Một ngàn lẻ một chuyện

Con đã đọc truyện “Ngàn lẻ một đêm” chưa?

Đó là câu hỏi Thầy đã hỏi con vào một ngày đẹp trời tại Sơn Cốc. Câu nói ấy lại vang lên trong những ngày chúng con được tin Thầy về chùa Tổ và chúng con nhanh chóng hội tụ về bên Thầy. Về bên Thầy để ôn lại những kỷ niệm đẹp bên Thầy, bên huynh đệ. Chỉ cần ý thức Thầy đang có mặt trên quê hương là con thấy thật mầu nhiệm. Con nghĩ đến quẻ Kiều cụ Nguyễn Du cho con năm nay:

Những là nấn ná đợi tin
Tỉnh ra mới biết là mình chiêm bao

Đúng rồi! Đây không phải là chiêm bao mà là sự thật! Thầy đang có mặt tại quê hương để nhìn rõ từng ngọn cỏ, vườn rau, được nghe tiếng suối Tào Khê, tiếng gà gáy sáng quen thuộc,… Giấc mơ “Khi mô Thầy về?” ấy đã thành hiện thực thưa Thầy.

Nhân dịp Thầy về, các sư em con lại có dịp hỏi thăm đủ chuyện về Thầy và quý sư cha, sư mẹ, sư anh, sư chị lớn v.v. Mỗi lần nghe các sư em hỏi, con lại thấy lúng túng không biết bắt đầu như thế nào vì có quá nhiều chuyện mà Thầy đã kể cho chúng con nghe. Có khi là về cuộc đời hành đạo của Thầy, có khi là nỗi nhớ quê hương, có khi là một tuệ giác hay những cái thấy nho nhỏ trong đời sống hàng ngày, có khi là kỷ niệm với quý sư cha, sư mẹ trong thời các vị còn là những sa di, sa di ni… Thầy đều chia sẻ với chúng con khi chúng con có dịp quây quần bên Thầy. Con đã từng kể cho các sư bé nghe những câu chuyện rất thật trong đời sống tăng thân. Đó là những chuyện cổ tích nuôi dưỡng cho những tháng ngày bé thơ trong đời sống tâm linh của con khi được trở về cùng sống dưới một gia đình tăng thân lớn có nhiều thế hệ như vậy. Đời sống tăng thân như từ trang sách bước ra giữa cuộc đời này thật đẹp!

Chuyện cây bàng trước sân

Đó là khoảnh khắc con đi thiền hành cùng đại chúng tại chùa Tổ, khi dừng lại bên hồ Bán Nguyệt đưa mắt nhìn ra cổng, con bắt gặp cây bàng năm xưa trong câu chuyện của Thầy vẫn còn đó với dáng vẻ uy nghi, cổ kính và duyên dáng bên cổng chùa Từ Hiếu. Cây bàng phút chốc đưa con về với cây bàng tuổi thơ của con tại sân trường cấp một. Thầy dạy con viết thư kể cho Thầy nghe những kỷ niệm đẹp ở quê nhà và con đã kể về chuyện trường lớp. Trong đó có chuyện cây bàng trước sân trường đã là người bạn nhỏ của con. Thầy đọc xong thư và con nghĩ Thầy sẽ không nhớ lá thư ấy. Vậy mà khi có dịp gần Thầy, Thầy hỏi: “Con đã đọc thiên thần quét lá chưa?”. Con thưa Thầy: “Dạ chưa!”.Và thế là Thầy kể chuyện Thầy cũng có một người bạn là cây bàng trước cổng chùa, mỗi lần quét lá xong Thầy nghỉ dưới gốc cây bàng và nghe suối chảy róc rách. Thầy nhận ra cây bàng đổi màu lá đỏ. Rồi Thầy nói, quê hương mình có cây bàng thay lá và đổi màu, còn ở đây cũng có cây phong đổi màu rất đẹp.

Nhờ lời khai thị của Thầy mà giờ đây tâm con được trồng thêm cây phong bên cạnh cây bàng của quê hương. Cây phong trời Tây đứng bên cây bàng quê mình thiệt đẹp!

