văn – Trước 2014

Chốn bình yên

 

thuphap

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Những ngày đầu mới đến, vùng đất này đã cho tôi thật nhiều ấn tượng với dáng vẻ trầm hùng của nó. Thật khác hẳn với những gì tôi đã được nghe, được biết từ những chia sẻ của các anh em và về lịch sử của nó. Toàn bộ khuôn viên tu viện được bao bọc bởi các dãy núi, chỉ chừa một phía nhỏ nhìn xuống phố thị. Nơi đây, có những ngày mà sương lam giăng phủ bốn bề làm cho ta có cảm giác rằng mình đang lạc giữa chốn thiên thai, không có bất cứ một vướng bận nào nơi trần thế.

Mười năm rồi hiện diện nơi này, Lộc Uyển Tự đã là nơi bình yên, chuyên chở và chuyển hóa nỗi khổ niềm đau cho biết bao người. Nhiều sư anh, sư chị và sư em cũng đã từng trưởng thành từ cái nôi yêu thương này, cùng thay phiên nhau, đến và đi như những cụm mây trắng thong dong. Chỉ có thung lũng núi rừng thì vẫn vậy, mỉm cười đôn hậu như một bà mẹ dịu dàng bao dung, đón chào và tiễn biệt những đứa con thơ.

Kỷ niệm mười năm Lộc Uyển trong khung cảnh hiền hòa chợt làm tôi nhớ đến hai câu thư pháp của Thầy từ nhiều năm về trước:

“Chẳng biết rong chơi miền Tịnh Độ
Làm người một kiếp cũng như không”.

Tôi đã tình cờ đọc được câu thư pháp này trong một tờ tạp chí và rất lấy làm tâm đắc. Đến khi xuất gia với Thầy rồi, lại được dịp gặp câu này giữa vô vàn các thư pháp khác. Lần đó, Thầy ban tặng cho các anh chị em trong gia đình xuất gia chúng tôi mỗi người một bức tự chọn. Phần tôi đã không do dự chọn ngay nó trong niềm hân hoan. Không phải tự dưng mà tôi liên tưởng đến hai câu này mà là bởi vì tôi thấy Tăng thân Lộc Uyển đang sinh hoạt và tu học theo tinh thần đó. Những ngày làm biếng có nhiều anh chị em thường rủ nhau leo lên những ngọn núi cao, thưởng thức thiên nhiên, chuyện trò và vui chơi trong tình đạo vị. Hoặc có những buổi chiều tà cùng nhau đi bách bộ trên con đường dài ra đầu cổng tu viện ngắm mặt trời lặn, rồi lại cùng nhau lui về. Có một vị Tôn túc đã thốt lên tán thán rằng “Tăng chúng ở đây có hình thức sinh hoạt giải trí thật lành mạnh và đẹp”. Đi bộ, leo núi, thưởng thức thiên nhiên mà đâu cần xuống phố thị shopping như bao người, vừa khỏe khoắn lại không tốn tiền. Nhu cầu hạnh phúc đơn giản vậy đó, và mặc dù vui chơi với nhau nhiều nhưng vẫn không xao lãng công phu tu học và độ đời. Có biết bao khóa tu trong năm cho thiền sinh với đủ các thành phần, tuổi tác mà vẫn không ngăn được tiếng cười giòn tan của đại chúng.

Sau những khóa tu có rất nhiều thiền sinh đăng ký xin được thọ nhận năm giới. Nhìn những gương mặt tươi tắn ấy đã bớt đi căng thẳng, lo âu, bước đi được những bước khoan thai, quả tình đã làm anh chị em chúng tôi cảm động và hạnh phúc, Tâm Bồ Đề được nuôi dưỡng thêm lên. Nếu nhìn sâu thì đó là cả một công trình nghệ thuật được đóng góp bằng sự tu học của tất cả mọi người cộng lại chứ không đơn giản mà có được. Chính điều này đã tạo nên niềm tin và mang lại nhiều chuyển hóa cho thiền sinh khắp chốn.

Giờ đây sau vài năm tu học và quán chiếu tôi biết tại sao hồi ấy tâm thức tôi lại thích hai câu thư pháp đó của Thầy. Không hẳn là trước kia tôi không đủ thông minh để thiết kế cho mình một đời sống tốt đẹp. Biết sắp xếp thời gian thật hợp lý và khoa học để có nhiều lợi ích nhất. Dù là phải bận rộn công việc và trách nhiệm ở công ty, buổi tối tôi cũng biết tham gia các nơi giải trí lành mạnh như các lớp học thể thao, nghệ thuật v.v để giao lưu và có thêm những bằng hữu mới. Thỉnh thoảng tôi cũng đi du lịch đó đây để giải trí, thay đổi môi trường và cũng để học cách sống hài hòa với thiên nhiên. Nói chung, nếp sống có vẻ thật khoa học và tốt đẹp. Nhưng sao vẫn thấy trầm ngâm, mất mát và thiếu thốn điều chi sâu thẳm ở trong lòng.

Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã viết: “Bao nhiêu năm rồi còn mãi ra đi, đi đâu loanh quanh cho đời mỏi mệt”. Thật vậy, tôi đã từng thấy mình đi lang thang tìm kiếm, mà cũng chẳng biết tìm kiếm gì. Để rồi: “Trong khi ta về lại nhớ ta đi”. Tôi chắc rằng ai trong chúng ta cũng đã nhiều lần kinh nghiệm điều này. Ví dụ gần nhất là hằng ngày khi ăn cơm với gia đình trong ngôi nhà ấp áp nhưng thường thì tâm trí mình lại rong ruổi khắp nơi, hết nghĩ chuyện nọ lại lo chuyện kia. Tốn tiền đi du lịch ở những nơi thật đẹp nhưng lòng thì vẫn chứa đựng với bao nỗi lo toan muộn phiền. Lúc ở nhà thì lại nghĩ chuyện đi, đến nơi thì lại mong về, cứ thế và cứ thế cho đến một ngày bỗng giật mình “Chợt một ngày tóc trắng như vôi, cho trăm năm vào chết một ngày”. Phải chăng đời sống là một chuỗi ngày chạy quanh, kiếm tìm những giá trị ảo trong vô vọng.

… Và rồi Thầy đã hiện diện trong cuộc đời tôi và khai thị rằng sự sống mầu nhiệm chính là phút giây hiện tại. Chính là cái lúc chúng ta xác nhận ra cái tâm “khỉ” của mình, vận hành một cách tùy tiện và kéo lôi chúng ta đi bốn phương tám hướng vào nẻo trần ai. Bao nhiêu khổ sầu hệ lụy phát sinh cũng bởi từ đây. Khi thấy được nó rồi thì mình có cơ hội dừng lại, trời xanh mây trắng với sự sống nhiệm mầu đang hiển hiện ra trước mắt đó. Và ta quyết định phải thật sự là một con người tự do, chấm dứt sự “Trầm luân sinh tử”. Sự khai thị đó quả thật là món quà hết sức quý giá cho chính tôi và cũng cho biết bao người trong thời đại này.

“This is a happy moment”. Đây là phút giây hạnh phúc nhất, ngoài ra không có phút giây nào khác. “This is it!”. Chính là nó, ngoài ra không gì khác. Nhận chân được rồi chúng ta sẽ thôi rong ruổi kiếm tìm, mà sẽ trở về an trú, với từng bước chân, từng hơi thở, và tiếng chuông chánh niệm luôn nhắc ta trở về với phút giây hiện tại. Từng câu, từng lời của Thầy như âm vang khắc vào tâm khảm, tôi hiểu rất sâu nhưng cũng hay quên lắm. Tuy nhiên nhờ có Tăng thân, có môi trường tốt nên tôi thấy mình luôn được bảo hộ, nhắc nhở và nuôi dưỡng. Lộc Uyển mười năm kỷ niệm cũng là cơ hội cho tôi nhìn lại chặng đường thực tập còn ngắn ngủi và non trẻ của mình. Nhưng hơn lúc nào hết tôi thấy mình đã thôi tìm kiếm và đòi hỏi thêm ở cuộc đời này. Tôi vẫn đang tiếp tục học hỏi cách rong chơi nơi miền Tịnh Độ bây giờ và ở đây cùng với các anh chị em của tôi trong niềm biết ơn Tam Bảo sâu xa. Mỗi vị là một viên bảo châu cho tôi thưởng thức và học hỏi. Bất chợt tôi thấy mình trở nên giàu có hơn bao giờ hết.

Là thiền sinh mới lần đầu đến Lộc Uyển có lẽ sẽ thấy các thầy và các sư cô trong bóng dáng màu nâu rất giống nhau, khó mà phân biệt ai với ai. Trong khi một bóng dáng áo nâu đang hướng dẫn tập thể dục buổi sáng thì một bóng áo nâu khác giúp nấu ăn, vị khác thì chuyển hóa rác, hướng dẫn thiền hành…Rồi thì lại đổi vị trí cho nhau. Cứ như vậy, tất cả hòa điệu như những cánh tay của cùng một cơ thể. Làm được như vậy phải chăng vì chúng tôi có cùng chung lý tưởng, chất keo sơn của tình anh chị em chung một mái nhà. Phải rồi, khi có một tiếng chuông được thỉnh lên thì tất cả mọi người đều dừng lại mọi hành động, lời nói và tâm tưởng, để trở về với hơi thở. Ngay bây giờ và ở đây, tất cả chúng ta đâu có gì khác biệt, ngôn ngữ, màu da, chủng tộc…Chỉ có duy nhất là hơi thở ra vào tự nhiên của sự sống, tất cả đang chung một bầu không khí thênh thang.

