Đường táo và đường Quyên
ĐƯỜNG TÁO
Đường táo là con đường mòn nhỏ đi xuyên qua rừng táo. Rừng táo là một khu vườn rộng chừng 3 mẫu tây nằm sau lưng Viện Vô Ưu, được bao quanh bằng một vành đai rừng cây thưa nhưng cổ kính. Nói là rừng táo nhưng thực ra ngoài cây táo cũng còn có vài cây hồ đào do những người trẻ trong phong trào Wake – Up trồng năm ngoái, còn có vài cây anh đào và vài cây lê nữa. Lối mòn này chắc chắn là được tạo nên một cách vừa ngẫu nhiên vừa có chủ ý. Ngẫu nhiên là vì nó hình thành theo cảm hứng của người đi dạo vườn táo. Chân bước theo hơi thở. Tâm ý, ánh mắt và các cơ quan có khả năng cảm nhận khác đều để cả vào bước chân; để vào những dáng thân cổ kính, dáng hoa thanh thoát tự nhiên; và để cả vào ý thức về sự xúc tiếp hân hoan đó chứ đâu có chủ ý dùng cái sức lực mong manh của đôi chân quê mùa ấy mà tạo đường tạo lối trên mặt đất mông mênh oai hùng này! Những đôi chân cứ theo cái cảm quan vô tư mà đi, cứ theo cái an tĩnh hồn nhiên mà dừng… lần này qua lần khác, người này qua người khác… cuối cùng một lối mòn bỗng biểu hiện như tự ý nó muốn ghi lại những dấu chân cẩn trọng ấy. Nhưng nếu nói ngẫu nhiên thôi e rằng không đủ, mà còn có cả chút chủ ý nữa. Nhìn từ chùa Đại Bi, thảm cỏ của khu rừng táo uốn lượn mềm mại như một tấm lụa xanh điểm bồ công anh vàng và cúc dại trắng. Lối mòn này bọc quanh những đám hoa vàng và những đám hoa trắng ấy. Những đôi chân không muốn dẫm lên những đám hoa tươi đẹp kia nên đã cố tình tránh ra mà đi vòng quanh. Một đôi chân muốn gìn giữ, nhiều đôi chân muốn che chở, lần này qua lần khác, ngày này qua ngày khác… lối mòn hình thành theo chủ ý giữ gìn và che chở ấy. Vậy là có chủ ý đàng hoàng rồi chứ gì nữa? Và vì lối mòn ấy loanh quanh trong rừng táo nên gọi là Đường Táo.
Những ngày ở Viện Vô Ưu, tôi hay rong chơi theo Đường Táo. Trước khi vào Đường Táo bạn sẽ đi ngang qua hai gốc táo cổ thụ. Tôi không biết đếm tuổi cho hai gốc táo này, nhưng nhìn cái dáng bề thế và hiên ngang của chúng thì tôi không dám cho mình già dặn hơn, nên tôi thường cúi mình chào hai người anh ấy. Gốc cây tôi ôm vừa chặt, những cành lớn chỉ còn trơ lại khúc xương mục. Nhưng lạ thay, từ cái thân cằn cỗi và những khúc xương khô mục ấy, những tán hoa trắng năm cánh điểm hồng tươi tắn và trẻ trung đến độ làm người ta lúng túng khi muốn dán cho chúng cái nhãn trẻ hay già. Trẻ ư? Gốc cây cổ kính như không còn chút sức sống kia mà trẻ ư? Thân cây sù sì nứt nẻ không còn chút da, để rêu cỏ phong kín từng mảng lớn ấy mà trẻ ư? Nhưng già thì sao những bông hoa hồng phấn kia lại tươi đến vậy? Những bông hoa ấy vui tươi đến nỗi làm cho ai có cảm giác rằng mình là kẻ già cỗi bỗng thấy cái cảm giác ấy vô lý một cách không giải thích được. Tôi thường lắng nghe bài học vô thường trong những lần đi vào Đường Táo ấy.