Đừng phí thời gian với những buồn đau vô ích

Đó là lời Thầy dạy khi tu viện Bát Nhã xảy ra chuyện. “Đây Bát Nhã thân yêu, có mây giăng sớm chiều… (Bát Nhã thân yêu – Thầy Pháp Niệm)”. Bát Nhã là chiếc nôi tuổi thần tiên trong gia đình tâm linh của những người con quê hương, đã một thời theo tiếng gọi con tim hội tụ về nơi yêu thương gió núi để xây dựng ngôi nhà tỉnh thức. Rồi qua câu chuyện Bát Nhã, mỗi chúng con mang theo một nỗi nhớ thương của cái thuở nằm nôi. Đôi lúc chúng con bị vết thương quá khứ trấn ngự mà quên đi mình đang có giây phút hiện tại. Bởi những cảm thọ cứ như thật, ngay cả những lúc chúng con rất an toàn bên Thầy và tăng thân. Những lúc này Thầy dạy rất mạnh: “Mỗi chúng ta phải tự trở về chăm sóc chính mình. Phải nắm lấy hơi thở, bước chân mà đừng chết chỉ vì một cảm thọ, đừng phí thời gian với những buồn đau vô ích. Chúng ta phải nhận diện và có can đảm dừng lại để đưa hiện tại đi về tương lai và chúng ta sẽ lại có một quá khứ đẹp”. Rồi Thầy mở cửa bước ra ngoài đi thiền hành, các sư con đi theo Thầy. Những bước chân của Thầy đưa chúng con trở lại với giây phút hiện tại trong sự bình an và tĩnh lặng.

Quân sư Đào Duy Từ

Lại một lần khác Thầy hỏi: “Con có biết ông Đào Duy Từ không?”. Con “dạ” rồi lục lại trí nhớ coi ông là ai nhỉ? Con không giỏi môn lịch sử, chỉ biết ông là một người có công với nước nên tên của ông được đặt cho một con đường ở quê nhà. Rồi con cũng quên câu hỏi của Thầy. Trước giờ, con chỉ nguyện sẽ đọc những sách vở mà Thầy giảng dạy và giới thiệu, chỉ dẫn nên con thường hứa là sẽ tìm tài liệu về ông Đào Duy Từ nhưng cái tập khí đãng trí của con đã lại đưa ông vào quên lãng. Cho đến hôm ra Diệu Trạm, tình cờ con bắt gặp lời Thầy trên giá sách. Con thường chơi trò thiền hành trong thư viện, để sách chọn mình mà mình không chọn sách. Cái hay là nhiều khi con cứ sống trong tăng thân và bắt gặp những cuốn sách mà Thầy giới thiệu một cách rất tình cờ.

Trường Làng Mai

Khi đọc cuốn Quân sư Đào Duy Từ, những lời Thầy tâm sự như vọng về. Thầy dạy: “Mình đã có Viện Phật học Ứng dụng châu Âu và Viện Phật học Ứng dụng châu Á rồi, nên ở Làng Thầy muốn giữ phong cách của một trường làng”. Nơi đây không chỉ là Học viện mà là một mô hình sống tự nhiên của những người chung lý tưởng, chung sở thích làm đẹp cuộc đời. Làng có lịch sử, văn hóa, quy định của Làng. Làng có nhiều thế hệ cùng chung sống, có kiến trúc khác Học viện. Làng không nặng về thủ tục hành chánh và kiến thức như Học viện. Làng có bãi cỏ, rừng cây, có tuổi thơ, có tình thầy trò, tình anh chị em. Có cây đa, có tiếng chuông chùa, có bóng trăng, có trung thu, có giỗ Tổ,… Làng vừa là gia đình vừa là trường học kiến thức và cách sống làm việc hòa hợp…

Tự nhiên lời khai thị của Thầy hôm ấy giúp con tìm ra cái khập khiễng trong cách học của con. Con thường có khuynh hướng chia hai hay còn gọi nôm na là chia năm xẻ bảy cuộc đời mình. Con không biết cách hợp nhất thân tâm, hay nói đúng hơn là con đã chia việc học và sống làm hai, làm ba hay nhiều phần mà có lần con thưa với Thầy là con đã chẻ cuộc đời mình ra thành nhiều mảnh. Bây giờ con sẽ học cách hợp nhất nó lại dưới sự dẫn dắt của Thầy.

Sau những năm ở Làng con nhận ra Làng Mai là một Viện Phật học, vì ai đến đây cũng với mục đích học cách sống hạnh phúc và chuyển hóa khổ đau. Viện Phật học thường có phòng thí nghiệm và thực hành. Ở Làng cũng vậy. Mỗi khi nhìn về Làng con lại thấy lời Thầy đã được mọi người công nhận khi số thiền sinh về tu học ngày một đông. Dù bây giờ Thầy đang ở Việt Nam, nhưng bước chân thiền hành qua bao năm tháng vẫn còn lưu lại nơi ấy năng lượng bình an và vững chãi cho các thế hệ học trò. Để mỗi lần lên xóm Thượng dự ngày quán niệm sẽ thấy một tăng thân Bụt ngồi an nhiên nơi rừng sồi hay bàn thờ lộ thiên tại xóm Mới và tượng Bụt tại rừng Bạch Dương xóm Hạ. Còn nhiều dấu tích khác mà Thầy đã đích thân làm cho Làng ngày càng thêm đẹp, vừa rất gần gũi với thiên nhiên vừa dung hợp được cả hai nền văn hóa.

