văn – Trước 2014

Đá

Ở Vườn Nai có các thầy, các cô rất dễ thương. Xe đến nơi, bước lên sườn đồi, nhìn thấy khuôn mặt một sư cô, một sư chú thôi, là tự nhiên hai lá phổi mình tự động hít một hơi dài sung sướng. Thế là quên hết những gió bụi dọc đường. Gặp một người quen, chắp tay búp sen, mỉm cười; chẳng cần nói một câu, trong giây lát trao đổi nhau biết bao nhiêu niềm thân thiết.

Thế nhưng mà (phải xin quý thầy, quý cô ở Vườn Nai tha lỗi), mỗi lần trên đường tới Vườn Nai, trong lòng tôi nôn nao một niềm vui nho nhỏ. Muốn quên nó đi không được, cứ dìm nó xuống lâu lâu nó lại ngoi lên. Đó là cái cảm giác hạnh phúc biết mình sắp được gặp các tảng đá. Khi xe leo lên dốc quanh sườn đồi, miệng mở ra nhoẻn những nụ cười đầu tiên, là lúc nhìn thấy mặt các anh chị đá xếp hàng hai bên đường, như những người bạn cũ chung thủy. Mà cứ y như rằng, hễ mình mỉm miệng cười thì các anh các chị đá cũng cười theo đáp lễ. Còn như nếu mình mải nói chuyện quên không cười chào thì các anh chị đá vẫn bình tĩnh trầm ngâm, không một lời hờn trách bao giờ!

Có lần đi lang thang trong tu viện, qua xóm Vững Chãi, qua các dãy nhà tạm trú của các thiền sinh, đi sâu vào phía trong, sau những mảnh kiếng thu điện mặt trời, theo con đường mòn xuống thung lũng, tôi gặp một tảng đá thật lớn, cao quá đầu người, bề mặt phẳng gần bằng một cái chiếu vuông. Đây rồi! Đứng lại, chắp tay chào, nhìn tảng đá mà thở một hơi dài, không khí núi ngập đầy hai lá phổi! Tảng đá này chắc phải là anh, chị em ruột với một tảng đá ở Làng Cây Phong mà tôi vẫn đến chào mỗi khi về Làng. Leo lên trên mặt bằng phẳng, tôi cũng ngồi xuống, xếp hai chân lại, thẳng lưng lên, sung sướng được thở ra thở vào cùng với đá. Một vài lần như vậy, tới một bữa tôi liếc nhìn sang phiến đá bên cạnh, chợt thấy một cái tọa cụ có ai đã cất dưới chùm lá cây. Tọa cụ được giấu kín dưới khe đá để che cho khỏi ướt nếu trời mưa! Thật là vui, khi biết có thêm người đã ngồi trên tảng đá này! Chắc một thầy, hay một sư cô nào đó đã tới đây xin kết bạn thân với anh, chị Đá này nhiều lần trước. Chắc từ lâu rồi, người bạn đá ấy đã tới đây ngồi nhiều lần cho nên mới đem cả tọa cụ tới cất một chỗ! Khi đứng dậy chắp tay vái chào từ giã anh Đá, tôi cũng gửi một lời chào cho người bạn đá ấy – mà tới giờ tôi chưa biết là ai, hay là những ai!

Không biết tu đến kiếp nào mình mới buông bỏ được tấm lòng yêu đá. Tình yêu, như chúng ta thường bảo nhau, chẳng ai biết nó là thế nào! Đó là một tâm trạng rất khó phân tách rõ ngọn nguồn. Chỉ biết, không gặp mặt thì nhớ, chờ nhau lòng khấp khởi, trông thấy nhau thì hớn hở vui mừng. Gặp nhau không ai nói với ai một lời, nhưng biết bao nhiêu nỗi niềm được truyền qua lại, không thể định nghĩa đó là những nỗi niềm gì. Từ nhỏ chúng ta đã trải qua những kinh nghiệm như thế. Đối với một người bạn cùng xóm, một thầy giáo, một cô giáo, hoặc ông chú, bà cô nào đó. Đến tuổi dậy thì tâm trạng đó càng hay xãy ra. Ai chưa yêu thì không thể nào hiểu được. Người yêu đá cũng vậy. Ngồi quán chiếu về đá, về tình yêu mình đối với đá, về lẽ vô thường của vạn hữu, về lịch sử trái đất, lịch sử địa chất, cả lịch sử thành hình vũ trụ. Cứ như thế hết lần này sang lần khác, cũng khó hiểu được tại sao mình bị lòng yêu đá ràng buộc đến như thế. Không hiểu rõ nguồn cơn, thì chưa biết làm sao để mà rũ bỏ.

