Định đề 11
Niệm-định-tuệ là sự thực tập nòng cốt để đi tới giải thoát.
Mindfulness, concentration and insight are the essential practices that give rise to liberation.
Niệm-định-tuệ, có khi còn gọi là giới-định-tuệ, thường được gọi là “Tam vô lậu học”. Tam vô lậu học là ba mặt của sự thực tập. Trong văn học Phật giáo, học là sự thực tập, tiếng Anh là training. Chúng ta phải thực tập đàng hoàng chứ không phải chỉ đi tới trường để tiếp thu lý thuyết. Khi thực tập thành công rồi thì gọi là “vô học”, tức không cần phải tìm tòi nữa, chỉ cần tiếp tục nuôi dưỡng tuệ giác thôi. Chữ vô học trong đạo Bụt có nghĩa là thực tập thành công rồi, còn chữ vô học ngoài đời có nghĩa là không có được cơ hội đi tới trường học.
Tam học (the triple training) là sự thực tập niệm, định và tuệ. Ba cái đó đan vào nhau, nâng đỡ cho nhau. Tam học, gọi đầy đủ là “Tam vô lậu học”. Chữ vô lậu có nghĩa là không rơi trở lại. Trong khi thực tập, ta có thể leo lên tới một mức nào đó rồi rớt trở lại, ta lại tìm cách leo lên rồi bị rớt trở lại, đó gọi là lậu. Lậu là rỉ ra, lọt xuống. Vô lậu có nghĩa là một khi đã thoát rồi thì không rớt trở xuống nữa. Nhiều người trong chúng ta làm lỗi và sám hối, nhưng sám hối xong vài tháng thì làm lỗi trở lại, đó gọi là lậu. Khi thực tập tinh chuyên cho bền thì ta bước hẳn lên không rơi rụng xuống nữa, đó gọi là vô lậu.
Nếu chúng ta thực tập niệm-định-tuệ cho tinh chuyên thì sẽ đạt đến chỗ vô lậu, không bị lọt xuống vùng trầm luân và trôi lăn trong sinh tử luân hồi nữa. Vì vậy, niệm- định-tuệ được gọi là Tam vô lậu học.
Niệm
Niệm thắp sáng được hiện hữu. Trong đời sống hàng ngày, chúng ta sống trong thất niệm, sống trong cõi u mê quên lãng. Là người mà ta không biết ta có may mắn làm người. Ta có mắt sáng thấy được trời xanh mây trắng mà ta không biết là ta có mắt sáng. Ta có cha, có mẹ, có thầy mà ta cứ quên là ta có cha, có mẹ, có thầy. Ta sống trong quên lãng. Đó là thất niệm, là không có sự sống, không có sự sống tại vì không có sự can thiệp của niệm. Niệm là biết rõ, nhận diện những gì đang xảy ra: Đi thì biết là mình đang được đi, ngồi thì biết là mình đang được ngồi, ăn cơm thì biết là mình đang được ăn cơm, nhìn mây trắng thì biết rằng mình đang được nhìn mây trắng. Niệm là một năng lượng thắp sáng sự sống, thắp sáng hiện hữu.
Đức Thế Tôn được gọi là người giác ngộ tại vì Ngài luôn luôn có niệm. Cũng như một cái máy tính, nếu không có dòng điện thì máy tính không vận hành. Đường dây điện thoại mà không có dòng điện thì ta không nói chuyện được. Chúng ta phải làm cho máy tính được bật lên, làm cho dòng điện được luân lưu trong đường dây điện thoại. Người tu phải thắp sáng sự sống của mình bằng chánh niệm. Người tu không thể sống trong quên lãng, đi như người mộng du, ngồi như ngồi trong hang tối, không thấy được tất cả những mầu nhiệm của sự sống. Niệm cũng giống như điện, là một năng lượng thắp sáng đời sống hàng ngày.
