Lễ xuất gia cây Toyon 24.09.2023

Trong chuyến hoằng pháp tại một số tiểu bang Hoa Kỳ (US Tour), 2023. Tăng thân đã tiếp nối những bước chân của Sư Ông mở các khoá cho hàng trăm người về tu tập tại ba trung tâm Bích Nham – tiểu bang New York, Mộc Lan – bang Mississippi và Lộc Uyển – bang California. 

 

 

Đại chúng càng hân hoan đón chào thêm sáu thành viên mới gia nhập vào tăng đoàn áo nâu vào ngày 24 tháng 9 vừa qua, khi phái đoàn về tới tu viện Lộc Uyển. Niềm vui lan toả cả vào núi rừng Đại Ẩn. Miền núi dốc cheo leo những ngày ấy xanh mơn mởn, hương núi rừng thơm trong gió. Bởi thế nên gia đình xuất gia này cũng được mang tên một loài cây đặc trưng của vùng Cali, gia đình xuất gia cây Toyon. Loài cây chịu được thời tiết khô cằn và khắc nghiệt của mùa hè nơi đây, mùa xuân cây khoe những đóm hoa sắc trắng nhỏ xinh và kết thành chùm trái đỏ thắm đến tận cuối năm. 

Gia đình xuất gia Toyon gồm có hai sư cô và bốn sư chú, ngày các vị xuống tóc có đông đảo sự chứng minh của 140 vị xuất sĩ có mặt và hộ niệm tại tu viện Lộc Uyển. Gia đình người thân của các vị cũng về tham dự, ai cũng hân hoan và vui với niềm vui của các vị, những con người từ bỏ hết các chức danh, sự nghiệp và gia đinh riêng để đi theo con đường cao rộng, phụng sự cho đời.

Ngay sau lễ xuất gia là hai khoá tu lớn diễn ra liên tiếp cho giới khoa học gia và khoá tu tiếng Việt. Các sư cô sư chú mới được tham dự vào dòng chảy và cống hiến với đại chúng trong những khoá tu ấy.  

Các sư cô sư chú mới có pháp tự: 

Chân Nhất Lâm (True One Forest) 真一林

Chân Ân Hạnh (True Gratitude Action) 真恩行

Chân Thuần Hạnh (True Adaptable Action) 真淳行

Chân Nhất Thiên (True One Sky) 真一天

Chân Nhất Điền (True One Field) 真一田

Chân Nhất Sơn (True One Mountain) 真一山

Trưa hôm đó, đại chúng đã cùng ngồi quây quần bên nhau ăn cơm chánh niệm và cũng để chào đón sự biểu hiện của gia đình cây Toyon trong tăng thân. Các sư chú, sư cô mới đã có dịp trình diện đại chúng trong chiếc áo nhật bình mới của mình.

 

 

Kính mời đại chúng xem thêm hình ảnh về Lễ dẫn thỉnh và Lễ xuất gia tại đường dẫn dưới đây: https://langmai.org/dai-may-tim/vien-anh/le-xuat-gia/le-xuat-gia-cay-t0yon/

Điều con thích nhất

(Sư cô Chân Trăng Tùng Hạc)

Con đến tu viện Bích Nham vào một ngày đầu thu. Vì trong nhóm có người bị nhiễm Covid nên con cùng bốn sư chị đi cùng chuyến phải ở phòng tách riêng với đại chúng trong một tuần. Những ngày đầu tiên chúng con chỉ loanh quanh trong phòng, thỉnh thoảng đi tới đi lui ở hành lang phía trước, nhìn các sư chị sư em qua lại và chào hỏi nhau từ xa. Có khi còn được ngắm nai nhởn nhơ dạo chơi trong vườn. Sóc thì chạy soàn soạt trên đám lá, cái miệng nhỏ gặm hạt rột rẹc hoặc đuổi nhau chạy từ cành này sang cành khác. Mỗi khi có chị em muốn ra ngoài đi bộ ngắm cảnh thì cứ bận áo ấm vào, bước ra tới cửa là mưa lại rơi. Những cơn mưa cũng rất biết cách gây sự chú ý chứ nhỉ!

Cuối cùng chúng con cũng có dịp được đi bộ trên con đường phía trước tu viện. Những con đường thi thoảng mới có xe chạy qua đã trở thành đại lộ thênh thang cho những kẻ rong chơi. Đại chúng đã có một buổi cùng nhau đến công viên Minnewaska, cùng ăn trưa trên phiến đá thật to, uống trà ngắm lá thu chuyển màu và đi bộ dưới những tán lá rực rỡ sắc màu quanh hồ nước thật to với mặt hồ xanh thẳm.

Mùa thu đầu tiên của con ở nơi này thật đẹp!

 

 

Nhận diện

Cùng với việc tận hưởng mùa thu rực rỡ ở xứ lạnh vùng Đông Bắc nước Mỹ này, con bắt đầu làm quen với môi trường, cách làm việc và sinh hoạt mới. Dù tu viện Bích Nham cũng là một trong những trung tâm thuộc Làng Mai, nhưng mỗi nơi tùy theo môi trường xã hội và con người mà có một ít khác biệt trong sinh hoạt hàng ngày hay cách thức tổ chức.

Ở mỗi nơi con tới, luôn có những điều bản thân cần thay đổi để thích nghi và học hỏi thêm những cái mới, học chấp nhận sự khác biệt từ những người khác. Môi trường tu học mà Sư Ông xây dựng đã đào luyện cho con cách chấp nhận, thay đổi và thích ứng với ý thức về vô thường. Vô thường không còn là lý thuyết xa vời mà là những điều được tiếp xúc trong sự sống hàng ngày. Sư Ông thường đem những gì mình giảng dạy vào đời sống của tu viện, biến nó thành phương pháp thực tập để rèn luyện cho đệ tử. Con đã từng là người không thích sự thay đổi, không thích ứng kịp với những gì xảy ra đột ngột mà chưa được lên kế hoạch trước. Nhưng với nếp sống đào luyện của tu viện, con đã có thể xem chuyện thay đổi là lẽ thường. Đôi lúc con cũng cho mình được phàn nàn vài câu hay thở vài hơi rồi tập thích ứng với cái mới.

Trong một dịp ngồi chơi làm quen nhau ở phòng mới, chúng con và một sư cô hỏi han nhau về những gì cần được thông cảm, yểm trợ khi ở chung. Sư chị hỏi con thích điều gì nhất khi đi tu. Con trả lời điều con thích nhất khi tu tập là hiểu mình và được làm chính mình. Bao lâu nay, cái thấy đó luôn ở trong con cho dù có nhiều điều thú vị khác trong đời sống của người xuất sĩ. Bởi vì khi cảm giác đó đi lên đã đem đến cho con niềm hạnh phúc đủ đầy, và nuôi dưỡng con lâu dài.

Sau khoảng ba năm xuất gia, nhờ thực tập chánh niệm con nhận ra mình có xu hướng không dễ dàng tiếp nhận những người bạn mới. Có một sự phản kháng âm thầm trong cách con nói chuyện, nhìn và phản ứng với người khác. Ban đầu là phản ứng theo bản năng của mình, rồi dần dần con nhận ra được cảm giác khó chịu đi cùng với phản ứng ấy, cho đến nhận ra được hoàn cảnh xảy ra phản ứng. Khả năng nhận diện ra hành động, lời nói hay phản ứng của mình, cũng như khởi điểm của sự phản ứng đó ngay khi cảm xúc bắt đầu xuất hiện trong mình, đó đã là một bước làm cho con dễ chịu hơn rồi.

Sự thực tập cũng giúp con nhận diện ra cách mình nói chuyện với mọi người. Con cứ nghĩ rằng chắc ai cũng suy nghĩ theo cách của mình và hiểu ý mình nên lời con nói ra thường ngắn và ít câu chữ. Đôi lúc lại rơi vào việc nói dài dòng kể lể. Khi tu học, con có cơ hội được học và tập làm lại như một đứa bé. Con “học ăn, học nói, học gói, học mở” để lời nói được dễ nghe và dễ hiểu hơn.

Ôm ấp và chấp nhận

Khi chưa biết tu tập, mỗi khi buồn khổ hay không hài lòng điều gì, con để đợt sóng cảm xúc đó tràn ngập và nhấn chìm mình. Con thương chính mình lắm nhưng không biết làm sao để thoát ra, mà chỉ gặm nhấm nỗi đau và lâu lâu còn tự lôi nỗi khổ cũ ra để dằn vặt mình. Một vòng luẩn quẩn mờ mịt. Con không biết rằng những nỗi khổ đó xuất phát từ quan niệm, tư duy, cách hành xử hay sự thiếu hiểu biết của con. Những hành động, ứng xử hay phản ứng đều xảy ra một cách tự phát như lẽ đương nhiên “Tôi là vậy”. Nhưng thật sự, đôi lúc con cũng không hiểu bản thân mình.

Nhờ tập ý thức từng lời nói, hành động, tâm ý, con thấy được mình có thói quen này, cách hành xử kia, hay biết đâu là ưu, khuyết điểm của bản thân. Nhờ vậy, con thấu hiểu và cảm thông được với chính mình. Từng hơi thở chánh niệm cho con dừng lại kịp lúc, để trở về trị liệu và ôm ấp cảm xúc của mình, tự khuyên nhủ bản thân không làm điều gì có thể gây đổ vỡ trong những mối liên hệ. Vì thực sự, chỉ có bản thân mình mới là người hiểu và thương mình nhất thôi.

Ngọn nguồn và thấu hiểu

Thường thì sau khi chiến đấu với những tập khí của mình, với dằn vặt đúng sai, dù thắng hay thua, thì kết quả cuối có thể thấy là một chiến trường hoang tàn và chiến binh thì rã rời. Những ngày đầu con tập ngồi thiền và chiến đấu với trạo cử hay hôn trầm cũng vậy. Dù buổi đó con có tỉnh táo hơn được một chút thì cũng không có nhiều an lạc.

 

 

Sau này, con nhận ra do thân và tâm mình mỏi mệt, thiếu ngủ cũng dẫn đến hôn trầm. Vì cả ngày thân tâm náo động nên khi ngồi yên gây trạo cử. Như cái quạt máy khi bấm nút tắt thì cánh quạt vẫn còn quay cho đến khi chậm dần rồi mới tắt hẳn, thân tâm ta cũng cần thời gian để lắng xuống. Vì vậy, mỗi khi ngồi thiền mà buồn ngủ, con cho phép mình chìm xuống và hoàn toàn buông thư sâu trong vài giây. Sau đó cơ thể lại tỉnh dậy tiếp tục ngồi trong sự tỉnh táo hơn. Khi nào cơ thể bứt rứt, đầu óc không yên thì con thực tập buông thư, sau vài hơi thở năng lượng sẽ dịu lại. Từ đó những buổi ngồi thiền của con có bình an hơn và theo thời gian thì chất lượng ngồi thiền cũng tốt hơn.

Con cũng làm vậy với những tập khí khác của mình, tiếp tục nhận diện, ôm ấp mỗi lần chúng xuất hiện. Đôi lúc con tự nhủ rằng những gì mình đang suy nghĩ, nói hay làm có thể gây khó khăn cho mình, và rồi tiếp tục thở mà không tạo thêm ra chiến trường trong mình. Giữ sự thực tập đó, dần dần tần suất xuất hiện của những phản ứng theo tập khí giảm đi lúc nào không hay. Cho đến một ngày, trong lúc thực tập cùng đại chúng con bất chợt nhận ra vì sao mình không dễ dàng khi tiếp xúc với người mới hay không thích nghi được với những thay đổi đột ngột xảy ra trong đời sống. Vì trong con có cảm giác thiếu an toàn lúc thuở nhỏ, cảm giác phải chia sẻ tình thương, cần sự chú ý hay được công nhận từ người khác. Hay việc ít bày tỏ cảm xúc, ý muốn của mình khi còn nhỏ đã ảnh hưởng đến cách con truyền đạt lời nói khi lớn hơn. Từ chỗ không chấp nhận mình có những yếu điểm đó cho đến khi nhận ra đó là gia tài mà mình góp nhặt bao lâu nay từ hoàn cảnh xuất thân cũng như môi trường sinh sống, con càng hiểu và thương mình hơn.

Tự do

Vì luôn muốn mình là một phiên bản tốt nên con luôn cố gắng, thể hiện những gì tốt nhất của mình mà che đi những cái chưa đẹp. Dù con đã thực tập để chấp nhận những khuyết điểm đó, nhưng việc phô bày những điểm chưa hay, chưa đẹp đó ra với mọi người là một chuyện khác. Tới tận bây giờ sau mười hai năm đi cùng tăng thân, con mới có thể dễ dàng nói ra những yếu kém của mình. Điều quan trọng là con được sống thật với chính mình. Với con đó là sự tự do thật sự. Tự do khỏi những tri giác về chính bản thân mình. Điều này có được khi con thấu hiểu được bản thân, chấp nhận được những điểm chưa hoàn thiện, có lòng tin vào khả năng chuyển hóa và chính mình. Năm tháng tu tập trong tăng thân đã từng bước cho con xây dựng được mối liên hệ tin tưởng vào các chị em xung quanh. Cảm giác an toàn mà tăng thân mang lại và niềm tin của Sư Ông dành cho đệ tử, đã luôn là nguồn khuyến khích chúng con tu tập để chuyển hóa.

 

 

Con rất hạnh phúc mỗi khi khám phá bản thân mình, hiểu mình, thương được mình. Cảm giác được là chính mình và mỗi ngày mình sẽ là một phiên bản tốt hơn một cách tự nhiên mà không phải đi theo những thước đo gượng ép lý thuyết. Hành trình đó vẫn còn dài phía trước, nên con nguyện giữ gìn năng lượng, nuôi lớn dũng khí, nương vào sự yểm trợ của tăng thân và của mọi loài để tiếp tục bước tới.

Những trận tuyết đầu mùa đã rơi. Vạn vật trắng xóa với nét đẹp huyền ảo. Chúng con đi bộ vào rừng ngắm tuyết, uống trà, lắng nghe dòng suối róc rách giữa hai bờ tuyết phủ trắng xóa và ăn siro đá bào từ tuyết cho Sư Ông. Con mời mọi người cùng chúng con tận hưởng và trân quý những giây phút quý giá này.

 

Mỗi giây phút là một sự tái sinh

(Trích từ sách Không diệt, không sinh, đừng sợ hãi của Thiền sư Thích Nhất Hạnh)

Trước khi chúa Jesus sinh ra thì Ngài ở đâu?  Tôi đã hỏi nhiều người bạn Thiên chúa giáo câu hỏi này từ nhiều năm. Nếu chúng ta muốn nhìn sâu vào câu hỏi đó, ta phải tìm hiểu về cuộc đời và cái chết của Jesus như là những biểu hiện. Chúa không sinh ra từ hư vô được. Không phải chỉ từ Bethlehem mà Jesus trở thành một con người. Ngày Chúa ra đời chỉ là một sự biểu hiện; Jesus đã hiện hữu trước giây phút mà ta gọi là Giáng sinh đó. Vậy thì ta không nên gọi đó là đản sinh. Thật sự đó không phải là sự ra đời mà đó chỉ là một sự biểu hiện. Nhìn sự biểu hiện đó với con mắt trí tuệ, ta có cơ hội nhìn sâu vào con người Chúa Jesus. Ta có thể khám phá được sự thật về tính cách bất tử  của Chúa. Ta có thể khám phá được tính cách vô sinh bất tử của bản chất chân thực của chính mình.

Người Thiên chúa giáo nói rằng Thượng Đế đã gửi người con duy nhất của Ngài là Jesus xuống thế gian. Vì có Thượng Đế, vì Jesus là một phần của Thượng Đế và là con Ngài, Jesus đã hiện hữu sẵn rồi. Ngày Chúa ra đời, dịp Giáng Sinh, chỉ là ngày Ngài biểu hiện ra chứ không phải mới sinh ra. Đó chỉ là ngày có sự biểu hiện.

Jesus vẫn còn biểu hiện trong nhiều ngàn phương cách. Ngài có mặt chung quanh bạn. Chúng ta cần tỉnh thức để nhận diện ra các biểu hiện của Ngài. Nếu bạn không có chú tâm và tỉnh thức thì bạn sẽ không thấy được các biểu hiện của Ngài. Buổi sáng khi đi thiền hành bạn có thể thấy Ngài biểu hiện trong một bông hoa, một giọt sương, trong tiếng hót của một con chim hay tiếng trẻ nô đùa trên sân cỏ. Chúng ta phải rất cẩn thận để không bị thiếu những điều đó.

 

 

Theo giáo pháp và trong các lý giải Phật giáo, chúng ta đều có chung nhau bản chất vô sinh bất diệt. Không chỉ loài người mà các loài vật, cây cỏ và đất đá cũng có cùng bản thể đó. Cái lá và bông hoa có chung bản chất không sinh không diệt. Bông hoa, cái lá hay đám mây đều có sự biểu hiện. Trong mùa Đông chúng ta không thấy hoa hướng dương hay con chuồn chuồn nào xuất hiện, ta không nghe chim cúc-cu hót. Hầu như chúng không hiện hữu trong mùa Đông. Nhưng ta biết quan niệm này sai. Vào đầu mùa Xuân, tất cả các sinh vật đó lại biểu hiện ra. Mùa Đông chúng đã ở một chỗ nào đó, dưới một hình thức biểu hiện khác, đợi cho các điều kiện thuận lợi mới lại xuất hiện. Cho rằng chúng không hiện hữu vào mùa Đông là một quan niệm sai lầm.

Qua đời không có nghĩa là mất đi

Ta cũng cần hỏi: “Nếu Jesus không sinh ra thì làm sao Ngài chết đi được? Dù cho bị đóng đinh, nhưng Ngài có ngừng hiện hữu không? Và Jesus có cần phục sinh không?”

Có thể nào việc đóng đinh Chúa không phải là cái chết của Ngài? Có thể đó là một sự ẩn tàng thôi? Bản chất thật của Ngài là vô sinh bất diệt. Đó là sự thật không chỉ dành cho Jesus. Trong ý nghĩa đó, đám mây cũng vậy, hoa hướng dương và tôi hay bạn cũng có cùng bản chất đó. Chúng ta không được sinh ra mà cũng không chết đi. Vì Jesus không bị chuyện sinh diệt ảnh hưởng nên chúng ta gọi Ngài là Chúa ngàn đời.

Nhìn vào sự vật bằng quan niệm biểu hiện là một sự hiểu biết sâu xa và có thực. Nếu người thân của bạn đã qua đời mà bạn nghĩ họ không còn hiện hữu, là một lầm lỗi. Hư không không thể trở thành một thứ gì. Hư không chẳng thể sinh ra một người nào đó. Đang từ có bạn không thể thành không. Đó là chân lý.  Nếu người thương không còn biểu hiện ở hình tướng bạn thường thấy, đó không phải vì người kia không còn hiện hữu. Nếu nhìn cho kỹ, bạn có thể tiếp xúc được với người kia ở các biểu hiện khác.

