văn – Trước 2014

Ngày chuyển mùa

 

Tôi đang ngồi dưới nắng, bên bờ hồ, trên bãi cỏ xanh.

Tôi vừa ăn trưa xong. Lâu rồi mới được ăn bữa cơm bình thường với chúng. Từ Khóa tu 21 ngày đầu tháng sáu, đến 4 tuần của Khóa tu Mùa Hè, đến những ngày làm biếng rồi đi Đức, chương trình hằng ngày đều sắp xếp lại cho phù hợp với khóa tu. Vì thế mà một bữa ăn cơm im lặng có chuông và 5 quán với anh em đã phải vắng từ đó. Bữa cơm hôm nay càng đặc biệt hơn bởi vì tất cả những thức ăn đều được trồng từ vườn nhà.

Sơn Hạ chỉ còn mấy anh em trong cả mấy tháng qua với lại những bữa ăn chính cũng đều dùng ở Xóm Thượng cho nên anh em chẳng cần đi chợ mua thức ăn. Thầy Trụ trì là người đảm trách việc làm vườn. Thầy người Bồ Đào Nha, xuất gia đã hơn 10 năm và là người có sự hành trì cá nhân rất miên mật. Mỗi ngày, ngoài giờ công phu với chúng, thầy giành nhiều thì giờ nhất cho vườn rau. Thầy chẳng những biết trồng cà chua, cà rốt, khoai tây, cần, đậu hà lan, bí… mà thầy còn biết trồng cả những thứ rau quả Á Đông như mướp đắng, tía tô, húng, quế, tầng ô… Vườn rau là nơi hành đạo của thầy. Mỗi lần anh em hái rau từ vườn vào để nấu ăn là thầy rất hạnh phúc. Bữa cơm hôm nay vì thế mà thêm một niềm vui.

Từ nhà ăn, tôi về phòng lấy áo khoác và đi thẳng ra đây, với chiếc tọa cụ và máy tính trên tay. Hồi nãy, tôi định mang theo trà và võng nữa, nhưng thấy thế rườm rà quá nên thôi. Hôm nay chẳng phải là ngày làm biếng, tôi chỉ tranh thủ giờ nghỉ trưa, và nếu cần, thêm giờ đọc sách buổi chiều nữa, để viết mấy chuyện vui trong tuần chuyển mùa này.

Nắng to nhưng không gay gắt như nắng hè. Nếu em nhận ra điều ấy thì em đã chạm mặt mùa Thu rồi đó. Thu về ngay sau những cơn nắng ấy. Những ngày này nhiều gió, gió đẩy mây lên cao, cao vút. Mây giăng thành từng giải lụa trắng mong manh, nổi bật giữa nền trời xanh. Lắm lúc, tưởng như có ai đó đang phơi lụa. Giờ này nắng gắt nhất trong ngày, tôi ngồi dưới nắng mà còn phải mặc áo khoác. Gió đã chớm lạnh rồi. Đó, em đã bắt được thông điệp thứ hai của mùa Thu rồi đó.

Những tuần chuyển mùa này cũng là thời gian xanh nhất của đất trời trong năm. Bãi cỏ xanh, những cánh đồng cũng xanh hơn vì cỏ đã lên sau thu hoạch, cây cối lại càng xanh hơn và dĩ nhiên là bầu trời cũng xanh hơn. Nếu em chợt nhận ra sự khác biệt đó tức là em đã nhận mặt được thêm một thiên sứ khác của mùa Thu. Chỉ vài tuần nữa thôi, khi mùa Thu thực sự đến thì chỉ có bãi cỏ xanh, bầu trời xanh thôi chứ ngàn cây không còn xanh nữa. Em hãy vẽ thử một bộ tranh bốn mùa đi, chỉ cần bốn gam màu thôi: xanh, nâu, trắng và tổ hợp màu rực rỡ.

Tôi chẳng phải họa sĩ tài ba, vì thế tôi chỉ biết vẽ mỗi bức tranh bằng ba nét mà thôi. Ba nét nằm ngang, thẳng hay cong cũng được và song song với nhau. Nét dưới tượng trưng cho mặt đất, nét trên tượng trưng cho bầu trời và nét giữa là ngàn cây. Bắt đầu nhé. Xuân: dưới rực rỡ, giữa nâu, trên xanh. Hạ: dưới xanh giữa xanh và trên cũng xanh. Thu, dưới xanh, giữa rực rỡ và trên xanh. Và Đông: dưới trắng, giữa trắng, trên xanh. Em đã vẽ xong rồi đó, nhưng đừng cho ai xem nhé nếu em chưa thật sự muốn đối diện với sự đòi hỏi của những tiêu chuẩn ước lệ.

Tôi đã cố giải thích và cố làm cho người khác hiểu bộ tranh tứ quý của tôi nhưng tôi đã chẳng được gì. Chẳng ai cho rằng đó là bộ tranh tứ quý cả. Nghĩ lại, tôi thấy mình dại dột biết bao khi cố tìm sự thấu hiểu nơi người khác. Một bài thơ, một đoản văn, một bức tranh và cả một ý tưởng hay một chứng nghiệm tâm linh có khi không tìm ra sự đồng cảm. Cố tìm sự đồng cảm nơi một hợp thể danh sắc không được hình thành từ những điều kiện giống mình có khi chẳng mang lại gì hay ho cả. Nếu không may mắn, em có thể thất vọng nữa là khác.