Mặt trời hồng rạng đông đã báo hiệu một ngày mới bắt đầu rồi đó. Ai trong chúng ta cũng có chủ quyền hai mươi bốn giờ tinh khôi trong tay để rong chơi nơi miền Tịnh Độ. Để rồi khi mặt trời xuống núi đi ngủ, ta lại gặp nhau trong nụ cười với niềm hân hoan. Tôi thấy thầy trụ trì ở đây “rong chơi” rất giỏi. Vừa lo chăm sóc chúng, xử lý bao việc trong ngoài, hội họp, khóa tu mà thầy vẫn thảnh thơi, vui chơi hết lòng cùng các anh chị em và các cháu nhỏ. Có lúc tôi tự hỏi rằng dường như thầy có phép lạ hay sao mà hai mươi bốn giờ của thầy nhiều vô cùng, với dường ấy việc mà vẫn luôn cười đùa hồn nhiên. Có lẽ tôi nên đi phỏng vấn thầy để học hỏi, rồi chia sẻ cho tất cả mọi người để được sống như thầy, có thêm thời gian hơn nữa cho mình và những người thương.

Mùa xuân đang nở rộ những đóa hoa rừng thật đẹp, một vẻ đẹp bình dị, hài hòa và lan tỏa khắp nơi. Tôi nghe kể lại mười năm về trước thì thiên nhiên không được như bây giờ. Nơi đây là một trại huấn luyện quân sự, có nhiều súng đạn tập dượt và căng thẳng nên mọi thứ khô cằn và không nhiều sức sống lắm. Nhưng giờ đây núi rừng trở nên xanh hơn, chim chóc quây quần làm tổ và hót líu lo suốt ngày. Thỏ, sóc trở nên rất gần gũi với mọi người, kể cả rắn rung chuông và chó rừng đã từng làm mọi người sợ hãi khi nghe đến tên. Nhưng đến nay tất cả đối với chúng tôi đều là những người bạn hiền đáng mến. Thiên nhiên nơi đây đã được chuyển hóa, con người về đây cũng được chuyển hóa. Con người và thiên nhiên nương tựa vào nhau, bảo vệ cho nhau để cùng chuyển hóa, đang từng bước hướng về nẻo sáng của sự tốt đẹp. Làm sao để chốn bình yên này ngày càng mang lại hạnh phúc nhiều hơn nữa, không chỉ cho thế hệ chúng ta mà còn cho thế hệ con cháu kế thừa. Chính vì vậy mà gần đây thầy trụ trì và nhiều người trong vùng kêu gọi sự góp tay bảo vệ thiên nhiên nơi này, không cho sự đầu tư xây dựng làm ô nhiễm dãy núi phía Tây, để nơi đây tiếp tục là chốn bình yên cho mọi người và mọi loài. Mong rằng ước muốn tốt đẹp đó sẽ được toại nguyện.

Đại Ẩn Sơn, cái tên thật thích hợp như chính sự hiện diện của nó. Lặng yên, hùng tráng mà bất cứ ai muốn lên thăm đều phải đi thêm một đoạn đường dài, buông bỏ bớt bụi trần, ồn ào rồi mới tới. Mười năm rồi nó vẫn trầm lặng hài hòa cùng thiên nhiên. Bên kia sườn núi, ngọn tháp thầy trụ trì khai sơn vẫn một màu giản dị vững chắc. Bức hình của thầy luôn ở đó với nụ cười trên môi thật hiền hòa, ánh mắt thân thương vẫn dõi theo đàn cháu con. Chắc thầy cũng rất vui khi biết Lộc Uyển được mười tuổi, dù rằng tất cả đều còn rất non trẻ nhưng đã và đang từng bước lớn lên trong hạnh nguyện độ sinh. Ngoài kia dưới ánh nắng chiều, tiếng chuông đại hồng đang ngân vang giữa thinh không thanh bình: “…Nguyện người nghe tỉnh thức, vượt thoát nẻo đau buồn”. Đâu đó có tiếng trẻ cười hồn nhiên, nghe sao thật trong trẻo.