Chăn bò, chăn mình và chăn em
Về Làng
Trước khi về lại đây con tự dặn con là chỉ chơi thôi, không cần làm chi hết, thưởng thức những gì đẹp ở Làng sau nhiều năm mình sống xa Làng. Con nuôi dưỡng những niềm vui, hạnh phúc và sự bình an mà con đã thực tập từ trước đến giờ với các sư anh, sư chị và sư em của con lúc ở Việt Nam. Và những cái đau nhức mệt mỏi, những khó khăn tồn đọng lâu nay còn trong mình thì con thực tập thả lỏng nó ra, buông nó xuống, để tự nhiên cho thiên nhiên và vũ trụ chuyển hóa dùm. Con không cần phải cố gắng làm gì hết và con rất hạnh phúc với sự thực tập này. Vì vậy tất cả các bạn thiền sinh về đây cũng nên thực tập như vậy. Mùa Thu ở Làng rất đẹp, có nhiều cảnh và nhiều không gian cho mình thưởng thức. Nếu mình đem những cái buồn, cái giận, những mệt mỏi ở bên ngoài vào đây và cứ để nó cuốn mình đi thì rất là uổng. Mình phải buông tất cả xuống để cho lòng mình có đủ không gian mà thưởng thức những khung cảnh ở đây. Các thầy các sư cô còn rất trẻ và cười rất là tươi, năng lượng của đại chúng rất lành, đó là món quà đại chúng ở đây đang hiến tặng cho mình.
Bò nhà ai?
Khi còn ở nhà và cho đến bây giờ con chỉ làm một công việc duy nhất, đó là đi chăn bò. Ở nhà con đi chăn bò và bây giờ vô chùa con vẫn chăn bò tiếp. Con nhớ cái ngày đầu tiên con đi chăn bò rất là vui. Khi bò ở trong nhà con thì con dễ dàng nhận ra những con bò của nhà mình, nhưng khi thả nó ra giữa bầy với những con khác thì con không nhận ra được đâu là bò của nhà mình cả. Và những đứa đi chăn bò biết con không nhận ra bò nhà con nên nó tha hồ sai sử con đi ví bò cho chúng. Hễ bò nhà nó vô ăn lúa ăn khoai là nó gọi con đi ví, nó nói đó là bò của nhà con. Ở nhà con tên là Bé Em, con đang ngồi chơi thì nó gọi: “Bé Em ơi, bò nhà mi vô ăn lúa tề (kìa), Bé Em ơi, bò mi vô ăn cao su v.v…” và con đi ví bò ê (mệt) luôn.
Nhưng mà con đâu có dại hoài như vậy được nên con tập để ý đến những con bò nhà con và nhận ra sự khác biệt của chúng. Khi có sự chú ý đến thì mình dễ nhận ra sự khác biệt giữa con bò này và con bò khác. Thì ra không có con bò nào giống con bò nào hết mà mỗi con có những nét khác nhau rất rõ. Thường mình chỉ nhìn chung và lướt qua thì mình thấy giống, cũng như người Việt nhìn người Tây Phương thì thấy ai cũng giống nhau hết và người Tây Phương cũng vậy, nhìn người Việt thấy các thầy các sư cô sao ai cũng giống nhau cả, nhưng kỳ thực thì mỗi người đều có những nét khác nhau và không có ai giống ai hết. Khi con để ý kỹ thì con nhận ra được những con bò của nhà con, nhận ra được bò mình rồi thì không có ai lừa gạt và sai sử mình được hết. Con cũng nhận ra được trong con có những con bò khác nhau, đó là những cảm thọ, những tâm hành bên trong mình. Duy thức học nói mình có đến 51 tâm sở, nếu trong bầy bò có con này con kia thì con nhận ra trong tâm con cũng có những con bò như vậy, tâm tham, tâm giận, tâm si.v.v… cũng là những con bò của mình.
Chăn bò
Giữ (chăn) bò mà mình ham chơi thì bị mất bò. Đi chăn bò có nhiều trò chơi vui lắm. Con gái thì chơi thẻ, chơi nhảy dây, chơi ù mọi, chơi ô làng; con trai thì chơi đá banh, chơi bắn bi, chơi căng cù, chơi nạp vụ .v.v…, chơi chán thì nhảy xuống suối tắm, rất thích. Và vì ham chơi nên mình để bò đi hoang, nhiều khi đến 1 hay 2 giờ chiều, trong nhà thấy mình chưa cho bò về nên ba mạ và các anh chị phải đi tìm, lo không biết con mình và bò ra sao bên đồi.
