Bài kệ 1

Nhẫn vi tối tự thủ

忍 為 最 自 守

Nê hoàn Phật xưng thượng

泥 洹 佛 稱 上

Xả gia bất phạm giới

捨 家 不 犯 戒

Tức tâm vô sở hại

息 心 無 所 害

Nhẫn là biện pháp hay nhất để tự bảo hộ.

Niết bàn là cái mà Bụt khen ngợi là cao đẹp nhất.

Buông bỏ nếp sống trần tục, sống đời phạm hạnh, không phạm giới,

Vị sa môn không gây thiệt hại cho bất cứ ai.

Trong chúng ta có tâm hành sợ hãi; chúng ta sợ những tai nạn, những mưu mô ác độc xâm phạm tới mình. Sống trong sự sợ hãi, chúng ta không thể nào có hạnh phúc. Ngay trong câu đầu, Bụt đã dạy cho chúng ta sống như thế nào để đừng sợ hãi và cảm thấy an toàn. Đó là bước đầu đi vào Niết bàn. Bởi vì Niết bàn trước hết là sự an ổn.

Nhẫn là biện pháp hay nhất để tự bảo hộ. Nhẫn là sự chấp nhận. Chấp nhận được rồi thì ta sẽ có sức mạnh để đi tới và vượt thắng. Niết bàn là cái mà Bụt khen ngợi là cao đẹp nhất. Buông bỏ nếp sống trần tục, sống đời sống phạm hạnh, đừng phạm giới. Biết cách làm lắng dịu tâm ý. Lúc đó, an ninh của mình sẽ lớn lên và ta bắt đầu nếm được cái an ổn của Niết bàn.

Ngoài đời, muốn làm giàu người ta đua nhau quảng cáo: “Có được chiếc xe hơi này quý vị sẽ là người hạnh phúc nhất”; “Máy tính của chúng tôi là loại máy tối tân chứa đựng cả một thiên đường, nó sẽ giúp quý vị biến cái không thể thành cái có thể…”

Niết bàn không phải là một hóa phẩm mà chúng ta đem đi bán. Mỗi tôn giáo cũng có thể bán một Thiên đường, một Tịnh độ, hay một Niết bàn. Nhưng Niết bàn có phải là một món hàng mà Bụt và chư Tổ muốn đem bán cho chúng ta hay không? Nó có phải là một cái giống như cái Thiên đường trên trần thế hay như một túp lều tranh có một trái tim vàng mà người ta tìm cách bán cho mình hay không? “Nếu ông theo đạo của tôi, nếu ông trở thành một thành phần trong tổ chức giáo hội của tôi, thì sau khi chết ông sẽ có Niết bàn, sẽ có Thiên quốc.” Niết bàn có phải là một món hàng như vậy hay không? Chúng ta thấy ngay một cách rõ ràng là không phải. Theo kinh Niết Bàn thì Niết bàn là cái đã có sẵn, ta không phải mua: Tôi không bán gì cho anh cả. Cái đó đã có sẵn. Nếu biết tiếp xúc, nếu có tự do, anh sẽ được hưởng cái đó. Như không khí tươi mát của buổi ban mai đã có sẵn, anh chỉ cần mở cửa sổ hoặc đi ra ngoài là anh có thể hưởng được. Chư Bụt, chư Tổ chỉ tìm cách giúp cho ta thấy mà thôi. Nếu khéo léo một chút, ta có thể bước ra và rong chơi ngay trong trời phương ngoại.

Thiên quốc hay Thiên đường trên trần thế là những cái thuộc về tương lai. Ta phải xuất tiền mua ngay bây giờ, nhưng trong tương lai hàng mới được giao. Niết bàn thì không như vậy. Niết bàn có thể có mặt liền ngay bây giờ, không cần đợi tương lai và cũng không cần phải quảng cáo.

