Định đề 22

 

Bụt có nhiều thân: chúng sinh thân, pháp thân, thân ngoại thân, tăng thân, thừa kế thân, pháp giới thân và pháp giới tính thân. Con người vì có thể là Bụt nên cũng có đầy đủ các thân ấy.

The Buddha has many bodies: the body of a living being, the Dharmabody, the body outside of the body, the sanghabody, the continuation body, the Dharma-realm body, and the true nature of the Dharma-realm body. Since human beings can become Buddha they also have all these bodies.

Tong Hoa Nghiêm tông có quan niệm về Mười thân của Phật. Có tông phái chủ trương Bụt có năm thân, có tông phái chủ trương Bụt có mười thân và có tông phái chủ trương Bụt có hai thân.

Thuyết hai thân

Chúng ta biết rằng trong lúc đức Thế Tôn còn tại thế người ta đã bắt đầu thần thánh hóa Ngài. Ta thương thầy ta, ta tả thầy ta giỏi, đẹp, dù cho thỉnh thoảng thầy cũng có rầy la ta. Điều đó rất con người. Nhưng khi đức Thế Tôn qua đời rồi thì sự tiếc thương rất lớn nên ý hướng muốn làm đẹp, muốn tuyệt đối hóa thầy trở nên rất mạnh, và chuyện này là một chuyện rất tự nhiên. Đó là sự yếu kém của những đệ tử luôn luôn muốn tả thầy mình cho đẹp. Ngay trong lúc thầy còn tại thế, ta đã có những giai thoại, những truyền thuyết về thầy, làm như thầy ta không phải là con người mà là một bậc thánh. Ngay trong khi thầy còn sống ta đã có khuynh hướng đó, huống nữa là khi thầy đã mất. Ta bơ vơ, ta cần thầy quá nên ta có khuynh hướng muốn thần thánh hóa thêm.

Đứng về phương diện hình thức, ta nói thầy rất đẹp, thầy có 32 tướng tốt và 80 vẻ đẹp, mắt của thầy giống như hoa sen, tai của thầy giống như lá sen, v.v… Nếu đến Bồ Đề Đạo Tràng ở Ấn Độ ta sẽ thấy người ta vẽ cái bánh xe hay nhiều cái đẹp khác dưới bàn chân Bụt. Họ nói thái quá, cái gì của Bụt cũng đẹp, cũng hay, mồ hôi của Bụt cũng thơm, nước tiểu của Bụt cũng ngọt. Ta tạo ra một khoảng cách rất lớn giữa ta và Bụt. Mỗi khi Bụt đi thì giống như một tòa núi châu báu đang di động.

Trong khi Bụt còn tại thế ta đã có quan niệm về hai thân. Hôm đó Bụt đi thăm thầy Vakkhali đang bị bệnh dưới chân núi. Thầy đang ở trong nhà một ông thợ làm đồ gốm. Bụt hỏi thăm thầy có đau nhức không, có tiếc nuối gì không? Thầy nói:

  • Con chỉ tiếc một điều là con không được lên núi Thứu để nhìn ngắm Bụt.

Đức Thế Tôn nói:

  • Hình hài của tôi không quan trọng, chánh pháp của tôi mới là quan trọng. Nếu thầy có pháp thân của tôi trong thầy thì đã đủ, thầy không cần phải tìm tới nhục thân của tôi làm gì nữa.

Vì vậy trong khi Bụt còn tại thế, đã có quan niệm hai thân: nhục thân, có sinh có diệt và pháp thân, không sinh không diệt. Pháp thân là giáo lý, là những pháp môn Bụt trao truyền, là tuệ giác của Ngài. Một khi đã có pháp thân rồi thì ta giữ được lâu, không như thân xương thịt của ta. Pháp thân thường trú còn nhục thân thì không thường trú, vì vậy người ta nghĩ tới Pháp thân nhiều hơn.

Ngũ phần pháp thân

Sau khi Bụt nhập Niết bàn, ngay trong thời kỳ Phật giáo bộ phái người ta đã phát triển ý niệm về pháp thân rất nhiều. Pháp thân của Bụt trường tồn vĩnh viễn, Bụt là bất diệt và pháp thân đó có năm yếu tố gọi là Ngũ phần Pháp thân (the five aspects of the Dharma body). Quan niệm này cũng được Đại thừa chấp nhận, tuy là Đại thừa hiểu khác hơn một chút. Phật giáo bộ phái (có khi được gọi là Phật giáo tiểu thừa) chủ trương pháp thân (Dharma- kāya) có năm phần:

  1. Giới thân (śīla-kāya): Bụt có giới thân (the sila body), nếu có thọ giới và hành trì giới thì ta cũng có giới thân. Nhưng giới thân của ta khiếm khuyết hơn so với giới thân của Bụt. Giới thân càng vững chãi thì hạnh phúc càng lớn, vì vậy khi nói đến pháp thân của Bụt trước hết ta phải nghĩ tới giới thân. Pháp môn mà không chuyển tải được giới thì không thể gọi là tuệ giác, là pháp môn hay, vì vậy phần quan trọng của pháp thân là giới thân. Tuy nói hai thân nhưng trong pháp thân đã chứa năm thân.
  2. Định thân (samādhi-kāya): Đức Thế Tôn có định rất lớn, định vô thường, định vô ngã, định Niết bàn, sau này có định Lăng nghiêm, định Sư tử phấn tấn, v.v… Nhờ có định lực hùng hậu nên đức Thế Tôn rất vững chãi, rất hào hùng. Định thân (the samādhi body) có liên hệ tới giới thân, nếu không có giới thì không có định. Giới thân và định thân, tuy là hai nhưng lại có tính tương tức. Ta cũng có định thân. Khi ngồi thiền, khi đi thiền hành, khi ăn cơm trong chánh niệm là ta đang có định thân.
  3. Tuệ thân (jñāna-kāya): Đức Thế Tôn có tuệ thân (wisdom body), tức là có trí tuệ. Trí tuệ của Bụt rất lớn, rất cao (vô thượng chánh đẳng chánh giác). Ta cũng có tuệ thân, ta cũng có hạt giống của giác ngộ, của giải thoát. Nếu tin như vậy và thực tập hàng ngày thì tuệ giác của ta càng ngày càng sáng tỏ. Giới thân, định thân và tuệ thân cần phải lớn lên cùng với sự thực tập của ta.
  4. Giải thoát thân (vimukti-kāya): Giải thoát thân của Bụt là tự do của Ngài. Bụt có tự do rất lớn và nhờ có tự do lớn nên có hạnh phúc lớn. Chúng ta cũng có tự do nhưng tự do của chúng ta nhỏ bằng trái táo hoặc trái bí. Ta phải làm thế nào để càng ngày càng có thêm tự do. Ta biết giới, định và tuệ càng lớn thì giải thoát càng lớn. Bốn thân tương tức nhau.
  5. Giải thoát tri kiến thân (vimukti-jñāna-darśana- kāya): Kiến là darśana, tri (trí) là jñāna. Giải thoát tri kiến là bản chất, là trí tuệ, là khả năng ta có khi ta đạt tới sự giải thoát hoàn toàn. Ta cắt đứt được tất cả những gì cần phải cắt đứt, ta thành tựu được những gì cần phải thành tựu. Giải thoát tri kiến thân sẽ trở thành Pháp thân sau này.

