Phép lạ Tăng thân
Xóm Rừng Phương Bối, 24.07.2009 | Sư chú Pháp Xa
Tôi lại trở về góc thư viện quen thuộc trong không gian thật yên tĩnh của buổi chiều mùa Hè. Nắng vàng ấm áp phủ khắp những núi đồi xanh thẳm bao quanh tu viện. Những ngày vừa rồi bão tố đã qua nơi này thật khốc liệt nhưng chiều nay trời đã êm ả trở lại. Không biết đêm nay, sáng mai hay những ngày tới bão giông còn xảy ra hay không nhưng chiều nay một buổi chiều hiền lành đủ không gian và thời gian cho tôi nhìn lại chính mình và ngắm nhìn cảnh vật quanh mình.
Bão giông ở đây là cả bão giông của hiện tượng vật lý và là bão giông của lòng người (của sinh lý và tâm lý). Mới hôm qua, hôm kia báo chí đã đưa tin về cơn lốc xoáy tại vùng Bảo Lộc gây thiệt mạng 3 hay 4 người gì đó (tôi chỉ nghe phong thanh). Và cũng mới những ngày qua đài báo cũng đưa tin về những bạo loạn xảy ra tại Tu Viện Bát Nhã như một trận bão giông khủng khiếp nhưng may mắn là không có ai thiệt mạng. Đã có nhiều thông tin, nhiều tài liệu đây đó tường thuật, đánh giá và nhận xét về sự vụ vừa qua, nhưng những dòng chữ của tôi đây hoàn toàn không muốn tham gia vào những cuộc bình phẩm sôi nổi ấy của dư luận mà chỉ đơn thuần là sự chia sẻ của một tu sinh Tu Viện Bát Nhã và là người trong cuộc trực tiếp trải qua cơn giông tố.
Thực ra nói như vậy cũng chưa đúng. Quả thực nếu có một cái “tôi” hay “một người” nào đó nói rằng mình đã trải qua cơn giông bão thì đó quả là chuyện hoang đường. Không có một cái “tôi” nào, không có “một người” nào có thể vượt qua được những khó khăn vừa qua. Nếu cần có một lời nào để nói với cả thế giới thì chúng tôi sẽ cùng nhau nói rằng: “Tất cả chúng tôi đã đứng bên nhau, đã ngồi yên bên nhau để cùng kinh qua trận giông bão của hận thù và hiểu lầm vừa qua. Sức mạnh đã được làm nên bằng cả một cộng đồng cùng thực tập chứ không phải là bởi một cá nhân xuất sắc.” Vâng, chúng tôi đã đứng bên nhau như thế đấy. Với những hơi thở mà đối với nhiều người là loại sơ cơ như “thở vào tôi biết tôi đang thở vào, thở ra tôi biết tôi đang thở ra” vậy mà chúng tôi đã ngồi yên được trong lúc những đạo hữu ấy quăng phân vào quý Ôn, đập phá tăng xá và diễn hành chửi rủa.
Chúng tôi nhắc lại những điều này (điều mà quá nhiều người đã nói tới) không phải để tự hào về mình mà để nói về một sự thật mà chính chúng tôi còn chưa hết ngỡ ngàng trước phép lạ của tăng thân. Tăng thân Bát Nhã là một tăng thân quá trẻ mà lại không được sự dìu dắt trực tiếp của Thầy. Bản thân tôi tính đến nay mới xuất gia và tu học với đại chúng được 4 năm, một con số quá ít ỏi về thời gian vậy mà đã được xếp vào hạng những “người đi trước” những “sư anh” của chúng. Bởi vì sau lưng còn có hàng trăm sư em và các em tập sư mới thực tập với tăng thân từ 1-2 năm (khoảng 2/3 của tăng thân). Nếu nói về năng lực tâm linh, khả năng tu chứng của từng người thì quả là còn non nớt. Về phần giáo lý và các tư tưởng Phật giáo chúng tôi còn đang là những kẻ mới nhập môn. Ấy vậy mà khi ngồi lại với nhau từ những cái tôi yếu ớt ấy bỗng cộng hưởng với nhau trên cùng một tần số – tần số Chánh Niệm và Từ Bi để cùng xướng tụng danh hiệu của Đức Bồ Tát Đại Bi Quan Thế Âm. Tiếng niệm Bồ Tát và năng lượng tĩnh lặng tập thể đã khiến cho biết bao người đang hung hăng và nóng nảy phải chùn tay trong việc đập phá.