Có những lúc mình cũng muốn đi theo bò nhưng những đứa ham chơi nó rủ mình theo, nó nói bò ăn đó có chi mà sợ, chút nữa tới là có hết. Một phần thì mình ham chơi, một phần thì mình nghe theo bạn nên mình bị cuốn theo luôn và kết quả là mình để mất bò.
Rồi khi mình không chăm bò kỹ thì bò đi ăn lúa của người ta. Để bò vô ăn lúa nhà người ta thì về nhà thế nào cũng bị la và nghe người ta mắng vốn. La và bị mắng vốn còn đỡ, những mùa người ta phun thuốc trừ sâu cho lúa, nếu bò ăn vào thì sẽ chết. Bò mẹ mà đang có chửa nếu ăn nhằm lúa đó vào không chết thì cũng bị sẩy thai, bò con sẽ chết luôn trong bụng bò mẹ. Chăn bò mà ham chơi thì rất là nguy hiểm. Rồi vùng ngoài con là vùng chiến tranh trước đây nên còn rất nhiều bom và mìn. Có những vùng nhiều mìn và mình không nên để bò vào đó, bò vào giẫm nhằm mìn thì sẽ bị nổ, không chết thì cũng bị què chân.
Nhìn lại trong mình con thấy có những cái đó hết. Khi con đọc cuốn Đường Xưa Mây Trắng của Sư Ông, đến chương Nghệ Thuật Chăn Trâu, con rất thích. Con nói với mình là nếu biết được nghệ thuật chăn trâu sớm thì mình sẽ không để cho mất bò và gia đình không khổ sở vì mình. Tại hồi xưa không có sách này để đọc mà học hỏi nên mình không biết cách chăm bò và để bò mất hoài.
Con bò sợ hãi
Khi ngồi yên lại và nhìn sâu vào trong mình, mình sẽ thấy rõ tất cả những cái đó. Bò ở đây là cái tâm của mình. Nếu trong đàn bò có những con bò ưa tách khỏi bầy để ăn riêng thì trong con cũng có con bò đó. Có những lúc mình không muốn tiếp xúc với một ai hết, mình ưa tách đại chúng, tách mọi người và thui thủi một mình. Nếu trong đàn bò có những con ăn rất yên thì trong con cũng có con bò đó. Có những lúc mình cảm thấy trong lòng rất yên, mình không có một ưa thích, một ham muốn, một nhu cầu gì hết, rất lắng dịu. Nếu trong đàn bò có những con ưa đánh nhau với những con khác, mình chăn nó mà nó cứ đi tìm con này con kia để húc thì trong con cũng có con bò đó. Có đôi lúc mình ưa kiếm chuyện, ưa đi gây gỗ, ưa cằn nhằn người khác. Nếu trong bầy bò có những con rất nhát gan, đụng tới nó không được thì trong con cũng có con bò như vậy, con nhận diện điều này trong con rất rõ.
Hồi xưa cho đến bây giờ nhà con ở trong rừng và con rất ít tiếp xúc với ai nhiều. Đi học về thì các bạn con nhà ở gần nên về trước, con phải đi xa thêm một đoạn đường mới tới nhà, bây giờ thì nhà con vẫn ở đó. Hồi xưa thì rừng nhưng khi chế độ cải cách ruộng đất lên nên bây chừ họ trồng toàn cây cao su. Cả rừng cao su bạt ngàn thì nhà con ở chăna, cách xóm trên và xóm dưới khá xa. Bạn của con là những con nai, ở đây gọi con nai nhưng ở quê con gọi đó là con mang, con sóc, con thỏ, thỉnh thoảng con ra rừng chơi với mấy con đó. Vì ít tiếp xúc với người nên con rất nhút nhát. Đi học, dù thuộc bài nhưng khi cô giáo gọi giơ (đưa) tay trả lời thì không bao giờ con giơ tay. Mạ con biết vậy nên nói với cô giáo là cứ gọi con trả lời thì con sẽ trả lời được và đúng y như vậy. Đó là hạt giống sợ hãi có mặt trong con. Mình phải quán chiếu để tìm ra nguyên nhân của từng hạt giống trong mình. Bây giờ thì đại chúng thấy con rất là khác, con sẽ chia sẻ cho đại chúng nghe con đã thực tập chuyển hóa hạt giống sợ hãi như thế nào.
