văn – Trước 2014

Liệng sợi tơ sen trói con mãnh hổ

 

 

Rồi thì tờ lịch của tháng 10 cũng sẽ phải lật qua để  nhường cho tờ lịch của tháng 11. Hôm nay đã là ngày cuối của tháng.Cuốn lịch treo tường của Làng Mai như người bạn, người thầy thân thiết suốt 10 tháng qua. Ngắm nhìn mãi dòng chữ gợi lên biết bao cảm xúc trong tim: Liệng sợi tơ sen trói con mãnh hổ, liệng sợi tơ sen trói con mãnh hổ, …

Dòng chữ lặp đi lặp lại trong đầu mang theo những biến đổi của cảm xúc. Cảm xúc đầu tiên là của người đọc một câu văn: “ Cách nói quá, hình ảnh đối lập, thậm chí quá đối lập: “Sợi tơ sen – con mãnh hổ”… Cảm xúc cuối cùng – giờ này – là của người đã trải nghiệm, dù mới chỉ một lần nhưng sâu sắc đến không thể quên được: Rằng đó là sự thật, việc trói được mãnh hổ bằng sợi tơ sen là sự thật.

Đó là giờ sửa bài tập hình học không gian cho lớp 11. Buổi học cuối cùng trước khi nghỉ Tết Kỉ Sửu. Thông thường mỗi bài sẽ có một học sinh lên bảng trình bày, sau đó cả lớp sẽ cùng giáo viên chỉnh sửa, hay bổ sung cách làm khác nếu có. Bài tập hôm đó thuộc loại khó, không có em nào làm được, vì vậy giáo viên phải sửa. Sau khi đã trình bày cặn kẽ cách giải, viết lời giải lên bảng xong, tôi nói câu vẫn thường nói: Các con có ai có ý kiến gì không, ai không có ý gì hãy sửa vào tập.

Đúng vào lúc đó, một cậu học sinh ngồi đầu bàn, dãy cuối đứng hẳn ra khỏi chỗ ngồi, tay phải khoát lên làm một vòng tròn, miệng nói: Cô! Con thấy cách này tầm thường lắm!.

Âm hưởng của từ  “tầm thường” cùng với phong cách của em đó như thể có quả bom nổ tung đầu óc tôi. Quá bất ngờ, trong đầu chẳng nghĩ được gì cả thì tự nhiên tôi cảm nhận có hơi thở đang đi vào qua cánh mũi, đồng thời có cục gì nằng nặng đang từ từ đi lên qua bụng, ngực  dần đến cổ họng, tự nhiên tôi đi theo hơi thở vào đó và thở ra từ từ, cứ như vậy, chỉ cảm nhận hơi thở đi vào và đi ra qua cánh mũi, cũng không nhớ là bao nhiêu hơi thở nữa, thì cái cục nằng nặng đó từ từ đi xuống rồi mất ra sao cũng không rõ nữa. Chỉ đến lúc đó tôi mới định thần và cảm thấy không khí lớp học lắng lại, như người ta vẫn nói “con ruồi bay qua cũng nghe thấy”, không một học sinh nào làm gì hết, tất cả đang nhìn lên cô, chờ xem cô sẽ làm gì.

Ý nghĩ đầu tiên vụt đến trong đầu khi định thần lại là “Hay là nó có cách giải khác?”, tôi đi luôn xuống phía em và hỏi:  Bắc Việt ( tên em đó) có cách giải khác chăng? Cũng ngay lập tức tôi thấy ngay vẻ bối rối của Việt và hiểu rằng em không có cách khác, trong khi đó các em khác xôn xao: “đúng rồi cách khác đâu? nói đi!”. Khi đó tôi thấy thương cho cái tình trạng của em quá, và cũng vì đã bình tâm lại, tôi trở về bục giảng và nói với cả lớp: Theo cô, ta chỉ có thể nhận xét một cách giải là tầm thường hay không trong tình huống có một cách khác để so sánh. Còn trong tình huống chỉ có một cách thì dù ta không hài lòng lắm ta cũng chỉ có thể nói nó bình thường. Cô nghĩ ta nên cảm ơn bạn Việt vì hôm nay bạn đã cho chúng ta thấm thía câu thành ngữ “ nhất ngôn xuất hữu, tứ mã nan truy –  một lời nói đi ra, bốn con ngựa khó đuổi”.

