Chương 16: Tổng luận về Phật Giáo đời Trần
CHỦ LỰC CỦA VĂN HÓA ÐỜI TRẦN
Trong những buổi đầu lập quốc đời Lý, các vua Lý rất cần đến các thiền sư. Không những họ cần đến các vị này để liên kết nhân tâm, họ còn cần đến sức học, công tác giáo dục, công tác ngoại giao và kế hoạch của những ông thầy tu nữa. Đến đời Trần, tình trạng khác hẳn. Các vua Trần đều học giỏi, mà lại rất giỏi về đạo Phật, nên liên hệ giữa các vua và các thiền sư không phải là để nhờ cậy về phương diện kế hoạch và công tác. Các ông vua như Thái Tông, Thánh Tông, Nhân Tông và Anh Tông đều có căn bản vững chắc về Phật học. Họ ủng hộ Phật giáo một phần vì họ là Phật tử, một phần có lẽ cũng vì muốn liên kết nhân tâm trong việc xây dựng và bảo vệ đất nước. Thời đại Nhân Tông là thời đại mà Phật giáo đời Trần hưng thịnh đến cực độ. Thế nhưng tinh thần từ bi và khoan dung của đạo Phật không hề đi đôi với một thái độ tiêu cực và quên lãng. Hội nghị Diên Hồng do Trần Nhân Tông triệu tập đã nói lên được sự đồng tâm nhất trí của vua dân thời ấy. “Ðánh”, quyết nghị đồng thanh ấy của Hội nghị Diên Hồng là tiếng nói của ý thức tự chủ và tinh thần tự cường tự lực của dân Việt trong thời đại Phật giáo Thống nhất đời Trần. Nếu vua Trần Thái Tông không học Phật và theo Phật giáo thì có lẽ Phật giáo đời Trần đã không có được giai đoạn rực rỡ hồi Trần Nhân Tông. Cuộc đời tu học của Trần Thái Tông đã tạo một không khí học Phật thật sự trong giới trẻ tuổi ở triều đình và ở giới trí thức tại thủ đô Thăng Long. Sự học Phật này của giới trẻ tuổi và trí thức đã lấy nguồn cảm hứng ở cuộc đời Thái Tông và hoàn toàn không vụ lợi. Thánh Tông và Tuệ Trung là hai người xuất sắc trong số những người trẻ học Phật và thành đạt trong sự nghiệp học Phật ấy. Sự học Phật ở đây không đưa đến thi cử và địa vị, sự học Phật ở đây chỉ là để làm người. Cái học hoàn toàn không có tính cách khoa cử, từ chương và ép buộc.
Phật giáo Trúc Lâm là một nền Phật giáo độc lập; uy tín tinh thần của nó là uy tín tinh thần quốc gia Ðại Việt. Nó là xương sống của nền văn hóa Việt Nam độc lập. Nền Phật giáo này tuy có tiếp nhận những ảnh hưởng của Phật giáo Trung Hoa, Ấn Ðộ và Tây Tạng nhưng vẫn giữ cá tính đặc biệt của mình. Ðứng về phương diện tư tưởng, tổ chức, cũng như hành đạo, Giáo hội Trúc Lâm có những nét độc đáo khiến cho nó chỉ có thể là một giáo hội Việt Nam, phục vụ cho người Việt, duy trì và bồi đắp cá tính Việt. Chính vì nhận thức được điểm ấy mà nhà Minh vào đầu thế kỷ thứ mười lăm đã quyết tâm đập cho tan nát những cơ cấu văn hóa xây dựng trong suốt gần 150 năm của Phật giáo đời Trần. Trương Phụ lượm lặt hết các sách vở cổ kim của ta, đóng thùng chở về Kim Lăng. Tháng bảy năm Mậu Tuất (1418) nhà Minh còn sai hai cán bộ văn hóa của họ là tiến sĩ Hạ Thi và hành nhân Hạ Thanh sang tìm tòi và thu lượm tất cả những sách chép về lịch sử và sự tích xưa nay do người Việt viết. Năm 1419, nhà Minh lại cho người đem sách Khổng giáo, Lão giáo và Phật giáo của họ sang để thay thế cho những sách trước kia bị họ lấy mất. Chính sách tiêu diệt văn hóa thâm độc đó đã phá hoại gia tài tinh thần của triều Trần để lại không phải là ít.
NHỮNG VỊ TĂNG SĨ NGOẠI QUỐC CÓ MẶT TRONG ÐỜI TRẦN
Trong đời Trần Thái Tông, có hai vị thiền sư Trung Hoa là Thiên Phong và Ðức Thành đến viếng Ðại Việt. Cả hai người đều là khách của vua Thái Tông. Thiên Phong thuộc truyền thống Lâm Tế, còn Ðức Thành không biết thuộc truyền thống nào. Cả hai người đều đã được mời tham dự những buổi tham luận thiền học do Thái Tông tổ chức ở viện Tả Nhai và chùa Phổ Ninh. Những yếu tố mới của Thiền học Lâm Tế do Thiên Phong đem tới đã có ảnh hưởng nhiều trên tư tưởng Phật giáo thời này. Ðại Ðăng quốc sư và Nan Tư hòa thượng là hai người chịu ảnh hưởng Lâm Tế sâu đậm nhất. Thái Tông cũng đã học được nhiều từ thiền học Lâm Tế. Trần Thánh Tông đã học với quốc sư Ðại Ðăng. Ðại Ðăng còn dạy thiền học Lâm Tế cho các vị như Liễu Minh quốc sư, Thường Cung, Huyền Sách và có lẽ cho cả thiền sư Tiêu Diêu nữa.
Năm 1318, dưới triều Minh Tông có một vị cao tăng Trung Hoa khác từ Hồ Nam tới viếng. Vị này tên là Phước Tuệ, hiệu là Vô Phương trưởng lão. Ông được thượng hoàng Anh Tông mời đến tham vấn. Thiền sư Pháp Loa cũng được mời đến để tiếp Vô Phương trưởng lão. Ta không biết được vị tăng sĩ Trung Hoa này theo khuynh hướng Phật giáo nào.