Trong đời sống hàng ngày, có nhiều lúc chúng ta rơi vào thất niệm. Vì vậy ta phải tổ chức cách sống như thế nào để có thể có cơ hội trở về tiếp xúc với niệm. Chúng ta đang suy nghĩ vẩn vơ, hoặc đang buồn khổ thì nghe một tiếng chuông. Nghe tiếng chuông, ta ý thức rằng ta đang trôi lăn, ta đang phiêu lưu trong thế giới của tạp niệm. Ta trở về phát khởi niệm, tiếng chuông là một điều kiện giúp ta tác ý, biết rằng ta đang trôi lăn và chỉ trong một sát na từ thất niệm ta trở về niệm. Tác ý 作 意 (manaskāra) rất quan trọng. Trong manas-kāra có chữ manas tức là ý, nhưng tác ý này đưa ta vào chánh niệm mà không đưa ta vào nẻo của thèm khát, giận hờn. Đó gọi là như lý tác ý. Ví dụ như khi ngửi mùi hương trầm, tự nhiên ta nhớ tới sự tinh khiết, nhớ tới kinh, nhớ tới Bụt. Mùi hương trầm đó đang đưa ta về như lý tác ý. Tác ý đưa ta vào chánh niệm gọi là như lý tác ý (yoniso-manaskāra). Tác ý đưa ta vào những nẻo đường tham đắm, ví dụ như nghe mùi hương thì nhớ nàng đến mức không chịu nổi, đó gọi là phi như lý tác ý. Trong đời sống hàng ngày, ta phải sắp đặt như thế nào để có được những yếu tố giúp ta có như lý tác ý, đưa về nẻo thiện, về sự tỉnh thức, về với nếp sống đẹp. Tiếng chuông là một yếu tố giúp ta phát khởi chánh niệm. Khi thấy một thầy hay một sư cô đang bước đi thong dong, nhẹ nhàng, tự tại, làm chủ được mình thì hình ảnh đó có thể giúp ta phát khởi như lý tác ý. Nếu ta cũng đi được những bước vững chãi, thảnh thơi, an lạc thì ta cũng là một nhân duyên giúp được người khác phát khởi như lý tác ý. Khi để ý tới những hình ảnh, âm thanh, tư tưởng không tạo như lý tác ý mà đưa ta về những nẻo của buồn khổ, nhớ nhung, mơ mộng thì gọi là phi như lý tác ý (ayoniso-manaskāra). Ta phải sắp đặt đời sống hàng ngày của ta như thế nào để trong môi trường, trong hoàn cảnh của sự sống có những yếu tố giúp ta tác ý một cách chân chính. Ta sắp đặt những cuốn sách ta đọc, những bài nhạc ta nghe, những hình ảnh ta thấy như thế nào để chúng đưa ta về như lý tác ý. Ta phải tránh những bài báo, những phim ảnh, những cuốn sách, những khúc nhạc đưa ta về nẻo của nhớ thương, buồn khổ, giận hờn, mơ mộng tại vì nó có thể đưa ta về hướng phi như lý tác ý.
Giới
Giới luật và uy nghi có mục đích tránh cho ta những giây phút phi như lý tác ý. Giới luật và uy nghi đưa ta về niệm. Tại sao ta phải thực tập giới luật? Tại sao ta phải khép mình vào uy nghi? Tại vì ta không muốn bị cái phi như lý tác ý kéo đi. Ta muốn thắp sáng đời sống hàng ngày, muốn được tiếp xúc với những mầu nhiệm của sự sống và sống một cách tỉnh thức, không mê mờ, nên ta thực tập giới và uy nghi. Giới và uy nghi không phải là những hạn chế, những bó buộc mà là những điều kiện giúp ta sống hạnh phúc, an lạc, tỉnh thức.
Nhờ như lý tác ý mà niệm phát sinh. Khi bước một bước chân hay khi thở một hơi thở thì bước chân và hơi thở đó chế tác chánh niệm. Trong ta có một luồng điện, tức chánh niệm. Năng lượng chánh niệm này thắp sáng hết tất cả những tế bào trong cơ thể ta. Nếu máy tính có điện thì tất cả các phần trong máy tính đều có điện. Nếu trong đường dây điện thoại có dòng điện luân lưu thì hai bên đều nghe tiếng u u. Sự sống của ta cũng vậy, khi có tiếng u u của chánh niệm là ta đang sống, còn không có tiếng u u của chánh niệm là ta đã chết.
Nhà văn người Pháp Albert Camus, trong tác phẩm “L’Étranger” (Người xa lạ) có nói: “Có những người sống như những người chết.” (Il y a des gens qui vivent comme des morts.) Nhìn xung quanh ta thấy có rất nhiều người đang sống như những người chết. Họ đi qua, đi lại, họ ngồi, họ đứng, họ làm việc, họ ngủ; nhưng họ sống như những người chết tại vì trong con người họ không có luồng điện của chánh niệm.
