Lá thư Làng Mai 01 – 1983
Ngày em mới ra đời
LÁ THƯ ĐẦU
Ngày 23.02.1983
Đây là lá thư đầu của Làng Hồng. Lá thư này tôi tạm viết. Những lá thư sau, bốn tháng hay sáu tháng một kỳ sẽ do anh Cả của Làng là anh Lê Nguyên Thiều viết.
Làng hiện có Xóm Thượng và Xóm Hạ. Hai xóm cách nhau vào khoảng hai cây số. Xóm Thượng có bốn cái nhà bằng đá và bảy mẫu đất, tọa lạc trên một vùng cao nguyên. Ở đây có rất nhiều cây sồi (chênes); có một vùng cây và đá rất ngoạn mục được đặt tên là Pháp Thân Tạng. Có nhiều con đường thiền hành rất thanh thoát. Chúng tôi đã an vị được sáu cây tùng lọng (pin parasol) khá lớn và hai cây tùng thiên thọ (cedrus deodara). Hôm an vị tùng lọng, trời mưa khá lớn. Trên đồi cao, gió thật buốt, mọi người đều dầm mình dưới mưa. Chiều lại, Thầy nằm luôn mấy tuần khiến cho dân làng lớn bé đều rất lo. May thay, Phật còn thương nên Thầy đã ăn cháo được và chiều nay vừa ăn cơm. Anh Cả và Dũng đang tiếp tục trồng thêm nhiều cây tùng tại đây (cedrus atlantica), tùng bút trường sinh (cupressus sempervirens), tùng đen Áo Quốc (pin noir d’Autriche) mà dân Phương Vân hay gọi là Tùng Thanh Từ và một số các loại tùng khác. Dũng hứa với Thầy là thế nào Xóm Thượng cũng sẽ có một tàng kinh lâu để cho Thầy an trí Đại Tạng Kinh. Công việc ở Làng bề bộn quá, không biết Dũng có giữ được lời hứa không. Đại Tạng Kinh đã có từ ba năm nay; chuông gia trì cũng đã có; Thầy bảo tôi viết thư thỉnh một chuông báo chúng cho Xóm Thượng. Còn khánh đá thì anh Cả sẽ nhờ một người thợ đá ở địa phương đẽo khắc.
Xóm Hạ có năm nhà đá và hai mươi mốt mẫu đất trong đó có hơn một mẫu đã trồng nho. Anh Cả có thuê thêm tám mẫu đất nữa để canh tác. Xóm Hạ có một khu rừng, bên cạnh khu rừng có một hồ nước lớn; nước luôn luôn dư dã để đủ tưới mấy chục mẫu đất, cả vào mùa hạ. Đất đã được cày, và các luống cày đang đón nhận băng giá mùa đông. Băng giá làm cho đất xốp và tốt. Cày trước mùa đông thì ruộng sẽ phì nhiêu hơn cày vào đầu mùa xuân. Năm nay anh Cả dự định trồng bảy mẫu hướng dương và bảy mẫu bắp. Sẽ có một khu đất nhỏ trồng các loại rau, cải, bí, bầu, húng, quế, ngò, tía tô, kinh giới, ớt, cà… như vườn rau tại quê nhà. Tháng ba đã phải bắt đầu chuẩn bị gieo hạt. Nông cơ còn thiếu lắm. Làng chỉ mới có một máy cày sáu mươi ngựa. Lưỡi cày còn là lưỡi cày mượn; dụng cụ rải phân, remorque chở củi cũng phải đi mượn. Máy xịt thuốc cũng chưa có, máy bơm nước cũng chưa mua.
Anh Cả và gia đình hiện ở tại Xóm Hạ. Sát nhà anh là nhà bác Mounet làm nghề đồ đồng. Bác này ngày xưa đã tốt nghiệp trường canh nông cho nên biết rất nhiều về kỹ thuật canh tác. Bác rất dễ thương; anh Cả và Dũng đã học được rất nhiều king nghiệm của bác. Chính bác dạy cho mọi người tỉa nho và lái máy cày. Hồi tháng trước, lưỡi cày bị gãy, chính bác đã tự tay hàn lại. Bây giờ thì ai cũng coi bác như là dân làng. Bác thật là một dân làng kiểu mẫu. Hai bác đều ưa ăn cơm Việt Nam. Món nào chị Muồi nấu bác cũng khen ngon và ăn sạch đĩa.
