Đừng xây tháp cho Thầy

Thầy không muốn sau này quý vị xây cho Thầy một ngôi tháp ở Tổ Đình. Xây tháp như thế sẽ không có ý nghĩa gì nếu ngày hôm nay quý vị không nối tiếp được những gì Thầy đang trao truyền. Thầy rất không thích chuyện lấy một mớ tro từ hình hài của Thầy rồi bỏ vào trong một cái hũ, rồi đặt vào trong tháp. Thầy không phải là cái nắm tro đó. Không có lý Thầy chỉ là cái nắm tro ấy hay sao? Thầy nhiều hơn cái nắm tro đó. Thầy là một thực tại linh động, đang sống, đang có mặt khắp nơi. Trong các sư chú và các sư cô đều có Thầy, trong các vị cư sĩ quen biết đều có Thầy. Ở chỗ nào mà có thiền hành, thiền tọa, có pháp đàm, có ăn cơm yên lặng, có Sám Pháp Địa Xúc là có Thầy. Không được nhốt Thầy, bỏ Thầy vào trong một cái hũ nhỏ rồi đặt Thầy vào trong một cái tháp. Thầy không muốn Thầy có một cái tháp. Tốn đất chùa vô ích.

Sư Thầy Đàm Nguyện đã xây cho Thầy một cái tháp ở chùa Đình Quán. Đã lỡ xây rồi thì phải ghi lên trước tháp mấy chữ: “Trong này không có gì.” Thầy không nằm trong tháp ấy đâu. “There is nothing inside”. Nếu người ta vẫn chưa hiểu thì ghi thêm một câu nữa “Ngoài kia cũng không có gì.” Và nếu vẫn còn chưa hiểu thì ghi thêm một câu chót là “Nếu có gì thì nó có trong bước chân và hơi thở của bạn.” Đó là điều Thầy căn dặn các Thầy các sư cô ở chùa Đình Quán Hà Nội và ở Tổ Đình. Đừng phí thì giờ nghĩ đến chuyện tìm đất xây tháp cho Thầy. Đó không phải là điều Thầy nghĩ tới. Nếu có một tảng đá có sẵn thì để vào trong hốc đá bản thảo của một cuốn sách của Thầy như cuốn Phép Lạ Của Sự Tỉnh Thức thì tảng đá đó có Thầy nhiều hơn là một cái tháp trong đó có một nắm tro. Đem tro mà rải hết ra ngoài để nuôi cây nuôi cỏ, cho cỏ cho cây lớn lên. Đừng có ngăn ngừa sự tiếp nối của nắm tro ấy.

(Thiền sư Thích Nhất Hạnh)

Tâm tang ngày thứ 3 (25.01.2022)

Một ngày rất yên tĩnh tại Tổ đình Từ Hiếu. Vẫn có hàng ngàn người đến đảnh lễ Giác Linh Sư Ông, vẫn có những bước chân, vẫn có những công việc, nhưng tất cả đều được thực hiện trong sự tĩnh lặng. Buổi tụng kinh sáng nhờ đó mà càng thêm trầm hùng giữa núi đồi Dương Xuân. Hoà mình vào trong khóa tu Im lặng hùng tráng “Quay về nương tựa Hải đảo tự thân”, đại chúng có nhiều cơ hội để trở về với chính mình, trở về với bước chân, với hơi thở để nuôi lớn tâm thương yêu, để tiếp thọ những gì quý nhất mà Sư Ông đã một đời truyền trao. Một trong những gia tài quý nhất mà Sư Ông luôn ca ngợi đó là Tình huynh đệ.