Tôi lạc đề mất rồi.

Cái bóng của ngọn bạch dương mới rồi còn đứng ở mép hồ bây giờ đã đổ dài ra giữa lòng hồ. Mặt hồ bình yên lạ tuy vẫn có sóng lăn tăn. Những cây tầm xuân rậm rạp vươn những tán lá xanh mướt xuống sát mặt hồ. Mấy chú vịt con rẽ nước thành những chữ V đồng dạng lớn dần, lớn dần rồi tan vào lòng hồ lúc nào không ai hay biết. Bên cạnh chỗ tôi ngồi là một đống tro lớn. Mùa Hè vừa rồi, nhiều nhóm người đã đến đốt lửa ở bờ hồ này vào những đêm làm biếng. Đám tro có khi nào nghĩ về quá khứ hào hùng của mình chăng?

Tôi chẳng dám nghĩ tiếp nên nhìn lên trời cao. Bà Nữ Oa vẫn còn đang phơi lụa, trắng cả bầu trời. Mấy chiếc phi cơ kéo những sợi chỉ trắng thẳng tắp như đang cố nối những dải lụa vào với nhau. Tôi ưa nhìn cảnh may vá trên nền trời ấy. Năm sợi, rồi sáu sợi, rồi bảy sợi. Nhưng rồi mỗi sợi tơ trời ấy lại được đôi bàn tay vô hình của Bà Nữ Oa kéo thành một dải lụa trắng. Mỏng dần, mỏng dần rồi dài hơn, rồi rộng ra, rồi được một sợi chỉ khác xuyên qua nối kết với những dải lụa khác, rồi tan đi để cho sợi chỉ vừa đi ngang qua nó trở thành một dải lụa, rồi rộng, rồi dài, rồi được kết nối, rồi tan đi… Bà Nữ Oa thật là người siêng may vá.

Trong những ngày chuyển mùa này em sẽ còn nhận được những thiên sứ rất ngọt ngào. Đào đã chín rồi đó, cả đào vàng, đào trắng và đào tím nữa. Vườn Sơn Hạ năm nay mất đi một cây đào vàng lớn, nhưng hãy còn hơn chục cây khác cả ba loại đang cho trái rất say. Hôm qua, thầy Pháp Dung từ Xóm Thượng xuống chơi, khi lên mang theo cả một giỏ đầy. Vài hôm nữa, khi quả đã chín quá và chẳng còn đợi được nữa, tất cả sẽ được cất thành mứt để dành cho mùa Đông.

Em đi ngang qua vườn sau đi, chẳng cần vươn tay cao làm chi cho phiền, cứ ngồi xuống bãi cỏ, bên gốc đào và hái bất cứ quả nào trong tầm mắt. Ngọt lịm và thanh. Hương đào bây giờ được người ta dùng để làm dầu gội đầu và cả nước thơm nữa. Em cứ ngồi đó và ăn đào đi. Một lúc thôi, hương đào sẽ “ăn” em đó, và cho dù em đã ra tới bờ hồ này, người ta cũng sẽ biết ngay là em vừa từ vườn đào đi ra.

Sung cũng vừa chín tới. Năm nay sung chín muộn. Mùa Đông vừa rồi, tuyết dày quá và lạnh kéo dài làm chết cây đào vàng và còn làm cho cả hàng sung năm cây ngủ quên trong cả hai tháng đầu mùa Xuân. Tôi đã tưởng là chẳng còn được nhìn thấy những bàn tay xanh khổng lồ che mát khoảng vườn ấy nữa. Thế mà sức sống lại trở về, mang theo những bàn tay xanh mướt.

Trong suốt mùa Hè, những bàn tay ấy đã làm việc cật lực để trưởng thành dưới cái nắng chói chang và giờ đây đã mở tung năm ngón nhiệm mầu biểu hiện thành những quả tím, quả xanh ngọt như mật. Quả sung khi chưa chín được người Trung Quốc xưa gọi là nội tử hoa. Lại có sách nói rằng có thể đó chính là hoa ưu đàm mà đức Thế Tôn đã nói đến. Nếu thật thế thì tôi đã ăn mấy mươi quả ưu đàm mất rồi. Trong mấy ngày qua, mỗi ngày tôi ăn ít chi cũng mươi quả. Em có muốn thử không? Hoa ưu đàm nở cùng với sự thị hiện của một bậc giác ngộ. Quả ưu đàm chín khiêm tốn hơn, biểu hiện cùng với sự ngot ngào của một niềm vui. Có khi nào em nghĩ một niềm vui cũng là một sự giác ngộ?

