Bưởi – Mối tình đầu của em (Thư gởi chị phần 3)
Tác giả: Áo Trắng
Mối tình đầu tiên
Sáng nay em đi tìm lại quyển sổ tay bé nhỏ của mình. Em nghĩ là nó đã rơi rớt ở một khúc quanh nào đó trên đường Láng. À không, em nghĩ chính xác hơn là đoạn từ ngã tư Cầu Giấy đến ngã ba Cống Vị. Ngày nào em cũng đi đi lại lại trên con đường thênh thang và đầy bóng mát cây xanh này. Em được nhắc nhở đó là khu vực không an ninh cho lắm. Nhưng em cứ lui tới hoài. Chị có biết vì sao không? Vì em đã bắt đầu hiểu thế nào là thương nhớ, buồn vui. Chỉ cần nghe đến cái tên dung dị, chân quê ấy thôi thì tâm hồn em đã rung rinh, xao xuyến. Phải chăng là em đã có nội kết với “cô ấy”? Hình như em đã bắt đầu biết tương tư rồi, chị ạ.
Em không có nhiều thông tin về Bưởi, chỉ biết rằng người ấy còn trẻ lắm, mới chỉ 24 tuổi thôi. Mỗi khi từ Nội Bài về trung tâm thành phố hay khi ra Bờ Hồ là em lại có cơ hội được kề cận nàng. Em nhận thấy ở người con gái này một sự thanh thoát, đằm thắm và nhạy cảm.
Nhà nàng nằm ở một vị thế rất cao. Nghe nói rằng năm xưa nơi đây vốn là vòng tường thành được đắp bằng đất để bảo vệ kinh đô. Bưởi có ý thức rất rõ về truyền thống hào hùng của quê cha đất mẹ. Từ khi lọt lòng, cô đã sống với người bà thân thương Tô Lịch. Bà đã dạy cô thế nào là hai tiếng thiêng liêng, hai tiếng Việt Nam. Tình thương như suối trong sông mát của bà đã dưỡng nuôi cô khôn lớn. Bưởi ước mong được ở mãi với nơi chôn nhau cắt rốn của mình… Mỗi một mùa xuân qua đi là người bà dấu yêu lại thêm già yếu đau bệnh và cạn kiệt sức sống. Nhưng suốt từng ấy năm trời cô chưa từng bỏ bà mà đi, vẫn luôn ngày đêm chăm sóc chạy chữa với niềm tin bà sẽ sống. Sống mãi …
Chị biết không, em đã quen biết và bắt đầu tìm hiểu về Bưởi trong khoá tu ở Đình Quán. Thì ra tiếng lành về người thiếu nữ ấy đã vang xa khắp một vùng sông biển núi đồi. Khi nhắc tới địa danh Phú Diễn, Từ Liêm là người ta lại nghĩ ngay đến hình ảnh của nàng. Một vẻ đẹp giản dị mà nồng nàn, không chói chẳng sắc màu mà lại ngào ngạt thơm hương khi đông tàn xuân tới. Em có được cơ hội ngồi rất lâu bên người bạn dễ mến này. Em thấy lòng bình an, thanh thản bởi sự mát tươi và tĩnh lặng của Bưởi. Em vẫn luôn ý thức được sự có mặt của cô ấy trong mỗi bước chân thiền hành, giữa những giờ ăn cơm im lặng. Và em thấy cuộc đời này thật đẹp khi vẫn còn đó sự hiện hữu của Bưởi. Mà đâu chỉ có vậy, những ngày sống trong tỉnh thức ở nơi cổ tự này đã giúp em khám phá thêm biết bao những đoá xuân ngời, những bóng hình thuần khiết tinh khôi không lụa là son phấn. Em nhận ra Sen. Em nhìn thấy Nhót. Em chào đón Giun. Chính nhờ họ mà em đã quên mất đi bản ngã bé nhỏ của mình. Em vươn khỏi những ao tù chật hẹp để đến với bầu trời cao rộng. Tình yêu với Bưởi đã phát khởi, tràn lấp như ánh dương soi rọi vào trái tim em, làm nẩy nở bao hạt Tâm Xả, Tâm Từ.
