Bài kệ 24

Tịnh như thủy vô cấu

淨 如 水 無 垢

Sinh tận vô bỉ thọ

生 盡 無 彼 受

Lợi thắng bất túc thị

利 勝 不 足 恃

Tuy thắng do phục khổ

雖 勝 猶 復 苦

Thanh tịnh như nước trong, không còn chút cấu uế

Hết chất liệu luân hồi (sở sinh) thì không tiếp nhận cái kia nữa

Cái thắng và cái lợi không còn làm tiêu chuẩn để đi theo

Bởi vì dù có thắng có lợi nhưng cái khổ vẫn còn đó.

Tịnh như thủy vô cấu: Thanh tịnh như nước không còn chút cấu uế. Bài kệ 23 dùng hình ảnh của đất và bài kệ 24 dùng hình ảnh của nước. Đức Thế Tôn dạy La Hầu La: Phải tập cái tâm của con như nước. Người ta đổ xuống nước dầu thơm hay sữa, nước cũng không mừng, mà đổ xuống phân, bùn, nước tiểu thì nước cũng không giận, tại vì nước có khả năng tiếp thu và chuyển hóa rất lớn. Nước có thể thanh tịnh hóa được tất cả.

Sinh tận vô bỉ thọ: Chữ sinh được dịch từ chữ upādhi, tức những chất liệu có công năng nuôi dưỡng sự luân hồi. Chữ sinh được viết tắt từ chữ sinh y, tức những dây mơ rễ má làm cho ta vướng vào cõi hệ lụy. Y là nền tảng của khổ đau, là chất liệu hệ lụy, của luân hồi. Sinh là sinh tử, là vào ra, là lên xuống trong cõi hệ lụy. Tại sao ta phải vào ra, lên xuống trong cõi hệ lụy? Tại vì có những chất liệu của phiền não, có những nghiệp nhân do ta tạo ra. Ta tạo ra gốc rễ của sự đam mê, của hận thù, nên ta phải trở lại hoài trong thế giới của hệ lụy.

Nhờ công phu tu tập, ta cắt đứt được tất cả các dây mơ rễ má, ta không đi vào cõi hệ lụy nữa (sinh tận). Sinh y ở đây cũng là upādisesa (dư y), những vướng mắc (upādāna), những lậu hoặc (āsrāva), những tùy miên (anusaya) còn sót lại trong chiều sâu tâm thức chưa được chuyển hóa hết. Sinh y ở đây là dư y (upādisesa), chứ không phải là uẩn (skandha). Niết bàn dư y là Niết bàn còn lại những tàn dư phiền não chưa chuyển hóa hết. Niết bàn vô dư y (anupādisesanirvāna) là Niết bàn tuyệt đối không còn dư y phiền não. Ta không cần buông bỏ năm uẩn mà vẫn có thể đạt tới Niết bàn vô dư y như trong trường hợp của Bụt và của các vị A la hán. Bỉ là cuộc đời hệ lụy. Khi nguồn gốc của hệ lụy không còn, ta sẽ không còn tiếp nhận cái hệ lụy đó nữa (bỉ). Ta có giải thoát, có tự do của một vị Bồ tát rong chơi không bị ràng buộc. Cõi của chúng ta là cõi phàm thánh đồng cư, tức cõi mà phàm và thánh cùng sống chung với nhau. Trong khi người phàm bị ràng buộc, lên xuống, khổ đau, thì các bậc thánh lại tự do rong chơi ngay trong cõi đó.

Lợi thắng bất túc thị: Người đời cho hạnh phúc là được nhiều lợi, lợi ở đây là tiền bạc chứ không phải lợi ích của sự tu học. Thắng là leo lên chỗ cao, đạp người khác xuống dưới. Cuộc sống của mình không còn đi theo tiêu chuẩn của thắng bại hay lợi hại.

Tuy thắng do phục khổ: Hai tiêu chuẩn thắng bại và lợi hại ấy không đủ để kéo ta vướng vào, tại vì tuy gọi là thắng lợi, nhưng nó vẫn nằm trong phạm vi của cái khổ. Bại thì khổ, mà thắng cũng khổ; lỗ lã thì khổ đã đành, mà lợi danh cũng khổ; tất cả đều nằm trong vòng tương đối. Lợi tức và ưu thắng không đủ để cột chân ta lại trong vòng hệ lụy, tại vì tuy có thắng lợi nhưng cái khổ đó vẫn còn.