Cho nên, xin quý vị hãy coi đây là một bài sám hối. Hoặc nói như anh chị em tin thờ Chúa, đây là những lời ăn ăn xưng tội, confessions. Tôi yêu đá. Yêu chưa thể nào bỏ được. Phải tới rặng Rocky Mountains ở Alberta, Canada. Đứng đó mà nhìn lên, chiếm đầy cả bầu trời chỉ toàn là đá. Phải tới Vân Nam, nhìn những bức đại tự chính tay đá vẽ trên vách núi nét bút thảo lượn phơi phới như rồng bay. Phải thức dậy ở Làng Cây Phong sau một đêm mưa tuyết, nhìn xuống vườn thấy những tảng đá hôm qua đã biến mất, chỉ còn những gò tuyết trắng êm như nhung! Đá, ở dưới lớp tuyết âu yếm che giấu đó là đá! Ở bên làng, có lúc người ngồi yên trên tảng đá giữa rừng, đàn nai thản nhiên đi qua không sợ hãi, nghĩ con người cũng hiền như tảng đá. Phải nằm soải trên nền đá ấm áp một buổi trưa mùa Thu, nhìn lên những hàng lá đổi màu. Phải lượm một hòn sỏi trong khe suối, hay trên bãi biển, đưa lên nhìn không chán mắt, không nỡ rời tay. Có những lúc nhìn thấy đá, bỗng ngây người, tự biết mình si ngốc mà không bỏ được, không hiểu vì sao. Đó là tình yêu.

Đến Vườn Nai, nhìn chung quanh đầy bè bạn, bát ngát, trùng trùng, lố nhố, trên ngó xuống dưới ngó lên, đàn đúm với nhau những đá là đá! Hỏi không dao động trong lòng sao được?

Ở Vườn Nai có những trường thành đá xếp hàng trên lưng dãy núi cao tuốt luốt, trông xa như đám trẻ em nối đuôi nhau lom khom chơi trò Rồng Rắn, em này đặt tay trên lưng em kia, vừa bước đi vừa hát nhịp nhàng. Có những tảng cao ngất trời tụm năm, tụm bảy lưng chừng non, như mấy người bạn vừa ngồi ngắm cảnh vừa trò chuyện cùng nhau. Những tảng đá hùng vĩ trên đỉnh cao đứng thản nhiên nhìn xuống đám chúng sinh dưới chân đồi bước chân theo nhau thiền hành. Người đang bước chân đi, qua một khúc rẽ, bỗng đứng sững lại, ngẩn người, vì trước mắt hiện ra một khuôn mặt đá rạng ngời! Có những bức vách đá sừng sững, phơi mặt với gió sương trên lưng chừng núi qua bao nhiêu triệu năm trông như có người đã phạc thành một bức tường, phơi một mặt đá xám như trang giấy chờ họa sư tới đưa tay, đưa một đường tuyệt bút. Nhìn kỹ thì thấy chẳng cần ai đem bút tới vẽ vời làm chi. Chính những đường gân trên mặt đá, ánh sáng chiếu vào, đang lung linh hiện lên những thư pháp nhiệm mầu!

Cả những hòn đá cuội nằm rải hai bên đường, cũng đầy tình ý. Có người nhặt đá nắm trên tay âu yếm. Hình như óc chiếm hữu chưa bỏ được, đem về nhà rồi cũng không biết bầy đâu cho hết. Ngày xưa bên Tàu có ông Ngưu Tăng Nhụ (Niu Seng Ju, 779 – 847, đời Đường) được mô tả là người “yêu đá như yêu con cháu, cung kính với đá như đối với bạn bè.” Nhưng ông cũng quý đá như bảo ngọc. Nói đến châu ngọc, không khỏi dấy lên lòng chiếm hữu. Nhiều anh chị em đi qua Vườn Nai đã xếp các hòn đá cuội lại như muốn gửi những thông điệp cho chính mình hay cho người một kiếp sau nào sẽ đi qua. Vẫn muốn sử dụng đá như những phương tiện truyền đạt không lời.