Một ngày tôi cầm tay người cha vừa mới chôn cất đứa con trai nhỏ của ông. Tôi mời ông đi với tôi để tìm con trong các hình tướng mới. Cậu bé đã tới Làng Mai khi còn rất nhỏ, cậu được tu học và rất ưa ăn chay. Cậu bé đã lấy tiền túi ra để nhờ tôi mua mận trồng trong Làng. Cậu muốn tham dự vào việc giúp các trẻ em đói bằng cách trồng mận. Biết rằng mỗi cây mận sẽ ra nhiều trái, cậu cũng biết rằng chúng tôi có thể bán mận và gửi tiền cho trẻ em đói ở thế giới thứ ba. Cậu bé cũng học thiền hành, thiền tọa và nghe giảng Pháp rất giỏi. Khi cậu bé bị ốm, tôi tới nhà thương ở Bordeaux thăm cậu. Bé nói: “Sư Ông, con sẽ đi thiền hành cho Sư ông.”  Cậu rất yếu nhưng ráng bước xuống giường và đi mấy bước rất đẹp. Sau đó ít bữa cậu bé chết. Trong ngày hỏa thiêu cậu, tôi rảy nước thiêng và tụng Tâm kinh cho cậu ta. Một tuần sau, tôi cầm tay cha cậu, đi thiền hành và chỉ cho ông những hình tướng mới của cậu bé. Chúng tôi cùng nhau đi thăm cây mận tôi đã trồng cho bé, và khi ngồi đó trong ánh chiều tà, chúng tôi nhìn thấy cậu vẫy chào chúng tôi từ các chồi nụ trên cây.

 

 

Nhìn sâu vào thực tại, bạn có thể thấy được nhiều điều. Bạn có thể vượt thoát được nhiều khổ đau và đối diện được với nhiều nhận thức sai lầm. Nếu chúng ta bước một cách êm ả vào bản môn, chúng ta sẽ không còn bị chìm đắm vào biển trầm luân của đau buồn, sợ hãi và tuyệt vọng nữa.

Tái biểu hiện

Trong bản môn (bình diện tuyệt đối), chúng ta chưa bao giờ sinh ra và cũng chưa từng bị diệt đi. Trong tích môn (bình diện tương đối), chúng ta sống trong thất niệm và hiếm khi chúng ta biết sống thật sự. Chúng ta sống như người chết.

Trong cuốn tiểu thuyết Kẻ Lạ (Stranger) của Albert Camus, nhân vật chính trong cơn tuyệt vọng và giận dữ đã bắn chết một người. Anh ta bị kết án tử hình vì tội đó. Một ngày nằm trên giường trong phòng giam, anh nhìn lên ô vuông có lắp kính trên trần. Bỗng nhiên anh ta có sự tỉnh thức và tiếp xúc được một cách sâu xa với bầu trời xanh phía trên. Anh chưa bao giờ nhìn trời như thế cả. Albert Camus gọi đó là giây phút lương tri, tức là giây phút tỉnh thức, có chánh niệm. Đối với người tử tù, đó là lần đầu tiên anh ta tiếp xúc được với bầu trời và thấy rõ sự mầu nhiệm.

Từ lúc đó, anh muốn duy trì tình trạng tỉnh thức sáng láng ấy. Anh ta tin rằng đó là loại năng lượng duy nhất có thể giúp anh sống còn. Anh chỉ còn ba ngày trước khi bị hành hình. Anh ta thực tập một mình trong tù để duy trì sự tỉnh thức, giữ cho chánh niệm sinh động. Anh mong ước sẽ sống từng giây phút còn lại một cách tròn đầy và tỉnh thức. Ngày cuối cùng, một linh mục tới thăm anh để làm nghi lễ lần chót cho anh. Người tù không muốn mất thì giờ và chánh niệm vì lễ lạc. Anh từ chối nhưng sau lại mở cửa mời vị linh mục vô. Khi ông Cha đi khỏi, người tù nhận ra là ông đã sống như người chết. Ông đó không có phẩm chất chánh niệm, tỉnh thức gì cả.

Nếu bạn sống mà không tỉnh thức thì cũng như bạn chết rồi vậy. Bạn không thể gọi đó là đời sống. Nhiều người trong chúng ta sống như người chết vì thiếu tỉnh thức. Chúng ta mang cái thây chết của mình đi tới đi lui khắp nơi. Chúng ta bị lôi về quá khứ hay kéo tới tương lai, và chúng ta bị kẹt trong các dự án hay các sân hận, tuyệt vọng. Chúng ta không thực sự sống, chúng ta không tỉnh thức để được hưởng sự mầu nhiệm của sự sống. Albert Camus chưa từng học Phật pháp, nhưng trong tiểu thuyết đó, ông đã nói về trái tim của sự thực tập trong đạo Bụt, giây phút có lương tri, có tỉnh thức sâu xa, nghĩa là có chánh niệm.

Sự thực tập phục sinh hay tái biểu hiện là chuyện khả dĩ có thể xảy ra cho tất cả chúng ta. Chúng ta thực tập thì có thể được phục sinh, trở về được với thân tâm nhờ những hơi thở và bước chân chánh niệm. Nó sẽ tạo ra sự hiện diện thật sự của chúng ta ngay giờ phút này và ở đây. Và chúng ta được sống lại. Giống như người chết được tái sinh. Chúng ta không còn bị quá khứ và tương lai ràng buộc, chúng ta tự do thiết lập liên hệ với hiện tại và ngay ở đây. Chúng ta hiện diện toàn phần lúc này và tại nơi này, và chúng ta sống thật sự. Đó là phép thực tập căn bản của đạo Bụt. Khi bạn ăn, uống, thở, đi hay ngồi bạn đều có thể thực tập sự phục sinh. Luôn luôn làm cho bạn được ở trong hiện tại và ngay tại đây, thiết lập sự có mặt hoàn toàn và sống động. Đó là phép thực tập phục sinh đích thật.

 

Lộc Uyển mùa an

(Sư cô Chân Trăng Chùa Xưa)

 

 

Bạn ơi, những đêm trăng trên vùng sa mạc núi đá ở tu viện Lộc Uyển đẹp không thể diễn tả. Đây là mùa an cư đầu tiên của mình ở xóm Trong Sáng. Mỗi buổi sớm mai, mình có cả bầu trời với ánh trăng và hàng triệu ngôi sao lấp lánh soi tỏ suốt con đường thơm từ ni xá lên tới thiền đường Thái Bình Dương. Tiếng chuông đại hồng vang vọng, đất trời tràn ngập hương hoa cam, hương lá sage, khuynh diệp và bao nhiêu loài cỏ dại…

Đã hơn mười năm rồi, vùng đất này gặp hạn hán và thiếu mưa nên mùa hè mang màu nâu còn mùa đông thì xanh thắm. Những ngày hè về, mặt đất và lá cây chuyển dần sang màu nâu, thân cành sẫm lại và khô héo tựa như nước đã bị bốc hơi hết. Vì vậy, đối với người mới đến đây, nhìn vào cứ ngỡ rằng cây đã chết. Nhưng thực ra cây đang trở về nuôi dưỡng gốc rễ; nhựa sống cô đặc ở bên trong. Sự sống trở nên khiêm tốn và nhu nhuyến. Có lẽ trong môi trường khắc nghiệt như vậy nên cây nào cũng tỏa ra hương thơm đặc biệt. Nắng càng gắt thì hương hoa, hương lá cây càng đậm đà và màu hoa cũng rất riêng.

Đông sang, đất trời trở lạnh mang theo những giọt sương đêm như gọi sự sống quay về. Mầm non từ từ trỗi dậy khi mặt đất đã thấm đẫm sương mai. Bãi cỏ chuyển dần sang màu xanh non. Cành lá cũng đâm chồi nảy lộc. Cây cối như được hồi sinh trở lại.

Ngắm nhìn rừng hoa tăng thân, con thấy sư cô trụ trì và tất cả quý sư cô lớn nơi đây cũng như những gốc đại thụ, kiên trì, nhu nhuyến, dù đi qua bao khó khăn vẫn tỏa hương thiền thơm ngát.

Đàn nai đã trở về Lộc Uyển, bạn biết chưa?

Ni xá xóm Trong Sáng nằm giữa thung lũng núi đá và rừng sồi nên từ bất cứ góc cửa sổ phòng nào nhìn ra cũng thấy được núi cao và trời xanh. Nếu ai đó lần đầu tiên tới thì chắc hẳn sẽ không biết rằng ẩn giữa những ngọn núi kia có một ni xá với gần bốn mươi sư cô.

Hồi chưa có tu viện Lộc Uyển, nơi này từng là bãi bắn phạm nhân. Tiếng súng đã làm những chú nai sợ mà bỏ chạy lên tận núi cao. Những vị thường trú ở đây mấy chục năm rồi cũng không thấy nai về nữa. Bữa nọ, ni xá bỗng xôn xao tiếng cười, hóa ra vì có bốn chú nai trở về. Quý sư cô trẻ mới nhập chúng Lộc Uyển đang thích thú ngắm chúng thong thả dạo chơi trong những cánh rừng sồi dưới xóm Trong Sáng và xóm Vững Chãi. Bốn chú nai ấy cũng được tính vào số lượng thành viên tham gia trọn vẹn chín mươi ngày an cư cùng với một trăm vị xuất sĩ và cư sĩ năm nay.

Bạn thấy không, đàn nai cũng giống như mười một sư cô trẻ mới từ các trung tâm khác về Lộc Uyển nhập chúng tu học, mang theo sự trong sáng, vui tươi, năng động và thổi vào rừng núi hùng thiêng một gam màu tươi vui.

Món ăn được mong đợi nhất

Chia sẻ về hành trình đi tìm đời sống tâm linh của các anh chị em xuất sĩ vào ngày thứ Năm hằng tuần trong mùa an cư năm nay là món ăn được mong đợi nhất. Cánh cửa trái tim được mở rộng ra trong lòng mỗi sư anh, sư chị và sư em.

Lần đầu tiên, đại chúng có cơ hội được lắng nghe Sư cô trụ trì sau nhiều năm xuất gia chia sẻ về lý do vì sao sư cô quyết định rời ngôi chùa riêng để về sống và tu học chung với đại chúng. Được sống và tu học trong lòng tăng thân, sư cô cảm nhận được tình huynh đệ. Sư cô có đủ không gian, thời gian để trải nghiệm và hành trì các pháp môn được tiếp nhận từ Sư Ông. Những điều kiện ấy đã giúp sư cô tiếp xúc được với chất liệu của một người tu mà sư cô không có nhiều cơ hội được cảm nhận khi sống ở chùa riêng. Đồng thời, chí nguyện muốn tiếp nối Sư Ông để chăm sóc, thương yêu và có mặt với các sư em cũng được vun bồi và nuôi lớn thêm. Mỗi sáng tinh mơ, khi chuông thức chúng còn chưa thỉnh, sư cô đã có mặt thắp nến, dâng trầm thơm trong cốc Sư Ông và nơi thờ Bồ tát Quan Thế Âm giữa vườn ni xá. Hình ảnh ấy đã lan tỏa hơi ấm tâm linh giữa mùa đông băng giá.

Đại chúng còn được nghe câu chuyện về sư cô lớn tuổi nhất ni xá với biệt hiệu “thiên thần quét lá”. Sư cô kể khi vào chùa, sư cô mới học viết, học đọc chữ quốc ngữ. Ở tuổi chín mươi tư, tuy phải chống gậy mỗi lần di chuyển, nhưng sư cô luôn đều đặn tham gia thời khóa cùng đại chúng và tụng kinh cúng cơm cho Bụt mỗi ngày không ngơi nghỉ.

Rồi cả những câu chuyện nuôi dưỡng và đầy cảm hứng trong những buổi ngồi chơi giữa các sư em mới xuất gia với quý sư anh lớn. Những câu hỏi thú vị được đặt ra xoay quanh lý tưởng tu học và phụng sự của một người xuất sĩ cho đến những vấn đề thực tế mà một người tu trẻ có thể gặp phải trên con đường cùng đi với tăng thân. Gia đình xuất sĩ dường như xích lại gần nhau hơn và được tiếp thêm nguồn cảm hứng để cùng nhau đi trên con đường thực tập.

Dòng sông đang đi tới

An cư năm nay, tu viện Lộc Uyển đón chào gia đình xuất gia Cây Táo Nhỏ – Cây Manzanita, với sự biểu hiện của hai sư chú: Chân Nhất Ấn và Chân Nhất Hướng. Cây Manzanita là một loài cây quý hiếm của vùng đất này. Mùa an cư cũng là mùa cây nở hoa, khắp núi rừng lung linh những chùm hoa trắng, hồng như những chiếc bông tai, hay những chiếc đèn chụp nhỏ xíu khắp nơi.

 

 

Niềm vui nối tiếp niềm vui. Đại chúng chào đón thêm hai vị tân giáo thọ là sư cô Nhất Nghiêm và sư cô Trăng Thủy Tiên; được sư cô Chân Không trực tiếp truyền đăng. Đồng thời, có ba sư em chuẩn bị để được về Thái Lan thọ giới lớn vào đầu năm tới. Sau chín mươi ngày an cư, trong hơn bốn mươi cư sĩ đã có sáu bạn trẻ xin được làm tập sự xuất gia. Ngoài ra, đại chúng sẽ cùng xây dựng chương trình tu học dài hạn cho những bạn có tâm muốn tu học và phụng sự dưới hình thức cư sĩ tại tu viện.

Khi nào bạn đến tu viện Lộc Uyển, mình sẽ cùng đi leo núi để ngắm bình minh lên và đón hoàng hôn về hay chỉ là tận hưởng mây trời bao la. Lộc Uyển rộng lắm và phần lớn là núi rừng. Ngóc ngách nào cũng thật đẹp! Cứ mỗi hai tuần vào thứ Tư, tứ chúng lại mang ba lô trên vai, cùng leo núi Escondido từ lúc trời còn tờ mờ sương. Cả trăm người cùng nhau ngồi thiền và cùng đón mặt trời lên. Giữa một bên là thành phố với đèn xe tấp nập, bên kia là tháp chuông, thiền đường, tăng xá, ni xá yên tĩnh ẩn náu trong chốn núi rừng trong xanh, mình đâu cần phải quán chiếu gì nhiều về cái động và cái tĩnh nữa, phải không bạn? Thi thoảng ngày làm biếng, gia đình xuất sĩ sẽ cùng leo núi với nhau. Những chiếc áo nâu ngồi yên bên nhau giữa rừng núi linh thiêng trong hương lá sage với chén trà thơm, tiếng chim hót và cùng hát cho nhau nghe.

Mùa an cư luôn có những lớp học thú vị. Quý sư cô mới lần đầu đến Mỹ được tham dự vào lớp văn hóa Mỹ do chú Kenley- giáo thọ cư sĩ người Mỹ phụ trách. Lớp Anh Văn với nhiều trình độ khác nhau do thầy Pháp Dung, thầy Pháp Lưu, sư cô Kính Nghiêm, sư cô Đẳng Nghiêm hướng dẫn. Lớp tiếng Việt do sư chị Lễ Nghiêm đảm nhận. Lớp nghi lễ được dạy bởi sư cô Khuê Nghiêm và sư cô Thần Nghiêm. Các lớp Giới từ cấp tập sự, sadi, tân tỳ kheo ni đến giáo thọ đều được mở ra bởi các giới sư nhiệt tình, với tình thương mà hết lòng dìu dắt đàn em út.

 

 

Hai tuần một lần, đại chúng lại có một buổi chấp tác chung vào thứ Bảy với sự tham gia rất đông vui của các vị cư sĩ dưới phố. Hình ảnh thầy Pháp Nhĩ – tri sự xóm Vững Chãi ra hướng dẫn công việc cho đại chúng trước mỗi buổi chấp tác bằng tiếng Anh luôn nuôi dưỡng tăng thân. Một con đường leo núi mới đã hình thành bởi sự góp sức của của thầy Pháp Lưu cùng anh chị em xuất sĩ mang lại sự thích thú cho nhiều người. Sắp tới, quý thầy sẽ xây dựng thêm sáu phòng tăng xá để có thêm chỗ ở. Một nhóm quý sư cô đã tình nguyện viết thư pháp lên đá, lên ly,… để phát hành và kêu gọi cúng dường sau mỗi ngày quán niệm Chủ nhật. Chín mươi ngày an cư vừa khép lại thật viên mãn. Đại chúng đang được làm biếng ba ngày trước khi vào khóa tu Holiday, lễ Giáng sinh, Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán.

Bạn à, khi nào đủ nhân duyên, mời bạn về Lộc Uyển nhé! Không khí tu học và phụng sự của đại chúng đang lên cao, thấm tình huynh đệ và vui tươi lắm. Nắng đã lên, hẹn gặp sư bạn trong mỗi bước chân thiền hành nhé!

– Xóm Trong Sáng, tu viện Lộc Uyển, mùa An cư 2022 –

Thầy tổ gọi con về

(Sư cô Trăng Hiền Nhân)

Sư cô Trăng Hiền Nhân, người Pháp, xuất gia năm 2018 trong gia đình Cây Dẻ Gai. Sư cô hiện đang tu học tại xóm Mới, Làng Mai. Bài viết được dịch từ tiếng Anh.

Kính bạch Thầy,
Kính thưa đại chúng,

Làng đang vào thu. Những tia nắng xuyên qua những đám mây trên nền trời hồng sẫm của buổi sớm mai. Vẻ đẹp sững sờ của những chiếc lá đang nhảy múa đầy hứng khởi với sự sống, tất cả như đang diễn bày một pháp hội cho mọi người thưởng thức. Xóm Mới càng thêm đẹp hơn bởi sắc màu rực rỡ của nhiều loại cúc khác nhau.

Một vài ngày trước, một đóa cúc vàng bỗng nhiên lọt vào mắt con, ngay khi con chuẩn bị bước vào buổi pháp đàm với đại chúng. Dường như bông hoa ấy có điều gì muốn nói riêng với con thì phải. Con liền đem chậu cúc ấy đặt vào giữa vòng tròn nơi mọi người đang chuẩn bị pháp đàm. Khi con ngồi xuống, hình ảnh bà ngoại chợt đi lên trong con. Bà con đến từ Mexico, một đất nước luôn coi trọng và nhớ tưởng đến tổ tiên của mình, coi đó là một yếu tố vô cùng quan trọng của nền văn hóa, đặc biệt là vào thời gian này trong năm.

Bà ngoại con qua đời vào mùa thu năm ngoái, lúc ấy con đang an cư cùng đại chúng ở Làng. Tới thời điểm đó, con mới nhận ra sự tương đồng giữa hai nền văn hóa Mexico và Việt Nam trong cách tưởng nhớ ông bà tổ tiên. Những gì con được thấy quý sư cô người Việt thường làm trong những ngày kỵ giỗ như nấu một vài món ăn, trang trí bàn thờ, tụng một thời kinh, con chợt nhận ra mình cũng đang làm những điều đó cho bà. Con cảm thấy thật tự nhiên và thân thuộc.

 

 

Trong giờ nghỉ trưa, khi nhà bếp đã rảnh, con liền nấu món đậu nghiền chiên, một món ăn truyền thống mà bà đã nấu cho con biết bao nhiêu lần. Con không biết công thức. Con chỉ nhớ về những hình ảnh trong ký ức, khi bà đang nấu ăn và con thì đang ngồi trong bếp, học vẽ, ăn quà, nói chuyện với bà hay đang làm một bài thơ.

Buổi lễ cầu siêu cho bà diễn ra vào một buổi tối, trong thiền đường Nến Hồng. Trên bàn thờ có bức hình và bức thư mà con viết cho bà bằng tiếng Tây Ban Nha. Buổi lễ diễn ra bằng tiếng Pháp, ngôn ngữ mà con thường nói chuyện với bà, ngoài tiếng Tây Ban Nha. Con mời thêm một vài quý sư cô nữa cùng tham dự. Quý sư cô rất dễ thương và hết lòng yểm trợ. Con soạn một chương trình đơn giản và chúng con tập họp lại với nhau. Đó thật là giây phút hiếm có và xúc động cho tất cả chúng con.