Cũng vào năm 1318, một vị tăng sĩ Ấn Ðộ tên Ban Ðể Ô Sa Thất lưu trú tại Ðại Việt được phụng chiếu vua Minh Tông dịch kinh Bạch Tán Cái Thần Chú. Vị tăng sĩ này hẳn là người có khuynh hướng Mật giáo. Sự kiện ông được phụng chiếu dịch kinh Bạch Tán Cái Thần Chú cho ta thấy rằng dưới thời Minh Tông, Phật giáo Trúc Lâm đã nặng khuynh hướng Mật giáo và tăng sĩ Ðại Việt đã chỉ học Phật học bằng Hán tự mà không được học Phạn ngữ như dưới triều Lý. Một vị tăng sĩ Ấn Ðộ khác thuộc Mật giáo tên Bồ Ðề Thất Lý cũng đã đến Ðại Việt trong thời đại Minh Tông.
Ngoài những vị tăng sĩ Mật giáo Ấn Ðộ còn có một vị tăng sĩ Lạt Ma giáo người Tây Tạng tên là Du Chi Bà Lam. Ông này qua Ðại Việt hai lần, một lần dưới triều vua Nhân Tông, một lần dưới triều vua Anh Tông. Ông có gia đình vợ con. Trong chuyến viếng thăm thứ hai vào năm 1311, ông có đưa cô con gái Ða La Thanh đi theo. Vua Anh Tông đã tuyển cô thiếu nữ Tây Tạng này vào cung. Du Chi Bà Lam ở lại Ðại Việt và mất ở thủ đô Thăng Long.
Sự có mặt của những vị tăng sĩ Mật giáo trên cho biết Phật giáo cuối đời Trần chịu ảnh hưởng Mật giáo không phải chỉ qua trung gian Trung Hoa mà còn trực tiếp bằng sự viếng thăm của tăng sĩ Tây Tạng và Ấn Ðộ.
CÁC KHUYNH HƯỚNG TƯ TƯỞNG TRONG PHẬT GIÁO ÐỜI TRẦN
Thiền học đời Trần tiếp nối thiền học đời Lý và trong suốt thời gian xây dựng và phát triển nền Phật giáo Thống nhất, đã tiếp nhận nhiều khuynh hướng mới.
Thiền sư Thường Chiếu, người đánh dấu cho sự chuyển tiếp giữa Phật giáo đời Lý và Phật giáo đời Trần đã thừa hưởng di sản tinh thần của cả ba thiền phái Tỳ Ni Ða Lưu Chi, Vô Ngôn Thông và Thảo Ðường. Thiền học đời Trần trong buổi đầu đã chú trọng tới sự nghiên cứu các cổ tắc, những thiền ngữ và những kệ tụng dùng làm tài liệu thiền quán. Ðây là yếu tố do thiền phái Thảo Ðường đem lại, bắt từ thiền học của Tuyết Ðậu thuộc thiền phái Vô Môn.
Những nhà Thiền học đầu đời Trần như Thái Tông và Tuệ Trung đã có sáng tác niêm tụng (những lời thiền ngữ và những bài kệ tụng dùng làm sáng tỏ các cổ tắc), chứng tỏ Phật giáo thượng bán thế kỷ mười ba tiếp nối vững chãi truyền thống Thảo Ðường. Yếu tố Mật giáo đã được thanh lọc ra khỏi Thiền học qua những nhà Phật tử như Viên Chứng, Ứng Thuận, Thái Tông, Ðại Ðăng và Tuệ Trung. Trong những tác phẩm của Thái Tông và Tuệ Trung, Mật giáo đời Lý không còn lưu lại dấu vết nào. Tuy vậy, khuynh hướng niệm Phật vẫn được tiếp nối.
- a) Ảnh hưởng Lâm Tế − Cùng với Thiên Phong, truyền thống Lâm Tế được du nhập lần đầu và có ảnh hưởng lớn. Những tư tưởng “vô tâm” và “mê ngộ không hai” cùng những nguyên tắc Tứ Liệu Giản, Tam Cú, Tam Huyền, Tam Yếu, Tứ Chiếu Dụng và Tứ Tân Chủ được học tập và áp dụng. Phương pháp dùng tiếng hét và gậy đánh cũng thỉnh thoảng được áp dụng. Sự thực hành thiền học trong thế kỷ thứ mười ba có thể được mô tả bằng những nét sau đây:
– Thọ giới cư sĩ, tỳ khưu hoặc Bồ tát.
– Học kinh Kim Cương, và nếu có thể thì kinh Lăng Già, Viên Giác và Pháp Hoa.
– Thực hành sám hối để thanh lọc tâm ý.
– Học các bộ ngữ lục như Tuyết Ðậu Ngữ Lục, Ðại Tuệ Ngữ Lục, Bích Nham Lục.
– Ngồi thiền.
– Tham cứu thoại đầu, cổ tắc, công án.
– Dự những buổi tham vấn Thiền học để nghe đối thoại giữa thiền sư và thiền sinh.
– Kết hạ an cư mỗi năm ba tháng từ rằm tháng Tư đến rằm tháng Bảy.
– Cầu pháp với một vị cao tăng đạt đạo để được đắc pháp.
– Niệm Phật.
- b) Yếu tố Tịnh độ giáo − Vấn đề niệm Phật đã được Trần Thái Tông và Tuệ Trung đề cập tới. Ðối với cả hai người, niệm Phật, cũng như ngồi thiền, có mục đích gạn lọc tâm ý và thể hiện pháp thân. Tuy Thái Tông có nói đến việc “sinh về nước Phật”, nhưng vua nhấn mạnh nhiều hơn tới tác dụng phát khởi chính niệm và diệt trừ tam nghiệp (thân, khẩu, ý). Vua viết:
“Niệm Phật là do tâm phát khởi. Tâm phát khởi về nẻo thiện thì đó là thiện niệm; thiện niệm đã phát khởi thì thiện nghiệp sẽ đền bồi. Tâm phát khởi về nẻo ác thì đó là ác niệm; ác niệm đã sinh thì ác nghiệp sẽ ứng nghiệm. Như kính hiện ảnh, như bóng theo hình, cho nên thiền sư Vĩnh Minh Diên Thọ nói: Ai mà vô niệm, ai mà vô sinh?