Xóm Hạ hiện có một cái nhà kiếng gọi là nhà mặt trời dài khoảng hai mươi thước, rộng bốn thước, trong đó có trồng cải cây, hẹ, ngò và xá lách xon. Nhà làm bằng giấy ni long, gọi là film thermique, phủ lên trên một cái sườn nhà vòng cung bằng sắt. Những ngày có nắng, dù bên ngoài rất lạnh, chúng tôi cuốc, xới rau trong ấy nghe thật ấm và vui. Càng nhiều nắng rau càng mọc nhanh. Thầy nói mùa hè này sẽ có nhiều người về tu cho nên Dũng dự trù trồng thật nhiều khoai tây, cà chua, cà rốt, đậu que, cà tím v.v… Chúng tôi đang lo trồng mận để lo tự túc cho Làng sau này. Loại mận này được gọi là pruneaux d’Agen, ngọt lắm. Trái sấy khô để bán từng ký, xuất khẩu ra các nước Tây Âu. Anh Cả dự định trồng một mẫu đặc biệt cho các trẻ em đói ở Việt Nam. Một mẫu như vậy là 250 cây, phí tổn mỗi cây là 35 quan. Bảy năm mới có trái. Những cây mận sẽ có trái suốt trong một trăm năm. Các bạn muốn góp phần vào mẫu mận này thì cứ viết thư về cho anh Cả, xin anh trồng cho mình ba cây hay năm cây, v.v…., vào mẫu ấy. Tuy nói là bảy năm nhưng mùa Đông năm nay được kể là năm thứ nhất rồi. Bảy năm sẽ qua rất mau, các bạn đừng lo. Anh Cả cũng dự tính mỗi năm trồng cho thiếu nhi nghèo ở Việt Nam một mẫu bắp. Các bạn nghe vậy đừng có gửi một bắp về nhé, bởi vì hạt bắp giống phải do hợp tác xã cung cấp. Mình sẽ không gửi hột bắp về cho các em đâu. Mình sẽ bán bắp cho hợp tác xã, lấy tiền mua thuốc, mua vải, mua quà cho các em.
Tại Làng, chị Mười và em Dũng cũng đang phụ trách một Comité Pour Les Enfants Qui Ont Faim. Có anh Cả cố vấn nên Ủy Ban này làm việc khá giỏi. Đó là Ủy Ban 18. Hy vọng mùa hè này các Ủy Ban sẽ có cơ hội gặp gỡ và học hỏi lẫn nhau tại Làng Hồng. Thầy nói tất cả những bạn nào hiện đang phụ trách các công tác giáo dục, văn hóa và xã hội đều nên tìm cách về Làng mỗi năm một lần để tĩnh tu. Họ luôn luôn có chỗ cư trú trong làng. Vào những giai đoạn mệt mỏi, cần nghỉ ngơi, cần phục hồi tinh lực, các bạn ấy có thể về Làng năm bữa, một tuần nếu muốn. Chỉ cần báo trước cho anh Cả biết là anh hé đôi cánh cửa tùng để chào đón.