“Đời tôi có một may mắn là chưa bao giờ bị cách biệt với tuổi trẻ. Tại lớp Trung Học ở Ấn Quang, các vị như Như Trạm, Như Vạn, Như Huệ, Minh Cảnh, Thanh Văn, Thanh Hương, Thanh Tuệ, Trí Không (Tân Uyên), Long Nguyệt, Viên Hạnh, Từ Mẫn, Thiện Tánh, Thắng Hoan, Thanh Hiện, v.v… tuy đều là học trò của tôi nhưng đồng thời cũng là những người em và những người cùng chí hướng. Cho tới nay mỗi lần nhớ tới những người ấy, tôi vẫn còn thấy biết ơn cái tình thầy trò và huynh đệ kia. Nó nuôi dưỡng chúng tôi. Nó bền bĩ và có khả năng nuôi dưỡng hơn bất cứ một thứ tình nào khác. Các vị như Minh Cảnh và Như Huệ tuy đã trở thành những vị hòa thượng lớn hay những học giả lớn, nhưng bây giờ mỗi lần gặp nhau chúng tôi vẫn còn nắm tay nhau đi chơi như thường. Hòa thượng Như Huệ đang lãnh đạo Phật giáo tại Úc. Năm 1986, khi tôi đến thăm ngài tại chùa Pháp Hoa ở Adelaide, ngài đã ra đón tôi ở cổng chùa và đặt đầu trên vai tôi một cách “nhõng nhẽo” khiến cho cả tứ chúng chùa Pháp Hoa đều kinh ngạc. Đối với các Hòa thượng khác như Thiện Hạnh, Thiện Bình, Thanh Từ, v.v… chúng tôi cũng chơi với nhau thân mật như thế.” (Trích tác phẩm Bây giờ mới thấy)

Tối hôm nay, chúng xuất sĩ và cư sĩ đã cùng nhau tụng Năm Giới tân tu. Năm Giới tân tu là năm phép thực tập chánh niệm mà Sư Ông Làng Mai đã tu chỉnh và làm mới lại trên nền tảng Năm giới của đạo Bụt truyền thống, để thích ứng với tình trạng của xã hội hiện đại. Sư Ông thường nói: “Mỗi lần tôi được mời đi thuyết giảng trong những hội nghị lớn quốc tế, tôi cũng chỉ giảng về Năm giới”. Sư Ông đã khám phá từ kinh tạng, rằng trong Tam học, giới (śīla) chính là niệm (smṛti), và do đó giới định tuệ cũng là niệm định tuệ. Từ cái thấy này, Sư Ông trình bày lại Năm giới không như những điều luật cấm đoán mà là sự thực tập chánh niệm. Năm giới quý báu đã được tân tu nhiều lần và được gọi là Năm phép thực tập chánh niệm, là sự thực tập căn bản cho tất cả mọi thành viên trong tăng thân.

Sư Ông đã trình bày Năm giới tân tu cho một nền đạo đức toàn cầu tại Hội nghị thượng đỉnh về SIDA được tổ chức tại Nhà Trắng; với Phó tổng thống Ấn độ K.R. Narayanan (kết quả là ông đã thành lập một Ủy ban Đạo đức ở Quốc hội); và tại Hội nghị Kinh tế Thế giới ở Davos, Thụy Sĩ cũng như nhiều Hội nghị cấp cao khác. Năm 1999, UNESCO mời Sư Ông cùng với các ứng viên cho giải Nobel hòa bình khởi thảo bản “Tuyên cáo về một nền hòa bình và bất bạo động năm 2000” cho thiên niên kỷ mới. Đó là một cam kết thực hành 6 điểm đạo đức cụ thể trong gia đình, nơi làm việc và cộng đồng dựa trên Năm giới tân tu của Sư Ông. Bản Tuyên cáo đã có trên 70 triệu chữ ký khắp thế giới, trong đó có chữ ký của nhiều nguyên thủ quốc gia.

Chúng con thành kính tri ân chư Tôn Thiền đức Tăng Ni luôn thương tưởng thế hệ hậu học mà quang lâm an ủi, khuyến khích và sách tấn chúng con. Kính niệm ân quý vị cư sĩ đã có mặt để giúp đỡ tăng thân về nhiều phương diện. Có rất nhiều vị ở xa chùa Tổ, nhưng tấm lòng của quý vị cũng chứng tỏ quý vị đang có mặt nơi đây.

Hình ảnh Ngày Thứ Ba của khoá tu Tâm tang “Quay về nương tựa Hải đảo tự thân”.