“Nay học giả muốn khởi chính niệm để dứt tam nghiệp thì cũng cần mượn công phu niệm Phật vậy. Vì sao niệm Phật có thể dứt tam nghiệp? Khi niệm Phật, thân ngồi ngay ngắn, không hành tà hạnh, đó là dứt thân nghiệp; miệng tụng chân ngôn[1]không nói lời tà ngữ, đó là dứt khẩu nghiệp; ý duy trì tinh tiến mà không khởi tà niệm, đó là dứt ý nghiệp. Tuy nhiên, có ba trình độ trí giả: Đối với bậc thượng trí, tâm chính là Phật, không cần phải thêm gì vào, chủ thể niệm và đối tượng niệm là một không khác. Ðối tượng và chủ thể niệm vốn bản nhiên thanh tịnh, nên nói là như như bất động, là Phật thân. Phật thân với thân ta không phải là hai: hình tướng không khác, tịch nhiên thường tồn, vượt ngoài mọi tư duy, nên gọi là Phật đang sống. Ðối với bậc trung trí, thì tất cần mượn đến phương pháp niệm Phật, chú tâm tinh cần, niệm trước nối niệm sau không vong thất gián đoạn, tự tâm thành ra thuần thiện. Thiện niệm đã hiện thì ác niệm liền tiêu. Ác niệm đã tiêu thì chỉ còn lại thiện niệm. Dùng niệm mà ý thức đến sự có mặt của khái niệm, dùng niệm để diệt trừ khái niệm. Khái niệm đã diệt tất nhiên hành giả trở về với chính đạo, khi mạng chung đạt tới cái vui của Niết bàn, của thường, lạc, ngã, tịnh, vốn chính là con đường của Phật vậy. Ðối với bậc hạ trí, miệng phải chuyên niệm lời Phật, tâm phải mong thấy tướng Phật, thân phải nguyện sinh nước Phật, ngày đêm siêng năng tu hành không thối chuyển, sau khi mạng chung sẽ tùy thiện niệm của mình mà được sinh về nước Phật, sau đó được nghe chính pháp do chư Phật giảng dạy mà chứng được quả vị Bồ đề, cũng đạt tới địa vị Phật…”
Thái Tông hai lần nói tới việc “mượn đến phương pháp niệm Phật” cho ta thấy vua xem niệm Phật cũng là một phương tiện thiền định, bởi vì niệm Phật là gạn lọc tâm ý, diệt trừ ác nghiệp, phá trừ những chướng ngại tâm lý để làm hiển lộ bản tính mà cũng là Phật tính. Bài thơ của Tuệ Trung về Tịnh độ cũng cho biết ông xem Ðức Phật A Di Ðà là tự tâm của mỗi người, là pháp thân có mặt khắp nơi như ánh trăng có trên mọi sóng nước của đại dương vào một đêm thu lạnh:
Di Ðà vốn thực pháp thân ta
Nam Bắc Ðông Tây khắp chói lòa
Trăng thu ngự giữa trời cao rộng
Ðêm lặng trùng dương rạng chiếu xa.
(Tâm nội Di Ðà tử mạ khu
Ðông Tây Nam Bắc pháp thân chu
Trường không chỉ kiến cố luân nguyệt
Sát hải trùng trùng dạ mạn thu.)
Thiền sư Vĩnh Minh Diên Thọ mà Thái Tông nói đến trong bài Niệm Phật Luận của vua là một thiền sư Trung Hoa (904 − 975) thuộc thiền phái Pháp Nhãn. Diên Thọ là người đầu tiên áp dụng phương pháp niệm Phật và trì chú trong thiền giới. Về phương pháp niệm Phật, ông nói “Tịnh độ là tâm ta” và vãng sinh Tịnh độ có nghĩa là “sinh ra ở cõi vô sinh”. Ông nói rằng theo nguyên tắc thì chán cõi ta bà cầu sinh tịnh độ là trái với chân lý bình đẳng và cũng trái với nguyên tắc “ngoài tâm không có pháp”. Tuy nhiên, sinh lại ở Tịnh độ thì dễ thành được quả vị Bồ đề. Ông chủ trương bốn trường hợp:
- Có tu Thiền mà không tu Tịnh độ: Mười người rớt tới chín người.
- Không tu Thiền chỉ tu Tịnh độ: Vạn người thành công cả vạn.
- Tu cả Thiền cả Tịnh: Như cọp có cánh.
- Không Thiền mà cũng không Tịnh: Vạn kiếp trầm luân.
Chính vì khuynh hướng niệm Phật quá mạnh như vậy mà sau khi Diên Thọ mất, thiền phái Pháp Nhãn đã suy đồi và nhường chỗ cho Tịnh độ tông. Những tác phẩm Tông Cảnh Lục và Vạn Thiện Ðồng Quy của ông chắc đã được vua Thái Tông đọc qua. Tuy nhiên ảnh hưởng của Diên Thọ nơi Phật giáo đời Trần, nhất là trong thế kỷ thứ mười ba không nặng nề đến nỗi Tịnh độ có thể lấn áp Thiền học. Trong những buổi tập chúng vào thời Trúc Lâm, tăng sĩ đã áp dụng phương pháp niệm Phật tập thể. Sách Thiền Ðạo Yếu Học có ghi lại cuộc vấn đáp của Trúc Lâm với vài vị tăng trong khi đại chúng đang thực hành phương pháp niệm Phật trên chính điện.
- c) Thiền giáo nhất trí − Sau khi Trần Nhân Tông xuất gia, phong trào học Phật được phát khởi và đại chúng hóa. Thiền ngày xưa chú trọng đến thiền tọa và tham cứu thoại đầu, có tính cách đố kỵ cái học chương cú, bắt đầu lấy sự học hỏi kinh điển làm trọng. Không những thiền sinh học kinh Kim Cương và các bộ ngữ lục, họ còn học nhiều kinh khác, và học theo kiểu phân tích, chú giải và bình luận. Ðiều này là một hiện tượng mới trong thiền môn, và được thúc đẩy bởi một khuynh hướng tổng hợp giữa Giáo tông và Thiền tông, gọi là khuynh hướng “thiền giáo nhất trí”. Ba vị lãnh đạo Phật giáo Trúc Lâm đã đóng góp nhiều vào phong trào Phật học này. Cả ba, ngoài việc giảng dạy các bộ ngữ lục đều tích cực giảng các kinh Kim Cương, Pháp Hoa, Bát Nhã, Lăng Già và Hoa Nghiêm. Kinh Hoa Nghiêm là một bộ kinh vĩ đại cần phải giảng suốt năm mới hết. Pháp Loa giảng kinh này nhiều lần; có những khóa giảng có tới từ 500 đến 1.000 người theo học. Sách giáo khoa về các kinh được soạn ra và ấn hành rộng rãi. Những sách do Pháp Loa và Huyền Quang soạn để cung cấp cho việc học Phật thời ấy:
Chư Phẩm Kinh (Huyền Quang)
Thích Khoa Giáo (Huyền Quang)
Pháp Hoa Kinh Khoa Sớ (Pháp Loa)
Lăng Già Kinh Khoa Sớ (Pháp Loa)
Bát Nhã Tâm Kinh Khoa Sớ (Pháp Loa)
Kim Cương Trường Ðà La Ni Khoa Sớ (Pháp Loa)
Ngoài ra, chắc chắn số sách giáo khoa còn nhiều. Ðây là nói về các sách phân tích, rút đại ý và bình giải về các kinh, chứ không nói đến các sách vốn được viết trong phạm vi truyền thống của Thiền học như các bộ ngữ lục, các tập chỉ nam về thiền hành. Khoa là phân ra từng đoạn và rút nói đại ý, còn sớ là chú thích về nghĩa lý của các đoạn văn. Các sách khoa sớ vì vậy là những sách giáo khoa được dùng một cách rộng rãi trong quần chúng. Thiền học Việt Nam vào đầu thế kỷ thứ mười bốn đã dung hợp với việc học hỏi chương cú. Việc khắc bản Ðại Tạng Kinh thực hiện vào cuối thế kỷ thứ mười ba, đóng góp không ít vào phong trào Phật học đầu thế kỷ thứ mười bốn.
