Sống chung hòa hợp
Bụt đã tu khổ hạnh một thời gian trước khi thành đạo. Ngài đã theo học với nhiều vị thầy nhưng cuối cùng đã bỏ họ và trở lại sống một mình, lang thang tìm kiếm một cái gì đó vì thấy tâm mình vẫn bất an và không thoả mãn với những gì đã học hỏi được từ những vị thầy kia. Khi Bụt đã đạt được giác ngộ, ngài liền đi tìm năm người bạn đồng tu khổ hạnh trước đây và lập thành một Tăng thân. Các vị này trở thành năm đệ tử đầu tiên của Bụt, và từ đó Tăng thân của Bụt lớn mạnh rất nhanh. Trong vòng 5 năm đã có hơn một ngàn chư tăng trong cộng đồng của Bụt, phần lớn gồm những người trẻ từ nhiều đẳng cấp khác nhau, đến sống chung và cùng nhau tu tập. Trong thời gian mười hai năm đầu, các vị tu sĩ này không có điều lệ hay quy tắc gì vì tâm họ rất thành khẩn, trong sáng, họ chỉ mong thực tập để đạt được bình an và tự do thực sự. Khi người đến gia nhập càng ngày càng đông, Tăng đoàn đã cần đến quy tắc, luật lệ và những quy tắc luật lệ này được ghi chép vào trong bộ Giới luật (Vinaya).
Thân hoà đồng trú
Trong kỳ tu học mùa xuân này, các thầy các sư cô sẽ trình bày giáo lý Lục Hoà, cũng được gọi là Sáu sự hòa hợp mà Bụt đã nói với Tăng thân xuất sĩ về vấn đề làm sao để duy trì sự hòa hợp khi sống chung và tu học với nhau. Sáu sự hòa hợp đề cập về cả ba mặt thân, khẩu và ý. Hôm nay con chỉ xin nói về sự hòa hợp đầu tiên trong Sáu sự hòa hợp – hòa hợp của thân; hòa hợp khi nhiều người đến với nhau và thân họ quy tụ lại sống chung một nơi.
Con xin kể lại một câu chuyện khi con vừa mới được xuất gia. Con có một người bạn tên Dạ Thảo rất tốt và thân thiết với con từ khi con học lớp năm tại Việt Nam. Bạn đã qua sống ở Paris nhiều năm, và đã đến thăm con ngay sau lễ xuất gia của con tại Làng Mai. Dạ Thảo mang theo hai mươi bảy chiếc bánh bao rất đặc biệt, bên trong có nhân khoai môn và sầu riêng để tặng con. Hai mươi bảy chiếc bánh đó bỗng nhiên trở thành một gánh nặng và gây khủng hoảng cho con. Con sẽ làm gì với những chiếc bánh này? Ý nghĩ đầu tiên của con là giữ riêng cho con năm cái! Nếu con sống ở ngoài tu viện, đây không phải là một vấn đề bởi vì con có thể mua 50 hay 100 chiếc bánh đó một cách dễ dàng, nhưng bây giờ con là một sư cô mới nhập chúng và sống tại một vùng quê miền nam nước Pháp, nơi mà số lượng bò còn đông hơn người, thì tìm đâu ra bánh bao Việt Nam để mua? Suốt một giờ sau đó con cứ đắn đo, suy tính không biết xử lý mấy chiếc bánh này ra sao. Con biết con phải thực tập chia sẻ và cúng dường cho Tăng thân tất cả những gì mình có. Thân thể mình còn không phải là của riêng mình, nói chi đến mấy cái bánh! Nhưng đối với con, đi đến quyết định dứt khoát vẫn thật là khó khăn. Gần một giờ sau đó, con vẫn chưa ăn cái bánh nào cả. Tối đó, trong một buổi ngồi chơi với các sư cô, con mang tất cả bánh đến và con nói: “Thưa quý sư cô, bạn của con đã mang món quà này đến mừng con trong lễ xuất gia và con xin cúng dường quí sư cô.” Con im lặng ngồi chờ phần bánh của con. Đó là bước khởi đầu của con trong cuộc hành trình thực tập sống với mọi người và chia sẻ mọi sự việc để nuôi dưỡng hòa hợp trong Tăng thân.