 

Tâm tang ngày thứ 2 (24.01.2022)

Lúc còn là một vị thầy trẻ, Sư Ông Làng Mai từng mất đi những người thân. Thầy Châu Toàn, đệ tử duy nhất của thiền sư Mật Thể, chùa Trúc Lâm, Huế, là một người em mà Sư Ông rất thương. Ngày thầy Châu Toàn mất, Sư Ông rất buồn. Sư Ông đã trở về chăm sóc tự thân để chế tác bình an và tình thương. Sư Ông viết thư cho các học trò: “Trong một khóa tu cách đây chừng hai tháng, thầy Châu Toàn viết cho tôi: “em mong có hòa hình để ra Quảng Bình tìm lại mẹ, mong rằng bà còn sống.” Không biết mẹ thầy còn sống hay không nhưng thầy không còn có dịp gặp mẹ nữa. Lời ước hẹn đã không được thành tựu. Ngày thầy mất 24.6.74, là ngày tôi ước hẹn gặp thầy ở Vạn Tường để bàn chuyện làm làng Hồng. Nhưng tôi đã không được gặp thầy. Nhận được tin dữ, tôi đóng cửa phòng một ngày. Tôi như một gốc cây bị đốn ngã. Tôi đánh điện về an ủi các em nhưng tôi thì không an ủi được, sao trên đời có những chuyện “lỡ hẹn” đớn đau đến thế, hả em?

Tôi đọc kinh cầu nguyện cho thầy, cho tôi, và cho các em. Tôi viết những dòng này cho các em trong khi bên ngoài gió thổi rất mạnh. Tôi xin các em tạm nghỉ công việc một vài ngày. Chúng ta hãy nhìn lại nhau, để biết thương nhau hơn. Tôi gửi em tất cả niềm tin cậy của tôi.” (Trả về cho non sông, Thư Thầy viết cho các tác viên trường TNPSXH ngày 18.07.1974)

Núi đồi Dương Xuân và những vùng lân cận nổi tiếng với rất nhiều ngôi chùa. Mỗi buổi khuya và buổi tối, ngồi trong lòng Dương Xuân, chúng con có thể nghe được tiếng Chuông Đại Hồng vang vọng khắp các hướng. Trong những tháng ngày an dưỡng tại Tổ đình Từ Hiếu, Sư Ông thưởng thức tiếng chuông linh mỗi khuya và mỗi tối, tiếng chuông mà ngày xưa sư chú Phùng Xuân đã thỉnh lên trong thời khắc Giao thừa để gọi mùa xuân về giữa một quê hương đang điêu linh vì chiến cuộc. Tiếng chuông ngân vang, khiến cho “Núi đồi mất hẳn vẻ hoang dại, trở nên hiền lành. Tiếng đại hồng chung oai nghiêm và ấm áp, đã xua đuổi những bóng hình sợ hãi và đánh tan u tịch. Tất cả xóm làng đều đã cảm thấy Xuân về trên đất nước ly loạn. Đại hồng chung vẫn khoai thai điểm từng tiếng rành rọt. Âm thanh ngân dài, ấm áp và thuần hậu.” (Tình người, Tiếng chuông Giao thừa)

Tiếng chuông trầm hùng ấy tiếp tục ngân vang trong những ngày Tâm Tang. Ngày Thứ Hai của khoá tu “Quay về nương tựa Hải đảo tự thân” trong Tâm Tang Sư Ông, đại chúng tiếp tục sự thực tập an trú trong chánh niệm lúc tụng kinh, ngồi thiền, thiền hành, làm việc, lạy Bụt. Chúng con vô cùng biết ơn chư Tôn Thiền đức vì lòng kính trọng Sư Ông và lòng thương tưởng chúng con, đã có mặt tại Tổ đình Từ Hiếu để đảnh lễ thọ Tang Sư Ông cũng như nâng đỡ và chỉ dạy cho chúng con trong công việc tổ chức Tâm Tang. Hàng ngàn Phật tử cư sĩ cũng trở về Tổ đình Từ Hiếu trong tĩnh lặng để được thực tập cùng tăng thân. Mỗi người, bằng sự thực tập của mình, đang dâng lên Sư Ông những hoa trái đẹp nhất.

Hình ảnh Ngày thứ Hai 24.01.2022 (Nhằm ngày 22 tháng Chạp năm Tân Sửu) của khoá tu Tâm tang “Quay về nương tựa Hải đảo tự thân” tại chùa Tổ Từ Hiếu, Huế.