Khi dâng hương, muốn cho hương có giá trị của một phẩm vật cúng dường lên đức Thế Tôn thì ta quán tưởng hương đó không phải chỉ là hương trầm (chiên đàn). Nếu ta có giới và ta đốt hương giới lên cúng dường thì công đức ấy rất nhiều. Nếu ta có định và ta đốt hương định lên cúng dường thì công đức ấy rất nhiều. Vì vậy ta xướng: “Giới hương, định hương, tuệ hương, giải thoát hương và giải thoát tri kiến hương”, năm thứ hương tượng trưng cho pháp thân của ta. Bụt có năm thân, ta cũng có năm thân, nhưng ta là hữu học còn Bụt là vô học. Hữu học là còn phải luyện tập, còn phải tu. Như vậy ta đã thấy được sự bình đẳng giữa ta và Bụt. Quan niệm “sinh Phật bất nhị” (Phật và chúng sinh không thể tách rời ra) đã có sẵn trong ý niệm này. Là học trò, là con của Bụt ta phải có đầy đủ năm thân, cho dù chúng còn yếu, còn nhỏ nhưng với sự tu học hàng ngày ta đang làm lớn mạnh năm thân ấy trong ta.

Quan niệm “ngũ phần pháp thân” được Phật giáo bộ phái chấp nhận và cũng được Phật giáo đại thừa chấp nhận.

Pháp thân là giáo hóa thân

Khi dùng danh từ pháp thân, Bụt chỉ muốn nói đến giáo pháp, chữ Dharma là giáo pháp: Nếu thầy đã tiếp nhận được giáo pháp tôi trao truyền là thầy đã có tôi trong thầy. Đó là nghĩa đầu của chữ pháp thân (the Teaching body) nên chúng ta có thể gọi pháp thân đó là giáo thân hay giáo hóa thân. Chúng ta thấy rõ nhục thân của Bụt không còn nữa nhưng pháp thân của Ngài vẫn còn tiếp tục. Nghĩa đầu của chữ pháp thân là giáo lý, là tuệ giác Bụt trao truyền. Là con của Bụt ta được thầy trao truyền pháp thân của Ngài cho ta. Ta có pháp thân, nhưng ta có nhiều cách giáo hóa:

  • Có sự giáo hóa bằng lời, bằng miệng (ngữ giáo hay khẩu giáo) và nhờ sự giáo hóa đó mà người ta được sinh ra trong chánh pháp. Đệ tử của Bụt nói: Đức Thế Tôn đã sinh chúng con ra trong đời sống tâm linh và chúng con đã được sinh ra từ miệng Ngài. Đức thế Tôn đã nói pháp và nhờ pháp của Ngài mà ta được sinh ra trong đời sống tâm linh.
  • Nhưng pháp của đức Thế Tôn không phải chỉ là pháp được diễn tả bằng lời. Khi đi Ngài cũng diễn tả pháp, khi tiếp xử Ngài cũng diễn tả pháp. Khi đức Thế Tôn ăn cơm, uống nước, tất cả những gì xảy ra trong đời sống hàng ngày của Ngài đều phản chiếu được giáo pháp của Ngài. Đó cũng là pháp, gọi là thân giáo (teaching with your life). Câu nói của Mahātma Gandhi “My life is my message” có nghĩa là thông điệp mà tôi muốn gửi đến quý vị là cách sống của tôi. Đó gọi là thân giáo, còn những điều được nói ra trong bài giảng là khẩu giáo.

Ban đầu pháp thân có hai nghĩa: khẩu giáo và thân giáo. Từ từ người ta đi tới “pháp thân năm phần”. Sở dĩ khẩu giáo và thân giáo có giá trị là vì ở trong nó có giới thân, có định thân, có tuệ thân, có giải thoát thân và giải thoát tri kiến thân. Quan niệm về hai thân và quan niệm về năm thân biểu hiện ra theo một trật tự đàng hoàng.

Thuyết ba thân

Sau này một số các kinh luận Đại thừa như kinh Pháp Hoa, Nhiếp Đại Thừa Luận, v.v… đưa ra quan niệm ba thân. Ba thân gồm có pháp thân (dharma-kāya), báo thân và ứng thân hay ứng hóa thân hay hóa thân.

  • Hóa thân

Theo quan niệm ba thân, đức Thích Ca chỉ là một hóa thân, chưa phải là thân thật. Thân đó vô thường, được đặt trong khung thời gian và không gian. Đó là một hóa thân (manifestation body). Trong kinh Pháp Hoa chúng ta thấy một hình ảnh rất đẹp: Lần đó Bụt đang ngồi trên núi Thứu nói kinh Pháp Hoa, tự nhiên có âm nhạc nổi lên trên không trung. Nhìn lên người ta thấy một bảo tháp, từ trong bảo tháp một giọng nói rất trong, rất uy hùng vọng ra: “Hay quá! Hay quá! Đức Thích Ca Mâu Ni đang giảng kinh Pháp Hoa! Tôi đến đây để yểm trợ cho Ngài”. Mọi người nhìn lên thấy một bảo tháp hiện trên không trung rất đẹp nên hỏi Bụt:

  • Bạch thầy, tháp đó từ đâu tới vậy? Người xướng ra câu nói đó là ai?

Bụt nói:

  • Này quý vị, đó là Bụt Đa Bảo. Bụt Đa Bảo ngày xưa có phát lời nguyện, sau này mỗi khi có một đức Phật ra đời và thuyết kinh Pháp Hoa thì Ngài sẽ có mặt để tỏ lời khen ngợi.

Lúc đó toàn thể đại chúng đều mong ước thấy được Bụt Đa Bảo. Bụt Đa Bảo đã có từ ngàn xưa, còn thầy mình được sinh ra ở thành Ca Tỳ La Vệ cách đây chỉ mới năm chục năm. Bụt Đa Bảo là Bụt vĩnh viễn, Bụt của muôn đời, còn thầy mình có thể chỉ có một thọ mạng rất ngắn. Lúc đó người ta mới bắt đầu có sự phân biệt, có một ý niệm sơ lược về Bụt của tích môn và Bụt của bản môn. Đức Thích ca, thầy chúng ta là Bụt của tích môn và đức Đa Bảo đang ngồi trong tháp kia là Bụt của bản môn.

Tất cả đại chúng nhìn vào đức Thích Ca, mong ước làm sao đức Thích Ca tìm cách mở cửa tháp để mọi người được thấy Bụt của bản môn, người vừa phát ngôn ra một câu rất vi diệu. Đức Thích Ca nói:

  • Mở được cửa tháp thật khó quá! Muốn mở cửa tháp để thấy được Bụt Đa Bảo, tôi phải gọi tất cả những hóa thân của tôi từ mười phương về mới được.

