Định đề 25
Khổ lạc tương tức, phiền não và bồ đề đều có tính hữu cơ.
Happiness and suffering inter-are, affliction and enlightenment are both of an organic nature.
Thông thường chúng ta nghĩ khổ là khổ còn hạnh phúc là hạnh phúc, khổ và hạnh phúc không dính gì tới nhau, khổ là cái ngược lại với hạnh phúc.
Trong văn mạch của Tứ diệu đế, chữ dukkha có thể được dịch là ill-being, tức là sự có mặt của một cái gì không suôn sẻ, không thông, không dễ chịu. Ill-being, tiếng Việt là khó ở, khó ở trong hình hài và trong tâm ý. (You are not at peace with youself.) Ta không có sự thoải mái và sự an lạc trong thân và trong tâm. Ill là bệnh, bệnh không những trong thân mà còn trong tâm, nên chữ ill- being này không được hay lắm.
Khó ở (khổ) là sự thật cao quí thứ nhất trong bốn sự thật cao quí. Hiểu được bản chất và thấy được gốc rễ của sự khó ở rất cần thiết và chỉ có thiền quán mới thấy được cội nguồn, căn nguyên của sự khó ở đó. Học qua sự thật cao quí thứ ba chúng ta hiểu diệt đế là sự chấm dứt của ill-being và sự chấm dứt của ill-being (khổ diệt) có nghĩa là bắt đầu sự có mặt của well-being (lạc). Vì vậy cho nên sự thật thứ ba là lạc đế (the Truth of well-being). Sự thật thứ nhất là khổ đế (the Truth of ill-being), trong khi sự thật thứ ba là lạc đế (the Truth of well-being). Vậy thì giữa khổ và lạc có liên hệ như thế nào? Khổ và lạc có phải là kẻ thù của nhau không?
Nuôi dưỡng khổ đau để duy trì hạnh phúc
Theo tuệ giác của đạo Bụt thì tất cả các hiện tượng (pháp) đều có liên hệ với nhau, cái này làm ra cái kia. Chúng ta thấy rằng khổ và lạc tương tức. Nếu chưa từng biết khổ thì ta chưa nhận diện được an lạc, hạnh phúc. Trong chúng ta, ai đã từng khổ thì người đó có điều kiện để có hạnh phúc. Không nhìn hạnh phúc qua kinh nghiệm của khổ là không thấy được hạnh phúc. Nếu quên khổ đi thì có thể ta không nhận diện được hạnh phúc. Đi vào hạnh phúc với kinh nghiệm của cái khổ thì ta thấy rất hạnh phúc, nhưng ở trong hạnh phúc một thời gian thì ta lại thấy lờn và không còn hạnh phúc nữa. Cũng khung cảnh đó, cũng với những người đó, cũng những điều kiện sinh sống đó mà ba năm trước ta thấy hạnh phúc vô cùng. Nhưng ba năm về sau thì ta không thấy hạnh phúc nữa và muốn bỏ đi. Đó là do ta đã lờn, đã đánh mất ý thức về khổ đau. Vì thế, nuôi dưỡng ý thức về khổ đau cũng là một cách để duy trì hạnh phúc. Nếu chưa biết đói thì ta không biết cái hạnh phúc khi được nâng bát cơm đầy trên tay. Nếu ta chưa từng bơ vơ thì ta không có khả năng thấy được sự quí giá của một người bạn, ta coi thường sự có mặt của người đó. Duy trì ý thức về khổ đau, đừng quên khổ đau là một bí quyết để giữ gìn hạnh phúc.
Trong truyền thuyết Trung Quốc có chuyện Lưu Thần và Nguyễn Triệu. Hai người lọt vào trong miền non bồng diễm ảo gọi là Thiên Thai. Họ sống rất hạnh phúc. Nhưng sau đó họ nhớ nhà và đánh mất đời sống hạnh phúc. Họ có những nhớ nhung, thương tiếc, có cái gì đó khiến cho họ không còn tiếp xúc được, không đánh giá được những điều kiện hạnh phúc mà họ đang có. Họ đã bỏ Thiên Thai để về cõi trần. Về tới cõi trần họ thấy thời gian họ xa cõi trần đã 600 năm trong khi trên Thiên Thai chỉ mới có sáu tháng. Tất cả những người quen thuộc ở cõi trần trước kia đều đã chết. Bây giờ họ muốn trở lại Thiên Thai nhưng không được nữa.