Nhẫn là biện pháp hay nhất để tự bảo hộ. Bài kệ thứ nhất bắt đầu bằng chữ nhẫn. Chúng ta ngạc nhiên, tại sao kinh Niết Bàn lại bắt đầu bằng Nhẫn nhục ba la mật? Nhẫn, tiếng Phạn là ksānti, tiếng Việt là chịu đựng. Chữ chịu đựng rất hay! Chịu có nghĩa là có thể đồng ý được, có thể chấp nhận được mà không có khó khăn nhiều. Đựng có nghĩa là mang theo được, dung chứa được, đủ sức để tiếp nhận và dung chứa. Ví dụ, chúng ta có một cái thùng có thể chịu đựng được hai mươi lăm gói mì. Tâm của mình cũng vậy. Tùy tâm của mình nhỏ hay lớn mà nó có thể chịu đựng được nhiều hay ít. Chịu đựng được thì không đau khổ. Khi nghe chữ chịu đựng, có nhiều người hiểu theo nghĩa tiêu cực là phải cắn răng chịu đựng, nghĩa là trong sự chịu đựng này có khổ đau. Nhưng kỳ thực, hiểu theo đúng nghĩa của nó thì chữ chịu đựng có nghĩa là có khả năng chứa đựng được mà không cần phải cố gắng. Theo nguyên ngữ của chữ chịu đựng: chịu là đồng ý, đựng là có khả năng chứa đựng được. Tôi có thể mang anh, bỏ trọn anh vào trái tim của tôi mà không có vấn đề. Tại vì trái tim tôi đủ rộng, có đủ chỗ cho anh.

Nhẫn là một trong sáu sự thực tập đưa chúng ta đến bờ giải thoát gọi là Lục độ ba la mật. Trong kinh có một ví dụ rất hay về “chịu đựng”. Một hôm, Bụt cầm một nắm muối thả vào một bát nước, khuấy lên và nói: “Tôi vừa bỏ một nắm muối vào bát nước, bát nước này rất mặn không sao uống được. Nhưng nếu ta đem nắm muối ấy mà thả vào một dòng sông thì nó không đủ sức làm cho dòng sông mặn.” Dòng sông bao la, một nắm muối thả vào lòng nó không có nghĩa gì cả, nó có thể chịu đựng được nắm muối mà không có khổ đau gì. Kinh nói: Nước chịu và đựng rất giỏi. Nhưng đất, lửa và gió cũng có khả năng chịu và đựng rất giỏi. Đó là những lời Bụt đã dạy Rahula: “Con hãy tập được như đất. Con hãy tập được như gió. Con hãy tập được như nước. Con hãy tập được như lửa.” Đó là những lời Bụt dạy Rahula về nhẫn nhục ba la mật mà không cần sử dụng danh từ nhẫn.

Khi trái tim của ta lớn, thì dù có những khó khăn tới với ta, ta vẫn có thể chấp nhận được và chúng không đủ sức làm ta khổ. Còn nếu trái tim ta nhỏ xíu như hạt đậu phụng, thì bất cứ chuyện gì cũng có thể làm cho ta phiền lòng.

Nhẫn ở đây có nghĩa là làm cho trái tim ngày càng rộng lớn. Trái tim càng lớn thì sức dung chứa của nó càng nhiều và khổ đau càng nhỏ. Trái tim của Bụt là một trái tim không biên giới, gọi là Vô lượng tâm. Khi trái tim của ta lớn bằng trái tim của Bụt, thì không gì có thể làm cho mình bực tức, khổ đau được. Ai ta cũng có thể ôm được vào lòng. Đó gọi là nhẫn, là một cánh cửa mở ra để ta đi vào Niết bàn.

Nhẫn vi tối tự thủ: Thủ là bảo hộ. Tự thủ là tự mình bảo hộ cho mình. Tối là hay nhất. Câu này nghĩa là:

Nhẫn là phương pháp hay nhất để mình tự bảo hộ cho mình. Là học trò của Bụt, là người bạn đồng hành của Ngài, ta thử nhìn vào trái tim của mình để xem nó đã lớn chưa, hay còn nhỏ xíu. Nếu trái tim còn nhỏ xíu, ta sẽ còn nhiều đau khổ. Trái tim càng mở lớn chừng nào, thì ta càng có nhiều an lạc chừng đó.

