Làm ra một niềm vui
Món quà giản dị
Hôm nay ba xóm bốn chùa có một buổi ngồi chơi kể cho nhau nghe những kỷ niệm của mình với Thầy. Mỗi xóm đã có một tiết mục văn nghệ góp phần cho buổi sinh hoạt hôm ấy thật ấm cúng. Đó là món quà giản dị của những người con đang sống và tu học tại Làng. Niềm vui lớn là được ngồi lại bên nhau, rồi cùng nhau chia sẻ những gì Thầy đã gieo trồng bằng nếp sống thường nhật với rất nhiều cảm hứng được sống, tu học và cùng giúp nhau chuyển hóa. Thầy vẫn thường nói: “Thầy trò mình đang cùng nhau leo đồi thế kỷ…” Làm sao quên được giọng nói đầm ấm của Thầy cùng bức tranh sư chị Thao Nghiêm vẽ treo ở Sơn Cốc. Trong tranh, Thầy cùng trò đã lên tới đỉnh đồi, cùng ngồi chơi với gió mát, trăng thanh và nhìn xuống đồi thấp thoáng những tàng mận xanh non, những tà áo nâu đang từng bước thong dong, tĩnh lặng tiến lên…; bên kia đồi, những làn khói mỏng từ ống khói lò sưởi nhà ai bay lên không trung như một nén hương bình an hiến dâng cho đời… Giờ phút ấy thật là mầu nhiệm quá thưa Thầy.
Những người con may mắn
Những kỷ niệm thân thương bày ra trước mắt như khi chúng con được Thầy cho phép vào phòng Thầy chơi, chúng con bắt gặp hình ảnh các sư cô tưới nước, quét lá, đi thiền hành, ngồi chơi… được vẽ, tô màu từ đôi bàn tay khéo léo của sư chị Duệ Nghiêm con, sư chị đã cắt rồi dán bằng sáp như thể chúng con đang đứng, đang ngồi, đang cùng chơi cùng Thầy cả ngày… trông như một hòn non bộ tí hon dễ thương… Thầy đã nuôi lớn chúng con và chúng con cũng đang cùng nuôi nhau lớn lên với tất cả niềm vui và khó khăn mà chúng con đang gặp phải. Hôm nay ngồi lại bên nhau chúng con cùng thắp sáng ý thức rằng: chúng con là những người con may mắn khi Thầy còn đó để dìu dắt chúng con trong sự thực tập bình an, thảnh thơi, vững chãi và đầy tình thương yêu.
Tình thương ấy cho chúng con “Nguyện về đây học tiếng nói loài người“, để rồi mấy hôm nay chúng con tự nguyện tham gia văn nghệ thật là hào hứng. Dù mới Làm Biếng xong, chúng con đã chấp tác, dọn dẹp xóm cho những ngày Quán Niệm đầu tiên của Khóa Tu Mùa Thu nên khá nhiều việc, nhưng ai cũng hăm hở ngồi lại làm ra một niềm vui dâng lên Thầy nhân ngày Thầy biểu hiện. Sau một hồi đưa ra ý kiến thì quý sư chị sư em Xóm Mới đã cùng chọn chương 28 – Đỉnh Cao Nghệ Thuật trong tác phẩm Đường Xưa Mây Trắng để cùng nhau diễn xuất. Bởi ai cũng cảm thấy được nuôi dưỡng khi nhớ lại hình ảnh được xuống tóc theo Thầy học đạo. Niềm vui ấy là động cơ giúp mỗi chúng con cùng có mặt bên nhau và cảm nhận tình anh chị em trong gia đình tâm linh.
Xin cho em Đệ Nhị Thân
Vậy mà khi bắt tay vào thì không dễ, trở ngại đầu tiên là chọn vai diễn, không ai chịu đóng vai vũ nữ hết, không khí chìm xuống khi nghe đề nghị tới tên mình. Sau hơn nửa buổi bàn luận, một trong số những sư em được đề nghị đồng ý nhận vai diễn với điều kiện: “cho em Đệ Nhị Thân đi!”