Nếu có gốc Cơ đốc giáo quý vị có thể gọi năng lượng chánh niệm là năng lượng của Thượng đế, là Chúa thánh thần (the holy spirit, l’esprit saint). Có l’esprit saint là ta đang thực sự sống, không có nó thì ta đã chết.
Cơ đốc giáo có Chúa ba ngôi: Chúa cha, Chúa con và Chúa thánh thần. Ngôi thứ ba là Chúa thánh thần (le Saint-esprit). Người nào có Chúa thánh thần biểu hiện trong người tức có năng lượng tương đương với niệm thì người đó có sự sống, đi đứng nằm ngồi trong sự tỉnh thức. Năng lượng này phải đủ hùng hậu để kích thích, để làm sống dậy các tế bào trong cơ thể. Nó động viên tất cả tế bào trong cơ thể.
Định
Khi ngồi thiền mà thật sự là ngồi trong thiền thì tất cả toàn thân của ta được thắp sáng bởi năng lượng của chánh niệm. Không phải chỉ có tế bào óc có niệm mà những tế bào tim, phổi, thận, các tế bào của bắp thịt ở mỗi ngón chân, ngón tay v.v… đều được thắp sáng. Trong khi ngồi thiền ta phải động viên tất cả các tế bào trong cơ thể đồng thời phát khởi chánh niệm. Đồng bộ phát khởi là synchronisation, trong lúc đó sẽ không có tình trạng riêng lẻ cục bộ, tại vì chánh niệm thắp sáng tất cả tế bào của ta. Cơ thể ta trở thành một môi trường, trong đó có sự thống nhất (unification), không phân biệt. Trong lúc đó không còn những tế bào óc, tế bào tim, tế bào phổi v.v… riêng biệt, tất cả đều trở thành một (completely unified). Lúc đó niệm trở thành định và định soi cho chúng ta thấy sự thật rõ ràng hơn. Ta ngồi đó như một ngọn đèn sáng. Mỗi tế bào trong cơ thể ta trở thành tất cả các tế bào. Cái một trở thành cái tất cả, không còn có sự riêng lẻ cục bộ nữa, tất cả là một. Ta bắt đầu thấy được tính duyên khởi trong kinh Hoa Nghiêm: Một là tất cả, tất cả là một.
Khoa học đã có thể thực hiện được những trạng thái trong đó những điện tử hành xử như cái tất cả. Nó vượt thoát được khuôn khổ của thời gian và không gian, cái một trở thành cái tất cả. Khoa học gia David Bohm có lần đã nói: “Một nguyên tử cũng đồng thời là tất cả các nguyên tử. Một điện tử cũng đồng thời là tất cả các điện tử.” Một điện tử được làm bằng tất cả các điện tử. (One electron is made of all electrons). Lúc đó ta đi vào thế giới trùng trùng duyên khởi của Hoa Nghiêm.
Trong tư thế ngồi thiền chúng ta có thể thấy rằng tất cả các tế bào trong cơ thể đều đang vận hành một cách hoàn toàn thống nhất. Cái một trở thành cái tất cả và hoàn toàn không có sự khu biệt, kỳ thị nữa.
Khoa học đã nói đến một trạng thái gọi là “chất tụ BE” (Bose-Einstein-condensate). B là Bose, E là Einstein, chất tụ là condensate. Trước đây gần một thế kỷ, Einstein có tiên đoán được rằng: Khi đem nhiệt độ của một chất xuống tới (-273,15)⁰C thì người ta tạo ra được chất tụ BE (Bose-Einstein-condensate). Bose là tên của một nhà vật lý học người Ấn Độ. Trong chất tụ BE người ta thấy mỗi điện tử, mỗi nguyên tử hành xử như toàn thể, không có sự khu biệt về thời gian và không gian. Tất cả đều nằm trong trạng thái không, không còn không gian (locality) và thời gian (temporality) nữa. Các nhà khoa học cho biết rằng, khi có sự kích thích thì những vi tử (ion) làm bằng protein hay bằng chất béo nằm ở màng (membrane) tế bào phát ra một chút ánh sáng. Khi sự kích thích đúng mức thì các ion phối hợp với nhau và tạo ra một môi trường lượng tử (quantum field) và tự nhiên cái một hành xử như cái tất cả.