Con bò giận
Con kính thưa đại chúng, con biết những hạt giống mà con đang có thì trong đại chúng, các bạn thiền sinh cũng có. Khi ham chơi, mình để cho các trò chơi mê hoặc, lôi cuốn, để bạn cù rủ thì mình rất dễ bị đánh mất mình. Có thể mình đã đi theo những cái mình ưa thích như bia, rượu, tham dự vào các trò chơi không lành mạnh như đi vũ trường, xem các chương trình phim ảnh hay các sách báo độc hại, các trò chơi điện tử và mình bị chìm vào trong đó. Khi mình đánh mất mình thì mình cũng đánh mất luôn sự có mặt cho gia đình và những người thân. Đôi lúc mình biết như vậy là không tốt và muốn dừng lại, nhưng khả năng làm chủ của mình còn yếu, cứ để cho bạn xấu lôi kéo theo và chính mình đã tự đánh mất mình, điều này cũng giống như khi con đi chăn bò mà ham chơi và nghe theo bạn nên để mất bò vậy. Rồi khi để bò đi vào những nơi nguy hiểm và bò dễ bị chết, thì sự thực tập của mình cũng vậy, nếu mình giận mà để cho mình chìm sâu vào cơn giận thì mình sẽ bị nổ tung ra. Khi giận mình không có khả năng làm chủ nên mình buông ra những gì không nuôi dưỡng và gia đình con cái, huynh đệ mình hứng chịu hết những lời nói và hành động ấy. Những lời nói không dễ thương như những mảnh bom ghim vào da thịt mọi người và làm cho họ bị tổn thương, rất nguy hiểm.
Hãy để cho tôi yên
Ngày xưa con cũng có những cái tham, cái giận và khi vào chùa thì mình mang theo vào những tập khí ấy. Con có tập khí là ham đọc sách và thích học nên con không có mặt nhiều cho huynh đệ của con. Mỗi khi con ngồi vào bàn học rồi thì con không muốn làm thêm một cái gì hết và ai nhờ con làm gì con cũng không muốn làm, “xin quý vị đừng quấy rầy tôi nữa và hãy để cho tôi yên”, đó là tập khí. Bình thường khi vui thì ai nhờ gì mình cũng làm hết, đôi lúc đang giờ học của mình nhưng vui thì mình bỏ ra một ít thời gian cho các sư em mình rất dễ. Nhưng những lúc trong lòng mình có sự bực bội thì mình rất dễ vung vãi.
Ở trong chùa con, trên con là Sư Bà và có sáu sư cô lớn, lớp sau này mười mấy hai chục người thì con lớn nhất. Con vừa chăm sóc các điệu vừa bày cho các điệu học hành. Thường trước giờ con học bài thì con bày cho các điệu học rồi con mới học bài của con. Những lúc con vui thì chuyện gì cũng dễ và đơn giản, nhưng khi con mệt mỏi và không vui thì ai nhờ gì con cũng không thấy thoải mái. Con nhớ có một lần trong lòng con không vui, con đã ngồi vào bàn học rồi thì có một điệu tới gọi con: “Chị ơi, giải giùm em bài toán ni với, ngày mai lớp em có giờ kiểm tra.” Nghe giải bài toán trong lúc mình đã ngồi vào bàn học là không ưa tí nào rồi, nhưng nghe mai điệu có giờ kiểm tra thì con cũng không nỡ và nói điệu đem đề bài vô coi. Con đọc đề toán xong và bảo điệu viết công thức của bài toán ra thì điệu nói là không biết. Con bảo giở vở ra thì điệu nói là điệu không có ghi trong vở, và khi con nói giở sách ra mà xem thì điệu nói là cho bạn mượn sách rồi. Con không nói chi hết mà chỉ trợn cặp “mắt cua” của con lên.
