văn – Trước 2014

Hiện hữu nhiệm mầu

Đến để mà thấy

mỗi bước chân đi vào Tịnh Độ

Đây là lần thứ hai tôi tham dự khóa tu 21 ngày. Lần thứ nhất cách đây tám năm, năm 2004, lúc tôi còn là một cư sĩ. Và lần này, năm 2012, với tư cách là một xuất sĩ. Tám năm là một thời gian đủ dài để ký ức trở thành mờ nhạt, thường thì những gì còn sót lại chính là những gì ấn tượng nhất mà mình đã đi qua. Tôi nghĩ đến những gì ấn tượng nhất mà khóa tu năm 2004 đã để lại trong tôi. Đó chính là sự gặp gỡ và trao đổi với những người bạn tu đến từ bốn phương trời, phần lớn là những vị giáo thọ cư sĩ và những vị đã thọ giới Tiếp Hiện đầy kinh nghiệm trong thực tập và trong công tác xây dựng tăng thân. Tôi nhớ đến cái năng lượng dồi dào mà mình đã được đắm mình trong đó ba tuần lễ. Lần đó tôi ở Xóm Hạ. Sư Ông giảng và đào sâu tất cả những gì liên quan đến tàng thức và mạt na thức. Tôi nhớ một giáo thọ kỳ cựu người Canada tên là Lan, đã có một số sách về thực tập chánh niệm đã được xuất bản, nói với tôi: “It’s wonderful to see a master at work.” Tôi không biết dịch ra tiếng Việt sao cho hay và chính xác, tuy vậy qua câu nói đó tôi có thể cảm được sự ngưỡng mộ của Lan đối với Sư Ông về cách Sư Ông chuyển tải giáo pháp đến với mọi người, đặc biệt là với một đề tài không dễ chút nào như vậy.

Tôi nhớ lại không khí của những buổi pháp đàm, thường là rất nhẹ nhàng và nuôi dưỡng, lâu lâu cũng có một chút nước mắt, nhất là của những người mới bắt đầu thực tập và lần đầu đến Làng Mai, còn lại là những chia sẻ về các thực tập ứng dụng, cụ thể và hữu ích từ kinh nghiệm của những người thực tập lâu năm. Giờ đây khi ngồi viết lại những dòng này tôi  có thể cảm thấy lại được năng lượng hạnh phúc đó, nó giống như một hơi thở khỏe khoắn, làm nở nang lồng ngực của tôi và làm cho tôi phải mỉm cười. Tôi biết tôi được hưởng sự có mặt và năng lượng an lành từ Sư Ông, từ quý thầy, quý sư cô, cùng các bạn thiền sinh đến thực tập và làm việc  ở làng. Tất cả đều có sự đóng góp, có một bàn tay đỡ đần, có một trái tim yêu thương để năng lượng lành mà tôi cảm nhận trở thành một hiện hữu nhiệm mầu.

Và bây giờ là tám năm sau, tôi có mặt ở Khóa tu 21 ngày lần thứ hai, lần này trong tấm áo nâu của một người xuất sĩ, với đầu tròn áo vuông như người ta thường nói. Ở Làng Mai, trong những khóa tu lớn như thế này thiền sinh thường được chia vào những gia đình để cùng làm việc và pháp đàm chung trong suốt khóa tu. Mỗi gia đình sẽ có một giáo thọ xuất sĩ hướng dẫn pháp đàm, một vị xuất sĩ hướng dẫn làm việc, và nếu “sang” hơn một chút thì được thêm một staff là cư sĩ.

 

