Từ Oxford đến Cambridge

 

Giao lưu với sinh viên các trường Đại Học Anh Quốc

Từ Imperial Colleege đến Đại học Luân Đôn (phần 1)

Từ Oxford đến Cambridge (phần 2)

thienhanhOxford.jpg


Đại học Oxford (từ ngày 13 – 14/3/2011)

Chia sẻ với những người bạn tại Hội Thân Hữu Hòa Giải Oxford (Oxford Fellowship of Reconciliation)

Tiến sĩ Millius Palayiwa, Giám đốc của Hội Thân Hữu Hòa Giải Oxford và các bạn thành viên chào đón quý thầy, quý sư cô Làng Mai rất nồng hậu. Họ vui mừng được gặp gỡ những đệ tử của Sư Ông Làng Mai, người mà họ đã từng gắn bó thân thiết, đồng thời họ muốn nghe quý thầy, quý sư cô chia sẻ về sự thực tập của mình trong đời sống hàng ngày. Thầy Pháp Uyển chia sẻ về những trải nghiệm và sự thực tập của mình khi tham gia vào quân đội Mỹ và phải chứng kiến bảy đồng đội của mình bị bắn  chết trong một trận đánh. Thầy Pháp Lai chia sẻ về cuộc sống trong Tăng thân. Thầy Pháp Lưu chia sẻ về những chuyển hóa của mình khi thực tập lắng nghe sâu. Sư cô Hiến Nghiêm chia sẻ về những gì mà mình đã làm để giúp quý thầy, quý sư cô ở Bát Nhã và những khó khăn mà Sư cô đã vượt qua với sự yểm trợ và tình thương yêu của Tăng thân. Cuối buổi chia sẻ, các bạn đã đặt rất nhiều câu hỏi cho quý thầy, quý sư cô về cuộc sống ở Làng Mai; làm cách nào để duy trì sự thực tập trong khi vẫn tham gia vào các công việc như giúp Bát Nhã; và làm sao để giúp trẻ em và thanh thiếu niên được bình an hơn trong thế giới ngày nay…

Trên trang web của Hội Thân Hữu Hòa Giải Oxford đã có lời nhận xét về buổi tối hôm đó như sau:

“Những đệ tử của Thầy Làng Mai đã chia sẻ kinh nghiệm cá nhân của mình về nghệ thuật sống tỉnh thức của đạo Bụt. Họ cũng chia sẻ về việc xây dựng Tăng thân như một phương thức giúp thay đổi xã hội… Đối với phong trào hòa bình trên thế giới thì những khái niệm như Tăng thân (beloved community) hay một hướng đi tâm linh giúp nuôi dưỡng sự bình an trong chính mỗi người (inner peace) không còn là những điều mới mẽ. Điều đáng chú ý ở đây là làm sao tất cả những điều này cùng được thể hiện trong cuộc sống của những tu sĩ trẻ và trong lời dạy của vị Thầy nổi tiếng của họ. Thật thú vị và hứng khởi khi được biết về những người trẻ đã từ bỏ lối sống hưởng thụ cá nhân để theo đuổi con đường phụng sự và hành động, dựa trên nền tảng xây dựng Tăng thân và tu tập cùng nhau trên con đường tâm linh… Chuyến đi của nhóm Wake Up do quý thầy, quý sư cô Làng Mai tổ chức chính là lời kêu gọi hành động và thương yêu đối với tất cả những người trẻ trên đất nước chúng ta”.

 

Ngày tu tập chánh niệm tại Trường Mansfield, Đại học Oxford

dharmahallatOxford.jpgĐây là một ngày rất đặc biệt, vì Thầy Dhammasami, trụ trì của Oxford Vihara – một trung tâm tu tập theo truyền thống Theravada tại Oxford cùng một thầy phụ tá đã đến tham dự. Trong thời gian ở Oxford, Quý thầy, quý sư cô đã nghỉ tại Oxford Vihara và được thầy Dhammasami đón tiếp rất nồng hậu. Thầy Dhammasami là một trong những thành viên của Ủy ban đã mời Thầy Làng Mai tham dự Đại lễ Phật Đản Vesak tổ chức tại Thái Lan năm 2007. Thầy hiện là Giám đốc của Trung tâm thực tập chánh niệm của Oxford (Oxford Center for Mindfulness).

Buổi sáng hôm đó, quý thầy, quý sư cô đã cho pháp thoại về chủ đề Ngũ Lực (Tín, Tấn, Niệm, Định, Tuệ). Thầy trụ trì Oxford Vihara cùng thầy phụ tá ngồi phía sau quý thầy, quý sư cô Làng Mai như những sư anh lớn đang có mặt để yểm trợ cho các sư em của mình.