Khi con trợn cặp “mắt cua” của con lên thì điệu cụp cặp mắt của điệu xuống và cắn bút ngồi khóc. Con đã để cho quả bom trong con nổ tung, đã để cho con bò trong con đi vào bãi mìn rồi. Con được ông Nội và ba mạ con trao truyền cho cặp mắt hình sự, khi con cười thì nhìn thấy hiền thiệt nhưng khi con không cười mà giương cặp mắt lên nhìn thì khiến cho nhiều người thấy sợ. Cách đây một tuần có một sư cô nói với con là khi con nhìn sư cô mà không cười làm cho sư cô thấy sợ. Con có thói quen là nếu ai nói cái gì mà con chưa hiểu thì con hay nhìn thẳng vào mắt người đó lắm. Con cũng ý thức là khi không cười thì trông hai mắt con hơi hình sự thiệt và con cũng đang thực tập cười, cho nên đại chúng thương con thì thương luôn cặp mắt của con, chừa cặp mắt lại thì rất là tội, con đang thực tập để chuyển hóa cách nhìn cho nó vui hơn.
Trở lại chuyện bày cho điệu học, khi con đi về phòng rồi thì một sư cô đi vào và thấy điệu đó ngồi khóc, hỏi ra thì được các điệu kia kể lại, vậy là sư cô đi đến gõ cửa phòng con và nói: “Như Hiếu, con ra bày cho em học với con. Đi con. Tội, mai em kiểm tra rồi!” Trong lòng không vui, nhưng khi nghe sư cô nói dễ thương quá thì con đứng dậy đi ra bày cho điệu làm toán. Con còn nhớ bài toán yêu cầu tính diện tích tam giác nằm trong một hình thang và tính luôn diện tích của hình thang đó. Muốn tính diện tích của tam giác thì lấy đường cao nhân với đáy và chia cho hai, còn tính diện tích hình thang thì lấy đáy lớn cộng với đáy bé nhân với đường cao và chia cho hai, hình như con nhớ như vậy…
Cái cách quý sư cô tưới hoa vui lắm, lúc đó sư cô con quay sang nói với điệu: “Con thấy không, chị nghỉ học mười mấy năm rồi mà chị còn nhớ, con đang học mà không thuộc biểu răng chị không bực cho được.” Đó là cách nói của quý sư cô, vừa tưới hoa mà cũng vừa xoa dịu. Con thấy rõ khi bực thì mình sẽ từ chối mọi cái nhưng khi có ai đó đến nói với mình bằng tình thương và dùng lời ái ngữ thì sẽ giúp mình thay đổi tư duy và mình sẳn sàng làm những gì trước đó mình không thích.
Khi qua Làng con cũng còn những tập khí đó. Có bữa con đang ngồi ở bàn học thì các sư chị sư em đến rủ con đi Tây Hồ hái cherry. Nói học nhưng thật ra hồi đó qua Làng con không học gì nhiều ngoài nghe băng pháp thoại Công Phu Nở Đóa Sen Ngàn Cánh và Trái Tim Của Bụt mà Sư Ông dạy. Con nhớ sư cô Tịnh Hằng lượm được một cái máy cassette (cassette player) trong thùng đựng rác nhưng còn dùng được và đưa cho con. Con ra thư viện mượn hai bộ băng đó đem về học. Khi đang ngồi học mà nghe các sư chị sư em rủ đi đâu thì không thích lắm, nhưng không đi thì thấy thiếu lịch sự và cảm thấy sao sao đó nên đứng dậy đi nhưng ý thức là trong lòng không vui.
Rồi bữa khác vào ngày làm biếng thì một sư em đến rủ đi đóng bàn, đóng kệ gì đó cho quán sách. Trời ơi, ngày làm biếng của mình mà! Mình tự than thở với mình nhưng cũng thực tập đi làm với sư em dù trong lòng không thích.
