An khi thở, lạc khi đi

Thơ: Thiền sư Thích Nhất Hạnh

Nhạc: Thầy Pháp Niệm

 

 

Để Bụt thở, để Bụt đi, mình khỏi thở, mình khỏi đi.

Bụt đang thở, Bụt đang đi, mình được thở, mình được đi.

Bụt là thở, Bụt là đi, mình là thở, mình là đi.

Chỉ có thở, chỉ có đi, không người thở, không người đi.

An khi thở, lạc khi đi, an là thở, lạc là đi.

Thơ nhạc của Thiền sư Thích Nhất Hạnh

Sư Ông Làng Mai là một vị Thiền sư lớn. Thầy đã mang đạo Bụt đi vào cuộc đời bằng nhiều phương tiện, và thơ ca là một trong những phương tiện ấy. Sư Ông luôn luôn đề cao tình thương yêu. Những gì Sư Ông nói, những gì Sư Ông nghĩ, những gì Sư Ông làm đều mang theo chất liệu của tình thương.

Thầy đã dành cả cuộc đời để đi kêu gọi hòa bình, chấm dứt chiến tranh, vớt thuyền nhân trên biển; giúp đỡ những trẻ em nghèo khó, các bô lão cô đơn; viết thư động viên giới văn nghệ sĩ; giúp hàn gắn những gia đình đổ vỡ cho họ biết sống một cuộc sống hướng thượng hạnh phúc, biết trở về với giây phút hiện tại để trân quý để nhận diện những người thương của mình. Trở về với hiện tại để nhận diện những điều kiện hạnh phúc có mặt trong giây phút ấy để làm chất liệu chữa lành những thương tích đã ăn sâu vào trong tâm qua nhiều thế kỷ.

Sư Ông cũng đề cao tình huynh đệ. Sư Ông cũng từng nói là không có gì quý hơn tình huynh đệ. Và không có sự giải thoát nào là không đi ngang qua tình huynh đệ. Tất cả những thứ đó đều được Sư Ông diễn đạt qua thơ ca. Sư Ông là một nhà thơ lớn. Thơ của Sư Ông rất uyên áo và thâm sâu như núi rừng hùng vĩ. Nhưng cũng có khi cũng nhẹ nhàng thanh cao như nhìn trăng lên hay ngắm một nụ hoa đang nở.

Thơ của Sư Ông đã được dịch ra nhiều thứ tiếng và được các nhà phê bình văn học nước ngoài đánh giá Thầy là một nhà thơ thứ thiệt, có tâm hồn thanh cao hiếm có, một trí tuệ tuyệt vời. Những gì khó diễn đạt bằng ngôn ngữ, Sư Ông đều có thể diễn đạt bằng thi ca. Những giáo lý thâm sâu của Bụt cũng được Sư Ông khéo léo diễn bày bằng thi ca như những dòng nước mát để tưới mát những mảnh vườn tâm nóng bức khô cằn.

Sư Ông đã làm rung động không biết bao nhiêu trái tim, dù đó là người không yêu thơ. Thơ của Sư Ông cũng chứa đầy giáo lý tương tức của đạo Bụt, những tuệ giác tương tức của những hiện tượng trong vũ trụ. Và có lẽ, đó chính là chất liệu nuôi dưỡng Thầy, làm cho Thầy có cái nhìn tươi mát trước những khổ đau, thăng trầm của cuộc đời. Đặc biệt là những khổ đau trong chiến tranh và những khổ đau trước những thực trạng của xã hội.

Buổi thơ nhạc hôm nay là để tôn vinh Thầy, để nuôi dưỡng niềm biết ơn của mỗi chúng ta với Thầy. Và để cho chất liệu thi ca của Thầy thấm đẫm vào trong từng tế bào trong cơ thể mình. Để cho những bước chân của mình đều mang theo những nốt nhạc. Để mỗi lời nói, mỗi ánh mắt, mỗi hành động của mình sẽ đều mang theo chất liệu thi ca.

THƠ NHẠC CỦA THIỀN SƯ THÍCH NHẤT HẠNH

 

Quán niệm tại chùa Tổ sau ngày Chung thất

Một buổi sớm cuối tuần có gió mát và sương trong. Khi tiếng chuông báo chúng được thỉnh lên, đại chúng đã vân tập về thiền đường Trăng Rằm của chùa Tổ để tham dự ngồi thiền, tụng kinh và thực tập sám pháp địa xúc. Không gian im lặng, từng làn gió thổi nhẹ mang theo tiếng chuông đại hùng của chùa Tổ và các chùa Thọ Đức, chùa Thiền Lâm… của xứ Huế.

