Bài kệ 36

Hành tịnh trí độ thế

行 淨 致 度 世

Thiên nhân mạc bất lễ

天 人 莫 不 禮

Sống thanh tịnh, vượt thoát được thời gian,

Thì cả hai giới thiên nhân đều nghiêng mình kính nể.

Hành tịnh trí độ thế: Hành tịnh là sống nếp sống tịnh hạnh. Trí độ thế là vượt được thế gian. Thời gian và không gian không còn là nhà tù của mình nữa.

Thiên nhân mạc bất lễ: Hai giới trời và người đều kính nể.

Chúng ta phải học, phải nghiên cứu kinh Pháp Cú theo phương pháp sau:

Phải ý thức được Pháp Cú là những bài kệvề giáo pháp mà chư Tổ đã thu góp từ các kinh Bụt dạy và sắp xếp lại thành từng chủ đề. Có những bài kệ nói về Niết bàn, chư Tổ đã gom lại thành một chương gọi là Phẩm Nê Hoàn. Đó là lời Bụt dạy trong kinh dưới hình thức những bài kệ. Trong khi biên tập kinh Pháp Cú, chư Tổ đã thâu tóm những bài kệ đó lại thành những chủ đề. Kinh Rong Chơi Trời Phương Ngoại (Nê Hoàn Phẩm) là một trong những chủ đề đó. Kinh Chiếc Lưới Ái Ân mà chúng ta đã học, cũng là một chủ đề. Trong khi thu góp các bài kệ để vào một chủ đề, chư Tổ cũng đã sắp xếp lại; nhưng đó chỉ là sắp xếp tạm thời. Khi học, chúng ta phải học với con mắt của nhà khoa học, có thể Bụt nói câu này ở môi trường này và nói câu kia ở môi trường kia, chứ không phải Bụt nói câu này rồi tiếp tục nói câu kia. Có sự liên hệ giữa câu này và câu kia, nhưng đó là do chư Tổ đã sắp xếp lại. Ta phải thấy trước và đừng cho là kinh này Bụt nói theo thứ tự từ đầu tới cuối. Kinh Pháp Cú có thể đã do tôn giả Pháp Cứu (Dharmatrāta), một vị luận sư nổi tiếng của học phái Thuyết Nhất Thiết Hữu Bộ (Sarvāstivāda), sưu tập.

Phải phân biệt hai loại kinh. Kinh liễu nghĩa và kinh chưa liễu nghĩa. Kinh liễu nghĩa là những kinh nói về chân lý tuyệt đối (paramārtha). Những kinh nói về chân lý tương đối là kinh chưa liễu nghĩa.

Có kinh nói mình phải thoát cõi sinh tử để đi vào cõi Niết bàn. Như vậy, kinh có hàm ý: Có sinh tử và có Niết bàn tách riêng ra khỏi sinh tử. Nhưng có kinh nói: Sinh tử chỉ là ý niệm; thật ra, không có sinh, cũng không có tử, như trong Tâm Kinh. Tâm Kinh là một kinh liễu nghĩa. Có kinh nói có bốn sự thật rõ ràng: Khổ, tập, diệt, đạo. Bốn sự thật là nền tảng của giáo lý đạo Bụt. Nhưng trong Tâm Kinh nói không khổ – tập – diệt – đạo, nhìn kỹ ta thấy khổ không thể tự có một mình. Khổ làm gì có nếu không có vui, vui làm gì có nếu không có khổ. Khổ, tập, diệt, đạo là bốn sự thật; nhưng sự thật này nằm trong ba sự thật kia, ta không thể tìm một sự thật ngoài ba sự thật còn lại. Không có từng sự thật khổ, tập, diệt, đạo nằm riêng rẽ nhau. Chúng ta thấy giống như hai giáo lý chống đối nhau; nhưng thật ra chúng không chống nhau, vì một giáo lý nói về chân lý không liễu nghĩa và giáo lý kia nói về chân lý liễu nghĩa.

