Bài kệ 8

Tâm nan kiến tập khả đổ

心 難見習可覩

Giác dục giả nãi cụ kiến

覺 欲者乃具見

Vô sở lạc vi khổ tế

無 所樂為苦際

Tại ái dục vi tăng thống

在 愛欲為增痛

Tâm khó thấy, nhưng thói quen có thể nhận ra,

Kẻ nhận diện được dục ý thấy được đầy đủ rằng

Không tìm thú vui trong dục lạc thì tránh được mọi thứ khổ

Và ái dục luôn luôn làm tăng trưởng niềm đau.

Tâm nan kiến tập khả đổ: Tâm nan kiến là mình khó thấy được tâm mình. Tâm không có hình tướng nên khó nhận diện, khó nắm bắt được. Tập là thói quen, là tập khí. Tập khả đổ có nghĩa là: thói quen thì có thể nhận diện được.

Mỗi chúng ta đều có thói quen, chính thói quen đó xúi đẩy chúng ta suy nghĩ, nói và làm. Nhiều khi chúng ta không muốn nói điều đó, nhưng nó đẩy chúng ta nói. Chúng ta không muốn làm điều đó, nhưng nó đẩy chúng ta làm. Chúng ta không muốn nghĩ về chuyện đó, nhưng nó đẩy chúng ta nghĩ. Đó là thói quen. Thói quen có thể từ tổ tiên, cha mẹ truyền lại, hay do huân tập từ hồi mình còn thơ ấu. Ngựa theo lối cũ. Tập là vāsanā, tiếng Anh có thể dịch là habit energy.

Tâm của ta, ta không thấy được; nhưng tập khí của ta thì ta có thể nhận diện được. Ta nhận diện bằng chánh niệm của ta. Chánh niệm là khả năng biết những gì đang xảy ra: cái đang xảy ra là ta đang bị thói quen áp đảo, thúc đẩy. Có hai loại thói quen:

Thói quen về nghiệp, nghiệp tập khí (karma-vāsanā). Nghiệp là hành động (action), nghiệp có ba hình thức:tư duy, nói năng và hành động. Ta có thói quen nghĩ như vậy, nói như vậy và làm như vậy. Có thể là thói quen tốt hay thói quen xấu. Khi làm theo thói quen tốt thì ta biết ta đang làm theo thói quen tốt. Ví dụ như khi nghe tiếng chuông ta ngưng suy nghĩ, nói năng và bắt đầu thở vô nhẹ nhàng. Mỗi khi nghe tiếng chuông, không cần ai nhắc hay bắt buộc, ta tự động làm như vậy. Đó là một thói quen tốt.

Ta tập đi thiền hành đã quen, nên khi đi ta đi thảnh thơi, và trong mỗi bước chân ta thưởng thức được sự thanh thản. Đi như vậy đã thành một thói quen. Mỗi buổi sáng, buổi chiều ngồi thiền, ta thấy khỏe khoắn. Ngày nào không ngồi thiền, ta thấy thiếu cái gì đó. Ngồi thiền đã trở thành một thói quen, một thói quen tốt.

Nhưng cũng có những thói quen xấu. Khi chúng ló đầu ra thì ta nhận diện được ngay, nhờ chánh niệm. Thói quen suy nghĩ như vậy, thói quen nói năng như vậy và thói quen hành xử như vậy.

Có một anh chàng người Mỹ tới xóm Thượng tu một tháng. Anh tu rất giỏi, làm việc gì cũng thong thả, từ tốn, không gấp gáp. Các thầy và các sư chú dạy anh rằng làm việc gì cũng nên làm thong thả, từ tốn. Xung quanh anh, người nào cũng làm như vậy nên anh được ôm ấp, bao vây bởi năng lượng từ tốn, thong thả. Trong ba tuần đầu tiên anh làm rất giỏi. Đến tuần thứ tư có lễ Thanks giving (Lễ Tạ Ơn), anh được gửi đi chợ mua sắm để về nấu cỗ. Đây là lần đầu tiên anh đi ra ngoài một mình không có tăng thân. Trong khi đi chợ, tự nhiên thói quen hấp tấp trở lại. Anh ta hối hả muốn làm cho xong việc để về. Nhưng vì đã được thực tập ba tuần rồi nên anh có khả năng nhận diện được. Anh thấy mình đang hấp tấp, vụt chạc, muốn làm cho xong để về. Anh nhận diện được tập khí đó và bất chợt thấy rằng cái thói quen đó là do má của anh truyền lại. Má của anh luôn luôn hấp tấp và anh đã tiếp thu cái tập khí xấu đó từ má. Thấy được, anh nhận diện và mỉm cười: “Hello mother, I know you are there!” (Chào Má, con biết là Má đang ở đó!) Khi nhận diện được thì anh trở về với chánh niệm, và trở lại sự từ tốn, thong thả trong khi đi chợ. Nương theo hơi thở, thì tập khí không còn lôi cuốn anh ta được nữa.