Trời, chọn một người chịu vào vai diễn đã khó giờ lại xin thêm một người nữa?
Nhưng sư em lên tiếng: “Sư chị ơi, sư em thực tập còn yếu lắm. Đi vào vùng nguy hiểm em cần có đệ nhị thân yểm trợ”
Câu đề nghị này nghe có vẻ quen quen và hợp lý nên mọi người quyết định sửa kịch bản “….một cô vũ nữ thành vài cô vũ nữ…”
Thế là xong phần một, bây giờ mình diễn thử đi…
Tiếng một sư chị đề nghị: “Alo, mỗi người hãy chọn cho mình một loại nhạc cụ, một phong thái công tử Ấn Độ và sẽ tự chuẩn bị trang phục cho ngày mai nhé! Thời gian có hạn mà! Sư chị, sư em con nhìn quanh thiền đường, sư chị Thao Nghiêm cười vui vẻ khi tìm ra cây đàn đứt dây, gãy cán lẻ loi nằm ở một góc, sư chị Duệ Nghiêm chọn một khúc tre tạm làm ống sáo, sư em Phượng Nghiêm vui mừng tìm ra chiếc trống con con để quên trong dịp lễ Trung Thu vừa rồi…
Thế là mọi thứ đã sẵn sàng… nhưng ai sẽ đọc đây? Mọi người dừng lại nhìn quanh và đề nghị sư chị Uyển Nghiêm đọc. Nhìn quanh chẳng thấy sư chị đâu cả? Một sư em ở cùng phòng sư chị thưa: “sư chị con mới đi chợ về… còn nghỉ.” Mọi người tiu nguỷu… nhưng lại có tiếng thưa rằng: “Đi mời sư chị đi mà!”
Thế là một hai sư em mau mắn: “Để em. Để em.”
Trong khi chờ đợi sư chị, mọi người góp ý cho vũ nữ múa… Phút chốc cả nhóm đều trở thành đạo diễn. Hai sư em trong vai vũ nữ lên tiếng: “Em đóng xong rồi đừng chọc em nghe…” Mọi người cùng nhau cười nhất trí.
Tài nghệ ngoại giao vốn có của sư em Tráng Nghiêm và sự hồn nhiên của sư em Phương Nghiêm đã chinh phục được sư chị Uyển Nghiêm rời tệ xá đến cùng tham gia lễ hội. Các sư chị, sư em vui vẻ đón chào sự hiện diện của sư chị. Trời ơi sư chị không những chịu đọc mà còn hết lòng góp ý: “Mình phải diễn cho sống động lên. Thanh niên gì mà giống sư cô quá, hiền quá đi thôi…” Cả nhóm toát mồ hôi vì diễn đi diễn lại mà vẫn ngoài mong đợi của người đọc.
Bong… Bong… Bong… tiếng chuông báo giờ ăn cơm rồi. Buổi tập tạm dừng tại đây.
Đến hẹn lại lên
Vở kịch còn dang dở, mọi người đang cùng nhau leo đồi thế kỷ nên háo hức xin ngày mai được tập tiếp. Có lẻ lúc đi xuất gia ai cũng háo hức và có nhiều niềm vui thì hôm nay mới có được không khí này. Cộng thêm tình Thầy nghĩa bạn hun đúc lâu nay mới làm nên một buổi tập văn nghệ sống động và đầy ắp niềm vui.