Locuyen_da1

Nhưng mà khi chúng ta đứng đối diện, nhìn tận mặt một tảng đá đứng hay ngồi tĩnh tọa bên đường, lúc đó mới là lúc người cùng đá giao cảm với nhau với tấm lòng mở rộng, bình đẳng, thấm sâu và bền chặt nhất. Mình nhìn đá, đá nhìn mình. Mình mỉm cười, đá nháy mắt. Mình không cần nói một câu, đá hiểu hết. Mình chắp tay, cúi đầu vái đá. Đá lặng thinh, coi như mình đang vái một cõi vô thường.

Tôi không nhớ mình đã có thói quen vái chào các tảng đá tự năm nào, ba hay bốn chục năm trước. Nhưng gần đây càng ngày thói quen càng nặng, gặp đá là cúi đầu thi lễ. Đứng chụm hai chân, thẳng lưng, nhìn đá như là đá, chắp hay bàn tay lại, cung kính nghiêng mình. Bởi vì không biết cách diễn tả nào khác. Mình không thể nói với đá được, vì đá không có tai nghe. Ôm đá cũng là một hành động dễ thương, nhưng đá không thể đáp lại đưa hai tay ôm mình để đáp lễ được. Yêu ai mình không nên đặt người ta vào một hoàn cảnh bố rối như thế. Cho nên, cứ cúi chào nhau, nghiêng mình một lúc lâu, trong giây phút đó những tâm tình được truyền qua lại, biết không thể truyền bằng lời nói được.

Có lẽ lần đầu tôi cúi chào đá là do ảnh hưởng của bốn chữ “bái thạch vi huynh,” nghĩa là người lạy đá, để kết nghĩa nhận đá làm anh. Trước khi Phan Bội Châu viết bài phú mang tên đó, bài này rất nổi tiếng, thì nhiều nhà văn bên Trung Hoa đã hành động như thế rồi. Một người nổi tiếng nhất là ông Thẩm Quát, vào thế kỷ 11. Một lần tôi hỏi ông Tạ Trọng Hiệp, một nhà thư tịch học uyên thâm, về điển tích“bái thạch vi huynh,” không ngờ ông về nhà viết cho một lá thư dài cho biết những ai đã làm công việc đó. Không ngờ thói quen này đã được truyền thụ qua nhiều đời như thế!

Thói quen gặp đá cúi chào tôi đã nhiễm từ mấy chục năm nay, nhưng gần đây tôi hay vái chào hơn, và chào một cách chân thành, kính cẩn, thấm thía hơn, cũng nhờ ảnh hưởng của Anica.

Năm Anica chưa đầy một tuổi thì cha mẹ cháu từ Mỹ sang Thái Lan làm việc. Cháu lớn lên với các chị giữ em người Thái, đến vườn trẻ chơi với trẻ con Thái, được các sinh viên học trò của bố mẹ bồng bế. Cháu học được thói quen nghiêng mình vái lạy mỗi khi đi qua trước bàn thờ Bụt; mà ở Thái Lan thì mỗi ngã tư lại thấy một bàn thờ. Cháu học được tiếng “Vái,” một tiếng Thái Lan giống tiếng Việt.

Một lần về California thăm ông bà ngoại, lúc lên 3 tuổi, Anica ở ngoài sân chơi tha thẩn với mấy khóm hoa trong vườn. Cháu đưa tay xoa trên mấy bông hoa lavender (tiếng Việt gọi là hoa oải hương), rồi bước tới đưa hai tay cho ông ngoại ngửi mùi thơm. Cháu vuốt, vuốt mấy chùm hoa tím mỏng manh nhoi lên từ mặt đất, cao ngang tầm tay cháu, như vuốt má một em bé. Bỗng nhiên có lúc cháu ngưng tay vuốt hoa; cháu chắp hai tay lại và nghiêng mình rất sâu, vái lạy mấy bông hoa.