Nhận diện là một phương pháp rất hay. Ta không đàn áp, không trách cứ; chỉ nhận diện thôi. Pháp môn này được gọi là nhận diện đơn thuần. Ta không cần trách móc ta, ta không cần đàn áp tập khí. Khi nhận diện thì tập khí không làm gì ta được, và ta vẫn giữ được tự do của ta. Mỗi người chúng ta đều có nhiều tập khí, nhiều thói quen như vậy. Theo thói quen thì chúng ta làm đổ vỡ rất nhiều. Ta không muốn làm như vậy, ta không muốn nói như vậy, nhưng tập khí đẩy ta phải làm, phải nói như vậy. Người tu phải biết học thói quen nhận diện tập khí.

Không thể thấy được tâm, nhưng có thể nhận diện được tập khí. Trước hết là tập khí về suy tư. Có thể ta quen suy tư một cách tiêu cực, một cách nghi ngờ. Ta phải nhận diện tập khí của ta để đừng bị nó kéo theo. Đó là karma-vāsanā.

Thói quen thứ hai là nhị thủ tập khí. Nhị thủ tập khí là thói quen cho rằng có một chủ thể có mặt độc lập ngoài đối tượng và có một đối tượng độc lập với chủ thể. Đó là bị kẹt vào, là thủ. Nhị thủ là bị kẹt một lần vào hai cái, chủ thể và đối tượng.

Nhà khoa học bây giờ cũng đang còn bị vướng vào nhị thủ, cho rằng tâm thức ta và thế giới của thực tại ta đang nghiên cứu là hai cái riêng biệt nhau. Tiếng Anh gọi là double grasping. Ta cứ nghĩ rằng tâm thức của ta là một thực tại tồn tại độc lập ngoài đối tượng của nó. Đó là một tập khí rất sâu dày của con người. Ta không đạt tới giác ngộ được cũng là do tập khí nhị thủ này.

Ta có thể học hỏi để nhận diện được hai loại tập khí đó và từ từ chuyển hóa chúng.

Giác dục giả nãi cụ kiến: Giả là người (the one).

Người có thể nhận diện dục ý của mình là người có khả năng thấy được hoàn cảnh một cách rõ ràng. (The one who has the capacity to recognize his mind of desire will be able to see everything clearly.)

Ta có những mong cầu, những theo đuổi, những cái muốn nắm bắt. Đó là dục ý. Ta nghĩ ta không có hạnh phúc, ta đang không có hạnh phúc. Ta đang chạy theo, đang trông cầu, đang theo đuổi, đang ham muốn một cái gì đó. Đó cũng là một tập khí làm cho ta không có khả năng sống hạnh phúc trong giây phút hiện tại. Trong giây phút hiện tại, có thể ta đang có đầy đủ điều kiện để có hạnh phúc liền, nhưng ta không có khả năng có được hạnh phúc ấy. (You do not have the capacity to be happy.) Lý do là vì ta có một dục ý, ta đang theo đuổi, đang muốn nắm bắt một cái gì đó. Ta tin rằng, nếu không nắm bắt được cái đó thì ta không có hạnh phúc. Vì vậy, người có khả năng nhận diện được dục ý mới có thể thấy được rõ ràng.

Vô sở lạc vi khổ tế: Chữ lạc có thể đọc là nhạo.

Nhạo là muốn, vô sở nhạo là không muốn đeo đuổi gì nữa. Ta như thế này đã là mầu nhiệm lắm rồi, ta không cần phải trở thành một người khác mới có hạnh phúc. (Be yourself, you don’t need to become someone else.) Tại sao ta không còn mong muốn gì nữa? Tại vì hiện bây giờ những điều kiện hạnh phúc của ta đã quá nhiều. Có được hai lá phổi để thở không khí trong lành cũng đã là hạnh phúc rồi. Trái tim của ta không bị nghẽn, hai mắt của ta còn sáng, mở mắt ra là ta có thể thấy được mùa xuân. Ta có rất nhiều điều kiện hạnh phúc; ta không cần đeo đuổi, chạy theo, nắm bắt gì nữa. Đó là vô sở nhạo, là aimlessness. Đó là cánh cửa giải thoát thứ ba trong ba cánh cửa giải thoát là không, vô tướng và vô tác. Nếu không còn đeo đuổi thì ta thoát ra được ngoài biên giới của khổ đau.

Tại ái dục vi tăng thống: Thấy rõ rằng, ái và dục, sự đam mê, sự đeo đuổi, luôn luôn làm tăng trưởng niềm đau của ta. Không đam mê, không theo đuổi là nền tảng của hạnh phúc.