Thầy Pháp Lưu mở đầu bài pháp thoại bằng phần chia sẻ về nguồn năng lượng thứ nhất, đó là Tín, niềm tin về phương pháp tu học có được dựa trên sự chứng nghiệm trực tiếp của chúng ta. Ta phải hỏi chính mình: phương pháp tu học này có mang lại hạnh phúc cho ta không? Có giúp cho ta tỉnh thức không? Tiếp sau Thầy Pháp Lưu, Sư cô Hành Nghiêm chia sẻ về nguồn năng lượng có được từ Chánh Tinh Tấn và phương pháp tưới tẩm những hạt giống tốt nơi ta và nơi người, hiến tặng sự có mặt đích thực cho những người xung quanh ta. Thầy Pháp Uyển chia sẻ về Niệm và về sự thực tập dừng lại, làm lắng dịu thân tâm, sử dụng thở ý thức để thực sự có mặt với những gì đang diễn ra trong ta và xung quanh ta. Thầy Pháp Linh chia sẻ về chánh định – nguồn năng lượng được sinh ra từ chánh niệm và sự khác biệt giữa chánh định và tà định (ví dụ như việc để hết tâm ý vào việc chơi game cả ngày lẫn đêm, quên ăn quên ngủ, đó là tà định, không phải là chánh định). Thầy cũng đồng thời chia sẻ về sự thực tập Vô nguyện, không mong cầu gì ở tương lai và sống trọn vẹn với những điều kiện hạnh phúc đã có đầy đủ trong phút giây hiện tại. Thầy Pháp Lai kết thúc bài pháp thoại với phần chia sẻ về hạnh phúc và tự do chân thực do tuệ giác mang lại; tuệ giác giúp chúng ta biết rõ điều gì nên làm và điều gì không nên làm để có được hạnh phúc và tự do.

Các bạn trẻ tham dự ngày tu tập chánh niệm cảm thấy rất xúc động khi được thực tập dừng lại, tận hưởng từng bước chân thảnh thơi và được ngồi ăn chậm rãi tận hưởng không khí tĩnh lặng và sự có mặt tươi mát của quý thầy, quý sư cô và những người bạn xung quanh. Các bạn còn được ngồi với nhau trong giờ pháp đàm để chia sẻ về những kinh nghiệm thực tập của mình, những khó khăn, lo lắng trong học hành, thi cử và tìm kiếm công việc trong tương lai…

Thầy trụ trì của Oxford Vihara và vị phụ tá đã tham dự tất cả các sinh hoạt của ngày quán niệm, ngay cả buổi ăn trưa quá ngọ lúc 1h chiều. Quý thầy cũng rất thích thực tập Thiền Buông Thư (quý thầy gọi đó là “Thiền ngủ”) và muốn áp dụng thiền buông thư vào trong chương trình cho trẻ em vào mùa hè tới.

 

Đại học Sussex, Brighton

sessexuBrighton.jpgRời Oxford, sau ba giờ đồng hồ trên tàu, quý thầy, quý sư cô Làng Mai đã có mặt tại Brighton và có một buổi tối gặp gỡ, chia sẻ với các bạn sinh viên trường đại học Sussex tại Trung tâm của Hội Quaker. Có 40 bạn trẻ tham dự, các bạn đều rất cởi mở và có tâm phụng sự, mong muốn đóng góp sức mình để thay đổi tình trạng thế giới hiện nay.

Sau khi cùng hát các bài thiền ca và thực tập thiền hướng dẫn, các bạn được nghe quý thầy, quý sư cô chia sẻ về chủ đề Tứ Vô Lượng Tâm (Từ, Bi, Hỷ, Xả) – bốn yếu tố của tình thương chân thực. Quý thầy, quý sư cô đã chia sẻ với các bạn về cách thức chăm sóc thân tâm mình, chăm sóc những cảm xúc mạnh và khổ đau của mình; mình phải hiểu và thương mình trước khi có thể thương yêu và giúp đỡ một ai khác. Các bạn còn được thực tập thiền quýt cùng Thầy Lưu. Sau phần chia sẻ, quý thầy, quý sư cô dành thời gian để trả lời những câu hỏi của các bạn trẻ. Có nhiều câu hỏi được đặt ra như: tại Làng Mai, quý thầy, quý sư cô thực tập như thế nào để đối phó với cuộc khủng hoảng môi trường toàn cầu? Làm thế nào để có thể theo đuổi sự nghiệp của mình mà vẫn giữ được sự thực tập và có bình an trong tâm? Làm thế nào để phát khởi tình thương với những người đang gây tàn hại đối với thế giới? Làm sao để ta không đắm chìm trong khổ đau khi đối diện với những điều tồi tệ đang xảy ra trên thế giới? …

 

Đại học Cambridge

Thầy Pháp Linh và Sư cô Hiến Nghiêm từng là sinh viên của Đại học Cambridge. Lần này được về thăm trường cùng Tăng thân, Thầy Pháp Linh và Sư cô Hiến Nghiêm có cơ hội hiến tặng hoa trái tu học của mình để giúp các bạn sinh viên vượt qua những khó khăn và căng thẳng trong học tập cũng như trong cuộc sống.

Tại Clare College thuộc đại học Cambridge, Quý thầy, quý sư cô Làng Mai đã có một buổi hội thảo với sinh viên. Buổi chiều hôm đó, quý thầy, quý sư cô cùng nhau cho pháp thoại dựa theo bài kệ:

ClareCollege.jpg

Đã về, đã tới

Bây giờ, ở đây

Vững chãi, thảnh thơi

Quay về, nương tựa.