Giữa hai câu này có sự so sánh: nếu nhẫn là phương pháp hay nhất để tự bảo hộ mình thì:

Nê hoàn Phật xưng thượng: Niết bàn là mục tiêu cao quí nhất đáng để cho ta đeo đuổi, là cái cao đẹp nhất mà ta có thể đạt tới được. Trong ta phải có cái ước muốn. Không muốn thì thôi, hễ muốn thì phải muốn cho nhiều mới được. Mới bốn giờ sáng, trời bên ngoài sao trăng rất đẹp, cây cối thức dậy rì rào, hương đêm rất thơm. Nếu muốn, ta chỉ cần tung mền, mặc áo đi ra ngoài là có thể hưởng được hương đêm tinh khiết. Niết bàn cũng vậy, nó là một cái rất dễ chịu. Hạnh phúc mà Niết bàn đem lại rất lớn. Muốn hưởng được Niết bàn, ta phải buông bỏ những hệ lụy tầm thường của cuộc đời. Một khi buông bỏ được những hệ lụy, thì tự nhiên Niết bàn có mặt. Cũng như khi buông bỏ cái mền ấm và sự lười biếng, ta mở tung cánh cửa bước ra ngoài, thì trăng sao, gió mát liền có mặt đó cho mình. Đừng muốn cái ít hơn. Đã muốn thì phải muốn cái gì thật đẹp, thật lớn. Cái đẹp nhất, lớn nhất đó là Niết bàn.

Ngay trong bài kệ mở đầu kinh đã rất hay: Nhẫn là biện pháp hay nhất để tự bảo hộ. Tự do là đối tượng cao đẹp nhất để mình theo đuổi. Niết bàn chính là tự do.

Xả gia bất phạm giới: Những người xuất gia không phạm giới.

Tức tâm vô sở hại: Tức tâm là tiếng cổ dùng để dịch từ sa môn, có nghĩa là người đã biết làm lắng dịu tâm ý mình lại. Tức có nghĩa là làm cho lắng dịu, làm ngưng lại; chữ tức tương đương với chữ chỉ. Tâm mình có thể đang chạy theo những đam mê, hận thù, tâm mình có thể đang còn lo lắng sợ hãi; mình làm tâm êm dịu lại gọi là tức tâm. Một vị sa môn có thể làm được chuyện ấy.

Śamatha-vipaśyanā là thiền. Śamatha là chỉ, còn vipaśyanā là quán. Thiền, trước hết là làm ngưng lại, làm lắng dịu lại (thiền chỉ), để từ từ thấy rõ và đạt tới sự thật (thiền quán). Trong kinh Quán Niệm Hơi Thở, đức Thế Tôn đã dạy nhiều phương pháp để giúp mình dừng lại và làm lắng dịu thân tâm. Thân tâm đã lắng dịu, thì không có gì có thể làm hại hay xâm phạm tới mình được.

Vô sở hại tức là không gây đau khổ, không gây đổ vỡ, không tàn hại ai. Đó là bất hại (ahiṃsā), đó là vô hại, đó là non-injury, là non-violence. Vào thế kỷ thứ sáu trước công nguyên, tại trung tâm lưu vực sông Hằng, có hai truyền thống tâm linh được thành lập, và cả hai đều chủ trương thực tập bất hại. Đó là giáo phái của những người Nirgranthas (không vướng bận thành lập), đứng đầu là Mahavira, cũng là Jina (người chiến thắng). Đó là Kỳ Na giáo. Giáo phái thứ hai là đạo Bụt, do Siddharta Gotama thành lập. Kỳ Na giáo vẫn còn tồn tại đến ngày nay ở Ấn Độ, tuy không vượt qua được biên giới để trở thành một truyền thống quốc tế như đạo Bụt. Nhờ đạo Bụt giáo hóa mà nhiều quốc gia từ từ bỏ bớt được bạo động, như Ấn Độ, Việt Nam, Trung Quốc, Tây Tạng, Cao Ly… Đó là nhờ sự thực tập “vô sở hại”.