Tất cả mọi người đều xoay về đức Thế Tôn, chắp tay năn nỉ. Đức Thế Tôn phát ra một luồng hào quang quét ngang tam thiên đại thiên thế giới. Trong chốc lát các hóa thân của Bụt Thích Ca từ mười phương trở về hằng hà sa số, đầy cả hư không. Lúc đó mọi người mới thấy rõ ràng cái thân bảy thước của thầy mình chẳng qua chỉ là một phần nhỏ của thầy. Thầy mình vĩ đại hơn nhiều. Chúng ta chỉ mới thấy được cái con người nhỏ bé đang ngồi đó là thầy mình, không ai biết được rằng thầy mình đang có mặt khắp mười phương các cõi. Lúc đó mọi người mới thấy được tầm cỡ vĩ đại của thầy mình. Cái hình hài của thầy mình đang ngồi đây chỉ là một trong vô số hóa thân của người. Trong bài kệ cúng ngọ có câu:

Cúng dường

Thanh tịnh pháp thân Tỳ Lô Giá Na Phật

Viên mãn báo thân Lô Xá Na Phật

Thiên bách ức hóa thân Thích Ca Mâu Ni Phật

Thích Ca Mâu Ni không phải là một mà là ngàn trăm ức (thiên bách ức). Ý niệm về hóa thân rất rõ. Ta tôn sùng thầy, ta thấy nếu thầy là một con người thì chưa phải là thầy ta vì con người nhỏ bé quá, con người chỉ là một hóa thân thôi. Lâu nay ta tưởng thầy ta chỉ là một hóa thân thôi, ai ngờ thầy ta vĩ đại hơn nhiều. Từ đó ta có khuynh hướng đi tìm thầy trong tầm cỡ lớn hơn, trong hình thái gọi là báo thân và Phật thân.

  • Báo thân

Báo thân là sambhoga-kāya. Nếu đức Thế Tôn đã trải qua muôn vạn kiếp tu tập và giáo hóa, nếu công đức và trí tuệ của Ngài là vô lượng thì thân của Ngài đâu thể nào chỉ là cái thân bảy thước nho nhỏ của con người? Kết quả của sự tu học, sự hành trì, sự cứu độ của bao nhiêu triệu kiếp phải vĩ đại hơn là cái thân bảy thước của con người rất nhiều. Vì thế người ta đi tìm, người ta tưởng tượng ra cái locanabuddha tức viên mãn báo thân. Ta chỉ thấy được báo thân khi đi vào định hay khi tưởng tượng. Bao nhiêu công đức, bấy nhiêu trí tuệ mà quả báo chỉ là một thân người bé nhỏ thôi thì vô lý, cho nên ta buông bỏ cái thân chúng sinh của Bụt để đi tìm báo thân của Bụt. Báo thân đó phải có ít nhất 32 tướng tốt, 80 vẻ đẹp và nó rạng rỡ, cao lớn vô cùng.

Báo thân là thân quả báo. Quả báo của trí tuệ, của công đức, của độ sinh. Từ bi lớn bao nhiêu thì báo thân phải lớn và đẹp bấy nhiêu. Báo thân, tiếng Anh là enjoyment body, hay retribution body. Công đức tu hành của Bụt là vô lượng cho nên báo thân, quả vị của sự tu tập của Ngài là vĩ đại.

Nếu bây giờ chúng ta quan niệm có một vị Bụt ở trên trời (celestial Buddha) thì quan niệm đó đã phát sinh từ quan niệm báo thân. Ta bỏ thân chúng sinh của Bụt để đi tìm báo thân rất lớn nhưng cũng dưới hình thức con người của Ngài. Báo thân đó cũng chỉ là một thân thôi, thân thật của Bụt là pháp thân.

  • Pháp thân

Thân thật của Bụt là pháp thân. Ý niệm về pháp thân phát sinh từ ý niệm “ngũ phần pháp thân” nhưng nó không còn ý nghĩa của giáo hóa thân (teaching body) nữa mà nó là bản chất của vũ trụ, bản chất của Bụt, tức là thanh tịnh pháp thân. Đó là Tỳ Lô Giá Na (Vairocana).

Trong Phật giáo Đại thừa chúng ta có rất nhiều thi ca để ca ngợi pháp thân. Tất cả những mầu nhiệm của sự sống như hoa vàng, trúc tím, trăng trong, mây bạc,… đều là những biểu hiện của pháp thân. Ta có thể tiếp xúc được với pháp thân bất diệt của Bụt. Pháp thân đó không hẳn phải mang hình thái của con người, nó có thể mang hình thái của bạch vân, minh nguyệt, của chim hót, thông reo, hoa nở. Trời xanh, mây trắng đều là những biểu hiện của pháp thân (Dharmakāya). Chữ Dharma ở đây không có nghĩa là teaching nữa mà là cosmos. Đó mới chính là Phật, Phật của tự tánh, của bản môn.

Cái đẹp, cái hay đó được hun đúc vào trong hình thái báo thân rất vĩ đại mà chỉ có con mắt của những người chứng đạo, những người có duyên thì mới thấy được báo thân. Phần lớn chúng ta chỉ có thể thấy được hóa thân của Bụt. Thích Ca Mâu Ni chỉ là con người nhưng Bụt là cái gì hơn con người. Đó là khuynh hướng của Đại thừa, muốn lý tưởng hóa, muốn thầy mình là cái đẹp nhất, cái vĩ đại nhất, cái hay nhất. Có khi chúng ta đi tới gần quan niệm cho rằng thầy mình là Thượng đế, Bụt là Thượng đế, là bản thể của vũ trụ vạn hữu. Mật tông đã đi tới gần quan niệm đó, quan niệm về Tỳ Lô Giá Na (Vairocana). Trong khi đó thì, như ta đã biết, lúc ban đầu pháp thân chỉ có nghĩa là giáo lý, giáo lý được dạy bằng lời hoặc bằng đời sống.

Phật thân: Bụt trước hết là một con người

Khi còn thực tập như một sa di, tôi đã được học và ghi nhớ về quan niệm ba thân của Bụt. Mãi đến ba bốn chục năm sau, nhờ sự thực tập, nghiên cứu và học hỏi, tôi mới khám phá ra được: Trước hết Bụt là một con người.

Nếu đánh mất hình ảnh Bụt là một con người thì ta đánh mất rất nhiều. Ta đã học trong buổi pháp thoại trước: Bụt là Bụt, nhưng Bụt vẫn là người. Quan niệm này cũng có ngay trong Kitô giáo. Trong Phúc Âm có nói rất rõ: Chúa Kitô là con của Thượng đế mà cũng là con của con người. (He is the son of God but he is also the son of man). Đó là điều tôi thích nhất trong Thánh Kinh. Muốn tìm con của Thượng đế ta phải đi tìm nơi con người. Câu này đi một cách tuyệt hảo với câu: Sinh Phật bất nhị. Phật và chúng sinh không phải là hai cái khác nhau, rời cái này thì không có cái kia.

  1. Chúng sinh thân

Bụt có nhiều thân, trước hết là chúng sinh thân hay nhân thân. Bụt trước hết là một con người. Nếu giảng dạy cho người trẻ ở Tây phương hay Đông phương thời nay, điều đầu tiên quý vị phải nói với người trẻ là: Bụt trước hết là một con người. (He is a human being.) Ta phải cho Bụt làm một chúng sinh. Là một chúng sinh nhưng nhờ tu tập nên ta thành Phật. Nếu Bụt không là một chúng sinh thì ta còn có cơ hội gì nữa đâu? Vì vậy câu “Bụt trước hết là một con người” rất quan trọng. Nhờ quý vị nói như vậy nên người ta mới có hy vọng, có niềm tin là họ cũng có thể làm được như Bụt. Nếu không, người ta sẽ nghĩ: Mình suốt đời chỉ lạy, chỉ quỳ để xin xỏ thôi. Như vậy rất trái với giáo lý của Bụt.

Vì vậy trước hết ta phải cho người ta thấy Bụt cũng là một con người. Thân đầu của Bụt là chúng sinh thân, nhân thân (human body). Nhìn vào Cơ đốc giáo, ta thấy Cơ đốc giáo có một nền tảng để đi tới: Kitô là con của Thượng đế, nhưng cũng là con của con người. Muốn đi tìm Thượng đế ta phải tìm nơi con người, rời con người để đi tìm Thượng đế thì ta sẽ không thành công. Kitô nằm ngay đó nhưng ta không thấy tại vì ta nghĩ Kitô ở chỗ khác ngoài con người.