- d) Ảnh hưởng Mật giáo − Từ đầu thế kỷ thứ mười bốn trở đi, ảnh hưởng Mật giáo dần dần được khôi phục. Ðại Tạng Kinh chùa Phổ Ninh được in lại vào cuối thế kỷ thứ mười ba chắc hẳn có nhiều văn bản mới về Mật giáo. Sự thịnh hành của Mật giáo dưới triều nhà Nguyên chắc chắn cũng đã ảnh hưởng tới Phật giáo Ðại Việt. Hốt Tất Liệt, người diệt nhà Tống để lập nhà Nguyên là người Mông Cổ. Mông Cổ trước đó đã từng chiếm cứ Tây Tạng và chịu ảnh hưởng Phật giáo Tây Tạng là Lạt Ma giáo. Hốt Tất Liệt sau khi thống nhất Trung Quốc đã tôn một vị Lạt Ma trẻ tuổi (chưa đầy 30 tuổi) tên là Phagspa (Phát Tư Ba) làm quốc sư và lấy Lạt Ma giáo làm quốc giáo. Năm 1264, Phát Tư Ba được thống lãnh Tổng Chế Viện, năm 1288 được thống lãnh Tuyên Chính Viện, tức là cơ quan tối cao quản đốc mọi sự vụ liên hệ tới Phật giáo, Lạt Ma giáo và Tây Tạng. Lạt Ma giáo trở nên quốc giáo, các vị Lạt Ma được che chở, ưu đãi và sau đó nhiều vị trở nên hư hỏng. Ðiều này cũng đã ảnh hưởng nhiều tới Phật giáo Việt Nam trong thế kỷ thứ mười bốn.
Ta biết rằng năm 1318, một vị tăng sĩ Ấn Ðộ tên là Ban Ðể Ô Sa Thất phụng chỉ dịch kinh Bạch Tán Cái Thần Chú tại Ðại Việt. Ta cũng biết rằng vào thời đó có những vị tăng sĩ Lạt Ma giáo người Tây Tạng và Mật giáo người Ấn có mặt tại Ðại Việt. Thiền sư Huyền Quang chế tạo đài Cửu Phẩm Liên Hoa có thể xoay vòng trong khi niệm Phật và trì chú. Thượng hoàng Anh Tông, Văn Huệ Vương, Uy Huệ Vương và nhiều người khác đã được thiền sư Pháp Loa làm lễ quán đỉnh[2], một nghi lễ Mật giáo. Tuy nhiên ảnh hưởng của Mật giáo không phải chỉ đến trực tiếp từ Lạt Ma giáo. Ngay từ giữa thế kỷ thứ mười, thiền sư Vĩnh Minh Diên Thọ cũng đã thực hành phương pháp trì chú đồng thời với phương pháp niệm Phật và tọa thiền. Mật giáo đã từng được hưng thịnh trong đời Ðường và trong Thiền tông đã bắt đầu có những người áp dụng phương pháp trì chú. Từ thế kỷ thứ mười bốn trở đi, trong thiền môn đã sử dụng các thần chú Phật Ðỉnh Thủ Lăng Nghiêm, Thiên Thủ Thiên Nhãn Vô Ngại Ðại Bi Tâm Ðà La Ni, và nhiều thần chú ngắn khác. Ta nên biết Bát Nhã Tâm Kinh, một bản văn rất phổ thông trong thiền giới, đã được liệt vào hàng những thần chú. Bản văn này được kết luận bằng một câu thần chú “Gate, gate, paragate, parasamgate, bodhi, svaha” (Yết đế, yết đế, ba la yết đế, ba la tăng yết đế, bồ đề, tát bà ha!). Các thần chú Thủ Lăng Nghiêm, Ðại Bi, Bát Nhã và mười bài thần chú khác trong đó có các bài Vãng Sanh Quyết Ðịnh, Tiêu Tai Kiết Tường, Thất Phật Diệt Tội, được đưa vào trong thời khóa tụng niệm buổi sáng, và áp dụng trong thiền môn cho tới ngày nay. Truyện Tổ Gia Thực Lục có nói tới buổi tụng kinh của Huyền Quang và đại chúng vào canh ba. Ðây chắc là một trong các thời khóa tụng niệm, trong đó yếu tố Tịnh độ và Mật giáo đã trở thành quan trọng.
