Thư gửi bạn trẻ – Sóng không chỉ là sóng mà còn là nước nữa

Thân gửi các bạn trẻ như mình,

Lời đầu tiên mình thật sự rất biết ơn sự động viên của quý thầy và quý sư cô BBT Làng Mai đã giúp mình mạnh dạn hơn để bắt đầu những dòng đầu tiên cho bức thư này, với mục đích gửi đến các bạn trẻ như mình.

Vậy Mình là ai? Theo định nghĩa trên CMND thì mình có họ có tên, mình mang tư tưởng của cả 3 thế hệ X, Y và Z; có học vấn, đã từng có công việc lương ổn, vị trí tốt. Nhưng rồi mình nghỉ việc và trở thành một freelancer – để mình có thời gian tìm hiểu về chính mình, tìm hiểu về Phật pháp.

Mình vốn rất hay đặt những câu hỏi cho chính bản thân, nên các đoạn bên dưới sẽ bắt đầu bằng câu hỏi. Tiếp đó, là hành trình mình đi tìm câu trả lời, cũng như bắt đầu với Phật pháp như thế nào?

Vậy bây giờ, tụi mình ngồi lại cùng nhau, cùng tâm sự với nhau xem đâu đó bạn và mình có đang bên nhau không nha?

 

 

“Vì sao tốt nghiệp đại học xong phải đi làm? Lấy chồng/ lấy vợ và sinh con vậy ạ?”

Là câu hỏi của một đứa sinh viên dành cho người lớn, nhưng ai cũng trả lời nó là “Đây là quy luật” của cuộc sống rồi. Mình thấy chưa đúng ở đâu đó, vì sao nó phải đi theo quy luật này. Rồi mình quyết định lấy học bổng du học với cái suy nghĩ lúc đó “Thoát khỏi cái vòng tròn luẩn quẩn kia”.

Những người xung quanh bảo cái lý do mình đưa ra thật chẳng giống ai, và vì bản tính nổi loạn trong mình quá lớn nên mình quyết định vậy thôi. Nhưng với mình, chỉ đơn giản mình muốn trốn tránh và tìm ra câu trả lời cho riêng mình.

 “Rồi mình cũng có thoát ra được cái vòng tròn đó đâu?”

Về lại Việt Nam, mình làm tất bật sáng tối để bù lại thời gian mình đi học. Lúc đó mình phải cạnh tranh với các đồng nghiệp, vì kinh nghiệm làm việc của mình là số 0. Tất cả những gì mình có là vốn kiến thức chưa được thực hành bao giờ. Với một áp lực vô hình, khi thực sự làm việc tại Việt Nam mình mới thấy “Kinh nghiệm làm việc là trên hết”. Đây là sức ép cũng như động lực khá lớn để mình làm “bán mạng”- cụm từ mà mọi người nhìn vào mình thời điểm đó và nói. Đền đáp lại mình được đã được thăng chức, lên lương…

Và rồi lần đầu tiên ấy cũng xảy ra, mình phải cấp cứu khi đang trên đường về nhà vào cuối tuần. Lúc tỉnh dậy nhìn thấy trần bệnh viện, mình bật khóc. Khóc lớn ơi lớn, khiến ai cũng nhìn. Rồi ba má cũng không biết có chuyện gì mà mình khóc to đến vậy. Chỉ có bản thân mình hiểu bài học sâu sắc vào lúc đó “Quan trọng nhất vẫn là sức khoẻ, và những người thân bên bạn – đừng làm họ lo lắng vì bạn.”

Thời gian sau đó, tối nào mình cũng khóc và đặt câu hỏi “Có đáng không, có tiền thì như thế nào, lúc bạn chết rồi, ai sẽ là người đau khổ nhất lúc này?”. Rồi mình bị stress (căng thẳng), mình tự mâu thuẫn với chính bản thân và lặp lại vòng tròn suy nghĩ: “Nhưng cái vòng cơm áo gạo tiền đó, mình có thoát được đâu. Không có tiền thì cũng đâu trả được viện phí nếu mình nằm xuống…”

Mình bắt đầu không chịu được áp lực do chính mình tạo ra. Để xoa dịu tinh thần, mình quyết định xin nghỉ việc và đi học vẽ. Một lần nữa mình vẫn loay hoay muốn thoát ra.

 “Em là ai? Vì sao em lại ở đây? Sau khi chết, em sẽ đi về đâu?”

Có bao giờ bạn tự hỏi mình ba câu này chưa?

Đây là ba câu hỏi mình được một thiện tri thức đặt cho mình, người mình gặp được lúc đi học vẽ, và vẫn đang hướng dẫn mình thực tập đến bây giờ. Ba câu hỏi được đặt ra và mình phải tự tìm câu trả lời. Lúc đó mình băn khoăn nhiều lắm, không biết bắt đầu tìm ở đâu và như thế nào cả.

Mình đi tìm câu trả lời trên sách, triết học, trên mạng. Nhưng sách thì vô số, kiến thức thì nhiều vô kể. Cuối cùng mình bị lạc lối. Cho đến khi mình nhận được gợi ý là tìm hiểu về Phật giáo. Từ nhỏ mình từng biết đến chùa, tụng kinh, quy y và nghe pháp. Nhưng đến lúc này, mình chợt nhận ra: mình không biết gì cả. Một lần nữa, đầu mình như muốn nổ tung với những lầm tưởng hiểu biết của mình về Phật giáo.