Em bắt đầu lo nghĩ cho Bưởi. Cơn lốc đô thị hoá, công nghiệp hoá ngày càng mạnh mẽ đã đưa tới những đổ vỡ chưa từng có. Những trung tâm thương mại, chung cư, nhà hàng, khách sạn đang xuất hiện ngày một nhiều hơn. Môi trường mà Bưởi sinh sống từ thuở ấu thơ đang bị thu hẹp và ô nhiễm trầm trọng. Em có nguy cơ sẽ mất Bưởi. Mất Bưởi có thể sẽ là một tin buồn nhất trong cuộc đời em. Bưởi không muốn mất đi bà của mình. Và em cũng vậy. Em cũng không muốn mất đi những người mà mình trân quý. Em không muốn mất Tô Lịch. Không muốn mất Bưởi…
Làm mới lại tình yêu
Hà Nội nếu không còn Bưởi Diễn thì sẽ như thế nào? Em không hình dung được viễn cảnh ấy. Nếu không còn Sen hay Nhót thì chắc chắn tâm hồn em sẽ đóng băng, cuộc đời em sẽ là tù ngục. Câu chuyện của em và Bưởi không phải là một câu chuyện ẩn dụ cho một cá nhân hay đôi lứa. Đó là bản tin thời sự ta có thể nghe thấy hằng ngày. Mình phải làm sao để cho Bưởi vẫn còn có mặt. Ta phải tìm ra một hướng đi mới, một lề thói tiêu thụ khác đi. Ta phải mở rộng Hà Nội như thế nào? Ta phải xây dựng những đường đi nẻo về như thế nào để cho Bưởi, Sen, Giun, Nhót hay Tô Lịch vẫn còn một cơ hội? Ta nên làm gì để cho những ánh đỏ vàng hồng cam đó vẫn còn có hy vọng được xếp hàng giăng lối trên mỗi vòng xoay phố phường thành đô?
Có một thi sĩ đã nói rằng: Phải làm mới lại tình yêu. Để con cái sau này không khổ đau. Em thấy câu nói ấy đúng lắm. Chúng ta đâu cần những khẩu hiệu hay ngôn từ đao to búa lớn. Chị em mình đã nghe không biết bao danh từ rồi. Mình chỉ cần một thông điệp giản dị như vậy thôi, phải không chị của em! Ừ, mình phải làm mới lại cách hiểu, cách thương. Mình phải làm mới lại tình yêu, đúng không chị? Để con cháu chúng ta không còn phải khổ đau nữa. Để cho thế hệ sau vẫn còn một dòng sông, vẫn còn biết về một loài hoa thơm quả ngọt. Để chúng ta vẫn còn một con nước mát rượi trong những tháng hè nóng bức. Để chúng ta vẫn còn đó sắc vàng óng ánh, hương thơm thoang thoảng giữa chiều đông giá lạnh phai tàn…
Đi trong không khí mùa lễ hội, em thấy có nhiều chàng trai cô gái mặc những chiếc áo trắng thật đẹp có in câu: Tôi yêu Hà Nội. Chữ “yêu” được vẽ bằng một trái tim đỏ chói. Không biết là Hà Nội trong lòng các bạn ấy ra sao? Không biết định nghĩa về tình yêu của các bạn như thế nào? Hình như bây giờ người ta yêu thì rất thích biểu lộ tình yêu ấy ra cho mọi người biết thì phải. Đây là một nét văn hoá của Tây Phương, phải không chị? Giới trẻ Tây Phương thì như vậy đó. Thích gì thì nói nấy. Điều đó rất lạ lẫm với người Á Đông. Chúng ta thường có xu hướng khác. Yêu thì mình phải để trong lòng hoặc nếu thể hiện thì cũng phải tìm một cách ý nhị và kín đáo. Em không trách móc gì những người bạn trẻ ấy. Trong thời đại ngày nay, giữa làn sóng văn hoá ngập tràn lẫn lộn những vàng thau gạch đá, nếu không có một đời sống tâm linh vững chãi, thì bất cứ một cá nhân nào, bất kể già trẻ lớn bé, chúng ta đều có thể trở thành nạn nhân. Nạn nhân của những cách nghĩ suy, của một chiến lược hay kế hoạch của cá nhân hay một nhóm người nào đó đề xướng. Nhìn vào những tin vắn, tin dài, mẫu quảng cáo, những đoạn phim thương mại là chị và em có thể nhận diện được sự thật ấy mỗi ngày. Những thành kiến, những cái thấy sai lầm, những thèm khát, bạo động phủ kín tràn ngập không gian xung quanh ta. Nếu không giữ gìn tâm ý, thì bao nhiêu chất độc kia sẽ dễ dàng tan thấm, khiến cho tâm hồn ta tàn lụi trong sự ấm êm giả tạo. Trí óc ta trở nên mê muội trong cơn hưng phấn ngục tù.