Bà con mất vào thời gian đại dịch đang diễn ra, con không thể cùng mẹ có mặt với bà trong bệnh viện hay dự đám tang được. Mẹ con cũng không thể nào tổ chức một tang lễ đàng hoàng trong thời gian dịch bệnh. Vì vậy, nhân dịp này, con mời mẹ cùng tham dự với chúng con qua Zoom. Mẹ con rất xúc động. Bà đã khóc trong suốt buổi lễ. Bà khóc khi con đọc lá thư mà con viết cho bà ngoại. Bà khóc khi nhìn thấy bàn thờ, bao kỷ niệm về quê hương Mexico bỗng ùa về. Bà khóc khi nhìn thấy sự có mặt của quý sư cô. Trái tim mẹ con mềm dịu hẳn. Mẹ bắt đầu có cái nhìn cởi mở hơn về con đường mà con đã chọn. Điều này cũng bắt nguồn từ tình thương sâu sắc và vô bờ bến mà bà ngoại đã dành cho con.

Năm nay, khi thả mình trong biển hoa cúc đủ màu sắc, có cái gì đó mở ra trong con. Một buổi tối, trong Phật đường, sau khi thực tập sám pháp địa xúc trước Bụt, Bồ tát Quán Thế Âm, Thầy và các vị tổ tiên tâm linh, bỗng có điều gì đó thôi thúc con thực tập đảnh lễ trước chư vị tổ tiên huyết thống. Con hướng về tổ tiên và chí thành lạy xuống với năm vóc sát đất. Khi con mở lòng mình với chư vị tổ tiên huyết thống, niềm vui và sự nhẹ nhõm bắt đầu có mặt trong con. Năng lượng mà con đang tiếp xúc được không phải là năng lượng của khổ đau. Ngược lại, đó là nguồn năng lượng tích cực mang con đến gần với bản thân mình hơn và với sự sống. Khi con kết nối với ba, mẹ, ông bà bên nội và bên ngoại, trong giây phút đó, con tiếp xúc được với nguồn sống trong con. Nguồn sống ấy đang được biểu hiện thành sức mạnh, niềm đam mê, ý chí quyết tâm không thể lay chuyển, những tài năng, sự nhạy cảm sâu sắc, và một tình thương bao la. Khi đứng lên, con thấy mình đủ đầy, vững chãi, bình an và tự do hơn.

 

 

Niềm biết ơn đối với nếp sống của người xuất sĩ, với Thầy, với tăng thân dâng trào trong con. Con ý thức rằng nếu không có Tam Bảo, không có sự thực tập hằng ngày, không có tình thương mà tăng thân dành cho, không có đầy đủ những duyên lành thì con sẽ không thể nào trải nghiệm được những gì mà con đang đi qua ngay trong giây phút đó. Con nhận ra tổ tiên tâm linh và huyết thống của con không tách biệt. Những hạt giống mà con đã tiếp nhận từ hai dòng chảy tâm linh và huyết thống đang làm cho con được biểu hiện trong tăng thân như hôm nay. Là một người xuất sĩ, con đang học làm một cánh đồng, để cho tất cả những hạt giống tốt được nhẹ nhàng đi lên từ lòng đất và nảy mầm, đơm hoa kết trái.

Được trở thành một người xuất gia trên đất nước mà con đã sinh ra, con có nhiều cơ hội để tiếp xúc với tổ tiên đất đai của mình. Xóm Mới, nơi con đang tu học, thuộc làng Dieulivol. Ngôi làng này có một nhà thờ cổ rất đẹp nhìn ra cánh đồng, chỉ hai mươi phút đi bộ từ xóm Mới. Khi con đến nhà thờ và trở về được với không gian bình an trong tự thân, con thấy mình kết nối được với các thế hệ tổ tiên người Pháp.

Con cũng có cảm giác như vậy khi ngồi trong phòng điện thoại ở xóm Mới. Những họa tiết trang trí của căn phòng nhắc con nhớ về những tác phẩm được viết bởi Balzac, một nhà văn nổi tiếng vào thế kỷ 19 của Pháp. Đặc biệt vào những buổi sáng sớm hay chiều tối, khi đất trời yên lắng, con chỉ thích ngồi yên và cho phép mình được thấm nhuần không khí đó. Con tiếp xúc với mạch sống đang luân chuyển qua nhiều thế hệ, với những hình ảnh đầm ấm của gia đình chảy trong tâm thức con. Con không biết tại sao, có vẻ như văn hóa Pháp với sự giàu đẹp của nó, sự biện tài và những hình ảnh oanh liệt của lịch sử Pháp đi lên trong con, và con tận hưởng phút giây ngồi chơi với tất cả những điều đó. Đâu đó là sự đan xen với những kỷ niệm thời thơ ấu của những giờ học ở trường, hay những lúc một mình đắm chìm hàng giờ trong một cuốn sách nào đó. Đó là cảm giác của sự thuộc về và cắm rễ, của sự thân thuộc.

Với con, có cơ hội kết nối với tổ tiên huyết thống, tổ tiên tâm linh và tổ tiên đất đai là món quà quý giá nhất của nếp sống xuất sĩ. Tổ tiên huyết thống của con đến từ nhiều quốc gia khác nhau: Pháp, Canada, Mexico và Đức. Con cũng đã sống ở nhiều nơi, vì ba con là một nhà ngoại giao. Sở thích của ba là được đi du lịch cùng anh em con. Vì vậy, con được thừa hưởng sự đa dạng và phong phú cũng như sự cởi mở từ nhiều văn hóa, nhưng bên cạnh đó đôi lúc con có cảm giác không biết mình thuộc về nơi nào. Vì vậy, khi trở về tiếp xúc với những gốc rễ trong mình và cảm nhận được sự kết nối, con thấy mình được trị liệu sâu sắc.

Con được xuất gia cùng với các anh chị em khác trong gia đình cây Dẻ Gai vào ngày 25.10.2018. Đó là ngày Thầy từ Thái Lan về Việt Nam. Buổi lễ dẫn thỉnh được diễn ra vào ngày giỗ Sơ Tổ Tăng Hội. Vì vậy, năng lượng của tổ tiên tâm linh yểm trợ cho buổi lễ xuất gia rất hùng tráng.

Mặc dù được sinh ra ở phương Tây, con có cảm giác mình rất gần gũi với văn hóa Á Đông. Thỉnh thoảng, quý sư cô chọc con rằng chắc kiếp trước con được sinh ra ở Á Đông. Vào dịp Tết nguyên đán, con thường bốc Kiều, đặt niềm tin rằng tổ tiên tâm linh sẽ hướng dẫn cho con trong năm mới. Năm nay, con nhận ra chư vị đã mang con về xóm Mới khi con được chuyển về đây để tiếp tục tu học.

Vừa mới đây, con nhận được tin rằng chúng con sẽ được về Thái Lan để thọ giới lớn. Trái tim con đong đầy niềm vui và sự tin cậy. Con đã được nhận 10 giới sadi ni vào ngày mà Thầy bay từ Thái về lại quê hương, và giờ đây, con lại được về thăm Á châu, quê hương của tổ tiên tâm linh vào khoảnh khắc rất đặc biệt trong cuộc đời người xuất sĩ của mình. Đúng là tổ tiên đang gọi con về nhà!

 

 

Tưới hoa

(Trích từ sách Hơi thở nuôi dưỡng và trị liệu của thiền sư Thích Nhất Hạnh)

Tưới hoa là một pháp môn thực tập có công năng đem lại sự nuôi dưỡng và trị liệu cho nhau. Trong đời sống hàng ngày, ta có thể thực tập tưới tẩm cho nhau những hạt giống tích cực như những hạt giống của niềm vui, hạnh phúc, thương yêu, tha thứ, tài năng v.v… chúng ta tuyệt đối không tưới tẩm cho nhau những hạt giống tiêu cực như buồn giận, khổ đau, trách móc và thù hận v.v… Đó gọi là pháp môn tưới hoa.

Trong tâm thức của mỗi người chúng ta đều có sẵn những hạt giống tốt, lành mạnh và hạt giống không lành mạnh. Vì vậy muốn cho người thương của ta được tươi mát, hạnh phúc, ta chỉ nên tưới tẩm những hạt giống tốt cho người đó để những đóa hoa nơi người đó được nở tươi. Khi ta làm cho người kia nở được nụ cười tươi mát, thì ta cũng được hưởng lây.

Phép thực tập này không tốn nhiều thì giờ, công sức, nhưng đem lại kết quả rất mau chóng. Ví dụ, ta có một người chị có tài cắm hoa, nghệ thuật cắm hóa của chị rất độc đáo. Nhưng không biết vì lý do gì mà bấy lâu nay chị mình không cắm hoa nữa, trông chị lộ vẻ buồn rầu, mất thăng bằng trong đời sống. Ý thức được tình trạng của chị, ta có thể thực tập pháp môn tưới hoa cho chị, chỉ cần vài câu nói khích lệ là có thể làm sống dậy được niềm vui nơi chị mình và giúp chị mình phục hồi lại được sự thăng bằng của tâm lý. Đôi khi ta chỉ mất vài ngày là có thể giúp chị mình phục hồi lại được toàn vẹn niềm an vui của chị. Ta có thể tới với chị của mình và nói như thế này: ”Chị ơi! Lâu quá em không thấy chị cắm hoa để chưng trên bàn thờ và trong các phòng khách, phòng ăn và nhà vệ sinh. Em nhớ mỗi lần chị cắm hoa và trang trí nơi những chổ ấy thì cả căn nhà tự dưng tươi sáng và đẹp hẳn lên; ai ai trong gia đình cũng thừa hưởng được niềm vui và hạnh phúc với tài cắm hoa của chị. Chị thật khéo tay. Nhưng không hiểu vì sao mà lâu nay em không thấy chị cắm hoa nữa. Chị ơi, sao chị nở làm như vậy! Những bình hoa chị cắm luôn luôn đem lại cho gia đình thật nhiều niềm vui và hạnh phúc. Xin chị cắm cho em vài bình hoa đi chị. Em thích nghệ thuật cắm hoa của chị lắm!”

 

 

Ngồi bên cạnh chị của mình, nhìn chị, mỉm cười và nói lên những lời khích lệ dễ thương và chân thật như thế, ta sẽ chạm tới được những hạt giống hạnh phúc của chị, bởi vì chị mình thật sự có tài cắm hoa và luôn cảm thấy hạnh phúc mỗi khi cắm hoa. Trong khi tâm hồn đang buồn bã, chán nản, chị mình có thể nói rằng: ”Thôi đi, chị không cần em an ủi chị. Chị không có hứng cắm hoa.” Nhưng có thể sau khi mình đi rồi, chị sẽ đứng dậy, đi lấy kéo và ra vườn cắt hoa vào cắm. Trong lúc cắt hoa, chị có cơ hội ngắm từng nụ hoa cành lá và chất liệu xinh đẹp, tươi mát của hoa sẽ làm cho chị tươi vui ra và niềm vui trong chị được khôi phục trở lại. Sau khi cắt hoa xong, chị đem vào nhà, bỏ ra nửa giờ để cắm những bình hoa thật đẹp.

Trong thời gian cắm hoa, hạt giống của hạnh phúc trong lòng chị được tưới tẩm. Cắm hoa cho những người thương của mình là niềm vui rất lớn của chị mà bấy lâu nay bị lấp vùi. Lúc đầu quý vị tưới tẩm hạt giống của niềm vui và hạnh phúc nơi chị, sau đó chị tiếp tục tự tưới hoa cho mình bằng cách cắm hoa. Khi gặp lại chị, ta sẽ thấy chị đã thay đổi. Chị đã có thể mỉm cười và đó là nhờ sự giúp đỡ của ta. Nếu thương người nào, ta nên thực tập tưới hoa nơi người ấy mỗi ngày. Đây là phép thực tập rất dễ làm. Ta nhìn sâu (quán chiếu) vào người thương của ta và nhận diện cho được những hạt giống tốt, tích cực nơi người ấy và tìm cách khéo léo để giúp người ấy thấy và làm cho chúng phát triển, bởi vì trong chúng ta đều sẵn có những hạt giống tốt.

Pháp môn tưới hoa phải được thực tập hết lòng, chân thành và phải được căn cứ trên sự thật. Mình không nên tưới hoa một cách máy móc, sống sượng và có tính cách xả giao. Muốn thực tập pháp môn tưới hoa thành công, chúng ta phải thiết lập năng lực Niệm, Định và Tuệ vững vàng. Chúng ta chỉ có thể nói những điều mà chúng ta tin là có thực. Khi thấy người kia có những tài năng, những đức tính tốt, những hạt giống dễ thương nào, thì quý vị công nhận và tưới tẩm: ”Thưa ba, thưa mẹ, thưa anh, thưa chị… con thấy ba, mẹ, anh, chị… có những hạt giống rất đẹp, rất dễ thương. Những hạt giống ấy nếu được phát triển sẽ đem lại nhiều hạnh phúc cho cả gia đình và cho rất nhiều người.” Rồi mình liệt kê ra những cái hay cái đẹp ấy. Nếu không thực tập, người kia sẽ không biết rằng trong mình có những hạt giống tốt đẹp như vậy. Chúng ta có thể giúp cho người thân của mình biết cách tiếp xúc và tự tưới tẩm những hạt giống tốt trong họ. Chúng ta nhận diện hạt giống nơi người kia và nói cho người kia biết rằng những hạt giống ấy rất quý giá và cần được phát triển thường xuyên để tự nuôi dưỡng mình và những người mình thương. Khi người kia hạnh phúc thì mình cũng được hạnh phúc.

Tâm an thế giới an

(Trích sách Kết một tràng hoa của Thiền sư Thích Nhất Hạnh)

Trong đạo Bụt, ta thường hay nói tới ba năng lượng, ba chất độc (tam độc): tham dục, sân hận và si mê. Những chất độc này là những tâm hành tiêu huỷ thân tâm của ta và tiêu huỷ thế giới. Có những chất độc thuộc về phạm vi hoá học hay vật lý hiện đang làm ô nhiễm môi trường. Những chất độc hoá học đi vào trong nước, trong không khí, trong đất gây độc hại cho sự sống, đang tiêu diệt sự sống. Các nhà khoa học, các nhà chính trị đang tìm cách khử diệt chúng. Hiện giờ địa cầu bị hâm nóng là do chất khí CO2 quá nhiều trong không khí, gây nên “hiệu ứng nhà kính”, vì vậy các nhà khoa học đang tìm cách để chuyển hoá hoặc giảm bớt nó. Khoa học nói rằng ta có thể cô đọng chất CO2 lại, nhốt vào trong tảng đá lớn, rồi chôn ở trong lòng đất. Họ còn cho chúng ta biết rằng cây cối có khả năng hút chất CO2 và chuyển hoá, nhưng hiện nay chúng ta không những không có đủ cây cối, mà chúng ta còn chật thêm cây, đốn thêm rừng. Trong nông nghiệp, khi trồng trọt ta sử dụng quá nhiều chất độc hoá học làm ô nhiễm đất đai, sông hồ, làm ô nhiễm luôn cơ thể của con người. Trong công nghệ, sự sử dụng xe hơi và kỹ thuật chăn nuôi cũng tạo ra rất nhiều chất độc. Nếu khí hậu thay đổi mà ta không thể ngăn cản được thì trái đất nóng lên, băng tan thành nước, những thành phố gần bờ biển bị tràn ngập và hàng triệu người sẽ bị chết. Người ta biết trước như vậy.

Trong kinh nói tới độc tố tâm lý là tham, sân và si. Sự tàn phá của các độc tố này cũng ghê gớm không kém gì độc tố hoá học. Vì tham cho nên có chiến tranh, muốn xứ của ta có đủ năng lượng cho guồng máy khổng lồ của quốc gia nên ta đem quân đội đi xâm chiếm vùng có dầu lửa. Tham lam, sợ hãi là những chất độc tâm lý chứ không phải chất độc vật lý, Chính chất độc tâm lý đó tạo ra chiến tranh, gây nên đổ vỡ. Nếu có chiến tranh, nếu có khủng bố và có chống khủng bố, thì tất cả đều do sợ hãi và bạo động (sân tức là bạo động) mà ra. Cái sợ, cái tham và cái sân có sức tàn phá ghê gớm. Những chất độc đó do ta chế tác ra quá nhiều trong đời sống hàng ngày và sức mạnh của chất độc tâm lý đó tàn phá đời sống của ta còn nhiều hơn là chất độc hoá học.

Chứng bệnh AIDS được truyền qua con đường dâm dục bởi những người đống tính và những người dị tính. Bệnh AIDS đó tiêu diệt hàng triệu người ở châu Phi cũng như ở những nơi khác. Lưỡi hái của thần chết AIDS kết liễu sinh mạng hàng triệu người và sức tàn phá của nó còn mạnh hơn sức tàn phá của bom nguyên tử. Vì không giữ giới thứ ba nên người ta đã để cho con vi khuẩn đó được truyền đi một cách rất mau chóng qua đường dâm dục và làm cho hàng triệu người chết. Hai trái bom nguyên tử bỏ xuống Hiroshima và Nagasaki giết chết khoảng 200.000 (hai trăm ngàn) người, còn bệnh AIDS đã giết hàng triệu người. Chúng ta đừng nói chỉ có chất độc hoá học mới độc hại cho sự sống, chất độc trong tâm cũng ghê gớm lắm. Tu là để nhận diện chất độc ở bên trong và tìm cách để chuyển hoá những chất độc đó.

Mỗi khi có tâm hành tham dục phát khởi, ta phải có khả năng nhận diện nó, vì nó có sức phá hoại rất lớn, nó tiêu diệt ta và những người xung quanh ta. Ta phải dùng phương tiện nào để có thể chuyển hoá nó? Đức Thế Tôn dạy rất kỹ: Nếu có niệm, định, tuệ thì ta có thể ngăn chặn và chuyển hoá được tâm hành tham. Khi khát nước, thấy một ly nước màu hồng rất đẹp, ta thấy thèm và rất muốn uống. Nhưng người ta cảnh báo ta, uống nước này vào sẽ chết, mà nếu không chết thì cũng ngất ngư. Vì khát quá, ta cũng muốn uống, nhưng nhờ có trí tuệ nên ta đã không uống, vì ta biết rằng uống vào ta sẽ chết. Khi một tâm hành bạo động và sân hận phát khởi, là một hành giả ta phải có khả năng nhận diện được nó:

  • Thở vào, tôi biết đây là năng lượng của bạo động, giận hờn; năng lượng này đang tàn phá tôi và đẩy tôi tàn phá người khác, cho nên tôi phải tìm cách hoá giải nó.

 

 

Phương cách của đạo Bụt là phải có tuệ, phải có từ bi. Có hiểu được, thì có thể thương được và khi có hiểu, có thương thì cơn giận kia tan biến. Là người tu, ta phải biết cách dùng tâm hành này để chuyển hoá tâm hành kia. Những tâm hành như niệm, định, tuệ, từ, bi, hỷ, xả ta có thể chế tác được và khi có những tâm hành đó rồi, ta có thể chuyển hoá được tâm hành sân, si, mạn, nghi, kiêu, sợ hãi, v.v…

Ngoài đời, người ta lo đối trị với chất độc hoá học; còn trong đạo, ta chỉ lo đối trị độc tố trong tâm. Ta phải gọi được tên của từng độc tố một. Ta phải học cách để có thể nhận diện từng độc tố đó và biết phương pháp trung hoà, hoá giải chúng.