Tôi cảm nhận được tiếng thở phào của lớp học. Giờ học tiếp tục, việc dạy của tôi cũng tiếp tục nhưng trong một trạng thái khác trước. Cảm giác nhẹ nhõm như vừa giải xong một bài toán lớn của đời mình mà bao lâu nay bế tắc, hay giống như cắt bỏ một khối u làm mình khổ sở từ nhỏ tới giờ, hay theo như cách nói của Sư Ông là đã trói được con mãnh hổ quấy rối mình bấy nay, con mãnh hổ có tên Sân hận.

Từ nhỏ tôi đã có tiếng là nóng tính, thừa hưởng từ ông ngoại và mẹ, nhưng lại cứ bao biện rằng như vậy là thẳng thắn, bộc trực,… Nhiều hệ lụy cay đắng do nóng giận gây ra làm tôi vô cùng đau khổ và ân hận, để rồi lần sau cơn giận lại đến như một con mãnh hổ, lôi tôi đi khiến tôi lại mắc sai lầm và rồi lai căm ghét bản thân mình, cứ như thế.

Tập thở theo cách Sư Ông chỉ dẫn ở Bát Nhã, tôi cũng không nghĩ có ngày thành công như trên, nhưng mỗi khi chú vào hơi thở cảm thấy khỏe khoắn, dễ chịu nên thích thú làm theo, tính đến ngày xảy ra sự kiện trên đây là  được khoảng 1 năm.

Trải nghiệm bản thân khiến mỗi khi nhìn lên tờ lịch tháng 10 có dòng chữ “Liệng sợi tơ sen trói con mãnh hổ” của Sư Ông, thế nào trong đầu tôi cũng hiện ra ý nghĩ “Ông già tinh quái quá, Tuệ giác là thế này đây”. Có những lần nhìn như vậy tự nhiên nước mắt tràn ra, nước mắt của lòng biết ơn Sư Ông và pháp môn của Người.

Không thể nói là sau sự kiện trên thì bầy mãnh thú Sân hận không còn làm gì được tôi nữa, chúng vẫn quấy rầy tôi, nhưng thiệt hại mà chúng gây ra đã giảm thiểu rất, rất nhiều.

Chưa hết, tôi còn muốn chia sẻ hồi kết đẹp của sự kiện trên: Giờ học đầu tiên sau nghỉ Tết, tôi bước vào lớp thì đã thấy trên bàn giáo viên ai đó đặt một bó hoa hồng vàng rất đẹp. Chắc hẳn tôi đã cười rất tươi khi nói với cả lớp: Lớp ta năm nay hên rồi nha, đầu năm có hoa hồng vàng vào lớp thế này chắc cả lớp học hành tấn tới lắm. Ai là tác giả của cái hên này cho cả lớp biết mà cảm ơn chứ. Tôi thật bất ngờ và vui sướng khi thấy người đứng lên cũng từ dãy cuối đầu bàn đó: Em Bắc Việt. Em đã xin lỗi cô ngay sau giờ học đó, còn lúc này cả hai cô trò cùng cả lớp đều hạnh phúc  Tôi đã lưu lại bó hồng đó, xin được chia sẻ với tất cả những người thân thiết của tôi: Gia đình, bạn bè, học trò.

Ước mong sao chia sẻ này có thể giúp cho những ai đang bị quấy rầy bởi lũ mãnh hổ: Giận hờn, ganh tỵ, tuyệt vọng, … Việc tập thở ở nhà là chính, nhưng hàng tháng, hay nửa tháng, hay tuần cũng nên gặp những người cùng tập với mình để “nạp năng lượng”. Hiện nay vào Chủ Nhật thứ ba của tháng tôi thường đến chùa Pháp Vân (số 1 – Lê Thúc Hoạch, quận Tân Phú) để tập thở và Chủ Nhật thứ tư thì đi “tu pic nic”, nghĩa là tập thở ngoài trời, cùng các bạn đồng tu.

 

Ngày 30 tháng 10 năm  2011

Đào Thị Ngọc Trâm – Tâm Nguyệt Oanh