Chị và em có thể thấy rất rõ rằng đang có những biểu hiện mà mình gọi là mất gốc, lai căng. Những gãy đổ, băng hoại trong thân tâm xã hội được cập nhật hằng giờ mỗi ngày trên mạng lưới truyền thanh truyền hình. Nhưng ta đâu thể chỉ ngồi đó để khóc than, lên án hay miệt thị. Em đã từng nghĩ suy, thao thức và em cũng biết rằng có nhiều thanh niên khác cũng như em đã băn khoăn, nhức nhối trước thực trạng của đời sống. Tâm tư đã bừng nở những câu hỏi, những vấn nghi. Trái tim đã hé lộ những khát khao, ước vọng về một con đường, một lối thoát…
Chúng ta có thể nhìn lại mình và hỏi nhau: Ta đã hiểu ta, hiểu người như thế nào? Ta đã thương ta, thương người như thế nào? Cách hiểu và cách thương của chúng ta như thế nào mà đã để lại thực trạng như hiện nay? Mình phải làm mới lại tình yêu, phải không chị của em. Chị em mình đã đồng ý với nhau như thế. Nhưng ta sẽ làm mới như thế nào?
Xuân, Hạ, Thu, Đông … rồi lại … Xuân …
Em đã nhận ra sự thật là một đời sống phủ phê vật chất sẽ khó có thể đem đến cho em câu trả lời, chị ạ. Những dòng thu nhập, chiếc ghế êm và tấm chăn ấm chỉ làm em quên lãng, đóng khép đời mình với thế giới ngoài kia. Những đêm liên hoan, những vòng ân ái chỉ làm em ngủ vùi trong mộng mị. Và khi đêm tàn ngày tới, em giật mình nhận thấy hơi thở em khó khăn, bước chân em chới với. Ta có những thao thức, những vấn nghi. Nhưng như thế thì vẫn chưa đủ. Ta phải cần một khung cảnh, một không gian để có thể nuôi lớn, tiếp sức cho những thiện nguyện, cho ý muốn hướng thượng nơi tự tâm. Và phước đức thay, lành thay, em vẫn có được những khóa tu. Dù cho có nhiều gian khó, nhưng em vẫn có những ngày trở về.
Các khóa tu bốn mùa qua đi. Xuân, Hạ, Thu, Đông rồi lại Xuân. Chúng ta có thể nói với nhau: Đâu có gì mới mẻ đâu. Cũng chỉ bao nhiêu đó thời khóa. Cũng chỉ những câu nhắc nhở. Thở và cười. Lắng nghe để hiểu. Nhìn lại để thương.