Đạo Bụt thấy khổ và vui tương tức, cũng như hoa và rác tương tức. Nếu hoa và rác đều là chất hữu cơ, thì hoa có thể trở thành rác và rác có thể trở thành hoa. Những tâm hành của ta cũng vậy, thương cũng có trở thành ghét. Ban đầu người ta thương nhau quá, nhưng nếu không biết cách thương thì sau vài năm thương biến thành ghét. Cái thương và cái ghét cũng là chất hữu cơ, cho nên cái thương có thể trở thành cái ghét và cái ghét cũng có thể trở thành cái thương. Nếu biết ủ phân, ủ rác cho khéo, ta sẽ có đủ chất bổ để nuôi hoa, ta không còn gì phải sợ. Những chất liệu tham, sân, si đó ta không cần phải đào đất chôn kỹ như người ta nghĩ tới chuyện chôn CO2, ta có thể chuyển rác thành hoa. Có tuệ, có từ, có bi, ta có thể chuyển hoá được tâm hành độc hại trong con người của ta và giúp cho xã hội cũng chuyển hoá được tâm hành độc hại đó. Đó là bổn phận của người tu.

Ở ngoài đời, người ta có phòng thí nghiệm nghiên cứu làm thế nào để chuyển hoá chất độc hoá học. Đối với người tu chúng ta, ngồi trong thiền đường nghiên cứu làm sao để chuyển hoá được độc tố ở trong lòng tiết ra. Đó là công việc của người hành giả. Khi năng lượng của tham biểu hiện và bốc cháy, thì thân thể và tâm hồn của ta cũng bị thiêu đốt. Có ngọn lửa tham dục trong lòng thì ta không thấy an, không thấy lạc, không có hạnh phúc. Con người bị lửa tham đốt cháy rất là khổ. Người đó có thể làm bất cứ cái gì có thể gây ra khổ đau cho những người chung quanh. Nhưng nếu người đó có tu, hoặc có người khác chỉ cho phương pháp tu để có được trí tuệ, có được từ bi thì tự nhiên ngọn lửa tham đó tắt đi. Khi ngọn lửa tham tắt đi, ta cảm thấy mát mẻ, thanh lương giống như có cơn mưa vừa mới rơi xuống. Lúc đó, ta có tâm hành gọi là vô tham; có tâm hành vô tham thì ta có an lạc, có hạnh phúc. Lần sau, khi ngọn lửa tham cháy lên, mình biết phải làm thế nào để cho ngọn lửa đó được dập tắt. 

Nếu ngọn lửa tham bốc cháy không phải ngọn lửa tham của một người, mà là ngọn lửa tham của một đám người, thì nó cháy dữ dội lắm. Ngọn lửa sân cũng vậy, khi ngọn lửa sân hận cháy lên, ta mất hết an lạc, ta muốn đập, muốn phá, muốn tiêu diệt thế giới. Nhất là khi ngọn lửa đó là ngọn lửa sân tập thể thì không có gì có thể ngăn chặn được, rất là dễ sợ. Các nhà khoa học làm thế nào để đối phó với ngọn lửa sân tập thể? Chiến tranh là kết quả của tham và sân tập thể. Ngọn lửa sân cũng tạo ra tình trạng nóng bức như ngọn lửa tham và khi biết chế tác những giọt nước từ bi để tưới lên thì ngọn lửa đó sẽ dịu xuống:

Trừ nhiệt nhão dĩ giai đắc thanh lương, có nghĩa là trừ sự nóng bức là được mát mẻ. Người ta thường làm tượng đức Bồ tát Quan Thế Âm, tay trái cầm tịnh bình có nước của từ bi và tay phải cầm một nhành dương liễu. Bồ tát nhúng cành dương liễu vào nước từ bi mà rải thì tất cả phiền não, nóng bức trở thành thanh lương:

Đầu cành dương liễu vương cam lộ

Một giọt mười phương rưới cũng đầy

Bao nhiêu trần luỵ tiêu tan hết

Đàn tràng thanh tịnh ở ngay đây.

 

 

Đó là phép là của người tu, người tu phải có khả năng diệt trừ được ngọn lửa của tham dục, ngọn lửa của sân hận và si mê, những ngọn lửa đưa tới sợ hãi, lo lắng, tuyệt vọng. Tu là phải có mục đích rõ ràng, ta phải học cách biết xử lý ngọn lửa tham và sân khi nó bốc lên. Để đối phó với chất độc hoá học, người ta nghiên cứu, thí nghiệm. Trong đạo cũng vậy, để đối phó với chất độc trong lòng, ta cũng cần nghiên cứu, học hỏi và thực tập. Ta biết rằng hạnh phúc làm sao có nếu lửa tham, lửa sân, lửa ganh, lửa sợ hãi cứ tiếp tục bừng cháy? Trong bài kệ này ta học rằng: Muốn xa lìa tham dục, sân hận và si mê, ta phải có khả năng nhận diện để có thể có một cái thấy chính xác về con đường chuyển hoá. 

Phải có khả năng tự luyện tập cho quen để mỗi khi thấy cái tham, cái sân, cái si bốc lên thì nhìn sâu vào trong đó để nhận diện, học hỏi và tìm thấy được phương pháp thoát ra. Ta có thể rèn luyện mình để thực hiện được đạo kiến, tức cái thấy về Tứ đế và Bát chánh đạo. Có bốn sự thật mầu nhiệm là: Khổ đế, tập đế, diệt đế và đạo đế. Đạo kiến có nghĩa là thấy được Tứ đế và Bát chánh đạo. Con đường Bát chánh đạo là con đường giúp cho ta đối phó, xử lý được những chất độc được chế tạo, được biểu hiện ra trong tâm thức của ta và trong tâm thức cộng đồng.

Người ta chỉ nói nhiều tới sức tàn phá của bom đạn, của chất hoá học, nhưng người ta lại không nói một cách kỹ lưỡng tới sức tàn phá của tâm hành, như sự tham đắm, giận hờn, ganh tỵ, si mê. Nó có tác dụng phá hoại rất lớn. Bây giờ, bệnh AIDS đã tàn phá hàng triệu người, hàng triệu người đang chết từ từ, vì họ không thực tập giới thứ ba. Có những em bé mới sinh ra đã mang căn bệnh đó rồi, đây là tai hoạ rất lớn.

Ở trong Bát chánh đạo có:

  • Chánh kiến: là thấy đúng, cái thấy tương tức, cái thấy không kỳ thị.
  • Chánh tư duy: tư duy đi theo chiều hướng của hiểu và thương.
  • Chánh nghiệp: hành động cũng đi theo chiều hướng hiểu và thương.
  • Chánh tinh tấn: bỏ công phu ra tu tập, luyện cho mình có được một cái thấy chính xác.
  • Chánh mạng: có nghề nghiệp, có phương tiện sinh sống mà nó không đi trái với chánh kiến. Nghề nghiệp của mình không đem lại sự tàn hại cho con người, cho những loài khác và cho môi trường của sự sống.
  • Chánh niệm: ý thức được những gì đang xảy ra trong mình và xung quanh mình.
  • Chánh định: duy trì được cái thấy chính xác.

Tất cả đều được soi sáng bởi chánh kiến, luyện tập như thế nào để thấy được con đường Bát chánh đạo. Chánh kiến tức là tuệ, là hoa trái của sự thực tập. Ta ngồi thiền, ta tu tập để đạt tới cái thấy chính xác gọi là chánh kiến, là trí tuệ, là Bát nhã. Cái thấy đó là cái thấy không kỳ thị, không lưỡng nguyên, một khi có cái thấy đó thì không còn tham đắm, giận hờn, ganh tỵ nữa. Đó gọi là Bát Nhã Ba La Mật, tức là trí tuệ đưa tới bờ bên kia.

Có chánh kiến rồi sẽ có chánh tư duy. Tư duy trên căn bản chánh kiến thì tư duy này cũng không kỳ thị, không lưỡng nguyên, tư duy theo tuệ giác tương tức. Tư duy như vậy thì sẽ không còn tham, sân, si. Có chánh kiến sẽ có chánh ngữ, tức lời nói tạo ra sự hoà hợp, không gây chia rẽ. Có chánh kiến rồi sẽ có chánh nghiệp, tức hành động mang tính cách che chở, bảo hộ, cứu trợ, không tàn sát, không kỳ thị. Có chánh kiến thì mới có chánh tinh tấn, chánh mạng; có chánh kiến thì mới có chánh niệm và chánh định. Tóm lại, chánh kiến đưa tới bảy cái chánh kia.

Niệm, định càng hùng hậu thì tuệ giác càng lớn. Chúng ta biết trái tim của sự thực tập đạo Bụt là Tam vô lậu học, tức là niệm, định và tuệ. Niệm, định và tuệ là Tam học (the three kinds of trainings). Chánh niệm hùng hậu thì có chánh định. Chánh niệm và chánh định hùng hậu thì có chánh kiến, tức là tuệ giác, tức là có cái thấy rất sáng rõ. Có cái thấy sáng rồi thì tư duy cũng đúng, nói năng cũng đúng và hành động cũng đúng. Càng sáng thì làm càng đúng. Vì vậy, trái tim của sự thực tập đạo Bụt là niệm, định và tuệ.

Vấn đề là làm sao giải quyết được vấn nạn của xã hội, của gia đình, của trái đất? Câu trả lời là phải sử dụng Bát chánh đạo, sử dụng Bát chánh đạo một cách thông minh, có phương pháp thì tự nhiên ta đối phó được với những chất độc tiết ra từ trong tâm của ta. Trước hết là sự thèm khát, ta phải đối trị được với thèm khát. Thứ đến là sự giận hờn, si mê, bạo động, nó đốt cháy thế gian, đốt cháy con người của ta; do đó, ta phải có trí tuệ, phải có từ bi để xử lý nó. Làm sao có từ bi nếu không có trí tuệ? Tất cả đều nằm ở chỗ này: phải luyện tập thế nào để có cái thấy về Tứ diệu đế, về Bát chánh đạo.

 



Thu góp sao trăng

(Sư cô Chân Trăng Mai Phương)

Hô to khẩu hiệu hai năm trước Mở máy lên mà gõ nên duyên này kéo tôi lại với ban biên tập báo năm nay. Để động viên mình mỗi lần mở máy làm việc, tôi nhất định đổi khẩu hiệu cho vui tai. Lần này không dám hô to mà chỉ nhẩm nhẩm: Mở máy lên và híp mí!

Từ khi xuất gia, tôi không còn đợi xem chương trình Táo QuânGặp nhau cuối năm của VTV vào đêm giao thừa nữa, mà đổi thành chờ báo Làng ra lò. Cảm giác cầm tờ báo trong tay, dù là bản giấy hay bản mềm trên máy tính luôn làm tôi háo hức. Nhiều khi chẳng đợi được báo giấy, tôi lên mạng tải về cho bằng được. Mở báo là tôi lướt hết các trang để ngắm ảnh. Đôi mắt lấp lánh thì thầm: “Tăng thân mình đẹp quá! Đời sống anh chị em xuất sĩ mình vui và tự do quá!”. Rồi nhâm nhi thưởng thức từng bài, có khi ham đọc cho đến khuya. Tôi gật gù mãn nguyện: “Ngày đầu năm mới mà đã được ăn một bữa cỗ, ôi chao là no nê!”

Tôi nghe nói ngày xưa để báo Làng thêm phong phú với những bài viết đầy nuôi dưỡng về sự thực tập và chuyển hóa của tự thân, Thầy đã cho nghỉ một buổi thời khóa chiều để quý thầy quý sư cô có thời gian viết bài để nộp cho đúng hạn. Với nhiều bàn tay đóng góp, cũng như trải qua bao nhiêu năm gìn giữ và tiếp nối Thầy làm báo, Lá thư Làng Mai nay đã trở thành một sân chơi, một góc hội ngộ mỗi độ thu về đông sang. Nhận được lời mời hay đôi khi “đòi khéo” từ ban biên tập, nhiều anh chị em xuất sĩ đã có sẵn sao trăng trong túi để chuyển phát nhanh đến hộp thư của báo Làng.

 

 

Sau nhiều năm hưởng thụ, năm nay tôi bắt tay học cách “làm cỗ”. Đọc bài viết gửi tới luôn là giai đoạn vui và hoa mắt nhất. Mỗi bài viết như một thước phim sinh động và mang màu sắc, hương vị riêng. Có những bài chỉ cần đọc là hình ảnh của tác giả hiện lên rõ mồn một trong đầu. Có bài đọc đi đọc lại tôi vẫn thấy xúc động, có những bài đọc thì cười híp mắt híp mí. Nhưng có những bài phải đọc đến vài lần, có khi cần tra từ điển bác Google mới hiểu hết ý vì tác giả dùng từ riêng của vùng miền hay dùng từ Hán Việt. Nhờ học cách biên tập báo qua từng bài viết của huynh đệ, tôi mới có cơ hội chạm đến bản sắc ngôn ngữ của từng vùng miền. Tiếng nói và cách dùng từ ấy có lẽ mang theo cả tuổi thơ, cuộc đời hay truyền thống của cả gia đình, làng xã,… Có nhiều nơi trên mảnh đất quê hương tôi chưa từng được đặt chân tới, nhưng thông qua từng câu chữ tôi có cơ hội được làm quen, được chạm tới và được hiểu.

Nhờ dịp này, tôi cũng phát hiện ra mình đã làm rơi rớt vốn liếng tiếng Việt sau một thời gian sống ở Làng. Tôi quên cách dùng từ, quy chuẩn văn phạm và hành văn trong tiếng Việt do mỗi ngày tiếp xúc trong môi trường nói tiếng Anh, tiếng Pháp và nhiều thứ tiếng khác. Ai đã từng sống xa quê hương một thời gian chắc cũng sẽ tủm tỉm cười đồng cảm. May mắn cho tôi là trong ban biên tập, mỗi bài viết luôn được đi theo dây chuyền qua từng người, để cùng nhau chỉnh sửa và đóng góp. Nhờ vậy tôi luôn có cơ hội và thời gian để vừa làm, vừa học lại. Và có lẽ tiếng quê hương, tiếng đất nước, tôi sẽ vẫn tiếp tục học suốt cả cuộc đời mình.

Vẫn chưa hết, tôi còn được học cách cắt tỉa, nêm nếm làm sao để vẫn còn giữ được văn phong và thông điệp mà người viết muốn gửi gắm. Cũng thật khó khi trong đầu tôi đã có sẵn ý niệm hành văn thế này mới hay, thế kia mới nuột. Và thế là có ngày tôi lẩm nhẩm hát: “Còn tôi phải học thuộc lòng, bài học buông ý riêng tôi. Để mỗi khi sửa bài mới tôi lại học cách buông thôi!”. Tôi tự đổi lời mấy câu trong bài Con cá dung thông, tự hát và cười trong khi làm việc. Đó cũng là một cách hóm hỉnh tôi chế ra để đồng hành, để làm bạn và làm thầy cho chính mình. Mới có chừng đó thôi, mà dường như tôi đã bắt đầu nếm được một chút những gì “các bậc tiền bối trong ban biên tập báo Làng” đã đi qua và kinh nghiệm. Nhờ kiên trì và bền bỉ trong sự thực tập dừng lại, nhận diện và buông xuống, tôi có thêm niềm tin là mình sẽ lớn, sẽ tự do và có kinh nghiệm hơn trong thực tập làm việc chung.

Ai đã từng có mặt trong ban biên tập dù chỉ trong thời gian ngắn vẫn không sao quên được những buổi trưa ấm cúng, với thật nhiều món ăn đặc biệt được chuẩn bị từ tình thương và sự quan tâm của quý thầy, quý sư cô. Từ lúc nào, văn phòng xóm Thượng đã trở thành điểm hẹn cùng ban biên tập mỗi trưa và tối dịp cuối năm. Nhiều câu chuyện, bài hát và không thể thiếu những ly trà đã được chuyền tay nhau trong tiếng cười vang của tình huynh đệ.

Trong những ngày cùng làm việc liên tục, khi dây đàn trong tôi chùng xuống hay nốt lặng thường trấn ngự, tôi tự nhắc mình dừng lại. Tắt máy tính, tôi mở cửa bước ra ngoài. Chỉ để đứng đó thật yên, nghe tiếng chim hót. Hay đơn giản là tháo đôi kính cho đôi mắt được nghỉ ngơi, tôi tập ngắm những tia nắng mờ ảo xuyên qua tầng lá trúc đang đung đưa trong gió trước cửa văn phòng. Qua đôi mắt ấy tôi thấy những tán lá và từng chiếc lá được làm bằng hàng ngàn đốm sáng long lanh. Cảnh tượng ấy thật mầu nhiệm! Bỏ cặp kính cận xuống để ngắm nhìn cảnh vật xung quanh, tôi chấp nhận nhìn mọi thứ không còn rõ nét. Tôi cho đôi mắt được nhìn trong khả năng nó có thể. Tập cách chấp nhận và thưởng thức những gì đang hiện ra trước mắt như chấp nhận những mong manh, yếu đuối trong chính mình.

Tôi chợt bật cười: Đó có phải là đặc ân của người mắt kém mỗi lần bỏ kính chăng! Ai đã từng chơi máy ảnh và chụp ảnh chắc sẽ không còn thấy lạ với hiệu ứng bokeh – hiệu ứng của những đốm sáng trên nền ảnh. Nhưng đôi mắt cận không kính đã làm được công việc tinh vi của chiếc máy ảnh. Nó cho phép tôi thấy được sự vật trước mắt theo một cách rất khác so với những gì mình tưởng chừng như đã biết rất rõ. Cảnh tượng mầu nhiệm ấy nhờ hàng ngàn những đốm sáng, tương tác bởi những điều kiện và hiện tượng khác nhau mà tạo nên. Tôi chợt nhớ tới câu Nhân duyên đầy đủ thì sự vật biểu hiện. Ý niệm ấy, tôi đã được nghe nhiều lần qua những cách diễn bày khác nhau. Nhưng lần này, có điều gì đó đang thấm vào, biến chuyển và hòa quyện với những cái thấy khác chợt lóe lên trong tôi.

Nhớ lại những ngày làm việc chung với quý thầy quý sư cô, tôi rất vui và cũng đã có rất nhiều những giây phút phải thực tập quay về. Nhưng mong muốn được chơi, học hỏi, làm việc chung cùng huynh đệ và đặc biệt là với Thầy luôn đi lên trong tôi. Những giây phút đồng điệu, những khoảnh khắc chạm được niềm vui làm báo nơi Thầy trong mình, đã luôn là động lực để tôi đi tới. Thầy đã trao truyền bao nhiêu là phương tiện để tôi biết làm bạn với chính mình, được thực tập, chơi và học ngay trong khi làm việc chung với huynh đệ. Và còn bao nhiêu khoảnh khắc khác khi tôi chợt nhận ra Thầy… như hàng ngàn đốm sáng đang được ghép lại, vừa lạ vừa quá đỗi thân thương.

 

 

Đọc từng bài viết gửi tới, tôi nhận ra Thầy đang biểu hiện khắp nơi. Trong từng thầy, từng sư cô hay trong từng câu chuyện chứa đựng kinh nghiệm và tình thương mà Thầy muốn gửi gắm, trao truyền cho đệ tử. Tôi may mắn đang được cùng anh chị em thu nhặt và gom góp từng hoa trái, từng vốc sao trăng, từng hạt thương yêu đang nảy mầm trong từng bài viết, trong từng hơi thở và bước chân.