Ngày mai, đến hẹn lại lên, một sư em đã đem tất cả vải đủ màu từ phòng may ra thiền đường để cùng nhau hóa trang. Những tấm vải màu thật khó kiếm ở tu viện, nhưng hôm nay có đủ xanh, đỏ, vàng, tím, trắng… Thế là các sư chị sư em quấn từng tấm vải lên người. Bây giờ có thêm các sư chị sư em khác làm khán giả vòng ngoài phụ họa hóa trang và góp ý: “nhớ quấn khăn chít đầu và đeo nữ trang nữa nghen.” Sư cô Trúc Diệu nhẹ tay điểm cho mỗi cư chị sư em một chấm nhỏ trước trán nữa. Cảm giác này giống như một gia đình nhỏ quây quần bên nhau hát, múa, đóng kịch cho nhau xem, và ba mẹ luôn làm khán giả trung thành với tài diễn xuất của các con…
“Mình diễn thôi, mai sẽ hóa trang tiếp nào!” – tiếng sư chị Uyển Nghiêm nhắc nhủ. Phút chốc mọi người trở về vị trí chuẩn bị, rồi lời đọc, điệu múa, niềm vui… được tái diễn. Có tiếng kích lệ: “vũ nữ ơi quay đi, hiền quá không giống chi hết à! Các chàng trai ơi, ngồi cho khí thế nào, ngồi cho đẹp và để ý tà áo nữa nghe…” Thế là các sư em cười vui vẻ tiếp nhận và hành trì theo lời sư chị chỉ dẫn.
Đang đọc, sư chị Uyển Nghiêm dừng đọc nhắc nhủ: “Trời ơi, mất của mà cười vậy thì không được rồi, phải hoảng hốt, giận dữ lên…”
Mọi người thấy khó quá vì lâu nay ai cũng muốn chuyển hóa cơn giận, ăn hết cơm chùa mà bây giờ phải tập giận cho ra giận thì làm sao đây? Nhất là đang vui như thế này mà bảo là giận thì thiệt là khó!!! Nhưng mọi người cũng cố gắng với ý thức: “con đang mời hạt giống giận lên biểu hiện trên khuông mặt, cánh tay, giọng nói…. và con cũng đang có mặt đó để chăm sóc em giận.”
Giai đoạn khó khăn đã đi qua, đến phần được gặp Bụt, mọi người vui mừng như thoát được vòng nguy hiểm để được trở lại đời sống xuất gia. Niềm vui tự nhiên đến khi thấy sư em trong vai Bụt đang đi từng bước thảnh thơi, trên tay cầm bình bát… Hai cảnh vật cuộc đời được biểu hiện trong một trời gian ngắn mà làm sống lại cái buổi ban đầu. Niềm tin nơi mỗi bước chân vững chãi của Bụt hiển hiện trong từng bước chân chậm rãi của sư em làm cho các chàng trai và mọi người cảm nhận sự bình an nơi đây, nơi mình đang sống và tu học
Gặp Thầy
Để rồi vào một buổi chiều Quán Niệm, quý sư chị sư em xóm Mới duyệt lại lần chót với giọng đọc của thầy Giới Đạt. Vào lúc 3h chiều các sư chị sư em đi như một dòng sông nên chiều nay trong trang phục và nét vẽ của sư chị đã biến các sư cô thành các chàng thanh niên rất ư là “đẹp trai”. Sư út Đôn Nghiêm cặm cụi vẽ lên đầu sư chị những lọn tóc xoăn trông rất giống Bụt thời ấy.
Đến hẹn rồi, rừng Bạch Dương xào xạc lá thu dưới từng bước chân, cả đoàn thanh niên hăm hở đi về hướng sân khấu, những chiếc lá bạch dương nhè nhẹ rơi xuống trong nắng chiều lấp loáng, mọi người đang ngồi yên theo dõi hoạt cảnh trong tiếng sáo, tiếng gió, cùng lời thoại… Cảm giác được ngồi bên Bụt, được cạo tóc xuất gia đã làm mới lại chí nguyện buổi ban đầu. Lời người đọc dẫn người nghe qua rừng thu ngập nắng và lá trong một không khí bình yên đến lạ. Tiếng sáo du dương cùng với phong thái an tĩnh của Bụt hòa cùng niềm vui của các chàng trai khi được trở về nương tựa ba ngôi báu đã làm cho không khí trở nên linh thiêng ấm áp. Lúc đó chúng con như gặp được Thầy trong bước chân của sư em cùng nụ cười ánh mắt sáng ngời sự sống cùng lời văn dịu ngọt: “Thổi sáo hay không phải chỉ do tập dược nhiều. Sở dĩ tôi thổi sáo hay vì tôi đã tìm ra được chính tôi. Nghĩa là tôi đã tìm ra được đạo giác ngộ. Em không thể đạt tới chỗ tuyệt vời của nghệ thuật, nếu em không lên tới được chỗ tuyệt cùng của tâm linh. Vì vậy nếu em muốn thổi sáo hay thì em phải tu học theo con đường tỉnh thức.”
