Ngọn nến mỉm cười – phần I

(Trích từ tác phẩm “Áo Vách Núi” của sư cô Chân Đẳng Nghiêm)

Thắp sáng ngọn nến

Tôi vừa thắp lên một ngọn nến và ngồi im lặng trong vài phút để nhìn nó. Khi nào rảnh rỗi, các bạn cũng có thể làm như vậy để quan sát và học hỏi nhiều điều về một ngọn nến. Trước hết, khi vừa được thắp sáng, ngọn lửa ở đầu bấc bùng cháy rất mạnh và chúng ta thấy cây nến có một ngọn lửa lớn. Nhưng chỉ sau đó vài giây, ngọn lửa nhỏ lại và trông yếu hơn, không còn sáng rực như lúc đầu. Nhưng rồi sau một thời gian ngắn, khi sáp bắt đầu tan chảy, ngọn lửa lại dần dần cháy mạnh hơn, cao hơn. Tuy nhiên, đôi khi vì sáp của nến không kịp tan nên ngọn lửa cứ nhỏ dần, nhỏ dần như sắp tắt. Trong trường hợp này tôi thường đốt một cây nhang để lửa từ cây nhang làm chảy sáp và khi ngọn lửa của nến cháy mạnh hơn, nó có thể tự nó làm tan chảy sáp để tiếp tục duy trì ngọn nến.

Sự tu tập của chúng ta cũng có thể xảy ra tương tự như vậy. Khi chúng ta mới bắt đầu thực tập – cũng như khi bắt đầu yêu – ngọn lửa trong tâm tỏa sáng rực rỡ và mạnh mẽ, nhưng như bạn thừa biết, theo thời gian nó sẽ yếu dần và tắt lịm. Nếu không có sáp, hoặc sáp không tan kịp, không có chất liệu nuôi dưỡng dây bấc thì tình yêu đó, sự trân quý và niềm đam mê đó sẽ chết. Vậy làm sao để ngọn lửa của thuở ban đầu tiếp tục cháy mãi? Chúng ta cần nhớ rằng tuy đã có sáp nhưng phải có thời gian để sáp tan chảy và nuôi ngọn lửa.

Nhiều người trong chúng ta vẫn thường nói: “Tôi đã gặp Sư Ông 20 năm trước đây.” Nhưng dù đã thực tập 15 năm, 10 năm hoặc 5 năm, chúng ta cũng cần phải ngồi xuống và tự hỏi mình: Trong 20 năm hoặc 5 năm vừa qua, tôi đã thật sự tu luyện thân tâm tôi được bao nhiêu? Ngọn lửa bùng cháy một thời gian rồi sau đó yếu dần và tắt ngúm? Hay là ngọn lửa vẫn được duy trì, vẫn còn cháy âm ỉ và đều đặn ngày này qua ngày khác? Hai trường hợp này khác nhau rất xa, phải không bạn?

Tôi thường nghe nhiều người nói: “Tôi biết rồi, nghe rồi về hơi thở chánh niệm, nhưng…” Khi nghe người ta nói như thế, chúng ta biết rằng họ đã không duy trì sự thực tập một cách bền bỉ sâu sắc. Họ đã không giữ cho ngọn lửa cháy liên tục và ổn định trong cuộc sống hàng ngày của họ. Họ chỉ cố gắng trong giây lát, hoặc trong một thời gian ngắn, sau đó họ bỏ dở, và theo đuổi những cái khác. Đôi khi họ tham dự một khóa tu, thắp sáng ngọn lửa lên một lần nữa nhưng rồi lại thờ ơ để cho nó tắt thêm một lần nữa. Vì vậy, chúng ta hãy thường xuyên nhìn lại chính mình và tự hỏi: “Tôi đã thực tập đến đâu? Có phải ngọn lửa vẫn còn, dây bấc vẫn còn và sáp đang tiếp tục tan chảy?”