 

Điện thư từ Đức Thủ Ngôi dòng Drikung Kagyu – Tây Tạng

Hôm nay, cộng đồng Phật giáo thế giới đã mất đi một trong những vị Thầy vĩ đại nhất của chúng ta, người đã vượt qua tất cả mọi giới hạn tôn giáo và giúp ích cho hàng ngàn người trong suốt cuộc đời của Ngài, đó là Thiền sư Thích Nhất Hạnh. Ảnh hưởng của Thiền sư Thích Nhất Hạnh không chỉ tác động đến các cộng đồng Phật tử, mà còn giúp đỡ cho rất nhiều người tìm được bình an, tình thương và trí tuệ. Những hoạt động Bồ tát hạnh trong cuộc đời của Thầy vô cùng rộng lớn và cao cả. Dù đã xả bỏ báo thân nhưng chúng ta tin rằng Thầy vẫn sẽ luôn tiếp tục phổ độ chúng sanh ở bất cứ nơi đâu mà Thầy thị hiện.

Tôi xin được gửi lời phân ưu chân thành đến tất cả những người đệ tử của Thầy trên toàn thế giới, và cầu nguyện cho niềm đau thương này sẽ sớm được an tịnh bởi giáo pháp và hạnh nguyện của Thiền sư.

Một trong những đóng góp quan trọng nhất của Thiền sư Thích Nhất Hạnh đối với Phật pháp và thế giới là Thầy đã nhấn mạnh đến giáo lý chánh niệm và cụ thể là hơi thở ý thức. Nhờ Thầy mà thế giới biết đến sự thực tập hơi thở chánh niệm, dù họ là Phật tử hay không Phật tử, dù là người tín đồ hay kẻ vô thần. Bây giờ đây, cách hay nhất để chúng ta cầu nguyện và vinh danh Thầy là trở về với hơi thở, nương tựa con đường chánh niệm của đức Phật. Làm như thế, chúng ta sẽ không bao giờ rời xa Thầy dù rằng Thầy đã từ bỏ báo thân của Ngài. Bằng sự thực tập này, nguyện cầu cho di sản và giáo pháp của Thiền sư Thích Nhất Hạnh tiếp tục dìu dắt chúng sanh vượt qua khổ nạn.

Nhất tâm cầu nguyện.

(Ấn ký)

Drikung Kyabgon Tinley Lhundup

Đức Thủ Ngôi dòng truyền thừa Drikung Kagyu của Phật giáo Tây Tạng

Ngày 22 tháng 01 năm 2022.

 

Điện thư từ Đức Pháp Vương thứ 17 dòng Gyalwa Karmapa Trinley Thaye Dorje

New Delhi, 22 tháng 01 năm 2022

Các Pháp hữu thân mến,

Một trong những người thầy Phật giáo tôn kính nhất của thời đại chúng ta, Thiền sư Thích Nhất Hạnh, vừa từ bỏ thân xác của Ngài.

Tôi muốn bày tỏ lời chia buồn của mình đến những người đệ tử của Ngài ở Việt Nam cũng như trên toàn thế giới; nhưng đồng thời, tôi cũng muốn khuyến tấn tất cả chúng ta hãy cảm thấy hân hoan trước hành trạng siêu việt không gian và di sản siêu việt thời gian của Ngài.

Sự kiện Ngài giã từ cuộc đời này không có nghĩa là Ngài đã đi mất. Như tự thân Ngài đã tuyên bố: “Chỉ vì ngộ nhận mà chúng ta cho rằng người chúng ta yêu thương đã không còn hiện hữu sau khi họ ‘qua đời’. Đó là vì chúng ta bị kẹt vào các tướng, bị kẹt vào một trong những phần biểu hiện của người đó… Người thương của chúng ta vẫn còn đó, vẫn ở quanh chúng ta, ở trong chúng ta và đang mỉm cười với chúng ta.”

Dòng truyền thừa Karma Kagyu của chúng tôi đã có mối lương duyên tâm linh rất đặc biệt với Thiền sư Thích Nhất Hạnh. Vì chính nhờ lòng từ bi của Ngài mà ni chúng của chúng tôi từ Dhagno Kundrol Ling đã được thọ trì Cụ túc giới Tỳ kheo ni (Gelongma trong tiếng Tây Tạng) tại Làng Mai vào năm 1994.

Khi sự thực tập giới luật trở thành nền tảng cho mọi công đức và trí tuệ thì quả là không có món quà nào to lớn hơn đối với sự truyền thừa của Phật pháp.

Tôi cảm nhận được đóng góp quan trọng nhất của Ngài đối với thế giới này là sự thực tập tâm linh chân thành mà không có ranh giới và giới hạn.