Khi chúng ta sinh ra, nếu may mắn có mẹ có cha, và có thể có anh chị em. Chúng ta đã biết thế nào là sống chung trong một gia đình, trong một cộng đồng nhỏ. Một số trong chúng ta, như các thầy và các sư cô, lại có ước nguyện được sống theo lý tưởng của Bụt là có một cộng đồng rộng lớn hơn. Nhưng sống trong cộng đồng là thế nào?
Cid Corman, một thi sĩ trong thế kỷ 20, đã viết trong bài thơ Học sống:
Học sống với chính mình
Phần lớn không bao giờ làm điều này
Rồi học sống với những người khác
Càng ít người chịu làm
Và nếu bạn sống đủ lâu
Học để sống với mọi loài khác.
Mỗi người chúng ta là một cộng đồng, một Tăng thân. Theo đạo Bụt, chúng ta được cấu tạo bằng năm uẩn (skandhas), năm thành phần họp lại với nhau – thân, thọ, tưởng, hành và thức. Thân là cái chúng ta dễ thấy và dễ cảm nhận nhất. Các cảm thọ cũng là những thành phần của cộng đồng trong ta, gồm lạc thọ, khổ thọ, trung thọ và cảm thọ hỗn hợp. Tưởng cũng vậy: tốt, xấu, dễ chịu, tôi thích cái này, tôi không thích cái kia… Tâm hành thì gồm: thương yêu, tha thứ, bao dung, ghen ghét và giận dữ… Cảm thọ và tri giác thật ra chỉ là hai phần của tâm hành, và tâm hành lại là một phần của tàng thức, và tàng thức là nền tảng để chứa đựng tất cả. Tàng thức là nền tảng mà những biểu hiện tâm thức và vật chất phát khởi, nhưng khả năng nhận thức của chúng ta về những gì đang xảy ra trong tàng thức rất giới hạn. Học sống hòa hợp trong cộng đồng cũng có thể được hiểu là học sống hòa hợp với chính năm uẩn của mình.
Làm người tri kỷ của chính mình
Khi có một người hiểu mình, thấu rõ tâm tư, tình cảm, nguyện vọng của mình thì người đó được gọi là “soul mate” hay “kindred spirit” trong tiếng Anh. Trong tiếng Việt con thấy có hai từ rất hay và rất nhiều ý nghĩa. Chúng ta gọi người đó là tri kỷ hay tri âm. Khi dùng tiếng Anh là soul mate hay kindred spirit, ta thường nghĩ đó là một người nào khác ở ngoài mình. Nhưng trong tiếng Hán-Việt, tri có nghĩa là hiểu, biết, nhớ, làm chủ; kỷ là chính mình. Vậy thì tri kỷ có nghĩa là hiểu mình, biết mình, nhớ đến mình và làm chủ được mình. Chúng ta đang nói đến một người biết mình nhiều đến nỗi người đó có thể hiểu mình, nhớ đến mình, và làm chủ được mình. Người này là ai nếu không phải là chính chúng ta? Nếu chúng ta không làm được cho chính mình thì ai làm được cho mình?
Nói một cách khác, ta có từ tri âm. Tri là để biết, để hiểu, để nhớ, để làm chủ. Âm là âm thanh; để biết các âm thanh, để biết tiếng nói của chính mình. Bạn có biết âm thanh của bạn? Bạn có biết giọng nói của bạn? Bạn có biết nguyện vọng của bạn? Bạn có biết nỗi buồn của bạn? Sự tức giận của bạn? Sự bồn chồn bất an của bạn? Bạn có biết đến và hiểu rõ những điều đó không? Bởi vì nếu chúng ta dành cả một đời để tìm kiếm một người nào đó có thể biết tiếng nói và âm thanh của chúng ta, để hiểu chúng ta, thì chúng ta sẽ thất vọng. Bởi vì có thể là những người đó cũng như chúng ta, không phải là “tri âm” và “tri kỷ” của chính họ. Điều này cũng giống như người mù dẫn đường cho người mù. Hai người cô đơn đến với nhau thì sẽ cảm thấy cô đơn hơn cả trăm ngàn lần.