Mặt trời lên cao dần, trong không gian lung linh nắng vàng, đại chúng đã tập hợp thành vòng tròn và hát với nhau những bài thiền ca trước khi thực tập thiền hành. Ôn Từ Đức, thầy Từ Đạo và quý thầy lớn dẫn đại chúng đi thiền hành xuống hồ Bán Nguyệt, qua hồ Sao Hôm. Đại chúng đi trong bình an, nắm lấy cơ hội để được trở về tiếp xúc và thưởng thức với những bước chân của Thầy trong mỗi bước chân mình. Dòng người di chuyển nhẹ nhàng, đẹp như dòng Hương giang đang êm đềm trôi. Đến vườn Tào Khê, trên bãi cỏ mà Sư Ông vẫn thường dừng lại và ngồi chơi, thầy Pháp Niệm thỉnh ba tiếng chuông mời đại chúng cùng thực tập thở và tiếp xúc với vị Thầy tự tại đang mỉm cười với mình. Con suối nhỏ vẫn tuôn chảy róc rách. Những thân đại già, những cành bàng cổ thụ vẫn còn chờ những hạt mưa xuân mà đâm chồi mới. Giếng nước thơm trong, nơi sư chú Phùng Xuân thường hay ghé chơi và tắm gội vẫn còn đó bên hồ Sao Hôm. Những thân dừa cao đua nhau xòe tán lá, rộng như vòm trời xanh mát bên hồ sen chờ ngày hé nở. Con đường hiền lành ôm lấy những bàn chân thong dong như khẽ chạm vào sự bình yên của đất Tổ, dưới bóng râm của hàng sến cao vời.

Những buổi thiền hành như thế thật đã nuôi dưỡng sư chú Phùng Xuân, đã nuôi dưỡng hàng triệu người trên khắp năm châu. Và hôm nay, những bước chân ấy cũng tiếp tục nuôi dưỡng các con, các cháu, các em của sư chú.

Sau đó, đại chúng đã có dịp ngồi lại với nhau để nghe chia sẻ của thầy Pháp Ấn. Trước buổi pháp thoại, thầy xin được đảnh lễ Sư Ông ba lạy. Thầy kể về kỉ niệm những ngày đầu tiên tới Làng với rất nhiều cảm động. Đó là những giây phút huyền thoại được Sư Ông trực tiếp chỉ dạy, uỷ lạo và hướng dẫn trên con đường tu học.

Chiều cùng ngày, nắng hiền vẫn trải đầy nơi chốn Tổ, những giọng ca thiền đã trở về bên nhau để cất lên những lời ca vút cao, những điệu ngâm trầm hùng bằng những đứa con tinh thần của Thầy. Niềm vui và hạnh phúc thật sự tỏ rạng trên những gương mặt tham dự buổi thơ nhạc hôm ấy. Sự đóng góp của những nhạc cụ dân tộc kết hợp cùng nhạc cụ phương Tây đã tấu lên một hương vị quê hương thấm đượm trong những tác phẩm thơ ca của Thầy. Hình ảnh những nhạc công ngồi đó, thảnh thơi chơi nhạc như là họ cũng đang thỉnh mõ, thỉnh chuông theo những lời kinh. 

Nhờ hỗ trợ của công nghệ, không chỉ giới hạn những người có mặt trực tiếp nơi chốn Tổ mà tăng thân khắp chốn đều được hoà mình vào không gian đầm ấm và đầy thiền vị ấy. Và để ai cũng được nuôi dưỡng bằng chất liệu nghệ sĩ có trong từng tác phẩm thơ ca của Thầy. Qua đây mới thấy nhóm truyền thông đã đóng góp rất lớn trong việc truyền tải những sinh hoạt từ chùa Tổ đến với đại chúng. Nhờ những bàn tay và tấm lòng cống hiến không mệt mỏi của từng thành viên trong nhóm, mà tất cả những người yêu mến Thầy và thương quý Tăng thân trên khắp thế giới đã được tiếp xúc và trở về thực tập cùng nhau như một gia đình tâm linh lớn. 

 

Lễ Chung Thất Thiền sư Thích Nhất Hạnh (11.03.2022)

Thấm thoắt mà đã đến tuần thứ bảy, kể từ ngày Thầy xả báo thân. Mấy hôm nay, tại các trung tâm của Làng Mai quốc tế và các tăng thân trên khắp thế giới lại có dịp được trở về cùng nhau tu học, cùng thực tập chánh niệm và nuôi dưỡng Thầy trong trái tim mình.