Thầy thương và quý anh Cả lắm. Anh là một trong những người học trò đầu của Thầy từ những năm đầu của thập niên 1950, cùng một thế hệ với thầy Thanh Văn (tức Nguyên Hưng), Từ Mẫn (Giám Đốc Lá Bối, Sài Gòn), anh Trí Không (Nguyễn Văn Tài), anh Như Thông, chị Như Ngọc, chị Thu Hà (cả ba đã xuất gia hiện ở tu viện Chơn Không và Viên Chiếu), anh Như Khoa, chị Thanh Giới, anh Lý Đại Nguyên, chú Tâm Thể (nhân vật chính của truyện Lan), và chị Phùng Khánh (hiện ở Viện Vạn Hạnh). Tôi tuy mãi đến cuối thập niên 1950 mới đến học với Thầy nhưng tôi vẫn là học trò sớm hơn những người như thầy Tuệ Sĩ, anh Huệ Dương và chị Nhất Chi Mai. Hồi tháng tám năm 1981 nghe nói anh Cả và gia đình vượt biên, Thầy rất lo ngại. Khi nghe anh đến bờ Thầy thở nhẹ nhõm. Tôi tìm hết cách để xin cho anh được định cư tại Pháp. Nhờ anh qua tới đất này chúng ta mới có được Làng Hồng hôm nay. Chúng tôi gọi anh là anh Cả một phần cũng vì anh xứng đáng là người hướng dẫn chúng tôi, một phần là tại anh đứng chủ trương Làng Hồng. Người lớn nhất trong làng chẳng thường được gọi là ông Hương Cả là gì? Nhưng tôi thấy chữ “ông” già quá, cho nên thay vào đấy chữ Anh.
Ngày xưa anh Cả đã học xong Cao Đẳng Phật giáo. Anh viết chữ đẹp lắm, nói chuyện văn chương rất hay. Anh đã chấp chưởng trách vụ quan trọng lớn nhất của trường Thanh Niên Phụng Sự Xã Hội tức là trách vụ Tổng Thư ký từ năm 1965 đến 1975, làm việc với ba vị giám đốc: thầy Thanh Văn, thầy Châu Toàn và thầy Từ Mẫn. Các bạn đã nhiều lần muốn bầu anh lên chức Giám Đốc nhưng anh không chịu. Anh đã từng đi công tác khắp nước, thiết lập hàng chục làng định cư cho đồng bào chiến nạn, phối hợp điều động công tác phát triển và tái thiết với hàng ngàn tăng, ni và công tác viên trong Ủy Ban Tái Thiết và Phát Triển của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất. Trong thời gian anh làm việc cho trường Thanh Niên Phụng Sự Xã Hội và Ủy Ban Tái Thiết Phát Triển của Giáo Hội, tôi được Thầy đề cử làm đại diện tại Hải Ngoại cho hai khối công tác đó, anh từ trong nước đã gửi ra rất đều đặn những báo cáo công tác rất sáng sủa rành mạch đã đành, anh lại thỉnh thoảng gửi đến chúng tôi những bức thư viết tay dày đặc những nét chữ thật đẹp của anh, văn điệu thật “bông hoa” và thật giàu chất liệu tâm linh, không dính dáng gì đến “công việc” cả. Tôi và các bạn tại hải ngoại lại có dịp trở về thăm lại các nẻo đường của Phương Bối am xưa trong tâm tưởng. Ngày xưa tại chùa Lá TNPSXH đã có lần anh ngồi giảng cho anh Phúc, chị Uyên và tôi nghe cả một buổi sáng về thiên nhiên, văn chương và nghệ thuật mà bắt đầu là nhờ một câu “liễu dương hơ tóc vàng trong nắng…”. Vậy các bạn về Làng phải nhớ nhờ anh giảng cho nghe thế nào là đi thiền hành dưới mưa tuyết hay trong sương mù nhé. Vậy là ta sẽ không còn lo gì nữa khi anh hiện diện và chủ trì Làng Hồng. Có điều anh mảnh khảnh quá, mảnh khảnh có khi hơn cả Thầy nữa. Da lòng bàn tay anh cũng mỏng và dễ bị đứt như tay Thầy mặc dù cả hai người làm việc lao động không thua ai. Tết Nguyên Đán năm nay tôi đã lạy Phật cầu nguyện cho anh được khỏe mạnh để dựng xong làng Hồng làm nơi nương tựa cho tất cả chúng ta, trong nước và ngoài nước. Tại quốc nội, anh Trí và chị Trà Mi đã nghe nói tới Làng Hồng và hai người đã viết cho chúng tôi những bức thư thật cảm động; anh Trí đã làm luôn ba bài thơ dài thật hay bày tỏ niềm phấn khởi của họ. Chị Đỗ Quyên và anh Đỗ Quý Toàn ở Gia Nã Đại cũng đã định mùa hè sang năm xách gói về tập thở ở Làng Hồng. Anh Cả rất ưa trồng tùng đại tây (cedrus atlantica). Tùng này lớn chậm lắm. Ngân sách làng thì nhỏ nên chúng tôi chỉ mua đến những cây tùng con khoảng một thước hai. Ở Xóm Thượng, anh định cho trồng bốn cây tùng đại tây tại một khu đất mà anh nghĩ rằng rất tốt cho Thầy dạy thiền sinh tập thở. Hình như nghe nói tới tùng đại tây là anh nghĩ đến những cây tùng vĩ đại cao đến hàng sáu bảy mười thước, to hai người ôm, xòe những cánh hùng vĩ.