Từ sau khi thấy đạo rồi, tôi bắt đầu hành trì và giảng dạy theo tuệ giác đó. Cuốn “Đường xưa mây trắng” là một chứng tích của sự thật đó. “Đường xưa mây trắng” là một nỗ lực giúp người ta thấy rằng Bụt trước hết là một con người. Đó là một niềm tin, một niềm hy vọng rất lớn mà ta có thể hiến tặng cho con người. Nếu không thì ta mãi mãi chỉ là những tín đồ, những người thờ phụng suốt đời và sự thực tập của ta chỉ là sự cầu xin, tín ngưỡng (devotion) mà thôi.

Trong kinh điển của đức Thế Tôn cũng như trong lời dạy của các tổ sư, quan niệm “sinh Phật bất nhị” rất rõ. Ta đừng đi tìm Bụt ở đâu khác ngoài con người, ta phải tìm thân Phật ngay trong thân chúng sinh.

  1. Tăng thân

Thân thứ hai của Bụt theo tuệ giác của chúng ta là tăng thân. Điều này rất cụ thể. Suốt đời Bụt chỉ vun đắp một sự nghiệp. Ngài biết pháp thân của Ngài không trường cửu được nếu không có tăng thân. Tăng thân là một cái gì cụ thể để chuyên chở pháp thân cho nên Ngài đã để hết tâm huyết xây dựng tăng thân. Vua Ba Tư Nặc đã từng nói: “Bạch đức Thế Tôn, mỗi khi thấy tăng thân của Ngài là con thấy Ngài.”

Tăng thân cũng là thân của Bụt. Tăng thân được làm bằng những con người, nhìn vào tăng thân ta thấy pháp thân và Phật thân. Ta đi tìm Bụt ở đâu? Cõi trời thứ ba mươi mấy hay Tây phương Cực Lạc thế giới? Muốn tìm Bụt dễ nhất là tìm nơi tăng thân vì khi tăng đích thực là tăng thì tăng chuyên chở Pháp và chuyên chở Bụt. Đó là Tam bảo. Chân tăng chuyên chở chân Phật và chân pháp. Sự hướng dẫn rất rõ ràng: Muốn tìm Phật, tìm pháp thì tới tăng. Quy y tăng cũng là quy y Phật và quy y pháp.

Một vị Bụt mà không có tăng thì cũng không làm được gì nhiều vì tăng là công trình của Bụt, là tác phẩm của Bụt. Đức Thế Tôn đã để ra bao nhiêu công sức, bao nhiêu thời gian, bao nhiêu tâm huyết để dựng tăng. Muốn cho Bụt, cho pháp trường tồn thì ta phải tiếp nối công trình dựng tăng ấy của Ngài.

  1. Thừa kế thân

Thừa kế thân là thân tiếp nối, tiếng Anh có thể dịch là continuation body. Bụt không phải chấm dứt ở Kusinara, giữa hai cây sala song thọ. Bụt vẫn còn tiếp tục, không có gì mất đi. Đám mây còn không mất đi thì tại sao Bụt lại mất đi được? Đám mây không thể từ có mà trở thành không, nó chỉ trở thành mưa, thành tuyết, thành nước đá. Bụt cũng vậy, Bụt không thể nào từ có mà trở thành không. Ta phải tìm sự tiếp nối của Bụt. Ta tìm ở đâu? Phải có con mắt tuệ thì ta mới tìm ra được.

Bụt không phải không có, ngay trong đời mạt pháp này nếu có mắt tinh đời, ta có thể tìm thấy Bụt nơi tăng, nơi những người không gọi là tăng nhưng có năm phần của pháp thân trong họ, đó là: giới, định, tuệ, giải thoát và giải thoát tri kiến. Bụt có thể được nhận diện trong tăng đoàn, trong tứ chúng, trong ba tạng kinh điển, trong văn học, nghệ thuật và nếp sống tu học hành trì của tứ chúng.

Chúng ta đừng nên than phiền là ta sinh ra trễ quá, Bụt đã nhập diệt rồi. Bụt vẫn còn đó trong thừa kế thân của Ngài và nếu nhìn bằng con mắt tuệ giác, chúng ta vẫn có thể tiếp xúc được với năm phần (ngũ phần pháp thân) của Bụt.

  1. Thân ngoại thân

Bụt có thân ngoại thân, tức cái thân ở ngoài thân. Ta tưởng Siddharta là Bụt với từng đó xương thịt, từng đó máu huyết, từng đó cảm thọ. Nhưng sự thật không như vậy, tầm cỡ của Bụt rất lớn, ta phải thấy được Bụt ngoài cái tướng mà ta đã quen.

Trong kinh Pháp Hoa, khi Bụt gọi tất cả những hóa thân của Ngài về để có điều kiện mở cửa tháp thì người ta thấy rõ ràng là vị thầy ngồi trên núi Linh Thứu dạy mình lâu nay chỉ là một phần của thầy mình. Ngoài thân này, thầy mình còn có mặt dưới nhiều thân khác, gọi là thân ngoại thân. Trong ý niệm thân ngoại thân đã có hóa thân.

Thầy Nhất Hạnh không phải chỉ là cái thân 51 ký này. Trong nhà tù có thể có những tù nhân đang ngồi thiền, đang thiền hành, đang mỉm cười. Đó cũng là thân của thầy Nhất Hạnh, vì họ đã đọc sách của thầy, họ đang thực tập và tiếp nối thầy. Đó là thân ngoại thân. Cũng như cha và con, khi cha nhìn con với con mắt của Bụt thì sẽ thấy con mình cũng là mình. Mình là cha, nhưng mình cũng là con. Nhìn như vậy thì thấy được thân ngoại thân của cha. Con nhìn cha mà thấy được mình trong cha thì con thấy được thân ngoại thân của con. Nhìn con cái mình thấy mình, nhìn cháu nội mình thấy mình là mình bắt đầu thấy được thân của mình ngoài cái thân này (body outside of this body).

Bụt có thừa kế thân và thân ngoại thân. Ta đang có rất nhiều cơ hội để tìm ra Bụt, thực tập với Bụt, để ngồi uống trà và đi chơi với Bụt.

Với ý niệm “Kitô là con của con người”, Cơ đốc giáo có thể đi được rất xa. Chúng ta đã từng học: Bụt là Bụt nhưng Bụt cũng là người. “Bụt là người” là một chuyện rất mầu nhiệm, đem lại cho chúng ta biết bao nhiêu hy vọng và niềm tin. “Bụt là người” có nghĩa như thế nào? Có nghĩa là Bụt cũng biết đói bụng, Bụt cũng bị đau nhức, thỉnh thoảng Bụt cũng bị cúm. Khi đói thì Bụt biết đói, khi nhức thì Bụt biết nhức và khi còn trẻ (35, 40, 50 tuổi) Bụt cũng có năng lượng của tình dục như con người vì Bụt là người. Nếu không có những thứ đó thì tu để làm gì và làm sao tu được? Nhờ có giới thân, định thân, tuệ thân nên những thứ đó không làm Ngài đau khổ.