Tại chùa Tổ – Từ Hiếu, có một chương trình trọn vẹn trong 3 ngày và truyền trực tiếp qua kênh Youtube Làng Mai, với các buổi lễ theo nghi thức truyền thống Phật giáo Huế. Các buổi ngồi thiền, tụng kinh, pháp thoại, thiền hành, thiền trà, cũng được hiến tặng để mọi người được nuôi dưỡng và tiếp xúc với Thầy.

Khóa lễ 49 ngày của Sư Ông Làng Mai diễn ra vào một dịp rất đặc biệt. Trước đó hai ngày, tức vào ngày 9/3 là lễ giỗ của Ni trưởng trước Diệu sau Trí tại chùa Diệu Nghiêm – Chùa Diệu Nghiêm nằm sát bên cạnh chùa Từ Hiếu. Lúc sinh thời Ni trưởng như là một người chị rất thương và quý các chú bên chùa Từ Hiếu trong đó có sư chú Phùng Xuân – Pháp tự của Sư Ông Làng Mai.

Vào ngày 10/3 là lễ giỗ Sư Cố chùa Từ Hiếu – Thầy của Sư Ông Làng Mai. Vì thế mà không khí của đồi Dương Xuân như vui hẳn lên. Có nắng ấm rất đẹp. Mấy hôm trước, đại chúng khắp nơi, từ ba miền tề tựu về rất đông, mỗi người một tay chấp tác, quét tước, làm đẹp khuôn viên chùa. Về chốn Tổ, được làm chú điệu xưa ai cũng thích. Dù rất đông nhưng ai cũng trở về với sự thực tập, đi đứng nói năng, làm việc rất nhẹ nhàng thảnh thơi. Thiền đường Trăng Rằm được trang trí thư pháp của Sư Ông và với rất nhiều hoa cúc đại đóa – loài hoa mà Sư Ông yêu thích.

Vào ngày 11/3, ngày lễ chính thức kỷ niệm 49 ngày của Sư Ông, chư Tôn đức và Phật tử các nơi trở về rất đông. Có nhiều vị chưa có dịp thọ Tâm tang Sư Ông thì cũng đến đảnh lễ và xin thọ tang. Thiền đường Trăng Rằm rợp bóng áo nâu và màu y vàng của các vị xuất sĩ, tỏa chiếu nên một năng lượng rất hùng tráng và uy nghiêm. Trong khuôn viên chùa, trước sân thiền đường, hàng trăm cư sĩ khoác áo tràng lam, áo tiếp hiện thong thả thiền hành, ngồi thiền để cúng dường Thầy. Một không khí thật đầm ấm và giàu nghĩa tình.

Buổi tối cùng ngày, đại chúng đã có dịp quây quần bên nhau, bên Thầy để tận hưởng những giây phút hạnh phúc của buổi thiền trà và cùng chia sẻ tưởng niệm Sư Ông. Mỗi câu chuyện, mỗi kỉ niệm về tình Thầy trò cảm động chuyên chở tình thương, sự nâng đỡ và lòng biết ơn. Nhờ sự hướng dẫn thực tập từ Thầy, dù trực tiếp hay gián tiếp đã làm chuyển hoá biết bao thân tâm của các đệ tử xuất gia cũng như tại gia.

Khoá lễ Chung Thất của Thiền sư Thích Nhất Hạnh

từ ngày 11.03.2022 đến 13.03.2022

(nhằm ngày mùng 9 đến ngày 11 tháng 2 năm Nhâm Dần)

Ngày Thứ Nhất – 11.3.2022 (nhằm ngày mùng 9 tháng 2 năm Nhâm Dần)

4h30       Ngồi thiền, tụng kinh, sám pháp địa xúc (tại thiền đường Trăng Rằm)

7h00       Ăn sáng

8h30       Cung đón chư Tôn đức

10h00     Lễ Cúng Ngọ (tại Chánh Điện)

10h30     Lễ Cung tiến Giác Linh (tại thiền đường Trăng Rằm)

11h00     Thọ trai

12h00     Nghỉ ngơi

15h00     Lễ Mông sơn thí thực / Tặng quà cho các hộ nghèo tại phường Thủy Xuân

17h00     Ăn tối

19h00     Thiền trà – Chia sẻ những kỷ niệm, tưởng niệm và tình cảm của đại chúng về Sư Ông (tại thiền đường Trăng Rằm)