Đó là một câu chuyện giúp chúng ta nhận diện được sự thật: hạnh phúc tùy thuộc rất nhiều ở tâm của ta. Nếu đã có những kinh nghiệm về khổ đau, về sự cô độc, lẻ loi, về sự bơ vơ không có lý tưởng, không nơi nương tựa và nếu duy trì được ý thức đó thì ta có thể nhận diện được những điều kiện hạnh phúc của ta bây giờ. Bây giờ ta có tăng thân, có anh, có chị, có em, có pháp môn, có con đường đi, có thầy, có cơ hội giúp đời, giúp người. Nhận diện được những điều kiện ấy thì tự nhiên ta có hạnh phúc lớn. Ta thấy được sự thật tương tức giữa khổ đau và hạnh phúc.
Người hành giả phải để ý nhiều tới khía cạnh này trong đời sống hàng ngày. Mỗi bước chân ta đi có thể đem lại hạnh phúc, mỗi hơi thở có thể đem lại hạnh phúc, mỗi con đường của xóm Thượng, xóm Trung, xóm Hạ đều có thể đem lại hạnh phúc. Mỗi buổi sáng, buổi chiều, mỗi giọt sương, mỗi lá cỏ đều có thể đem lại hạnh phúc. Ta không cần đi tìm hạnh phúc ở một nơi khác hoặc ở trong tương lai. Sống hạnh phúc quả thật là một nghệ thuật và nghệ thuật đó ta phải đào luyện mới có. Nó tùy thuộc rất nhiều ở tâm ta, nó tùy thuộc ở tâm ta cho đến độ nếu ta đánh mất khung cảnh này và phải đi sang một khung cảnh khác thì ta vẫn còn có thể giữ được hạnh phúc. Tâm của ta rất quan trọng! Khổ đau và hạnh phúc tương tức với nhau.
Ta bà thành Tịnh độ
Trong một định đề mà ta sắp học có nói: Đây là cõi Ta bà, một cõi gọi là “chịu đựng”. Nhưng khi đức Thế Tôn ra đời, với cách nhìn rất khác của Ngài đã biến cõi Ta bà của chúng ta trở thành cõi Tịnh độ của Bụt. Ta bà của chúng sinh là Tịnh độ của Bụt. Tùy theo mắt ta nhìn. Nhìn với con mắt của chúng sinh thì đây là cõi Ta bà mà ta phải chịu đựng còn nếu nhìn dưới con mắt của Bụt thì đây là cõi Tịnh độ. Ta bà thành Tịnh độ. Lúc bé Thơ được 16 tuổi, tôi có viết tặng cháu một bài thơ:
Bụt hiện hoa hàm tiếu
Pháp ca dòng suối trong
Ta bà thành Tịnh độ
Đầu núi áng mây hồng.
Ngày xưa tôi rất cưng các em bé. Khi các cháu đến tuổi cài trâm, tôi thường cho mỗi em một bài thơ và bé Thơ đã được bài thơ trên.
Bụt hiện hoa hàm tiếu: Nhìn vào một đóa hoa sắp nở ta thấy được Bụt.
Pháp ca dòng suối trong: Nghe tiếng suối chảy là nghe tiếng Pháp.
Ta bà thành Tịnh độ: Nếu mắt ta là mắt của Bụt, của giải thoát, của vô ưu thì ta thấy Ta bà là Tịnh độ.
Hồi đó bé Thơ còn nhỏ quá nên không hiểu chữ Ta bà. Bé hiểu chữ Ta bà là ta và bà ngoại của ta, ta và bà ngoại của ta đều thành Tịnh độ. Cho đến mấy năm sau bé Thơ mới hiểu được Ta bà là gì.
Phiền não tức bồ đề
Phiền não và bồ đề đều có tính cách hữu cơ. Phiền não là những tâm hành khổ đau của ta, bồ đề là giác ngộ. Ta thường nghĩ là phiền não và bồ đề chống đối nhau, phiền não gây ra khổ đau, bồ đề đem tới an lạc. Nếu khổ và lạc tương tức thì phiền não và bồ đề cũng tương tức, có nghĩa là phiền não được làm bằng chất liệu của bồ đề và bồ đề được làm bằng chất liệu của phiền não, giống như hoa được làm bằng rác và rác được làm bằng hoa. Hoa để vài tuần thì thành rác và rác được ủ một thời gian thì cũng thành phân để làm hoa trở lại. Hoa và rác đều có tính cách hữu cơ (organic). Khi thấy có rác thì ta đừng lo, bởi vì nếu biết cách quản lý rác thì thế nào ta cũng làm ra được rất nhiều hoa. Ta không nên chạy trốn rác mà nên học phương pháp biến rác thành hoa. Vì vậy trong đạo Bụt chúng ta thường nói: Phiền não tức bồ đề. Câu này có nghĩa là phiền não và bồ đề tương tức (affliction and awakening inter-are).