Hôm nay tôi xin chia sẻ với các bạn về chủ đề “về nhà,” về với niềm vui chân thật và chốn thiêng liêng. Cách đây ba ngày, tại Tu viện Bích Nham vào một ngày tuyết rơi, tôi bị bệnh phải nằm trên giường và tôi đã làm bài thơ này:

Tôi Vẫn Còn Đây

Tôi đã viết bài thơ hay nhất

trong giấc ngủ của tôi

tôi biết điều đó vì tôi đã nói với mình như vậy.

Tôi đã viết bài hát hay nhất

trong giấc mơ của tôi

tôi cố gắng ghi nhớ, nhưng đã quên mất lời lúc tôi vừa thức dậy.

Vì thế, tôi cố gắng sống cuộc đời bình thường của tôi

qua từng hơi thở dễ chịu hoặc ì ạch,

dù niềm đau và nỗi lo đôi khi không dừng lại,

trong mỗi tiếp xúc như thể đó là lần cuối,

ôm trọn nước mắt lẫn tiếng cười…

Và tôi đã tiếp xúc

với tình yêu tuyệt vĩ

khi tôi tỉnh thức.

Bạn thấy gì? Nghe gì?

Hôm qua trong một buổi trao đổi, có một câu hỏi được nêu lên: “Trong khi tu học, quý thầy quý sư cô có nghe, có thấy được những gì khác thường không?” Bạn biết không, trong ngành tâm thần học, nếu bạn nghe một cái gì đó mà những người khác không nghe, đó là tiếng động ảo giác (auditory hallucination). Nếu bạn nhìn thấy một cái gì đó mà những người khác không thấy, cái đó gọi là hình ảnh ảo giác (visual hallucination). Vì vậy, trên thực tế, chúng ta không tu học để nhìn và nghe những điều không có thật và đã do những hiện tượng huyền bí, siêu nhiên hay thực tế ảo đem lại (transcendental, supranormal phenomena or virtual reality). Chúng ta không tìm kiếm những điều đó bởi vì chúng phát xuất từ tâm khi tâm bị kích thích quá độ. Não bộ tiết ra quá nhiều chất dẫn truyền thần kinh (neurotransmitters), làm cho chúng ta thấy và nghe những điều không có thực. Chúng ta không thực tập để có những trạng thái của tâm như vậy mà chúng ta thực tập để thấy sự vật như chúng đang là, để nghe những tiếng động hoặc lời nói như chúng đang là. Điều này trong kinh gọi là “Như thị” (suchness). Như thị có nghĩa là “đang là” (as it is).

Khi nhìn vào một cái gì đó, thông thường chúng ta không thấy được như nó đang là. Khi bạn nhìn vào một bình hoa, bạn thấy gì? Ngay lập tức bạn chỉ thấy một thể loại (category) của hoa, bạn thấy và biết đây là hoa hồng, hoặc đây là hoa lan. Nhưng bạn không thấy một bông hoa nào rõ ràng như nó đang là, đang như thị, đang biểu hiện nhiệm mầu trong giây phút bạn nhìn. Bởi vì não chúng ta đã được lập trình (programmed), đã ghi rõ để biết: Đây là hoa, đây là lá, đây là tiếng chuông, đây là vợ, đây là con, đây là bạn, đây là một danh mục, v.v… Nhưng tất cả các thứ đó chỉ là những thể loại, và khoa học gọi chúng là những thể loại bất biến (invariable categories). Bất biến bởi vì nó cố định, đã được lập trình trong não và chúng ta chỉ nhìn thấy những thể loại không có sự sống.