Thiền sư Trí Bảo ở thế kỷ thứ 12 đã nói: “Tri thức mãn thiên hạ, tri âm năng kỷ nhân?” (Quen biết đầy thiên hạ, tri âm được mấy người?). Bao nhiêu người trong số đó là tri âm hay tri kỷ của mình? Đó là thế kỷ thứ 12, và thời đại bây giờ, với kỹ thuật tân tiến, chúng ta càng thật sự quen biết bạn bè khắp thế giới. Chúng ta có thể dùng fax, gởi e-mail, gọi điện thoại. Thật là dễ dàng để liên lạc với người khác, nhưng trong tâm ta vẫn bồn chồn bất an, luôn muốn liên lạc với một người nào đó hiểu, biết mình. Chúng ta có thể biết nhiều người trên toàn cầu, nhưng có lẽ chúng ta vẫn cảm thấy hoàn toàn cô độc. Chúng ta tự hỏi ai là người biết mình. Người luôn ở trước mặt mình, người thức dậy với mình – người đó có thật sự hiểu biết mình không? Chúng ta có dám đặt câu hỏi này không? Chúng ta có nơm nớp sợ câu trả lời không?
Trong sự tu tập, chúng ta học cách trở thành người tri âm, tri kỷ của chính mình. Mỗi ngày, chúng ta thực tập thiền hành. Các bạn có tiếp xúc được với những bước chân của mình không? Các bạn có thưởng thức những bước chân của mình? Các bạn có cười với hoa không? Các bạn có ý thức được hơi thở không? Với ý thức sáng tỏ đó chúng ta đang tiếp xúc với thân ta, ta biết âm thanh của cơ thể mình, của hơi thở mình, ta thở ra sao, ta đi ra sao. Và như vậy mình đang là “tri kỷ” của mình. Bất kỳ chúng ta đang làm gì – ta đứng, ta đi, ta ngồi, ta nằm, ta nói, ta im lặng, hay ta đang ăn – bất kỳ đang làm gì, nếu tâm biết đến thân, có ý thức về những cảm thọ, tri giác, tâm hành, và tâm thức, thì khi đó chúng ta là tri âm, tri kỷ của mình. Đây là những điều chúng ta có thể học hỏi và trau dồi trong đời sống hàng ngày với sự thực tập chánh niệm. Khi biết rằng sự bồn chồn, trạo cử và những khao khát được có người hiểu mình vẫn còn trong tâm, chúng ta có thể trở về để thực hiện các khao khát đó. Những điều mình làm bên ngoài, dù thành công hay không có thể cũng không thành vấn đề; vì trước hết chúng ta phải hiểu rõ bản thân và thiết lập một liên hệ sâu sắc với chính mình.
Bạn nghĩ vậy hả?
Hãy hình dung tất cả năm uẩn như một làn sóng. Cảm thọ và tri giác được cấu tạo như những làn sóng. Khi mình ý thức được một cơn đau trong cơ thể, cơn đau đó đã bắt đầu trước đó rất lâu chứ không phải ở thời điểm khi mình có ý thức về nó. Cái đau có thể bắt nguồn từ một vết thương rất nhỏ hay chỉ từ một tư thế bất bình thường nào đó khi mình đứng, mình ngồi, và lâu dần nó trở thành cơn đau khi mình nhận biết. Những bướu ung thư cũng vậy; khi bướu được chẩn đoán thì thật ra nó đã có mặt trong cơ thể mình từ một năm, năm năm, hay mười năm rồi.
