văn – Trước 2014

Hoa Hậu

Thương tặng các chị em xóm Cỏ Thơm, chùa Tây Linh bên nhau ngày nớ

Giờ này cây Hoa Hậu hẳn đã cho nhiều hoa lắm rồi!Tôi về ở chùa Tây Linh đang khi cây Hoa Hậu bắt đầu nở. Lần đầu tiên tôi ngắm cây Hoa Hậu là một buổi sáng gió lạnh nhưng trời không mưa. Đứng trên hành lang thiền đường mà ngắm Hoa Hậu thì thật là tuyệt. Cành Hoa Hậu vươn thấu hiên thiền đường và muốn đưa tay với hái hoa không khó tí nào.

Hỏi cây bao nhiêu tuổi, Sư bảo là trồng đã đến chừng mười năm. Mười năm, cây vẫn đứng đó, bình an trước bốn mùa. Để ý thì tôi thấy hoa nở bốn mùa nhưng mùa hoa rộ nhất vẫn là cuối Đông đầu Xuân. Lúc tôi và các sư em về Tây Linh cũng vào mùa Đông, đang mùa hoa nở. Sư bé Nhất Nghiêm rất thích Hoa Hậu và muốn tôi vẽ cho sư bé một tấm hình Hoa Hậu. Tôi hứa và ra đứng quan sát cánh hoa, lá hoa, cuống hoa, nhị hoa và thậm chí là những đường gân ở lá và cánh hoa nữa. Sau khi quan sát kỹ, tôi trở vào bàn định ngồi vẽ thì có việc và chuyện vẽ hoa mặc nhiên đình chỉ lại. Cho đến một buổi sáng, sư bé Nhất Nghiêm mang vào cho tôi một cành Hoa Hậu nhỏ và bắt tôi phải vẽ giống y chanh cành hoa đó. Sư bé tự treo cành hoa lên phía trước mặt tôi, tự sư bé chọn thế của hoa, làm y như một nhà đạo diễn đang tạo dáng cho các họa sĩ vẽ tranh không bằng. Tôi chìu sư bé và ngồi vào bàn vẽ. Ngồi vẽ và tôi nghĩ chỉ vài ngày nữa là cành Hoa Hậu này sẽ héo và mất đi, nhưng hình ảnh của hoa thì đã được ghi lại trong tàng thức tôi và trong cuốn sổ vẽ. Tôi không vẽ riêng trên giấy cho sở hữu của sư bé mà vẽ ngay trong cuốn tập vẽ. Vẽ xong tôi đề phía dưới là: “Thương tặng sư út Nhất Nghiêm, Giám niệm con – Những ngày tản cư về Tây Linh –  Ngày11/12/2009” (sư bé tự đặt cho tôi là sư Mạ giám niệm và tự phong cho mình là giám niệm con mặc dầu chỉ có sư bé làm giám niệm của phòng).

 

Chị em tôi về ở chùa Tây Linh từ nhiều nơi trú đến. Sau khi rời Bát Nhã, chị em tôi người thì ra ở chùa Phước Huệ, người về chùa Từ Đức, người thì về nhà làm giấy tờ, v.v… và sau đó thì về ở chùa Tây Linh. Trong thời gian ở chùa Tây Linh, một số các sư em tôi được đưa đi đến các trung tâm khác. Ngày các chị em tôi đến, cây Hoa Hậu có mặt chào đón chúng tôi bằng cái vẫy cành rất thân thiết. Cây đứng đó, cứ đón người này đến rồi đưa người kia đi. Các sư em tôi hiện đang có mặt ở các trung tâm tại Mỹ, Đức, Thái, Pháp, v.v.. nhưng cây Hoa Hậu thì vẫn có mặt ở đó cho bất cứ những ai đến – đi. Tôi thích nhìn những cánh Hoa Hậu rơi trong gió và nằm trên sân. Có những buổi sáng cầm chổi ra quét sân, nhìn những cánh hoa màu đỏ tím rơi đầy mặt đất, tôi hiểu ra thêm ý nghĩa của Tịnh Độ hiện tiền mà Thầy thường dạy, lòng tôi rung động trước cái đẹp tự nhiên của thiên nhiên đất trời ban tặng. Nhìn mảnh sân trải đầy cánh hoa tôi không nỡ quét đi. Nhưng không thể không quét vì ở đây là như vậy, buổi sáng ra mà không quét sân thì y như ngủ dậy không rửa mặt. Cái nhìn này đôi lúc cũng làm cho nghệ thuật “bầm dập” và suy giảm bớt đi phần nào. Rồi một hôm có cơn bão ghé qua, nhánh  hoa vươn vào phía thiền đường bị gió quật gãy, vậy là chị em tôi không còn cơ hội đứng ở thiền đường với tay ra để chơi đùa với những bông hoa nữa.