Thi sĩ gặp em Thơ của Hoàng Cầm: sư cô Chân Không, Thầy và tăng thân Làng Mai tại Hà Nội tháng 1 năm 2005

Điều kiện về Việt Nam của tăng thân Làng Mai

Thầy tôi được mời về nước và đem theo một phái đoàn, gọi là phái đoàn Làng Mai Quốc tế với trên 200 thành viên, gồm trên 30 quốc tịch. Đó là kết quả của gần một năm trời làm việc. Nhà nước đã cử hai vị đại diện trong lãnh sứ quán Việt Nam tại San Francisco đến tu viện Lộc Uyển (California) trong thời gian Thầy an cư ở đây để bàn bạc, rồi sau đó chuyên viên chính trị tại Sứ quán Việt Nam tại Paris tiếp tục làm việc ở Pháp. Biết trong nước cần mình về để chứng tỏ với quốc tế rằng Việt Nam đã có những chính sách cởi mở, thì mình cũng nhân cơ hội ấy để được về gặp lại 80 triệu đồng bào của mình. Chăm sóc 80 triệu đứa con của Lạc Long Quân và của mẹ Âu Cơ là trách nhiệm chung của những người con cùng mang giòng máu Âu Lạc, chứ không phải của riêng ai! Người Việt Nam cần những pháp môn tu tập của Bụt một cách hiện đại và thiết thực, nên chúng tôi đưa ra một số đề nghị như sau:

“Thứ nhất: Mười quyển sách của Thầy được xuất bản và lưu hành trong nước trước ngày Thầy về.

Thứ hai: Thầy chúng tôi và 100 tu sĩ đi theo được ở Chùa, không ở khách sạn.

Thứ ba: Thầy được thuyết pháp cho đông người nghe ở các chùa chiền và những nơi công cộng.

Thứ tư: Phái đoàn tháp tùng thiền sư Nhất Hạnh có 100 vị xuất sĩ và 200 vị cư sĩ.

Thứ năm: Phái đoàn được đi thăm thầy Huyền Quang ở Bình Định và thầy Quảng Độ ở Thanh Minh Thiền Viện.

Vài khó khăn khi bàn bạc

Có những lúc vì còn chưa hiểu nhau nên rất gay go, ví dụ như khi Làng Mai đề nghị có vài buổi nói chuyện tại đại học Hà Nội thì trong nước từ chối (giảng ở các chùa thì được chứ không thể giảng ở đại học). Thế là chúng tôi quyết định từ chối, chưa về Việt Nam.

Sau đó trong nước lại đề nghị “Sư Ông có chịu giảng ở Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh không?” Đó cũng là một trường đại học nhưng chỉ dành cho các lý thuyết gia, các nhà khoa học và các đảng viên cao cấp thôi. Trong môi trường ấy, sẽ không ai đứng lên chỉ trích. Sư Ông đồng ý. Giới đệ tử chúng tôi nói nhỏ với nhau: “Họ thách Sư Ông đi vào hang cọp đây!”

Khi công bố chịu đi Việt Nam rồi, chúng tôi bắt đầu căn dặn thiền sinh đóng tiền phụ phí rau đậu, lập danh sách các vị xuất sĩ và cư sĩ cùng đi. Và ngày hôm đó, khi thầy Pháp Ấn, người đại diện cho tăng thân Làng Mai lên Toà Đại sứ Việt Nam tại Paris đưa danh sách những người đi theo Sư Ông.

Người đại diện sứ quán nói rõ với thầy: “Sư Ông chỉ được phép về thăm với tư cách cá nhân, không đại diện cho Giáo hội nào hết.” (Một công hàm của toà đại sứ Việt Nam tại Pháp đã ghi như thế) và không chắc các xuất sĩ và cư sĩ đi theo Sư Ông được chấp nhận đủ con số đó…” Thầy Pháp Ấn tuyên bố ngay: Nếu như thế thì chúng tôi rất tiếc sẽ không có chuyến đi này nữa. Thầy đã điện thoại về Làng và Sư Ông hoàn toàn đồng ý. Ôi là buồn. Cả trong nước và ngoài nước, chính quyền cũng như mấy chục triệu Phật tử mến mộ Sư Ông cũng đều buồn.

Một người bạn cũ của Sư cô Chân Không ngày xưa, một trong số sinh viên nòng cốt trong lớp Thầy dạy tại chùa Ấn Quang năm 1960, là anh Tôn Thất Chiểu, có chuyển tin cho sư cô biết là trong nước tiếc lắm nhưng họ tự ái. Nếu sư cô Chân Không chỉ viết vài dòng cho ông thứ trưởng Bộ Ngoại giao (Nguyễn Phú Bình) thôi, chịu nhượng bộ chút đỉnh, ví dụ như thay vì đòi có 300 người đi theo Sư Ông thì bây giờ mình chịu hạ xuống con số 200 người thôi, thì họ sẽ chịu hết những đề nghị khác mình đưa ra xưa nay như: Xuất bản mười quyển sách in xong trước khi Thầy về, quý thầy sư cô không buộc ở khách sạn, chỉ có thiền sinh cư sĩ ở khách sạn mà thôi, Sư Ông có thể thoải mái giảng dạy các chùa, và cũng sẽ có buổi giảng ở Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh cho các đảng viên, có quyền thoải mái đi thăm hai thầy Thích Huyền Quang và Thích Quảng Độ. Sư cô Chân Không tìm cách trình bày cho Sư Ông và thầy Pháp Ấn nhưng hai thầy ấy cứ nhất định “Thôi dẹp chuyện đi Việt Nam cho rồi”. Tôi nghĩ rằng nếu Sư Ông đã đề nghị đi với 200 người cư sĩ thì mình bớt xuống chỉ đi với 100 vị cư sĩ và 100 vị xuất sĩ thì cũng được chứ gì. Đó không phải là những điểm then chốt. Vì thế tôi đã tự ý làm liều viết thư cho Ông Nguyễn Phú Bình rằng tôi, với tư cách chủ tịch Cộng đồng Tu học Mai Thôn, đề nghị đồng ý BỚT con số đi theo Sư Ông thay vì 300 người trở thành 200 người: 100 vị tu sĩ và 100 vị cư sĩ.

Được thư tôi, cơ quan có trách nhiệm trong nước đề nghị hoà thượng Hiển Pháp, trưởng ban Phật giáo Quốc tế của Giáo hội Phật giáo Việt Nam viết thư cho Sư Ông chào mừng và báo tin nên gửi người về nước đi tiền trạm để sắp xếp cho chuyến đi. Sư Ông đọc thư có vẻ vui, bèn gọi thầy Pháp Ấn đi Paris lấy visa đi Việt Nam ngay. Tôi run quá chưa kịp trình bày là tôi đã xin bớt con số 300 người thành 200 người – điều đó không quan trọng gì mà có thể cứu vãn tình thế. Thầy Pháp Ấn đã điện thoại lên Paris, hẹn hôm sau sẽ lên lấy visa. Trên sứ quán nói: Nhưng thầy đi Việt Nam chuyến này là căn cứ trên đề nghị của sư cô Chân Không đấy nhé? Chứ không căn cứ trên đề nghị của thầy trước đó đâu!

Thầy Pháp Ấn hết sức ngạc nhiên. Thầy lên ngay Sơn Cốc gặp Sư Ông. Tối hôm đó trước mặt Sư Ông, các thầy Pháp Niệm, Pháp Hữu, các sư cô Định Nghiêm, Chân Không và Tuệ Nghiêm, thầy Pháp Ấn báo tin cho Sư Ông là Toà đại sứ chỉ căn cứ trên thư của sư cô Chân Không thôi. Tôi quỳ xuống chắp tay xin Thầy tha lỗi “con nghĩ con đề nghị đi 100 người cư sĩ thay vì 200 cư sĩ như thế còn dễ cho mình kiểm soát chuyện tu học của thiền sinh cư sĩ hơn, chắc chắn Thầy sẽ chịu và các anh chị em xuất sĩ của chúng con cũng sẽ mừng. Thứ hai, họ là Nhà nước, chắc họ cũng hối hận là đã gắt quá với mình. Xưa nay con chưa hề chen vào, cứ xem con như người mới thử đề nghị xem sao, con chưa chắc họ chịu. Con đang tìm cách tìm dịp thưa với Thầy, nhưng chưa kịp thưa thì Nhà nước đã chịu ngay, nhanh hơn con tưởng.”

Sư Ông ngồi im, nghiêm mặt: “Tại sao sư cô dám thương thuyết mà qua mặt tăng thân? Đi! Đi sám hối đi.” Sư Ông trỏ tay vào thiền đường Sơn Cốc, mặt rất nghiêm và lạnh lùng. Tôi đi vào và lạy ba cái lạy. Đến cái lạy thứ ba (lạy tổ tiên tâm linh) tôi phủ phục sát đất luôn, không đứng dậy nữa mà cứ gục mặt xuống đất và khóc thút thít với Bụt. – Bụt ơi, con đã làm với tất cả trái tim nóng hổi nhưng sáng suốt của con. Chỉ có thiếu sót là chưa trình bày cho Thầy quyết định đề nghị đó của con thôi. Tôi phủ phục, khóc thút thít và để Bụt lo. Trong khi tôi phủ phục trong thiền đường thì bên ngoài, Sư Ông, các thầy Pháp Ấn, Pháp Niệm, Pháp Hữu và các sư cô ngồi trò chuyện một lúc rồi đứng dậy, tất cả đi ra hiên ngoài có đèn sáng ngắm mấy chục chậu hoa cúc đại đoá đang nở rực rỡ trong vườn nhà mặt trời ở Sơn Cốc. Xem xong trở vào uống trà mới pha, và bàn chuyện khá lâu. Nào là thầy Pháp Ấn về thì làm gì làm gì… Chắc cũng hơn một giờ đồng hồ. Khi mọi người sắp chào Sư Ông ra về thì Sư Ông trở vào thiền đường, thấy tôi còn trong thế phủ phục và còn khóc thút thít, Sư Ông dịu giọng nói “Thôi, sư cô đi rửa mặt đi!” Tôi biết Thầy hết giận… mừng quá liền đi rửa mặt!

Ngày 12 tháng 1 năm 2005 phái đoàn Làng Mai đáp xuống phi trường Nội Bài, Hà Nội. Ngay chiều hôm đó, Thầy trò chúng tôi sau khi lạy Bụt, đã đi thăm vườn rau chùa Bồ Đề. Nhìn những ngọn rau mọc trên đất quê hương, Thầy chúng tôi đã nắm một nắm đất Việt Nam lên, ấp vào bàn tay kia và đưa lên gần mũi ngửi. Báo chí đi theo quay hình nhưng Thầy từ chối gặp báo chí, Thầy chỉ nói Thầy mới về, chưa biết gì về Việt Nam và không có gì để tuyên bố.

Anh Hoàng Cầm được Thầy ôm

Trong số 200 thành viên cư sĩ đi theo thầy trò chúng tôi chuyến này có một vị thượng nghị sĩ người Pháp tên là Bernard Dussault. Toà đại sứ Pháp ở Hà Nội tổ chức mời Thầy thuyết giảng bằng tiếng Pháp cho toàn thể nhân viên toà đại sứ và những nhà văn hóa ngoại giao khác tại Hà Nội. Cố nhiên là phải có một số thiền sinh vừa xuất gia, vừa tại gia trong phái đoàn được đi theo Thầy. Thi sĩ Hoàng Cầm cũng được mời tới dự buổi nói chuyện này. Được toà đại sứ mời đi nghe giảng thì không sợ bị chụp mũ là phản động cho nên có rất nhiều nhân sĩ người Việt giỏi Pháp văn đã đáp lời mời đến tham dự. Hội trường đông nghẹt. Nhiều nhân viên sứ quán hết sức ngạc nhiên. Lạ quá! Xưa nay đại sứ quán tổ chức thuyết giảng bằng tiếng Pháp thì không có đến mười người tới nghe, bởi vì thời kỳ người ưa học và ưa nghe tiếng Pháp đã tàn lụi. Thế mà hôm nay đông nghẹt. Trong đó có rất nhiều vị là con cháu của những nhân sĩ ngày xưa, như anh Đào Hùng, con của học giả Đào Duy Anh. Và cả những người có tên tuổi trong nhóm Nhân văn Giai phẩm ngày trước. Anh Bùi Hoàng Anh con trai của thi sĩ Hoàng Cầm cũng có mặt, đẩy xe cho bố Hoàng Cầm đến nghe thiền sư Nhất Hạnh thuyết giảng Phật pháp bằng tiếng Pháp. Trong dịp này Thầy đến ôm anh Hoàng Cầm, người thi sĩ mà Thầy rất thương mến và chính Thầy đã dùng tay tôi viết cho anh bao nhiêu bức thư dễ thương. Thầy tặng Hoàng Cầm tập thơ Thơ từng ôm và mặt trời từng hạt do Nhà xuất bản Lá Bối xuất bản tại Hoa Kỳ. Thầy cũng đến nắm hai tay anh Đào Hùng con cụ Đào Duy Anh và ôm anh như là ôm cụ Đào Duy Anh vậy. Tôi đứng đó, rưng rưng cảm động.

Để đáp lại cuộc gặp gỡ đó, tháng Chạp năm 2006, anh Hoàng Cầm viết:

Thân yêu gửi thiền sư Chân Không,

Từ sau ngày Thầy Nhất Hạnh và em về Hà Nội, Hoàng Cầm được vinh hạnh gặp gỡ những người biểu trưng đạo Phật, được Thầy cho tập thơ, được nghe Thầy thuyết pháp, anh thấy tâm hồn mình mở ra, thanh thoát nhẹ như mây trắng bay trên cao xanh, huyền diệu. Lại được đọc nhiều bài thơ của Thầy, khiến mình an lạc. Anh rất tạ ơn Thầy và các nhà sư cao đẹp đã cho anh một hạnh phúc chưa từng có.”

Năm ấy, Hoàng Cầm đã 85 tuổi. Sức khoẻ của anh đã sa sút, anh bảo là sau ngày gặp gỡ Thầy và tôi ở toà đại sứ Pháp, vết thương nơi chân anh lại sưng tấy lên, đau nhức vô cùng. Anh viết tiếp:

Chỉ tiếc là một nỗi anh bị nạn sinh bại liệt, cả trí tuệ cũng bị thương tổn nặng, cả ngày đêm chỉ loanh quanh hết ngồi lại nằm trên giường bệnh, chỉ còn sống như một cái vật gần như phế bỏ… Nhưng mỗi khi nghĩ đến Thầy và em, nhà sư chí thiện chí tình với những con người đau khổ trên thế gian, cả tục luỵ trần ai này, anh mới được nguôi ngoai trong tâm trạng nặng nề. Cám ơn Thầy Nhất Hạnh, cám ơn em và các đạo hữu.”

Và anh viết tiếp như một lời trối trăn:

Vậy, tôi đã yếu sức. Mong thiền cô Chân Không và thầy Nhất Hạnh lượng thứ, khoan dung cho một kẻ còn vướng tục luỵ, không còn nhấc nổi cái thân bụi cát nặng nề nghiệp chướng để bay lên cõi tịnh không bát ngát của Phật Bà Quan Âm lúc nào cũng mở rộng đôi cánh huyền vi là nỗi thương xót chúng sanh chưa thoát khỏi cái vũng mê nghiệt ngã, là cuộc sống trần gian này.

Em gái! Thiền cô Chân Không! Người Thầy! Thiền sư Nhất Hạnh!

Xa mặt nhưng không cách lòng! Có lẽ cũng khó có khi nào tôi lại được nhìn ngắm hai người thân yêu đã gắn bó với tôi, đức hạnh của Thầy, của cô đã đem đến cho tôi nhiều trong trẻo, nhiều sáng láng như thi ca mầu nhiệm. Tôi vẫn ước ao lại có một sớm thanh cao nào được gần thầy cô như cỏ xanh gần hoa mai, như thuyền nan gần sóng biển. Nếu nhận được một lời của Thầy, một dòng của cô trước khi đi vào cõi không vô lượng thì đó là hạnh phúc cuối cùng của đời tôi. Xin kính chúc Thầy Nhất Hạnh và thiền cô Chân Không trường tồn để đời đời toả sáng.

Thân yêu

Hoàng Cầm”

Tôi có trao cho anh bài thơ Mở thêm rộng lớn con đường Thầy viết tặng tôi ngày tôi xuống tóc thọ Giới Lớn tại núi Linh Thứu và “vòi vĩnh” xin anh một bài thơ “để khen em xuống tóc chứ?!” Thật ra tôi muốn nói “Thầy em thì khen em như vầy? Còn anh khen em thì khen thế nào?” Anh lại tưởng tôi nhờ anh phê bình bài này. Anh bèn viết một bài phê bình bài thơ Mở thêm rộng lớn con đường. Anh viết:

Trời đã sáng hẳn. Tôi không nhớ nữa rằng giữa Xuân hay đầu Thu, mặt trời như quả bóng màu hồng thẫm đang nhạt dần, nhỏ dần và như từ trên tầng cao mờ mờ sương, có một đấng Tối Linh Tối Thượng đang gieo xuống cõi hồng trần một vùng nắng nhạt nhưng ấm áp.

Người phụ nữ ấy, (hình như đúng là em gái tôi) ngồi tĩnh toạ, hai tay chắp dưới cằm, miệng lâm râm khấn, hay đang hát, hay đang tụng bài kinh“Tỉnh thức”, đôi mắt không lim dim như trong các buổi lễ khác mà hôm nay mở to đăm đăm nhìn lên tượng Quán Âm phía sau chiếc lư trầm ngát hương. Và ngay trước mặt em gái tôi là mấy lọn tóc đen óng, mượt được cuộn tròn đặt trên chiếc khay gỗ đơn sơ thơm như vừa thấm đượm hương từ lư trầm toả ra lặng lẽ.

Một thi sĩ đã dự lễ xuống tóc của em gái tôi hẳn đã bồi hồi xúc động nên mở đầu ngay bài thơ bằng đôi lời vừa thanh cao, vừa trang trọng:

Mái tóc vốn màu gỗ quý

Đem dâng thành khói trầm thơm

Vừa như một nét chì xanh vạch ra thêm rộng lớn con đường đã đi, đang đi và còn tâm nguyện phải đi, đi mãi tới một cõi rất xa mà chính thực rất gần, là đường của mọi người trần tục nơi thế gian hàng nghìn vạn năm, đã trải đang trải và còn trải qua bao nhiêu đau khổ, oan khiên; bao nhiêu sầu hận, ngang trái, bao nhiêu niềm vui (khan hiếm), bao nhiêu nỗi vất vả, nhọc nhằn (quá nhiều) trong cuộc mưu sinh. Đó là con đường không riêng của một ai, của em gái tôi, của tôi, của anh chị, của các bạn, cả của nhà thơ thiền sư đuốc tuệ dù đã đắc đạo, nhưng khi chung quanh còn có người đau khổ thì nhà thơ đâu có được an bình. Mặc dù nhà thơ đã khẳng định mớ tóc vừa rời khỏi vòng tròn tuệ giác kia là

Nét đẹp đi về vĩnh cửu

Vi diệu thay ý vô thường

Vâng, Na mô Phật! Đúng thế – Chỉ một cái ý “xuống tóc” hay gọi là “thế phát” đã là vi diệu rồi. Từ đây, em gái tôi hết do dự, hết phân vân. Vì thực ra, chốn tục luỵ tuy có nhiều gian nan vất vả, truân chuyên, nhưng cũng nhiều cám dỗ, nhiều cái quyến rũ khiến con người sinh ra đam mê, đắm đuối trong cái biển mênh mông những thú vui đầy hoa thơm, cỏ lạ, đầy khoái lạc vật chất, cả khoan khoái tinh thần như danh và lợi, đắc thắng và kiêu hãnh trên đủ các vũ đài chính trị, kinh tế, văn hoá. Đã là con người, trước tiên ai chả muốn được ăn no, mặc ấm, ai chả thích công danh, lợi lộc. Từ mấy cái “cần cho cuộc sống” rất cơ bản ấy, loài người đâu có chịu đứng yên. Trái đất càng đông dân cư, những cuộc cạnh tranh càng ngày càng náo nhiệt rồi quyết liệt dẫn đến chiến tranh nhỏ ở từng cộng đồng người, rồi đến chiến tranh giữa các dân tộc, các sắc tộc, chiến tranh tôn giáo rồi cuối cùng đến chiến tranh toàn thế giới, chém giết nhau không ghê tay, tôi chỉ nghĩ lại nhớ lại thoáng qua thôi đã đủ rùng mình.