Rồi có bữa cũng đang ngồi học thì có các sư chị sư em khác vào rủ con đi ngắm trăng và xem thỏ giỡn với trăng, con cũng đi trong tâm trạng không vui mấy, nhưng mình phải thực tập chuyển hóa từ từ. Thường những đêm có trăng sáng thỏ nó hay ưa ra đùa giỡn với bóng nó dưới trăng lắm. Theo văn hóa người Việt và trong thiền môn, hình ảnh con thỏ đùa giỡn bóng nó dưới ánh trăng được ví như những điều không chắc lắm, không thật có, đó chỉ là cái bóng, là ảo ảnh, ý nói cuộc đời chỉ như cái bóng mà mình cho là thật có, chạy theo nắm bắt những cái không có thật. Khi thương nhau mà không chắc chắn cũng giống như con thỏ giỡn bóng dưới trăng không khác. Vì vậy trong câu hát ru em có ví như vậy:
“Có thương thì thương cho chắc,
Trục trặc thì trục trặc cho luôn,
Đừng làm như con thỏ nọ đứng ở đầu truông,
Khi vui giỡn bóng, khi buồn giỡn trăng.”
Cho nên ở đây nếu ai đã lỡ thương lý tưởng của mình rồi, lỡ thương pháp môn của mình và nguyện đi theo con đường mà mình đã chọn rồi thì thương cho chắc, đừng sống trong ảo ảnh để thân thì ở đây mà tâm thì ở chổ khác (thân tại tâm ngoại) thì rất là uổng, đó là một hình ảnh ví dụ rất là đẹp và hay. Những cái mình chưa thích nhưng thực tập hoài thì sẽ giúp mình chuyển hóa, dần dần con cũng chuyển hóa được phần nào những tập khí ham thích của mình và có mặt cho các chị em.
Hơi thở là dây neo
Con kính thưa đại chúng, phương pháp căn bản nhất để làm nền tảng cho sự thực tập của con là hơi thở. Con nhớ hồi xưa khi tập cho bò cày thì ba con buộc hai bên con bò hai sợi dây. Thường bò mới tập cày thì nó đi không thẳng hàng, cứ đi xiên bên này xiên bên kia và người ta buộc hai sợi dây để giúp điều chỉnh bước đi của con bò được thẳng hơn. Nếu con bò đi qua bên phải nhiều thì người ta giật sợi dây bên trái, lập tức con bò nó đi về phía bên trái, nếu con bò đi về bên trái thì người ta giật sợi dây bên phải, lập tức con bò nó đi về phía bên phải. Ở miền Trung thì bên phải gọi là “tắc” còn bên trái thì gọi là “rì”, ngôn ngữ dùng cho loại bò. Nếu mình muốn con bò đi về hướng bên phải thì mình nói to “tắc, tắc” thì bò sẽ đi về hướng bên phải, nếu muốn nó rẽ về hướng trái thì nói là “rì, rì” thì nó sẽ đi về hướng trái. Nhưng ở trong miền Nam bên phải thì họ gọi là “dí” và bên trái họ gọi là “thá”, dí thá.
Con cũng có hai sợi dây đó, hai sợi dây của con là hơi thở vào và hơi thở ra. Con áp dụng hai sợi dây đó để điều phục cái tâm con cho nó đi ngay thẳng hơn. Khi trong tâm con có những cảm thọ hay tâm hành khởi lên, liền lập tức con trở về nắm lấy hơi thở vào ra, nhận diện những gì đang diễn biến và đưa tâm trở về với thân. Những lúc có những tâm hành không lành mạnh khởi lên, nếu mình không có mặt với hơi thở thì mình rất dễ cho ra, rất dễ bộc phát những lời nói và hành động không nuôi dưỡng. Trong Đường Xưa mây Trắng Sư Ông dạy nếu mình không nhận ra bò của mình thì giống như mình không nhận ra được những hành động của thân, miệng và ý. Khi mình không nhận ra được những tập khí của mình thì mình sẽ nói ra những câu không dễ thương, mình suy nghĩ những ý không dễ thương và mình hành động những cái không dễ thương. Con chăn bò không giỏi như thầy Cát Tường, con chỉ chia sẻ những cái thực tế mà con đã và đang đi qua, con quán chiếu để áp dụng vào sự thực tập của con hằng ngày. Trở về với hơi thở khi có những cảm thọ khởi lên, con có khả năng dừng lại những cảm thọ đó. Tuy nhiên không phải lúc nào con cũng có chánh niệm và thực tập thành công. Có những lúc con cũng hành xử không dễ thương, cũng còn những yếu kém vụng về nhưng cái tâm muốn thực tập, muốn thay đổi trong con vẫn còn rất lớn nên con hy vọng là con sẽ chuyển hóa được những tập khí chưa dễ thương trong con, những tập khí không nuôi dưỡng con và mọi người.