Cánh hoa táo đầy đặn nhưng không thô. Khi còn chưa nở, nó mang màu hồng thật tươi. Nhưng khi mặt trời ươm chín cái hồng ấy thì cánh táo nở ra, trả bớt màu hồng cho mặt trời, chỉ giữ lại một chút thật nhạt ở cánh ngoài như muốn giúp người ta phân biệt chúng với hoa lê, vốn thuần màu trắng. Những ngày cuối xuân, những cơn mưa thêm với gió đã mang những cánh hoa ấy trải trên thảm cỏ xanh vốn đã lấm tấm vàng bồ công anh và trắng cúc dại thêm một lớp mỏng màu hồng phấn làm cho những đôi chân đi trên Đường Táo phải dừng lại lâu hơn. Nhạc sĩ Hoàn Nguyên trong Bài Ca Hoa Đào cũng đã nói về hình ảnh đó: “Ai lên Xứ Hoa Đào đừng quên bước lần theo Đường Hoa. Hoa bay đến bên người, ngại ngần, rồi hoa theo chân ai”. Hoa đào cũng có màu hồng, nhưng hồng đào không nhẹ nhàng và thanh thoát như hồng táo, hồng đào đậm đà và có vẻ như thiếu một chút vô tư. Nếu không như vậy thì tại sao hoa đào lại theo chân người vào Xứ Hoa Đào? Hoa táo ở Đường Táo không ngần ngại khi có người nhìn ngắm mà cũng không theo chân người mà rời Đường Táo. Hay là do những đôi chân vào Đường Táo cũng nhẹ nhàng và thanh thoát như hoa táo? Tôi muốn mời nhạc sĩ Hoàn Nguyên một lần vào Đường Táo. Và tôi tin rằng một khi đã vào Đường Táo, nhạc sĩ Hoàn Nguyên sẽ không còn hài lòng với đoạn kết trong ca từ Bài Ca Hoa Đào của mình: “Lạc dần vào quên lãng rồi Đường Hoa lặng bước trong lãng quên”. Nếu có dịp, tôi cũng sẽ hân hạnh cùng nhạc sĩ Hoàn Nguyên trở lại Đường Hoa ở Xứ Hoa Đào của nhạc sĩ. Nhưng đó là chuyện sau này, bây giờ tôi tạm rời Đường Táo, tôi đưa bạn đi vào một con đường khác, Đường Quyên.
ĐƯỜNG QUYÊN
Đường Quyên, nghe có vẻ như là tên của một nhân vật nữ trong tiểu thuyết của Quỳnh Dao hay truyện kiếm hiệp của Kim Dung quá phải không? Trong một tiểu thuyết dài của một nhà văn trẻ Trung Hoa viết về những vùng bí ẩn của văn minh cổ Tây Tạng và Maja có một nhân vật nữ cũng tên Đường Quyên, nhưng Đường Quyên mà tôi sắp đưa bạn đi dạo đây không phải là nhân vật nữ này của nhà văn Hà Mã, mà là một con đường hẳn hoi. Đường Quyên là những con đường mà hai bên có nhiều hoa đỗ quyên. Không những nhiều, hoa đỗ quyên ở những con đường này thật đẹp, thật lạ, thật… nên gọi là Đường Quyên. Ngoài Đường Táo ra, ở Viện Vô Ưu chỉ có Đường Quyên. Bạn sẽ hỏi tôi rằng phải chăng ở Viện Vô Ưu chỉ có 2 con đường. Và chắc chắn là tôi sẽ khó mà tìm đủ lý do để cho bạn một câu trả lời phủ định. Ngoài những chương trình sinh hoạt và làm việc, tôi thường cùng anh em đi dạo. Và ở Viện Vô Ưu, ngoài Đường Táo thì chỉ còn Đường Quyên cho mình đi dạo mà thôi. Những ngày đầu ở Viện Vô Ưu, tôi đã có cái nhận định này, những lúc ấy tôi còn tự cười mình, cho rằng chỉ vì mình quá thích hoa đỗ quyên nên mới cho điều ấy là đúng. 1 tháng qua, tôi đã cùng anh em đi dạo không biết bao nhiêu lần, qua nhiều con đường… và tôi không thể tìm được một ngõ ngách nào để ra khỏi Đường Quyên.
Công việc đầu tiên tôi làm ở Viện Vô Ưu lần này là tỉa cây. Và cành cây đầu tiên tôi cắt là một cành đỗ quyên, vườn cây tôi hoàn thành đầu tiên cũng là một vườn đỗ quyên. Lưng chừng núi Bạch Mã, một trong những rừng quốc gia lớn nhất Việt Nam có một con thác cao tới hơn 40 mét. Nước đổ xuống những gờ đá tung bọt trắng xóa. Vách đá ấy chỉ có một lối nhỏ dẫn xuống. Lối đi này hoàn toàn không có bậc thang, chỉ có mong manh và nguy hiểm. Vậy mà biết bao kẻ đã không ngần ngại sự mạo hiểm mà lần xuống tận chân thác dù trước đó đã mất 4 tiếng đồng hồ leo lên từ chân núi. Tôi cũng một lần mạo hiểm xuống chân ngọn thác này chỉ để thỏa mãn sự tò mò của mình. Con thác này tên là thác Đỗ Quyên, và nghe nói, dưới chân thác có một loài hoa đẹp tên là hoa đỗ quyên. Đó là chuyện hơn 10 năm trước, tôi cùng vài người bạn mạo hiểm trong cái màn mù trắng xóa của con thác Đỗ Quyên ấy để sau đó được chiêm ngưởng những bụi hoa đỗ quyên. Đó là những khoảnh khắc thật đẹp. Có lẽ do sự mạo hiểm ấy mà sau này tôi thích hoa đỗ quyên. Những bông hoa đỗ quyên đầu tiên lưu lại trong ký ức tôi có màu đỏ thẫm, trông buồn và u uất. Nhưng khi có ánh mặt trời, chúng trở nên rạng rỡ lạ thường. Sau này tôi được thấy hoa đỗ quyên dưới nhiều màu sắc và hình dạng khác nhau. Một lần tôi mua được một chậu đỗ quyên để chưng trong phòng vào dịp Tết, tôi cón nhớ niềm hạnh phúc đó. Mấy năm trở lại đây, năm nào tôi cũng chưng đổ quyên trong phòng vào dịp Tết. Nhiều anh em tôi cũng đã làm như tôi.