Con hãy giúp Thầy một tay

Đó là những bài học không có trong sách vở nên nếu không để tâm thì năm tháng ở Làng chỉ là một nơi để mà nhớ thương. May thay lời Thầy năm ấy: “Thầy còn nhiều việc để làm lắm, các con hãy giúp Thầy một tay” là một lời tâm sự và cũng là một sự gửi gắm. Chúng con ý thức rõ chúng con là sự tiếp nối của Thầy trong sứ mạng đưa Thầy đi về tương lai.

Hôm nay về lại Tổ đình, khi xem video thấy Thầy đưa một tay lên rồi nhìn bàn tay mình lật qua lật về như thể nói rằng Thầy không còn nhiều thời gian nữa. Con nhớ lại những buổi ngồi chơi bên Thầy, Thầy thường nói: các con là tay của Thầy, các con là tai của Thầy, các con là hóa thân của Bồ tát ngàn tay ngàn mắt đó… Và mỗi dịp kỵ Tổ, Thầy lại kể cho chúng con nghe về những tháng ngày làm điệu ở Huế. Các con của Thầy kẻ Bắc, người Nam, có cả các vị Tây phương nữa… Vậy mà mỗi lần Thầy kể về chùa Tổ bằng tấm chân tình của một người con xa quê luôn hướng về nơi chôn nhau cắt rốn với mong ước được về tắm mát bên dòng suối tâm linh, bên công hạnh của Tổ, chúng con ai cũng thấy mình có gốc rễ nơi vùng đất thiêng liêng ấy.

Thầy nhìn các con và dạy: “Dù mình có khoảng cách về địa lý nhưng thời đại công nghệ hiện nay các con có thể sử dụng những kiến thức mình học được để hoằng pháp độ sanh. Các con có thể thỉnh kinh như ngài Huyền Trang dưới hình thức một tăng thân. Ngày xưa, ngài Huyền Trang thỉnh kinh dưới sự trợ giúp của Ngộ Không, Ngộ Tịnh, Ngộ Năng còn ngày nay thầy trò mình thỉnh kinh, biên dịch, in ấn và trao truyền dưới hình thức một tăng thân rất vui. Các con có tuổi trẻ, có tình huynh đệ, có tình yêu quê hương, các con có máy tính, có loa, có Internet,… Các con có đông anh chị em, mỗi người giúp một tay, làm cho vui, tu cho vui… Mình làm như một người vô sự. Con đã đọc Người vô sự chưa?”. Và Thầy đưa cho con cuốn sách Người vô sự như một món quà.

Con hãy gỡ ra rồi ráp lại

Có một lần con đọc được tài liệu Thầy viết về đức Phật của thế kỷ chúng ta. Thầy nói: Pháp mạt không phải là chúng ta không giữ gìn nó mà vì chính chúng ta đã giữ gìn nó chặt chẽ quá, ôm ấp nó kỹ càng quá. Vì vậy một ngày kia trong vòng tay cứng ngắc và siết chặt của chúng ta nó chỉ là một cái xác không hồn, một cái xác sơn phết bóng lộn. Thầy còn nói: Phật Di Lặc có thể xuất hiện vào cuối thế kỷ, nếu chúng ta biết buông bỏ sự cố chấp và biết gạn lọc tâm hồn. Lời dạy đó đã khai mở một cái thấy mới về đạo Bụt phù hợp với thời đại và đồng hành được với khoa học và tiến trình lành mạnh hóa xã hội hiện nay. Trong bối cảnh đó, Làng Mai sẽ đóng góp vai trò của mình một cách tốt đẹp nhất.

Rồi có hôm Thầy nghe chúng con hát bài Leo đồi thế kỷ. Thầy nói rằng chúng ta không thể vừa mang một ngôi nhà Phật giáo đồ sộ mà vừa leo đồi được. Là một nhà leo núi giỏi, chúng ta phải chọn những vật dụng cần thiết để mang theo thôi. Lên trên đó chúng ta ráp lại. Những bài pháp mini của Thầy nếu thu gom lại cũng là một túi khôn. Trong đó chứa đựng bao tâm sự và gửi gắm của Thầy về một đạo Bụt cho người trẻ. Thầy luôn có mặt cho chúng con nhưng Thầy vẫn không ngừng công việc nghiên cứu, biên dịch và giảng dạy suốt bảy mươi năm qua.