Tuệ
Nếu thực tập đàng hoàng ta cũng có thể tạo được tình trạng đó trong cơ thể mình. Với năng lượng của chánh niệm ta thắp sáng các tế bào trong cơ thể, làm cho cơ thể đi tới trạng thái hoàn toàn thống nhất, không có sự chia rẽ, không có thời gian, không có không gian nữa. Ta tiếp xúc được với bản môn. Trong từng tế bào cơ thể ta có hạt giống của cha mẹ, của tổ tiên huyết thống và tổ tiên tâm linh. Khi tế bào được thắp sáng bằng năng lượng chánh niệm thì ta thấy cha mẹ đang ngồi đó với ta, tổ tiên đang ngồi đó với ta. Ta thấy đức Thế Tôn đang ngồi đó với ta, thầy Ca Diếp, thầy A Nan, thầy Ưu Ba Ly, cư sĩ Cấp Cô Độc, cư sĩ Duy Ma Cật đều cùng biểu hiện. Ta ngồi với thánh chúng của thời Nguyên thỉ vì trong lúc đó ta vượt khỏi thời gian và không gian nên tất cả đều có mặt một lần. Ta thấy rõ là ta đang ngồi trong thánh chúng, ngồi với đức Thế Tôn, với chư Phật, với chư vị Bồ tát và các vị đại đệ tử ngay trong giây phút hiện tại. Không còn sự cách biệt giữa quá khứ, tương lai và hiện tại. Không còn sự cách biệt giữa nơi này với Ấn Độ hay thế giới Cực Lạc. Ta vượt thoát thời gian và không gian, ta tiếp xúc được bản môn. Trong khi ngồi thiền nếu ta tiếp xúc được bản môn thì đó là nhờ niệm, niệm đưa tới định.
Khi tạo được trạng thái định trong ta thì ta được nuôi dưỡng, được chuyển hóa. Ngồi thiền như vậy đưa tới pháp lạc rất lớn và nếu ngồi thiền thành công thì sau khi ngồi thiền ta cũng có thể tiếp tục đi, đứng, nói, cười trong trạng thái đó.
Trong lúc thực tập thiền đi, tuy ta đi bằng chân của ta, nhưng chánh niệm thắp sáng cho biết rằng chân này cũng là chân của cha, cũng là chân của mẹ. Cha đang đi với ta, mẹ đang đi với ta. Việc này rất dễ, ai làm cũng được: Bước một bước, ta thấy cha cùng đi với mình, mẹ cùng đi với mình. Lúc đó ta bắt đầu thoát ra khỏi tình trạng cục bộ, thoát ra khỏi cái ngã. Ta thấy mẹ cùng đi, ông nội cùng đi, ta thấy đức Thế Tôn cùng đi với mình. Ta là học trò, ta nối tiếp đức Thế Tôn. Ta là con của đức Thế Tôn nên ta thấy Ngài đang đi, ta thấy sư anh Ma Ha Ca Diếp, sư anh Mục Kiền Liên cùng đi với ta. Điều đó, nếu muốn ta có thể làm được và ta thoát ra khỏi được thân phận nhỏ bé của cái ngã làm ta bị hạn chế. Bằng bước chân ta thoát ra khỏi những khổ đau, bực bội phát sinh từ thân phận bị hạn chế đó. Đi như vậy thì không khác gì ta đang nắm tay Bụt, nắm tay thầy A Nan hay thầy Ca Diếp cùng đi.
Không phải chỉ trong tư thế ngồi ta mới đi vào tuệ mà trong tư thế đi hay đứng ta cũng có thể làm được như vậy. Nếu muốn ta cũng có thể ngồi ăn cơm với chư Bụt và chư vị Bồ tát, chư vị thánh tăng. Ăn cơm như vậy đem lại pháp lạc rất lớn, từ đó những buồn phiền nho nhỏ không thể xâm chiếm được ta. Những bực bội, ganh tị, lo lắng trong đời sống hàng ngày không có công năng thâm nhập và kéo ta đi vì ta đã có pháp lạc, ta đã có cái thấy lớn.
Niệm, định, tuệ đồng thời cụ túc tương ưng
Trong niệm đã có định và tuệ. Không phải có niệm xong rồi mới có định và có định xong rồi mới có tuệ. Trong niệm đã có định và tuệ, tùy theo niệm sâu hay không sâu. Niệm và định có thể tương tức (interbeing) hay tương nhập (interpenetration) và có công năng đưa tới cái gọi là “đồng thời cụ túc tương ứng” (synchronisation) tức là cùng một lúc mà tất cả đều biểu hiện ra một lần. Vì ta có đây nên tất cả tổ tiên ta cũng có đây. Vì ta có đây nên con cháu ta cũng đang có đây. Tất cả đều biểu hiện một lần.