 

Ngày Thứ Hai – 12.03.2022 (nhằm ngày mùng 10 tháng 2 năm Nhâm Dần)

4h30       Ngồi thiền, tụng kinh, sám pháp địa xúc (tại thiền đường Trăng Rằm)

6h00       Chấp tác

7h00       Ăn sáng

8h00       Thiền hành (tập trung tại phía trước nhà khách, bên cạnh Chánh Điện)

9h00       Pháp thoại (tại thiền đường Trăng Rằm)

11h00     Ăn trưa

13h00     Thiền buông thư và sám pháp địa xúc (tại thiền đường Hương Cau Ni Xá Diệu Trạm)

15h00     Sinh hoạt thơ nhạc thiền của Sư Ông (tại thiền đường Trăng Rằm)

17h00     Ăn tối

Ngày Thứ Ba – 13.03.2022 (nhằm ngày mùng 11 tháng 2 năm Nhâm Dần)

Sinh hoạt riêng dành cho đại chúng xuất sĩ

 

Ghi chú:

Quý vị thân hữu và tăng thân khắp chốn có thể sắp xếp lịch cá nhân và trở về chùa Tổ Từ Hiếu, Huế để được tham dự trực tiếp khoá lễ. Tuy nhiên, chùa không có đủ chỗ ở lại nên kính xin đại chúng khi tới tham dự, vui lòng tự sắp xếp chỗ nghỉ lại của mình bên ngoài chùa trong suốt những ngày khoá lễ. Xin cám ơn đại chúng.

Các buổi lễ trong Khoá lễ Chung Thất cũng sẽ được truyền trực tuyến trên kênh YouTube Làng Mai với chuỗi liên kết dưới đây:

 

Đám mây chỉ đang chuyển thành mưa

Thời gian, không gian vô hình vô tướng ngỡ như hờ hững nhưng lại có sức mạnh vô song khắc bao nét đậm trên những sự kiện đặc thù ở mọi lãnh vực mà không thời gian, không gian nào xoá nhoà được. Những nét đậm đó lặng thầm nối kết thành những trang sử song hành với nhân loại, để người trước, kẻ sau, biết được phần nào dòng sinh mệnh luân lưu, chìm nổi …

Thời điểm giao mùa cuối năm Tân Sửu, trong lãnh vực tôn giáo, lúc 01:30 ngày 20 tháng chạp, tại quốc độ Việt Nam, cố đô Huế, Thiền-sư Thích Nhất Hạnh đã an nhiên thị tịch tại Tổ Đình Từ Hiếu.

Chỉ một vị Thiền sư ra đi nhưng tin được chuyển tải nhanh như tốc độ ánh sáng nên trong cùng ngày, khắp năm châu bốn biển đều nhận tin và rúng động. Không gian bao la như có một khoảng trống vô hình mà hữu hình. Khoảng trống vô hình của một vầng mây không còn trên bầu trời, nhưng hữu hình vì mây đó đang chuyển thành mưa.

Đó cũng là tinh-thần-tiếp-nối mà Thầy Nhất Hạnh thường xuyên nhắc nhở môn sinh khắp thế giới từ nhiều thập niên, nương lời Thầy giảng dạy mà tìm về Giáo Pháp, nương bước Thầy mà đi trên con đường tìm cầu Giác ngộ.

 

 

Pháp môn Làng Mai đã và đang có mặt khắp thế giới, khắp lãnh vực, khắp sắc tộc, đã và đang mang niềm tin và an lạc tới khắp nơi, khắp chốn …

Ảnh hưởng của Thầy mênh mang như vậy nên dẫu biết ngày này sẽ tới nhưng lòng biết ơn và sự kính thương của muôn người thọ nhận, khó kìm hãm được cảm xúc!

Khắp thế giới đã cập nhật tin tức về những khoá tu Lễ Tâm Tang của Thầy và dường như, ai không đủ phương tiện và hoàn cảnh để đến được những địa điểm có Tăng Thân thì đều thực tập những lời Thầy dạy để ngay nơi mình cư ngụ, có thể tạo được không gian an hoà, tìm được thời gian tĩnh lặng mà chuyển tải tự lực cho nhau, thành nguồn tha lực, thực nghiệm sức mạnh vô song của sự Im Lặng Hùng Tráng.

