văn – Trước 2014

Mẹ – phân khoa lớn nhất của trường đại học cuộc đời

 

Tiếng suối tình mẹ

Đó là câu nói đi vào lòng tôi mỗi khi nghe lại, đọc lại đoản văn Bông Hồng Cài Áo. Câu nói ấy ở lại trong tàng thức dìu dắt từng bước chân tôi. Hè năm nay tôi hẹn về xóm Trung, (nơi có ngôi chùa nhỏ Pháp Mai, nằm giữa Xóm Thượng và Xóm Hạ, Làng Mai) để nghe lòng mẹ sống dậy trong lòng mình. Bài học này tôi đã học sáu năm qua nhưng vẫn còn muốn học và tôi sẽ không mong có ngày tốt nghiệp khóa học hữu ích và nhiều niềm vui này. Chỉ vài dòng ngắn ngủi của đoản văn mà sao cứ như tiếng suối chảy hoài trong không gian vô tận và sâu lắng như lời quê hương nhắn gọi. Cảm nhận ấy không chỉ riêng mình tôi có được mà trong buổi vấn đáp của khóa tu xuất sĩ tại EIAB cho câu hỏi về lịch sử và hoàn cảnh ra đời các pháp môn Làng Mai. Sư cô Chân Không đã nói: “…thật ra các pháp môn ra đời theo tiến trình sinh hoạt và giảng dạy của Thầy, nhưng trong đó đoản văn Bông Hồng Cài Áo mang theo rất nhiều tuệ giác và tình thương của Thầy. Cũng từ đó, sư cô cảm nhận Thầy có nhiều sự đổi mới trong cách nhìn, chia sẻ, giảng dạy và Thầy đã có thêm nhiều tác phẩm mới…”

 

Thầy giống như một người mẹ
Trước khi chuẩn bị cho các sư con ra đời, Thầy thường chia sẻ mục đích của con đường tâm linh rồi kể chuyện hoàng hậu Ma gia mang thai Thái Tử và có rất nhiều những vị Bồ Tát đã chui vào bụng hoàng hậu để đảnh lễ một vị Bụt sơ sinh. Thầy luôn cười hoan hỷ như nụ cười của một bà mẹ sẵn sàng làm mẹ để con có mặt trong cuộc đời với nhiều hạnh phúc nhất. Đã có một sư em viết thư cho Thầy nói rằng: “Trước khi Thầy nói Thầy giống như một người mẹ thì sư em đã cảm nhận được điều đó rồi”. Tôi cũng cảm nhận được điều đó, bởi Thầy dạy tôi cách hiểu và thực hành tình thương trong cuộc sống hàng ngày. Được đọc nhật ký và sống gần bên Thầy mới thấy chất liệu tình mẹ trong từng lời Thầy chỉ dạy. Thầy hướng dẫn những điều giản dị mà Thầy đã quan sát, học hỏi, chiêm nghiệm, ứng dụng rồi mới hiến tặng và chia sẻ.

Có một buổi chiều, ngồi bên võng, Thầy nói: “Thầy muốn có trung tâm ở Sa Pa, ở vùng cát trắng, ở vùng sông nước…” Các sư con tủm tỉm cười… Thầy vẫn thanh thản, điềm nhiên bên nhịp võng cùng tiếng ca của suối và nói thêm: “Ở đây mới chỉ học được pháp môn, còn quê mình (mỗi miền, mỗi vùng, mỗi nơi) có văn hóa, lịch sử, con người, kinh nghiệm khổ đau và hạnh phúc nữa…, chỉ cần các con có tu thôi. Quê mình đã có một nền văn hóa Phật giáo lâu đời biết yêu Đạo, thương đời, những thiện tri thức ấy sẽ giúp các con. Và Thầy tin rằng mình sẽ làm được…”