Cảm thọ cũng như vậy. Khi mình thấy mình giận, trầm cảm, mình ganh tỵ hoặc có những cảm xúc mạnh khác thì những cảm thọ này đã bắt đầu một thời gian dài trước đó. Nó có thể sơ khởi từ một ý nghĩ, một tâm trạng, ngay từ một mùi vị, một cái nhìn; tâm mình đã đem phối hợp và so sánh nó với nhiều dữ kiện khác. Nó dẫn mình về quá khứ, nó âm thầm tự phát triển mà mình không hay biết, và một thời gian sau, khi mình cảm nhận được thì cảm thọ đó đã trở thành một nỗi nhớ nhà, một nỗi buồn hoặc một cơn giận.
Khi chúng ta học lắng nghe âm thanh của chính mình và học nhận diện những tâm hành của chính mình, ta thấy nhiều cơn sóng đang lặng lẽ tiến hành trong tàng thức cho đến khi chúng đủ năng lượng để trồi lên bề mặt ý thức. Khi chúng ta mất liên lạc với chính mình, chúng ta sẽ không nhận ra điều này. Con nhớ khi con còn làm việc trong nhà thương, một đêm đang trực ở khu bệnh tâm thần thì có cô y tá gọi khẩn cấp và nói: “Có bệnh nhân đang bị nghẽn hệ thống tiêu hóa.” Bệnh nhân này bụng bị căng phồng thật lớn và không đi đại tiện đã nhiều ngày. Bệnh nhân liền được rọi X-ray, con thấy trong bụng bệnh nhân chứa toàn chất hơi (gas) và phân trong đó. Nếu không có kinh nghiệm, chúng ta có thể nghĩ ruột bị xoắn và có lẽ đã phải dùng phẫu thuật. Nhưng sau một hồi tìm hiểu, con thấy rằng các bệnh nhân có bệnh tâm thần thường không tiếp xúc được với bản thân, không ý thức được những cảm giác từ cơ thể, cho nên họ không cảm được nhu cầu phải dùng phòng vệ sinh! Mọi thứ họ ăn vào đều nằm trong đó và phồng lớn lên làm bụng căng cứng nhưng họ vẫn không cảm thấy gì cả.
Chuyện con vừa kể là một trường hợp khá đặc biệt, nhưng chính chúng ta đôi khi cũng có kinh nghiệm này; như khi chúng ta ngồi trước máy vi tính liên tục bốn hoặc tám giờ đồng hồ mà không đứng lên để vào phòng vệ sinh. Chúng ta đã quên mất thân mình, vì tâm trí chúng ta hoàn toàn tập trung vào những dữ kiện trên màn ảnh máy vi tính (computer). Chúng ta luôn luôn chú ý vào những đối tượng bên ngoài. Đây là một khả năng bẩm sinh để sống còn; như tổ tiên ta thời xa xưa sống trong những vùng hoang sơ có nhiều thú dữ, họ phải luôn nhìn ra bên ngoài, tập trung tất cả ý thức vào đối tượng bên ngoài. Khi có con hổ hay con rắn đến gần thì họ phải biết ngay tức khắc để chạy, để tự bảo vệ. Chúng ta đã có cái lập trình bẩm sinh về những hành động để tự vệ này trong tâm thức. Nhưng loài người chúng ta cũng đã phát triển thêm khả năng ý thức được chính mình (self-awareness), biết cơ thể, biết những cảm nhận và ý nghĩ của mình trước khi cần phản ứng và hành động.