Quan niệm này sẽ không được mọi người chấp nhận dễ dàng, nhất là những Phật tử bảo thủ. Họ có thể cho rằng nói vậy là xúc phạm đến Bụt, là nhục mạ Bụt. Ta thương họ và hiểu được rằng sở dĩ họ nghĩ như vậy là do họ đã được giáo dục theo một lối khác, họ đóng kín cái biết của mình nên không chấp nhận được một cái thấy nào khác. Ta chỉ nên cầu nguyện cho những vị đó. Đó là thái độ của người con Phật: Khi có người chọc ghẹo Bụt hoặc nói xấu đức Thế Tôn thì mình phải cầu nguyện cho họ chứ mình không nên tới phóng hỏa đốt đền chùa của họ, đốt nhà thờ của họ.

Có người nghĩ đức Thế Tôn được sinh ra phía bên hông trái của Mẹ. Mình nói điều đó không đúng, đức Thế Tôn cũng sinh ra theo lối thường như chúng ta vậy. Nhưng người ta không chấp nhận điều đó, người ta nói đức Thế Tôn khi sinh ta thì đi được ngay bảy bước, một tay chỉ lên trời và một tay chỉ xuống đất nói: “Tôi là number one!”. Nếu mình không chấp nhận như vậy thì người ta có thể tới đánh mình, phá mình, đốt chùa của mình. Với tinh thần bao dung, các tông phái đạo Bụt đã cùng lúc có mặt, hỗ trợ nhau mà không xung khắc nhau để phải xảy ra những cuộc chiến tranh. May thay!

Định đề 22 nói về Phật thân. Chúng ta đã học về năm thân của Bụt. Nhưng năm thân đó cũng là một cách đếm tạm, ta có thể nói sáu hay bảy thân, trong đó điểm đặc thù nhất là chúng sinh thân. Chúng sinh thân rõ ràng hơn báo thân hay hóa thân. Chúng ta đã học rằng Bụt trước hết là một con người và chính với thân người mà ta thành Bụt.

Trong thuyết ba thân có pháp thân, báo thân và ứng thân, nhưng trong thuyết năm thân thì thân đầu tiên mà chúng ta nhắc tới là thân người. Không có thân người thì ta không thể thành Bụt. Chính vì mang thân người nên ta gặp những điều kiện, những thử thách của một con người và nhờ đó mà ta có thể vượt thắng được để thành Bụt. Điều đặc sắc của định đề 22 là khi nói đến các thân của Bụt thì ta nói đến thân người đầu tiên. Bụt phải có chúng sinh thân. Chúng sinh thân có những điểm ưu thắng và những điểm bất lợi. Đứng về phương diện sinh lý, con người có bộ óc và so với những loài khác thì bộ óc của con người phát triển đến mức rất cao. Từ khi con người đứng thẳng dậy và sử dụng hai bàn tay để làm việc chứ không phải để leo trèo như con khỉ thì bộ óc con người phát triển rất nhanh. Nhất là con người có khả năng biết được cái gì đang xảy ra (niệm) và biết được thân phận của mình. Có những con thú khá thông minh như con chó hay con ngựa. Nhiều con có thể làm toán được như con khỉ chẳng hạn, nhưng những con thú đó chưa biết được thân phận của chúng. Chúng sống bằng bản năng nhiều hơn là bằng ý thức.

Con người có những điều kiện sinh lý và tâm lý, những điều kiện này đặt ra như những thách đố để con người có thể vượt thắng và chuyển hóa. Khi đã vượt thắng và chuyển hóa được chúng thì con người thành Bụt. Vì vậy chúng sinh thân rất quan trọng! Con người biết đói, biết khát, biết buồn, biết vui. Con người có những chất hóa học, những chất dẫn truyền thần kinh và sự vui, buồn, giận, ghét của con người phụ thuộc vào những chất hóa học đó. Phải đối diện với những hoàn cảnh như bạo động, chia rẽ, hận thù, oan ức nên con người có cơ hội để quán chiếu, để vượt thắng, để chuyển hóa và do đó con người mới có thể thành Bụt.

Ôn lại cuộc đời của đức Thế Tôn, chúng ta thấy Ngài cũng đã từng lâm vào những trạng huống mà chúng ta thường lâm vào. Đức Thế Tôn cũng bị ganh ghét, bị âm mưu sát hại, loại trừ. Đức Thế Tôn cũng đã phải đối diện với cái bệnh, cái chết, cái vui, cái buồn, đối diện với những năng lượng tiêu cực trong con người mình. Đức Thế Tôn cũng có năng lượng của cái giận, cái buồn, của sự tuyệt vọng, cũng có năng lượng của sinh lý. Ý niệm người trong hóa thân không rõ ràng, vì vậy khi đề cập tới các thân của Bụt ta phải nói tới nhân thân (thân người) của Ngài.

Học nhiều về tăng thân, chúng ta biết nếu không có tăng thân thì sự nghiệp hoằng pháp của Bụt cũng không đi xa được. Tăng thân là một tác phẩm của Bụt, chính nhờ tăng thân mà Bụt có thể thực hiện được sự nghiệp của mình. Tăng cũng là thân của Bụt. Khi gặp Bụt, vua Ba Tư Nặc có ca ngợi tăng thân: “Mỗi lần con thấy tăng thân thì con có niềm tin nơi Ngài”. Trong khi đó từ xưa đến nay trong quan niệm “tam thân” chưa có tăng thân mà chỉ có pháp thân, báo thân và ứng thân.

Thừa kế thân là sự tiếp nối của Bụt. Bụt có sự tiếp nối, cũng như con người, như đám mây, như bông hoa. Đám mây được tiếp nối bằng tuyết, bằng mưa, bằng nước đá, bằng dòng sông. Bông hoa được tiếp nối bằng trái, bằng hạt, bằng hương, bằng sắc. Không có gì mất đi và vì vậy chắc chắn là Bụt có thừa kế thân. Chúng ta cũng có thừa kế thân, ta phải nhận diện được thừa kế thân đó. Chúng ta cũng là thừa kế thân của Bụt, ta là sự nối tiếp của Bụt, đó là đứng về phương diện thời gian. Đứng về phương diện không gian thì ta có thân ngoại thân. Thân ngoại thân là thân ở ngoài thân. Ta thấy thân của ta không phải chỉ ở trong da thịt này mà thôi, nó còn ở ngoài da thịt này. Khi có con mắt sáng, khi có tình thương lớn thì ta thấy rõ ràng người kia cũng là ta. Người ta thương là ta và khi người đó đau thì ta cũng đau, người đó nhức thì ta cũng nhức. Người đó là thân ngoại thân của ta. Người đó chết là ta cũng chết.

Trong trận hải chấn xảy ra năm 2004 bao nhiêu nhà thần học đã được đặt câu hỏi: “Tại sao Thượng đế lại để cho chuyện đó xảy ra? Thượng đế tạo ra con người làm gì mà để cho con người chịu thảm họa lớn lao như vậy?”. Có rất nhiều câu trả lời cho rằng sở dĩ trận hải chấn xảy ra là do Thượng đế muốn như vậy. Nếu Thượng đế không muốn thì làm sao nó xảy ra được? Nhưng tại sao Thượng đế muốn nó xảy ra trong khi Thượng đế là bậc nhân từ? Các nhà thần học bí lối, tìm đủ cách để giải thích. Hans Küng, một nhà thần học rất nổi tiếng người Đức nói: “Câu trả lời duy nhất tôi có thể cống hiến cho quý vị là sự im lặng”.