Các bạn sinh viên đã được chia sẻ về sự thực tập trở về với hải đảo tự thân, trở về với ngôi nhà bên trong mình và làm sao để ngôi nhà đó luôn ấm áp, thân thương và trở thành một chỗ nương tựa mà ta luôn muốn trở về. Thầy Pháp Uyển chia sẻ với các bạn phương pháp thực tập lắng nghe chuông để trở về với chính mình (ở Cambridge các bạn có thể sử dụng tiếng chuông nhà thờ để thực tập mỗi ngày), và sử dụng hơi thở ý thức để chăm sóc những cảm xúc của mình. Khi đã trở về với chính mình, ta có thể nhìn rõ nguyên nhân của những ham muốn, thèm khát trong ta, và nhờ vậy ta mới có thể buông bỏ được chúng và thực sự có tự do. Thầy Pháp Linh chia sẻ thêm về những điều kiện hạnh phúc đã có đầy đủ trong ta và xung quanh ta; ta cần phải vượt thoát ý nghĩ “như vậy vẫn chưa đủ” và cần phải tìm kiếm thêm những điều kiện khác thì mới có thể hạnh phúc. Buổi hội thảo kết thúc với thiền buông thư do sư cô Hành Nghiêm hướng dẫn. Cuối buổi, các bạn sinh viên được tặng những tấm bưu thiếp với dòng chữ Đã về, Đã tới (I have arrived, I am home) do quý thầy, quý sư cô tự tay viết tặng.

Ra khỏi hội trường, các bạn còn được quý thầy, quý sư cô hướng dẫn đi thiền hành qua những con đường hai bên rực sắc vàng của hoa thủy tiên. Đến giờ chia tay, không ai chịu về hết, vậy là quý thầy, quý sư cô lại đứng hát cùng các bạn, nhưng rồi cũng không ai muốn về. Nhiều người đã đi theo quý thầy, quý sư cô sang trường Emmanuel để dự buổi giao lưu tối hôm đó.

 

Tại Emmanuel College (Sư cô Hiến Nghiêm từng là sinh viên của trường)

CambridgeUni.jpg

Buổi giao lưu với sinh viên của trường Emmanuel diễn ra với chủ đề “Những căng thẳng trong đời sống sinh viên và sự thực tập chánh niệm” (“Student Life, Stress and Mindfulness”). Sau phần thiền hướng dẫn, Thầy Pháp Linh đã chia sẻ về đời sống sinh viên trước đây của mình và Thầy đã thực tập như thế nào để ôm ấp những niềm đau, nỗi khổ và vượt qua cảm giác cô đơn trong lòng mình. Bằng cách tái lập truyền thông với gia đình, bạn bè và thầy cô giáo, Thầy đã tìm được nguồn hạnh phúc để nuôi dưỡng đời sống sinh viên của mình. Quan điểm về “tự lập” (independence) của Thầy đã thay đổi rất nhiều so với trước đây. Sư cô Hiến Nghiêm cũng chia sẻ kinh nghiệm vượt qua những căng thẳng trong trường học, rồi đến khi đi làm tại BBC và khi sống trong tu viện. Sư cô chia sẻ về sự thực tập hơi thở ý thức và thiền hành đã giúp Sư cô giữ được sự tươi mát của mình, tạo ra được không gian và tự do cho chính mình ngay trong những lúc căng thẳng. Thầy Pháp Lưu chia sẻ với các bạn rằng sự thực tập chánh niệm chính là để hiểu được nguồn gốc của những khổ đau và tìm thấy con đường thoát khổ, và Thầy đã trình bày với các bạn về Năm Giới – con đường đưa đến hạnh phúc chân thực.

Để có cơ hội tiếp xúc và tìm hiểu những khó khăn của các bạn sinh viên, quý thầy, quý sư cô đã chia ra thành nhiều nhóm tham vấn với các chủ đề khác nhau như: Ta sẽ làm gì với cuộc đời mình? Làm thế nào để đối diện với các cảm xúc mạnh? Thực tập Làm Mới như thế nào? Thực tập chánh niệm trong đời sống hàng ngày như thế nào? Ta cần làm gì trước tình trạng khủng hoảng môi trường và xã hội toàn cầu đang diễn ra hiện nay? Các bạn sinh viên rất hạnh phúc được ngồi lắng nghe quý thầy, quý sư cô chia sẻ. Không khí tối hôm đó thật là thân mật và cởi mở. Đến 10h tối mà các nhóm vẫn chưa thể kết thúc được. Quý thầy, quý sư cô thực sự cảm thấy mình đã thâm nhập được vào đời sống của sinh viên Cambridge. Một điều mà quý thầy, quý sư cô nhận thấy rất rõ qua chuyến đi Anh lần này đó là các bạn trẻ, đặc biệt là sinh viên, rất lo lắng về khả năng kiếm việc sau khi ra trường. Họ gặp nhiều khó khăn vì áp lực này.

Chuyến đi giao lưu với sinh viên các trường đại học Anh quốc đã khép lại nhưng dường như