“Anica! Tại sao Anica vái bông hoa?”

Anica quay nhìn ông ngoại, miệng trả lời ngay không cần suy nghĩ, bằng tiếng Anh: “Because, it’s beautiful!” (Bởi vì hoa đẹp quá!)

Chúng ta đâu có cách nào nói cho một bông hoa hiểu, rằng, “Hoa ơi, bạn đẹp quá!” Hoặc “Bác Hoa ơi, bác đẹp quá!” hay “Cô Hoa ơi, cô đẹp quá!” Đối với một em bé lên ba chưa biết nói tiếng người đầy đủ, làm sao diễn tả được tấm lòng yêu mến, hâm mộ nức lên trong lòng? Làm sao xin kết bạn được với bông hoa? Không ai dậy cháu cách diễn tả nào khác. Anica đã chắp tay vái; như vẫn vái Bụt.

Kể từ khi học Anica, tôi đã thay đổi những lần tôi vái chào các tảng đá. Trước kia, tôi chào tảng đá như một người anh, một người mình kính trọng nhưng không dám gần gũi thân mật quá, sợ gần gũi quá thì thiếu niềm tôn kính. Tôi đoán các cụ đời xưa như Thẩm Quát hoặc Phan Bội Châu “bái thạch vi huynh” cũng mang cùng một thái độ cung kính mà xa cách như thế.

Nhưng cháu Anica đã dậy tôi sống với thái độ mới. Chúng ta có thể vái chào bông hoa, vái chào tảng đá, giống như mình vái Bụt. Bụt ở trong mình, mình ở trong Bụt. Đá ở trong mình, mình cũng trong đá, hai bên cảm ứng với nhau. Cảm ứng đó phải được thực tập nhiều lần một kinh nghiệm sống, sống một cách tự nhiên, để cho lòng mình thật sự cung kính, chuyên tâm chú ý cúi đầu vái lạy. Cảm ứng đó cũng không thể suy nghĩ, không thể thảo luận hay giải thích được.
Khi nói đến đá chúng ta tưởng đó là tiêu biểu của sự trường tồn. Nhiều người vẫn chỉ đá, chỉ sông nước mà thề nguyền với nhau, coi như không bao giờ thay đổi! Ông Thẩm Quát (1031 – 1095, đời Tống) lạy đá nhận làm anh; nhưng ông cũng nghiên cứu đá như một nhà địa chất học. Nhờ thế đã nhìn thấu trong đá thấy lẽ vô thường.

Thẩm Quát là một người bác văn quảng kiến, người đầu tiên viết về đặc tính kim nam châm làm la bàn (trong sách Mộng Khê Bút Đàm in năm 1088, 100 năm trước cuốn sách De naturis rerum và De ustensilibus của Alexander Neckam ở Âu châu bàn về chuyện này).

Nhờ quan sát ông khám phá ra sao Bắc Đẩu không phải là phương Bắc “thật” theo từ tính của kim nam châm. Ông là người đứng đầu viện thiên văn tại triều đình, bỏ 5 năm nghiên cứu quan sát, ghi chép chuyển động của mặt trăng trước khi bị triều đình xóa bỏ hết công trình. Ông thật là một “người thời Phục Hưng’ mấy trăm năm trước thời Phục Hưng ở Âu châu, vừa là một nhà toán học, một nhà phát minh, một thi sĩ, một người tham thiền, nghiên cứu y học và dược tính cây cỏ; có lúc lại làm bộ trưởng tài chánh, làm tổng thanh tra trong chính phủ, trước khi bị tước bỏ hết chức tước vì theo phái cải cách Vương An Thạch.