Trong sự thực tập của đạo Bụt chúng ta không cần phải trốn chạy, không cần phải cầu mong đi đến một địa điểm khác hay một thời gian khác. Ngay bây giờ và ở đây chúng ta có thể tìm thấy hạnh phúc và giác ngộ. Đứng về phương diện lý trí chúng ta thấy định đề 25 không khó hiểu gì mấy. Có trái thì có phải, có trên thì có dưới. Không bao giờ có phải mà không có trái, không thể nào có trên mà không có dưới. Trái và phải làm ra nhau, trên và dưới làm ra nhau. Bỏ một cái để đi tìm một cái khác là một thái độ ngây thơ. Một thiền sinh hỏi một vị thiền sư:
- An lạc, giải thoát, giác ngộ, bồ đề mà thầy nói đó, con phải tìm chúng ở đâu?
Thiền sư trả lời:
- Con đi tìm giác ngộ ngay trong lòng phiền não. Con đi tìm Niết bàn ngay trong lòng của sinh tử tại vì Niết bàn và sinh tử tương tức.
Tình huynh đệ là hạnh phúc lớn nhất
Giả dụ chúng ta ngồi lại, thiền quán và nhìn kỹ xem trong xóm của mình ai là người có nhiều hạnh phúc nhất trong chúng? Sư anh nào có hạnh phúc nhất trong chúng? Có được mấy sư anh có đủ hạnh phúc? Đây cũng là một công phu quán chiếu. Ta đặt câu hỏi: “Tại sao sư anh đó có hạnh phúc?”.
Chúng ta hỏi trong xóm mình sư chị nào có hạnh phúc nhất? Có được mấy sư chị có hạnh phúc? Rồi ta đặt câu hỏi: “Tại sao sư chị đó có hạnh phúc?”. Đây không phải là những chủ đề quá trừu tượng như phiền não, bồ đề hay Niết bàn. Đây là sự thật hằng ngày, ta không cần sử dụng những danh từ trừu tượng. Ta quán chiếu, ta nhìn vào trong chúng để xem sư anh, sư chị hay sư em nào chưa có hạnh phúc hay chưa có đủ hạnh phúc, nét mặt của họ chưa tươi, nụ cười của họ chưa sáng, ánh mắt của họ chưa trong. Ta hỏi tại sao nụ cười của sư anh chưa tươi, cặp mắt của sư anh chưa long lanh, bước chân của sư anh chưa hạnh phúc? Tại sao nét mặt của sư chị còn nhăn nhó, nụ cười của sư chị còn héo? Và chính bản thân ta đã có đủ hạnh phúc chưa? Ta đã có tạm 50% hạnh phúc hay đã có hơn, nhưng tại sao ta không có được 90% hay 100% hạnh phúc như sư anh của ta?
Quý vị sẽ tìm ra câu trả lời và câu trả lời đó rất gần với điều tôi vừa mới nói: Có hạnh phúc hay không là tùy thuộc ở tâm ta, ở cách nhìn của ta chứ điều đó không tùy thuộc ở ngoại cảnh hay ở người khác. Ta hạnh phúc hay khổ đau không phải là do ngoại cảnh hoặc là vì người khác mà chính là do ở cách ta nhìn ngoại cảnh hay nhìn người khác. Nếu biết nhìn bằng con mắt thương yêu và có chí nguyện muốn nâng đỡ thì khi nhìn người đó ta đã không khổ mà lại thấy thương và ta sống có ý nghĩa hẳn lên.
Một hôm, đi bộ từ nhà Tùng Bút lên thiền đường Thái Bình Dương để ngồi thiền buổi sáng, tôi nghe tiếng hô chuông của sư em Pháp Đệ. Tiếng hô chuông rất hùng tráng, sư em hô chuông bằng tiếng Anh. Sư em đã lớn tuổi, đã 72 tuổi rồi mà tiếng hô chuông còn hùng tráng, bước chân của sư em còn rất vững chãi.
