave!” (bố tới thật sao? Em phải đi thôi!) “Em nên tập thiền ôm với quý sư cô đi,” con vừa nói với em, vừa cười, bụng mừng thầm rằng ít nhất bây giờ em biết cái tin bố sẽ đến thật sự.
Con xúi em: “Em tập thiền ôm với sư mẹ Đoan Nghiêm đi. Triple dare!” (thách em đó). Hôm đó em canh sư cô đang đứng làm gì đó, và em nhào vô ôm đại. Sư cô thì đứng cứng ngắc, nhưng hai chị em con thì cười dòn. Con nói: “Em đang thực tập thiền ôm với những sư cô không thích thiền ôm, để ngày mai em ôm bố.” Em lập tức thả sư cô ra.
Cuối cùng thì cũng đến ngày bố em đến Làng, với em trai và vợ của chú. Hôm đó em tự động mặc bộ đồ nâu mà sư cô Trúc Nghiêm đã cho em mượn. Em chạy trốn trong phòng, nhưng sư cô Đoan Nghiêm gọi em xuống. Em chào chú và cô, nhưng không chịu đến gần bố, chỉ nhìn xuống đất. Sư cô Đoan Nghiêm nói với con: “Em vẫn không chịu ôm bố.” Riêng con thì quá mừng là em chịu đứng cùng phòng với bố. Lúc ăn tối, con ngồi đối diện với bố của em, và em chịu ngồi kế bên con. Em nhất định không ăn, và không nhìn lên, nhưng cũng không bỏ đi. Con ra hiệu em rót nước cho bố và cô chú, em đứng lên đi lấy nước lặng lẽ đặt ly nước cạnh bố. Em lại nghe lời đi tìm sư cô Liễu Nghiêm để nhờ sư cô chuẩn bị phòng để bố và chú có thể cùng ở lại Xóm Mới đêm đó, thay vì đi qua Xóm Thượng. Phải nói là con không những mừng thầm, mà là rất ngạc nhiên bởi những hành động dễ thương này của em. Trái tim em lớn quá!
Sư cô có nhớ buổi họp đầu tiên mình có với em và bố của em không? Sư cô đã nói về đức tính liêm khiết của ông nội của em, là một luật sư nổi tiếng từ Nam ra Bắc, nhưng nghèo vì ông không bao giờ chịu nhận tiền hối lộ. Nhờ đức của ông nội, mà bố và em hưởng được những phước lành. Con đã hỏi em rất nhiều câu hỏi, để giúp em có cơ hội nói ra trước bố những tri giác của em về những gì đã xảy ra giữa bố em và em. Bố em được dặn chỉ nên ngồi lắng nghe, dù bố có đồng ý hay không đồng ý với tri giác của em và những sự kiện em thuật lại. Bố em thực tập giỏi lắm, ngồi im lặng suốt hơn hai tiếng, chỉ thỉnh thoảng đổi tư thế ngồi mà thôi. Sau đó, bố em hứa sẽ không bao giờ uống rượu và hút thuốc nữa. Bố em sẽ làm tất cả những gì em muốn. Con mừng lắm, nhưng em thuật với con rằng bố đã từng hứa như thế bao nhiêu năm rồi, với mẹ trước khi cưới, rồi với em. Em đã mất niềm tin ở bố. Lúc em 2, 3 tuổi bố đã cõng em đi khắp nơi. Hai bố con đã thân với nhau lắm. Nhưng từ khi hai bố con không thể nhìn nhau được nữa, đôi khi một chai bia chính là lý do hai người có thể ngồi chung một phòng mà không phải nói những lời hằn học với nhau. Ngay hôm sau bữa họp đó, bố em bỏ đi suốt ngày với một thiền sinh nam khác. Em khóc, nói chắc bố đi ăn thịt rồi, vì bố không ăn chay nổi đâu. Sư cô có nhớ sư cô qua để nói chuyện với ông ta, nhưng đợi mãi không thấy về? Đến lúc về thì mặt đỏ gay, hơi thở nồng nặc mùi rượu. Con đến giáp mặt bố em ngay tức khắc, và bố em chịu trận, chỉ năn nỉ đừng để sư cô Chân Không biết. Con nói đùa: “Bây giờ thì mình có thể hiểu Bé đã nhận được hạt giống thiếu kỷ luật từ ai!” bố em cười bẽn lẽn.
