Bài kệ 11

Ỷ tắc động hư tắc tịnh

猗則動虛則淨

Động phi cận phi hữu lạc

動非近非有樂

Lạc vô cận vi đắc tịch

樂無近為得寂

Tịch dĩ tịch dĩ vãng lai

寂已 寂已往來

Trong một bản in khác:

Ỷ tắc động hư tắc tĩnh

猗則動虛則静

Động phi cận phi hữu lạc

動非近非有樂

Lạc vô cận vi đắc tịch

樂無近為得寂

Tịch dĩ tịch vô vãng lai

寂已寂無往來

Ở trong hoàn cảnh động mà giữ được tâm thanh hư thì vẫn là tĩnh.

Trong cái động, không tiếp cận được Niết bàn, cũng không có an lạc.

Ý niệm về cái vui và cái khổ đã vượt qua rồi thì mới thực sự có cái tịch tĩnh

Vượt qua được cái ý niệm tịch tĩnh thì sẽ không còn cái qua lại nữa.

Ỷ tắc động hư tắc tĩnh: Chữ ở đây có nghĩa là tâm rỗng rang, tự do, lẳng lặng. Khi giữ được tâm lẳng lặng, rỗng rang thì dù ở trong hoàn cảnh có động thì tâm vẫn tĩnh. Chữ tịnh 淨 là in sai, phải là chữ tĩnh 静 mới đúng. Hư tắc tĩnh có nghĩa là nếu tâm ta rỗng rang, không vướng mắc thì dù ở trong hoàn cảnh động tâm vẫn yên lặng thanh tịnh.

Động phi cận phi hữu lạc: Trong cái động không tiếp cận được cảnh giới thanh tịnh của Niết bàn và không có an lạc.

Lạc vô cận vi đắc tịch: Vượt thoát ngay chính ý niệm về hạnh phúc (và về khổ đau) thì mới thật sự đi vào tịch tĩnh, tức đi vào Niết bàn.

Có cái khổ tương đối và cái vui tương đối, vượt thoát cái khổ tương đối và cái vui tương đối mới tới được cái vui tuyệt đối tức Niết bàn.

Tịch dĩ tịch dĩ vãng lai: Chữ 已 thứ hai là chép sai, trong một bản khác là chữ 無, vô vãng lai. Khi cái ý niệm về vắng lặng cũng đã vượt qua rồi, thì không còn có qua có tới.

Trước hết ta nghĩ Niết bàn là một không gian mà ta muốn đi tới. Ta muốn đi vào Niết bàn, nên ta có ý niệm về vãng lai. Vãng lai là đi vào, đi ra, đi tới, đi lui. Ta có những ý niệm như khổ hay vui, động hay tĩnh, tịch diệt hay không tịch diệt. Tất cả chỉ là những ý niệm. Khi ta đã vượt thoát những ý niệm đó rồi, ngay cả ý niệm Niết bàn là cái mà ta muốn đi vào, thì lúc đó ta không còn nhu yếu vãng lai, không còn chuyện từ ở ngoài đi vào Niết bàn, hay từ Niết bàn đi ra ngoài. Ta đã ở sẵn trong Niết bàn rồi.

Cũng như một đợt sóng đi tìm nước. Nó nghĩ: “Nếu mình là nước thì mình sẽ rất khỏe. Chỉ là sóng thì mình mới khổ, mình phải lên, phải xuống, phải có, phải không, phải cao, phải thấp. Đừng làm sóng nữa, phải làm nước đi thôi!” Và nó tìm cách đi vào nước. Nhưng thật ra, nó không cần phải đi vào nữa, tại vì sóng đã là nước rồi.