Đan cử, ngày thứ nhất của khoá tu là Chủ Nhật 23 tháng 1 năm 2022 (nhằm ngày 21 tháng chạp năm Tân Sửu) đã hiển lộ điều đó qua hình ảnh Tăng Thân và đại chúng khắp các châu lục đang chia sẻ.

Nội dung thời khoá uyển chuyển tuỳ quốc độ nhưng đều có những phần căn bản mà Tăng Thân khắp nơi đều tinh tấn hành trì như toạ thiền, tụng kinh, lạy Sám Pháp, nghe Sư Ông khai thị (qua máy ghi âm), cung tiến Giác Linh Sư Ông, thiền hành trong Chánh Niệm, nghe đọc kinh (từ Nhật Tụng Thiền Môn Làng Mai).…

 

 

Dù ở nơi nào, từ Âu sang Á, từ Đông qua Tây, từ Nam lên Bắc, nhất nhất đều như đang cùng ở một nơi chốn, cùng có mặt cho nhau và cùng thể hiện được Chánh Niệm nội tâm, lan toả trong không gian bao la, sức mạnh kỳ diệu của sự Im Lặng Hùng Tráng.

Phải chăng đây là Âm-Thanh-Của-Vô-Thanh, không một lời mà lời đang vô tận, không một bước mà bước vượt non ngàn …

Dường như rất ít – hoặc chưa từng – trước một sự kiện chỉ nhận thông tin mà hàng triệu người trên khắp các châu lục đang tự thể mỗi cá nhân, bất ngờ thực chứng được tinh thần Hoa Nghiêm “Một trong tất cả. Tất cả là một”

 

 

Điều gì khiến hàng triệu trái tim đang cùng một nhịp đập?

Phải chăng đây là hoa trái mà Tăng thân khắp nơi, môn sinh khắp chốn và những ai đủ duyên gặp được pháp môn Làng Mai, bỗng nhận thấy thành quả bấy lâu âm thầm hành trì đang kỳ diệu hiển lộ?

Một vị Thầy hướng dẫn tâm linh đã từng bước vững chãi, trao truyền Chánh Pháp qua những phương thức cực kỳ đơn giản mà đã giúp muôn người giải toả được khổ đau, cởi bỏ được lưới phiền não, mở rộng được lòng từ bi…

Nếu những ai thọ nhận không thường xuyên tinh tấn, không thực sự hành trì thì khó có thể nhất loạt đồng tâm như vậy.

Nhớ lại, vào trung tuần tháng 11 năm 2014, Thầy bị xuất huyết não ! Tình trạng nghiêm trọng tới mức hầu hết các bác sỹ ưu tú tại bệnh viện ở tỉnh Bordeaux, Pháp Quốc đã nghĩ rằng Thầy sẽ ra đi, không quá 24 tiếng đồng hồ!

Nhưng Thầy đã ở cùng các con của Thầy tới bảy năm sau.

Bẩy năm – hơn 2 ngàn bốn trăm ngày – không dài, cũng không ngắn và Thầy vẫn truyền đạt lời dạy tới môn sinh, tới đại chúng bằng những động tác khi ngồi trên xe lăn. Hơn bẩy năm, tuy Thầy không còn trực tiếp hiện diện nhưng lịch trình các khoá tu ở khắp năm châu bốn biển đã vẫn diễn ra, bình an và hạnh phúc.

Thầy từng chia sẻ rằng, trở ngại về thể lực cũng là dịp để Thầy thấy được các con của Thầy sẽ bước những bước chân thế nào, qua tinh thần sự-tiếp-nối mà Thầy trao truyền.

 

 

Tăng thân khắp chốn – nói chung – và những đệ tử lớn – nói riêng – đã không phụ lòng Thầy. Thầy đã thấy rõ sự-tiếp-nối, không chỉ nơi Tăng đoàn, là những đứa con Thầy trực tiếp truyền dạy, mà còn ở đại chúng thầm lặng khắp năm châu, an lạc hành trì Đạo Bụt Dấn Thân, giúp mình và độ người.

Hình ảnh những khoá tu Tâm Tang khắp nơi đã tự nói lên điều này. Muôn người về, nhận chiếc khuy nhỏ thọ tang với 4 chữ “Đến đi thong dong” gắn lên ngực áo bên trái, hẳn đều nghe trái tim mình thổn thức lời Thầy từng nhắc nhở:

Ta vẫn còn đến, đi thong dong

Có không, còn mất, chẳng băn khoăn

Bước chân con hãy về thanh thản

Không tròn, không khuyết, một vầng trăng …              

Kính bạch Giác Linh Thầy,

Bước thiền hành sáng nay, ngước lên bầu trời trong xanh, chúng con cùng nhìn thấy nét chữ thư pháp bay lượn:

“A cloud never dies”

 

 

Đám mây không bao giờ chết.