Trong khi thực tập, chúng ta phải biết cách làm sao cho tâm dừng lại và tĩnh lặng, để khi bạn mở mắt và nhìn một bông hoa hoặc một hiện tượng, bạn có thể thấy nó như đang là trong giây phút đó. Bạn không nhìn nó với tri giác hoặc kinh nghiệm của quá khứ vì trước đây bạn đã thấy nó, đã biết đến, đã từng trải nghiệm với nó. Khi nhìn một người đàn ông, bạn có thể liên tưởng đến một người hay một sự kiện nào đó trong quá khứ và bạn thầm nghĩ: “Người đàn ông này trông giống như người đàn ông đã đi qua trong đời tôi – người đã mang lại cho tôi nhiều hạnh phúc (hoặc khổ đau cùng cực).” Khi bạn nghe một câu nói nào đó, bạn nghe nó trong thời điểm này hay nghe từ quá khứ? Có phải câu nói bạn vừa nghe đã nhắc nhở bạn về một cái gì đó đẹp đẽ, khổ đau hoặc hạnh phúc?

Chúng ta đang tìm kiếm gì đây? Chúng ta muốn thấy những điều phi thường, muốn nghe những chuyện phi thường? Hay là chúng ta muốn trải nghiệm những tình huống phi thường? Bạn cho rằng những điều này đang ở đâu? Nếu bạn cứ tiếp tục tưởng tượng và tìm kiếm như vậy, trọn đời bạn cũng không thể tìm thấy chúng. Những điều mà bạn tìm kiếm, thực ra nó đang có sẵn ở đây, ngay trong cơ thể và xung quanh bạn. Nhưng bạn không nghe và thấy chúng bởi vì bạn không nghe và thấy như chúng đang là mà chỉ nghe và thấy cái thể loại bất biến của chúng. Đó là lý do tại sao chúng ta không tiếp xúc được với niềm vui và sự thiêng liêng của sự sống.

Trong cuộc sống hàng ngày, bạn có thể thực tập để trở về với hơi thở vì đó là một điều cơ bản nhưng mầu nhiệm. Bạn bắt đầu thở khi vừa mới lọt lòng mẹ; và nếu khi đó bạn không khóc, người y tá hoặc bác sĩ sẽ đánh vào mông để làm bạn khóc vì đó là hơi thở vào đầu tiên trong đời sống của bạn. Từ đó đến nay, bạn đã thở vào thở ra biết bao nhiêu lần nhưng không hề có ý thức và xem đó là chuyện bình thường, không cần để ý đến. Nhưng bạn có bao giờ bị bệnh và cảm thấy không còn hít thở được dễ dàng, ngực bạn quá nặng hoặc cổ họng quá hẹp và bạn đang thở nặng nề, đứt đoạn và bạn phải khó nhọc lắm mới hít được một ít không khí vào buồng phổi? Trong giây phút đó, bạn có còn tìm kiếm những gì phi thường và siêu phàm? Hay là bạn chỉ muốn được thở dễ dàng, bình thường như trước?

Nhưng chính những điều bình thường mà trước đây bạn không quan tâm vì xem chúng quá tầm thường sẽ trở thành những niềm vui sâu sắc và sự linh thiêng (sacredness) khi bạn biết ý thức, khi bạn có chánh niệm và lòng biết ơn. Nhiều hiện tượng có thể không mang một ý nghĩa nào cả khi bạn không có mặt ở đó. Nhưng khi bạn hết lòng để ý đến chúng, khi tâm của bạn tĩnh lặng, và bạn trải nghiệm điều gì đó như nó đang là, thì đây là tất cả những điều bạn đang mong ước và nó rất thiêng liêng. Nhưng bạn vẫn muốn một cái gì đó phi thường và nhanh chóng hơn, phải không? Tuy nhiên, với kinh nghiệm của tôi, chính trong những điều bình thường giản dị hàng ngày, từ thời điểm này đến thời điểm khác, từ hơi thở này qua hơi thở khác mà tôi tiếp xúc được với niềm vui, sự thiêng liêng và ý nghĩa của sự sống.