Vậy nên, chỉ bước đầu rũ bụi trần, rũ bỏ những gì còn vương vấn trên thân thể, trong tâm hồn, đã là vi diệu lắm. Vì từ đây mới là cuộc sống thảnh thơi, từng ngày vun đắp cho hạnh phúc cuộc đời của mọi chúng sinh. Không còn phân biệt giống nòi, màu da hay tiếng nói. Trong ý thức ấy thì thế giới này không còn biên giới nào nữa.

Từ lúc bố mẹ cho mình ra đời, rồi lớn lên, được học trên ghế nhà trường rồi học ở trường đời khắp bốn biển năm châu, có lẽ rồi ra ai cũng thấy:

Đời là cơn huyễn mộng

Nên em gái tôi, lòng chân thành, một quyết lên đường – Là con đường bác ái, từ bi hỉ xả. Em gái tôi sẽ quên hết lo toan phiền não ở cõi đời này để nhớ đến hết cuộc đời nhân loại, để sống vì người khác, vì đồng loại bao la, cõi sống ấy cứ lên xuống, lúc thăng hoa, lúc trầm luân trong bể khổ.

Quên thân, quên chỗ, quên giờ

Nhớ sao sóng biển ngang bờ siêu sinh

Hoàng Cầm

Vì em tôi luôn luôn tĩnh tâm, lắng nghe nhịp sống trần gian:

Nghe hải triều lên mấy độ

Nguyền phát túc về siêu phương

Đã nghe thấy nước triều của bể khổ dâng lên đến độ nào rồi, thì em gái tôi phải đưa chân, dấn bước về một-phương-người, đó là một lời nguyền, một lời cầu xin siêu phàm, cầu xin Trời Phật đưa mình về phương – người. Phương ấy ở đâu? Không phải bốn phương Đông Tây Nam Bắc, phương ấy vô hình nhưng không phải siêu hình, phương ấy ở trong lòng em tôi, trong lòng thi sĩ Nhất Hạnh, trong lòng tôi, phương ấy hàng ngày hiển lộ ở ngay những người bạn cùng tu hành với em tôi, ở tất cả những người cùng thôn, cùng huyện, cùng tỉnh, cùng một nước và ở các nước khác, ở bất cứ nơi nào có loài người cư trú.

Nói ví thử, trong toàn nhân loại, ai ai cũng gan lim dạ sắt, không mảy may biết rung động vì một cụ già bơ vơ, không nơi nương tựa, vì một em bé mồ côi, ngày ngày đi ăn xin nơi só chợ, đầu đường, nếu ai cũng làm ngơ trước bao nhiêu tội ác còn đang hoành hành đó đây trên khắp hành tinh thì “hải triều sẽ lên đến cực độ”, có khi dìm chết cả loài người, thì… ối chao! tôi không thể viết thêm được dòng nào nữa.

May thay! Trời Phật sinh ra con người là Nhân chi sơ tính bản thiện nhưng trong quá trình phát triển, xã hội càng đông, khoa học càng nhiều phát minh sáng tạo, nhiều nơi, nhiều vùng, con người càng dư dật về của cải vật chất thì càng sinh ra cạnh tranh, mà lòng tham dắt thêm cái sân, cái si vốn có phần là bẩm sinh ngày càng phát triển, càng gây ra tội ác, mà ở nửa đầu thế kỷ 20 cái tội ác ghê gớm nhất, khủng khiếp nhất là hai quả bom nguyên tử chỉ trong chớp nhoáng thiêu huỷ hàng loạt trên nửa triệu người. Cho đến nay, cái mầm đại hoạ đó đã mất hẳn đi đâu trên trái đất này? Loài người tuy vẫn múa ca, vẫn say sưa hát khúc yêu thương, lời lẽ, nhạc điệu vẫn du dương, thắm thiết nhưng chính loài người đến hôm nay vẫn nơm nớp sợ. Này, không chừng, nó nổ lúc nào, nó lại nổ ở đâu và ai biết được, rất nhiều võ khí tối tân, biết đâu sẽ cùng phát nổ (ai cũng sợ, cố tạo ra nó với một lý do giả tạo là để tự vệ, sợ nó nhưng lại cho nó nổ, định để huỷ diệt nó hoá ra huỷ diệt loài người).

Tôi cũng không dám viết thêm nữa, xin trở lại với bài thơ mà tôi muốn gọi là “Bài thơ siêu thoát”.

Bài thơ được sáng tạo từ thiền căn. Chỉ một mớ tóc biết rằng tóc em tôi vốn màu gỗ quý, nhưng khi gọt nó, trả nó về chốn bụi trần như một làn khói trầm thơm, nhà thơ thoát phàm rồi không hề có một ý gì cỏn con nhớ tiếc, cũng vì một lẽ đương nhiên: còn tiếc, dẫu là tiếc một cái gì đẹp lắm trong cuộc đời con người thì còn vướng bụi. Mái tóc khi đã thoát vật chất thì không một hạt bụi nào có thể vướng trên con đường hành đạo, là con đường hoan lạc tuyệt vời, vì đức từ bi đã thấm vào cốt tuỷ những người đã nguyện đi theo sức lan toả của TÂM PHẬT. Vậy nên, bài thơ có những câu mà tôi cho là tuyệt diệu khi nói đến tình con người, lẽ sống con người, lúc đầu ai cũng tưởng là những lời kinh kệ cao siêu, kẻ thường dân khó với tới nhưng thực ra lại rất đời thường, khiến một người không được học cũng thấm ngay chân lý của cuộc sống.

Ngày xưa nước bồ kết gội

Chiều về buông xoã tóc hương

Sáng nay cam lồ tịnh thuỷ

Tâm bồ đề lộ kiên cường

Bàn tay tập bài từ ái

Chia vui nếp sống tịnh thường

Và thi sĩ của lòng Nhân Ái, của Tình Yêu Thương không thể không ca ngợi ý chí và lòng chung thuỷ của em gái tôi khi em tôi đã dốc một lòng đi con đường của Phật, con đường rộng lớn, vô cùng vô tận của tình THƯƠNG.

Mấy mươi năm trời cần mẫn

Thuỷ chung vẫn một niềm thương

Sáng nay cạo sạch mái tóc

Mở thêm rộng lớn con đường

Và câu kết của bài thơ, riêng tôi nhận thức đấy mới là câu kết đẹp nhất, cao cả và chan chứa tình yêu thương con người.

Một câu kết vừa trải rộng ra nhân thế vừa kết tinh, lắng đọng sâu thẳm trong lòng người đọc.

Phiền não vô biên nguyện đoạn

Một tâm mà động mười phương

Nghĩa là cái tâm em gái tôi động đến cả trái tim Đức Thích Ca Mầu Ni, đến Phật Bà Quán Âm, đến các vị Bồ tát. Vì đó là mười phương Phật sau khi đã động khắp chín phương Trời. Qua bài thơ siêu phàm này, tôi tin rằng ở trên cõi xanh thăm thẳm kia, trái tim Như Lai Phật Tổ vẫn từng phút từng giây đập nhịp mong cứu loài người nhiều nơi vẫn còn đắm chìm trong bể khổ.

Phụ chú 1:

Vài ý kiến nhỏ đề đạt với thi sĩ thiền sư Nhất Hạnh

Riêng tôi nghĩ – có thể là đúng, có thể không đúng với tâm thức thiền sư – như sau (để cho cấu trúc bài thơ được chặt chẽ hơn):

Sau khi nguyền phát túc về siêu phương xin nối ngay vào hồi tưởng

Ngày xưa nước bồ kết gội

đến câu chia vui nếp sống tịnh thường

rồi trở lại với:

Gió reo trên triền núi Thứu…

thì bài thơ nhất quán hơn. Rất mong được nhà thơ Nhất Hạnh chấp thuận.

Phụ chú 2:

Tiếp sau bài thơ Mở thêm rộng lớn con đường là ba khúc thơ (tôi nghĩ là bài kệ) và một khúc ca mở đầu cho tập Nhạc Làng Mai, tôi đã đọc kỹ và càng thấm thía hơn ý nghĩa sâu sắc và nhuần thấm lòng người của thơ Nhất Hạnh. Vẫn là những tư tưởng bao la và thăm thẳm của đạo Phật được chưng cất lên như một thứ men mầu nhiệm, cho người nghe, người đọc nâng cao tâm hồn như có thể đụng vào ngón tay Bútđa, bén tới tà áo Bồ tát Quán Thế Âm, cùng khoác cánh tay các tăng ni để cùng đi lên cõi Tịnh Khí mà càng gắn bó với những kiếp người cùng khổ nheo nhóc dưới trần gian.

Chỉ một lời an ủi đầy tin tưởng như từ đầu cành dương liễu, con người đang giãy giụa hoặc quằn quại trong vòng trần luỵ bỗng nhiên như được tắm gội nhờ giọt nước cành dương rồi được sống khoan khoái, thanh sạch như đã rũ được bụi bậm quanh năm bám vào người. Những câu thơ làm bạn đời của mọi người, khiến ai cũng thấy hân hoan vui sướng.

Cúi đầu ca ngợi dâng hương thỉnh

và khấn nguyện đấng Từ Bi hiện ra ngay trước mặt

Xin nguyện Từ Bi ứng hiện ngay

rồi đến Kệ cạo tóc, Kệ nhận y tất cả đều mộc mạc đơn giản cho các đệ tử hàng ngày tụng niệm. Vừa ngắn gọn, xúc tích mang đầy đủ ý nghĩa của một bài thuyết pháp về những vấn đề lớn nhỏ của Đạo Phật, cho mọi người dễ nhớ dễ thuộc lòng.

Tôi thực là không biết, không hiểu được những từ thường ở cửa miệng của các nhà tu hành theo đạo Phật, nên có chỗ nào tôi nói sai, hiểu sai những từ chuyên môn về đạo Phật, xin các bạn đọc bài này lượng thứ và phụ chỉnh cho, tôi rất cảm tạ.

Như ở bài hát Quay về nương tựa mà tôi rất thích, tuy tôi không biết nhạc, chỉ ba điều “nương tựa” tôi hiểu là ba phương châm sống của những người theo đạo Phật. Ba phương châm ấy đủ cho một người yêu mến đạo Phật từ một đệ tử bình thường có thể trở thành một hoà thượng cao quý.

Tôi sẽ bình tập Nhạc Làng Mai này trong một dịp khác, tuy trình độ hiểu biết của tôi về Phật học rất non nớt, tôi sẽ cố gắng đem sự thành tâm để tìm hiểu qua những lời thơ, lời ca từ, được tới đâu còn tuỳ độ lượng của các vị tu hành, các môn sinh Làng Mai mà tôi rất ngưỡng mộ về Đức Hạnh và lòng tin cao cả của các vị.

Kính chúc thiền sư Nhất Hạnh và các nhà tu hành Làng Mai đạt nhiều thành tích cao quý trong cõi đạo lấy Từ Bi, Bác Ái làm phương châm thi hành mọi việc thiện trong cõi sống từ Đông sang Tây, từ Bắc xuống Nam,

Na mô A Di Đà Phật

Hà Nội đầu tháng 11/2005

Tôn kính

Hoàng Cầm.”

Sau chuyến về Việt Nam lần đầu của Thầy và bốn chúng Đạo Tràng Mai Thôn, bao nhiêu là chân trời đã mở rộng với bao dự tính công tác cần thực hiện. Cho nên tôi… hơi lơ là, không liên lạc thường xuyên với anh như xưa! Lý do trước nhất là bỗng nhiên có hơn 100 người trẻ ở Việt Nam từ 16 đến 35 tuổi sẵn sàng đi xuất gia làm sư em của tôi, sẵn sàng bỏ tất cả, nào địa vị, bằng cấp, người yêu… để sống đời sống đạm bạc mà phụng sự. Có cả những em vốn là con của các đảng viên cao cấp cũng xin đi xuất gia với Sư Ông. Là chị lớn đầu đàn, tôi phải họp sức với các sư em lớn, lo chỗ ăn, chỗ ở cho các em mới xuất gia, rồi lo làm lễ xuất gia cho các em, có khi làm lễ xuất gia qua mạng internet… Tôi gần như quên liên lạc với anh Hoàng Cầm. Cho tới khi Thầy chúng tôi lại xin đi thăm Việt Nam lần thứ hai để tổ chức các đại lễ Trai đàn chẩn tế giải oan, tôi mới liên lạc lại với anh và báo tin sẽ về Hà Nội năm 2007 và sẽ lại được thăm anh. Sau này các cháu con anh Hoàng Cầm gặp tôi tại nhà ở 43 Lý Quốc Sư cứ xuýt xoa nói: “Bố cháu cứ nằm im lặng, buồn thiu ở trên gác này, ngày này qua ngày khác, bỗng một hôm chúng cháu ở tầng dưới nghe bố nói chuyện râm ran Anh… Anh… Em… Em… vui quá đi. Chúng cháu bảo nhau: Ai thế nhỉ? Ai mà khiến bố vui, nói chuyện Anh… Anh… Em… Em… tíu tít thế nhỉ? Thì ra là cô! (các anh chị ấy vẫn chưa chịu gọi tôi là sư cô).

Năm 2007 trở về Hà Nội, tôi cũng như các anh chị em trong tăng thân phải bận rộn với các đại lễ Trai đàn chẩn tế giải oan. Khó khăn trăm bề. Cụ viện trưởng Học viện Phật giáo ở Sóc Sơn Thích Thanh Tứ đã hứa cho mượn chùa của Học viện và cho phép thiết lập lễ đài trên bãi đất rất rộng trước Học viện. Nhưng vào giờ chót cụ bảo: “Vì có việc nên rất tiếc không cho Làng Mai mượn Chùa của Học Viện và không thể cho tá túc được”. Lúc đó chỉ còn sáu ngày nữa là lễ Trai đàn chính thức sẽ diễn ra và kéo dài ba ngày tại Sóc Sơn. Không một lời trách móc hay một ý trách móc, chúng tôi đã lẳng lặng huy động toàn bộ 200 sư em xuất sĩ đang tu học với Sư Ông tại tu viện Bát Nhã đi ra Hà Nội dọn dẹp tổ chức mọi thứ. Chúng tôi mượn được ngôi chùa nằm tận trên núi cao, phía sau cách xa Học viện. Chùa này tên là Chùa Non do hoà thượng Thanh Quyết trụ trì, hoà thượng đi vắng nhưng cho chúng tôi mượn chùa và tuỳ nghi sử dụng. Các sư em tôi phải biến ngôi chùa nhỏ trên núi ấy thành nơi làm lễ Trai đàn, cho nên các em phải dựng lên nhiều nóc chùa mới bằng vải bạt, đóng thêm sạp, cất thêm rạp, đặt thêm bàn thờ cho ngài Quan Âm Tiêu Diện, cho các thần núi thần sông, tìm cách sắp thêm chỗ ngồi cho hàng ngàn Phật tử sẽ đến tham dự lễ Trai đàn giải oan. Đây là đại lễ Trai đàn giải oan thứ ba được tổ chức trong chuyến đi về Việt Nam năm 2007 của Thầy chúng tôi và tăng thân Làng Mai. Trai đàn thứ nhất ở chùa Vĩnh Nghiêm, nhờ quý vị tôn túc miền Nam yểm trợ hết lòng nên đã diễn ra hết sức hoành tráng. Trai đàn thứ hai tại chùa Diệu Đế, Huế, thừa hưởng năng lượng của Trai đàn thứ nhất nên cũng đã thành công rực rỡ. Đến ngày hôm ấy, không ai ngờ được mọi việc đã xảy ra thật mầu nhiệm với niềm hứng khởi hạnh phúc của toàn dân. Các sư em tôi, từ 16 đến 35 tuổi, đã hành xử quá dễ thương đã gây ấn tượng với nhiều người. Suốt ba hôm Trai đàn chẩn tế bình đẳng giải oan, hàng nghìn, hàng chục nghìn người chen chúc lên núi làm lễ… Núi rừng cùng cầu nguyện GIẢI OAN với thầy trò chúng tôi, cùng với hàng chục triệu đồng bào đã khuất. Những cơn mưa suốt đêm trước đó đã rửa sạch được bao tủi hờn thù hận. Sáng sớm ngày Trai đàn giải oan bắt đầu, thì người đâu mà ùn ùn kéo đến quá đông, chen chúc không đếm xuể, đứng nghẹt từ chân núi lên tận đỉnh cao. Các vị phụ trách ghi tên Cầu siêu giải oan than rằng không đủ giấy viết. Khi Sư Ông xướng lên “Để yểm trợ năng lượng cho những người đã khuất sớm quay về với Bụt, Pháp và Tăng và thoát khỏi cảnh bơ vơ, xin quý vị đồng bào và gia quyến các hương linh lặp lại theo tôi với các hương linh những gì tôi xướng đọc: Con về nương tựa Bụt (cả núi rừng như vang vọng hàng vạn tiếng thật trầm hùng: Con về nương tựa Bụt), người đưa đường chỉ lối cho con trong cuộc đời (cả núi rừng đáp lại người đưa đường chỉ lối cho con trong cuộc đời). Ai nghe cũng rợn người lên như có cả triệu oan hồn đang cùng lập lại theo lời Sư Ông. Sư Ông lại xướng lên Con về nương tựa Pháp, con đường của tình thương và sự hiểu biết. Con về nương tựa Tăng, đoàn thể của những người nguyện sống cuộc đời tỉnh thức. Cả núi rừng vang vọng hàng vạn tiếng đáp trả sau mỗi đoạn xướng của Sư Ông. Thật trầm hùng! Cảm động và xúc tác mạnh quá, tôi mới chợt nhớ tới các anh Hồ Dzếnh, cụ Đào Duy Anh và anh Hoàng Cầm… như những biểu tượng của những kẻ sĩ sống thật đẹp trong thế giới nhiễu nhương, chắc cũng đang có mặt và đang quy y Bụt, Pháp và Tăng như bao nhiêu triệu người đã chết hay vẫn còn sống.

Mãi cho đến đầu năm 2008, Thầy và tứ chúng Làng Mai lại về Hà Nội để dự lễ Phật Đản quốc tế, tôi mới điện thoại báo tin sẽ về Hà Nội thăm anh. Sau này các anh chị con anh Hoàng Cầm lại báo cáo: “Ở dưới nhà chúng cháu bỗng nhiên nghe tiếng bố cười nói toang toang trên gác vui lắm, cứ Anh Anh rồi Em Em… Nhớ lại năm 2007 trước khi cô về bố cũng vui như thế, lên gác hỏi ra thì đúng quá, chẳng sai”. Chuyến về thứ ba của Thầy và tăng thân Làng Mai để dự lễ Phật Đản đã gặp rất nhiều khó khăn nhưng cũng xem như rất thành công. Tôi đã có cơ hội đi thăm thi sĩ Hoàng Cầm lần chót.