Tại Làng Mai, chúng ta đã cầu siêu, ngồi thiền, quán chiếu và đã tìm được câu trả lời. Trong bài “Ôm lấy niềm đau sau trận hải chấn” chúng ta thấy rằng những nạn nhân chết trong trận hải chấn tức là ta chết, thân của họ là thân của ta. Khi họ chết thì ta đau xót, ta thấy như là ta cũng chết. Đó là tuệ giác về thân ngoại thân. Nhưng đồng thời ta cũng thấy rằng thân của ta cũng là thân của họ. Vì họ chết nên ta cũng chết theo, và vì ta đang còn sống cho nên họ vẫn đang còn sống. Ta phải sống cho họ, sống cho sâu sắc, sống cho xứng đáng. Thấy được như vậy thì ta biết rất rõ thân ngoại thân là một cái gì có thật. Khi người ta thương như cha ta, mẹ ta, anh ta, em ta hay người yêu của ta chết thì ta có cảm tưởng là ta chết, họ khốn đốn thì ta khốn đốn. Người đó là thân của ta, thân ngoại thân. Chỉ khi nào ta bị bít lấp trong ý niệm về một cái ngã nhỏ nhoi, hạn hẹp, không có trí tuệ, không có tình thương thì ta mới không thấy được sự thật đó. Khi trí tuệ và tình thương bắt đầu mở ra thì ta thấy thân này không phải chỉ được giới hạn trong một lớp da, thân này có mặt ngoài cả lớp da đó. Vì vậy chúng ta có tuệ giác “lá lành đùm lá rách”.

Thừa kế thân thuộc về thời gian, thân ngoại thân thuộc về không gian. Ta có ở đây nhưng ta cũng có ở kia. Ta đang hành đạo ở nước Pháp nhưng ta cũng đang hành đạo ở Việt Nam. Tại Việt Nam, ta có thân ngoại thân của ta đang hướng dẫn, dạy dỗ và thực tập. Ta có thể có mặt một lần (đồng thời) trong ba cõi. Không phải chỉ khi nào thành một vị toàn giác như đức Như Lai hay một vị Bồ tát lớn thì ta mới có thể có mặt đồng thời trong ba cõi. Chính ngay bây giờ, nếu có chút trí tuệ, có chút tình thương thì ta có thể có mặt bên này và ta cũng có mặt bên kia. Đó là thân ngoại thân.

  1. Pháp giới thân

Pháp giới thân khác với pháp thân. Pháp giới là the realm of dharmas, giới là the realm (domaine). Trong các pháp có tâm pháp, tâm sở pháp, sắc pháp, vô vi pháp, tâm bất tương ưng pháp. Có nhiều loại pháp và tất cả các pháp được gọi là pháp giới. Pháp giới là nền tảng của ta. Nhìn vào thân ta, ta thấy có đất, có nước, có hơi nóng, có gió tới từ pháp giới. Và ta cũng thấy có tình thương, có trí tuệ, có học vấn. Tình thương, trí tuệ, học vấn đó tới từ pháp giới. Con người ta chứa đựng pháp giới, trong con người có đủ cả pháp giới. Cũng như khi nhìn một bông hoa, ta thấy trong bông hoa đó có mặt trời, có đám mây, có dòng sông, có đại địa. Nhìn vào một bông hoa ta thấy được pháp giới thân. Pháp giới và vũ trụ tới với nhau, cộng tác với nhau để làm biểu hiện ra bông hoa, vì vậy bông hoa là một pháp. Thân của bông hoa là hoa thân nhưng hoa thân cũng có pháp giới thân, tại vì bông hoa chứa đựng toàn thể vũ trụ, toàn thể pháp giới. Pháp giới là nền tảng của ta cho nên sự tan rã của hình hài này, sự tan rã của nhân thân không có nghĩa là sự tan rã của pháp giới thân. Pháp giới thân còn đó thì còn sự hình thành của những thân người khác, những thân hoa khác.

Hồi nhỏ chúng ta hay chơi kính vạn hoa (kaleidoscope). Mỗi động tác của ngón tay làm cho một hình ảnh đẹp tan biến đi để nhường chỗ cho một hình ảnh đẹp khác. Tuy rằng hình ảnh này tiếp tục hình ảnh khác rất đẹp, nhưng bất cứ hình ảnh nào cũng căn cứ trên những mảnh màu nằm trong ống kính. Không có gì mất đi cả! Những mảnh màu đó là nền tảng của tất cả những hình ảnh đẹp ta thấy được trong ống kính. Mỗi khi một hình ảnh tan biến để nhường chỗ cho một hình ảnh khác thì ta không đau buồn, không tiếc nuối. Không có hình ảnh này thì sẽ có hình ảnh khác.

Ta cũng vậy, ta là một biểu hiện nhiệm mầu của pháp giới thân. Khi không biểu hiện như thế này thì ta sẽ biểu hiện như thế khác. Tại sao ta phải lo lắng, sợ hãi, ta sợ mất ta? Pháp giới thân là nền tảng của thân người, của thân Phật, của thân mây, của thân hoa, của thân cây.

Pháp giới (dharmadhātu) là lĩnh vực của các pháp. Lĩnh vực đó rất rộng, các pháp biểu hiện ra bằng nhiều cách. Bông hoa là một pháp, dòng sông là một pháp, đám mây là một pháp, biển cả là một pháp, ta thấy tất cả ở trong ta. Trong bài thơ “Uyên nguyên” có câu:

Himalaya là dãy núi nào?

trong tôi có một ngọn hùng phong đỉnh vươn cao trời mây khói

Sông Cửu Long chảy nơi đâu?

trong tôi có một trường giang cuồn cuộn, không biết đã bắt đầu tự chốn thâm sơn nào

Trong ta có núi. Trong ta cũng có sông.

Trong triết học Đông phương có câu: Nhân thân tiểu thiên địa, nghĩa là thân người là vũ trụ, là trời đất thu nhỏ lại. Thiên địa là nền tảng của những tiểu thiên địa. Tiểu thiên địa không mất, tiểu thiên địa chỉ biến hóa như tất cả các pháp khác. Các pháp có sinh có diệt, có biến hoại nhưng các pháp nương nhau mà có, và chúng đều có chung một nền tảng. Cũng như những đợt sóng, những đợt sóng có lên có xuống, có cao có thấp, đợt sóng có thể hùng mạnh hay mong manh nhưng đợt sóng dựa trên đại dương. Đợt sóng này được các đợt sóng khác xúm lại đưa lên, nhưng khi thấy nền tảng của mình là đại dương thì đợt sóng không còn sợ hãi. Thấy được pháp giới thân rất quan trọng, thấy được pháp giới thân thì ta không còn sợ hãi nữa. Bụt có pháp giới thân, ta cũng có pháp giới thân.

 

  1. Pháp giới tánh thân

Đứng về phương diện hiện tượng ta thấy các pháp trong pháp giới có sinh có diệt, có thành có hoại, có có có không. Nhưng nhìn sâu thì những sinh diệt, thành hoại, có không đó là do nhận thức của ta mà ra. Bản chất của các pháp là không sinh không diệt, không thành không hoại, không cao không thấp. Đó gọi là pháp giới tánh. Tánh là bản thể (true nature). Đứng về phương diện hiện tượng thì nói là pháp giới (phénomène), còn đứng về phương diện bản thể thì nói là pháp giới tánh (noumène).