Ví dụ chúng ta vẽ một tam giác ABC, rồi kéo một đường thẳng AH. Tự nhiên có hai tam giác nhỏ sinh ra một lần mà không phải một cái sinh trước rồi một cái sinh sau. Không phải tam giác nhỏ này làm phát sinh tam giác nhỏ kia mà thực ra hai tam giác nhỏ đồng thời phát khởi. Tại vì ta có mặt đó nên ta biết rằng tổ tiên huyết thống, tổ tiên tâm linh có mặt đó, tại vì ta có mặt đó cho nên con cháu có mặt đó. Không phải đợi thời gian tới rồi ta mới sinh con cháu, cũng không phải đợi tổ tiên chết rồi thì ta mới sinh ra, mà tất cả đồng thời phát hiện một lần.
Trong niệm phát sinh ra định. Trong giáo lý Thập huyền môn, huyền môn thứ nhất là: Đồng thời cụ túc tương ưng môn. Trong giây phút này tất cả đều có mặt, đều biểu hiện ra cả, chỉ do ta thấy hay không thấy mà thôi. Ta đi tìm Bụt, đi tìm Tổ ở đâu? Bây giờ và ở đây. Chúng ta có cơ duyên rất lớn, được tiếp nhận giáo pháp, chúng ta có thời giờ để thực tập. Trong khi đi, ta phải đi với niệm, với định, với tuệ. Nếu không thì rất uổng. Thà rằng ta ở ngoài đời làm nhà băng, làm ở công sở, làm bác sĩ, làm y tá, làm thợ mộc, thợ nề còn hơn. Ta có cơ duyên nên ta đừng đi như bác thợ nề. Nhưng nếu được học hỏi chánh pháp thì bác thợ nề cũng đi được như Bụt, như các Bồ tát. Ta phải học đi, đi như thế nào mà tất cả tổ tiên đều có mặt một lần với ta trong mỗi bước chân. Ta ăn cơm như thế nào để tất cả tổ tiên, con cháu đều ăn cơm cùng với ta. Chuyện đó ta có thể làm được, tùy ta có muốn hay không mà thôi. Khi có như lý tác ý, khi thắp sáng được chánh niệm thì ta bắt đầu làm được chuyện đó. Nhưng ta đừng nên chỉ thắp sơ sơ, thắp mờ mờ! Ánh sáng đó sẽ không đủ để ta thấy được sự mầu nhiệm của trùng trùng duyên khởi. Ta phải làm ăn cho đàng hoàng, phải làm cho tới mức, nếu không thì uổng một đời tu.
Tại trường đại học M.I.T cách đây đúng mười năm, ba nhà khoa học đã thực hiện được điều mà Einstein đã thấy được. Lần đầu tiên họ tạo ra được chất tụ BE. Hàn lâm viện Thụy Điển đã tặng giải Nobel cho ba nhà khoa học đó và trong bản văn trao giải có câu: Giải thưởng Nobel được trao cho quý vị vì quý vị là người đầu tiên đã làm cho các điện tử, các nguyên tử hợp ca chung (sing in unison). Trong một bản hợp ca, cái một ca bài ca của cái tất cả và cái tất cả ca bài ca của cái một, không còn sự phân biệt giữa một và tất cả, và nhà Bác học Einstein đã sử dụng hình ảnh này.
Satyendranath Bose, lúc đó còn trẻ, đã khám phá ra được một điều, ghi chép lại sự khám phá của mình thành bốn trang và gửi cho các tạp chí khoa học trên thế giới.
Nhưng không tạp chí nào chịu đăng bài viết đó. Bose nói về cách đếm các quang tử và đưa ra ý: Nếu các quang tử có cùng một phase, có cùng một ba trường (wave- length) thì chúng sẽ hành xử như là một. Vì vậy ta phải đếm theo cách: Một là tất cả và tất cả là một. Ví dụ như có hai anh em sinh đôi thật, ta để hai người ngồi trên hai cái ghế, một bên trái và một bên phải. Ta quay lưng lại và cho hai người đổi chỗ. Khi ta quay lại thì thấy hai người giống hệt như nhau, không khác gì hết. Tuy là hai người nhưng cũng như một, ta không có cách nào phân biệt được người anh ngồi ở đâu và người em ngồi ở đâu. Các quang tử cũng vậy, chúng giống hệt như nhau, chúng có cùng một ba trường, chúng hành xử như một nên không làm sao đếm được. Ở chỗ phân biệt ta còn đếm được, nhưng khi đến chỗ vô phân biệt thì không thể nào đếm được. Chúng ta có cơ hội thoát ra khỏi ý niệm “một và tất cả”. Trong đạo Bụt, chúng ta phải làm sao để thoát ra khỏi ý niệm sinh-diệt, có-không, một-khác và khoa học cũng đang đi về hướng đó.