Thực tập chánh niệm, có ý thức về năm uẩn là để chăm sóc và làm lớn mạnh khả năng này. Chúng ta đã thấy mọi hiện tượng đều hình thành như những làn sóng và đã bắt đầu trước đó rất lâu. Nhận thức của chúng ta về một người nào đó; chẳng hạn như người đó có đáng tín nhiệm hay không, v.v… không phải bỗng nhiên mà có. Nó có thể đến từ cha mẹ hay từ môi trường, xã hội. Chúng ta đã từng có những kinh nghiệm về người này và chúng đã tạo thành một quan niệm, một thành kiến nào đó; nên khi người này nói hay làm điều gì đó, ta luôn đánh giá hay nhận thức họ dựa trên những quan niệm và thành kiến đã có sẵn. Khi hiểu được như thế, chúng ta sẽ biết khiêm nhường và thận trọng hơn, không vội kết luận hay xác định những nhận thức mình vừa có là đúng hay tuyệt đối.
Vào tháng 9 năm ngoái con có thỉnh Thầy viết cho con một câu thư pháp ngắn: “You think so?” (Bạn nghĩ vậy hả?). Đây là một cách thực tập rất tuyệt diệu, và con đặt nó lên bàn học của con. Đây là một câu hỏi chúng ta có thể tự hỏi mình khi mình có một cảm thọ, khi mình có một nhận thức hoặc khi mình bị quá kích thích vì một chuyện gì đó. Chúng ta có thể chấp nhận ngay những cảm thọ, những tri giác đó hoặc chúng ta có thể tự hỏi mình: “Bạn nghĩ vậy hả? Thật vậy sao?”; và câu hỏi này sẽ giúp làm vấn đề sáng tỏ ra nhiều hơn. Thầy còn nói rằng nếu chúng ta trả lời: “Vâng, tôi nghĩ thế” thì Thầy lại hỏi: “Bạn có chắc không?” (Are you sure?). Nếu chúng ta trả lời: “Dĩ nhiên là chắc” thì Thầy lại nói: “Xem lại đi!” (Check again!). Như khi chúng ta thấy một làn sóng vỗ vào bờ chúng ta có thể nghĩ đó là một con sóng hoàn toàn độc lập. Bạn nghĩ vậy hả? Xem lại đi! Tuy nó không phải là một với làn sóng mà chúng ta vừa thấy từ ngoài khơi, nhưng nó cũng không phải là khác.
Các vị xuất sĩ cùng sống chung trong một Tăng thân hai mươi bốn giờ một ngày. Khi sống trong Tăng thân, trước hết chúng ta phải học cách sống với năm uẩn của mình. Sự hòa hợp trong bản thân của mỗi cá nhân sẽ đóng góp vào sự hòa hợp của cộng đồng. Trong gia đình chúng ta cũng thế. Làm cha mẹ, chúng ta có thể quên đi bản thân mình để làm bất cứ chuyện gì có thể làm để lo cho con mình. Nhưng chúng ta lại không biết chăm sóc những cơn đau trong thân thể cũng như những tâm tư, tình cảm của chính mình. Nếu vậy thì ta có gì để trao truyền cho con cháu chúng ta? Ta dạy dỗ con em mình những gì? Các cháu thừa hưởng được gì?
Chấm dứt cơn giận
Ngài Xá Lợi Phất, một đệ tử lớn của Bụt, có dạy một kinh gọi là Năm phương pháp diệt trừ phiền giận. Kinh này trình bày năm trường hợp. Con xin đi vào trường hợp thứ năm, nói về trường hợp một người mà hành động của thân, của lời nói, và của tư duy đều dễ thương. Nếu mình nhỡ sinh tâm phiền giận hay ganh tị với người đó, thì mình cần phải làm gì để diệt trừ cơn phiền giận ấy đi?
Trong giáo lý của Bụt, khi nói về nghiệp hay hành động, chúng ta luôn nói đến ba khía cạnh: thân, khẩu và ý. Trước khi đề cập đến sự phiền giận, con xin nói về những yếu tố tích cực trong ba khía cạnh của nghiệp.