Anh tưởng tượng thầy ngồi giữa bốn cây tùng đó, trên một phiến đá để nói chuyện đạo với chúng ta.Trong khi đó thì bốn cây tùng đại tây mà anh định trồng là bốn cây tùng hài nhi, cây nào cũng chỉ cao có một thước hai. Tôi biết hễ trồng bốn cây ấy vào khu đất kia thì cái bao la của đất trời Xóm Thượng sẽ làm cho bốn cây tùng đó nhỏ lại như bốn bụi cỏ. Phải đợi ít ra cũng một trăm năm nữa thì cái cảnh bốn cây tùng trong óc anh Cả mới được thực hiện. Năm chục năm sau, Lê Nhật Tâm (Trái Tim Mặt Trời), con trai thứ ba của anh, vừa được bốn tháng, mới có thể bắt đầu ngồi thuyết pháp tại đó chứ không phải Thầy. Chỉ có một cách là cả diễn giả cả thính giả đều có khả năng nhìn suốt quá khứ và tương lai thì mới có thể thấy mình đang ngồi giữa bốn cây tùng hùng vĩ đang ngự trị hôm nay trong trí tưởng tượng của anh Cả. Nghĩ như thế tôi mới chạy đi tìm mua bốn cây tùng lọng khá cao về và năn nỉ anh trồng vào đó. Anh cười và chấp nhận. Các cây tùng này nặng lắm, bốn người lực lưỡng mới khiêng nỗi một cây. Nếu không có Dũng, chiếc máy cày và bác Nazarettie (ở xóm Ngoài) phụ lực thì anh Cả, Thầy và tất cả chúng tôi cũng chịu thua. Dũng giỏi lắm, không ưa nói nhiều, chỉ cười nhiều và làm việc im lặng, cần mẫn. Dũng rất khéo tay về máy móc. Máy cưa củi, máy cày, máy khoan, máy xe mô bi lết và ngay cả máy sắp chữ in sách, Dũng đều sử dụng thành thạo và có thể sữa chữa chút đỉnh khi cần. Dũng cũng đang trồng một số Hồng quả (kaki) và hồng hoa (roses) ở Xóm Thượng và Xóm Hạ. Em Dũng năm nay đã hai mươi ba tuổi, có tú tài rồi và hiện lo kinh tế tự túc cho Làng. Dũng sẽ phải đi học thêm về Canh Nông để bổ túc cho kiến thức chuyên nghiệp.
Trận bão hồi đầu mùa đông năm nay đã làm ngã mất hai cây sồi (chenes) cổ thụ ở Xóm Hạ. Các cây sồi này vĩ đại lắm. Bác Mounet nói cây nào cũng ngoài 300 tuổi. Bé Hải Triều Âm năm nay mười tuổi, biết rằng Sư Ông rất cưng hai cây sồi này. Buổi sáng sau cơn bão, khi thấy hai cây sồi ngả nghiêng, bé nói: “Thế nào Sư Ông cũng khóc khi thấy hai cây sồi này ngã”. Sư Ông không khóc nhưng đã đứng trầm ngâm thật lâu trước hai cây sồi trốc gốc. Anh Cả an ủi: “Xóm Hạ vẫn còn tới bốn cây sồi cổ thụ phía trước, xin mọi người đừng buồn”.