Lắng lòng nghe lắng lòng nghe
Tiếng chuông huyền diệu đưa về nhất tâm
Đi từng bước thảnh thơi lên thiền đường Thái Bình Dương, tôi nghe lời hô chung và cảm thấy rất dễ chịu. Sư em ngày xưa đã từng làm linh mục công giáo. Hiện bây giờ sư em cũng còn thương đạo Cơ đốc, thương chúa Kitô. Sở dĩ sư em xuất gia tu học với tăng thân là vì sư em thấy ở đây có những pháp môn giúp sư em nhận diện, ôm ấp và chuyển hóa những phiền não để đạt tới an lạc. Đạo Kitô cũng dạy về thương yêu, về giải thoát, nhưng trong đạo Kitô không có được những pháp môn cụ thể như trong đạo Bụt. Vì vậy cho nên sư em, dù đã lớn tuổi rồi, cũng quyết tâm xin xuất gia. Sư em đã tập sự được ba năm, cuối năm nay sư em sẽ về Làng Mai để thọ giới lớn làm một vị khất sĩ. Sư em có hạnh phúc, nhìn đời sống của sư em thì ta biết là sư em đang có hạnh phúc. Tôi đặt cho sư em tên là Pháp Đệ vì lúc đó tôi hơi ngại. Một người đã từng làm linh mục, một người đã học giỏi giáo lý Cơ đốc, một người đã có kinh nghiệm nhiều thì chắc là có khó khăn khi làm em của những sư anh chỉ mới 16 hay 17 tuổi. Sợ Pháp Đệ có thể coi thường những sư anh còn trẻ nên tôi mới đặt tên là Chân Pháp Đệ (True Young Brother) để sư em nhớ tuy mình đã lớn tuổi, tuy đã có nhiều kinh nghiệm đời, tuy có nhiều kiến thức về thần học nhưng sư em vẫn cần phải làm một sư em. Nhưng sự lo ngại của tôi cũng không thiết yếu lắm vì sư em rất ham học, 70 tuổi mà ngày nào cũng tìm học về kinh, về giới luật, uy nghi. Đó là một gương sáng cho những sư anh trẻ của sư em.
Trong một buổi ngồi chơi với tôi trước khi tôi trở về Pháp, sư em có hỏi một câu. Sau khi tôi trả lời thì sư em nói sư em rất hạnh phúc vì trong đời sống hàng ngày sư em được hưởng tình huynh đệ, cái mà ngày xưa trong thời gian làm linh mục sư em không được hưởng. Tình huynh đệ là quí nhất, tình huynh đệ là một cái gì có thật.
Sáng hôm nay có bốn sư em tương lai, bốn vị tập sự có mặt ở đây. Bốn vị tập sự này ít nhất cũng đã sống ở đây vài ba tuần, cũng cảm thấy tình huynh đệ nuôi dưỡng mình, làm cho mình lớn, bảo hộ mình, cho nên đã phát tâm xin xuất gia. Tình huynh đệ là một cái gì rất cao quí. Sau này nếu ta thành công được đó cũng sẽ là nhờ tình huynh đệ. Tình huynh đệ và lòng từ bi có cùng một bản chất, giống như khi ta có một chậu nước trong và đặt vào đó một tảng nước đá thì tảng nước đá đó có cùng một bản chất với chậu nước trong. Tình huynh đệ đặt vào biển đại từ đại bi của Bụt thì hai cái có cùng một bản chất. Không có tình huynh đệ thì không có đại từ đại bi.
Xây dựng tình huynh đệ
Chúng ta tu tập là để có khả năng chế tác tình huynh đệ. Tình huynh đệ nuôi dưỡng và làm cho chúng ta thành đạt trong cuộc đời của một người tu. Xây dựng tình huynh đệ là một công trình, là cả một nghệ thuật. Chúng ta không xây dựng tình huynh đệ bằng quyền hành, bằng chức vụ của ta mà bằng tình thương.
