Con dấu hạnh phúc
Sư cô Văn Nghiêm
Về Sơn Cốc, ngôi nhà nhỏ bình yên với rừng tre Ca Lan Đà râm mát, bên suối Tào Khê róc rách, thầy tôi nằm đưa võng và chúng tôi ngồi quây quần bên Thầy. Tiếng chim líu lo trong một ngày nắng đẹp, tôi thấy tuổi thơ mình trở về gần gũi và thân quen như những ngày về quê ngoại. Tịnh Độ hay ta bà, mơ hay thật? Khi Thầy tôi ngồi đó vẽ những vòng tròn thư pháp như đang chơi một trò chơi trẻ con.
Thầy nói: “Thầy đang trồng những quả bí, quả cam”. Hai chị em tôi đỡ lấy những “quả bí”, “quả cam” ấy đem phơi cho ráo mực. Phút chốc tôi thấy mình nhỏ bé như chưa từng là một người lớn. Dù lớn bao nhiêu tuổi, về bên Thầy chúng tôi vẫn có cảm nhận mình vẫn là những đứa bé con. Tôi ngồi đó và thoáng nhìn một con người nổi tiếng như Thầy sao lại bình dị đến lạ trong cách sống mộc mạc mà bền bỉ sắc son một lòng cho quê hương đến thế. Hình ảnh này đẹp lắm bạn ơi!
Tôi nhìn Thầy và thở, hình ảnh Thầy như tiếng chuông đại hồng gióng lên hồi chuông tỉnh thức mà vui sống. Tôi nhận ra mình đang được sống trong tăng thân, được thực tập khi nghe chuông, khi tiếp xúc với một bông hoa, một cái đẹp nên tự nhiên tôi đã có được những hơi thở mới bình an. Tôi cười khi nhận ra đứa bé bất an ngày xưa trong tôi cũng biết thở, biết cười, biết buông thư. Ngước nhìn lại, bé bắt gặp khuôn mặt ba bé ngày xưa cũng đã giãn đi những nếp nhăn và bắt đầu bình an trở lại, mọi người chung quanh cũng trở nên yên lắng và bình an trong cùng một nhịp thở của bé. Bé thở đều: “vào”… “ra”…, “vào”… “ra”…,“vào”… “ra”… theo từng nhịp như để lưu giữ cái phút giây mầu nhiệm ấy. Và càng nhìn Thầy bé lại thấy ba của bé bình an và thanh thản đến lạ! Bởi ngay giờ phút này, đứa bé ngày xưa là tôi ngày nay như nhận thấy hai đời sống tâm linh và huyết thống đang âm thầm lưu nhuận trong nhau, tôi đang được trao truyền và tiếp nối.
Rồi Thầy đã ôn tồn chỉ cho tôi cách xếp một tờ giấy, đóng một con dấu sao cho ngay. Bạn biết không, tôi đã từng nhập môn công việc đóng dấu cho văn thư và tôi đã từng đóng dấu cho cả ngàn cuốn sách. Vậy thì tôi đã cho ra đời biết bao con dấu? Nhưng hôm qua, tôi được học cách đóng một con dấu hạnh phúc. Con dấu đó ra đời sau những bước chân thiền hành bình an, hơi thở bình an, lời thăm hỏi bình an giữa tình Thầy trò. Thầy từ từ bước vào Nội viện (nơi dành cho gia đình xuất gia) và ngồi vào bàn vẽ trong ngôi nhà kính thân thương mà Thầy thường gọi đùa là xưởng vẽ của Thầy. Thầy ghi lên những “quả bí”, “quả cam” một câu thư pháp như trao truyền một bí kíp của khu vườn bí mật rồi nói: “Chữ Thầy đơn giản quá con hỉ!” Tôi chắp tay “Dạ”, khẽ thầm công nhận. Thầy cầm con dấu ấn xuống và đưa cho tôi. Đang mải mê chiêm ngưỡng những tác phẩm của Thầy, Thầy nhìn tôi và bảo: “Bây giờ con đóng dấu cho Thầy.” Tôi “Dạ” và hành nghề như trước đây tôi đã từng làm. Mỗi khi đóng một con dấu tôi lại nghe tiếng kêu lách cách quen thuộc, dù tôi đã nhẹ nhàng hơn trước đây nhiều lắm rồi đó.