Bụt có pháp giới tánh thân, ta có pháp giới tánh thân, bông hoa cũng có pháp giới tánh thân và đám mây cũng có pháp giới tánh thân. Đó là Niết bàn, là tự tánh của không sinh không diệt, không có không không của vạn hữu. Nhân thân thì mong manh, dễ vỡ; nhưng cái mong manh, dễ vỡ đó dựa trên một nền tảng không sinh không diệt rất vững chãi. Đó là pháp giới tánh thân. Tu tập là để thấy được đợt sóng là đại dương, thấy được mình là pháp giới thân. Định đề 22 cũng phát xuất từ giáo lý “sinh Phật bất nhị”, chúng sinh và Phật không thể tách rời được. Ta đi tìm Phật ở đâu? Biết bao người đang đi tìm Phật mà phần lớn đều đi tìm ở ngoài chúng sinh. Đó là một sai lầm căn bản. Muốn tìm Phật thì phải tìm nơi chúng sinh, tức là phải qua thân người, ta mới thấy được thân Phật. Thân người ở đâu cũng có, nhìn vào thân người cho sâu thì ta thấy rõ bảy thân khác: chúng sinh thân, tăng thân, thừa kế thân, pháp thân, thân ngoại thân, pháp giới thân và pháp giới tánh thân.

Chư pháp tùng duyên sinh

Trong Tạp A Hàm và trong Tương Ưng Bộ có kinh tên là kinh Tỳ Bà. Tỳ bà (cithare) là một loại nhạc cụ mà khi vào tay một nhạc sĩ có tài thì phát ra một âm thanh rất vi diệu làm rung động lòng người. Có một ông vua muốn biết nguồn gốc âm thanh đó từ đâu ra, ra lệnh đem cây đàn tỳ bà đến gần cho vua quan sát, ngắm nghía để xem cái âm thanh vi diệu kia phát ra từ đâu, nó núp ở đâu trong cây đàn tỳ bà, nó núp ở sợi dây hay ở cái trống.

Hồi ba tuổi, tôi được nghe cải lương từ một máy hát. Hồi đó chưa có radio, chưa có video cassette; tôi rất ngạc nhiên không hiểu tại sao trong đó lại có tiếng người, tiếng đàn ông đàn bà cười, nói, hát, than thở. Trong đầu em bé ba tuổi nghĩ chắc là có người đang có mặt ở trong cái hộp vuông đó, hai ba người nho nhỏ núp trong đó nói ra. Nếu không thì tại sao nghe có tiếng nói, tiếng hát rõ ràng, giọng lại rất trong, rất hay như vậy? Có lẽ ông vua cũng ở trong tâm trạng đó. Nghe tiếng tỳ bà vi diệu như vậy, ông muốn biết ở trong cây đàn đó có gì.

Ông vua giống như một đứa con nít, muốn khám phá ra cái lõi, cái nguồn gốc của âm thanh vi diệu đó. Ông tháo cây đàn ra từng mảnh và quán sát cả ngày mà không tìm được gì cả. Cũng như chú bé ba tuổi đã tưởng có ba, bốn người núp trong cái máy hát, nếu mở máy hát để tìm thì sẽ thất bại vô cùng. Ông vua cũng đã thất bại. Trong khi đó tiếng đàn vi diệu làm cảm động lòng người kia là có thật, không phải là ảo tưởng hay là một giấc mơ. Tiếng hát kia là có thật, ta nghe rõ ràng chứ không phải là ảo tưởng.

Đức Thế Tôn cũng vậy và ta cũng vậy. Nếu ta phân tích, chẻ năm uẩn, lột trần năm uẩn ra thì cũng không tìm thấy một cái ngã, một cái ta, cái ta nói, cười, hát đó. Nhưng vẫn có nói, có cười, có múa, có hát, chỉ không có cái ta mà thôi.

Sau khi kể xong câu chuyện, Bụt nói: Cái mà quý vị gọi là cái ta (I am) đó là một vọng tưởng. Bụt không có cái ngã và ta không có cái ngã, nhưng điều đó không có nghĩa là Bụt không có và ta không có đó. Bụt là một bản nhạc rất tuyệt vời, đã có mặt và vang vọng trong thế giới. Bản nhạc đó đã ghi lại những ấn tượng đẹp trong lòng người, đã tồn tại, đang tồn tại và sẽ được kéo dài trong tương lai.

Đàm hoa lạc khứ hữu dư hương là một câu vế đối ở chùa tổ, nó có nghĩa là hoa ưu đàm tuy đã rụng nhưng hương hoa vẫn còn thơm mãi mãi. Sự tiếp nối đó gọi là thừa kế thân. Không thể nói là Bụt không có, Bụt có và Bụt được tiếp tục, nhưng nếu đi tìm trong đó một cái ngã thì không có.

Giáo lý của đạo Bụt tìm đủ mọi cách để cho chúng ta thấy rằng cái mà ta gọi là “I am” không có thật. Tuy không có cái ngã nhưng vẫn có sự mầu nhiệm của bảy thân. Đây không phải là một triết lý. Descartes đã nói: “Je pense donc je suis” – Tôi suy nghĩ nên rõ ràng là có tôi. Đó là lý luận theo toán học, có sự suy nghĩ tức là phải có người để suy nghĩ. Nhưng sự thật thì không cần phải có một chủ thể suy nghĩ mới có sự suy nghĩ (thought without thinker), sự suy nghĩ biểu hiện ra như vậy thôi. Một tư duy, một cảm thọ, một cảm xúc biểu hiện ra như vậy thôi và chủ thể với đối tượng cùng biểu hiện ra một lần. Có người hỏi: Nếu không có cái ta thì cái gì đi luân hồi? Cái gì nhận chịu quả báo? Không cần phải có cái ta, chỉ có một sự liên tục nối tiếp cái này sau cái kia vậy thôi.

Vọng tưởng lớn nhất của con người là cái “I am”, là có cái “tôi”, có một cái ta bất biến thường hằng núp trong ngũ uẩn. Nhìn vào cái máy hát hay nhìn vào cây đàn ta thấy cây đàn được làm bằng gỗ, bằng tài của người thợ mộc, của người thợ làm đàn. Có những sợi dây đàn, có người nghệ sĩ và khi tất cả điều kiện đó tụ hội lại thì làm phát sinh ra một âm thanh rất vi diệu mà không cần phải có một cái ta mới có được.

Chư pháp tùng duyên sinh

Đạt tới vô ngã thì ta thảnh thơi vô cùng. Sở dĩ chúng ta đau khổ nhiều là tại vì vọng tưởng về cái ngã. Trong ngôn ngữ sử dụng hàng ngày ta không thoát ra được “I am”, “you are”. Trong tiếng Việt ta nói: Đi chơi không? Ta không cần dùng “I” hay “you”.

Điều này có liên hệ tới sự thực tập. Khi lên đứng tụng kinh thì ta phải thấy là không có cái ngã, ta không nên nghĩ tại sao ta phải đứng phía trước mà không đứng phía sau cho khỏe. Đứng phía trước thì ai cũng thấy, hôm qua ta ngủ không được, nếu đứng trước thì ai cũng thấy hai con mắt ta đang mỏi. Ta đang kẹt vào cái ta.

Với nhiệt độ 1°C thì nước vẫn là nước. Những phân tử nước lưu chuyển như những nguyên tử đơn độc, riêng rẽ. Nhưng khi nhiệt độ xuống tới 0°C thì có sự chuyển đổi lớn, một trật tự mới được sinh ra: Tất cả các phân tử nước giao hòa với nhau để biến thành băng và không còn có những phân tử nước riêng rẽ nữa. Một phân tử nước trở thành tất cả phân tử nước. Cái một trở thành cái tất cả và cái tất cả trở thành cái một. Đó gọi là phù hợp pha (enter to a phase). Có một trật tự mới, trong đó mỗi phân tử nước trở thành toàn thể nước đá, các phân tử hòa hợp nhau, chúng không hành xử một cách riêng rẽ nữa.