Trong một giây phút bực bội ta có thể bỏ chúng ra đi, và ta đánh mất tăng thân. Nhưng khi đánh mất tăng thân rồi thì ta nhận ra là ta cũng đánh mất luôn tình huynh đệ, tức cái quí nhất ta có thể có. Ta giận, ta buồn gì đó, ta bỏ tăng thân mà đi, giống như một bà mẹ hay một ông cha đang tắm cho một em bé mới có mấy tháng trong bồn nước, thấy nước dơ nên đổ nước tắm và đổ luôn em bé ra ngoài sân. Vì một chút giận hờn mà ta đánh mất tăng thân, đánh mất tình huynh đệ. Đó là điều mà tôi mong rằng sẽ không xảy ra cho bốn sư em tương lai. Các em đã nếm được tình huynh đệ và có cảm tưởng là nó sẽ nuôi dưỡng mình suốt đời. Nhưng các em phải nuôi dưỡng ý thức đó vì trong tương lai sẽ có những lúc mình cảm thấy bực bội, bất mãn, hay giận hờn. Nếu vì những bực bội, bất mãn, giận hờn mà ta đánh mất tăng thân thì đồng thời ta cũng đánh mất tình huynh đệ, giống như là ta liệng luôn em bé ra sân cùng với nước tắm.
Chúng ta là những đức Bụt kế tiếp
Sự thực tập của chúng ta là một quá trình, trong quá trình đó thế nào cũng có những giai đoạn khó khăn, có những nghịch cảnh. Chúng ta hãy nhớ lại quá trình thực tập của đức Thế Tôn. Ngài cũng có những nghịch cảnh nhưng Ngài không đầu hàng, không bỏ rơi nửa chừng con đường của mình. Sau khi thành đạo, tuy đã có hàng ngàn đệ tử rồi nhưng Ngài vẫn còn gặp những nghịch cảnh. Có những đệ tử mà Ngài rất thương tự nhiên bỏ đi. Có những người ngoại đạo chôn xác một người nữ trong tu viện rồi đi báo cảnh sát, làm cho cả thành phố nghi ngờ và mất niềm tin ở tăng đoàn. Các thầy không dám xuống phố đi khất thực, sợ người ta nhìn mình bằng ánh mắt khinh khi, nghi ngờ. Ngay chính khi Bụt đã thành đạo, đã có tăng đoàn lớn mà vẫn còn gặp nghịch cảnh thì làm sao mà trong đời tu chúng ta không có những nghịch cảnh! Ta có thể đi qua những giai đoạn nghi ngờ, buồn tủi, giận hờn. Nhưng nếu vì sự nghi ngờ, buồn tủi, giận hờn đó mà ta đánh mất tăng thân thì cũng giống như ta liệng nước tắm cùng với em bé ra ngoài cửa sổ.
Cái làm cho Pháp Đệ hạnh phúc là tình huynh đệ, cái làm cho tôi hạnh phúc cũng là tình huynh đệ. Đó là cái quí nhất của đời mình. Maitri là từ (loving kindness), chữ maitri từ chữ mitra mà ra, và chữ mitra có nghĩa là bạn (hữu 友 ). Chúng ta có một sư em tên Pháp Hữu nghĩa là người bạn trong đạo. Tất cả những người sống với chúng ta đều là pháp hữu, là những người bạn trong giáo pháp. Từ là thương yêu, một loại thương yêu rất trong sáng, đó là tình bạn. Người nào sống trên đời mà có tình bạn là người đó có hạnh phúc, có sự bảo hộ. Tu là phải thực tập từ, tức là phải chế tác tình bạn. Nhờ tình bạn mà chúng ta được nuôi dưỡng, nhờ tình bạn mà ta lớn lên và nhờ tình bạn mà chúng ta có thể độ được người để cho tất cả đều trở thành bạn của ta.
Có khi chúng ta gọi đức Thế Tôn là bậc giác ngộ, bậc toàn giác, nhưng có khi chúng ta gọi Ngài là đức Từ Bi, tức người biết thương. Theo dự đoán của đức Thích Ca thì đức Phật kế tiếp của chúng ta có tên là “Người Thương”(Maitreya). Maitreya là Di Lặc, là Từ Thị, tại Làng Mai chúng ta dịch là Mr Love. Ai là Maitreya, ai sẽ là đức Bụt kế tiếp? Chính chúng ta là đức Bụt kế tiếp, chính sư cô, sư chú, chính tôi, chính quý vị cư sĩ phải là những đức Bụt kế tiếp. Chúng ta phải đại diện cho tình thương đó mà không đợi đến tương lai. Bụt Di Lặc đã có ngay trong giây phút hiện tại. Tùy cách ta nhìn, cách ta lắng nghe, nói chuyện và hành xử mà Bụt Từ Thị có mặt hay không có mặt trong giây phút hiện tại. Chúng ta đừng nghĩ Từ Thị là một vị Bụt chưa ra đời. Bụt Từ Thị đã ra đời rồi, chỉ những người không có mắt mới không thấy mà thôi. Mỗi chúng ta có thể làm một tế bào trong cơ thể của Bụt Di Lặc ngay trong giờ phút này.