Một khía cạnh khác của sự thực hành Mật giáo cũng trở thành phổ thông và quan trọng trong Phật giáo đời Trần: Ðó là việc tổ chức các trai đàn chẩn tế, gọi là “diệm khẩu phổ thí pháp hội” có nghĩa là những đại hội về Phật pháp để bố thí thức ăn cho loài quỷ đói. Phép này được thực hành trên căn bản một tác phẩm tên là Thí Chư Ngạ Quỷ Ẩm Thực Cập Thủy Pháp do Bất Không (Amogha) dịch vào thế kỷ thứ tám, đời Ðường. Theo sự tích thì một đêm A Nan Tôn Giả, đệ tử Phật, thấy một con quỷ đói tên là Diệm Khẩu (Thật Xoa Nan Ðà dịch là Diện Nhiên) xin A Nan cho ăn cơm. A Nan về hỏi Phật, nhân đó Phật chỉ bày phương pháp thí thực cho ngạ quỷ tức là quỷ đói (kinh Phật Thuyết Cứu Bạt Diệm Khẩu Ngạ Quỷ Ðà La Ni). Phật đã dạy những câu đà la ni (thần chú) để tụng đọc trong lễ thí thực: Đọc các thần chú này lên thì mỗi con ngạ quỷ đều có thức ăn để ăn. Người nào thực hành phép thí thực này thì phúc đức và mạng sống đều được tăng trưởng dài lâu. Phép tổ chức trai đàn thí thực này, theo Ðại Việt Sử Ký Toàn Thư, được du nhập vào Ðại Việt từ năm 1302 do một đạo sĩ tên là Hứa Tông Ðạo. Năm 1320, Pháp Loa tổ chức trai đàn chẩn tế ở chùa Phổ Ninh trong cung để cầu cho thượng hoàng Anh Tông sống lâu thêm, và trong dịp đó cũng làm lễ quán đỉnh cho thượng hoàng. Trong những trai đàn lớn, nghi thức chẩn tế được dùng là nghi thức Du Già Khoa Nghi, đầy những ấn quyết và thần chú. Trong thiền môn, thời khóa tụng niệm buổi chiều thường có một nghi thức thí thực cô hồn ngắn, gọi là Mông Sơn Thí Thực Văn. Cả hai nghi thức đều mang nặng màu sắc Mật giáo. Sự kiện sách Phật Giáo Pháp Sự Ðạo Tràng Công Văn Cách Thức ấn hành năm 1299 cho biết những nghi lễ thọ giới, cầu an, cầu siêu, v.v… đã có nghi thức riêng biệt và những bản văn như sớ, tấu, điệp dùng trong các lễ lược ấy đã trở thành phổ thông.
TỔ CHỨC GIÁO HỘI
Phật giáo đời Trần là Phật giáo một tông phái hợp nhất, và căn cứ quy tụ là núi Yên Tử. Các vị quốc sư Phật giáo đời Trần nhiều người phát xuất từ sơn môn Yên Tử, như Viên Chứng, Ðại Ðăng, Tông Cảnh, Bảo Phác, Phù Vân, Vô Trước và Quốc Nhất. Có ba vị quốc sư tuy không phải xuất phát từ Yên Tử nhưng có liên hệ mật thiết đến giáo hội Yên Tử: Đó là các quốc sư Nhất Tông, Liễu Minh và Ðạo Nhất. Chùa Vân Yên (mà đời Lê đổi lại là chùa Hoa Yên) trên núi Yên Tử là quê hương tinh thần, là “đại bản sơn” của Phật giáo Trúc Lâm. Hàng năm chùa có tổ chức kết hạ an cư ba tháng, và tăng sĩ bốn phương trở về tham dự rất đông, đến nỗi phải cất thêm nhiều dãy nhà tạm để có đủ chỗ cư trú. Vị tăng sĩ nào trong thời đại ấy cũng ước ao được về kết hạ ba tháng trên núi Yên Tử. Ðời Trần có truyền lại cho ta câu ca dao:
Dù ai quyết chí tu hành
Có về Yên Tử mới đành lòng tu.
Nhưng Yên Tử không thể thu nhận quá số người có thể thu nhận hàng năm. Giáo hội Trúc Lâm đã tổ chức an cư tại các chùa lớn khác nhau như chùa Báo Ân, Sùng Nghiêm, Vĩnh Nghiêm, Quỳnh Lâm, Thanh Mai, và Côn Sơn. Riêng chùa Vĩnh Nghiêm ở Lương Giang được chọn làm văn phòng trung ương của giáo hội, nơi cất giữ hồ sơ của tăng sĩ toàn quốc. Chính Pháp Loa năm 1313 đã tới đây làm việc để quy định mọi chức vụ của tăng sĩ trong giáo hội và kiểm tra tự viện. Trong đời Pháp Loa, tăng sĩ đã có độ điệp, tức là một loại giấy thông hành dành riêng cho tăng sĩ. Vị tăng nào có độ điệp thì có thể di chuyển không bị trở ngại và khi đến chùa nào nếu xuất trình độ điệp thì có thể được tiếp đón và ngủ lại ban đêm. Pháp Loa là người có độ điệp đầu tiên do Anh Tông ban năm 1308 sau khi nhậm chức trú trì chùa Báo Ân ở Siêu Loại, lúc Trúc Lâm còn sống. Tuy trụ sở trung ương đặt tại Vĩnh Nghiêm, Pháp Loa lại thường cư trú ở Báo Ân và Quỳnh Lâm.
Chùa tháp được tạo dựng rất nhiều. Nho gia Lê Bá Quát viết trong một cái bia để ở chùa Thiện Phúc với những dòng sau đây, than phiền rằng dân chúng lập chùa quá nhiều mà không chịu lập trường học và văn miếu: “Cái thuyết họa phúc của nhà Phật mà sao cảm động được lòng người sâu sắc đến thế nhỉ? Trên từ vương công dưới đến thứ nhân, hễ nói đến việc bố thí cúng dường vào Phật sự thì dù hết tiền hết của cũng không tiếc. Ngày hôm nay được cúng tiền vào việc xây chùa dựng tháp thì lấy làm hân hoan như là ngày hôm mai sẽ được báo ứng tốt đẹp. Thế cho nên từ trong kinh thành cho đến ngoài châu, phủ, khắp nơi thôn cùng ngõ hẻm, không cần ra lệnh mà cũng tuân theo, không bắt phải thề mà vẫn giữ đúng. Hễ chỗ nào có nhà ở thì có chùa Phật. Chùa hư nát thì sửa lại. Lâu đài chuông trống chiếm tới phân nửa dân cư. Sự hưng thịnh của đạo Phật quá dễ dàng mà sự tôn sùng thì rất mực. Ta thuở trẻ đọc sách, khảo xét xưa nay cũng biết rõ ít nhiều về đạo của thánh nhân, dùng để giáo hóa người ta mà rốt cuộc chưa thể gây được đức tin trong một làng. Từng dạo khắp núi sông, dấu chân đi hàng nửa thiên hạ, mà tìm nhà học và văn miếu chưa từng thấy ở đâu có. Do đấy ta rất lấy làm xấu hổ với tín đồ nhà Phật. Bèn viết ra đây để tỏ lòng ta.” (Ðại Việt Sử Ký Toàn Thư). Sách Truyền Kỳ Mạn Lục của Nguyễn Dữ cũng có nói: “Các chùa như Hoàng Giang, Ðồng Cổ, An Sinh, Yên Tử, Phổ Minh, Ngọc Thanh… dựng lên nhan nhản khắp nơi; những người cắt tóc làm tăng ni nhiều bằng nửa dân số thường. Nhất là ở huyện Ðông Triều, sự sùng thượng lại càng quá lắm: Chùa chiền dựng lên, làng lớn có đến hơn mười chùa, làng nhỏ cũng có chừng năm, sáu; ngoài bao bằng lũy, trong tô vàng son…” (Chuyện cái chùa hoang ở huyện Ðông Triều).
