văn – Trước 2014

Ba ơi! Con đang tiếp nối sự nghiệp của Ba

 

Ba kính thương,

Đây là tấm thiệp con tự làm từ món quà sư em Sáng Nghiêm (người Hoà Lan) cho. Con đã ngồi cắt ra từng hình, từng hình rồi ghép lại. Lúc làm cái thiệp, con nhớ hình ảnh Ba, Sơn anh hay anh Tuệ làm nguội khuôn chuông, cũng làm từng hoa văn một rồi ghép lại. Con nhớ nhất là hình ảnh Ba sưu tập những hoa văn của trống đồng Đông Sơn, có những mẫu đã mất dâú, mờ nhưng Ba đã khôi phục được nhờ sự tìm đọc và lòng nhiệt tình của Ba. Con cũng đã làm tấm thiệp như thế nhưng bình an và thanh thản hơn. Con làm tấm thiệp đầu tay này với rất nhiều niềm vui và sự chuyển hoá để dâng tặng Ba của con.

 

Ba ơi, hôm làm thị giả sư cô Chân Không, tự nhiên con nhận ra đời sống của Ba đã đi vào trong tâm thức con rất nhiều. Có hôm gặp những người Việt Nam cùng lứa tuổi của Ba nói chuyện, con nghe cách nói, âm điệu sao có cái gì lạ lạ đang diễn ra trong con. Nhờ hơi thở, con đã nhận ra lời nói, khuôn mặt, dáng hình của Ba trong đời sống hàng ngày của con. Trong đời sống tăng thân con đã có cơ hội nhiều lần gặp được Ba, con thoáng nghe giọng nói không mấy vui, oang oang như tiếng chuông, nhiều lần con định đứng dậy bỏ đi như lâu nay con từng làm, nhưng rồi con đã nghe nhịp thở của ba hòa vào nhịp thở của con. Con ngồi lại đó và nhận ra Ba đang ở trong con mà con bỏ đi đâu? Từ giọng nói đến vầng trán đang nhíu lại làm con thấy lồng ngực con đang tăng tốc. Con thở và nhắc nhủ: đó chỉ là ký ức cũ, con ngước lên nhìn rõ khuôn mặt của người nói, không giống Ba chút nào, nhưng ở trong tâm thức con rõ ràng là Ba của những ngày chật vật bên cuộc sống. Lần đầu tiên con biết nắm lâý hơi thở để âm thanh kia đi vào trong con, nó chạm vào tâm thức con vưà quen vưà lạ… và cũng lần đầu tiên con thấy con biết thở khi ở bên cạnh Ba trong những tình huống khó xử mà ngày trước khi còn bé con không biết làm gì để có thể giúp mình và giúp Ba. Con đã có một chút hoảng sợ nhưng rồi con kịp nhận ra phút giây hiện tại và ký ức quá khứ là hai dòng chảy đang cùng diễn ra trong con. Nhờ đời sống tăng thân nhắc nhủ, trong giây phút nguy nan con nhận được thông điệp của Thầy: “Hãy sống với giây phút hiện tại” và con biết mình phải chạm vào hiện tại bằng một cái chớp mắt, trong một sát na ngắn ngủi, hơi thở của con vẫn còn chở cả quá khứ như đang kịp nhận ra tín hiệu của giây phút hiện tại liền hướng về hiện tại để có tương lai. Ngay giờ phút đó con biết rõ ràng hiện tại là hành trang, là gia tài, là con đường rộng mở cho tương lai. Lời nói của Thầy lại về in dấu trong con: “Khi con biết sống với hiện tại là con đã biết sống cho quá khứ và tương lai rồi.” Giờ phút đó nó mở ra cho con cánh cửa của  niềm tin giải thoát mà lâu nay con tìm kiếm. Con như hiểu rõ thêm cái thắc mắc bé thơ của mình: “Đằng sau những nỗi đau thể chất mà Ba chưã trị bằng Tây y nhờ những phát minh không ngừng của khoa học, còn có một nỗi đau hay nhiều nỗi đau khác mà cả bác sĩ và bệnh nhân đều không biết được. Đó có phải là khổ thọ?” Con nghĩ, căn bệnh này nguy hiểm hơn nhiều căn bệnh ung thư khác bởi vì nó biến chuyển không ngừng và không ngoại trừ ai, nó làm cho người ta sống mà như chết, điên cũng không hẳn là điên mà tỉnh cũng không hẳn là tỉnh, con lại nghe lời Thầy dạy: “đôi khi ông bác sĩ cũng chưa chắc biết ngày mai mình còn sống không? và đôi lúc ông bị bệnh mà ông đâu có biết???” Sao lúc này câu nói này lại có thể hóa giải cái thắc mắc trong con. Con nghiệm ra một điều từ những khó khăn khi làm Trung Tâm Tư Vấn hay Trung Tâm Học Liệu rằng: “Chúng ta đang chơi trò đuổi bắt, cả bác sĩ, bệnh nhân và gia đình bệnh nhân đang chạy theo sau những khổ thọ của nhau mà không hay?