Những người yêu đá chú ý đến Thẩm Quát vì ông “lạy đá gọi bằng anh”. Nhưng cũng còn vì ông đã nêu ra những giả thuyết về sự biến chuyển hình thái đất đá (geomorphology). Năm 1074 đi thăm rặng núi Thái Hàng (phân chia hai vùng Sơn Đông và Sơn Tây bên Tầu), ông thấy trên núi có những vỏ sò hóa thạch mặc dù ngọn núi ở cách xa biển mấy trăm cây số; ông đưa ra giả thiết vùng này trước kia phải là bãi biển. Ông cũng khám phá những cây tre hóa thạch ở một vùng khí hậu lạnh, chung quanh không hề có bóng tre; để đưa ra giả thuyết khí hậu trong thiên hạ từng thay đổi nóng hóa lạnh, lạnh trở thành nóng. Khi quan sát đất bồi ở giữa các dãy núi trong rặng Thái Hàng và trong khe núi Nhạn Đãng (gần Ôn Châu bây giờ) ông nhận thấy những vùng đất phù sa tích lũy biết bao đời trước sau đó đã bị soi mòn trải qua nhiều thời đại kế tiếp, để lại các tảng đá hình dung cổ quái, chứng tỏ mặt đất đã thay đổi với thời gian, khi lên khi xuống. Trên mặt đất, trong núi non vững như thế mà cũng là những cuộc bể dâu chẳng có gì thường tồn cả.

Một người chứng kiến và suy ngẫm về lẽ vô thường một cách sâu xa như thế, lại là người đã bái thạch vi huynh!

Cho nên, khi nghiêng mình vái chào các ông anh bà chị đá của chúng ta trong Tu viện Vườn Nai, chúng ta lâu lâu có dịp nhắc nhở cùng nhau: Các anh, các chị đá ơi, chẳng ai thường tồn đâu, lũ chúng ta đều như vậy cả.

Những ai đã qua Vườn Nai trong 10 năm qua thì chắc ghi nhận bên phải đường leo trên lối vào có hình ảnh một tảng đã đã vỡ làm đôi. Mấy năm đầu còn trông thấy một tảng đá gần như nguyên con, bị nứt ở giữa, hé ra một khe nhỏ hình chữ V nhỏ, rồi mỗi năm kẽ đá vỡ lại tách rộng thêm ra. Thế rồi kẽ nứt mở rộng thêm, hai mảng nghiêng qua hai phía, vẽ thành một chữ V lớn, càng ngày càng rộng. Chắc sẽ có ngày hai tảng đá mới mới tìm được thế thăng bằng, ngưng không nghiêng thêm nữa. Hay là sẽ có ngày một tảng, hoặc cả hai tảng, cùng sụp đổ và nằm xuống?

 

Locuyen_da2

Bao nhiêu tảng đá khác ở các sườn núi, trong thung lũng Vườn Nai, cũng đang nhúc nhích như thế? Đá di động, đá nhích từng bước. Mặt đất lâu lâu lại rùng mình. Cả trái đất đêm ngày cựa quậy. Gió, cát, hơi nước cũng lưu chuyển tuần hoàn. Nếu mắt chúng ta có khả năng nhìn được phong cảnh đó biến chuyển suốt một trăm triệu năm, một tỷ năm, chắc chúng ta sẽ thấy chung quanh ta là một vũ khúc! Vũ điệu của đá, cũng giống như các điệu múa của loài người, đều biểu diễn tính vô thường. Vũ công không thể đứng yên bất động. Vũ điệu là cái gì diễn ra giữa hai vị trí của bàn chân, giữa hai vị trí của một cánh tay. Nhưng nó chính là chuyển động, hay nó là khoảng trống giữa hai chuyển động? Hay là cả hai? Hoặc không là gì cả? Múa là nghệ thuật của vô thường. Giống như khi Thẩm Quát nhìn rặng núi Thái Hàng mà thấy những biến hóa địa chất kéo dài hàng trăm triệu năm, chúng ta có thể nhìn các tảng đá giang tay nhau quây quần ở bốn phía Vườn Nai mà nghiệm thấy hình ảnh mặt đất đã thay đổi suốt những thế kỷ qua như thế nào, trước khi loài người có mặt trên trái đất. Những tảng đá đứng lặng yên kia thực sự đã tham dự vào một điệu múa muôn đời của vũ trụ. Ngay bây giờ đá vẫn còn đang múa lượn!