Trong con vẫn còn tâm ham muốn. Có đôi lúc trong con hạt giống ham học hay thích làm một cái gì đó cho riêng mình phát khởi, con lập tức dừng lại và nhìn vào những hạt giống đó. Khi biết rằng sự có mặt của con sẽ đem lại hạnh phúc hơn cho các chị em và đại chúng thì con liền buông bỏ những ham thích riêng của con, con đi làm những gì mà đại chúng cần con giúp mà không phải chỉ theo cái ham thích của con. Đơn giản là chỉ cần trở về ngồi yên và nắm lấy hơi thở để nhìn lại thôi thì con sẽ thấy rất rõ những vấn đề nên hay không nên làm để nuôi dưỡng mình và tăng thân. Hơi thở đối với con rất quan trọng và cần thiết, nó giống như trái tim vậy đó. Hơi thở là trái tim và nếu không có hơi thở cũng giống như con không có trái tim mà không có trái tim thì chắc chắn là con không sống được. Những tập khí lôi cuốn cũng giống như những con bò hay ưa tách đàn ra ăn riêng. Con cũng thực tập để đưa con bò trong con dừng lại.
Tu, Học, Làm việc và chơi
Khi làm việc thì con chỉ làm mà không cần làm cho nhiều, cho mau xong, chỉ làm và chơi thôi mà không để cho công việc lôi kéo con đi. Trước đây con làm việc nhanh lắm, ở chùa con làm việc thì phải nói là tốc hành. Chùa con đi làm ruộng rất vui, làm với quý thầy ở chùa Tổ, tuy hơi cực nhưng vui lắm. Tuy nhiên con vẫn thấy được là trong lúc làm việc mình vẫn muốn làm cho mau xong và làm hơi vội vã. Bây giờ con thực tập dừng lại cái tâm đó, tâm ưa làm cho xong và tâm vội vàng. Con biết chế tác niềm vui trong khi làm việc. Mùa này con đang làm vườn rau với các sư em Hạc nghiêm, Tập Nghiêm và Trực Nghiêm với sự thực tập ấy, con thấy làm vườn là một nghệ thuật. Có rau ăn hay không chuyện đó tính sau, làm sao nhìn vào cái vườn cho nó đẹp, cái tâm mình nhẹ nhàng thì đó là cái quan trọng. Tất nhiên mình luôn muốn có rau để cúng dường đại chúng, nhưng rau chưa có thì có tình chị em và có sự thực tập trong đó là vui rồi, không cần phải làm nhiều.
Học con cũng học cho vui, con không học chi nhiều hết mà chỉ nghe pháp thoại của Sư Ông để tưới tẩm những hạt giống tốt. Lần này qua đây con mới học Anh Văn còn trước đây con chỉ học các pháp môn căn bản mà thôi. Con học và đầu tư cho các pháp môn căn bản. Điều này đã nuôi dưỡng con rất nhiều.
Thực tập với cái giận
Con cũng thực tập với cái giận của con. Trước đây con có thể cho ra những cái con giận nhưng bây giờ khả năng dừng lại của con tuy chưa giỏi lắm nhưng con thấy được là con đã có khả năng dừng lại những khi bực bội và giận hờn trong con. Vừa rồi vào một ngày Quán Niệm, các sư em đội nấu ăn ra vườn cắt rau muống. Thường cắt rau thì con chỉ cắt những cây rau cao vì trong hàng rau có những cây rất nhỏ mà cắt nó thì tội và ăn cũng chẳng được bao nhiêu. Khi tỉa những cây rau lớn và để rau nhỏ lại, nhìn vào vườn rau thấy còn màu xanh và thấy được sự sống rất đẹp. Khi các sư em con ra thì cắt ngang trụi lụi luôn và bây chừ đã hơn hai tuần rồi mà nó chưa lên nỗi vì cắt sát quá. Con ra thăm vườn và thấy ôi thôi!!! Lúc đó con vừa thương rau muống vừa hơi giận các sư em. Nếu lúc đó mà con không thở thì con sẽ đi tìm các sư em con để quở trách: Tại sao cắt rau muống mà không nói cho tri vườn biết, đã không nói rồi mà còn cắt trụi con người ta như vậy…
Nhưng lúc đó ý thức chánh niệm có mặt nên con đã dừng lại được cái tâm đó, thở sâu vài hơi và nghĩ: Ồ, các sư em cắt rau muống mục đích là để nấu cho đại chúng dùng, có món rau trên bàn ăn đại chúng sẽ rất hạnh phúc. Bây giờ mà mình đi tìm la các sư em thì rất là tội và không nuôi dưỡng nhau tí nào, dù sao thì mọi chuyện cũng đã lỡ rồi. Con đứng đó vừa thở, vừa nhìn mấy luống rau muống và nói: Sorry rau muống. Con xin lỗi rau dùm các sư em.