Con nhớ trong một pháp thoại nhân ngày kỵ Sư Tổ, trong không khí gia đình, Thầy chia sẻ: Ở chùa Từ Hiếu những năm đầu phải tự in kinh mà học và tất cả mọi người đều phải tham gia. Mùa xuân thì in Kinh Báo phụ mẫu ân và mùa thu thì in Kinh Thiền môn nhật tụng, tất cả đều bằng tiếng Hán. Năm 1997, Mai Thôn đạo tràng xuất bản Nhật tụng thiền môn năm 2000 bằng tiếng Việt, rồi dịch ra tiếng Anh, tiếng Đức, tiếng Ý cho tăng thân khắp nơi tụng đọc bằng tiếng địa phương cho dễ hiểu. Vậy là một trăm năm sau (1897-1997), Thầy trò mình đã có tiếng Việt để tụng đọc thay cho tiếng Hán. Thầy dạy: “Nếu có danh lam cổ tự mà không có các vị đại đức cao tăng thì pháp bảo không được truyền bá. Chính con người mới làm cho địa danh nổi tiếng và chính con người mới trao truyền được bảo vật”.

Thầy kể tiếp rằng chùa Từ Hiếu có ba gian, sau lưng chánh điện có Trung nghĩa đường (có ngựa Xích Thố, có Quan Công…); phía Đông là Lạc nghĩa đường và phía Tây là Báo đức đường. Năm 1894, thời vua Thành Thái là năm đại trùng tu chùa Từ Hiếu. Chùa có lầu chuông và lầu trống tráng lệ… Nếu nói về phương diện kiến trúc thì chùa đã trang nghiêm rồi, nhưng đứng về phương diện pháp bảo thì chưa theo kịp… Sau đó, chùa có in thêm Phổ Hiền hạnh nguyện và Pháp Bảo Đàn kinh. Vậy là tại chùa Từ Hiếu mình có bốn kinh được khắc bản…

Năm nay, Thầy về đúng dịp chùa Từ Hiếu đại trùng tu. Với nét đẹp cổ kính, nguyên sơ, chùa là một danh lam trên đất thần kinh xưa nay, nhưng nguyện vọng của chư Tổ thì Thầy đã âm thầm mang theo qua tận trời Tây. Để rồi từ phương trời Tây, Thầy vẫn tận tụy một lòng trong công việc bảo trì và làm lớn mạnh ngôi nhà pháp bảo dưới sự giúp sức của những người tu trẻ đầy nhiệt huyết. Cứ mỗi khi xuân về Tết đến, Thầy lại hướng về quê hương thắp nén tâm hương như thể thưa với chư Tổ rằng dù ở đâu Thầy vẫn là sự tiếp nối của chư Tổ. Để rồi sau chuyện Bát Nhã, Thầy động viên các con: “Thầy trò mình phải đi đường vòng thôi. Một ngày nào đó mình lại có mặt trên quê hương và các con phải biết rã ra rồi ráp lại cho phù hợp với quê nhà”.

Mỗi khi xe đẩy ngang qua kệ sách, Thầy đều đưa mắt nhìn “những đứa con tinh thần” của Thầy. Lời Thầy vang vọng trong con: “Viết sách cũng như một bà mẹ mang thai vậy đó con!”

Thôi chuyện con kể cũng đã dài lắm rồi, con xin dừng tại đây. Con kính gửi về Thầy và tăng thân mấy vần thơ “Mở cửa sổ” nơi vùng quê Trạm Tịch.
Mở cửa nhìn ra ngoài
Thấy đất trời hoan ca
Mở cửa nhìn ra ngoài
Thấy đất trời bao la.
Cây xanh và khí mát
Gió rì rào hát ca
Chị đi trong tĩnh lặng
Em mỉm cười nhận ra
Gửi tặng mẹ chốn này
Bên nhau một tình thương.
Cho nhau một tình yêu
Giữa cuộc đời rất thật
Cho nhau một niềm tin
Giữa cuộc đời tất bật
Cho nhau một con đường
Giữa muôn ngàn lối rẽ.
Thầy ơi con thấy rõ
Nếp sống và tình Thầy
Là ngọn đèn soi tỏ
Cho tiếng cười vang xa
Dịu êm vầng trán cha
Vơi dần nỗi khổ mẹ.
Bé thơ là bé thơ
Giữ nụ cười của bé
Tuổi trẻ là tuổi trẻ
Thương yêu được chính mình
Bồi đắp được niềm tin
Giúp quê hương thêm đẹp
Tôi yêu cuộc đời này.

Chân Văn Nghiêm