Thực tập vô ngã

Tụng kinh là một pháp môn, tụng kinh không phải để cầu xin được mạnh khỏe, được thi đậu hay buôn bán phát tài. Trong đạo Phật ta tụng kinh không phải để cầu nguyện mà để thấy được cái gọi là “I am” không còn nữa. Đứng chắp tay tụng kinh là một sự thực tập rất sâu sắc. Ta đứng ở trên chắp tay nhìn xuống và các vị ở dưới chắp tay nhìn lên, tất cả đều tham dự vào cùng một pha, không còn người xướng tụng và cũng không còn người nghe tụng. Người xướng là người nghe, người nghe là người xướng, không còn có cái ngã. Cũng như khi từ 1°C xuống 0°C thì tất cả phân tử nước đều hành xử như một. Lúc đó năng lượng tăng rất lớn và thấm vào từng người. Chính tuệ giác vô ngã này đã chữa lành không biết bao nhiêu là đau nhức, bệnh tật.

Lúc ngồi, người thì nghĩ chuyện này, người thì nghĩ chuyện kia. Nhưng khi nghe tiếng chuông thì mọi người đều ngưng lại, trở về hơi thở và cùng thở một nhịp. Tất cả những con người cá biệt trở thành một khối tăng thân cùng thở với nhau rất đẹp. Năng lượng tập thể đó đi vào trong từng người.

Khi làm tia laser, người ta hâm nóng những nguyên tử trong ống laser. Khi các nguyên tử bị kích thích thì những điện tử âm rời quỹ đạo của nó đi lên và phát ra những quang tử (photon). Những quang tử giao tiếp với nhau, đi vào cùng một pha và tạo ra tia laser rất mạnh. Các quang tử hành xử như một tập thể mà không như những quang tử riêng biệt. Nhà bác học Einstein có nói tới một chất tụ gọi là Bose-Einstein-condensate. Khi tới một nhiệt độ nào đó thì tất cả các nguyên tử đi vào cùng một pha và hành xử như một, không còn sự chia rẽ giữa cá thể nguyên tử này với cá thể nguyên tử kia. Trong khoa học thần kinh não bộ người ta đã bắt đầu khám phá ra rằng mỗi khi tế bào óc (neuron) được kích thích thì nó cũng đi vào pha và trao truyền tất cả những dữ kiện, những thông tin. Tất cả đều hành xử như là một chứ không như là những tế bào thần kinh riêng biệt.

Khi đi thiền hành cho đúng thì ta không còn là một cái ngã riêng biệt hay là một giọt dầu trong một bát nước mà ta trở thành tăng thân, ta trở thành dòng sông. Đi trong cái thấy vô ngã, ta hạnh phúc vô cùng. Những đau khổ, lo lắng, những riêng tư, chia cách không còn. Vì vậy trong khi đi thiền hành thì sự nuôi dưỡng và trị liệu rất lớn. Cũng như khi nghe tiếng chuông, năng lượng chánh niệm phát sinh nối kết chúng ta lại và tự nhiên từ những cá thể biệt lập ta trở thành một tập thể tăng thân.

Trong tăng thân, chúng ta chế tác ra những phương pháp thực tập như pháp môn ngồi thiền. Trong khi ngồi thiền ta không còn là những cá nhân nữa, một là tất cả và tất cả là một. Trong khi đi thiền hành, trong khi thở, trong khi tụng kinh chúng ta cũng phải thực tập như vậy mới có chiều sâu. Lên tụng kinh không phải là lên trình diễn để người ta khen mình hay chê mình. Trong khi tụng kinh, tất cả những người tụng hành xử như một, người tụng kinh với người nghe kinh không phải là hai. Dù ngồi ở dưới hay đứng ở trên thì chúng ta cũng đang tham dự, cũng đi vào pha và cũng thấy được sự bất khả phân ly. Đây thuộc về phạm vi của pháp giới tánh. Khi đi vào được kinh nghiệm đó rồi thì những mặc cảm như thua người, hơn người hay bằng người không còn và ta sẽ không đau khổ nữa.

Vô ngã không phải là một triết lý để học hỏi mà là một sự thực tập hàng ngày trong khi ngồi, trong khi nghe chuông, trong khi đi thiền hành, trong khi lên tụng kinh. Vì vậy hôm trước tôi có đề nghị rằng: Trước khi đi thiền hành, mỗi xóm nên để một vị giáo thọ hay một vị tập sự giáo thọ nhắc nhở khoảng ba phút cho ta nhớ phải đi như thế nào để đạt tới hạnh phúc lớn nhất của sự thực tập thiền hành. Ta không đi cho có đi, ta đi như thế nào để có hạnh phúc, đi như thế nào để có thể chạm tới tính vô ngã, tới pháp giới tánh thân của mình. Đi như vậy mới sâu, chứ đi cho có hình thức thì hơi uổng. Khi tụng kinh, ta tụng như thế nào để không còn cái ngã mà ta là tất cả. Quý vị đã có kinh nghiệm khi nghe chuông. Tiếng chuông là một sự kích thích, cũng giống như khi làm tia laser thì người ta phải kích thích các nguyên tử trong ống laser. Khi được kích thích, các điện tử xoay quanh hạt nhân rời bỏ quỹ đạo của chúng và bắt đầu nhả ra những hạt ánh sáng. Những hạt ánh sáng này đi vào pha và tạo thành ra cái một. Trong chất tụ Bose-Einstein tất cả các nguyên tử hành xử như một nguyên tử, trong đó không còn khung cảnh của thời gian và không gian riêng nữa.

Vì vậy tôi đề nghị rằng chúng ta đừng nên làm theo kiểu hình thức mà uổng. Lên tụng kinh trước khi có pháp thoại là một cơ hội rất lớn để thực tập vô ngã. Người tụng và người nghe tụng như nhau. Năng tụng sở tụng tánh không tịch. Chúng ta phải có vài lời nhắc nhở trước khi bắt đầu tụng kinh, trước khi ngồi thiền, trước khi đi thiền hành hay trong khi nghe chuông. Khi nghe tiếng chuông, tự nhiên chúng ta trở thành một khối, không còn cái ngã nữa. Tôi thở cho anh, anh thở cho tôi. Em thở cho chị, chị thở cho em. Chính kinh nghiệm vô ngã đó chữa trị được sự cô đơn, những tủi hờn, tuyệt vọng của ta.

Sự thực tập có nhiều chiều, ta đừng nên chọn chiều cạn mà phải đi sâu từ từ. Khi đi ta phải đi cho tất cả tăng thân, ta phải đi cho cha, cho mẹ, cho Bụt, cho những người đang chết mỗi ngày ở Iraq. Phải đi như vậy thì ta mới thật sự thấy được thân ngoại thân, thừa kế thân của ta. Quý vị nên tổ chức như thế nào để sự thực tập của mình đừng rơi vào cái bẫy hình thức. Nếu không thì rất uổng cho cuộc đời tu học. Ta có thể làm những điều Bụt làm, ta có thể sống với tuệ giác của Bụt và của các vị hiền thánh ngay trong đời sống này.