Khi chư Tổ đưa các bài kệ chung vào một kinh, thì có bài kệ liễu nghĩa và có bài kệ không liễu nghĩa, nên có vẻ giống như bài kệ này chống đối bài kệ kia. Ta phải thấy được điều đó và đừng hỏi tại sao câu kệ này không phù hợp với câu kệ kia. Kinh Rong Chơi Trời Phương Ngoại có 36 bài kệ. Là một học giả ta phải có khả năng thấy được bài kệ nào là liễu nghĩa và bài kệ nào là không liễu nghĩa. Kinh liễu nghĩa hay, mà kinh không liễu nghĩa cũng hay. Mỗi loại kinh có chức năng của nó. Có thể, ta phải bắt đầu bằng các kinh không liễu nghĩa, rồi từ từ ta đi tới kinh liễu nghĩa. Ta phải công nhận có bốn sự thật khổ – tập – diệt – đạo; khi nắm vững rồi, ta mới có thể vượt qua. Ngay từ đầu nếu ta nói không có khổ – tập – diệt – đạo thì rất khó.

Có những bài kệ có vẻ như không đi theo những bài kệ khác trong kinh và ta cho rằng trong kinh có sự bất nhất. Là học giả, ta biết đó là những bài kệ bất liễu nghĩa, nên không thể so sánh với những bài kệ liễu nghĩa; nhưng nhờ bất liễu nghĩa mà ta có thể đi tới liễu nghĩa. Ta phải có khả năng nhận diện những bài kệ không liễu nghĩa, nhưng những bài kệ ấy có vai trò giúp ta đi tới chỗ liễu nghĩa. Phải tìm cho ra. Một hành giả cũng là một học giả, một nhà nghiên cứu thông minh. Phải học hỏi theo tinh thần khoa học, chứ không phải người ta nói gì ta đều nghe theo không điều kiện.

Có những bài kệ nói về không dơ, không sạch. Trong Niết bàn không có ý niệm dơ và sạch, trong và ngoài, đến và đi, khổ và lạc. Trong khi đó, có những bài kệ nói: Thân là bất tịnh, thì tại sao lại tìm hạnh phúc ở chỗ dơ bẩn? Theo nguyên tắc của kinh liễu nghĩa, không có gì là tịnh hay bất tịnh. Chúng ta có hai con đường để đi tới, vì vậy trước tiên chúng ta phải đọc từ đầu tới cuối, thấy được bài kệ nào là liễu nghĩa và bài kệ nào chưa liễu nghĩa nhưng cũng có công năng đưa tới liễu nghĩa.

Bốn bài kệ đầu xưng tán Niết bàn, bài kệ thứ nhất nói Niết bàn là cái cao nhất (Nê Hoàn là tối thượng), bài kệ thứ hai nói Niết bàn là tối khoái, bài kệ thứ ba thì dùng chữ tối lạc và bài thứ tư dùng chữ tối an. Bốn bài kệ này có mục đích cho Niết bàn là cái quan trọng nhất. Bài kệ thứ năm hàm ý: Tuy Niết bàn có đó, nhưng mình phải biết cách mới có thể đi vào. Sự thật là như vậy: Tịnh độ, Niết bàn, tình thương, hạnh phúc có đó, nhưng có người loay hoay mãi cũng không đi vào được. Ta phải biết cách đi vào, vì vậy cho nên ta phải cần thực tập. Bài thứ sáu là một hình ảnh rất thi ca, tôi cho đây là bài kệ đẹp nhất trong kinh:

Hươu nai nương đồng quê

Chim chóc nương trời mây

Sự vật nương phân biệt mà biểu hiện

Các bậc chân nhân nương vào Niết bàn để sống thảnh thơi

Niết bàn có đó, Niết bàn không phải là chuyện tương lai. Nirvāna, trong ngôn ngữ nhân gian, có nghĩa là mát lạnh, là trạng thái không bốc cháy. Những phiền não như đam mê, giận hờn, thù hận bốc cháy làm ta khổ đau. Khi ngọn lửa phiền não tắt thì ta thấy mát, đó là Niết bàn. Định nghĩa đầu tiên của Niết bàn là sự vắng mặt của ngọn lửa phiền não (extinction of fire). Nhưng ngọn lửa phiền não cháy được là nhờ nhiên liệu (fuel), nhiên liệu là sự u mê của mình, tức những nhận thức sai lầm của mình. Ta thấy có sinh, diệt, trong, ngoài, ta và người. Cái thấy lưỡng nguyên đó cần phải lấy đi, ngọn lửa mới tắt. Định nghĩa thứ hai của Niết bàn là sự tắt ngấm của những tri giác sai lầm (extinction of wrong perceptions), những ý niệm như tôi và anh là hai thực tại riêng biệt, thân và tâm là hai cái hoàn toàn khác nhau, chủ thể và đối tượng là hai cái tách rời nhau, sinh và diệt, có và không là những cái chống đối nhau. Những ý niệm đó nhen cho ngọn lửa cháy lên, nên chúng ta phải dập tắt mọi ý niệm.