Tất cả những gì chúng ta xúc chạm trong đời sống hàng ngày, như một con đường nhỏ, hay một cụm hoa, một đám mây, một cốc nước trong, hay một sư em, đều có thể đem lại hạnh phúc cho ta nếu ta biết trân quí. Chúng ta, dù còn trẻ, cũng đã từng nếm mùi của khổ đau, mùi của bơ vơ, lạc lõng, không có hướng đi. Vì vậy cho nên chúng ta mới tìm tới đức Thế Tôn. Hiện bây giờ chúng ta có một hướng đi, có một con đường. Con đường này rất rõ, đó là con đường sống trong giây phút hiện tại, nhận diện hạnh phúc và nhận diện khổ đau. Ta nhận diện khổ đau để chuyển hóa, để thấy rằng ta đang có hạnh phúc và ta nhận diện hạnh phúc để có hạnh phúc thêm.
Xây dựng tăng thân
Định đề 25, mới nghe qua giống như lý thuyết, nhưng đi vào sâu ta thấy tính hiện thực của nó rất vững vàng. Chúng ta đi tìm hạnh phúc ở đâu nữa? Chúng ta phải tìm hạnh phúc ngay trong hoàn cảnh hiện tại. Trong bản thân ta, trong anh chị em ta có những cái tích cực và có những cái tiêu cực. Nhưng cái tích cực làm gì có nếu không có cái tiêu cực? Sự thực tập của chúng ta là biết xử lý cái tiêu cực để nó đừng gây ra đau khổ, để nó đóng góp làm nên cái tích cực. Sư em của chúng ta không có hạnh phúc, ta làm cho sư em nở được một nụ cười, đó là sự thành công của ta. Khi ta thương yêu các em, chấp nhận những yếu kém của các em, giúp cho các em chuyển hóa thì ta có rất nhiều hạnh phúc. Hạnh phúc còn được tìm ở chỗ nào khác nữa? Khi ta thương thì ta sẽ được thương và được tin cậy, mà khi được thương và được tin cậy thì ta có hạnh phúc.
Chúng ta sống với nhau như một cành hoa, chúng ta không sống một mình. Chúng ta hãy tưởng tượng cành hoa đó chỉ có một lá đơn độc thôi. Cành hoa sở dĩ đẹp là tại nó có hoa có lá, có những lá nằm ở dưới, có những lá nằm ở trên, nhưng lá nào hoa nào cũng đẹp cả. Chúng ta phải nhìn toàn thể để thấy cái đẹp của cành hoa. Nếu tất cả lá đều dành đứng ở trên thì cành hoa không còn đẹp nữa. Trong vị trí của ta, ta phải thấy được cái đẹp của chính mình và cái đẹp của tăng thân, vì ta là ta nhưng đồng thời ta cũng là người kia. Ta và người kia tương tức. Ta không cho là ta thấp còn người kia cao. Trong một tăng thân cần có một sự hòa điệu, một trật tự, có hạnh phúc và sự mầu nhiệm. Chúng ta cần có tuệ giác đó để xây dựng tăng thân.
Gia đình xuất gia “cây vú sữa” mới xuất gia chưa được hai năm, nhưng đã có hàng trăm sư em. Chỉ cần nghĩ tới chuyện đó là ta biết ta phải sống như thế nào rồi. Ta phải sống như thế nào để có thể là một sư anh xứng đáng cho mấy trăm sư em đó. Chỉ cần nghĩ tới và thương các sư em thì tự nhiên ta trở thành một sư chị đàng hoàng, một sư chị đẹp. Ta không hiện hữu như một thực tại biệt lập, ta tương tức với tất cả những thành phần khác của tăng thân. Là một tăng thân thì ta có quyền lực rất lớn để được hạnh phúc và giúp đời. Là một cá nhân đơn độc thì ta không có quyền lực gì nhiều và không giúp được ai nhiều. Vì vậy cho nên cái mà Pháp Đệ quí nhất chính là tình huynh đệ, cái mà tôi quí nhất cũng là tình huynh đệ, cái mà đức Thế Tôn quí nhất cũng là tình huynh đệ.