Nền tâm linh không biên giới này không chỉ là những bài pháp đơn thuần, cũng không có nghĩa ta phải hòa quyện nhiều tôn giáo và truyền thống tâm linh khác nhau, để rồi tất cả đều đánh mất bản sắc của mình.

Thật ra, chính vì không tạo nên bất kỳ mâu thuẫn nào cho các tôn giáo và truyền thống tâm linh khác, Thiền sư Thích Nhất Hạnh đã không ngừng nỗ lực chỉ rõ, soi chiếu vào bản chất của mọi niềm tin và tín điều mà người khác đang gìn giữ; vì thế, tất cả đều cảm thấy được tôn trọng, được hiểu và chấp nhận nét đặc thù lẫn khác biệt trong truyền thống của họ. Chính sự tôn trọng và bao dung này, tinh thần “hãy là chính mình” này đã cho phép mọi người cùng đến với nhau và hiểu rằng, trong sự thật cứu cánh, chúng ta đều bình đẳng.

Bằng cái nhìn này, tất cả mâu thuẫn sẽ lắng xuống và được chuyển hóa, con người sẽ có cơ hội thấy được “chân lý”, với bất cứ tên gọi nào mà chúng ta muốn.

Tất cả sự đối thoại và cái thấy trên được giới Phật tử xem là Phật pháp.

Không có bất cứ điều gì chư vị Bồ tát không dấn thân và học hỏi để làm vơi đi khổ đau của người khác, như Ngũ Minh hay bất kỳ phương tiện xã hội nào, thậm chí là chính trị.

Đó là tất cả những gì Thiền sư Thích Nhất Hạnh đã làm. Phần còn lại tùy thuộc vào chúng ta.

(Ấn ký)

Thaye Dorje

Đức Pháp Vương thứ 17 dòng Gyalwa Karmapa

 

Điện thư từ Phó Viện Trưởng Viện Đại học Phật giáo Quốc tế MCU – Thái Lan

Thư phân ưu

Tôi rất buồn khi nghe tin Thiền sư Thích Nhất Hạnh, người sáng lập pháp môn Làng Mai tại Pháp và nhiều trung tâm thiền tập chánh niệm Phật giáo tại nhiều quốc gia như Mỹ, Đức và Thái Lan đã thâu thần viên tịch tại chùa Từ Hiếu – Huế, miền Trung Việt Nam vào ngày thứ Bảy ngày 22.01.2022 vừa qua, hưởng thọ 95 tuổi. Đây là một sự mất mát quá lớn đối với Phật tử Việt Nam và cộng đồng Phật tử trên toàn thế giới.

Thiền sư Thích Nhất Hạnh được vinh danh như là một bậc thầy tâm linh đã không ngừng nỗ lực để phát triển và truyền bá Phật giáo bằng cách đổi mới sự học hỏi và thiền tập Phật giáo không chỉ tại Thái Lan mà còn nhiều nước trên thế giới. Thiền sư đã dấn thân với rất nhiều hoạt động Phật giáo được tổ chức bởi nhiều đoàn thể Phật giáo trên toàn thế giới. Ngài là tác giả của hơn 100 quyển sách, đóng vai trò dẫn dắt trong việc phát triển, hợp tác cũng như duy trì mối liên hệ sâu sắc trong cộng đồng Phật tử và đặc biệt là sự đóng góp vĩ đại đối với Phật giáo và các nền xã hội.

Thông điệp của Thiền sư nhắc nhở chúng ta rằng dù Ngài đã rời bỏ cuộc đời nhưng Ngài luôn luôn có mặt một cách sống động trong tâm thức của mỗi chúng ta; Ngài có mặt sống động qua từng lời pháp nhũ trao truyền cho chúng ta, Ngài có mặt sống động qua từng hành động chăm sóc, từng bài học dạy dỗ và sống động như cái cách Ngài đã sống với chúng ta.

Tôi ý thức rằng Thiền sư Thích Nhất Hạnh đã sống một cuộc đời vô cùng đức hạnh và tôi cũng tin rằng Ngài sẽ tái sinh vào cảnh giới an lành cao nhất.

Xin cho tôi được gửi lời chia buồn đối với sự ra đi của Thiền sư Thích Nhất Hạnh và những tư tưởng của Ngài sẽ còn mãi với chúng ta.