Chị em xóm Cỏ Thơm – Chùa Tây Linh

Chị em tôi thường ngày thứ Năm và Chủ Nhật thì lên xe đi về chùa Tổ để dự ngày quán niệm. Có một nhánh Hoa Hậu vươn ra khá sát đường đi và cành cúi thấp xuống. Mỗi khi lên xe và đóng cửa lại, tôi thường đưa tay ra nâng cánh Hoa Hậu lên để hoa khỏi bị cà mạnh vào xe. Có những lúc thầy Pháp Vượng đậu xe sát nhánh hoa, lên xe ngồi đợi các sư em, cành hoa đưa sát vào trong xe, tôi ngồi trong xe mà cầm được cả nhánh hoa chơi, thích chi lạ. Vậy đó mà một hôm có người cầm rựa chặt nhánh hoa đó đi. Tôi đứng trên lầu nhìn xuống, hỏi sao lại chặt thì được trả lời rằng bởi nó vướng víu. Nhìn nhánh cây bị chặt tôi buồn ơi là buồn. Tôi buồn không phải vì không có nhánh hoa đó để chơi, để ngắm hay làm mất đi vẽ đẹp của cảnh chùa. Tôi buồn bởi khi chặt cành cây, người đó đã chặt với sự thiếu ý thức mà tôi biết mình không thể góp ý được. Trong quá trình người đó chặt nhánh hoa, tôi có mặt đó vừa làm một quan sát viên vừa gởi năng lượng thương yêu tới cho cây Hoa Hậu. Khi nhánh hoa đó đã bị chặt khỏi cành cây, người kia buông rựa với niềm vui chiến thắng. Tôi như cảm được nỗi sợ, nỗi đau của nhánh cây khi bị những lát rựa đốn vào thân và bị kéo đi xềnh xệch. Nó đau lắm chứ, làm sao mà nói cây không có tri giác, không biết đau đớn khi nó cũng là một thực thể sống hiển hiện ra đó, sờ sờ trước mắt đó. Nói vậy không có nghĩa chúng tôi không bao giờ đốn cây hay cắt tỉa loài thực vật. Chị em tôi cũng từng làm vườn, vườn rau, vườn hoa và vườn cây ăn trái. Nhưng mỗi khi cần cắt rau hay cắt một nhánh hoa, tỉa một nhánh cây chúng tôi đều chắp hai tay lại, đọc bài kệ cắt rau hay cắt hoa, xin phép hay báo trước rồi mới cắt. Trong quá trình đưa kéo vào thân cây cho tới  khi cắt xong, chúng tôi đều làm rất cẩn trọng, làm trong chánh niệm và gởi niềm biết ơn tới những cọng rau, nhánh hoa hay cành cây vì chúng tôi ý thức rằng những cọng rau, nhành hoa, gốc cây này là những người bạn của mình và sẽ đem hạnh phúc đến cho mọi người với khả năng đóng góp của chúng.

Đã hơn mười năm qua cây Hoa Hậu vẫn đứng đó và cũng hơn một năm, tôi về ở chùa Tây Linh, sự có mặt giữa tôi và cây Hoa Hậu rất sâu sắc và âm thầm. Cây đã vẫy chào đón chị em tôi đến và đưa các sư em tôi ra đi, cũng như cây, tôi cũng đã làm như vậy với các sư em tôi. Tôi và cây đều làm kẻ ở lại.

Mấy ngày liên tục trời trở gió và mưa hoài. Có những đêm nằm nghe gió rít từ phía sau cánh đồng đưa lại, tôi nghĩ đến cây Hoa Hậu, gió đánh mạnh thế thì hoa rụng hết còn gì. Đúng thật, sáng ra nhìn cây Hoa Hậu với cành lá xác xơ, trông tơi tả làm sao. Dưới mặt đất, những xác hoa rơi vãi đầy trong nước, dính chặt vào mặt đất như thách thức những lát chổi của các chị em tôi. Có một vài nhánh hoa gãy nguyên cả chùm, chị em tôi nhặt đem về phòng, chưng trên kệ ở đầu giường, tới giờ rảnh chúng tôi về ngồi yên nơi “vương quốc” của mình uống trà và ngắm hoa hay học bài, lòng cảm thấy an ổn mặc dù bên ngoài mưa gió không ngừng. Các sư em tôi vẫn thường hái lá của cây Hoa Hậu để tạo hình mặt thỏ, khá giống chú thỏ thật với hai cái tai dài ngộ nghĩnh. Tuy trời mưa gió và Hoa Hậu rụng đầy sân nhưng tôi vẫn thích ra đứng ở hành lang thiền đường để chơi với hoa. Tôi mong sao cho mưa gió thôi ghé thăm để hoa không phải sớm rời cành. Nhưng tôi biết nếu còn gốc, còn nhánh thì qua mùa Đông cây Hoa Hậu sẽ cho ra đời những chiếc lá non xanh, những bông hoa đỏ tím.

 

Cứ ngỡ là tôi sẽ làm người ở lại, ấy vậy mà rồi tôi cũng ra đi. Thiệt là cuộc đời không ai biết được ngày mai ra sao… Hôm trước ngày tất cả chị em tôi chuyển chúng lên ở Diệu Trạm, đêm đó tôi đã dành thời gian ra đứng ở hành lang thiền đường chơi cùng cây Hoa Hậu. Tôi nói lên lòng biết ơn của tôi, nói lời cảm ơn cây đã cho tôi những phút giây yên tĩnh và tươi mát, đã có mặt đó cho tôi trong những lúc tôi vui cũng như tôi buồn, đã giúp tôi trân quý những cái đẹp của đất trời ban tặng, đã thắp sáng ý thức về cuộc sống vô thường đầy mầu nhiệm để tôi thôi hứa hẹn những gì tôi chưa chịu làm lâu nayJ. Sáng đó khi rời chùa Tây Linh, tôi nhìn cây Hoa Hậu và mỉm cười thay lời tạm biệt và lòng không khỏi…  gợn sóng. Tôi biết cũng như tôi, cây không buồn vì chuyện đến đi của cuộc đời bởi chúng tôi biết tất cả luôn còn đó cho nhau mỗi khi trong lòng luôn sống cho nhau, vì nhau.

Chân Như Hiếu