Các bạn xóm Ngoài như chị Margaret, anh Charles Lepape (ngày xưa đã từng bảo trợ việc xây cất một trung tâm lo cho thiếu nhi thất học ở Đà Nẵng bằng 2/3 lương tháng của anh trong suốt một năm dài), chị Anne Marie, chị Danièle… chị Marie Paul Mari Thé, đã lo cho làng từ cái chén, cái ly, cái lò sưởi đến giường nệm, gối, chăn, tủ lạnh, xe đạp, v.v… Chị Margaret đem tặng thêm một con de mẹ, nói là để cho có sữa dê cho bé Nhật Tâm uống.Cả Làng cố từ chối nhưng cuối cùng phải nhận, sợ chị ấy buồn. Kết quả là từ ấy đến nay bé Nhật Tâm (vì mẹ thiếu sữa) chỉ uống sữa bột hộp của bác Blanqui biếu. Con dê nào đã cho được giọt sữa nào đâu. Trái lại ngày nào cũng phải tìm chỗ có cỏ non đóng cọc để cho nó ăn. Có hôm nó làm bật cả cọc, chạy tới ăn mất gần tất cả cac nụ của cây mẫu đơn cây (pivoine arbre) mà chú Dũng mới trồng. Các bạn Xóm Ngoài cũng có đem cho tất cả là 15 con gà mái, 5 con vịt mái, nói để nuôi lấy trứng mà ăn cho có chất bổ. Hai bé Hải Triều Âm và Thiều Quang đi mót bắp ngoài đồng suốt cả hai tuần lễ, về trỉa hạt, chứt chật được hơn bốn bao tạ hạt bắp cho gà vịt ăn. Chúng đã ăn hết hơn hai bao tạ rồi mà mới đẻ được sáu trứng. Hy vọng mùa Xuân tới chúng sẽ hăng hái hơn. Nhưng bây giờ làng đã có tiếng gà gáy sáng trưa rất hay, nghe giống hệt như tiếng quê nhà.
Làng có nhiều cây noyers và noisetiers. Mùa hè về, các em bé về học thiền sẽ tha hồ mà hái và lượm. Phải dành ăn với sóc và thỏ rừng đấy. Sóc và thỏ ở đây nhiều lắm, bé Hải Triều Âm phỏng chừng ở Xóm Thượng có ít lắm là 50 con thỏ rừng. Nếu mưa thuận gió hòa và có nhiều nắng vào mùa xuân thì khoảng cuối tháng 6 sẽ có ba triệu đóa hoa mặt trời “ngoảnh nhìn về phương đông chói sáng” để chào dân làng. Và đầu thu sẽ có ít tiền mua gạo thóc cho mùa đông và sửa sang cho làng thêm thịnh mậu. Anh Cả nói phải chờ ít nhất là hai năm Làng mới thật ra vẻ là một làng Hồng.
Dũng là người đầu tiên về Làng, trước cả anh Cả nữa. Không có gì trong làng mà Dũng không biết. Rất mong sau này có nhiều dân làng trẻ tuổi và hoạt động như Dũng. Dũng thương anh Cả, chị Muồi và các cháu lắm. Chị Muồi hiền hậu, im lặng và làm việc cần mẫn suốt ngày. Bếp núc may vá cho cả làng đã đành, chị còn cuốc đất rất giỏi. Trông Muồi cầm cái cuốc là ta biết ngay người đã từng biết giá trị của đất là gì. Không tệ như tôi, cuốc đất đã tám năm ở Phương Vân Am mà tay cuốc không chắc như tay Muồi cầm cuốc.
Thôi thư đã dài, tôi xin dừng bút. Những điều tôi bộc bạch hy vọng đã đem lại cho các bạn một vài ý niệm khái quát về làng. Hẹn gặp nhau vào đầu tháng bảy. Hồi đó Thầy đi dạy chư tăng ở Hoa Kỳ đã về, chúng ta sẽ cùng đi, cùng đi thiền hành với nhau trên những con đường làng. Điều đó, tôi xin mạn phép anh Cả mà nói rằng sẽ là một sự thật.
Chơn Không Cao Ngọc Phượng
T.B. Thư này là thư riêng, xin đừng phổ biến trên báo chí.