Mẹ đau trong tôi

Khi mẹ tôi chỉ vào khoảng 34 tuổi, mẹ tôi đã có rất nhiều cơn đau nhức trong cơ thể. Lúc đó, tôi chỉ mới 10 tuổi và em trai của tôi 7 tuổi. Mẹ bảo chúng tôi bước dẫm lên cơ thể mẹ để làm dịu những cơn đau nhức, và cả hai chị em chúng tôi đã bước lên thân mẹ trong khi bà đang nằm xuống. Chúng tôi thản nhiên “đi” trên lưng mẹ, vừa bước tới bước lui vừa nhún nhún vừa nói chuyện. Tôi không có ý thức gì về mẹ và cơn đau của mẹ đang ở ngay dưới chân tôi. Đôi khi tôi lại muốn đi cho nhanh, bước cho mạnh để mẹ hết đau và tôi có thể chạy ra sân chơi. Nhưng nhiều năm sau, khi tôi ở tuổi 30, tôi bắt đầu phát hiện nhiều sự đau nhức, ray rứt trong các khớp trong các cơ bắp, tôi cảm thấy rất bực bội, khó chịu.

Sau khi tôi xuất gia, một hôm tôi đang ngồi thiền thì một cái thấy đã đến với tôi. Cái “thấy” (tuệ giác, insight) có nghĩa là một cái nhìn có thể mang ánh sáng rọi vào một cái gì đó quá bình thường, một cái gì đó đã làm bạn tổn thương, những kinh nghiệm bạn đã đi qua trong nhiều năm nhưng bạn chỉ nhìn thấy chúng từ một góc độ, một khía cạnh bất di bất dịch. Nhưng với cái thấy từ một khoảng tĩnh lặng của tâm, bất chợt mọi thứ trở nên mới mẻ như bạn chưa hề trông thấy chúng, như bạn vừa tiếp xúc với chúng lần đầu. Cái thấy này có công năng cởi trói những thù hận, hiểu lầm, trách móc; đưa bạn đến một bước ngoặc mới trong cuộc đời, có nhiều tha thứ hơn, nhiều tự do hơn. Nhưng bạn phải thực tập có ý thức về những gì bạn đang làm, đang nói, đang tư duy, về những điều rất bình dị mỗi ngày để cái thấy sáng đó có thể bùng cháy.

Như vậy, ngày hôm đó khi đang ngồi một mình, tôi nhận ra tôi đang trải qua cơn đau của mẹ tôi, người mẹ đã qua đời khi tôi vừa 12 tuổi. Hơn 20 năm đã trôi qua, nhưng bây giờ tôi đang trải nghiệm chính những cơn đau của mẹ ngay trong các khớp xương, cơ bắp, và hình hài của tôi. Ngay trong giây phút đó, tôi cảm thấy một sự kết nối thân tình và sâu xa mà tôi chưa bao giờ cảm nhận với mẹ tôi, ngay cả khi mẹ còn sống. Mẹ tôi không bao giờ có thời gian để ở nhà với chúng tôi. Mẹ phải đi làm suốt ngày, năm này qua năm khác cho đến khi mẹ chết. Vì vậy, tôi không bao giờ được hưởng những giờ phút thương yêu gần gũi bên mẹ. Nhưng giờ đây, cơ thể của mẹ đang sống lại trong cơ thể tôi, nên tôi cảm thấy rất thân thương, rất gần, rất ấm áp; sự hiện hữu của mẹ đã trở thành linh thiêng đối với tôi. Tôi thấy sự đau đớn nhức mỏi trong tôi bỗng nhiên trở thành những cảm giác gần gũi, linh thiêng chứ không còn là một gánh nặng như trước. Sự đau đớn đã trở thành một nhịp cầu vô hình kết nối giữa mẹ và tôi, và tôi học hiểu và thương mẹ tôi ngay trong hình hài của chính mình. Bạn cũng sẽ tìm thấy niềm vui và sự  thiêng liêng từ trong những điều bình thường giản dị khi bạn có mặt thực sự trong thời điểm đó để tiếp xúc với chúng. Bạn cũng có thể tìm được niềm vui và sự linh thiêng trong những khổ đau mất mát mà bạn đi qua.