Hiến tặng niềm vui

thức ăn này là tăng phẩm của đát trời

Pháp môn thực tập của Làng Mai chú trọng vào sự ứng dụng đạo Bụt trong đời sống hàng ngày cho nên một ngày tu ở Làng thường được sắp xếp để phản ánh tinh thần đó. Thiền sinh đến làng được học đi, học thở, học lắng nghe, học nói năng tiếp xử, học rửa bát rửa nồi, nhổ cỏ, trồng hoa, tưới cây, sắp xếp thiền đường, cắm hoa, cắt gọt rau cải chuẩn bị cho các đội nấu ăn v.v.v.. Tất cả những việc này đều được làm trong chánh niệm. Thời khóa thường khít khao, có khi hơi bận rộn một chút, giống y như ở bên ngoài. Điều khác nhau duy nhất là trong làng mình được làm trong chánh niệm, cùng với những người cũng tập làm trong chánh niệm như mình, mình được bận rộn một cách … thảnh thơi và không để công việc trở thành một sức ép hay sự chịu đựng. Nhất là mình làm tất cả những việc mình cần làm trong tinh thần hòa ái, có tình huynh đệ, thưởng thức công việc mình làm và có mặt hết lòng trong từng giây từng phút. Dĩ nhiên là lâu lâu mình cũng thất niệm, đôi khi mình cũng quạu quọ một chút trước những bất như ý, nhưng mình được ở trong một môi trường thực tập dễ thương nên có muốn … khó khăn, khó tính hay khó chịu lâu cũng không được. Thiền sinh đến đây tập thiền không những chỉ lúc ngồi trong thiền đường, trên tọa cụ, mà còn tập thiền mọi nơi mọi lúc. Bất cứ việc gì mình làm trong cuộc sống hàng ngày đều có thể trở thành đối tượng của thiền chánh niệm được hết.

 

tôi gửi tôi cho đất, đất gửi đất cho tôi

Trong tinh thần đó, tôi đã làm việc, thực tập và chia sẻ với gia đình “cây cảnh” – chăm sóc cây vườn hoa và cây cối quanh chùa – trong suốt 21 ngày tu. Nhiệm vụ chính của tôi là đến nhận gia đình vào ngày đầu tiên của khóa tu rồi từ đó hướng dẫn họ cùng làm việc vào thời gian chấp tác (chấp tác là tiếng trong chùa dùng để chỉ làm việc). Giờ chấp tác có nghĩa là giờ mình đi làm việc trong chùa. Trong khóa tu, trung bình mỗi ngày có từ một tiếng đến một tiếng rưỡi đồng hồ trong thời khóa dành cho chấp tác. Tùy theo công việc mà gia đình mình đảm trách, có khi mình phải làm vào thêm cả những lúc khác… và đến giờ chấp tác thì mình được nghỉ. Thí dụ như gia đình rửa nồi, dọn dẹp chẳng hạn, phải chấp tác sau mỗi bữa ăn. Gia đình cây cảnh của tôi thì chỉ làm việc trong giờ chấp tác chính thức. Thỉnh thoảng cũng có người nhiệt tình “làm ngoài giờ” vì muốn cống hiến thêm cho đại chúng.

 

Tiến trình khoa học

mỗi cái nhìn thấy được pháp thân

Theo thông lệ, Khóa tu 21 ngày thường  quy tụ về những thiền sinh và những vị giáo thọ gắn bó với làng, với Sư Ông trong nhiều năm. Năm nay cũng vậy, không ngoại lệ, nhất là năm nay làng kỷ niệm sinh nhật 30 năm. Tuy nhiên cũng có nhiều người đến lần đầu vì bị hấp dẫn bởi chủ đề của khóa tu “The Science of the Buddha”. Họ đến với mong đợi sẽ được nghe nhiều về khoa học và đạo Bụt. Họ nghĩ sẽ có nhiều khoa học gia đến giảng về khoa học và nhiều người có hơi thất vọng vì thấy tuần đầu Sư Ông toàn giảng về ngồi thiền, đi thiền, thở vào thở ra và giây phút hiện tại nhiệm mầu. Họ sốt ruột chờ đợi Sư Ông nhắc đến hai từ khoa học. Mãi rồi đến gần cuối tuần thứ nhất cũng có một khoa học gia nổi tiếng đến nói chuyện và đối thoại với Sư Ông, dù là khoa học gia đó đã đến tham dự từ đầu khóa tu. Chúng tôi cười vui vì biết là Sư Ông muốn cho mọi người, kể cả nhà khoa học nổi tiếng đó có một cơ hội để tu trước chứ không chỉ là cho họ thỏa mãn trong việc thu thập kiến thức, dù là kiến thức về khoa học trong Đạo Bụt.

 