Trong suốt một tuần xảy ra sự việc chúng tôi chỉ ngồi yên với nhau để quán tưởng đến đức Bồ Tát – đức Bồ Tát của tình thương bằng cách niệm danh hiệu và tụng bài Khơi Suối Yêu Thương. Thế rồi cơn bão tố cũng đi qua. Tuy nó cũng phá đổ nhiều thứ nhưng bù lại được năng lượng thương yêu và trong sáng của các thầy, các sư cô, các sư chú trẻ trung nên cảnh vật hôm nay đã tươi nhuận trở lại. Mỗi chiều các thầy, các sư chú và các em tập sự nam vẫn cười đùa và chơi thể thao trước sân Tăng Xá bên cạnh đống hoang phế từ những cuộc tấn công. Những đống nát ấy quả thực chẳng đáng giá gì với chúng tôi khi ngày hôm nay tất cả anh chị em còn đủ mặt bên nhau. Trong hồi ký Nẻo Về Của Ý chẳng phải Thầy đã dạy rằng “chúng ta mất tất cả chỉ còn có nhau”, rằng “Phương Bối đã trở thành thánh địa trong lòng tất cả những ai đã thuộc về nó dù bây giờ Đại Lão Sơn, Phương Bối Am đã chìm vào vào sương khói” hay sao? Anh chị em chúng tôi chưa ai từng được sống những ngày êm đềm như Thầy ở Phương Bối nhưng chúng tôi cũng một phần nào mường tượng được không gian êm ấm qua những ngày ở Bát Nhã. Và chúng tôi ai cũng ngầm hiểu và công nhận với nhau rằng Bát Nhã là quê hương tâm linh đầy ấm áp và đẹp đẽ của tất cả chúng tôi – của tất cả những ai thuộc về Bát Nhã.
Những ngày gần đây tôi thường dành thời gian để ngồi một mình và nghĩ về quá khứ tươi đẹp của Bát Nhã. Nghĩ về không phải để tiếc nuối hay trách móc hoàn cảnh hiện tại. Nghĩ về để thực tập từ bi quán và tri ân quán. Có lẽ đài báo công luận đã đưa nhiều tin nhưng có một tin mà tôi nghĩ chắc chưa có báo nào đăng đó là tình cảm của 400 tu sinh trẻ với thượng tọa Đức Nghi. Đến giờ phút này trong các buổi pháp đàm chia xẻ trong chúng chưa hề có một ai lên tiếng trách móc Sư Phụ (đó là cách gọi thân mật của anh chị em chúng tôi đối với Thượng tọa). Tất cả đều giữ một lòng biết ơn sâu sắc với những gì Sư Phụ đã kiến thiết cho đại chúng trong quá khứ cũng như trong hiện tại. Khi những khó khăn này xảy đến tôi vẫn biết ơn Sư Phụ. Vì người đã đem tới cho đại chúng một cơ hội quá lớn để thực tập. Nếu không có những khó khăn vừa qua, chúng tôi đâu có cơ hội để thấy được công dụng lớn lao của lòng từ bi và của phép thực tập ngồi yên. Tất cả sẽ chỉ là sách vở nếu không có những trải nghiệm thực tế vừa qua. Có người đã nói rằng biết đâu đây lại là một bài tập thử thách của người cha dành cho những đứa con yếu ớt để chúng mau trưởng thành. Tất nhiên bên cạnh lòng biết ơn là lòng xót xa lớn lao. Đêm ngày anh em chúng tôi vẫn thầm cầu nguyện cho Sư Phụ và các đại hữu của chúng tôi sớm tai qua nạn khỏi để có thể trở về chung sống êm ấm với nhau như ngày xưa. Nhưng chúng tôi không bao giờ chỉ ngồi đó bỏ thi giờ để mơ mộng về ngày xưa. Với sự thực tập Chánh Niệm và đời sống tăng thân, chúng tôi ý thức với nhau rằng tăng thân vẫn tiếp tục duy trì và tiếp nối những cái “ngày xưa” trong giây phút hiện tại và tương lai. Đó cũng là một phép lạ của Tăng thân. Thầy đã dạy chúng ta là phải thực tập làm sao để xây dựng nên một quá khứ thật đẹp. Nếu có một quá khứ đẹp ta mới có thể sống đẹp trong hiện tại và trong tương lai. Nhưng ta chỉ có thể xây dựng quá khứ trong giây phút hiện tại chứ không có các nào khác. Đó là cách của hành giả Chánh Niệm. Tôi ý thức rằng giờ phút này ngồi đây trong góc thư viện này tôi đang là quá khứ cho biết bao thế hệ sư em tương lai của tôi. Và tôi nguyện sẽ sống làm sao để tương lai các sư em nghĩ về sẽ thấy thật ấm áp như Thầy nghĩ về Phương Bối.