Bài kệ thứ sáu cho ta thấy Niết bàn là cái gì đang có mặt cho mình, chứ không phải là cái ta đi tìm cầu trong tương lai ở một không gian khác; cũng như đợt sóng đã là nước và nó không cần đi tìm nước ở một nơi khác. Đợt sóng đau khổ, vì không biết mình là nước, nó sợ hãi những lúc lên xuống, lúc bắt đầu, khi chung cục. Biết mình là nước rồi thì lên cũng vui, mà xuống cũng vui; có cũng vui, không cũng vui; cao cũng vui, thấp cũng vui. Niết bàn là cái đã có sẵn, ta chỉ cần tiếp xúc. Đợt sóng quá bận rộn, nó không tiếp xúc được với bản chất của nó là nước nên nó đau khổ.

Hai định nghĩa về Niết bàn được lặp lại nhiều lần trong nhiều bài kệ. Ý niệm về ngã, mình có cái ta riêng và người kia có cái ta riêng, đưa tới sự so sánh hơn người, thua người hay bằng người và tạo ra sự đau khổ. Trong các bài kệ được coi là liễu nghĩa có bài kệ nói về sự vắng mặt của các phiền não và có bài kệ nói về sự vắng mặt của các ý niệm sai lầm. Chúng ta phải đọc lại kinh và nhận diện bài kệ nào nói về sự vắng mặt của phiền não và bài kệ nào nói về sự vắng mặt của những ý niệm. Cuối cùng, ta thấy có những chỉ dẫn rất cụ thể để đi vào Niết bàn. Nhận diện được và trở về Niết bàn trong đời sống hàng ngày như chim trở về trời, cá trở về sông, hươu nai trở về đồng quê. Ta phải tìm về Niết bàn trong đời sống hàng ngày, nhưng làm sao đi về được Niết bàn? Có những bài kệ khác dạy cách đi về Niết bàn như sống đời phạm hạnh, giữ giới, quán thân bất tịnh.

Ông già Noel rất cần thiết cho mình. Khi lớn lên, ta nhận ra rằng không có ông già Noel; nhưng lúc còn nhỏ, ta rất hạnh phúc tin rằng vào buổi sáng thức dậy thì sẽ thấy có quà của ông già Noel trong chiếc vớ. Trong lúc ngủ, ông già Noel vào nhà bằng cách chui xuống theo ống khói. Ba má cũng giả bộ tin theo, để làm cho con cháu hạnh phúc: “Con ngủ đi! Nếu con không ngủ, ông già Noel sẽ không tới!Ba mẹ không tin, nhưng nuôi dưỡng niềm tin đó để làm hạnh phúc cho con cháu. Trẻ con lớn lên biết ba má nói dối, nhưng đến khi làm ba má, chúng cũng lại nói dối với con cháu. Ông già Noel là một sự nói dối trường kỳ từ thế hệ này sang thế hệ khác.

Ta đi vào chùa lạy Phật, má nói với ta trong chùa có Phật. Chỉ có vào chùa mới gặp được Phật, ta đem nào nhang, nào đèn, nào chuối, nào cam lên chùa cúng Phật. Chỗ ta đi tìm Phật là trong chùa; nhưng khi lớn lên, ta thấy không đúng như vậy. Trong chùa, chỉ có tượng Phật, ta tìm ra sự thật rằng Phật là ở trong lòng. Những người có tu, sớm muộn gì cũng tìm ra sự thật Phật không phải ở trong chùa. Chư Tổ và những người tu đều nói Phật tức tâm, Phật ở trong tâm, còn Phật ở trên bàn thờ trong chùa là một cách nói dối giống như nói có ông già Noel.

Khi chết, ta đi về Tây phương và gặp Bụt ở đó, hay ta lên thiên đường ngồi dưới chân Thượng đế, đó là một thứ ông già Noel. Nếu tu học đàng hoàng, ta biết Bụt có ngay trong tâm mình bây giờ và ở đây. Trong đạo Bụt, có những người tu tập, thực chứng được điều đó và cho chuyện Phật ở Tây phương, hay Bụt trên bàn thờ chỉ là chuyện ông già Noel. Họ thấy rất rõ Bụt và Tịnh độ đang có mặt ngay trong giây phút hiện tại, trong con người của mình. Những nhà tu thần bí tìm ra Chúa không phải ở trên trời, mà có ngay ở đây trong tâm hồn của mình và Thiên quốc cũng có mặt ngay bây giờ.