Lời dạy ấy đã đi vào trái tim các chàng trai, họ cùng xuống tóc theo Thầy về xóm Mới tu học đạo tỉnh thức trong cuộc hành trình tìm lại chính mình.
Dư âm của nềm vui
Vỡ kịch ngắn đã kết thúc nhưng dư âm của niềm vui vẫn còn đọng lại với những lời thỏ thẻ: “Trời! Tay sư chị… mà em thấy như tay Thầy vậy đó. “Một sư em khác kết luận: “Em thấy vui quá, vui từ đầu tới cuối, vỡ kịch của mình thành công rực rỡ!”
Niềm vui đó khiến chị em chúng con rủ nhau khi về nhà sẽ xem lại niềm vui. Đúng như dự định, tối nay được làm biếng, cả nhóm đạo diễn, diễn viên cùng kéo nhau về phòng học khu Phật Đường tại Xóm Mới cùng xem lại vai diễn của mình. Loay hoay với mấy cái máy lỗi thời đến hơn 2h mới gặp được dung dang của chính mình, mọi người cười vui vẻ khi ôn lại những giây phút là thế.
Một sư em xem xong ra vẻ trầm ngâm đưa tay xin hỏi: “sư chị ơi sao người ta không đóng phim Đường Xưa Mây Trắng nữa hở sư chị?”
Sư chị trả lời cho sư em: “Vì đạo diễn muốn sửa kịch bản: Bụt có thần thông nên bộ phim không tiến hành được…”
Sư em nhăn xị nói: “Tiếc nhỉ? Nhưng mà em thấy làm Bụt như sư chị Q.N dễ thương và đẹp mà! Đâu cần thần thông đâu. Lúc trước em cũng thích Bụt có thần thông, nhưng bây giờ sư em thích Bụt đi đẹp như hồi chiều vậy…”
Sư em còn bình thêm: “Hồi chiều Bụt đi trong rừng thu đẹp quá sư chị hí? Chắc thường ngày sư chị Q.N cũng đi thiền hành đẹp như vậy rồi… Và bây giờ em đã hiểu vì sao Thầy yêu cầu đoàn làm phim Đường Xưa Mây Trắng ở lại Làng thực tập ít nhất là một tuần trước khi đóng phim.
Nhìn vẻ mặt hân hoan của sư em như vừa khám phá ra một niềm vui lớn, niềm vui đang được thật sự sống đời sống xuất gia cùng Bụt, Tổ, Thầy và huynh đệ của mình. Niềm vui ngời lên trong dáng đi, nụ cười, giọng nói. Đi được một quãng, sư em quay lại hỏi: “Sư chị ơi, hay là mình đóng tiếp các chương khác của Đường Xưa Mây Trắng đi!”
Sư chị thầm nghĩ: “Không biết chương sau có cơ hội hình thành hay không? Và với hai ngày ngắn ngủi có chung được niềm vui gửi tặng nhau như hôm nay không? Điều đó còn tùy vào sự thực tập của mỗi sư chị sư em mình trong đời sống hằng ngày nữa. Nhưng lời Thầy từng gửi gắm: “Thương yêu và tin cậy” đã là câu thần chú cho niềm vui có nhiều cơ hội hiển hiện lại mà. Đúng không sư em dễ thương.”