Sư cô dạy bố em nên vào ngồi thiền với đại chúng chiều đó. Nghe tin, em không muốn vào thiền đường, nhưng con nhắc em rằng quý sư cô đã nhờ em đọc dùm lời nguyện của Đức Bồ Tát Địa Tạng Vương bằng tiếng Anh trong giờ tụng kinh nên em không thể không vào. Em chỉ dùng dằng một tí rồi nhờ con phát âm lại chữ Kshitigarbha (Đức Bồ Tát Địa Tạng Vương) dùm em. Con khuyến khích em: “Em đang giúp phá tan điạ ngục trong em và bố em như Đức Bồ Tát đó.” Em mỉm cười. Con đã ngồi giữa em và bố của em. Hơi thở của bố em ngắn và mệt nhọc. Mùi rượu vẫn nồng nặc. Bố em không quen ngồi dưới đất nên chuyển lên ghế, rồi lại ngồi bệt xuống, rồi lại dùng ghế. Còn hơi thở em thật nhẹ và đều. Mỗi khi bố cử động thì em cũng xoay đầu nhìn. Lúc đi kinh hành thì bố em đi trước, rồi đến con, rồi đến em. Pháp Bụt mầu nhiệm quá! Tăng thân của mình thật sự là nơi nương tựa, để bố em và em – ngỡ rằng không nhìn được mặt nhau – lại được đi chung với nhau những bước chân thật chậm, thật lành!
Ngày hôm sau bố của em cũng lại đi suốt ngày, khi về phòng lăn ra ngủ ngay tức khắc. Cũng lại gần đến giờ ngồi thiền. Em chạy đến thiền đường tìm con, vừa nói vừa khóc: “He’s done it again! I am so stupid to believe him. He’s done it right in the monastery, twice now. That’s it. That’s it. Now I can do anything I want. I can drink, I can smoke, and he cannot say anything to me. He’s blown it!” (Ông ta lại làm những điều đó! Em ngu quá nên mới tin ông ta. Ông ta làm điều đó ngay trong tu viện hai lần rồi. Vậy là xong. Vậy là xong. Bây giờ em có thể làm bất cứ điều gì em muốn. Em có thể uống rượu, hút thuốc, ông ta không thể nói gì với em được. Ông ta làm hỏng hết rồi!) Con ôm em thật chặt: “Bố cần sự giúp đỡ của em. Sự thật là bố không thể tự thay đổi. Hãy tội nghiệp cho bố mà giúp bố đi em. Nếu không, bố sẽ trở thành một ông già nghiện ngập, cô đơn vì các con đều bỏ bố, và rồi em cũng sẽ trở thành như bố, nghiện ngập, cô đơn, và tràn đầy những oán thù.” Em vẫn khóc, tuy nhiên dần dần em trở nên bình tĩnh hơn, nhưng em nhất quyết không chịu đi ngồi thiền. Con nhìn em: “Đây mới là lúc em cần ngồi thiền nhất. Em gọi bà nội và tổ tiên, xin họ giúp cho em có đủ kiên nhẫn và tuệ giác để giúp cho em, cho bố, và cũng là cho tổ tiên của em. Đây là một cơ hội tốt để tất cả có thể được giải thoát.” Nghe chữ giải thoát thì em lặng thinh, và chịu đi ngồi thiền. Sau đó em đồng ý đi qua Đức thăm cô chú với bố em. Trước khi đi, em thức trắng đêm để viết thơ cho từng sư cô. Không rành tiếng Việt, em đã dùng từ điển trong máy vi tính để viết tiếng Việt cho sư cô Cơ Nghiêm.
Từ Đức, em đã gọi điện về Làng báo tin em đã tới nơi và giọng em thật vui. Bây giờ thì em đã về ở với bố mẹ và ba đứa em nhỏ. Em cũng gọi thăm quý sư cô, xin lỗi rằng em bận học để theo kịp chương trình, nên chưa có dịp viết thư cho quý sư cô. Em báo tin rằng bố thực tập giỏi, không hút thuốc trong nhà hay trước mặt em nữa. Bố em cũng đã E-mail qua Làng hai lần, hứa rằng sẽ dẫn em và cả nhà đến Tu viện Lộc Uyển để cùng tu tập chung với nhau.
Ngày tới, em già dặn như một cô hai mươi tuổi trét dày son phấn, áo quần bó sát người. Ngày đi, em tươi mát và xinh xắn như một đóa hoa mới nở. Sự chuyển hóa như một phép mầu. Cuộc hành trình chỉ mới bắt đầu. Em là điển hình của vô số người trẻ sinh ra và lớn lên ở Mỹ hoặc các nước Tây phương, không biết gì về gốc rễ huyết thống, thiếu sự truyền thông với cha mẹ, đi tìm một chỗ tựa trong băng đảng, bị lạm dụng, chỉ thấy lối ra trong những cuộc vui và trong cái chết.
Đóa hoa mai vừa hé nở, rất mong manh. Cầu mong cho gia đình và em tiếp tục nương tựa tăng thân để cùng nhau chuyển hóa thì mới mong đóa hoa có đủ không khí trong lành mà cho hoa trái. Đóa hoa sẽ héo đi nếu lại tiếp tục đưa em ra gió bão cuộc đời. Con cầu mong Bụt, tổ tiên tâm linh, huyết thống hộ trì cho em và gia đình của em, để mọi người được tiếp tục chuyển hóa, sống hạnh phúc với nhau, và giúp cho bao nhiêu gia đình khác cùng quay về nương tựa nơi đất lành của tâm.
(Hình ảnh trong bài chỉ mang tính chất minh họa)