Vì không báo nào chịu đăng bài viết của mình nên Bose tuyệt vọng quá, đánh bạo gửi cho Einstein. Einstein đọc rất thích thú. Căn cứ trên cái thấy của Bose, và với sự suy tư và ngôn ngữ khoa học của mình Einstein giả định rằng: Có một trường hợp có thể tạo ra được chất tụ BE, trong đó mỗi nguyên tử đều hành xử như tất cả nguyên tử. Cái một hành xử như cái tất cả, cũng như khi đi một bước ta thấy tất cả tổ tiên, con cháu cùng đi với ta. Einstein rất hứng khởi, dịch bài viết đó ra tiếng Đức và gửi cho các báo đăng. Ông kết luận: Chúng ta có thể làm cho tất cả nguyên tử đó hợp xướng trong sự đồng nhất, một là tất cả. Einstein đã dùng chữ: You can make them sing in unison. Hàn lâm viện Thụy Điển đã lặp lại câu đó khi trao giải thưởng cho ba nhà khoa học M.I.T: Giải thưởng này trao cho quý vị vì quý vị đã làm cho các nguyên tử cùng hợp xướng trong sự thống nhất.
Chúng ta cũng có thể làm được chuyện đó bằng thiền quán, với năng lượng của chánh niệm, chánh định và bát nhã. Ta không cần sử dụng những dụng cụ khoa học hay ngôn ngữ của văn học mà ta vẫn tạo được cái đó. Niệm- định-tuệ đưa ta ra khỏi thân phận bé nhỏ của bản ngã để hòa nhập với đại thể. Ta không còn bị phiền não trói buộc, những phiền não phát sinh ra từ quan niệm về ngã, về ta, về người, về có, về không, về một, về nhiều. Vì vậy Phật học có thể đi đôi, có thể chơi với khoa học.
Tam học “niệm-định-tuệ” là cái cốt lõi của Phật giáo. Trong định ta có sự quán chiếu về vô thường, vô ngã, về Niết bàn, về duyên sinh, không, vô tướng, vô tác. Tất cả đều có thể đối thoại với khoa học. Chuyện đức Thích Ca được sinh ra từ hông của mẹ hay sinh ra theo lối thông thường không quan trọng mấy. Cõi trời Đao Lợi có đó hay không có đó cũng không quan trọng gì mấy. Có cõi trời thứ 36 hay không cũng không quan trọng lắm tại vì cốt tủy của đạo Phật là niệm-định-tuệ, là giáo lý về vô thường, vô ngã, Niết bàn, về duyên sinh. Khi đi tới kinh Hoa Nghiêm thì giáo lý duyên sinh đã được phát triển đến mức độ tinh vi nhất.
Đồng thời câu khởi là cái này nương vào cái kia mà biểu hiện một lần. Ngày xưa đức Thế Tôn hay dùng hình ảnh của ba cây sậy, cây này dựa vào hai cây kia mà đứng vững. Một cây rớt xuống thì các cây kia cũng rớt xuống theo. Chúng nương vào nhau mà phát hiện cùng một lúc. Cái này nâng cái kia, cái kia nâng cái nọ, đó là giáo lý duyên khởi. Giáo lý duyên khởi được tinh luyện và phát triển đến mức rất cao trong kinh Hoa Nghiêm. Nếu ngày nay các nhà khoa học vật lý và khoa học sinh lý tìm được cảm hứng ở tuệ giác này thì họ sẽ có niềm tin và niềm vui trong sự khám phá. Thế kỷ thứ 21 có thể là thế kỷ của sự hợp tác giữa đạo Phật và khoa học.
Các thầy, các sư cô, các đạo hữu nên nhớ là từ đây trở đi Phật học phải tìm cách đi đôi với khoa học. Khoa học có khuynh hướng muốn thực nghiệm, đạo Phật cũng là con đường thực nghiệm chứ không phải chỉ là lý thuyết và tín mộ mà thôi.