văn – Trước 2014

Xứ Nguyệt

Ngày hôm kia anh chào tạm biệt người thương để đi về bên kia núi. Nơi đó mùa thu đã bắt đầu với Trời Quang và Trăng Tỏ. Mây giăng kín lối và hoa cỏ phủ kín sương mai. Con Bạch thức dậy từ rất sớm kể cho anh nghe câu chuyện ngày xưa chị Hằng về thăm xứ Nguyệt…

Một chiều đầu thu, chị Hằng trở về thăm xứ Nguyệt. Gần đến ngày hội trăng rằm nên chị cũng cảm thấy trong lòng có chút bồi hồi và xao xuyến. Xứ Nguyệt im ắng trong chiều tà của ngày thứ hai “làm biếng”. Mặc dù vậy, chị được đón chào bởi những cô tiên áo nâu rất hiền hòa và dễ thương khiến bao mệt mỏi bởi chặng đường dài tan biến.

Phong cảnh rất hữu tình và thiền vị. Chị hít thật sâu, chậm rãi nhấp một ngụm trà và đưa mắt nhìn bốn phía. Bình yên quá! Tựa hồ như em bé được quà, chị cứ nhắm mắt lại rồi mở mắt ra, hít vào và thở ra để tận hưởng cái cảm xúc ngọt ngào đó. Bước nhẹ nhàng trên chiếc cầu gỗ băng qua thiền đường, chị phát giác hoa cỏ nở rộ xung quanh dưới chân mình.

Những ngày sau đó, chị nhanh chóng hòa nhịp vào cuộc sống của nơi này. Cách xứ Nguyệt một con đường với hoa cỏ mọc hai bên là lối về vùng đất của Trời Quang. Ngay chính giữa là nơi hội ngộ cho mỗi lần khất thực. Những bước chân nhẹ tênh, nét mặt tươi mát, ánh mắt, nụ cười và thỉnh thoảng có cả những trò đùa tinh nghịch hồn nhiên của các tiên chú, tiên cô đã giúp chị mỗi ngày một gắn bó và xích lại gần với chốn này. Ngày mới bắt đầu từ tinh mơ với ấm trà nóng, hồi chuông thức chúng và tiếng leng keng báo hiệu đối với chị như một vũ khúc lúc ban mai:

“Thức dậy miệng mỉm cười

Hăm bốn giờ tinh khôi

Xin nguyện sống trọn vẹn

Mắt thương nhìn cuộc đời”

Bạch là một chú chó dễ thương sống ở Xứ Nguyệt. Gọi là Bạch nhưng nhìn nó chỉ thấy màu vàng của đất đá và núi rừng mà thôi. Bạch cũng thức dậy từ rất sớm và thỉnh thoảng nó lại theo chị cùng với các cô tiên “dạo chơi” trên lối về “Hữu Tình Cốc”.

Hữu Tình Cốc  là cái nhà gỗ mái tranh nằm sát núi vẫn còn đang xây dở dang. Người dân của Xứ Nguyệt và Trời Quang dành nhiều tình thương và tâm huyết để dựng lên cái cốc này cho vị Thầy, vị Cha tâm linh đáng kính của mình. Cái tên này là do chị đặt ra cho riêng mình vì mỗi lần đặt chân đến đó, chị như nghe tiếng gọi của hồn thiêng sông núi gọi về. Mỗi buổi sáng thứ năm và chủ nhật, chị có cơ hội được ngồi yên dưới thảm cỏ còn đẫm hơi sương, mùi hương trầm hòa quyện mùi hoa cỏ, và chốc chốc lại nghe tiếng chim hót líu lo. Xung quanh chị là sự tĩnh mặc của ban mai nhưng tràn đầy năng lượng lan tỏa từ những vị tiên áo nâu đang ngồi bên cạnh mình.

 

Ngồi trong bình an

Hai tuần trôi qua với chị rất bình dị, đơn sơ nhưng thấm đượm rất nhiều nghĩa tình. Một đêm khuya nghe tiếng gõ cửa, chị nhận ra vị tiên già mang thuốc lại cho chị khi nghe tin chị bị cảm lạnh. Mấy ngày sau trước mỗi giờ đi ngủ chị đều được cô tiên trẻ lại bấm huyệt, xoa dầu. Bát cháo gạo lức, hủ chanh gừng, bình nấu nước nóng…xoa dịu cơn bệnh và chị phục hồi nhanh đến không ngờ.

Tham dự các lớp học, các buổi thiền trà, chia sẻ, chấp tác hay leo núi dã ngoại, chị đã được thưởng thức món ăn có giá trị nuôi dưỡng vô cùng. Đó chính là “tình huynh đệ” giúp Trời Quang và Trăng Tỏ mỗi ngày một xanh hơn, tươi mát hơn…Không còn ranh giới của sự phân biệt, mặc cảm hơn kém bằng, nơi đây tràn ngập năng lượng của sự bao dung, nâng đỡ và thương kính. Chị hiểu ra rằng chính tình thương lớn đã giúp cho Xứ Nguyệt và Trời Quang có được tự do lớn đến như vậy. Mấy ngày hôm đó, cơn mưa đầu mùa ào ạt xối xả. Có lúc, chị thích thú đưa tay hứng lấy những giọt mưa hiếm hoi của vùng đất này. Nhìn những bước chân chậm rãi và tự tại dưới trời mưa gió bão bùng, chị cũng hiểu ra thêm rằng chính tình thương lớn đã giúp cho xứ Nguyệt và Trời Quang có được vững chãi.

Thu về… ngày kỷ niệm của chị Hằng với người thương lại trùng hợp với ngày biểu hiện của Xứ Nguyệt và của cả Trời Quang. Cùng với tự do lớn của các vị tiên áo nâu, chị như cùng anh bay vào thiên thu cõi vĩnh hằng, thảnh thơi và bình an đến kỳ lạ.

Mỹ Hằng