Bởi ngày đặt chân về Làng, tự nhiên con cảm thấy như mình đang đi làm ở Trung Tâm Tư Vấn, hàng trăm, hay cả ngàn thiền sinh như đều có nhu cầu tư vấn, công ty như bị quá tải trước nhu cầu khách hàng. Đôi lúc con có cảm tưởng như đây là một bệnh viện, một nhà an dưỡng thật thụ… Bởi họ đóng phí để về Làng với nhu cầu xả stress, nghỉ ngơi, trị liệu nhiều hơn là ý thức đi chùa lễ Phật như lâu nay con tu học và tiếp xúc thiền sinh ở Việt Nam. Con không thấy mình đang tu mà như đang đi làm, bận rộn cả ngày. Mệt qúa!

Trong phút nguy nan con đã ngồi thiền và quán chiếu: “Vì sao con đi tu?”, con đã sống sinh hoạt, tiếp nhận như thế nào trong những năm qua. Từ ngày phụ Ba khám bệnh, làm vết thương cho bệnh nhân, rồi khi bà ngoại qua đời, khi rời gia đình để vào Đại học, những ngày ở ký túc xá, những ngày loay hoay tìm việc làm bằng chính khả năng của mình, những ngày muốn đem những gì mình học được ở trường vào cuộc sống với đề án tổ chức dịch vụ hỗ trợ một cuộc sống đẹp như vẫn còn đó… Vậy mà khi những đưá bạn như Hiệp, Phong và Loan cùng ra đi trong một năm ở cái tuổi còn quá trẻ thì con sớm nhận ra mình chưa được sống ngày nào cả thì phải? Phải được sống thì mới làm được một dịch vụ hỗ trợ sự sống chớ. Và không ngờ đi tu là con được thật sự tham gia vào dịch vụ hỗ trợ sự sống cho cuộc đời. Không cần tìm kiếm một câu trả lời thoả đáng cho từng thiền sinh mới giúp được họ, cái khổ đau hàng loạt kia cần một dòng sông tăng thân cho họ có cơ hội tắm mát, nghỉ ngơi. Con cần tạo ra nhiều năng lượng an lành, tươi mát để hiến tặng, năng lượng đó chỉ có trong một cái tâm bình an, mà an lạc là tu phải không thưa Ba?

Hôm ở Viện Phật Học Ứng Dụng Châu Âu, Sư cô Chân Không hỏi thăm nghề nghiệp của Ba, Mẹ. Con nói: Ba con là một thầy thuốc giỏi nhưng con không muốn theo nghiệp của Ba vì lúc nào cũng thấy căng thẳng, sợ hãi… Sư cô nói: “Đi tu là theo nghiệp của Ba đó, mình không những chữa thân bệnh mà còn tâm bệnh nưã.” Con mỉm cười xác nhận sự thật đó đã có trong lòng con mấy hôm nay. Hôm ở Sơn Cốc Sư cô còn nhắc con: “Mình tập nhìn thấy những điểm tươi mát dễ thương khi được ở bên Ba nưã chứ đừng nhìn hoài caí cảnh lo âu sợ hãi của Ba.” Con mơí giật mình và bắt đầu về với tuôỉ thơ. May thay những giây phút yên bình, những sinh hoạt trong tăng thân đã gợi cho con những ký ức đẹp về Ba. Bây giờ con gom góp được kha khá niềm vui của Ba trong đời sống của con để khi cần là con có cơ hội thấy được nụ cười và nét mặt hân hoan của Ba. Con sẽ sống vui hạnh phúc cùng Ba trong đời sống tăng thân để chấm dứt vòng luân hồi luẩn quẩn mà con tin chắc cả ông nội, ông ngoại, Ba Mẹ và chúng con đang gặp phải. Con xin cảm ơn Ba thật nhiều.

 

Con gái của Ba