Ngồi bên Thầy, được nghe những lời Thầy ân cần chỉ dạy hay ngồi lắng tâm nghe pháp thoại của Thầy, tôi nhận ra mình giờ phút ấy biết tha thứ, buông bỏ, chấp nhận hơn. Có lẽ Thầy có một khả năng đặt biệt nào chăng để mở toang nhiều cánh cửa bí ẩn mà tôi đã vô tình cài then lẫn trốn? Môn học Duy thức cùng hơi thở phồng xẹp của bụng trong nhiều tư thế khác nhau luôn hấp dẫn tôi. Pháp thoại đã là những bài ca, những bài thiền ca lại là những lời kinh vang vọng trong nắng, trong gió, thanh thoát trong trời đất hòa cùng nhịp sống của tăng thân. Tất cả là những bài hát ru thuở ấu thời bên vành nôi mẹ tôi đã từng hát cho tôi nghe. Những lúc đó tôi cũng tập làm mẹ hát ru cho những đứa bé bơ vơ, giận hờn, trách móc, phiền muộn, bạo động, khổ đau, hận thù, tuyệt vọng… trong lòng tôi ngủ ngon.

 

“Ngủ thật ngon
Mộng bình yên
Thần tiên sẽ đưa em vào
Một nơi an lạc
Đầy hoa thơm lạ
Đầy ong bướm và đầy mộng mơ
Rồi ngày mới
Nắng vừa lên
Mẹ hiền cười trong mắt em
Và mẹ hỏi
Thức dậy chưa?
Ơ này hỡi con yêu của mẹ.”

Nghe bằng trái tim, nói bằng trái tim
Vì lẽ đó, một buổi chiều có cơ hội ngồi đưa võng cho Thầy, tôi mạnh dạn thưa: “Thưa Thầy, Thầy bệnh mà Thầy giảng pháp thoại hay quá! Con nghe cách nghe này và nghĩ: sao các trường đại học không áp dụng cách nghe này cho đỡ khổ? (Hình như trong nhịp thở của Thầy có nhịp thở của tôi và của bạn).” Thầy quay sang nhìn tôi mỉm cười rồi nói: “Cái vấn đề không phải chỉ là cách nghe mà vấn đề còn ở chỗ nói. Phải nói từ trái tim, bằng sự thực tập, sự bình an và chất liệu tình thương của sự sống thì người nghe mới nghe được bằng trái tim”. Lời nhắc nhủ của Thầy đã khai ngộ cho tôi về thực tập Giới thứ tư: Ái ngữ và Lắng nghe trong đời sống của mình. Thảo nào có hôm ngồi trong vòng pháp đàm, một nhà Tâm lý trị liệu chia sẻ: “tôi đọc sách và nghe băng Thầy giảng đã nhiều, nhưng về Làng tôi được nghe không qua trí năng mà đi thẳng vào con người mình”. Tôi cũng phải công nhận, từ khi đi tu, tôi nghe pháp thoại có nhiều khả năng nuôi dưỡng và trị liệu hơn hồi tôi còn đi làm, đi học hay ở nhà?

Chiều nay Thầy đã tự tay nấu một nồi cháo hành giải cảm. Ngồi vào bàn, Thầy cười tươi và nói: “Hồi trưa Thầy không ăn nên bây giờ đói bụng.” Nói xong Thầy thong thả múc  cháo, cúng Bụt và còn nói: “Đây là giây phút đói bụng hạnh phúc!”, và ăn ngon lành như không đau bệnh gì hết.

