Bài kệ 17

Tùng thực nhân duyên hữu

從 食 因 緣 有

Tùng thực trí ưu lạc

從 食 致 憂 樂

Nhi thử yếu diệt giả

而 此 要 滅 者

Vô phục niệm hành tích

無 復 念 行 迹

Cái gì cũng do thức ăn mà tồn tại

Ngay cả cái buồn, cái vui cũng phải cần thức ăn mới có

Nếu cái chất liệu thiết yếu ấy không còn

Thì không còn dấu vết nào của hành mà mình có thể nhận diện.

Tùng thực nhân duyên hữu: Do nhân duyên thực phẩm mà có hữu, có vô. Hữu (abhāva) và vô (abhāva) có nguyên do của nó, đó là bốn loại thực phẩm: đoàn thực, xúc thực, tư niệm thực và thức thực. Từ những nguồn thực phẩm khác nhau mà có sự lo lắng hay hạnh phúc. Thực phẩm nuôi hữu vô là vô minh cho nên mới thấy hành là những thực tại riêng biệt có ngã có pháp.

Tùng thực trí ưu lạc: Ngay cả cái buồn, cái vui cũng do thức ăn mà sinh ra.

Nhi thử yếu diệt giả: Nếu chất liệu ấy khôngcòn, nếu cắt đứt nguồn thực phẩm đó thì,

Vô phục niệm hành tích: Không có dấu vết nào của hành mà mình có thể nhận diện được. Tích là dấu vết. Vọng niệm về các hành, thấy các hành là ngã là pháp thì ta bị ràng buộc. Nếu thấy được bản chất các hành là duyên sinh, vô ngã, tương tức, thì ta có giải thoát, thấy được Niết bàn.

Khi bị trầm cảm, ta biết không phải tự nhiên mà ta bị trầm cảm, mà là do ta đã sử dụng, đã nuôi mình bằng loại thực phẩm đưa tới sự trầm cảm. Khi ta quán chiếu, tìm ra được nguyên do của sự trầm cảm chính là nguồn thực phẩm không lành mạnh đó và quyết tâm chấm dứt không sử dụng loại thực phẩm đó nữa, thì trầm cảm sẽ tan biến, không còn lưu lại dấu vết nào cả.

Kinh này, tuy có đề tài là Niết bàn, nhưng thật sự không đi vào tư duy siêu hình. Kinh có giáo lý rất thực tiễn để chúng ta có thể chứng nghiệm được.