Nếu lỡ cảm thấy không có đủ hạnh phúc thì ta phải nhìn vào sư anh, sư chị, sư em của ta. Ta nhìn những sư anh, sư chị, sư em đang có hạnh phúc và tự hỏi tại sao họ có nhiều hạnh phúc như vậy? Ta phải tìm ra lý do. Ta nghĩ: Sở dĩ sư anh, sư chị, sư em đó có hạnh phúc là vì họ được thầy thương, thầy tin cậy, được chúng thương, chúng tin cậy. Có thể là đúng như vậy, nhưng tại sao người đó được thầy thương và tin cậy, được chúng thương và tin cậy? Đó là vì người đó không sống như một hải đảo, người đó sống đồng thời cho những người khác. Người đó chăm sóc các sư anh, sư chị, sư em của họ như là chăm sóc chính mình nên họ được các sư anh, sư chị, sư em tin cậy và thương yêu. Khi một người được chúng thương và tin cậy thì tự nhiên thầy cũng thương và tin cậy người đó. Không phải ta muốn thương là thương được, ta muốn tin cậy là tin cậy được. Theo kinh nghiệm của tôi thì, khi một thầy, một sư cô, một sư chú hay một Phật tử cư sĩ mà được chúng thương và tin cậy thì thầy cũng thấy thương và tin cậy người đó một cách rất tự nhiên, không cần phải có một cố gắng nào cả. Mở lòng ra, thấy được những huynh đệ của ta, thấy được những khó khăn, những hạnh phúc, những cấn cái và bế tắc của những người đó, đem trái tim của mình ra để giúp tháo gỡ cho người đó; đó là sự thực tập rất lớn đem lại cho ta nhiều hạnh phúc. Khi tăng thân có hạnh phúc thì tăng thân sẽ có quyền lực rất lớn. Đây không phải là quyền lực chính trị, kinh tế mà là quyền lực của tình thương, có thể giúp được rất nhiều người.
Thực tập hòa bình và bất bạo động
Người ta báo cáo rằng trong niên học 2006 tại các trường học ở Pháp có đến 88.000 vụ bạo động xảy ra giữa học sinh với học sinh hay giữa học sinh với thầy cô giáo. Trước năm 2000 Liên Hiệp Quốc đã ra một nghị quyết 10 năm đầu của thế kỷ thứ 21 là 10 năm của sự thực tập thương yêu, bất bạo động, thực tập an lạc, hòa bình (decade for the culture of peace and non violence), nhất là cho người trẻ. Hưởng ứng lại lời kêu gọi của Liên Hiệp Quốc, quốc hội của nước Tây Ban Nha đã làm ra một đạo luật cho phép đem môn học “Hòa bình và bất bạo động” vào các trường học, từ cấp tiểu học lên cấp đại học. Người ta tìm ra những môn giảng dạy giúp cho học sinh từ cấp dưới tới cấp cao được học về phương pháp chuyển hóa khổ đau, bạo động và hận thù. Đó là một bước tiến rất lớn.
Tại Pháp có một ủy ban gọi là “La Coordination pour la Décennie” cũng đang vận động quốc hội Pháp làm ra một đạo luật để đưa môn “Thực tập hòa bình và bất bạo động” vào trường học.
Học hỏi và thực tập hòa bình bất bạo động là chuyện chúng ta làm hàng ngày tại Làng Mai. Chúng ta thực tập để có thêm tình thương, thêm hiểu biết để chuyển hóa bạo động và hận thù trong lòng. Chúng ta đã sản xuất ra được những tư liệu để giảng dạy về môn này và chúng ta trực tiếp huấn luyện những người tới Làng Mai để họ cùng thực tập. Chúng ta có cuốn “Anger” (Giận), đó là một sách giáo khoa để đối phó với năng lượng bạo động trong người mình, để tái lập sự truyền thông và giải tỏa sự hiểu lầm giữa những người trong gia đình với nhau, dựng lại tình thâm, đem lại hạnh phúc. Chúng ta có một cuốn sách khác, cũng là một giáo khoa thư nói về phương pháp chuyển hóa bạo động, hận thù. Đó là cuốn “Creating true peace”, tuy chưa có bằng tiếng Việt, nhưng đã có bằng tiếng Anh, tiếng Pháp và một số các thứ tiếng khác. Sách này do ông giám đốc UNESCO nhiệm kỳ trước, ông Federico Mayor, đề nghị tôi viết. Khi tôi viết xong thì UNESCO có giám đốc mới nên tôi đã giao cho một nhà xuất bản Hoa Kỳ xuất bản. Nhà xuất bản ấy nghĩ rằng nếu sách đó là một giáo khoa thư thì đọc không vui nên chúng ta đã cho vào thêm nhiều câu chuyện ví dụ để cho cuốn sách dễ đọc. Vào ngày 07 tháng 10 sắp tới, khi thuyết trình ở UNESCO Paris, tôi sẽ đề nghị hai chuyện:
- Thứ nhất là UNESCO tổ chức một ngày không sử dụng xe hơi để giáo dục tất cả dân chúng trên thế giới về tình trạng hâm nóng trái đất. Tôi đề nghị ngày đó gọi là “Ngày không xe (No car day) cho thế giới”. Chúng ta có thể mạnh dạn nói được vì chúng ta đã và đang làm được tại Làng Mai, Lộc Uyển, và các trung tâm khác của Làng Mai trên thế giới. Chúng ta cũng đang kêu gọi 800 tăng thân của mình khắp mọi nơi cố gắng làm theo. Chúng ta không nói suông, chúng ta nói cái mình đang làm.