Hộp bánh Lu Thầy trao
Còn nhiều kỷ niệm của Thầy sao giống như những ân tình mẹ tôi đã cho tôi. Hè này khi Thầy chia sẻ về hộp bánh Lu thì tuổi thơ của tôi sống lại, cảm giác bình yên của giây phút hiện tại và niềm vui của hộp bánh Lu đã gặp nhau. Hộp bánh kẽm màu mận chín đã có những vết rỉ của thời gian trở về, bên trong là những bức thư tình bằng giấy mỏng màu xanh, đỏ của ba tôi gửi cho mẹ. Kỷ vật của mẹ thật quý, nhưng vào những năm mới giải phóng, chúng tôi không có gấu bông, rô bốt, game điện tử… như thời nay. Hộp bánh, hộp nữ trang, những bản nhạc có in hình, tô màu, hay những mẫu thêu của dì, của mẹ là đồ chơi của chúng tôi. Lúc còn nhỏ, cả mấy chị em tôi xúm lại đổ tất cả những bức thư ra và chia đều cho nhau chơi, có hôm chúng tôi oánh tù xì để chọn màu mình thích nhất.

 

Lớn lên một chút, chúng tôi bắt đầu đặt những tờ giấy mỏng lên những hình màu để chơi và phát hiện sự đổi màu của các vật dưới cái nhìn thích thú của những đôi bàn tay nhỏ xíu. Đây là một sáng kiến mới để chúng tôi sưu tập những tờ giấy kiếng đủ màu mỗi khi nhận được chiếc bánh in ba mẹ tôi đi giỗ mang về. Kính vạn hoa của tôi ra đời từ những điều tôi tìm gặp, học hỏi trong cuộc sống hằng ngày như thế đấy.

Lớn thêm chút nữa, chúng tôi xin mẹ những khoảng giấy mỏng từ các bức thư đủ màu để cắt dán, hay tập đồ hình… Mẹ đã cho chúng tôi tất cả những gì mẹ thương quý và đã cất giữ suốt bao năm loạn lạc: từ hộp bánh Lu, từ những bức thư, bản nhạc, từ con búp bê của dượng đi Pháp về tặng mẹ lúc bé… Tôi còn nhớ dáng mẹ ngồi cắt những bộ áo dài của mình và sửa lại thành những chiếc áo cho chị em tôi, rồi lụi cụi dưới đèn thêu, đan, may vá… Vì lẻ đó, dù không có điều kiện, nhưng hai chị em tôi luôn sạch đẹp mỗi khi đến trường giữa những cô cậu học trò thiếu tình thương của mẹ

Vậy mà sau này khi chúng tôi lớn lên, mẹ hay xin lỗi chúng tôi vì mẹ đã không may, thêu được những chiếc áo đẹp cho chị em tôi, bởi mẹ là con út và đã có các chị làm giúp, nên những khi học nữ công gia chánh mẹ đã không chịu thực hành. Chỉ đến khi lấy chồng, mẹ mới biết học nấu ăn, may vá, thêu thùa… Cho nên mẹ may không đẹp nhưng mẹ luôn cố gắng để các con có cái thay đổi, đủ ấm và có thể mặc đến trường được…

Hôm sinh em Chút, mẹ phải mổ bướu và phải nằm an dưỡng tại biển Cảnh Dương. Chiều chiều, ba chở hai chị em tôi đi thăm mẹ. Một hôm mẹ trao cho hai chị em hộp bánh Lu thật nặng, trong đầu trẻ thơ của hai chị em cứ nghĩ đó là hộp bánh. Đến khi về nhà mở ra thì toàn là ốc có đủ màu sắc, lớn bé… Để rồi tối tối chúng tôi chơi học đếm số từ những con ốc to, nhỏ, rồi chia gia đình cho nó có đủ ba, mẹ và chị em. Mẹ ơi! cám ơn mẹ đã đồng hành bên chúng con, chơi cùng chúng con trong tuổi thơ của một thời gian khó. Để hôm nay về sống với tăng thân con luôn thấy có mẹ theo cùng với những điều thật bình dị. Hạnh phúc thay khi Thầy đã giúp con khám phá ra phép lạ từ đôi bàn tay gầy gầy và tình thương bao la của mẹ. Con thật hạnh phúc vì mẹ đã là mẹ của con trong cuộc đời này.