Mình bắt đầu tìm hiểu về các khái niệm: “Đạo phật, Tam bảo, Tứ diệu đế, Bát chánh đạo, Nghiệp quả, Nhân duyên, Vũ trụ quan của Phật giáo” và nhiều nhiều các khái niệm liên quan khi mình tìm hiểu. Mình tiếp nhận kiến thức theo hướng đọc hiểu và chưa thể hiểu sâu về nó. Vốn liếng ban đầu của mình là tìm đọc trên Wikipedia hoặc các website (trang mạng) diễn đàn Phật học, nơi cho mình kiến thức tổng quan nhất. Lúc này mình có sơ khởi lên được câu trả lời, nhưng mình không biết liệu câu trả lời của mình là đúng hay sai. Mình mâu thuẫn với chính bản thân mình vào lúc này. Và vẫn bế tắc.

 

 

“Đời là bể khổ?”

Sau đó, mình cũng chuyển công tác vài nơi. Câu chuyện bất đồng quan điểm với sếp, công việc cứ lặp đi lặp lại mỗi ngày, hoặc đại loại các vấn đề chốn công sở với đồng nghiệp, với nhân viên mình cũng gặp cả; vui-buồn-giận-tủi đầy đủ trải nghiệm. Thêm nữa, chuyện tình cảm của mình cũng xảy ra chia ly vào thời điểm này.

Rồi mọi người truyền miệng nhau câu “Đời là vô thường mà”, “Có duyên thì gặp lại”. Lúc mới nghe thì mình hoàn toàn chưa hiểu được rõ nghĩa của Vô thường đâu, cứ nghĩ theo hướng buông xuôi thôi ấy. Rồi khi những suy nghĩ tiêu cực xuất hiện và mình bắt đầu mất niềm tin vào bản thân. Mình không biết mình sống vì mục đích gì? Cho dù mình có biết về Tứ đế, thì mình cũng chỉ đang nhìn mọi thứ xung quanh ở đâu cũng là khổ đau…

Cho đến khi, mình vô tình ra nhà sách và tìm đọc cuốn “Trái tim của Bụt” của Sư Ông làng Mai, vì mình vốn muốn hiểu và thực tập về Tứ diệu đế. Và thật may mắn hơn nữa khi mình tìm được kênh Youtube Làng Mai, mình đến được với Pháp thoại Phật pháp căn bản – Trái tim của Bụt.

Mình quyết định nghỉ làm và chuyển sang chế độ làm việc tự do để mình có thể tập trung nghe các bài giảng của Sư Ông đều đặn. Mỗi sáng thức dậy mình rất vui, tâm trạng như quay lại thời đi học vậy (có sách, có Sư Ông giảng bài, mình ghi chú lại kiến thức mình cần nhớ) và quan trọng là thực tập các bài giảng mỗi ngày.

Thời gian này mình mới thật sự hiểu, biết quán chiếu, và thực tập về Phật pháp. Khi gặp lại hai từ Vô thường, mình không còn sợ hãi nữa. Vô thường không có nghĩa là buông xuôi mà là biết cách trở về với hiện tại, về với ngôi nhà lâu ngày không quét dọn của mình. Và từ đây, mình tìm ra được các câu trả lời cho riêng mình.

Để mình thực sự hiểu ”Sóng không chỉ là sóng mà còn là nước nữa. Ngay khi nó nhận ra nó là nước thì mọi khổ đau tan biến” – Sư Ông Làng Mai.

 

 Bức tranh do chính tác giả vẽ 

“Hạnh phúc là gì và mình tìm được nó ở đâu?”

Mình chỉ vừa bước vào hành trình tu học và mình mong rằng các bạn không lạc lối, hoặc cảm thấy cuộc đời vô nghĩa như mình đã từng. Bạn nên biết rằng xung quanh bạn cũng có những người đang như bạn, bạn không hề cô độc trên hành trình này. Và hạnh phúc luôn hiện diện “bây giờ và ở đây”.

Mâu thuẫn của bản thân sẽ luôn có mặt, lúc này bạn nên tự hỏi mục tiêu của bạn là gì? Và tập trung nói chuyện với chính mình để tìm ra câu trả lời.

“Đừng tìm về quá khứ

Đừng tưởng tới tương lai

Quá khứ đã không còn

Tương lai thì chưa tới

Hãy quán chiếu sự sống

Trong giờ phút hiện tại

Kẻ thức giả an trú,

Vững chải và thảnh thơi.” 

(Trích trong “Kinh Người Biết Sống Một Mình”)

Trên đây là một phần câu chuyện của mình. Với mình, học Phật là con đường duy nhất giúp tìm ra được các câu trả lời. Mình vẫn đang tiếp tục bước đi trên hành trình này và mình biết mình không cô đơn.

Mình hiểu bạn cũng có rất nhiều câu hỏi và muốn tìm câu trả lời của riêng bạn. Vậy hãy bắt đầu xây viên gạch cơ bản nhất, bạn sẽ tìm được câu trả lời cho chính bạn.

Mình mong bạn luôn biết tưới tẩm những hạt giống thiện lành trên mảnh vườn của bạn, để bông hoa ấy nở thật đẹp và hương hoa lan toả tích cực đến mọi người xung quanh. Đóng góp việc tốt cho xã hội không nhất định phải đợi đến khi bạn phải sở hữu một cái gì đó đâu.

Các bạn trẻ, các bạn thích trải nghiệm thì cứ trải nghiệm. Quan trọng là biết quay lại nhìn về chính bản thân và đặt câu hỏi “Bạn thật sự muốn gì, sau hết tất cả?” 

Cảm ơn bạn đã đọc đến những dòng cuối thư này. Mong bạn tìm được câu trả lời cho chính bản thân và tưới tẩm cho mình một vườn hoa thơm ngát.

Thân ái,

Mình,

Diệu Thảo – Lương Vương Hạnh