“Số người cắt tóc làm tăng ni cũng nhiều bằng nửa số dân thường”… Tuy sự thực không hẳn như vậy, nhưng quả thực số lượng tăng sĩ đời Trần chắc chắn là rất lớn. Chính vì tăng sĩ đông quá nên Giáo hội Trúc Lâm mới tổ chức kiểm tra tự viện và làm sổ tăng tịch. Chính vì tăng sĩ đông quá mà Pháp Loa mới hạn chế tổ chức giới đàn thọ giới ba năm một lần và mỗi lần như thế loại ra hàng ngàn thí sinh. Giáo hội Trúc Lâm sợ rằng nếu tăng sĩ đông quá mà không học tập và thủ trì giới luật thì tình trạng Phật giáo sẽ nguy ngập cho nên đã cho in Tứ Phần Luật và tổ chức các lớp học tập về giới luật tăng sĩ. Tứ Phần Luật được khắc in lần thứ nhất 5.000 bản vào năm 1322, các vị cao tăng như quốc sư Tông Cảnh và quốc sư Bảo Phác được triệu về để mở những lớp giảng dạy giới luật cho tăng sĩ. Tam Tổ Thực Lục chép riêng Pháp Loa đã dựng trên 200 tăng đường để làm nơi cư trú và tu học cho tăng sĩ. Số tăng ni được xuất gia từ năm 1313 (tức là năm hạn chế việc độ tăng) đến năm 1329 − tức là trong 16 năm, là 15.000 người. Ðó chỉ là số lượng người xuất gia trong khuôn khổ giáo hội Trúc Lâm, và đã được hạn chế. Như vậy mỗi kỳ có giới đàn, có khoảng 3.000 người được thọ giới. Ta không có con số về tăng sĩ thời đó, nhưng ta có thể nói rằng ít nhất số lượng tăng sĩ thời đó cũng là 30.000 vị. Tuyên Chính Viện nhà Nguyên cho biết hồi ấy ở Trung Quốc (năm 1291) có tới 213.418 tăng sĩ và 42.318 ngôi chùa. Tỷ số tăng sĩ Ðại Việt có thể cao hơn tỷ số tăng sĩ nhà Nguyên.
Bất động sản được tặng dữ cho các chùa Báo Ân, Quỳnh Lâm v.v… rất nhiều. Riêng chùa Quỳnh Lâm đã có trên 1.000 mẫu, và nuôi tới 1.000 người làm ruộng. Lợi tức có lẽ đã được dùng vào Phật sự và tăng sự trong giáo hội. Tuy nhiên, nếu không có sự ủng hộ của chính quyền thì giáo hội đã không thể nào thực hiện được việc trùng san Ðại Tạng Kinh, công trình văn hóa lớn lao nhất của Phật giáo đời Trần mà nay đã bị mai một. Ðại Tạng Kinh đời Trần đã được thực hiện trong 24 năm (1295 − 1319). Vua Anh Tông đã muốn bắt chước A Dục Vương ở Ấn Ðộ để trở thành một vị Nhân Vương Hộ Quốc. Vua đã nhờ Pháp Loa viết cho một cuốn sách chỉ dạy về đời sống của một vị quốc vương Bồ tát. Sách tên Hộ Quốc Nhân Vương Nghi Quỹ. Vua chưa kịp xuất gia thì đã mất; nếu không Giáo hội Trúc Lâm sẽ còn tiến xa hơn nữa trong đà phát triển nhập thế của nó.
VAI TRÒ VĂN HÓA VÀ CHÍNH TRỊ CỦA PHẬT GIÁO ÐỜI TRẦN
Ðặc tính của Phật giáo Trúc Lâm là nhập thế: Đạo Phật phụng sự cho đời sống: Đời sống tâm linh giải thoát cũng như đời sống xã hội. Hai phương diện ấy của đời sống con người cần được liên hệ với nhau và bổ túc cho nhau. Quốc sư Viên Chứng đã nói rõ về những nguyên tắc hướng dẫn đời sống của một nhà chính trị Phật tử: “Ðã làm người phụng sự dân thì phải lấy cái muốn của dân làm cái muốn của mình, phải lấy ý dân làm ý mình, trong khi đó không được xao nhãng việc tu học của bản thân”. Trần Thái Tông nói rằng: Nhà chính trị phải thực hiện đạo Phật trong xã hội (Giáo lý của đạo Phật chúng ta cần phải có các bậc tiên thánh để thực hiện trên đời − tựa Thiền Tông Chỉ Nam). Tuệ Trung “sống trong lòng thế tục, hòa ánh sáng của mình trong cuộc đời bụi bặm” (Thượng Sĩ Hành Trạng − Trúc Lâm). Nhân Tông đi khắp thôn quê, phá trừ dâm từ, khuyên dân thực hành Thập Thiện… Những tự viện trên núi tổ chức ẩn cư và kết hạ nhưng vẫn có liên hệ đến đời sống văn hóa, xã hội và chính trị quốc gia.
Về phương diện văn hóa, Phật giáo đời Trần đã có đóng góp lớn lao. Ưu điểm lớn nhất của Phật giáo là tinh thần khoan dung và tự do. Phật giáo không bao giờ chống đối và chỉ trích Nho giáo và Lão giáo. Phật giáo đã để cho Nho giáo và Lão giáo tự do phát triển. Chính những Phật tử thuần thành nhất như Thái Tông và Thánh Tông đã mở rộng Nho giáo. Năm 1253, Thái Tông lập Quốc Học Viện ở kinh sư và tạc tượng Chu Công, Khổng Tử, Mạnh Tử, cùng vẽ tranh 72 vị tiền hiền để thờ cúng. Thánh Tông đã cho hoàng đệ là Trần Ích Tắc mở trường dạy Nho học. Năm 1267, Thánh Tông chọn các nho sinh có học thức vững vàng để bổ nhiệm. Thái Tông mở các khoa thi năm 1232, 1247. Các khoa khác tiếp tục được tổ chức để kén chọn nhân tài. Nền giáo dục hồi đó còn mang tính chất tổng hợp tam giáo và không có tính cách từ chương. Kiến thức thực tế về đạo lý là căn bản. Văn chương và cú pháp là thứ yếu. Trong không khí học tập tự do và cởi mở ấy, triều đình đã đãi ngộ nhân tài và sĩ phu rất kính cẩn, cho nên người giỏi xuất hiện rất nhiều và sự học phát triển rất rộng. Nói về giới sĩ phu đời Trần, Lê Quý Ðôn đã viết trong Kiến Văn Tiểu Lục: “Các vị ấy phẩm hạnh và thanh giới cao khiết, có tư cách người trí thức quân tử như đời Tây Hán, không phải kẻ tầm thường sánh được. Bởi vì nhà Trần đãi kẻ sĩ một cách khoan dung, không hẹp hòi, hòa vị mà có lễ phép, cho nên nhân sĩ thời ấy ai cũng biết tự lập, anh hào tuấn vĩ vượt ra ngoài lưu tục, làm cho quang vinh cả sử sách, không thẹn với Trời Ðất, há phải đời sau kịp được đâu”.