Đám mây chỉ đang chuyển thành mưa…

Con, Thích Nữ Huệ Trân

(Thời điểm giao mùa  – Đại Ẩn Sơn, Lộc Uyển tự – Một ngày trong Khoá Tu Tâm Tang tưởng niệm Thầy)

 

                    

             

Điện thư từ Các Trung tâm Nếp sống Tâm linh

Kính gởi: Tăng thân Làng Mai Quốc tế – Cộng đồng Phật giáo dấn thân

Các tăng thân của chúng tôi trong cộng đồng Các Trung tâm Nếp sống Tâm linh vô cùng đau buồn trước sự ra đi của Thiền sư Thích Nhất Hạnh, bậc thầy dẫn đường chỉ lối cho chúng tôi trong sự thực tập chánh niệm và hoạt động đấu tranh cho xã hội trên tinh thần bất bạo động.

Giáo lý của Người sẽ tiếp tục là nguồn cảm hứng cho phong trào hoạt động của chúng tôi và cho thế giới này như một ngọn hải đăng của lòng từ bi và chánh niệm trong những hoạt động xã hội, nhằm xây dựng một thế giới mà bất cứ ai cũng có thể nương náu.

Cầu chúc cho chúng ta có thể đền đáp được công ơn Thầy bằng lòng tận tụy cống hiến cho sự nghiệp xây dựng hòa bình.

Với lòng kính trọng và biết ơn,

(Chữ ký)

Edward Viljoen, Lãnh đạo Tâm linh

Centers for Spiritual Living, Colorado, Hoa Kỳ

 

Điện thư từ Viện Đa Tôn Giáo Elijah

Kính thưa quý sư cô,

Tôi xin được cùng với hàng vạn người khác trong ngày này bày tỏ lòng đau buồn và thương tiếc trước sự ra đi của Thầy. Cuộc đời của Người đã là một phước lành, và quý sư cô, cũng như hàng ngàn đệ tử của Thầy, chính là hoa trái của cuộc đời Thầy. Cầu chúc tâm thức Thầy tiếp tục là một nguồn cảm hứng và những lời dạy của Người tiếp tục vang vọng mãi.

Từ Jerusalem, tôi xin được gửi lời cầu nguyện đến quý sư cô để chia buồn và để cầu chúc quý sư cô tiếp tục phát triển trên con đường tâm linh của mình.

Dr. Alon Goshen – Gottstein

Giám đốc Viện Đa Tôn giáo Elijah

 

Điện thư từ Dự án Diễn đàn Đối thoại Liên tôn Trực tuyến

Thay mặt cho dự án Diễn đàn Đối thoại Liên tôn Trực tuyến, chúng tôi xin được gửi lời chia buồn sâu sắc nhất đến tăng thân Làng Mai Quốc tế trước sự ra đi của Thiền sư Thích Nhất Hạnh.

Tấm gương của Ngài trong việc đi theo con đường của hòa bình và tỉnh thức đã truyền cảm hứng cho hàng triệu người trên khắp thế giới. Tấm gương của Ngài trong việc lan truyền tinh thần hợp tác và đối thoại giữa các tôn giáo và đức tin khác nhau đã động viên chúng tôi tiếp tục phụng sự cho cộng đồng bằng những thực tập ngôn ngữ từ ái và tuệ giác sâu sắc.

Hôm nay, cùng với tăng thân Làng Mai, chúng tôi thực tập hơi thở chánh niệm và bước chân chánh niệm, ý thức rằng người thầy của chúng ta, Thiền sư Thích Nhất Hạnh vẫn tiếp tục sống mãi với tất cả chúng ta và trong mỗi người chúng ta bằng giáo pháp của Ngài và bằng sự sống được chuyển hóa của chính chúng ta.

Chúng tôi mong muốn yểm trợ thực hành nếp sống chánh niệm trên khắp thế giới và lan tỏa những thông điệp của Ngài, món quà quý giá ta có thể mang đến cho tất cả anh em trong gia đình nhân loại.

(Chữ ký)

Rev Pavel Levushkan

Chánh Biên tập Dự án Diễn đàn Đối thoại Liên tôn Trực tuyến 

Sáng lập viên Trung tâm Baltic Center for Contemplative Living