Nhưng “Em có chán chưa?” Chưa đâu, chị à. Em chưa bao giờ chán những ngày quán niệm. Em chưa bao giờ tiếc những bước chân chậm rãi, những miếng nhai cẩn trọng. Sự thực tập nếp sống tỉnh thức nuôi dưỡng thân tâm em nhiều lắm. Từng động tác, từng hơi thở, cách đi, đứng, nằm ngồi trong ý thức là những trãi nghiệm mà em biết rằng sẽ không thể nào tìm được, có được trong cõi đời bụi bặm gió sương… Em đã có nhiều chuyến đi. Có khi em nhận lãnh những vòng tay bao la, những nụ cười cảm thông, những cái nhìn nâng đỡ. Nhưng cũng không ít lần em hứng trọn những cái tát ê ẩm, những tiếng cười nói quỷ ma… Và em thấy rằng mỗi khóa tu sẽ là trạm dừng bến đỗ để em nhìn lại, là mái ấm để em an trú, rút tỉa những bài học. Chốn bình yên đó sẽ chữa lành những vết thương trong em để rồi khi hừng đông đến, em sẽ lại thảnh thơi bước tới, hoàn thành nốt vai diễn mà mình mơ ước. Cánh cổng tam quan như một tấm màn sân khấu khép lại không gian của bóng đêm cát bụi để mở ra cho em một chu kỳ mới. Ôi! Làm sao em có thể nói hết cho chị đây. Những tháng ngày sao vỡ trăng rơi …
Chị biết không, sau từng ngày sống trong lòng tăng thân, em như chết đi sống lại. Em hay nghe anh chị Về Nguồn hát: “Trong lòng Tăng thân có khi nào mà không Xuân.” Thật đúng quá, chị à! Mùa Xuân đó không thể tìm thấy trong thế giới có không hữu hạn. Mùa Xuân vĩnh viễn, Xuân chín mãi ấy chỉ biểu hiện khi ta thực sống, sống trong Tăng thân. Ánh Xuân không sinh không diệt đó luôn tỏa chiếu để cho hạnh phúc trong em nở thêm một đóa. Và khổ đau hôm qua đã tan dần từng mảnh tự bao giờ. Vì thế, nên em trân quý những thời khắc của khóa tu lắm chị à. Em đâu thể phụ bỏ mùa Xuân. Em đâu thể buông lơi hơi thở mầu nhiệm. Đó là chiếc vé, món quá vô giá mà em đã được trao tặng. Em giữ chặt tấm vé trên tay để được ngồi xuống xem lại những thước phim đời mình. Cứ ba tháng như vậy, em có cơ hội thiết lập sự cân bằng giữa con tim và khối óc. Thân tâm em được dịp đoàn tụ gặp gỡ nhau như chưa hề xa cách chia lìa. Em có được một bối cảnh thanh tĩnh, một góc trời bình lặng để cho Tư Niệm Thực – búp sen lòng em – bung cánh tỏa hương.
Chị thương mến! Những ngày tại Đình Quán em sung sướng khám phá ra một một điều. Một điều em nghĩ là không có gì mới với chị. Chị đã nói với em nhiều lần rồi. Nhưng đến nay em mới thật sự thấu hiểu: Tu học không phải là một công trình của một cá nhân.
Trước đây, em đã nghe chị nhắc nhở như vậy nhiều lắm. Nhưng cái hiểu của em bây giờ nhìn lại mới thật ngượng ngùng, bẽ bàng làm sao! Em chỉ nắm bắt được từ ngữ, chỉ chạy theo con chữ, chị ạ. Chị từng dạy em tu học giống như làm vườn. Và em đã nghe theo một cách máy móc. Em đã phụ lòng chị. Em cho rằng mình sẽ an ổn lao tác trong khu vườn bé nhỏ của mình. Nhưng em đâu có ngờ vẫn còn đó những ngày nắng mưa, những mùa bão lũ, những loài côn trùng gây hại. Em lẻ loi và đuối sức. Nay thì em đã hiểu rồi chị ơi! Em đã tới với một không gian thênh thang, bát ngát hơn. Em đến với cánh đồng Tăng thân. Em không còn đóng khép tâm hồn mình trên mảnh ruộng bờ ao chật hẹp. Mùa gặt hái sang năm vẫn chưa đến. Vẫn còn đó nhiều công tác khai khẩn đất hoang. Vẫn còn những cơn giông tố và những loài rắn độc. Nhưng em đã yên lòng. Em không còn một thân một mình nữa. Em đang có mặt trong một đoàn thể đẹp. Em đang bước đi trên những con đường vui. Niềm thao thức, nỗi trăn trở của em vẫn còn đó lúc nắng mai về hay khi chiều tới. Nhưng chúng cũng như những hạt giống đang được tung rãi giữa trời xanh mây trắng. Và chị của em, chị có biết không! Cánh tay vung lên đó không còn là của em nữa rồi. Đôi chân đạp xuống bùn đen của thực tại đâu còn thuộc về em nữa. Em đã giao phó tất cả sắc thân mình cho bốn chúng. Có còn gì là của em nữa đâu. Tất cả chỉ là những hạt giống, phải không chị? Chị của em, mình sẽ đợi đến ngày đó nhé. Ngày lúa đơm bông. Ngày cỏ hoa thay áo cánh đồng…