Mình có thể làm được cái đó nếu mình biết nắm lấy hơi thở có ý thức, mình thở vào thở ra ba hơi hay nhiều hơn nữa để mình vuốt, mình xoa dịu cái tâm không vui trong mình đi xuống. Hơi thở rất mầu nhiệm, bây giờ con đã áp dụng được và làm chủ cơn giận của mình hơn so với trước đây.
Chăn em
Hồi còn ở nhà con vừa chăn em, vừa phơi lúa, đuổi gà mà vừa nấu cơm. Em út con là thầy Mãn Tịnh bây giờ đó, em con nhỏ hơn con đến 11 tuổi nên mười hai tuổi con vừa chăm em vừa làm việc nhà. Con dỗ em để em chơi cho mình làm việc. Con nói: “em ngồi đây nghe, cầm roi đuổi gà cho chị nghe, em chị giỏi lắm nghe…” Bữa đó con đong gạo ra để bên ảng (lu) nước ngoài hiên, chưa vo gạo mà đi vào bếp nhen lửa. Khi con ra thì em con chơi nghịch bốc một nắm đất thả vào rá gạo. Lúc đó sẳn cây roi em con cầm trên tay, con lấy và quất em con một roi. Đang giận mà, bị quất đau quá nên em con khóc thét lên. Thấy em vừa khóc vừa đưa hai tay ra đòi mình, mình đánh em nhưng em vẫn cần mình, hai tay với ra trông rất tội và dễ thương vậy đó. Thấy vậy nên con cầm cái roi đó tự quất lại con một roi và thấy đau nên con thả roi và hai chị em ôm nhau khóc ngon lành, vừa khóc vừa thoa cho em, cảm giác hai tay em ôm cổ mình thật chặt và từ đó con hứa là không bao giờ con đánh em con nữa, dù đánh nhẹ.
Sở dĩ con hứa như vậy là vì con thấy khi con làm cho em con đau cũng như làm cho chính mình đau vậy. Mình phải biết cái cảm giác đau như thế nào thì mình mới hiểu được nỗi đau của người khác, nếu con không tự đánh con thì con không biết cái đau của em con khi bị con đánh. Những cái đó đã đi vào trong con và bây giờ cũng vậy, khi con làm cho một sư chị, sư em con buồn thì con cũng đang làm cho chính con buồn, cuộc sống luôn có một sự liên hệ mật thiết với nhau. Thầy dạy cho mình về pháp tương tức, mình là người kia và người kia cũng chính là mình, hạnh phúc của mình cũng chính là hạnh phúc của người khác và khổ đau của người kia cũng chính là khổ đau của mình. Khi cơn giận đi lên mà mình không có mặt, không trở về với hơi thở để làm chủ cơn giận thì mình sẽ vung vãi, mình làm cho tình gia đình, tình vợ chồng, tình cha con, tình huynh đệ bị sứt mẻ và đổ vỡ. Đó là tự mình đi vào bãi mìn và giẫm lên mìn gây ra sự nổ tung. Mìn là sự giận hờn và bò chính là cái tâm của mình.
(còn nữa)
Pháp thoại Sư cô Như Hiếu chia sẻ ngày 16.10.2011 tại thiền đường Hội Ngàn Sao, xóm Hạ.
BBT phiên tả