Chúng ta có thể tự hỏi: Ai là người có thể tích cực và dễ thương trong cả ba khía cạnh, thân, khẩu và ý? Chúng ta có thể sắp xếp lại đời sống chúng ta một cách nào đó để cho ba nghiệp có thể biểu lộ theo chiều hướng tích cực. Ví dụ như giờ phút này, khi chúng ta nghe pháp thoại, chúng ta đang ngồi rất đẹp, lưng thẳng, thân buông thư và thoải mái. Nói về khẩu nghiệp thì quý vị bây giờ đang im lặng không cần nói, nhưng về phần con thì con đang cố gắng để nói lời ái ngữ, chân thành, không nói những lời có nhiều cảm xúc hoặc nhiều tranh cãi. Trong tâm ý chúng ta, chúng ta đang muốn học hỏi điều gì đó có lợi cho bản thân và để có thể giúp đỡ người khác. Vì thế, đối với tất cả chúng ta trong giờ phút này, ba nghiệp, hay ba hành động đều tốt cả.
Khi đi thiền hành chúng ta cũng tạo một cơ hội để biểu lộ những điều đẹp, lành, và thật nhất của ba nghiệp thân, khẩu và ý. Và cũng thế, ba nghiệp sẽ thanh tịnh khi chúng ta ngồi thành vòng tròn để tham dự pháp đàm. Khi chúng ta chia sẻ với một tinh thần tốt đẹp như vậy, có phải chúng ta đang tập làm tri âm, tri kỷ của nhau không? Khi một người nói, tất cả những người khác đều mở lòng và im lặng lắng nghe. Mọi người đều theo dõi hơi thở của mình, nhận diện những cảm thọ và tri giác đang nổi lên. Đó là lúc chúng ta thực tập thật sự lắng nghe tâm tư của người đang nói.
Chúng ta học làm tri âm và tri kỷ của nhau bằng cách lắng nghe nhau, bằng cách thiết lập một môi trường trong đó mọi người có thể biểu lộ cái đẹp nhất của mình. Nếu chúng ta chỉ sống một đời sống lúc nào cũng bận rộn, lúc nào cũng có cảm giác căng thẳng, các phản ứng của thân sẽ sớm trở thành thô bạo, không được dễ thương. Khi chúng ta vội vã, cơ thể trở nên rất kích động, thô thiển. Lời nói sớm bị áp lực, trở nên lớn tiếng và nhanh. Tâm ta bắt đầu than phiền, so sánh và tức giận. Nếu chúng ta sống như vậy ngày này qua ngày khác, chúng ta sẽ đánh mất sự kính trọng dành cho bản thân chúng ta và cho người kia, không kể trước đó mình đã kính trọng và quý mến người ấy như thế nào. Mối liên hệ giữa ta và người đó bắt đầu xuống dốc.
Nhiều người chúng ta không dám trở về với chính mình vì nghĩ rằng bản thân mình rất lộn xộn, rác rến bừa bãi. Thật là đáng sợ khi trở về một ngôi nhà đã bị bỏ hoang và giăng đầy mạng nhện; cũng thật đáng sợ khi phải trở về với một người có những đặc điểm như thế. Nhiều người chúng ta đôi lúc cố tình ở lại lâu hơn trong sở làm, tìm một việc gì khác để làm, hoặc ngồi đọc báo thay vì nhìn vào người kia. Thuở ban đầu rất đẹp, nhưng bây giờ mình không còn cảm thấy được nuôi dưỡng khi ở bên cạnh nhau. Vì thế cho nên điều quan trọng là chúng ta phải chế tác ra một môi trường trong đó chúng ta có thể biểu lộ và có thể sống cái đẹp, cái lành và cái thật của mình trong cuộc sống hàng ngày. Nếu điều này không quan trọng thì điều gì mới là quan trọng?