Biết anh Hoàng Cầm đang nằm bại liệt trên giường nên tôi mời anh Chân Thuyên và chị Chân Diệu cùng đến thăm anh Hoàng Cầm. Các anh chị này năn nỉ anh nên viết hồi ký cho thế hệ chúng em và con cháu chúng em được hiểu thêm về anh Hoàng Cầm, về sự nghiệp cao quý mà anh đã đóng góp cho văn học nước nhà.

Khi ra về các anh chị em tôi rất quyến luyến không muốn rời, ai cũng thương quý anh. Tôi báo tin là Thầy trò nhà này có hứa sẽ trở lại. Nhờ thế anh Hoàng Cầm bắt đầu viết hồi ký và đây là mười trang phần đầu hồi ký anh Hoàng Cầm đã gửi cho chúng tôi:

NHỚ LẠI MỘT ĐỜI THƠ

(Hồi ký của Hoàng Cầm)

Chương mở đầu

Giờ tôi không thể nhớ rõ thuở ấy mình đã hơn bốn tuổi hay là trên năm tuổi rồi. Chỉ biết là hết Tết lâu rồi, trời như đã sắp sang mùa nóng bức, cứ chạy nhảy một lúc là đã xâm xấp mồ hôi trên mặt, trên cổ và lưng áo vải nâu đã nhớp nháp. Có những chiều nào mẹ về chợ sớm, được mẹ dắt lên đầu phố rẽ vào cửa hàng bà Trác, mẹ mua cho 1 xu kẹo vừng thì tôi sung sướng lắm. Một xu được những 4 cái kẹo to vừa bằng đồng xu, mỏng lắm, nhưng thơm ngon, tôi cứ ăn dè chừng, nhấm nhấm tí một… rồi tôi như nũng nịu, kéo mẹ lên đầu dốc đứng đấy có thể nhìn thấy chân trời.

Hồi ấy, gia đình tôi gồm năm người ở vào một căn nhà ba gian, trước mặt là đường số một, chỉ đi một đoạn dài chừng mười con sào là có cột “lô-mếch”, mặt trước để: Phủ Lạng Thương 6km, mặt sau để: Hà Nội 44km. Nhiều lúc tôi trèo lên ngồi chễm chệ trên đỉnh cột (gọi là đỉnh, nhưng đo từ mặt đất lên chỉ độ sáu bảy mươi xăng ti mét thôi. Tôi cứ ngồi thế mà tưởng tượng mình ngồi ô tô sẽ phóng thẳng lên tỉnh vì tôi cứ uốn lưỡi thành tiếng “rừ… rừ rừ”, đôi khi lại hét to hơn một tí “pí pom” hay là “pin pin” giả làm tiếng còi. Cứ một mình chơi với cái cột “lô mếch” ấy mà tôi thích lắm vì cứ tự cho là mình ngồi ô tô của một ông quan lớn và đang đi trên “đường cái quan” thì lại nhớ ngay câu hát ví mà các chị trong làng đi cắt cỏ hay nhổ mạ thường hay hát, tôi nghe nhiều đến thuộc lòng từ năm lên bốn:

Hỡi anh đi đường cái quan

Dừng chân đứng lại em than đôi lời

Đi đâu vội mấy anh ơi

Công việc đã có chị tôi ở nhà

Anh đi biết mấy đường xa

Cho em đi với thành ra vợ chồng

Trở lại cái đầu dốc có cửa hàng bà cụ Trác. Đó là chỗ đất cao, nếu nhìn về hướng nam. Đi lên một lối rộng rãi trải cát sơn màu gạch non là có cái ga xe lửa, ga xép, gần nóc có hai chữ sơn xanh đen là tên nhà ga “Núi Tiết”. Nguyên vùng gia đình tôi cư ngụ là thuộc tổng Thiết Sơn, người Pháp cai trị phiên âm chữ Thiết thành Tiết. Vậy Núi Tiết là Thiết Sơn. Đơn giản thế thôi.

Mỗi ngày thường có năm chuyến xe lửa đi từ Hà Nội, hai chuyến lên Lạng Sơn Đồng Đăng rồi lại hai chuyến về, còn 3 chuyến chỉ chạy từ Hà Nội đến Phủ Lạng Thương thôi. Chuyện về cái thị xã ngày trước đẹp vào loại nhất trong số các thị xã ở miền Bắc, tôi sẽ kể sau. Vậy là sau lưng nhà ở của gia đình tôi có đường xe lửa. Nhà tôi mở cửa sau là một mảnh vườn không rộng lắm nhưng bố mẹ tôi cũng trồng được nhiều thứ cây. Vườn ngăn cách với đường xe lửa bằng cái hàng rào dày dặn toàn là cây ruối và dâm bụt. Vì nó dày đặc kín nên cây trong vườn trông có vẻ lờ phờ thôi: một cây đu đủ cứ khi nào ra hoa đã chụm thành từng chùm quả xinh xinh bằng đầu ngón tay cái là mẹ tôi lại ngắt ngọn đi và úp vào đấy một cái niêu cũ, đen xịt, đã sứt mẻ. Mà mãi ba mươi năm sau, cái cây tầm thường ấy bỗng có một đêm thì thào, thủ thỉ bên tai tôi thành 1 câu thơ:

Cây đu đủ sau nhà vừa bấm ngọn

đội mũ niêu đen đi trong đêm mưa dầm

mẹ đau trở dạ

Cũng có một giàn mướp, một giàn bầu, nhất là một cây ổi cứ thỉnh thoảng lại đi đi về về trong thơ tôi mãi sau này, sau cái vụ Nhân văn dữ dội và cũng có thể gọi là khủng khiếp ấy thì ổi mới đọng vào tâm hồn tôi

Cây ổi giơ xương chống đỡ mùa đông

sập về đánh úp

Ấy, nó đi thì như thế.

Lúc nó về, hình như nó đã thành vườn

Cách nhau ba bước vào vườn ổi

Chị xoạc cành ngang em gốc cây

Trong cái vườn nho nhỏ ấy, còn có mấy thứ cây hoa thơm ngát trồng vào chậu: cây hoa sói, cây hoa hồng, hoa lan mà bố tôi chăm chút hàng ngày. Trở lại cái đầu dốc, ngay dưới sân ga xép Núi Tiết kia, không hiểu vì sao, mới năm sáu tuổi, tôi cứ thích được đứng nép bên sườn bà mẹ, chỉ về phía chân trời nhô lên một dãy núi mà hồi bấy giờ tôi tưởng là xa xôi hay xa xăm lắm, tôi thường hay hỏi mẹ:

“Mẹ ơi ở trên đỉnh núi kia kìa, có nhiều cô tiên xuống chơi múa hát không hở mẹ?”

Có lẽ mẹ tôi muốn chiều theo trí tưởng tượng của đứa con trai đầu lòng, nên lần nào tôi hỏi thế, mẹ tôi cũng tươi cười mà đáp lại bằng một giọng rất mơ hồ mà rất âu yếm, rất mơ màng:

“Có đấy con ạ. Cũng đôi ba lần mẹ trông thấy các cô tiên xinh ghê lắm cơ, mặc toàn xiêm áo hồng vào những buổi chiều trời quang mây tạnh, cứ bay từ trên trời rồi là là đậu xuống đỉnh núi, đấy, cái ngọn xanh xanh ở giữa ấy.”

“Thế mẹ có nghe thấy các cô tiên hát, mà lại hát rất hay không?” “Cũng có một lần, con ạ. Dạo ấy con còn bé dại lắm, đâu như cũng đã chừng ba năm rồi.”

Thấy vẻ mặt thằng con như đờ đẫn, mồm thì cứ làu bàu “xa quá sao xa thế hở mẹ”. Mẹ tôi bèn nói to:

“Ừ, thì xa chứ. Thôi được, con cứ ngoan ngoãn, bao giờ con lớn lên độ dăm ba tuổi nữa, thế nào cũng có ngày mẹ đưa con đi, trèo hẳn lên đỉnh núi mà đợi các cô tiên, mẹ chỉ sợ con không leo lên đến nơi được đâu.”

Nghe vậy tôi túm chặt lấy tay mẹ, nhảy cẫng lên, nói tíu tít: “Con leo được, con leo lên đến ngọn cho mẹ xem.”

Vừa lúc ấy, có chuyến tàu từ Lạng Sơn về, kéo còi từ xa, mẹ tôi bảo:

“Tàu Lạng đấy, gần 6 giờ chiều rồi. Thôi mẹ con mình về ăn cơm. Chắc anh Dậu đã dọn cơm rồi.”

Tôi cố kéo tay mẹ lên phía ga:

“Con muốn xem tàu hoả cơ. Mẹ đưa con vào ga đi.”

Mẹ tôi cũng chiều ý. Tàu đã vào ga, chỉ có vài ba người lên xuống. Đầu tàu phun khói trắng phì phì, tôi lại cứ muốn nhìn đoàn tàu rời ga, tôi chăm chú nhìn bốn cái bánh xe to tướng và cái cán trục cứ chui vào lại rút ra lại chui vào một cái gì như cái hòm tròn, bóng nhãy. Và còi tàu rít lên, tàu rời ga. Một lúc tôi lại chạy ra chỗ đầu dốc lúc nãy nhìn cả con tàu đã chạy nhanh bắt đầu đi vào đoạn đường cong, nó càng chạy nhanh trông nó càng bé lại, và một hồi còi dài lại réo lên nhưng nghe xa… xa dần… xa lắm, con tàu đã mất hút phía chân trời. Cứ mỗi lần xem tàu hoả như thế tôi bỗng dưng thấy ngẩn ngơ và cứ phải nghĩ: chả biết nó đi về đâu. Mẹ bảo nó chạy về tận Hà Nội cơ. Ừ, thế thì Hà Nội là làng gì, ở tận đâu, có xa lắm không. Mẹ bảo Hà Nội nhiều phố xá đông vui lắm. Hà Nội là tỉnh thành, còn ở đây là làng quê, là nhà quê con ạ. Con lớn lên này, rồi lên tỉnh học này, con học giỏi này, thi đỗ rồi mẹ sẽ cho con ngồi hẳn vào trong toa tàu, mẹ đưa con ra Hà Nội thì con sẽ biết. Thôi về ăn cơm. Hôm nay ở chợ mẹ mua được một mẻ trạch ngon lắm. Anh Dậu chắc đem kho khế rồi. Anh Dậu thường kho cá trê cá trạch với tương này, khế chua này, ngon lắm. Con cứ ngoan ngoãn, ăn khoẻ, chóng lớn rồi mẹ sẽ cho con đi chơi núi này, gặp các cô tiên múa hát này, rồi ra tận Hà Nội này, con nhớ không? Thôi, về ăn cơm. Sắp tối rồi.

Chính vì cái “địa lý” nơi gia đình tôi trú ngụ từ năm tôi bắt đầu có nhận thức rất sơ đẳng về cuộc đời, có nhận thức so với trẻ con trong làng Như Thiết, phố Như Thiết ấy, có hơi sớm hơn chúng nó cùng lứa tuổi, lại vì bố mẹ tôi hoàn toàn là thành phần “dân nghèo ở nông thôn”, mẹ tôi là con gái một cụ đồ nho kiêm cả nghề thầy lang gốc ở làng Bựu Kim, huyện Tiên Du, Bắc Ninh, bố tôi từ nhỏ đã học chữ nho, chữ quốc ngữ, nhà nghèo ở quê gốc (làng Lạc Thổ huyện Thuận Thành Bắc Ninh) không có lấy nổi một tấc đất cắm dùi, tuy học thì chăm chỉ mười bảy tuổi cũng đã lều chiếu đi thi ở trường thi Nam Định. Thi đến ba lần cũng không đậu nổi ở cái cấp hạng bét là “tam trường” thì loáng một cái đã thành anh thầy đồ, có lẽ trẻ nhất trong tỉnh nên phải bỏ nhà lang thang tìm nơi dạy học. Vì làm cái nghề “thầy”- thầy giáo, thầy lang, nên bố tôi đi đến đâu cũng được “đón rước” có vẻ long trọng lắm. Ăn thì dân – nói cụ thể là nhà nào có con em xin vào lớp của thầy “khoá” Hy thì hàng tháng góp gạo góp tiền cho người chủ nhà mà bố tôi “toạ lạc” để ngồi gõ đầu trẻ.

Thầy khoá Hy này “ngồi” nhiều nơi lắm, từ năm mới lấy vợ (tôi không nhớ bố tôi sinh năm nào, chắc hẳn là vào cuối thế kỷ 19, chỉ biết rất rõ do các ông chú, ông bác, bà cô, bà dì bên nội bên ngoại kể lại rằng “ôi già! chả biết làm sao bố mẹ mày lấy nhau chỉ hoà thuận được dăm sáu tháng rồi thì cãi nhau luôn, bố mày hiền lành thế mà có khi đâm cộc, đánh vợ có lần sưng tím cả mặt mũi, khổ! mẹ mày xinh đẹp nhất huyện Tiên Du đấy, ăn nói rất là lễ phép, lại có duyên nữa. Hồi 16, 17 tuổi đã khối anh mê, lăm le muốn cưới làm vợ. Cô ấy lại hát quan họ rất hay, mấy lần được giải của các cụ bô lão làng Bựu mà sao hai vợ chồng lại chê nhau. Rồi cậu ấy đâu như sau ngày cưới chừng một năm tự nhiên đùng đùng bỏ nhà đi, lúc đầu còn biết tin cậu ấy ngồi dạy học ở thôn Mỹ Cầu rồi ở làng Lịm Xuyên, sau rồi đổi đi những đâu, cả họ cả làng chẳng ai biết tin tức gì. Hồi đó thì ông nội anh đã mất sớm, chỉ có hai con trai. Anh cả là Bùi Văn Lê, là bác ruột anh đấy cũng chỉ học chữ nho, cũng chẳng đỗ đạt gì, ở làng bấy giờ chỉ có túp nhà lá ba gian siêu vẹo, bác ấy đi cày thuê cuốc mướn cũng dành dụm được số tiền đủ mua một mảnh đất nửa sào ngay bên cạnh nhà. Bác ấy chịu thương chịu khó nuôi được mẹ là bà nội anh đến năm anh lên ba thì bà cụ mất. Thế mà mẹ anh lấy bố anh từ năm cô ấy mới hơn 17 tuổi, lúc cưới thì bố mẹ cho được một cái dây chuyền 6 đồng cân và cái nhẫn 1 đồng, cũng là sắm được đôi bồ hàng xén bán quanh các chợ trong huyện Việt Yên. Giá như bố anh yên phận ở nhà làm ăn, dạy học hoặc bốc thuốc chữa bệnh cho người ta thì làm gì đến nỗi khổ. Chẳng biết làm sao mà bỏ nhà đi biệt đến gần 12 năm mới về rồi mới sinh ra anh, thì năm anh lọt lòng mẹ, cô ấy đã 34 tuổi rồi. Cô ấy gan thật đấy. Trẻ đẹp vào loại nhất huyện lại hát hay cũng là nhất nhì cả đấy, gần như bị chồng ruồng bỏ, mà cô ấy ngoan thế, có phải hỗn láo gì với bố mẹ chồng đâu, có phải giai trên gái dưới gì đâu, có phải lười biếng ăn nhờ mặc chịu ai đâu mà cậu khoá Hy lại bỏ xó đấy đến 12 năm thì lạ thật đấy. Có người như cô ấy lấy đâu chả được một ông chồng phú quý vinh hoa? Thế mà có lần bà nội anh vì quá thương cô con dâu nết na, chịu khó mà hết năm này sang năm khác cứ gối chiếc chăn đơn mãi, bà cụ mong mãi có được đứa cháu bế thì cậu con giai đã gần 30 tuổi vẫn cứ tít mù xa sống chết ra sao, ở đâu, vẫn chẳng tin tức gì, bà cụ bèn đem cơi trầu sang bên nhà gái, nói với ông bà ngoại anh rằng:

“Tôi rất giận thằng con tôi, nó đi đâu bốn năm năm rồi chả có tin gì, thôi thì cháu nó là con dâu tôi thật, nhưng là con ông bà rứt ruột đẻ ra nuôi cho đến khôn lớn lại thuần hậu nết na, bây giờ còn đang xuân sắc nếu chỉ vài ba năm nữa, con trai tôi nó không về thì con dâu tôi xuân xanh có hạn, có kỳ, để quá lứa ra, đến lúc ấy ông bà bên này và gia đình tôi có làm gì để vớt vát lại, e rằng không kịp. Hôm nay, tôi xin thay mặt cả ông nhà tôi chẳng may đã sớm về với tổ tiên, tôi xin có lời với ông bà nhận cho cháu nó được về bên này sớm tối có bố có mẹ, có anh chị em ruột thịt nó cũng đỡ lủi thủi một thân, cũng đỡ buồn đỡ tủi, nhất là rồi đây có ai xứng đáng thì ông bà đã nhận cho tôi; ông bà có quyền gả chồng cho cháu lần nữa, hẳn là duyên số nó trời đã định ra như thế, ông bà cho cháu đi lấy chồng lần nữa thì chắc chắn cháu nó sẽ gặp duyên lành phận đẹp, lấy được người có đạo, có chí, hợp duyên nhau, thuận vợ thuận chồng tát biển Đông cũng cạn cơ mà, lo gì không phú quý giàu sang. Chứ còn để mãi cái duyên vợ chồng nó như bây giờ, tôi ngày đêm thương con dâu, giận thằng con giai bất hiếu bất mục, tôi cứ lo buồn đến héo gan nẫu ruột ra thế này, mới ngoài năm mươi mà trông đã nhăn nhó suy sụp lắm, chẳng mấy chốc là cũng sớm theo ông nhà tôi, về với các cụ mà lòng thì mang hận khó rửa sạch đối với nàng dâu hiếu thảo, mong ông bà thương tôi trước rồi thương đến con gái ngoan của ông bà sau. Đó là cái phúc lớn đấy nếu ông bà nhận lời khẩn cầu này của chúng tôi.”

Nói đến đây thì bà cụ khóc rấm rứt, mấy lần đưa tà áo lên lau nước mắt. Ông bà ngoại tôi từ nãy chỉ cúi đầu ngồi nghe, đến lúc đó, bà mới nghẹn ngào nói:

“Thưa vâng, bên bà đã cất công sang nói chuyện với gia đình chúng tôi như thế này, chúng tôi càng thương cháu bao nhiêu lại càng kính phục tấm lòng đại lượng, thương con như trời như bể của bà. Nhưng dẫu sao, nó đã là con của bà, từ khi anh ấy bỏ nhà đi, bà đối với nó còn hơn bố mẹ sinh ra nó. Khổ! hoàn cảnh chả biết từ đâu nó sinh ra thế, chứ có ai muốn thế bao giờ. Bà đã có cái ý phúc hậu như thế, sao chúng tôi có thể hờ hững được. Nhưng bà cũng hiểu cho chúng tôi, ở đời này hay thời trước cũng thế, chả có ai gả chồng cho con gái đến lần thứ hai. Chưa biết nó thế nào… nhưng trước hết là mua lấy tiếng chê cười. Bên phía họ hàng nhà chồng cháu, chúng tôi chắc chả ai đồng ý chỉ vì một lẽ dư luận làng xóm có khi cả huyện người ta sẽ thì thào:

– Vậy thì tất cả họ tộc đằng nhà chồng đã đối xử thế nào với nàng dâu thứ hai này đến nỗi phải “phú nó về”. Hoặc nàng dâu này ăn ở, cư xử với họ nhà chồng thế nào để cho người ta phải “đuổi” về với bố mẹ đẻ.