Pháp lữ,

(Chữ ký)

TT. TS. Phra Sophonvachirabhorn (Sawai Chotiko) 

Viện phó đặc trách Ngoại giao Viện Đại học Phật giáo Quốc tế MCU

Điện thư từ Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ

Ngày 23.01, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ gửi lời chia buồn khi nghe tin Thiền sư Thích Nhất Hạnh viên tịch. Dưới đây là thông cáo từ Phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Ned Price:   

Thay mặt người dân Hoa Kỳ, chúng tôi xin chân thành chia buồn trước sự ra đi của Thiền sư Thích Nhất Hạnh, một tu sĩ Phật giáo, một nhà hoạt động vì hòa bình, và là người sáng lập phong trào đạo Bụt dấn thân. Thiền sư cũng là người sáng lập Đạo Tràng Mai Thôn – một cộng đồng thực tập chánh niệm.

Là một người thầy, một nhà lãnh đạo tinh thần nổi tiếng trên thế giới và được nhiều người thuộc các tôn giáo khác nhau thương kính, Thiền sư Thích Nhất Hạnh đã dành hơn 60 năm để ủng hộ tự do tôn giáo, nhân quyền, bất bạo động và tình yêu thương cho tất cả mọi người. Thiền sư đã được đề cử giải Nobel Hòa bình và nhiều giải thưởng khác vì những đóng góp của mình.

Thiền sư là một nhân vật kiệt xuất. Ảnh hưởng của Thiền sư không chỉ giới hạn trong cộng đồng tôn giáo mà thôi. Cả thế giới sẽ vô cùng tiếc nhớ tiếng nói đầy tuệ giác của Người. Khi suy ngẫm về cuộc đời của Thiền sư, chúng tôi luôn nhớ đến di sản và dấu ấn sâu sắc mà Người để lại cho nhân loại. Lòng của chúng tôi hướng về người dân Việt Nam – quê hương của Thiền sư và tất cả những ai trên khắp thế giới được truyền cảm hứng từ tâm hồn từ mẫn của Người.

 

Điện thư từ Viện Trưởng Viện Đại học Phật giáo Quốc tế MCU – Thái Lan

Thư phân ưu

Tôi vô cùng xúc động khi nghe tin Thiền sư Thích Nhất Hạnh, người sáng lập Làng Mai tại Pháp và nhiều trung tâm thiền tập Phật giáo trên thế giới như Mỹ, Đức và Thái Lan đã viên tịch bình an vào ngày 22 tháng 01 năm 2022, hưởng thọ 95 tuổi. Tôi xin được bày tỏ niềm cảm thông chân thành về sự ra đi của Thiền sư.

Thiền sư Thích Nhất Hạnh đã có đóng góp phi thường trong việc truyền bá Phật giáo, những công tác xã hội từ thiện và góp phần vào sự hòa bình của xã hội.

Đây là một sự mất mát vô cùng to lớn đối với những người Phật tử trên toàn thế giới. Thiền sư là một trong những người đi đầu trong việc hoằng pháp và hợp tác giữa trường Đại học Mahachulalongkornrajavidyalaya University (MCU) và tăng thân Làng Mai, lễ ký kết đã được đôi bên thực hiện vào năm 2011 (MOU). Trường Đại học MCU cũng đã hân hạnh trao bằng Tiến sĩ Danh dự đến Thiền sư Thích Nhất Hạnh với những nghiên cứu của Thiền sư về chuyên ngành Tâm lý học Phật giáo vào năm 2011.

Tôi ý thức rằng Thiền sư đã sống một cuộc đời đạo hạnh và tôi tin rằng Ngài chắc chắn sẽ chứng quả Bồ đề.

Pháp lữ,

(Chữ ký)

HT.GS.TS. Phra Dhamvajrabundit

Viện trưởng Viện Đại học Phật giáo Quốc tế MCU

Sự tiếp nối của đám mây

Không có cái gì từ có trở thành không hết. Tất cả đều được tiếp nối dưới một hình thức này hay một hình thức khác. Đám mây luân hồi ra thành cơn mưa và cơn mưa luân hồi ra thành ra nước trà. Khi uống trà trong chánh niệm, tôi thấy tôi đang uống mây. Không cần phải là thi sĩ mới thấy mình đang uống mây, mình chỉ cần là một thiền giả thôi. Khi nhìn vào nước trà mình thấy đây là cơn mưa, đây là đám mây và mình đang uống mây. Nước trà là sự tiếp nối của cơn mưa, cơn mưa là sự tiếp nối của đám mây và đám mây là sự tiếp nối của sức nóng mặt trời cùng nước ao, hồ, sông, biển. Luôn luôn có sự tiếp nối như vậy, gọi là luân hồi.