Chúng ta ở Làng Mai, đã lặp lại nhiều lần: The Pure Land is here and now and Amitabha Buddha is your own nature. Chư Tổ cũng có nói: Tự tánh Di Đà, duy tâm Tịnh độ. Ý niệm nước Cực lạc và Bụt Di Đà ở phía Tây, chết rồi ta mới sang bên đó… cũng có thể xem như là chuyện ông già Noel cho những người mới bắt đầu. Nếu tu đàng hoàng, ta không cần phải chết rồi mới đi qua bên đó. Đức Di Đà và cõi Cực lạc có thực trong phút giây hiện tại. Niết bàn không phải là cõi rất xa mà ta chỉ tới được sau khi chết, Niết bàn là cái đang có bây giờ và ở đây. Niết bàn là tự tánh của ta, ta phải đặt Niết bàn đúng chỗ ở đây bây giờ. Trong kinh Tạp A Hàm có dùng danh từ “Hiện pháp Niết bàn” (Dṛṣṭa-dharma-nirvāna), tức Niết bàn trong giây phút hiện tại. Ta không muốn là trẻ con, bị lừa bởi chuyện ông già Noel, ta phải bước thêm một bước để thấy Niết bàn đó đang có mặt trong giây phút hiện tại, như trời mây đang có mặt cho chim, đồng quê đang có mặt cho hươu, dòng sông đang có mặt cho cá. Niết bàn đang có mặt cho ta, ta phải biết cách trở về Niết bàn trong sự sống hàng ngày.

Khi thở hay bước đi trong chánh niệm thì năng lượng của niệm – định – tuệ mở cửa cho mình bước vào cõi không sinh diệt, không phiền não. Sinh diệt chỉ là những ý niệm của mình. Thượng đế có thể được nhận thức như tự tánh bất sinh bất diệt, mát mẻ, không phiền não, đang có mặt cho mình ngay bây giờ. Thay vì đọc theo kiểu ông già Noel: “My Father’s in heaven” ta có thể đọc “My Father’s right in us”. Chữ Father là một ý niệm; tên Vô lượng thọ, Vô lượng quang của Bụt cũng chỉ là một cái tên; Allah hay God đều là những cái tên. Cái quan trọng là bản chất, là cái vô sinh bất diệt, mát mẻ, không phiền não đang có mặt cho ta.

Kinh này có tên Rong Chơi Trời Phương Ngoại. Nếu đang bị ngọn lửa phiền não đốt cháy, hay đang bị những kỳ thị, những tri giác sai lầm làm cho sợ hãi, lo lắng, buồn phiền, thì ta không có Niết bàn. Con đường đi vào Niết bàn là con đường rũ bỏ những phiền não, kỳ thị đó. Nhân loại cần phải bước thêm bước nữa, không thể bám mãi vào các ông già Noel. Thượng đế không thể được diễn tả bằng ý niệm có và không, trong và ngoài, ta và người. Bất cứ một ý niệm nào cũng không thể diễn tả được Thượng đế; cũng như không có ý niệm nào có thể diễn tả được Niết bàn, vì Niết bàn là sự dập tắt tất cả những ý niệm, trong đó có ý niệm ta và người, sanh và diệt, có và không. Rất buồn cười khi nói có Thượng đế hay không có Thượng đế. Thượng đế không thể được diễn tả bằng ý niệm có hay không. Thượng đế hay Niết bàn vượt khỏi ý niệm có không.

Tây phương hiện nay có hiện tượng gọi là double belonging, tức là vừa theo đạo Chúa vừa theo đạo Bụt, mà không có sự mâu thuẫn, giằng co. Có nhiều vị linh mục đang sống và thực tập như thế, trong đó có thượng tọa Thích Chân Pháp Đệ của mình, và linh mục Paul F.Knitter, tác giả cuốn sách Without Buddha, I could not be a Christian (Nếu không có Bụt thì tôi đã không thể làm một người tín hữu Cơ đốc). Truyền thống này giúp làm sáng thêm truyền thống kia và ngược lại. Nhân ngày lễ Noel, xin quý vị quán chiếu về đề tài này. Đây là vấn đề văn hóa. Theo được con đường này, chúng ta chấm dứt được kỳ thị, chia rẽ, đem lại sự đoàn kết và hòa bình cho thế giới.