Bài kinh cũng cho ta một trường hợp khác: Một người có những lời nói tiêu cực nhưng hành động của thân dễ thương và tâm của người đó cũng dễ thương. Ngài Xá Lợi Phất dùng hình ảnh một cái hồ có cỏ và rong rêu che lấp mặt nước. Một người sắp chết khát đến bên hồ này. Người này có hai điều để chọn, một là chịu chết khát, hai là nhảy vào hồ. Anh ta rẽ cỏ và rong rêu sang hai bên để uống nước hồ, tắm gội và ngâm mình thoả thích. Cũng vậy, nếu chúng ta nổi giận với một người có những lời nói không dễ thương nhưng có hành động và ý nghĩ dễ thương thì chúng ta sẽ cần làm gì? Chúng ta nên tập nhìn vào những điểm tích cực của người đó, tập tha thứ, tập tìm hiểu người đó và tập lắng nghe tiếng nói của người đó. Sao người đó nói năng một cách giận dữ và hay phê phán chỉ trích như vậy? Chúng ta thực tập để hiểu rằng đó là kết quả của những đợt sóng ngầm. Nhiều nguyên do và điều kiện đã làm người này nói năng như vậy; có thể chính chúng ta cũng đã góp phần vào những nguyên do và điều kiện này. Chúng ta cần nhớ lại những điều tích cực mà người này đã làm, và những ý định tốt mà người này đã có.
Chúng ta có thể đặt câu hỏi, Tôi hiểu âm thanh, lời nói của anh chưa? Tôi săn sóc em như thế đã đủ chưa? Bạn đang thật sự cần tôi giúp gì? Nếu chúng ta cứ than phiền, cứ chê trách, nếu chúng ta chỉ thấy cỏ rác và rong rêu trên mặt hồ rồi bỏ đi nơi khác, chính ta sẽ là người khổ đau, chết khát. Nếu chúng ta khôn ngoan biết cách gạt bỏ rong rêu và cỏ rác ra, chúng ta sẽ thấy nước hồ này uống được và nó sẽ giải trừ ngay cơn khát cho ta. Với sự thực tập chánh niệm, chúng ta có thể cân nhắc những điều tích cực của chính mình và của người kia, và thấy được những làn sóng trong chiều sâu tâm thức của nhau.
Chọn hòa bình
Trong tiếng Việt có một từ mà con rất cảm kích, đó là từ trượng phu. Từ này rất khó giải thích nhưng đại khái nó có nghĩa là một người hào hùng, có thể hiểu, có thể tha thứ, và có sự công bằng chính trực, người không có tính hờn mát hoặc trả thù vặt. Khi con nghĩ về sư chị Thệ Nghiêm, con thường liên tưởng đến từ trượng phu. Những đức tính này rất cần thiết trong đời sống cộng đồng. Chúng ta học cách hiểu bản thân và học quan sát người khác để biết đến một cơ thể ngoài cơ thể mình (ý thức thân trong thân, và ý thức thân ngoài thân). Với những hiểu biết đó, chúng ta có thể can đảm buông bỏ những ác cảm và những điều nhỏ nhặt, và thậm chí có thể buông bỏ luôn cả những điều bất hoà rất lớn. Chúng ta trên hết phải biết yêu chuộng sự hòa hợp.
Có lần Thầy đã nói rằng: “Nếu Thầy phải chọn giữa Đạo Bụt và hòa bình, Thầy chọn hòa bình” (If I have to choose between Buddhism and peace, then I choose peace). Những lời giảng dạy trong đạo Bụt đều nhắm tới hòa bình và hòa hợp, nhưng dưới danh nghĩa tôn giáo, nhiều người đã cổ võ chiến tranh. Nếu chúng ta phải chọn giữa đạo Bụt và hòa bình thì có nghĩa là chúng ta đã đi lạc ra khỏi đường đạo và đang bị kẹt giữa các ý thức hệ và giáo điều (ideology and dogma). Chúng ta phải luôn luôn chọn hòa hợp và hòa bình. Đó là sự thực tập của chúng ta khi sống trong một cộng đồng. Nếu con phải chọn giữa cái thắng trong một cuộc tranh luận hoặc có sự hòa hợp giữa hai bên, con sẽ tập ngồi yên cho đến khi con có thể chọn sự hòa hợp. Hòa hợp sẽ nuôi dưỡng con và giúp con tiến xa hơn trên con đường dẫn đến giải thoát. “Dục an tất an” – nếu muốn bình an thì có bình an. Cái ý muốn có được sự bình an, hòa hợp là một loại chánh kiến, chánh tư duy vô cùng quan trọng. Nhưng ý muốn một mình chưa đủ. Chúng ta phải có khả năng vun trồng bình an và hòa hợp. Những pháp môn chánh niệm như thiền đi, thiền thở, thiền ngồi, thiền buông thư đều có công năng vun trồng khả năng này trong chúng ta.