Mà thực ra cả hai bên gia đình đều là những gia đình có nề nếp, có học hành, cũng được thánh hiền cho dăm bảy chữ “làm người” từ đứa bé con đến các cụ già, ai cũng sống có đạo đức, trong xóm làng ngoài xã hội không một ai làm điều gì điếm nhục đến gia phong. Nay anh khoá Hy mới xa nhà có dăm năm, tuy không có tin tức gì nhưng cũng không một ai nghe thấy một tin đồn gì bậy bạ về người con rể của chúng tôi. Đời xưa có những anh con trai đi lính thú ngoài biên ải, đi biền biệt, không phải là đã chết mà chỉ là biệt tích có khi đến mười năm, mà ở nhà những người vợ trẻ vẫn yên tâm chờ đợi. Huống chi đây… cháu Lý cũng mới 22 tuổi, đã lo gì qua thời xuân sắc, cho rằng mười năm nữa anh Khoá mới về thì vợ chồng còn thuỷ chung như nhất với nhau, thì xuân xanh cũng chẳng vội bỏ những người tốt nết đẹp lòng.”

Đến đây thì bà nội tôi cũng vẫn không đổi ý. Bà nói như van lơn nài nỉ:

“Thưa ông bà, những điều ông bà vừa nói, bên chúng tôi ai cũng biết vậy cả. Nhưng cứ mỗi tối, cứ thấy bóng con dâu vẫn ra vào, thu dọn nhà cửa trong bếp ngoài sân, thấy nó cứ thui thủi như thế mà cũng xấp xỉ năm năm rồi, tôi lại ứa nước mắt thương con. Mong ông bà thương tôi đã vào tuổi già, trong khi vợ chồng anh cả có đôi có lứa thì cháu Lý đêm ngày thui thủi một thân, ông bà tính: làm sao tôi có thể yên tâm nằm ngủ được. Thôi thì ông bà cứ cho tôi một thời hạn là một năm nữa, nếu anh khoá nhà tôi nó không về thì tôi xin phép ông bà đưa cháu Lý sang… Còn thì hai gia đình chúng ta vẫn đi lại thân thiết như trước…”

Cứ lâu lâu khi có một người quen đi Pháp là anh Hoàng Cầm lại gửi từng xấp hồi ký cho tôi. Khi thì nói về Thâm Tình Nguyễn Chí Thanh, mười trang viết tay với tuồng chữ ngoằn ngoèo yếu ớt nhưng lời văn rất cảm động, rành mạch và sắc sảo về những lời đối đáp giữa anh và Nguyễn Chí Thanh, Trần Dần khi bàn luận về trách nhiệm tình yêu, nghĩa vợ chồng của người chiến sĩ, lòng nhân hậu của Nguyễn Chí Thanh đối với người về ở bên Tề,… Những gì tôi được nghe kể trong thời gian anh đi tù, anh chỉ thuật trực tiếp cho tôi nghe khi tôi về Hà Nội. Nghe nói sau này anh cũng có kể lại trong những cuộn băng mà không biết các vị cháu con của anh có thì giờ đánh máy được ra và còn lưu giữ được đâu đó hay không.

Tôi rất tiếc đã không mời anh đi dự lễ Phật Đản 2008 tổ chức rất quy mô tại Mỹ Đình. Ngày mai là vào lễ Phật Đản rồi mà hôm nay các thành viên quan trọng như đoàn của thầy chúng tôi cũng không chắc xin được vé cho các sư cô ở chùa Bát Nhã, Từ Hiếu và Diệu Trạm vào tham dự được, nên chúng tôi cũng không thể mời anh và gia đình anh cùng gia đình anh Đào Hùng tới dự. Trong chuyến đi 2008 này, vì muốn có nhiều thiền sinh ngoại quốc về dự Lễ Phật Đản nên chúng tôi đã phải tổ chức một khoá tu năm ngày tại khách sạn Kim Liên. Khoá tu chỉ là để cầu nguyện cho lễ Phật Đản thành công tốt đẹp. Vậy mà khi về đến Hà Nội rồi chúng tôi cũng không chắc khoá tu có diễn ra được êm xuôi không nữa. Họ muốn để họ mướn khách sạn cho thiền sinh, để họ tổ chức xe cộ di chuyển, ăn uống, chiếu khán… Nhưng họ đâu biết được thiền sinh cần phải lên kế hoạch trước cả năm hay sáu tháng mới tự tổ chức xin nghỉ làm việc và mua vé máy bay được, nên tất cả đều đã được chuẩn bị xong xuôi nhiều tháng trước khi họ về… Còn các công ty du lịch nhà nước thì đợi tới ba tuần trước Phật Đản mới chen vào… Chúng tôi không còn tâm trí nào để nhớ nghĩ đến việc mời các anh Hoàng Cầm, Đào Hùng… đi dự lễ Phật Đản nữa. Đó là một thiếu sót lớn của chúng tôi. Thiền cô Tâm Không có đến tận nhà thăm anh tháng 6 năm 2008, sau Phật Đản để chào anh. Không ngờ đó là lần gặp gỡ cuối cùng. Vì sau đó tôi bị cuốn vào những ưu lo cho 379 sư em ở tu viện Bát Nhã bị đuổi ra khỏi tu viện, và vì nhiều việc tới tấp rối rắm khác nữa nên tôi đã không còn thì giờ để tâm nhiều về anh, vì biết anh cũng đang ở và sống rất bình an. Khi nghe anh Hoàng Cầm mất ngày 6 tháng 5 năm 2010, tôi BIẾT là mình không thể nào về thăm được. Gần 400 vị xuất sĩ trẻ đã bị đuổi ra khỏi tu viện Bát Nhã vẫn còn xấc bấc xang bang, chưa có chỗ ở. Người ta chỉ muốn 379 vị tu sĩ này hoàn toàn hoàn tục thì họ mới để yên. Em nào còn mặc áo tu thì vẫn còn khó khăn. Chúng tôi bận đi vận động xin visas cho các em đi Pháp, đi Hoa Kỳ, đi Đức, mỗi nước vài ba chục cái, nên tâm trí cũng không còn để viết được một bài văn cho anh Hoàng Cầm thân yêu được. Tôi cũng biết rõ những bức thư của tôi, dù thâm tình cách mấy cũng sẽ rơi như cám vụn trước đông đảo người đến chia buồn. Tôi muốn dành đoạn hồi ký này như một bài kinh cầu nguyện cho anh Hoàng Cầm, nhà thơ của dân tộc Việt và Mối Tình của Chàng với người Em rất Cần… Thơ của anh. Em Thơ của anh là Phương Vân Am, Phương Khê, là Làng Hồng, là Làng Mai. Em Thơ là Thầy, với những lời chân tình chạm vào được nơi sâu thẳm nhất của hồn anh, Em Thơ là tôi, với nếp sống thiểu dục, ham ca hát và ham chơi nhiều thứ, em Thơ là anh Năm tôi ra toa cho thuốc trị bệnh rất đúng, em Thơ là các bạn Hà Lan góp tiền cho tôi mua thuốc gửi cho văn nghệ sĩ, em Thơ cũng là má tôi, ngồi với tôi tỉ mỉ xếp từng chai thuốc vào hộp, là em Hương, em Hằng, là Neige Achiary, là Pierre Marchand, là Mobi, là Tuyết, là Krisnana, là Ngọc Bích, Bùi Thanh Vũ, Bùi Ngọc Thuý, là bé Thuỷ, bé Long, bé Minh Tâm, là Ngọc Lan Thảo Trang, với bé Thơ, bé Trang, bé Sâm, bé Ton, bé Thảo,… mọi người đã cùng phụ tôi ngồi tỉ mỉ xếp từng hộp thuốc… Em Thơ của Hoàng Cầm cũng là Làng Hồng với các cô gái Việt – Âu được thấm dần văn hoá Việt, là các cháu Diễm Thanh, Diễm Trang, Giao Trinh, Anh Hương, Võ Tri Thuỷ, Bích Thuỷ, là các anh Nguyễn Bá Thư, Vinh, Minh thiền sư, cháu Phạm Mạnh Giao, các bé Tường Miên, các cháu thiếu niên Oanh, Thuỷ, Thảo, Vũ, Hiếu, Hạnh Đoan, Hạnh Thuần, bé Liên, là Tí Tèo Ti, là Lư Suôi Hà, là Lư Thị Hồng, là Lư Thị Bé… là anh Thiều, chị Muồi, là chị Yến, chị Hà, là anh Lê Chơn Thuyên, là chị Nguyễn Năng Sao, là bé Phương, bé Trúc, bé Tí, bé Miu, bé Tâm… trong dòng sông của Làng Mai. Hoàng Cầm ơi, chúng em biết là anh đang không chịu ngủ yên nơi chín suối đâu. Anh đang có mặt với chúng em, trên mọi nẻo đường đất nước, đặt hết trái tim để làm thơ, hát hò, ca tụng những nét đẹp tuyệt vời của quê hương mà chiếc nôi vẫn là miền Kinh Bắc đậm đà bản sắc dân tộc. Tiếng hát của anh sẽ sống với chúng em ngàn đời.

Bỡ ngỡ chấp nhận tôi là một nữ tu nhưng vẫn nhất định tôi vẫn là em Thơ của thi sĩ

Trong lá thơ viết ngày 9.11.1991, anh nhắc tôi viết thư cho anh và giục tôi một lần nữa phải gửi ngay cho anh một bức hình cận cảnh của tôi, vì anh biết rằng tôi đã xuất gia với pháp danh là Tâm Không. Dù biết tôi đã thành sư cô, dù đã có lần gọi tôi là “Thiền cô”, nhưng trong thư này anh vẫn gọi tôi là “em Thơ rất yêu quý của anh”.

Anh nói bóng hình của tôi đối với anh vừa thật là gần vừa thật là xa (bài Hương xa có câu: Sao xa… lạ thế… mà thân thế) và hình như chưa bao giờ anh thấy được tôi ở “góc độ tục luỵ” trong khi trái tim của anh vẫn còn cứ đập theo nhịp sống tục luỵ.

Anh viết: “Phong thái thiền của em thì vẫn là phong độ của thiền cô” và anh nói bài thơ Chùa Hương của anh chỉ làm rung động cõi người chứ không thể làm mảy may xao xuyến cõi Tâm Không. Tâm Không là pháp danh khi tôi thọ năm giới và tôi đã cho Hoàng Cầm biết tên đạo đó khi tôi đã xuống tóc.

Trước đó bốn năm tháng, anh đã nhắc tôi gửi hình cận cảnh của tôi qua cho anh xem rồi. Tôi có gửi cho anh một cuốn cassette trong đó tôi đọc và hát những bài thơ của Thầy do chính Thầy phổ nhạc. Anh trả lời là anh không có máy nghe cassette và anh trách tôi là cứ lần lữa không chịu gửi hình cho anh xem. Trong lá thư viết ngày 15.3.1990 anh viết:

Mặc dầu em đã kể tỉ mỉ nhưng anh vẫn chưa biết mặt em. Anh đã hỏi xin em một tấm hình, em cứ khất lần mãi, sao em lại bắt anh phải hứa là không chia sẻ rồi em mới gửi ảnh? Đáng lẽ trong hai hộp thuốc vừa rồi phải có ít ra là một tấm hình em. Nghĩa là em bắt anh phải nghe tiếng đã rồi mới được biết mặt? Vâng thế cũng được. Vậy sau khi nhận thư này em gửi ngay một vài tấm hình em nhé.

Cuối năm 1991, nghe tin tôi đã xuất gia (thật ra tôi xuống tóc từ năm 1988 nhưng đến 1991 tôi mới “bật mí” là tôi đã… không còn tóc!), trong lá thư viết ngày 28.12.1991 anh gọi tôi là thiền cô Tâm Không, thưa thiền cô…

Anh viết:

Từ nay, kẻ hàn sĩ này biết xưng hô thế nào với cô em gái đã xuất gia, thế phát, khoan thai hằng ngày đi trong cõi từ bi bác ái của Phật. Nếu kẻ hàn sĩ gọi em, và nói những chuyện, những tiếng của miền tục luỵ còn cát bụi bùn nhơ, liệu Thiền cô có được vui lòng?

Nhưng sau đó anh lại viết:

(Nhưng) còn thơ này, xin Thiền cô cứ tạm cho phép hàn sĩ cứ gọi thiền cô là em thân yêu và tự xưng là anh như trước!

Và anh tiếp tục lá thư với lối xưng hô “Thân yêu gửi em Thơ”.

Tôi đã gửi được cho anh một băng cassette ghi tiếng hát của tôi, phần lớn trình bày những bài hát do chính Thầy phổ nhạc cho lời thơ thiền của Thầy viết ra như bài Ảo hoá, Đại Trượng phu, Quê hương tuổi nhỏ, Đêm Cầu nguyện, Con nghé nhỏ đuổi chạy mặt trời,… Hoàng Cầm đã nghe giọng tôi hát và anh rất thích, dù tôi hát không có nhạc đệm. Anh nói nghe giọng hát của tôi anh có cảm giác lâng lâng, thoát vòng tục luỵ. Anh nghe được hai lần, sau đó các bạn của con trai anh mượn nghe, và vì thích quá, chuyền tay nhau rồi làm mất. Hoàng Cầm phê bình về tiếng hát của “thiền cô Tâm Không”:

Còn cuốn băng của em thì thật là do Phật Quan Âm chấp cánh. Anh mới nghe được hai lần thì có một bọn trẻ – bạn con trai anh – nghe, thấy thích, mượn rồi truyền tay nhau, bây giờ anh không còn biết nó đi về phương nào. Đúng là em hát “mộc” – nghĩa là không cần đệm đàn – nên hồn nhiên và hấp dẫn như hoa cỏ và hương trời. Đâu phải anh vô tình, hay vì thích có đàn đệm mà quên những lời như ru của em, ru người ta vào cõi tịnh không chỉ có trời xanh mây trắng và hương đồng cỏ nội, khiến người tục luỵ như anh, đau khổ như anh cũng thấy lâng lâng, nhẹ bớt đi những nỗi đời khắc khoải. Thôi thì anh có bị mất cuộn băng, cũng coi như nhiều người khác đã nghe. Em nhé. Còn băng nữa, em cứ gửi tặng anh đi, anh không quên tiếng hát thiền của em đâu. Mong em tràn đầy sức khoẻ.

Năm 2004 sau khi nghe tôi kể rất nhiều về đời sống nhẹ nhàng của người xuất gia anh có viết và gửi tặng chúng tôi hai bài thơ:

TỰ TẠI YÊN NHIÊN

Ta thường đốt cháy Hư vô

Để tìm Em với bài thơ cuộc đời

Lửa thiêu vàng trắng ngất trời

Hỏi em còn thấy bóng người nào không

– Người Thơ ơi, cứ yên lòng

Vẫn còn Anh với mấy dòng Hư vô

Thế gian đau khổ từ xưa

Vẫn còn nguyên bóng em thơ đói nghèo

Dân tình xơ xác leo teo

Người Thơ kẻ sĩ bọt bèo không tan

Nghĩ thương nông nổi thế gian

Chí tàn lực cạn chỉ van Phật, Trời

Phật Trời gần – thật xa xôi

Đành ôm nỗi khổ chôn vùi hư không

Duyên gì nghiệp ấy cũng xong

Cháu con được phúc cười trong mệnh Trời

Hoàng Cầm tháng 8.2004

CON SÁO VẪN SANG SÔNG

Ơ! Em đã về

Ngồi đây anh hát em nghe

Lý con sáo sang sông từ thuở ấy

Còn nhớ cô Đào

lấy chồng tươi tắn vậy

Được non năm

nằm ốm nặng tưởng ra đi

Nhưng anh chồng cúi lạy Phật từ bi

Cho em sống

còn anh xin đi thay vào hoả ngục

Mô Phật!

Hôm nay

Đức Quan Âm cười hiền

cho vợ chồng Đào vẫn còn phúc đức

Vẫn hát dài “Con sáo đã sang sông”

Ôi Việt Nam, thi trung hữu Phật

Chỉ có Hàn Mạc Tử mới có động

Huyền Không

Chỉ có em Thơ mới biết khóc ở đáy lòng

“Ở trong phổi trong tim trong hồn nữa”

Anh lại kể em nghe

Vua Lý đa tình một thuở

Mới sinh ra toàn người đẹp Bắc Ninh

Như Lý Thánh Tông vừa dẹp xong giặc cướp

Chiêm Thành

Về lại cưới thêm ba bốn nàng tuyệt sắc

Để Ỷ Lan vương phi ghen

càng ghen càng vướng mắc

Nợ quê hương Kinh Bắc, nợ non sông

Bà trang trải đến phi thường

Nay em đã về từ thuở Hùng Vương

Em có gặp nàng Ngọc Hân oan khuất

Cũng đã về

vẫn lời ca son sắt

Tự ngàn xưa…

Con sáo đã sang sông

Tháng Vu Lan 2004

Hoàng Cầm

Ngày 14.12.1997, Hoàng Cầm viết cho tôi một lá thư dưới hình thức một bài thơ. Anh báo tin Kiều Loan con gái anh sau 18 năm cách biệt đã về tới Hà Nội thăm anh, và anh viết rằng giữa anh và tôi có tình sâu nghĩa nặng và dù có cách xa một nửa tinh cầu, anh sẽ chẳng bao giờ quên tôi. Bài thơ như sau:

Thân thương gửi

TÂM KHÔNG

Em thương, quý,

Kiều Loan bất ngờ về quê hương Kinh Bắc

Hạnh phúc Trời Phật ban cho anh

Sau mười tám năm con gái thương cách biệt

Em ơi, chỉ có TÂM cao khiết

Chỉ có chữ ĐỨC chân thành

Mới làm nên sức sống cho anh

Và em nữa, hương ngâu trinh trắng

Đã gửi về anh tình sâu nghĩa nặng

Dẫu cách xa một nửa tinh cầu

Anh chẳng bao giờ không nhớ em đâu

Và hôm nay, trời rất xanh, mây rất mỏng

Anh đã hồi sinh nhờ Trời Đất cưu mang

Vẫn nhớ em một đoá hoa vàng

Dệt áo ấm cho muôn người rét mướt

Tâm hồn anh, một xế chiều óng chuốt

Còn như cây, nở lộc chồi xanh

TB – Đã lâu không có tin gì của Tâm Không

Anh vẫn tin luôn có em bên cạnh

Dìu anh đi vui đoạn đường hiu quạnh

Bỗng tiếng sơn ca lảnh lót hoàng hôn

Năm nay, sức khoẻ của anh có phần giảm sút

Lẽ thường thôi vì mỗi tuổi một già

Nhưng anh vui khi nhớ những ngày qua

Anh đã lọc bùn tưới gốc me già quê mẹ

Và ngày mai lại bình minh lắng loé

Trên vườn xanh con cháu hát lời yêu

Lời mến thương lá gõ bước chân chiều…

Nhớ viết thư cho anh

Chúc em khoẻ với mãi mãi tấm lòng

NHÂN HẬU

Anh

Hoàng Cầm

Hà Nội 14.12.1997”

Năm 1999, tôi có nhờ em Lữ Thế Cường đi Việt Nam và ghé thăm Hoàng Cầm dùm tôi. Cường có quốc tịch Hà Lan làm tôi nghĩ đến xứ Hà Lan thân yêu đã từng giúp tôi tìm ra 14 nghìn người bảo trợ cho 14.000 thiếu nhi mồ côi cha mẹ. Tôi nhờ Cường đi thăm Hoàng Cầm dùm. Cường rất ngưỡng mộ lòng thành thương tổ, thương Bụt của các cụ già miền Bắc. Dưới đây là hình anh Hoàng Cầm ngồi sau người lái xe ôm ở Hà Nội do Cường chụp năm 1999.