Chính các đặc tính khoan dung và mềm dẻo của văn hóa đời Trần mà vua quan cùng dân chúng đã đồng tâm cộng tác trong việc chống ngoại xâm và xây dựng đất nước. Văn học đời Trần rực rỡ và phản chiếu tinh thần từ ái, hòa đồng và thanh thoát của đạo Phật. Tinh thần ấy không đi đôi với sự khiếp nhược, yếm thế; trái lại đã đi đôi với tinh thần tự lực, tự cường và tiến thủ. Rất tiếc là nhiều sáng tác của Phật gia và Nho gia đời ấy đã bị nhà Minh thiêu hủy, nếu không thì gia tài văn học và tư tưởng của đời Trần để lại sẽ phong phú biết chừng nào. Văn học chữ Nôm được hình thành trong đời Trần. Chính trong các sớ điệp, tăng sĩ phải sáng tác chữ Nôm để kê tên họ những người muốn cầu an, cầu siêu, thọ giới, và những người quá cố cần được siêu độ, do đó mà chữ Nôm ra đời. Trúc Lâm Ðiều Ngự và Huyền Quang đều có sáng tác bằng chữ Nôm và tác phẩm chữ Nôm của hai người còn truyền lại.
Nền văn hóa đời Trần mà đạo Phật là cốt tủy là một nền văn hóa độc lập. Vào hạ bán thế kỷ thứ mười bốn, có một số nho gia muốn thay đổi để bắt chước theo thể chế sinh hoạt văn hóa của Trung Hoa. Khi các nho thần Lê Bá Quát và Phạm Sư Mạnh yêu cầu vua Minh Tông thay đổi thể chế sinh hoạt văn hóa, vua trả lời “Nước ta đã có phép tắc nhất định, vả lại Nam Bắc phong tục khác nhau. Nếu theo lời của các ngươi, chỉ cốt để cho thành tựu mưu chước thì chỉ sinh loạn ra thôi”. Vua Nghệ Tông cũng nói: “Triều đình dựng nước tự có pháp độ riêng, không theo chế độ nhà Tống, là vì Nam Bắc đều làm chủ nước mình, không cần phải bắt chước nhau. Khoảng năm Ðại Trị (thời Dụ Tông), kẻ học trò mặt trắng được dùng, không hiểu ý sâu xa của sự lập pháp cho nên đem pháp chế cũ của tổ tông thay đổi theo tục phương Bắc cả, như về y phục, nhạc chương, không kể hết. Từ nay, chính trị buổi đầu phải trở lại theo đúng lệ cũ đời Khai Thái (đời Minh Tông)”. Ta thấy Phật giáo thời đó duy trì tính cách độc lập văn hóa, còn nho gia bắt đầu muốn Tống hóa nền văn hóa quốc gia Ðại Việt. Thời này, nho gia đã bắt đầu công kích Phật giáo rồi.
Văn học đời Trần thấm nhuần tính cách dung hợp và khai phóng của đạo Phật. Nền học vấn đời Trần không bị ràng buộc bởi khoa cử; chính sách tôn giáo của nhà Trần là một chính sách tự do và bình đẳng; giới sĩ phu dù xuất thân từ truyền thống tôn giáo nào cũng được triều đình đãi ngộ rất hậu. Ðó là những nguyên nhân khiến cho văn học đời Trần giàu có, sáng rỡ và đầy ý thức tự tin. Thi ca đời Trần chịu ảnh hưởng thiền học sâu đậm: Các thi sĩ nhiều người nhìn sự vật bằng cái nhìn của người biết tĩnh tâm thiền quán.
Thi phú bằng chữ Nôm xuất hiện trong thiền môn rất sớm. Nguyễn Thuyên làm bài văn tế cá sấu, được vua Nhân Tông ban cho họ Hàn. Các tác phẩm Nôm của Hàn Thuyên, của Nguyễn Sĩ Cố và của Chu Văn An hiện nay đều bị thất truyền. Nhưng Trúc Lâm Ðiều Ngự, người đã ban họ Hàn cho Nguyễn Thuyên, đã để lại hai tác phẩm Nôm: Một bài phú tên là Cư Trần Lạc Ðạo và một bài ca tên là Ðắc Thú Lâm Tuyền Thành Ðạo Ca, và Huyền Quang đã để lại một bài phú: Vịnh Vân Yên Tự. Ðiều này chứng tỏ thơ phú bằng chữ Nôm đã được khởi đầu trong giới thiền gia. Một bài thơ của vị tăng sĩ trú trì chùa Yên Quốc viết vào cuối đời Trần ca tụng chí khí của Nguyễn Biểu[3] chứng tỏ thơ Nôm trong thiền môn đến cuối đời Trần đã lên tới trình độ ngang với thơ Hán.
Chói lọi một vầng tuệ nhật
Ùn ùn mấy đóa tường vân
Tam giới soi hòa trên dưới
Thập phương trải khắp xa gần
Giải thoát lần lần nghiệp chướng
Quang khai chốn chốn mê tân[4]
Trần quốc xảy vừa mạt tạo
Sứ hoa bỗng có trung thần
Vàng đúc lòng son một tấm
Sắt rèn tiết cứng mười phân
Trần kiếp vì đâu gian khổ?
Phương hồn đến nỗi trầm luân!
Tế độ dặn nhờ từ phiệt[5]
Chân linh ngỏ được phúc thần[6].