Đỗ quyên Pháp cũng như đỗ quyên ở Việt Nam, chỉ có vài màu và hiếm hoi mới có một chậu đẹp. Lần này ở Viện Vô Ưu, tôi được biết thêm một thế giới khác của đỗ quyên với thật nhiều màu sắc và chủng loại khác nhau. Vì vậy mà từ ngày đầu tôi đã có cái cảm tưởng là con đường nào tôi đi qua cũng có đỗ quyên. Và vì con đường nào cũng có đỗ quyên nên tôi không thể không gọi những con đường tôi đi là Đường Quyên. Bụi đỗ quyên tôi tỉa giờ đã cho hoa, màu cam, cánh đơn, mong manh nhưng rực rỡ. Vườn đỗ quyên ấy còn cả một bụi hồng, một bụi tím, một bụi trắng, một vụi vàng và một bụi đỏ tươi nữa. Đỗ quyên tôi biết trước đây là đỗ quyên đơn, cánh mỏng và một chồi chỉ cho một hoa. Đỗ quyên ở Viện Vô Ưu có những loại cánh kép, một chồi, nhưng cho nhiều hoa. Có chồi đến cả hơn mười hoa. Cũng lần đầu tiên tôi được một bụi đỗ quyên che nắng, điều mà tôi chưa hề dám mơ. Có khi nào bạn tin rằng bạn trú nắng dưới một cây nấm rơm? Có chăng là trong truyện cổ tích. Vậy mà tôi đã ngồi đọc sách cả buổi trưa dưới một bụi đỗ quyên tím nhạt.
Quanh Viện Vô Ưu là những khu biệt thự thật đẹp. Mỗi nhà đều có một khu vườn nhỏ và khu vườn nào cũng có những bụi đỗ quyên. Đa số những ngôi biệt thự này đều không có tường thành kiên cố, thay vào đó là những hàng cây. Có nhà làm hàng rào bằng tùng, có nhà làm hàng rào bằng gỗ, và cũng có nhiều nhà làm hàng rào bằng những giậu hoa đỗ quyên. Tôi không dám nghĩ rằng người ta có thể trồng hoa đỗ quyên để làm hàng rào. Bạn đừng tưởng tôi cho rằng làm hàng rào là không đáng với vị trí của đỗ quyên. Điều tôi muốn nói là tôi quá hạnh phúc khi thấy đỗ quyên được có thêm một thuộc từ mới, không chỉ còn là cây đỗ quyên, bụi đổ quyên mà là giậu đỗ quyên. Giậu đỗ quyên, nghe sao thân thiết! Tôi nhớ thi sĩ Quách Thoại với cái niềm hạnh phúc của đóa thược dược đứng bên giậu dâm bụt. Tôi nghĩ là thi sĩ Quách Thoại sẽ không chỉ cúi đầu trước những đóa thược dược nếu cái giậu ấy là giậu đỗ quyên.
Tôi đã đi qua Đường Quyên không biết bao nhiêu lần, và lần nào tôi cũng khám phá ra rằng mình chưa biết đủ về Đường Quyên. Mỗi khi đi vào rừng, tôi đều đi qua Đường Quyên. Từ cư xá ra sân cũng đi qua Đường Quyên. Đi xuống phố ăn kem cũng đi qua Đường Quyên. Đi ra sân chơi thể thao tôi cũng đi qua Đường Quyên… Mùa này đúng vào mùa hoa đỗ quyên cho nên những Đường Quyên càng rực rỡ và vui tươi.
Mùa này không còn là mùa hoa táo, nhưng lối mòn trong rừng táo vẫn còn mới vì những bàn chân đi qua Đường Táo vẫn cẩn trọng và vô tư. Tuy tôi chưa khám phá hết Đường Quyên, nhưng phải chăng vì vậy mà Đường Quyên đối với tôi khi nào cũng mới mẻ và thân thuộc?
Bạn vừa rong chơi nơi Đường Táo và Đường Quyên của Viện Vô Ưu. Cùng với Đường Tùng ở Sơn Hạ, Đường Mận ở Xóm Hạ… ta thêm vào gia tài “Những Con Đường Đi Vào Huyền Thoại” thêm hai con đường khiêm tốn: Đường Táo và Đường Quyên.
(Thầy Trung Hải,
Khóa tu tại EIAB, năm 2010)