Mấy con cá quẫy nước làm tôi chú ý, chúng bảo rằng hãy bơi thôi, là cá, đâu cần tìm nước nữa. Tôi chẳng hiểu tiếng cá, cũng chẳng am tường thứ ngôn ngữ cao siêu đó nên tôi chẳng nói gì thêm được. Nhưng tôi đã đổi chỗ ngồi rồi. Tuy là nắng không đến nỗi làm tôi nóng nhưng bàn phím phản chiếu ánh nắng làm tôi mỏi mắt. Bây giờ tôi ngồi cách xa bờ hồ hơn, chừng mươi mét. Sau lưng tôi là rừng tùng. Trên đỉnh rừng tùng là rừng sồi. Và trong rừng sồi ấy là tăng xá của Xóm Thượng. Nhích lui mấy mét thôi mà mọi thứ bỗng trở nên rộng hơn. Người ta muốn thấy xa thì phải lên cao, muốn thấy rõ thì phải lại gần, muốn thấy rộng thì phải thoái lui nhưng muốn thấy thật thì phải buông hết những cái cao, cái gần và cái lui ấy; phải thả hết những cái xa, cái rõ và cái rộng ấy. Và có khi là còn phải nhắm mắt lại. Nhắm mắt lại rồi nhìn vào trong, nhìn vào trong thì mới thấy. Cái thật thường hiếm khi chịu để cho người ta nhìn bằng mắt.

Tôi ngồi xuống trên bãi cỏ và chân tôi “thấy” được mấy hạt thông. Thế đấy, một chú sóc nào đó đã dấu những hạt thông và cả hạt dẽ, hạt sồi nữa ở hốc cây này. Tôi không nhặt lấy bởi vì đó là công sức của những chú sóc ấy và có thể nhờ vào vốc hạt bé này mà mùa Đông tới những chiếc đuôi mâu ấy sẽ có được một mùa Noel tiệc tùng linh đình cũng nên. Ngồi xuống, giúp tôi thấy được thêm một loài thiên sứ dễ thương của mùa Thu nữa, những chú sóc nâu. Mùa này, chúng phải tận lực tranh với người mà nhặt hạt. Chúng ngậm hạt ấy trong miệng, chạy liếng thoắng một lúc đâu đó rồi trở về giấu vào dưới một hốc cây ngay gần đấy. Sóc sống nhiều quanh Làng, sống ngay những hốc cây bên cửa sổ. Mùa Đông, có khi chúng còn đến gõ vào cửa kính rồi ung dung gặm những hạt đậu tôi đặt vào mái nhà rồi phóng vút trở về cành cây.

Mùa này người ta thích đi nhặt hạt. Hạt hazel đã chín rồi và bắt đầu rụng. Mấy hàng cây hazel năm nay cho hạt lớn và chắc. Thầy Pháp Đăng nhặt cả một túi lớn mang về phòng vừa đọc sách vừa đập hạt rôm rốp rất vui tai. Hạt chest thì tháng sau mới chín và thường thì sóc sẽ chiếm phần ưu bởi vì hạt này nằm tuốt trên ngọn cao và rụng rất bất chừng. Rụng hạt nào, các chàng sóc tha đi hạt nấy. Có khi chúng lấy trực tiếp từ ngọn cây. Sóc chuyền cành như cá bơi trong nước, uyển chuyển mà điệu nghệ vô cùng. Nhưng những hạt thông và hạt sồi dưới chỗ tôi ngồi đây thì chẳng có ai dành với chúng. Hạt thông rất ngon, nhưng bé quá lại rất khó đập vỡ lớp võ dày của chúng thành thử người ta thích đi mua hơn là đi nhặt cho dù nó là loại hạt đắt tiền nhất.

Hạt sồi nhiều vô kể và người ta không ăn được nên chi sóc vùng này thường chọn những hốc sồi làm nhà. Ai biết được là có chú sóc nào đó cũng từng ngồi vắt đuôi lên vai ngay cửa nhà của mình và đưa tay với lấy bất cứ hạt sồi nào trong tầm mắt rồi thưởng thức cái vị bùi bùi béo ngậy của nó như là em lúc nãy, ngồi dước gốc đào với lấy quả đào trong tầm mắt? Mùa Thu. Còn là mùa của các loại hạt nữa đó. Mùa Đông, bên lò củi với cái chảo có chút cát và muối, một nắm hạt dẻ mùa Thu sẽ làm cho căn phòng thơm lạ kỳ. Anh em tôi thường uống trà, ca hát và nói chuyện với bếp lửa và những chảo hạt dẻ rang thơm tho ấy.

Tôi bỗng thấy mình đang nheo mắt. Nắng đã theo tôi vào tận góc rừng này. Chiều rồi đó. Cái bóng ngọn cây bạch dương đã đổ hẳn sang bờ bên kia. Nắng từ những cội tầm xuân bên bờ hồ phía Tây đã đi qua thắp sáng những người bạn của mình bên bờ phía Đông rồi.

Có những thứ biến chuyển thật nhanh: nắng trong lúc chuyển ngày, ngày trong lúc chuyển mùa.

Tôi vẫn ngồi bên bờ hồ, có nắng và bãi cỏ xanh.