Tăng sĩ đời Trần không trực tiếp đóng góp vào sự nghiệp chính trị nhưng Phật giáo đã là một yếu tố liên kết nhân tâm quan trọng. Tinh thần Phật giáo đã khiến cho các nhà chính trị đời Trần áp dụng những chính sách bình dị, thân dân và dân chủ. Ta nhớ lại hồi linh cữu Nhân Tông quàn tại điện Diên Hiền: Quần chúng hàng vạn người tràn vào sân, thềm và trong điện, đến nỗi không thể khởi hành đám rước được. Phương pháp mà triều thần nhà Trần áp dụng để giải tán bớt số đông là tổ chức từng đám hát đây đó trong cung điện để thu hút quần chúng đi ra. Năm 1284, trước thế xâm lăng vũ bão của quân Nguyên, Nhân Tông đã triệu tập Hội nghị Diên Hồng. Người tới dự hội nghị là ai? Không phải các vương thần, mà là các bô lão đáng kính trong dân gian. Vua Nhân Tông mỗi khi đi ngoài đường gặp gia nhân các vương thần thì hay dừng lại hỏi han, không cho vệ sĩ nạt nộ họ. Vua nói: “Lúc thái bình thì nhờ có thị vệ tả hữu, mà lúc nước nhà lâm hoạn nạn, thì chính những người gia nhân ấy đi theo bảo vệ”.
Một hôm có người dâng sớ báo cáo với vua Minh Tông là trong dân gian có những người lang thang, tới già cũng không có tên trong sổ, không chịu thuế dịch, sai phái tạp dịch thì không chịu đến. Vua nói: “Nếu không có người như thế thì sao có thể gọi là đời thái bình? Ngươi muốn ta trách phạt họ thì có được việc gì không?”. Những năm mất mùa, nhiều người bệnh tật, triều đình hay khuyến cáo những nhà giàu dâng thóc gạo để triều đình phát chẩn tế cho dân nghèo, và ban tước phẩm cho những nhà giàu dâng thóc gạo. Triều đình còn sai người chế thuốc để phát cho người bệnh. Năm 1362, vua ngự ở phủ Thiên Trường, nhân dân ai đói và bệnh có thể đến đấy để xin hai viên thuốc Hồng Ngọc Sương, hai tiền và hai thăng gạo. Ta hãy nhớ chuyện Hoàng Cự Ðà không được ăn xoài và chuyện vua Thánh Tông đốt tài liệu xin hàng của các quan để thấy thái độ khoan dung của các vua Trần. “Vua Thái Tông một hôm bảo các quan hầu cận ăn xoài, Hoàng Cự Đà không được ăn. Ðến khi quân Nguyên đến bến Ðông, Cự Ðà ngồi thuyền nhẹ trốn đi. Ðến Hoàng Giang gặp hoàng thái tử đi thuyền ngược lên. Cự Ðà tránh sang bờ sông bên kia, thế thuyền đi rất gấp. Quan quân hô to hỏi quân Nguyên ở đâu? Cự Ðà trả lời không biết, hãy hỏi bọn được ăn xoài ấy! Sau khi phá được giặc, thái tử xin trừng phạt Cự Ðà để răn đe những kẻ làm tôi bất trung. Vua nói: “Cự Ðà tội đáng chết cả họ; song đời xưa có việc Dương Chân không được ăn thịt dê đến nỗi làm quân nước Trịnh bị thua. Việc của Cự Ðà là lỗi của ta; tha cho tội chết, cho đánh giặc để chuộc tội” (Ðại Việt Sử Ký Toàn Thư). Còn đây là chuyện Thánh Tông đốt tài liệu hàng giặc của các quan: Khi quân Nguyên đang mạnh, triều thần lắm kẻ hai lòng, có giấy tờ giao thiệp với giặc. Sau giặc thua chạy về Bắc, triều đình bắt được một tráp biểu hàng của các quan. Ðình thần muốn lục ra để trị tội, nhưng thượng hoàng nghĩ rằng làm tội những kẻ tiểu nhân cũng vô ích, bèn sai đem đốt cả tráp đi, cho yên lòng mọi người.
Chính Nhân Tông đã sử dụng được tiềm năng của Phật giáo để phục vụ cho chính trị. Sự kiện xuất gia của vua, cũng như những năm hành đạo trong dân gian của vua, đã khiến Giáo hội Phật giáo Trúc Lâm trở nên một lực lượng tôn giáo hùng mạnh yểm trợ cho triều đại. Anh Tông sau khi nhường ngôi cho Minh Tông cũng đã có ý định xuất gia để nối tiếp sự nghiệp của Nhân Tông, nhưng chưa thực hành được thì đã mất. Một điều ta nên ghi nhận là những ông vua ấy tuy muốn sử dụng tiềm lực Phật giáo để liên kết nhân tâm, nhưng không phải vì vậy mà giả danh Phật tử. Họ là Phật tử chân chính và có ý nguyện phụng sự đạo Phật một lần với sự phụng sự quốc gia và triều đại của họ.
[1] Ðây là danh hiệu Phật.
[2] Quán đỉnh (Abhisecani) là một nghi thức Mật giáo. Ngày xưa khi một vị vua Ấn Ðộ lên ngôi, người ta lấy nước bốn biển rưới lên đầu vua trong ý niệm cầu chúc vua nối tiếp sự nghiệp đế vương một cách bền vững. Mật giáo đã phỏng theo ý này. Có hai loại lễ quán đỉnh của Mật giáo: Một là truyền giáo quán đỉnh, để trao truyền bí pháp cho người kế vị chức vụ A Xà Lê. Truyền giáo quán đỉnh cũng được gọi là truyền pháp quán đỉnh, hay thọ chức quán đỉnh. Hai là kết duyên quán đỉnh, phép quán đỉnh trao cho những người muốn được kết duyên với Phật giáo. Trong các lễ quán đỉnh này, những câu chân ngôn thần chú được tuyên đọc. Anh Tông, Văn Huệ Vương, Uy Huệ Vương là những người chỉ được nhận phép kết duyên quán đỉnh.
[3] Người bị tướng nhà Minh là Trương Phụ giết. Khi ông tới dinh Trương Phụ để thi hành một sứ mạng ngoại giao của vua Trùng Quang giao cho. Trương Phụ đã cho ông ăn cỗ đầu lâu. Ông đã ăn để tỏ đảm lược và khí phách của mình. Trương Phụ cho ông về, nhưng sau nghe lời gièm liền sai quân đuổi theo bắt lại. Ông đã mắng Trương Phụ là ngược tặc cướp nước. Trương Phụ giận sai đem đánh chết.
[4] Mê tân: Bến mê.
[5] Từ phiệt: Bè từ tế độ.
[6] Bài thơ này trích trong khảo luận của Hoàng Xuân Hãn về Nguyễn Biểu đăng trong Khai Trí Tiến Ðức Tập San, số 2 và 3 năm 1941, Hà Nội.