Những ngày vừa qua tăng thân chúng tôi với sự thực tập Chánh Niệm cộng đồng đã xây dựng nên một quá khứ thật đẹp. Quá khứ của những con người đã ngồi thật yên và quán Từ Bi trước những sự tấn công thô bạo của những người có tri giác sai lầm. Chúng tôi cũng hiểu rằng trong trong giờ phút hiện tại chúng tôi cũng đang xây dựng cho tương lai. Tôi đang mường tượng tới nụ cười bằng lòng và đầy tin tưởng của Thầy, của Sư Cố, của Tổ Liễu Quán, của Tổ Lâm Tế và của Bụt. Chúng tôi là sự tiếp nối của liệt vị chính vì vậy chúng tôi là tương lai của quý vị. Chúng tôi thực tập hết lòng trong hiện tại tức là đã và đang xây dựng một tương lai cho quý vị; tức là đang thực hiện những mong mỏi của quý vị. Còn ngày mai không chắc trời đất sẽ bình yên như chiều nay nhưng chúng tôi cũng thực tập để không lo lắng, bồn chồn hay sợ hãi. Tại vì tất cả những gì chúng tôi – những người tu trẻ mong ước và kiếm tìm đã được thỏa mãn trong giờ phút này rồi. Chúng tôi đến với tăng thân không phải để tìm một cơ sở đồ sộ, nhiều tiện nghi và chắc chắn không phải để an thân. Chúng tôi là những người trẻ đang đi tìm một con đường thoát cho những khổ đau của tự thân và của thời đại. Chúng tôi đi tìm một đoàn thể những người cùng tu học với nhau có một hướng đi sáng đẹp và có tình huynh đệ thực sự. Tất cả những điều đó chúng tôi đã được tăng thân này đáp ứng. Chúng tôi không còn đòi hỏi gì thêm. Ngày mai sẽ ra sao? Sẽ có ai tấn công mình hay không? Mình sẽ có một cơ sở tu học mới hay không? Đó không phải là những câu hỏi của chúng tôi (nó sẽ dành cho những người khác). Chúng tôi chỉ hỏi nhau rằng trong giây phút hiện tại chúng tôi có hạnh phúc hay không; những giận hờn, buồn bực đã chuyển hóa đến đâu rồi. Tăng thân là tương lai, là sự lựa chọn của tất cả chúng tôi.
Xin gửi những dòng chữ này tới tất cả những ai đang ngày đêm thao thức lo lắng cho chúng tôi. Mong quý vị hãy yên tâm rằng chúng tôi sẽ thực tập như vậy dù bất cứ chuyện gì xảy tới. Xin gửi đến liệt vị Tổ Sư niềm kính ngưỡng, biết ơn sâu xa nhất vì có liệt vị phù hộ độ trì mà chúng con mới tai qua nạn khỏi. Xin gửi đến các thế hệ sư em tương lai một lời hứa chân tình rằng chúng tôi sẽ mãi mãi đứng bên nhau, ngồi yên bên nhau để xây dựng một quá khứ đẹp cho các sư em.