đem ý thức tinh chuyên phòng hộ

Gia đình cây cảnh Thủy Tiên Tươi Thắm của tôi lãnh nhiệm vụ chăm sóc cây cảnh của chùa Từ Nghiêm, Xóm Mới. Làm cỏ, tưới hoa, trồng cây, tỉa cành, nói tóm lại là làm cho khung cảnh trở nên gọn ghẽ một chút là nhiệm vụ của chúng tôi. Đây là loại công việc mà nếu không làm một ngày thì cũng không ảnh hưởng gì đến “đại cuộc”. Có nghĩa là khóa tu vẫn tiếp diễn mà không có gì đáng tiếc xảy ra. Tưởng tượng nếu gia đình rửa nồi hay cắt gọt mà không làm việc một ngày thôi thì sẽ “đáng tiếc” biết chừng nào. Vì khi đó đội nấu ăn (chỉ có 4 người thôi) sẽ không có nồi sạch để nấu và không có rau cải để nấu ăn cho hơn 200 người tham dự khóa tu của Xóm Mới. Tôi đã lãnh một gia đình phần lớn là những người trên 40 cái xuân xanh, những người mới bắt đầu thực tập và những người đến làng lần đầu tiên, có vẻ rất trầm, vẻ mặt ai cũng có vẻ lo lo làm sao ấy. Tôi cố tìm một chút lửa sôi nổi, hứng khởi và nhiệt tình của những người háo hức khi mới đến làng lần đầu, nhưng mà không có. Làm việc thì chỉ một vài người là có mặt thường xuyên, còn lại thì lác đác đi pháp đàm. Đến giờ ăn thì khá hơn một chút, tương đối đủ mặt.

 

Một con người mới

Đến tuần thứ hai, gia đình được tăng cường một số thiền sinh mới, trong đó có những người đã thực tập lâu và có cả những vị Tiếp Hiện. Tuy nhiên không phải vì thế mà tình hình đổi khác dù là năng lượng có mới mẻ và vui tươi hơn. Sự thay đổi diễn ra rất từ tốn và tế nhị, tôi nghĩ là nhờ vào những bài pháp thoại của Sư Ông, sự tiếp xúc và cọ xát với những thiền sinh nhiều kinh nghiệm khác, những thuyết trình về Năm giới hay Mười bốn giới, những thực tập thiền lạy, những chia sẻ hết lòng của quý sư cô giáo thọ và cả những chia sẻ của các sư cô còn rất trẻ, cả tuổi đời lẫn tuổi đạo. Nói tóm lại là tôi không thể đơn cử ra một lý do duy nhất làm cho gia đình tôi trở thành một gia đình dễ thương và làm việc một cách hết lòng, gắn bó và ăn ý. Điều này có thể được nhìn thấy rất rõ vào cuối tuần thứ 2. Mọi người siêng đi pháp đàm hơn, siêng đến với nhau hơn, biết trân quý nhau hơn, bắt đầu nhận ra là sự gặp gỡ nơi đây không phải là một sự ngẫu nhiên.

 

thực tập nương nhờ hơi thở

Đến tuần thứ ba thì những gì sâu nhất trong lòng mọi người đều mở ra cho nhau thấy, khóc với nhau, cười với nhau và học hỏi lẫn nhau. Quý sư cô giáo thọ trong gia đình tôi đã khéo léo hướng dẫn mọi người nói đến những điều khó nói nhất bằng cách chia xẻ kinh nghiệm của chính mình, ví dụ như nói về cái chết, về sự mất mát, về sự thất bại của chính mình, và làm sao để mình đứng lên và đi tiếp nhờ vào sự thực tập. Vào ngày sắp phải chia tay ai cũng thấy mình là một người mới, và chúng tôi đều thấy về nhau như vậy. Có những người thật sự nở ra như một đóa hoa so với lúc mới tới làng. Ai cũng thấy hứng khởi, có hoạch định tương lai cho sự thực tập của chính mình, nhất là những người mới. Có người muốn xây dựng một tăng thân ở địa phương mình để tiếp tục thực tập, người đang hướng dẫn tăng thân thì có nhiều ý mới để về chia xẻ khi trở về nhà. Buổi Làm mới ai cũng khóc, thiền sinh và quý sư cô đều khóc. Khóc vì thấy và cảm được cái đẹp của từng người, thấy được giáo pháp sao mà nhiệm mầu đến vậy. Hơn tất cả là thấy mình đã đến và đã nếm, đã thấy và đã nghe.

Tôi chỉ nằm trong một gia đình nhỏ nên tôi chỉ có thể chia xẻ ở đây một góc nhỏ cái thấy của mình. Tôi tin là quý sư cô, sư chị, sư em khác; quý thầy và những người đã tham dự nhiều khóa tu hơn tôi đều đã đi qua những kinh nghiệm tương tự như thế. Nhìn thấy thiền sinh chuyển hóa, nở ra như một bông hoa, có hứng khởi để tiếp tục trên con đường thực tập là niềm vui bất tận của Sư Ông và của sư anh sư chị sư em chúng tôi.

Chân Trăng Mai Thôn

nụ cười cho đời