Mình đừng đi tìm cái tướng, mình đừng kẹt vào tướng. Nếu kẹt vào tướng, mình không nhận diện được sự tiếp nối. Nhìn vào cơn mưa, mình phải thấy đám mây, đó là nhìn với con mắt vô tướng. 

Nếu quý vị nghe tin thầy Nhất Hạnh không còn nữa thì quý vị đừng có khóc, vì quý vị nhìn vào quý thầy, quý sư cô trẻ, quý vị phật tử trẻ đang tiếp nối Thầy. Quý vị thấy cách họ đi, cách họ đứng, cách họ ngồi, cách họ giúp đời thì đó là Thầy. Thầy đang còn tiếp tục. Thầy không chết đi. Mình không cần phải khóc, mình không cần phải buồn. Không có gì chết hết. Cái gì cũng tiếp tục. Cái đó chỉ có tu thiền, quán chiếu thì mới thấy được mà thôi. Mình sẽ vượt thắng được cô đơn, tuyệt vọng.

(Thiền sư Thích Nhất Hạnh)

 
 

Sự sống có còn sau khi chết?

Trong đạo Bụt, chúng ta nói về tính tương tức của vạn vật, nghĩa là không ai trong chúng ta có thể tồn tại một cách biệt lập, riêng rẽ. Chúng ta phải tương tức với những thành phần khác. Nó cũng giống như bên trái và bên phải. Nếu bên phải không có đó thì bên trái cũng không thể có mặt. Nếu không có bên trái thì cũng không có bên phải. Không thể nào có thể lấy bên trái ra khỏi bên phải hoặc lấy bên phải ra khỏi bên trái. Sự sống luôn có mặt đồng thời với cái chết, không có trước mà cũng không có sau. Sự sống không thể tách rời khỏi cái chết. Nơi nào có sự sống thì nơi đó có cái chết và nơi nào có cái chết thì nơi đó có sự sống. Điều này cần phải quán chiếu kỹ mới có thể hiểu được. 

Khi chúng ta biết sinh và diệt luôn có mặt đồng thời với nhau thì chúng ta không còn sợ hãi cái chết. Bởi vì chính giây phút mà cái chết xảy ra thì sự sống cũng đồng thời sinh khởi. La vie est avec la mort (Sự sống luôn đi liền với cái chết). Chúng không thể tách rời. Để chứng nghiệm được điều này đòi hỏi phải có một sự thiền quán rất sâu. Ta không nên chỉ dùng trí năng để thiền quán. Ta phải quan sát sự sống trong từng giây từng phút của đời sống hàng ngày. Ta sẽ thấy rằng sinh và diệt tương tức với nhau, điều này xảy ra đối với vạn vật, từ cây cỏ, cầm thú, thời tiết, vật chất và năng lượng. Các nhà khoa học cũng đã tuyên bố rằng không có sinh cũng không có diệt, chỉ có sự chuyển biến từ hình thái này sang hình thái khác mà thôi. Vì vậy chỉ có sự chuyển biến là có thật, còn sinh và diệt là những cái không có thật. Những gì mà ta gọi là sinh và diệt thì đó chỉ là sự chuyển biến mà thôi.

Chúng ta cần sống đời sống của mình một cách chánh niệm hơn, với sự định tĩnh để có thể tiếp xúc một cách sâu sắc với những gì đang diễn ra trong ta và xung quanh ta. Và khi đó, chúng ta sẽ có cơ hội tiếp xúc với bản chất chân thực của thực tại, đó là bản chất không sinh không diệt. Đạo Bụt gọi đó là Niết bàn (Nirvana). Niết bàn chính là bản chất không sinh không diệt. Trong đạo Thiên chúa, ta có thể gọi đó là Thượng Đế. Thượng Đế chính là bản chất không sinh, không diệt của chúng ta. Chúng ta không phải đi tìm Thượng Đế. Thượng Đế chính là bản tánh chân thật của chúng ta.

(Thiền sư Thích Nhất Hạnh)