- Thứ hai là UNESCO tổ chức một trung tâm huấn luyện cho các giáo viên, giáo sư các trường tiểu học và trung học về phương thức chuyển hóa bạo động để họ có thể đem ra dạy trong lớp của mình. Môn học này không thể chỉ học bằng lý thuyết mà phải thực tập ngay trong trường. Ta là thầy giáo hay cô giáo thì chính bản thân ta phải biết thở, biết đi thiền hành, biết nhận diện và chuyển hóa cơn giận, biết tái lập truyền thông. Lúc đó ta mới có thể đem dạy các em học sinh tiểu học, trung học, đại học. Những “training center for peace and non violence” (trung tâm huấn luyện về hòa bình và bất bạo động) đó, nếu UNESCO mở được ở Paris thì Làng Mai tình nguyện đưa người lên dạy khóa đầu tiên và sẽ dạy theo tính cách không tôn giáo để tất cả mọi người đều có thể tiếp thu. Một trung tâm như vậy không thể có đủ chỗ cho hàng chục, hàng trăm ngàn thầy cô giáo. Vì vậy ta có thể tổ chức ba tháng một khóa, rồi những cán bộ đã học trong khóa đó tiếp tục thực tập, đem về dạy trong lớp mình và mở những khóa thực tập khác tại địa phương.
Đó là những đề nghị rất cụ thể. Năm nay là năm kỷ niệm 2.550 năm đức Thế Tôn nhập Niết bàn. UNESCO sẽ để ra hai ngày để tôn kính đức Thế Tôn và các nước Phật giáo có cơ hội tổ chức những buổi hội thảo. Tôi sẽ có 30 phút để thuyết trình ở UNESCO trong dịp này, tôi nghĩ thời gian 30 phút là dư dã cho tôi trình bày hai điểm trên.
Sự thức tỉnh tập thể
Chúng ta là những người tu, là những người muốn đi theo con đường của đức Thế Tôn. Bụt là người giác ngộ, người tỉnh thức. Sở dĩ chúng ta lâm vào tình trạng bạo động, khổ đau, hận thù, ô nhiễm là vì số người tỉnh thức còn quá ít. Vì vậy cho nên chúng ta phải thực tập như thế nào để có sự tỉnh thức tập thể (collective awakening). Hành động tổ chức một ngày không xe cho toàn thế giới hay tổ chức một trung tâm huấn luyện bất bạo động cho các thầy cô giáo trên thế giới sẽ có tác dụng giúp cho mọi người tỉnh thức, vượt ra khỏi sự bận rộn của đời sống hàng ngày, thấy được nguy cơ của trái đất, nguy cơ của bạo động đang lan tràn trên thế giới và làm cho đức Thế Tôn có mặt đích thực trong cộng đồng con người sống chung trên trái đất. Vì vậy cho nên các vị có mặt ở đây, các thầy, các sư cô, các sư chú, các vị Phật tử, nếu thật sự muốn nối tiếp sự nghiệp của đức Thế Tôn thì phải góp vào một bàn tay, đẩy mạnh bánh xe pháp để tạo ra hiện tượng thức tỉnh tập thể. Chỉ có sự thức tỉnh tập thể mới có thể cứu chúng ta ra khỏi tình trạng khó khăn của ngày hôm nay. Chúng ta hành động như một tăng thân, trong tình huynh đệ. Có tình huynh đệ thì ta có thể làm được chuyện đó.