Trong gia đình cũng vậy. Nhiều người chúng ta không thể nhìn mặt nhau nữa vì chúng ta còn giữ nhiều ác cảm trong tâm. Nhưng nếu chúng ta thấy rằng những điều này đang từ từ giết chết chúng ta, không nuôi dưỡng ta và những người thân của ta; khi đó chúng ta sẽ học làm người trượng phu – để hiểu người, để tha thứ và để trở thành một người rộng lượng, can đảm. Chúng ta có thể thực tập để tha thứ cho những khổ đau của chính mình, sự ghen tuông, đố kỵ, hờn giận, những điều tầm thường nhỏ nhặt của riêng mình, để có thể tha thứ những thiếu sót, vụng về đó của người khác.
Nếu chúng ta không biết lắng nghe âm thanh của mình, không biết tha thứ cho mình và trở thành một trượng phu cho chính mình thì không cách gì chúng ta có thể làm điều này cho người khác. Những sự phục vụ của chúng ta không thể nào tồn tại lâu dài nếu chúng ta không biết chăm sóc, thương yêu chính mình trước. Nếu có người nào đó có nhiều tài năng, hoặc có lời nói ái ngữ dễ thương, với cử chỉ và hành động nhã nhặn ôn hòa và có những tư tưởng tốt đẹp hữu ích, đôi khi chúng ta lại tỏ ra ganh tỵ, giận dữ, muốn loại trừ người đó. Một Thiền sư đã nói: “Thế phi dũng liệt trượng phu, giải thoát hán hà năng kham thử” (Nếu sống trên đời mà không can đảm, không trượng phu, thì đừng nói đến chuyện giải thoát và tự do; làm sao ông kham nổi chuyện đó?). Chúng ta không kham nổi nếu chúng ta không thực tập để xử lý những vụng về và khổ đau của mình. Phải biết chăm sóc và tha thứ cho mình; nếu không, chúng ta sẽ không có khả năng tha thứ và bao dung cho người khác.
Có những người trong chúng ta rất siêng nghe pháp thoại, nhưng chưa thực tập lắng nghe tiếng chuông, chưa thực tập thiền hành trong đời sống hàng ngày. Vì vậy cho nên khi một cơn giận hay một nỗi buồn phiền nổi dậy trong tâm, nó có thể nhanh chóng tràn ngập tâm tư mình và xô ngã mình. Sự thực tập hàng ngày rất quan trọng vì chúng sẽ giúp chúng ta tạo lập và khai triển những đường thần kinh mới (new neural pathways). Trên phương diện sinh lý, chúng ta sẽ học cách đối phó với sự việc một cách thích nghi với hoàn cảnh hiện tại, thay vì lúc nào cũng phản ứng, phản xạ theo cái “xa lộ” thường dùng. Dần dần, chúng ta sẽ phát triển được một con đường khác. Thay vì giận dữ, nói năng gay gắt, đối xử thô bạo với chính ta hoặc với người khác, chúng ta nhận diện giây phút căng thẳng đó, chúng ta theo dõi hơi thở, nhìn xuống, và ngồi thật yên. Chúng ta thực hành như vậy một lần, hai lần, ba lần và từ từ chúng ta có một con đường thần kinh mới trong não bộ. Lâu dần, nó trở thành một xa lộ – xa lộ của sự bình an và hòa hợp. Con đường cũ nếu mình ít dùng đến, nó sẽ phai mờ dần theo thời gian.