Thầy tôi nhìn tôi cười, chầm chậm bỏ cây bút xuống, rồi ôn tồn chỉ cho tôi cách đóng một con dấu, canh con dấu như thế nào cho thẳng với mép giấy vuông góc đi vào, rồi ấn bốn góc cho ngay ngắn. Một con dấu đỏ tròn đầy và đẹp lạ lùng hiện ra như vừa được khai nguồn sự sống. Tôi nhìn lại những con dấu vụng về của mình và cẩn trọng đón nhận kinh nghiệm và niềm vui mà Thầy vừa chỉ dạy. Một con dấu bình an trong cách trao truyền và tiếp nhận. Tôi nhận ra những con dấu ngày xưa của tôi vô hồn và tội nghiệp với những hơi thở dồn dập, những suy nghĩ miên man và nỗi buồn giận đã tạo nên những tiếng kêu chát chúa và đanh lại nơi góc phòng làm việc. Tôi nhận ra tôi đang được học một bài học không có trong sách vở. Bài học tạo ra không gian bình an để vui sống và làm việc. Bây giờ tôi cảm nhận rõ hơn nguồn năng lượng bình an mà Thầy đang hiến tặng cho cuộc đời, Thầy gìn giữ cẩn thận trong từng hơi thở, trong từng bước chân đi và từng lời giảng mộc mạc chân tình.
Giờ đây tôi có cơ hội đóng lại những con dấu, mỗi con dấu hôm nay ở Nội viện mang theo bao niềm vui, bao hạnh phúc. Và tôi biết trong mỗi tấm thư pháp ấy Thầy đã gói lại rất nhiều ân tình cuộc sống để gửi tặng cho đời. Nếu nhìn kỹ bạn sẽ thấy những tán lá xanh ve vẫy, những tiếng chim, tiếng gió, tiếng suối róc rách và nắng hạ. Bởi Thầy đã khai sinh ra những đứa con này trong cái thanh bình của một nơi bình yên như thế, với nhiều tình thương như thế.
Đĩa mực đã hết, Thầy lại ung dung nhỏ vào mấy giọt nước và khẽ nói: “Nếu có mấy giọt trà thì thơm hơn”. Tôi tủm tỉm cười và mang lại cho Thầy một cốc trà rồi thưa: “Dạ liệu mọi người có biết trong này có hương thơm của trà không, thưa Thầy?” Thầy cười và nói: “Họ không biết nhưng mà mình biết và chưa chắc họ đã biết trong này còn có hơi thở nữa…” Tôi đỡ tấm thư pháp từ tay Thầy, bàn tay tiếp nối bàn tay sẽ đưa những tấm thư pháp này về muôn hướng. Mầu nhiệm thay một mảnh giấy nhỏ có thể chứa biết bao ân tình cuộc sống của Thầy và Tăng thân.
Cầm một tấm thư pháp “Uống trà đi”, tôi lại thấy hình ảnh Thầy ung dung hớp từng ngụm trà nhỏ và nói “Uống trà đi các sư con” mà tôi vẫn thường nghe. Tin rằng khi bạn thấy dòng chữ này, bạn cũng sẽ nghe giọng nói thân quen của Thầy vọng về nơi từng con chữ. Xếp lại chồng thư pháp, con dấu nhỏ mỉm miệng cười tươi như hoa ban sớm để chào tạm biệt tôi. Tôi cười đáp lại. Ngày mai những con dấu sẽ cười tươi với bạn và bạn nhớ cười lại cho tươi bạn nhé! Bởi mỗi nẻo về của niềm vui sẽ tiếp nối đường đi cho những niềm vui mới. Một ngày mới đang bắt đầu bạn có nhận ra không?